TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Làm thế nào để ngăn chặn các hạt nhựa nano xâm nhập vào cơ thể?
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Làm thế nào để ngăn chặn các hạt nhựa nano xâm nhập vào cơ thể?

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Cà Kê Dê Ngỗng
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 10766

Bài gửiGửi: Sun Aug 04, 2024 11:28 pm    Tiêu đề: Làm thế nào để ngăn chặn các hạt nhựa nano xâm nhập vào cơ thể?

Làm thế nào để ngăn chặn
các hạt nhựa nano xâm nhập vào cơ thể?

(Hình: Epoch Times)


Trong khi những cuộc tranh luận về hiệp ước toàn cầu chấm dứt ô nhiễm nhựa vẫn đang tiếp diễn, các nghiên cứu đã cho thấy nhiều nguy cơ đối với sức khỏe con người và sự cấp bách cần phải tìm ra giải pháp.

Nhựa phân hủy thành những hạt bụi nhỏ như DNA của chúng ta - đủ nhỏ để hấp thụ qua da - đang được thải ra môi trường với tốc độ 82 triệu tấn mỗi năm. Những loại nhựa này, và hỗn hợp hóa chất tạo nên chúng, hiện là nguyên nhân chính gây ra bệnh tật, ảnh hưởng đến nguy cơ mắc các bệnh từ ung thư đến các vấn đề nội tiết.

Ô nhiễm nhựa đe dọa tất cả mọi thứ, từ động vật biển đến con người, một vấn đề mà các nhà khoa học, nhà hoạt động, nhóm công ty và chính trị gia đang tranh luận khi soạn thảo hiệp ước toàn cầu nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa. Các cuộc thảo luận này chỉ làm nổi bật thêm sự phức tạp của mối đe dọa dường như đặt tăng trưởng kinh tế và việc làm đối nghịch với thiệt hại thảm khốc cho con người và hành tinh.

Sự tăng trưởng nhanh chóng của nhựa chỉ mới bắt đầu từ thập niên 1950, và kể từ đó, sản lượng hàng năm đã tăng gần 230 lần, theo hai bộ dữ liệu được giải quyết bởi Our World in Data. Hơn 20% chất thải nhựa bị quản lý kém - kết thúc trong không khí, nước và đất.


Chúng ta vẫn có thể nhìn thấy những hạt bụi nhựa nhỏ bằng sợi tóc. Tuy nhiên, các hạt nhưa nano sẽ không thể nhìn thấy được nếu không có kính hiển vi. (Hình: The Epoch Times, Shutterstock)


Một vấn đề không thể tránh khỏi

Mặc dù nhựa không thể phân hủy sinh học trong một thời gian ngắn nhưng vật liệu này có thể tan rã thành những hạt rất nhỏ. Dù chúng ta không thể nhìn thấy nhưng nhựa vẫn đang liên tục tích tụ trong môi trường sống xung quanh chúng ta. Những hạt nhỏ này được gọi là các hạt bụi nhựa và hạt nhựa nano. Chúng có thể xâm nhập vào cơ thể chúng ta qua cả đường ăn, uống và cả hít thở.

Các hạt bụi nhựa có kích thước năm từ milimet trở xuống. Hạt nhựa nano là các hạt nhựa không thể nhìn thấy được, có kích thước khoảng một phần tỷ mét, tương đương với kích thước của DNA.

Nhựa là thành phần còn lại của dầu mỏ được thêm vào các hóa chất để làm thay đổi độ bền, độ đàn hồi và màu sắc. Dự án PlastChem đã lập ra một danh mục gồm hơn 16000 hóa chất, trong đó có 4200 hóa chất được xem là cực kỳ nguy hiểm.

Erin Smith, phó chủ tịch và trưởng bộ phận chất thải nhựa và kinh doanh tại Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF) đã nói với The Epoch Times rằng mức độ và các chủng loại đáng kinh ngạc của nhựa, trong đó có những loại gây ra nhiều tác động sức khỏe vẫn chưa được biết đến, chính là một hồi chuông cảnh tỉnh cho mọi người.

“Ô nhiễm nhựa có ở khắp mọi nơi” bà Smith nói. “Điều khó khăn hiện nay chính là ngành khoa học tìm hiểu tác động của nhựa trong cơ thể chúng ta từ góc độ sức khỏe con người vẫn còn rất mới”.

