Gửi: Mon Mar 23, 2020 1:40 pm Tiêu đề: Chủ căn nhà nên làm gì nếu xảy ra một cuộc suy thoái?
Chủ căn nhà nên làm gì nếu xảy ra một cuộc suy thoái?
Một căn nhà bị ngân hàng tịch thu trong đợt kinh tế suy thoái hồi năm 2009. (Hình: Getty Images)
Chỉ trong một vài tuần lễ, tình hình đã biến đổi nhanh chóng! Chúng ta đã khởi sự năm 2020 với một tâm trạng lạc quan, khi dự đoán nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ phát triển vững chắc – hoặc vừa phải, tiếp tục thời kỳ mở rộng dài nhất từ trước tới nay. Có vẻ như những trở ngại lớn duy nhất là những căn nhà có giá phải chăng có được thị trường cung cấp hay không.
Thế rồi dịch bệnh COVID-19 lan tràn trên khắp thế giới, và để đáp lại, khung cảnh xã hội và kinh tế đã biến chuyển.
Vào ngày 3 Tháng Ba, 2020, Quỹ Dự Trữ Liên Bang (Fed) loan báo cắt giảm lãi suất ngắn hạn của liên bang 50 điểm căn bản (0.50%). Đó là sự cắt giảm lớn nhất trong phí tổn vay tiền kể từ cuộc Đại Suy Thoái năm 2008. Nhưng dù sau hành động này, hoat động kinh tế không sao tránh khỏi sẽ chậm lại, giữa lúc giới tiêu thụ và các công ty cắt giảm việc đi lại, hội họp, ăn uống, chỗ ở, và những chi tiêu khác. Và những lời bàn tán về một vụ suy thoái đang tăng lên.
Theo truyền thống, một thời kỳ được coi như suy thoái khi sản phẩm gộp nội địa (GDP) sụt giảm trong hai tam cá nguyệt liên tiếp, mặc dù các yếu tố khác cũng được xem xét. Và những cuộc suy thoái đều có những đặc điểm chung như: thất nghiệp tăng, tiền lương không tăng hoặc tăng chậm, giá nhà sụt giảm, và việc vay tiền giảm bớt.
Ảnh hưởng của cuộc suy thoái trong những năm 2008-2009 vừa qua vẫn dai dẳng trong ký ức của chúng ta.
Nên có kế hoạch đương đầu với suy thoái từ bây giờ
Như người ta thường nói “không hoạch định chẳng khác gì hoạch định để đi tới thất bại.” Trong khi một kế hoạch không cần phải quá phức tạp, nó cần xem xét tới hoàn cảnh của bạn, giai đoạn trong đời sống, các mục tiêu, và các tài nguyên.
Hãy khởi sự với việc đánh giá tình trạng tài chánh của bạn: bạn mới bắt đầu đi làm hay đã gần nghỉ hưu? Bạn có gia đình và những người phụ thuộc vào bạn về mặt tài chánh không? Hãy ghi số tiền bạn kiếm được và bạn đem về nhà được bao nhiêu sau khi trừ thuế. Rồi so sánh con số đó với số tiền mà bạn phải chi tiêu cho chỗ ở, các tiện nghi, thực phẩm, di chuyển, du lịch, giải trí, quà tặng, từ thiện, và những khoản nào khác. Hãy xác định đâu là những phí tổn cố định và đâu là những phí tổn mà bạn có thể cắt giảm, nếu cần.
Sự mất việc làm là một mối đe dọa lớn trong một vụ xuống dốc, do đó một phần thiết yếu trong kế hoạch của bạn phải là khoản tiền tiết kiệm. Theo truyền thống, các nhà hoạch định tài chánh khuyên nên dành riêng đủ tiền mặt để trang trải từ ba đến sáu tháng chi tiêu. Tuy nhiên, trong vụ suy thoái 2008-2009, nhiều người bị thất nghiệp tới một năm hoặc lâu hơn.
Lời khuyên cho các chủ nhà
Khoảng 60% chủ nhà còn mắc nợ thế chấp, điều đáng quan tâm vào một lúc nền kinh tế bất trắc. Với tư cách một chủ nhà, bạn cần xem xét những điều sau đây:
Thiết lập một quỹ khẩn cấp: một quy tắc là có đủ tiền để sinh sống trong trường hợp bạn bị thất nghiệp. Nếu bạn là một chủ nhà, nên hoạch định để có đủ tiền trang trải nợ thế chấp từ 6 đến 12 tháng. Đây là một mục tiêu đáng để bạn nhắm tới.
Tìm cách giảm bớt các chi tiêu: Lãi suất thế chấp đã giảm tới những mức thấp kỷ lục, do đó có thể là một cơ hội để bạn giảm bớt những kỳ thanh toán hàng tháng bằng cách tái tài trợ. Hãy kiểm điểm lãi suất để xét xem có nên tái tài trợ hay không.
Coi căn nhà của bạn như một tài sản: Trong trường hợp mất việc, có thể bạn nên sử dụng equity của căn nhà để vay tiền. Nên kiểm soát với một cố vấn tài chánh để xem đó có phải là một giải pháp tốt cho bạn hay không.
Xem xét việc trả dứt món thế chấp: Nếu bạn là một chủ nhà từ lâu, có thể có một cơ hội để trả dứt món thế chấp của bạn hoặc chuyển sang một món vay thời hạn ngắn hơn. Điều này có thể giúp giảm bớt những kỳ thanh toán hàng tháng hoặc loại hẳn món nợ thế chấp của bạn, giúp tình trạng tài chánh của bạn có một căn bản mạnh mẽ hơn.
Lời khuyên cho những người dự tính mua nhà
Mặc dù nhiều người nghĩ tới suy thoái như một mối đe dọa, cũng nên nhớ rằng những cuộc suy thoái cũng có thể là một cơ hội, nhất là nếu bạn có chuẩn bị. Như vụ suy thoái vừa qua chứng tỏ, với các thị trường được giảm giá, nhiều người mua có chuẩn bị đã tìm thấy những kho tàng, thường ở những căn nhà giá hạ. Nếu bạn nghĩ tới chuyện mua nhà, đây là vài điều bạn cần nhớ:
Hãy nghiên cứu về tài chánh. Nếu bạn không cảm thấy tự tin, hoặc yên chí rằng lợi tức của bạn ổn định, có thể tốt nhất bạn nên ngưng việc tìm nhà.
Biết bạn đang tìm kiếm gì. Hãy lập một danh sách ngắn những khu phố mà bạn thích, cùng với cỡ nhà, các đặc điểm, thời gian đi lại, để giúp thu hẹp việc tìm kiếm.
Sẵn sàng để hành động nhanh chóng. Hãy sẵn sàng với một thư chấp thuận trước món vay trong trường hợp căn nhà hoàn hảo của bạn xuất hiện trên thị trường và bạn cần hành động nhanh chóng để đánh bại những đề nghị khác.
Nên kiên nhẫn. Số nhà bán đã sụt giảm với tỉ lệ hai con số trong bảy tháng qua. Khoảng 1 phần tư những người mua nhà lần đầu đã phải bỏ ra hơn một năm để tìm nhà. Trong những điều kiện thị trường như thế này, điều quan trọng là bạn phải sẵn sàng, nhưng cũng phải kiên nhẫn.
Bạn không có quyền gửi bài viết Bạn không có quyền trả lời bài viết Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn Bạn không có quyền tham gia bầu chọn