Gửi: Sun Feb 03, 2019 12:31 am Tiêu đề: Heo - giống vật khôn ngoan
Heo - giống vật khôn ngoan
Ba con heo và chó sói
Những câu chuyện nhi đồng được kể trước giờ đi ngủ bao gồm cả câu chuyện của ba chú heo. Chú út xây nhà gạch nên thoát khỏi tai nạn bị chó sói ăn thịt trong khi hai chú heo anh ẩn náu trong nhà tranh, nhà gỗ không an toàn và trở thành món nhậu của chó sói. Ðại khái là qua câu chuyện kể, tác giả [chuyện ngụ ngôn] cho rằng loài heo biết quan sát và biết hoàn thiện công việc.
Giả thuyết kể trên vừa được các chuyên gia chứng minh là sự thật, heo biết... soi gương và nhận biết sự vật chung quanh. Bác Sĩ Thú Y Donald M. Broom, Ðại Học Cambridge, Anh, đã tường trình kết quả cuộc thử nghiệm do ông dẫn đầu trên tạp chí Animal Behavior. Nhóm chuyên gia đã dùng gương soi để heo nhìn ngắm và quan sát các hoạt động của chúng. Heo nhận ra hình ảnh, và biết dùng các hình ảnh này để thám thính môi trường chung quanh mà tìm thức ăn!
Thí nghiệm của Bác Sĩ Thú Y Donald M. Broom
Những con heo từ 7 đến 8 tuần lễ được thả vào một chuồng gắn gương soi. Các con vật bị thu hút bởi hình ảnh, chúng hướng mõm vào gương, tạo ra những âm thanh như khi được cho ăn, tiến đến gần và sau cùng dụi mõm vào gương (tương tự như con người sờ mó). Rồi nhìn ngắm hình ảnh chúng từ những vị trí khác nhau, và sau cùng thám thính đằng sau tấm gương! Ngày thứ nhì, khi tấm gương được đặt vào chuồng, các con heo cuống quýt chạy quanh. Những dữ kiện kể trên cho thấy loài heo biết ghi nhận ra hình ảnh vật thể, biết đi tìm vật thể trong gương và có trí nhớ về những hiện tượng đã xảy ra.
Trong thí nghiệm kế tiếp, các chuyên gia đặt tô thức ăn để hình ảnh (của tô thức ăn kia) phản chiếu trong tấm gương. Những con heo có kinh nghiệm về “hình ảnh” (qua gương soi), quay đi và tìm ra tô thức ăn trong 23 giây. Những con heo chưa bao giờ soi gương thì chạy quanh vòng qua đằng sau tấm gương đi tìm thức ăn. Tóm lại là heo “biết” phân biệt hình ảnh (virtual image) và vật thể.
Ông Broom chưa đoan quyết được việc giống heo nhận ra hình ảnh của chính nó hay không. “Nhận ra mình”, căn bản của sự nhận biết vị trí của mình trong môi trường chung quanh, là dấu hiệu của trí thông minh. Loài vật như dã nhân, cá heo, và một số chủng loại khác có khả năng tự nhận biết và được xem là những động vật có trí khôn. Với loài heo, đây còn là một câu hỏi.
Các chuyên gia khác cũng tìm hiểu trí khôn của loài heo cho thấy giống vật này ghi nhận rất nhanh, chúng nhớ được nơi cất thực phẩm và nơi nào chứa nhiều thực phẩm nhất. Con heo A hầu như “nhận” ra dấu hiệu và theo sát con heo B khi “thấy” B biết chỗ chứa thức ăn. Ngược lại, B cũng biết cách “gạt” con heo A ra rìa để nó có thể ăn một mình! Những đoạn phim này cho thấy miếng đỉnh chung cũng khá tồi tàn trong loài vật! Không biết con người bắt chước con vật hay tự bẩm sinh đã như thế?
Heo trong gánh xiếc
Theo Tiến Sĩ Suzanne Held, University of Bristol, heo là giống vật bắt chước rất nhanh, có thể huấn luyện để làm xiếc như nhiều loài vật khác: nhảy qua vòng tròn, trải thảm, chăn cừu, mở đóng cửa chuồng, dùng joystick chơi trò chơi điện tử... Heo có trí nhớ siêu việt, do đó học được điều mới lạ ngay lần đầu tiên, nhưng cũng trí nhớ sâu đậm này khiến loài heo khó thay đổi sau khi đã được huấn luyện. Khi con vật sợ hãi một lần, chúng hầu như không thể vượt qua sự sợ hãi kia.
Kể về nguồn gốc, heo có mặt ít nhất là đã 8,000 năm, được thuần hóa từ heo rừng (wild boar) tại Âu và Á Châu. Việc thuần hóa tương đối dễ vì heo thích quanh quẩn nơi đổ rác. Săn heo không dễ nhưng ta có thể dùng rác để dụ dỗ chúng đến gần và bắt!
Theo Tiến Sĩ Suzanne Held, University of Bristol, heo có trí nhớ siêu việt
Loài heo là một cái máy chuyển hóa hữu hiệu, ăn tạp từ rác rưởi cặn bã của con người nhưng những thứ phế thải kia lại trở thành những tảng thịt ngon lành! Thịt heo rất phổ thông; tại một số nơi, heo được dùng để trao đổi như tiền tệ!
Dù được nuôi như gia súc, heo vẫn không mất đi trí khôn của heo rừng sống trong hoang dã, cách sinh sống của heo xoay quanh thực phẩm và môi trường chung quanh. Heo rừng sống từng bầy, nương tựa và chăm sóc lẫn nhau để chống lại kẻ thù chung, heo cũng biết lùng sục, tìm kiếm thực phẩm tại những vùng đói kém; cái mõm được sử dụng một cách khéo léo tương tự như cách con khỉ dùng bàn tay để thám thính môi trường chung quanh.
Con heo Moritz đặt các khối màu hình con heo vào chỗ các lỗ màu tương ứng trên một tấm gỗ. Moritz làm điều này bằng cách sử dụng mõm, mà không cần bất kỳ sự giúp đỡ nào.
Heo có nhiều đặc tính giống con người, và cái giống kia không chỉ về cách hành động, xử sự mà cả về di thể! Tiến Sĩ Lawrence Schook tại University of Illinois, Urbana-Champaign, đã công bố bản phân tích di thể heo. Bản phân tích này cho thấy di thể heo có cấu trúc rất gần gũi với di thể con người. Tim heo hoạt động tương tự như tim người, răng heo giống răng con người, heo chuyển hóa thuốc men tương tự như con người (nên có thể dùng heo làm vật thí nghiệm, thử thuốc men) và vì thế nên các chuyên gia đặt nhiều câu hỏi kế tiếp, bao nhiêu cách sống, cách hoạt động của heo tương tự như con người? Lý do từ đâu?
Như thế, câu mắng mỏ “ngu như heo” là một câu nói không mấy chính xác?
Bạn không có quyền gửi bài viết Bạn không có quyền trả lời bài viết Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn Bạn không có quyền tham gia bầu chọn