Bà Smith cho biết chúng ta phải tiếp tục chờ đợi khoa học khám phá tất cả những ảnh hưởng sinh học của nhựa, nhưng có một điều chắc chắn là: “Chúng ta biết những tác động này không tốt”.


Dữ liệu của Our World in Data cho thấy tỷ lệ ô nhiễm nhựa trên đầu người thải ra đại dương. Mỗi người Mỹ thải khoảng 0,01 kg (10 gram) rác thải nhựa ra đại dương mỗi năm. Với 336,500,000 người hiện nay, con số này là 3,311 tấn. (The Epoch Times)


Các vấn đề về sinh sản và thần kinh

Các nghiên cứu mới về sức khỏe con người đã cho thấy nhựa có nhiều tác động sâu rộng.

Trong một thông báo của nhóm Beyond Plastics vào tháng 3, bác sĩ Phil Landrigan, một chuyên viên về sức khỏe môi trường và trẻ em đã nói rằng: “Kết quả nghiên cứu rất rõ ràng: Nhựa gây ra bệnh tật, khuyết tật và tử vong. Vật liệu này gây ra tình trạng sinh non, cân nặng khi sinh thấp và thai chết lưu cũng như bệnh bạch cầu, u lympho, ung thư óc, ung thư gan, bệnh tim và đột quỵ. Trẻ sơ sinh, trẻ em, phụ nữ mang thai và công nhân tiếp xúc với nhựa là những người có nguy cơ cao nhất với các tác hại này. Những bệnh này có chi phí kinh tế hàng năm là 1,2 nghìn tỷ đô la”.

Trong vai trò là một nhóm vận động để thay đổi chính sách, nhóm Beyond Plastics đã báo động rằng các nghiên cứu mới cho thấy nhựa có thể khiến nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và tử vong cao hơn.

Những nghiên cứu tiếp theo đã phát giác rằng các hạt bụi nhựa ảnh hưởng đến mọi hệ thống trong cơ thể chúng ta và ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi.

Gần 3,600 nghiên cứu được tổ chức Minderoo ghi nhận đã nêu rõ các tác động của các polyme và các hóa chất phụ như chất làm mềm nhựa, chất chống cháy, bisphenol và các chất per- và polyfluoroalkyl. Phần lớn các nghiên cứu này cho thấy nhựa ảnh hưởng đến tác dụng nội tiết, chuyển hóa, hệ thống sinh sản và góp phần gây ra các vấn đề về tâm thần, hành vi và phát triển thần kinh.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Environmental Science & Technology đã đánh giá bao bì thực phẩm bằng nhựa của năm quốc gia và phát giác ra rằng các hóa chất gây rối loạn hormone rất thông dụng trong những bao bì này.

Các tác giả lưu ý: “Sự thông dụng của các hợp chất estrogen trong nhựa gây lo ngại về sức khỏe vì chúng có thể làm rối loạn hệ thống nội tiết. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề về phát triển và sinh sản cũng như làm tăng nguy cơ mắc các loại ung thư liên quan đến hormone, ví dụ như ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt”.

Toàn bộ ảnh hưởng của những hóa chất này vẫn chưa được biết hết. Theo tổ chức Minderoo, chưa đến 30% trong số hơn 1,500 hóa chất nhựa đã được đánh giá về tác động đến sức khỏe con người. Trong đó bao gồm cả các hóa chất “thay thế” được sử dụng để thay thế các phụ gia bị hạn chế sau khi được phát giác có vấn đề.

Giáo sư Sarah Dunlop, trưởng bộ phận nhựa và sức khỏe con người của tổ chức Minderoo, cho biết: “Tất cả các hóa chất nhựa mới nên được kiểm độ tra an toàn trước khi được đưa vào sản phẩm tiêu thụ và cần tiếp tục giám sát mức độ của chúng trong các mẫu sinh học của con người cũng như đánh giá các tác động đến sức khỏe trong suốt cuộc đời của cá nhân và qua nhiều thế hệ”.


Ô nhiễm nhựa tồn tại dưới nhiều hình thức, từ bao bì và rác thải làm tắc nghẽn kênh Buckingham ở Chennai, Ấn Độ cho đến các hạt nhựa của các công ty hóa dầu vương vãi trên mặt đất ở Ecaussinnes, Bỉ. (R. SATISH BABU, Kenzo TRIBOUILLARD / AFP qua Getty Images)


Hấp thụ vào da và động mạch

Một phát giác tương đối gần đây cho thấy rằng các hạt bụi nhựa có thể xâm nhập vào cơ thể con người bằng nhiều phương thức khác nhau. Điều này tiếp tục đem đến nhiều tin tức đáng ngại khác. Gần đây những hạt bụi nhựa và hạt nhựa nano phát giác được trong các mảng bám thành động mạch đã khiến nguy cơ đau tim, đột quỵ và tử vong tăng 350 phần trăm.

Một nghiên cứu được công bố vào ngày 6 tháng 3 trên tạp chí Y học New England đã theo dõi 257 bệnh nhân trong thời gian 34 tháng. Trong số những người tham gia nghiên cứu, có 58.4% người có polyethylene trong mảng bám động mạch cảnh và 12.1% người có polyvinyl chloride trong những mảng bám này.

Polyethylene là loại nhựa thông dụng nhất có trong chai lọ và túi xách, trong đó bao gồm cả lớp lót hộp ngũ cốc. Nhựa polyvinyl chloride còn được gọi là nhựa PVC, là một loại nhựa thông dụng khác thường được sử dụng trong vật liệu y tế và vật liệu xây dựng.

Theo một nghiên cứu khác được công bố vào tháng 4 trên tạp chí Environment International, ngoài phương thức xâm nhập qua đường tiêu hóa, các polyme còn có thể xâm nhập vào máu qua da. Nghiên cứu được thực hiện trên kiểu mẫu tương đương với da người, kết quả thu được thêm bằng chứng cho thấy khi nhựa phân hủy, chúng ta sẽ không thể tránh khỏi được việc hấp thụ các hạt nhựa này. Các hạt bụi nhựa đã được tìm thấy trong đất, nguồn nước, không khí và cả băng Bắc Cực.

Các chuyên viên phát giác rằng da đổ mồ hôi dễ hấp thụ các hạt nhựa hơn.

Khi đã xâm nhập vào cơ thể, các hạt nhựa sẽ bắt chước theo các hormone, tích tụ trong động mạch và góp phần gây ra một trong những bệnh lý phổ thông nhất hiện nay. Đó là tình trạng mất cân bằng giữa các gốc tự do và chất chống oxy hóa được gọi là stress oxy hóa.

Bác sĩ Bradley Bale, một chuyên viên về phòng ngừa đau tim và đột quỵ, đồng tác giả của cuốn sách “Đánh bại gen gây đau tim”, đã nói với The Epoch Times rằng có rất nhiều bằng chứng cho thấy nhựa gây ra hiện tượng stress oxy hóa.

Bác sĩ Bale nói: “Nhựa có mặt ở khắp nơi trên Trái Đất. Bạn sẽ thật ngớ ngẩn khi nghĩ rằng có thể loại bỏ hoàn toàn sự tiếp xúc với chúng. Điều đó gần như là không thể. Nhưng chúng ta có thể xem xét và giải quyết các vấn đề khác gây ra hiện tượng stress oxy hóa”.

Những vấn đề khác, trong đó bao gồm cách ăn uống kém và sự phơi nhiễm với các chất độc hại khác, có thể giải quyết được nhờ thay đổi lối sống, bổ sung dinh dưỡng hoặc tránh các yếu tố gây hại.

Bác sĩ Bale nghi ngờ rằng nghiên cứu về hạt hạt nhựa nano trong tương lai sẽ tiết lộ mối quan hệ giữa việc tiếp xúc với nhựa và các vấn đề như tử vong sớm, sa sút trí tuệ, ung thư, tiểu đường và các bệnh liên quan đến hiện tượng stress oxy hóa.


Các thành viên của nhóm Greenpeace giơ cao biểu ngữ trong các cuộc thảo luận tại Ottawa, Canada, vào ngày 23 tháng 4 năm 2024;


Làm thế nào để ngăn chặn sự tấn công của nhựa

Dọn sạch nhựa sau khi phân hủy là gần như không thể, do đó các nhóm vận động đang thúc đẩy các chính sách thúc đẩy giảm các sản phẩm sử dụng một lần như bao bì thực phẩm, chai lọ, hộp đựng thức ăn mang đi và túi nhựa. Đây là một số loại nhựa thông dụng nhất và gây nhiều vấn đề nhất.

Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc là một cơ quan đưa ra các quyết định về môi trường toàn cầu với đại diện từ tất cả các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc. Vào tháng 3 năm 2022, cơ quan này đã quyết định rằng vấn đề về nhựa cần phối hợp giải quyết. Tổ chức này cam kết đẩy nhanh một hiệp ước để giải quyết vấn đề nhựa ngày càng gia tăng trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, sau khi tổ chức phiên họp thứ tư trong năm phiên họp vào cuối tháng 4 tại Canada, nhóm này vẫn chưa quyết định được liệu có nên xác định các loại nhựa có vấn đề hay là kêu gọi loại bỏ hoặc giảm dần nhựa mới. Cuộc họp cuối cùng sẽ bắt đầu vào cuối tháng 11 và hiệp ước dự kiến sẽ được đưa ra vào năm 2025.

Trong khi đó, các nhà lập pháp Hoa Kỳ đang nỗ lực để đưa Đạo luật Thoát khỏi ô nhiễm Nhựa ra xem xét tại Quốc hội lần thứ ba. Đạo luật được đưa ra lần đầu vào năm 2020 nhưng hiện vẫn đang trì hoãn tại ủy ban của Quốc hội. Nội dung của đạo luật đề xuất các biện pháp như giảm thiểu và cấm sử dụng một số loại nhựa dùng một lần, có khoản tài trợ cho các sản phẩm có thể sử dụng lại, yêu cầu các công ty phải chịu trách nhiệm về vấn đề ô nhiễm nhựa và tạm thời cấm các cơ sở sản xuất nhựa mới cho đến khi xây dựng được các biện pháp bảo vệ.


Tổ hợp hóa dầu Shell Pennsylvania sản xuất nhựa từ hơi đốt tự nhiên “cracking” ở Quận Beaver, gần Pittsburgh, PA. (Mark Dixon/Flickr)


Kinh tế học về nhựa

Nhựa đóng vai trò quan trọng đối với nhiều ngành kinh doanh. Chính mình ngành kỹ nghệ nhựa cũng có ý nghĩa và ảnh hưởng lớn. Tuy nhiên, nhựa không mang lại lợi nhuận cao như nhiều người tưởng. Các cơ sở sản xuất nhựa mới thường nhận được trợ cấp và giảm thuế, khiến cho chi phí sản xuất nhựa trở rẻ hơn. Sự hỗ trợ tài chính này đã tăng đáng kể trong ba năm qua.

Ngoài các khoản trợ cấp trực tiếp cho nhiên liệu hóa thạch, ngành kỹ nghệ nhựa và kỹ nghệ hóa dầu còn được hưởng lợi từ các khoản tài trợ, giảm thuế và các ưu đãi. Theo Trung tâm Luật Môi trường Quốc tế, do thiếu minh bạch, con số điển hình về các khoản trợ cấp này rất khó xác định. Nhóm này đang kêu gọi Liên Hiệp Quốc cấm một số khoản trợ cấp nhất định, trong đó bao gồm cả những khoản làm giảm giá nguyên liệu thô dùng để sản xuất nhựa.

Một số tổ chức đặt câu hỏi liệu những ưu đãi này có thực sự mang lại ích lợi cho nền kinh tế địa phương và người nộp thuế nói chung hay không.

Dự án Toàn vẹn Môi trường đã đưa ra một báo cáo vào tháng Ba cho thấy 64% trong số 50 nhà máy nhựa được xây dựng hoặc mở rộng tại Hoa Kỳ từ năm 2012 đã nhận được gần 9 tỷ USD trợ cấp từ chính quyền bang và địa phương. Các trở ngại ngoài ý muốn xảy ra thường xuyên, trong đó bao gồm vi phạm giấy phép ô nhiễm không khí ở 42 nhà máy và hơn 1.200 tai nạn như cháy nổ. Giấy phép sửa đổi do tiểu bang cấp tại 15 nhà máy làm tăng thêm lượng khí thải và thường vượt ra ngoài giới hạn của các nhà máy này.

Báo cáo trường hợp được Viện Ohio River Valley công bố vào tháng 6 năm 2023 đã đánh giá cơ sở sản xuất hạt nhựa trị giá 6 tỷ đô la của Shell được xây dựng tại Quận Beaver, Pennsylvania.

Báo cáo cho biết, “Từ khi bắt đầu, các giám đốc ngành và viên chức chính phủ đều cho rằng dự án sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương và đầu tư kinh doanh mới. Tuy nhiên, sự thịnh vượng vẫn chưa đến. Quận Beaver đã có sự suy giảm dân số, không có tăng trưởng GDP, không có tăng trưởng việc làm, tiến độ giảm nghèo không đáng kể và không có tăng trưởng công ty, ngay cả khi đã tính đến tất cả các công nhân xây dựng tạm thời ở công trường”.


Thông điệp ủng hộ nhựa tại các khách sạn ở Ottawa trong các cuộc họp của UN INC. (IISD-ENB/Kiara Worth, DAVE CHAN/AFP qua Getty Images)


Giải pháp mâu thuẫn cho thế giới của nhựa

Hiệp hội Kỹ nghệ Nhựa cho rằng nhựa “làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn”. Đây là câu mà hiệp hội này muốn đưa vào hiệp ước về nhựa.

Hiệp hội này đại diện cho hơn 1 triệu công nhân trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Theo hiệp hội này, ngành kỹ nghệ nhựa trị giá 468 tỷ đô la, là ngành sản xuất lớn thứ sáu ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, hiệp hội kỹ nghệ nhựa đã không phản hồi các yêu cầu phỏng vấn của The Epoch Times.

David Zaruk, một giáo sư truyền thông ở Bỉ có bằng tiến sĩ triết học, đã nói với The Epoch Times rằng sự phản đối nhựa là một cuộc tấn công vào ngành kỹ nghệ nhiên liệu hóa thạch và là một phần của “chương trình nghị sự chính trị chống tư bản lớn hơn”. Ông cho rằng giá trị của nhựa đối với xã hội thường bị đánh giá thấp.

Giáo sư Zaruk chỉ ra một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Environmental Science and Technology vào năm 2024 đã kết luận rằng nhựa bền vững hơn nhiều với lượng khí thải nhà kính thấp hơn so với các lựa chọn thay thế như giấy, thủy tinh và nhôm. Đây là nhiều loại vật liệu đã dùng nhựa để thay thế. Các cuộc tranh luận thường bỏ qua tác động môi trường của các vật liệu thay thế khác, ghi chú của các nghiên cứu và trong một số trường hợp, không có vật liệu nào có thể thay thế cho nhựa.

Gần đây, trên blog trực tuyến Firebreak, giáo sư Zaruk đã viết: “Điều này cũng không phải là một phát giác gần đây. Trong nhiều năm qua, các nhà khoa học học thuật đã nói rằng nhựa phục vụ những tác dụng cần thiết. Khi nói về các ứng dụng ngắn hạn của nhựa, hai chuyên viên chuỗi cung ứng đã tranh luận vào năm 2019 rằng ‘cần có một số bao bì nhựa để ngăn ngừa sự lãng phí thực phẩm và bảo vệ môi trường’. Ngoài ra, lãng phí thực phẩm tạo ra lượng khí thải nhà kính gần gấp đôi so với sản xuất nhựa”.

Hiệp hội Kỹ nghệ Nhựa đã quảng bá mạnh mẽ cho nhựa tái chế và nhựa phân hủy sinh học nhưng các nhà phê bình cho rằng cả hai loại nhựa này đều có những vấn đề nội tại.

Ở Hoa Kỳ, chỉ có 4 phần trăm nhựa được tái chế. Trong khi đó một lượng nhựa tương đương đã trôi vào các con sông, đại dương và đất, sau đó phân hủy thành các hạt bụi nhựa và hạt nhựa nano sẽ tồn tại hàng thế kỷ.

Hiệp ước Nhựa Hoa Kỳ là sự hợp tác của hơn 100 công ty, tổ chức phi lợi nhuận, cơ quan chính phủ và tổ chức học thuật do tổ chức The Recycling Partnership và Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới khởi xướng. Hiệp ước này đã xác định 11 loại nhựa có vấn đề. Các thành viên sẽ đặt mục tiêu tự nguyện loại bỏ những loại nhựa này vào năm 2025. Thành viên ở đây là những người sử dụng nhựa và các sản phẩm này đều là sản phẩm nhựa hoàn chỉnh hoặc các thành phần nhựa không thể tái chế, có thể gây ra các vấn đề cho hệ thống tái chế và có thể loại bỏ hoặc thay thế được.

Một số công ty lớn ủng hộ hiệp ước này. Tuy nhiên Hiệp hội Kỹ nghệ Nhựa lại nhìn nhận tiêu cực về hiệp ước và cho rằng đây là nỗ lực để “dạy cho những người khác cách điều hành công ty bằng cách hạn chế lựa chọn của họ”.

Hiệp hội này cho rằng cách tốt nhất để tăng cường tái chế chính là thông qua giáo dục và đổi mới.


Dữ liệu của Our World in Data cho thấy sự gia tăng trong sản xuất nhựa được tính bằng tấn. (Hình: The Epoch Times, Shutterstock)


Hóa chất bí ẩn được tái chế

Tuy nhiên, theo Therese Karlsson, cố vấn khoa học cho Mạng lưới Loại bỏ Chất ô nhiễm Quốc tế (một công ty toàn cầu của các nhóm ích lợi công cộng), tái chế không phải là giải pháp hoàn hảo cho vấn đề nhựa. Nhựa tái chế có thể gây ra thêm nhiều mối nguy hiểm vì loại nhựa này được làm từ hỗn hợp các sản phẩm những và các chất hóa học không rõ.

Bà Karlsson nói với The Epoch Times: “Chúng tôi đã nghiên cứu rất nhiều về nhựa tái chế. Bạn sẽ có nhiều loại nhựa khác nhau mà bạn không biết chúng chứa gì. Bạn kết hợp chúng thành một loại nhựa mới mà bạn còn biết ít hơn về thành phần. Là người tiêu thụ, bạn không thể nhìn vào một mảnh nhựa và biết liệu nó có an toàn hay không. Chúng ta chỉ biết rằng nhiều hóa chất được sử dụng trong nhựa rất độc hại”.

Một cuộc điều tra của IPEN vào tháng 4 đã phát giác ra các hạt nhựa từ cơ sở tái chế của 24 quốc gia có hàng trăm hóa chất độc hại, trong đó bao gồm thuốc trừ sâu, hóa chất kỹ nghệ, dược phẩm, thuốc nhuộm và hương liệu.

Bà Erin Smith, phó chủ tịch của WWF cho biết: “Kỹ thuật tái chế của chúng ta chỉ đơn giản là không hiệu quả và hầu hết các sản phẩm này đều sẽ đến bãi rác” và bổ sung thêm rằng: “Sẽ không cần bảng hướng dẫn để quyết định món nào nên bỏ vào thùng tái chế màu xanh, bởi vì tất mọi thứ đều được thiết kế để phù hợp với hệ thống này”.

Những thay đổi nhỏ tạo ra sự khác biệt lớn

Nếu không có sự can thiệp của chính phủ, bà Smith cho biết có một số mẹo đơn giản mà người tiêu thụ có thể thực hiện để hạn chế việc tiếp xúc với nhựa:

    • Mua sắm bằng loại túi sử dụng lại.

    • Không để đồ nhựa trong lò vi ba hoặc máy rửa chén vì nhiệt có thể làm giải phóng thêm các polyme.

    • Mua hộp đựng thức ăn bằng kim loại hoặc thủy tinh để thay thế túi nhựa.

    • Sử dụng vải sáp ong thay cho màng bọc nhựa.

    • Thay tấm sấy bằng bóng len.

    • Mang theo ly để uống nước và uống cà phê.

    • Cân nhắc sử dụng túi rác sử dụng lại.

    • Sử dụng và mang theo ống hút kim loại, que khuấy và đồ dùng sử dụng lại.

    • Không vứt rác bừa bãi và nhặt rác bỏ vào thùng nếu bạn gặp phải trên đường.

(theo Amy Denney)
Đức Nhân biên dịch

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Cà Kê Dê Ngỗng Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân