TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Dấu Chân Huyền Sử
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Dấu Chân Huyền Sử
Chuyển đến trang 1, 2  Trang kế
 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Thơ
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
buihongloan
Niên Khóa 1970-1975


Ngày tham gia: 01 Aug 2008
Số bài: 488

Bài gửiGửi: Wed Feb 03, 2010 6:51 am    Tiêu đề: Dấu Chân Huyền Sử
Tác Giả: Vân Vũ

...Khởi từ chuyến đi
Mẹ đến Ba Vì
Cha về Nam Hải,
Cành huyền sử nở hoa từ dạo ấy,
Chén Tây Lầu đọng lại bóng Trương Chi.
Khách ngai vàng nhỏ lệ khóc Bằng Phi!
Người muôn thuở trách gì trai Phạm Thái?
Kẻ VIỆT người TẦN xa cách mãi
Nước Loa Thành, ngọc Nam Hải khôn nguôi.
Khói Ca dao, mây cổ tích ngậm ngùi
Nào Giáng Tiên ơi!
Bích câu hồn xưa cách vời,
Làn môi Giao Chỉ, nét cười Phong Khê.
Bên nớ, bên tê,
Theo bước mẹ về
Lời ru dựng nước.
Sông bát ngát trườn theo mầu cỏ mướt,
Núi muôn trùng khoe tóc mướt với trời xanh.
"Lòng mẹ bao la như biển Thái bình"
Đây, sóng cả gợi tình,
Sương giăng màu huyền sử,
- Uất khí Lữ Gia
- Hồn thiêng Thánh Gióng!
Chí quật cường un đúc thuở lên ba...

Vân Vũ

(Trích trong Giai Phẩm Xuân Duy Tân 1972)


Được sửa bởi buihongloan ngày Thu Feb 04, 2010 6:04 am; sửa lần 1.
Về Đầu Trang
buihongloan
Niên Khóa 1970-1975


Ngày tham gia: 01 Aug 2008
Số bài: 488

Bài gửiGửi: Wed Feb 03, 2010 9:51 pm    Tiêu đề: Vân Vũ

Chị Diệu Đức ơi,

Chị có nhớ Vân Vũ là ai không? Có phải là anh Tôn Thất Quỳ không?

Thương mến

Bùi Hồng Loan
Về Đầu Trang
lamnvo



Ngày tham gia: 28 Feb 2009
Số bài: 238

Bài gửiGửi: Wed Feb 03, 2010 10:15 pm    Tiêu đề:

"Dấu Chân Huyền Sử" do HL đăng tải thật hay khiến NL ngứa ngáy, muốn thêm thắt một đôi dòng.

Giờ học sử đầu tiên năm lớp Mười, thầy Bùi Hạnh hỏi cả lớp: “Ai làm nên lịch sử?” Học sinh thi nhau đoán, kể tên những nhân vật và biến cố quan trọng trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam. Thầy bảo: “Không ai đúng mà cũng không ai sai!” Suy luận một chút, chắc các bạn có được câu trả lời chính xác.

Lịch sử là môn học về nghiên cứu và phân tích những sự kiện đã xảy ra. Những nhà sử học hiện đại thu thập những sự kiện lịch sử và dựa vào kết quả nghiên cứu của những môn khoa học khác như địa chất học, ngôn ngữ học, nhân chủng học, khảo cổ học để vẻ lại một cách khách quan các biến cố lịch sử.

Trong quá trình lịch sử của một dân tộc, có một giai đoạn gọi là khuyết sử, trong ấy nguồn gốc phát sinh và dòng giống của một dân tộc rất mơ hồ, được truyền khẩu qua các câu chuyện từ thế hệ này sang thế hệ khác được gọi là huyền sử. Dĩ nhiên huyền sử tường thuật lại những sự tích, nhân sinh quan, thế giới quan của một dân tộc nhưng không hội đủ tiêu chuẩn sử học hay không được hoàn toàn giải mã bằng các phương pháp khoa học. Trong lịch sử cận đại Việt Nam, huyền sử là những tác phẩm sử dụng nhiều hình thức văn chương như văn thơ đề cập đến giai đoạn khuyết sử, nội dung mang nặng ý nghĩa văn hóa dân gian để dễ ghi nhớ và loan truyền. Cần nói thêm dã sử giống huyền sử ở phần hình thức nhưng nội dung của dã sử thuần tính văn chương, dựa vào khung cảnh của một giai đoạn lịch sử và nhiều khi được thêm thắt những tính chất huyền hoặc nhằm mục đích lôi cuốn đọc giả.

Những huyền sử nổi tiếng Việt Nam như “Truyện Hồng Bàng”: Giải thích nguồn gốc đa chủng của Việt Nam cũng như biểu hiện nguyên lý âm-dương, động-tỉnh, những nguyên tố thúc đẩy sự phát triển và trường tồn của một xã hội; “Truyện Phù Đổng” ca ngợi anh hùng, liệt nữ trong việc bảo vệ và gìn giữ nước; “Truyện Dưa Hấu”, “Truyện Chữ Đồng Tử”, “Truyện Trầu Cau”: Giới thiệu sự xây dựng và ổn định xã hội cổ của dân Việt; “Truyện Bánh Chưng”: Mang tính chất tập tục và nghi lễ đặc thù của dân tộc, ...

Không thể đọc huyền sử để xét đoán sự hợp lý của câu chuyện! Huyền sử là tự truyện của một dân tộc được kể lại để phản ảnh sứ mệnh của một dân tộc, trong ấy tiền nhân đã chứng nghiệm qua những thăng trầm, sự thức tỉnh nội suy và sự tổng thế hóa niềm tâm linh siêu việt của những ước vọng rực lửa trong hành trình lịch sử. Huyền sử là sự thống nhất tâm linh vượt qua tất cả những giới hạn của không gian và thời gian qua những huyền thoại. Muốn tiếp cận huyền sử, ta phải buông thả các qui luật khắt khe của sử ký, mở rộng tấm lòng, loại trừ những ô nhiễm thành kiến, ý thức hệ và trực chỉ đối thoại với tâm linh, tình tự dân tộc.

(Hì hì..., Còn hứng, sẽ viết tiếp)
Về Đầu Trang
lamnvo



Ngày tham gia: 28 Feb 2009
Số bài: 238

Bài gửiGửi: Thu Feb 04, 2010 2:53 am    Tiêu đề:

Lữ Gia, ông là ai?

Sau Tần Thủy Hoàng là giai đoạn Hán Sở Tranh Hùng (206-202 TCN). Lưu Bang chém bạch xà khởi nghĩa, tiêu diệt Hạng Võ và lập lên nhà Tây Hán. Nhà Tây Hán kéo dài 215 năm và Hán Vũ Đế (156-87 TCN) là vị vua thứ bảy.

Lữ Gia là tể tướng ba đời vua Triệu nước Nam Việt, từ Văn Vương (136-125 TCN), Minh Vương (124-113 TCN), Ai Vương (112 TCN). Do đó, Lữ Gia sống vào giai đoạn lịch sử thời Hán Vũ Đế. Nhà Triệu theo lịch sử Trung Hoa là một chư hầu trong đế quốc Trung Hoa nhưng thật ra nhà Triệu, khởi nghiệp là Triệu Đà, cai trị Nam Việt độc lập với nhà Hán cho đến khi nhà Hán sát nhập Nam Việt thành bộ Giao Chỉ, khởi đầu cho giai đoạn một ngìn năm đô hộ giặc Tàu.

Căn cứ vào những khai quật vào năm 1980 ở Quảng Châu, lịch sử có đủ chứng cứ Nam Việt có nền văn minh khác biệt với Trung Quốc của dân tộc Hán và có địa giới rõ ràng từ Động Đình Hồ trãi dài xuống phía Nam. Diện tích ngày nay của VN chỉ chiếm một phần nhỏ trong Nam Việt vì chính sách phân hóa của người Hán thời Bắc thuộc và gần đây nhất, lợi dụng cuộc nội chiến và sự lảnh đạo xuẩn ngốc của ĐCSVN khiến khả năng đề kháng của dân tộc ta bị suy yếu, người Tàu nghênh ngang chiếm đảo và phân định biên giới hải phận bằng đường lưởi bò một cách bá đạo, đi ngược lại tất cả các qui ước, tiêu chuẩn quốc tế. Đối với người Tàu, lịch sử dạy rằng chúng ta không thể dùng công lý để nói chuyện mà phải đủ mạnh để tự vệ nếu không muốn biến thành một Tây Tạng ở Đông Nam Á; Và nếu có cơ hội, lấy lại lảnh thổ Nam Việt cũ.

Cù Hậu là người Hán. Trước khi lấy Minh Vương đã thông dâm với sứ thần nhà Hán là An Quốc Thiếu Quý. Minh Vương yêu Cù Hậu nên bỏ con trưởng, lập con nhỏ của Cừu Hậu là Triệu Hưng lên làm thái tử. Khi Minh Vương mất, Hưng lên ngôi, tức là Ai Vương. Triệu Hưng ít tuổi, Cù Hậu và Thiếu Quý tư thông xin nội phụ nhà Hán như một chư hầu: Ba năm chầu một lần và triệt bỏ phòng vệ biên giới.

Tể Tướng Lữ Gia tuổi cao, chức trọng, được lòng dân hơn cả vua. Vì sự tồn vong của đất nước, Lữ Gia quyết định làm binh biến, giết Ai Vương cùng Cù Hậu và tất cả sứ Hán, lập Thuật Dương là con trưởng của Minh Vương tức là Thuật Dương Hầu Kiến Đức làm vua. Lấy cớ sứ thần bị giết, nhà Hán đem quân xâm lược Nam Việt. Lữ Gia giết tướng Hán là Hàn Thiên Thu nhưng sau đó bị Phục Ba Tướng Quân Lộ Bác Đức bắt và giết. Hiện nay đền thờ Lữ Gia vẫn còn ở tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Việt.

Xét ra, “Uất khí Lữ Gia” không thuộc huyền sử mà thuộc dòng chính sử. Cù Hậu và Thiếu Quý là những con bài trong mặt trận gián điệp của Hán Vũ Đế trong âm mưu tiêu diệt Nam Việt.

(Hì hì..., Còn hứng, sẽ viết tiếp)
Về Đầu Trang
DIEU DUC



Ngày tham gia: 03 Oct 2008
Số bài: 1032

Bài gửiGửi: Thu Feb 04, 2010 3:15 am    Tiêu đề:

Nghe Ngọc Lâm nhắc đến sử học , một môn học khô khan của thế giới học trò . Khi
thầy Hạnh đặt câu hỏi " Ai làm nên lịch sử " đúng là đề tài quá rộng , làm sao có được
câu trả lời cho đúng .
Lịch sử đúng như NL nói - là sự ghi lại vấn đề đã xãy ra  . Sự ghi lại đòi hỏi nhiều chi tiếtquan trọng như thời gian phải chính xác , diễn tiến phải rõ ràng , sự nghiên cứu phải trung thực và khách quan trọng từng giai đoạn một .
Giá trị của lịch sử là ghi lại hình ảnh quá khứ một cách sống thực để các thế hệ sau có
thể hình dung được những gì đã xãy ra một cách rõ ràng .
Huyền sử ngược lại được thành hình một cách mơ hồ , không đòi hỏi sự kiểm nghiệm đúng sai .
Hình như mỗi quốc gia đều tạo một huyền sử về nguồn gốc của mình như để gởi gấm
những ước vọng hay niềm tự hào dân tộc , Việt nam với Con rồng cháu tiên , Nhật bản
với Thái dương thần nữ ...

Dạo này NL siêng quá  , mong em viết tiếp những bài giá trị như đã hứa .

Bùi hồng Loan ơi , Vân Vũ là Tôn Thất Quỳ hở em ?
Bài thơ hay này làm sao em có ? Bạn thân của Quỳ đâu rồi , trả lời câu hỏi của
Hồng Loan dùm D Đ được không ?
Nếu em có tờ đặc san năm72 của trường Duy tân , nhớ đăng tiếp những bài khác cho mọi người cùng đọc . Thương em .
Về Đầu Trang
Nói không Được



Ngày tham gia: 07 Nov 2007
Số bài: 509
Đến từ: Viet Nam

Bài gửiGửi: Thu Feb 04, 2010 3:47 am    Tiêu đề:

Khoảng hơn tuần nay , không hiểu vì sao font chữ của Bùi Hồng Loan đọc không được nên đành phải bỏ qua một số bài của cô , tiếc quá.
Về Đầu Trang
buihongloan
Niên Khóa 1970-1975


Ngày tham gia: 01 Aug 2008
Số bài: 488

Bài gửiGửi: Thu Feb 04, 2010 5:52 am    Tiêu đề:

Chị Diệu Đức thương mến,

Loan chỉ nhớ mang máng lúc ấy chị Ngọc Tâm có nhắc đến bài thơ này là của anh Tôn Thất Quỳ. Loan sẽ cố gắng đăng những bài trong Giai Phẩm Xuân Duy Tân 1972 cho cả nhà cùng đọc và Loan sẽ cho biết vì đâu Loan có cuốn giai phẩm này. Loan rất thích bài thơ này lúc giai phẩm ra đời.

Kính gửi anh Nói Không Được,

Xin lỗi anh nhé, Loan sẽ trở lại font chữ cũ cho dễ đọc. Loan tưởng đổi font chữ đó đẹp hơn.

Cám ơn Ngọc Lâm bài viết rất hay. Mong Ngọc Lâm tiếp tục nhé.
Về Đầu Trang
Tôn Nữ Thị Nở



Ngày tham gia: 22 Aug 2009
Số bài: 50

Bài gửiGửi: Thu Feb 04, 2010 9:13 am    Tiêu đề:

không biết đây là lần thứ mấy chị nói nên lời khâm phục Ngọc Lâm , Ngọc Lăm không hổ danh là dân Duy Tân , bắt tay em cái.
Về Đầu Trang
Minh-Tam
Niên Khóa 1968-1975


Ngày tham gia: 24 Nov 2008
Số bài: 505

Bài gửiGửi: Thu Feb 04, 2010 2:43 pm    Tiêu đề: Ai là Vân Vũ?


Cám ơn Hồng Loan đã tìm được và đăng lên một bài thơ hay quá, nhất là khi tác giả bài thơ là người từ trung học Duy Tân.  Không những lời thơ thâm thúy, thanh tao, tình tiết, nhà thơ lại thông rõ tường tận Huyền Sử của quê hương.  Minh Tâm thoạt đầu nghĩ rằng, với trình độ uyên bác này, tác giả chắc phải là một bậc phụ huynh hay một giáo sư.  Nhưng nếu tác giả quả thật là một học sinh, tuổi cao nhất không quá mười tám lúc viết bài, thì nhà thơ là một nhân tài.

Có người nhắc Minh Tâm đề nghị Admin đặt giải thưởng tặng ai có thể chứng minh được tác giả bài thơ.  Công ty TBL sẽ rất sung sướng được hưởng ké thù lao. Công ty mới tuyển lựa được một “undercover agent”.  Agent này chắc có nhiều ân oán giang hồ cõi Duy Tân lắm nên ẩn hình kín còn hơn trong chương trình “witness protection” nữa.  Tìm hiểu về tác giả bài thơ của agent gần nguyên văn như sau (chỉ thay đổi lối xưng hô để bảo tồn lý lịch):

Theo tôi, tác giả bài viết này có thể là "Lê Ngọc Vân" hay là "Lê Ngọc Vũ". Vân là anh của Vũ. Cả hai đều học DT và chỉ nhớ Vân học trên tôi hai lớp (lớp 12) ! Ba của Sơn/ Vân/ Vũ là một nhà giáo và cũng là một nhà thơ nên tôi nghĩ các con có một chút ảnh hưởng thơ văn của ba. Ngần ấy chắc cũng đã đủ.

Về Đầu Trang
MinhThư



Ngày tham gia: 12 Dec 2007
Số bài: 248

Bài gửiGửi: Thu Feb 04, 2010 10:57 pm    Tiêu đề:

Minh Tâm và các bạn ơi,
Không biết Vân Vũ có phải là TTQ không, nhưng MinhThư đưa 2 bài thơ này lên để mọi người xem nhá.  Xem giọng văn có gì trùng hợp chăng?


Trọng Thủy
(Tìm Mỵ Châu)

Thúc ngựa gập gềnh theo dấu em
Mờ xanh chân núi vẫn êm đềm
Hát lời chinh chiến ôi luân lạc
Nhớ mắt em huyền, thiêng như đêm
Nhớ xưa ta gọi em ái phi
Thiếp yêu chàng nghe bao tình si
Em ta áo gấm đan huyền thoại
Mặc gió, mặc sương, không phân ly
Ta dừng quân bên bờ sông xanh
Chiều xuống đầy và gió thênh thang
Em ơi lửa tắt. Đêm vô vọng
Ta sẽ tìm. Đời sẽ hoang mang
Sẽ có một ngày ta thấy nhau
Ta thấy nhau như thuở ban đầu
Không ai phải hát lời chinh chiến
Chỉ nói rằng ta rất yêu nhau
VQ

Trọng Thủy
(Tìm Thấy Mỵ Châu)

Trăng gầm thét trên từng phiến đá
Gió buồn lồng ngất lạnh tim ta
Tay em lạnh. Áo gấm vàng đẫm máu.
ôi em, đời ta trôi trôi xa
Ta mất nhau!
Lạnh giọt mưa sa.
Hay nước mắt?
Sao chiến bào vô nghĩa.
Lời thề thốt ngày xưa mộng mị.
Hận tràn đêm sầu. Ta còn ta?
Ta còn ta? Em ơi, ta còn ta?
VQ
Về Đầu Trang
Thong Reo



Ngày tham gia: 10 Mar 2009
Số bài: 620

Bài gửiGửi: Thu Feb 04, 2010 11:23 pm    Tiêu đề:

Minh Thư ơi , về lại rồi nhé , mình rất vui Minh Thư trở lại , đừng đi lâu quá cả nhà đều nhớ. Thương mến.
Minh Thư à , vì MT trở lại nên TR cũng vội lên tiếng trả lời câu hỏi. Mình đã biết Vân Vũ là ai vì năm 1972 mình đã được nghe Thầy Tôn Thất Đài đọc bài thơ này trong lớp ,với giải hạng nhất ,đó là một anh học trên chúng mình một lớp :Tôn Thất Quỳ. Phải công nhận bài Dấu Chân Huyền Sử rất xứng đáng được ngợi khen.
Về Đầu Trang
SNOW WHITE



Ngày tham gia: 29 Oct 2007
Số bài: 3689

Bài gửiGửi: Fri Feb 05, 2010 12:07 am    Tiêu đề: Huyền Trân Công Chúa

Những chuyện Huyền sử Ngọc lâm kể ra, Snow White chợt nhớ đến chuyện tình sử đi vào huyền thoại và đã tốn không biết bao nhiêu bút mực của nhân gian.

Huyền Trân Công Chúa




Công chúa đời nhà Trần, là con gái của vua Trần Nhân Tông và là em gái vua Trần Anh Tông. Năm 1306, Huyền Trân được gả cho vua Chiêm Thành (Champa) là Chế Mân để đổi lấy hai châu Ô, Lý (từ đèo Hải Vân, Thừa Thiên đến phía bắc Quảng Trị ngày nay).

Bà sinh vào năm 1287. Vào năm 1293, vua Trần Nhân Tông thoái vị, hoàng thái tử Trần Thuyên lên nối ngôi, là hoàng đế Trần Anh Tông. Vua Trần Nhân Tông trở thành Thái thượng hoàng, lên tu ở núi Yên Tử. Năm 1301, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông nhận lời mời, du ngoạn vào Chiêm Thành, được vua Chiêm Thành là Chế Mân tiếp đãi nồng hậu, có ở lại trong cung điện Chiêm Thành gần 9 tháng. Khi ra về, Trần Nhân Tông có hứa gả con gái là Huyền Trân cho Chế Mân, mặc dù khi đó Chế Mân đã có chính thất là hoàng hậu Tapasi, người Java (Nam Dương ngày nay). Sau đó nhiều lần Chế Mân sai sứ sang hỏi về việc hôn lễ, nhưng triều thần nhà Trần phản đối, chỉ có Văn Túc Vương Đạo Tái và Nhập nội hành khiển Trần Khắc Chung chủ trương tán thành.

Năm 1306, Chế Mân dâng hai châu Ô, Rý (còn gọi là Lý) làm hồi môn, vua Trần Anh Tông đồng ý gả Huyền Trân cho Chế Mân. Huyền Trân về Chiêm Thành, được phong làm hoàng hậu Paramecvari.Một năm sau đó, khi hoàng hậu người Đại Việt vừa sinh xong hoàng tử Chế Đa Đa, thì tháng 5 năm 1307, quốc vương Chế Mân băng hà. Thế tử Chiêm sai sứ sang Đại Việt báo tang. Theo tục nước Chiêm, khi vua chết hoàng hậu phải lên dàn hỏa để tuẫn tang. Vua Trần Anh Tông biết tin, sai Trần Khắc Chung vờ sang viếng tang, tìm cách cứu Huyền Trân. Trần Khắc Chung bày kế thành công, cứu được Huyền Trân đưa xuống thuyền, đưa Huyền Trân về Đại Việt bằng đường biển. Cuộc hải hành này kéo dài tới một năm Trần Khắc Chung và công chúa Huyền Trân đã nảy sinh mối tình .

Tháng 8 năm Mậu Thân (1308), Huyền Trân về đến Thăng Long. Theo di mệnh của Thượng hoàng Nhân Tông, công chúa đầu gia Phật giáo ở núi Trâu Sơn (nay thuộc Bắc Ninh) vào năm (1309), dưới sự ấn chứng của quốc sư Bảo Phát. Công chúa thọ Bồ tát giới và được ban pháp danh Hương Tràng.

Cuối năm Tân Hợi (1311), Hương Tràng cùng một thị nữ trước đây, bấy giờ đã qui y đến làng Hổ Sơn, huyện Thiên Bản (nay thuộc Nam Định), lập am dưới chân núi Hổ để tu hành. Sau đó, am tranh trở thành điện Phật, tức chùa Nộm Sơn hay còn gọi là Quảng Nghiêm Tự.

Bà mất ngày mồng 9 tháng giêng năm Canh Thìn (1340). Dân chúng quanh vùng thương tiếc và tôn bà là "Thần Mẫu" và lập đền thờ cạnh chùa Nộn Sơn. Ngày bà mất sau này hàng năm trở thành ngày lễ hội đền Huyền Trân trên núi Ngũ Phong ở Huế.

Các triều đại sau đều sắc phong bà là thần hộ quốc. Vua triều Nguyễn ban chiếu đền ơn công chúa "trong việc giữ nước giúp dân, có nhiều linh ứng", nâng bậc tăng là "Trai Tĩnh Trung Đẳng Thần".

Tuy nhiên, một số người đời sau cho rằng câu chuyện này có phần thêu dệt, chuyện nêu lý do công chúa phải lên giàn hỏa chỉ là cớ do sách Việt sau này viết thêm. Theo tiến sĩ Po Dharma, công chúa Huyền Trân không thể hội đủ điều kiện để xin lên giàn hỏa vì nếu theo truyền thống Champa xưa, đây là một vinh dự và chỉ có bà hoàng hậu chính thức mới được phép hủy thân trên giàn hỏa với chồng của mình. Trong kinh điển theo đạo Bà La Môn đều không nhắc đến tục lệ này của người Champa, chưa chắc đã có tục lệ như thế. Cho dù có tục lệ đó đi nữa, thì việc hỏa táng phải tổ chức trong vòng 7 ngày sau khi chết, vì khí hậu nhiệt đới không cho phép bảo quản thi hài được lâu hơn, đến khi tin đưa về Đại Việt và dù Trần Khắc Chung có lên tàu sang ngay cũng không thể nào kịp, trong điều kiện giao thông thời đó. Chuyện Trần Khắc Chung tư thông với Huyền Trân có thể là vì bị dèm pha, đồn thổi vì sự chênh lệch tuổi tác quá lớn và Trần Khắc Chung được tiếng đạo đức, trên tàu còn rất nhiều người khác cùng đi, như là An Phủ Sứ Đặng Vân (Đặng Thiệu), không dễ dàng hành động.

Bia ký tại Điện thờ Huyền Trân Công Chúa, Huế.Câu chuyện về Huyền Trân đã trở thành một đề tài trong thi ca, nghệ thuật.

Trong dân gian, có lẽ vì thời đó người Việt coi người Chăm là dân tộc thấp kém nên đã có câu:

Tiếc thay cây quế giữa rừng
Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo

Tương truyền là bài "Nước non ngàn dặm" theo điệu Nam Bình, có người cho rằng chính công chúa đã soạn ra trong lúc đi đường sang Chiêm quốc:

Nước non ngàn dặm ra đi...
Mối tình chi!
Mượn màu son phấn
Đền nợ Ô, Ly.
Xót thay vì,
Đương độ xuân thì.
Số lao đao hay là nợ duyên gì?...


Âm nhạc
Trường ca Con đường Cái Quan của Phạm Duy

Năm tê trong lúc sang Xuân
Tôi theo Công chúa Huyền Trân tôi lên đường
Đường máu xương đã lắm oán thương
Đổi sắc hương lấy cõi giang san
Tôi đi theo bước ái tình
Đi cho trăm họ được hòa bình ấm no
Đèo núi cao nghe gió vi vu
Thổi phấn son bay tới kinh đô....

Thơ
Thái Xuyên Hoàng Cao Khải

Đổi chác xưa nay khéo nực cười,
Vốn đà chẳng mất lại thêm lời .
Hai châu Ô Lý vuông ngàn dặm,
Một gái thuyền quyên đáng mấy mươi .
Lòng đỏ khen ai lo việc nước,
Môi son phải giống mãi trên đời .
Châu đi rồi lại châu về đó
Ngơ ngẩn nhìn nhau một lũ Hời!

Chuyện tình Huyền Trân công chúa tới nay cũng chỉ là một huyền thoại và còn nhiều phê phán tranh cãi, tiếc là lịch sử đến nay cũng không thể làm sáng tỏ chuyện tình hư thật này. Như chuyện tình TTKH không biêt ai là tác giả thật sự của 4 bài thơ lãng mạn đi vào lòng người yêu thơ !!!!

Về Đầu Trang
DIEU DUC



Ngày tham gia: 03 Oct 2008
Số bài: 1032

Bài gửiGửi: Fri Feb 05, 2010 2:06 am    Tiêu đề:

- Hồng Loan ơi ,đã 38 năm trôi qua nhưng quyển Giai phẩm Xuân Duy Tân năm 72 vẫn còn em giữ được , thật là món quà quí giá . Nếu em đã nhớ man mán lời chị Ngọc Tâm :
bài thơ này của Tôn Thất Quỳ thì vấn đề đúng sai không phải lỗi tại em . Ít ra cũng nhờ vậy mà trang thơ rộn ràng hơn  , và công ty TBL của các cô có dịp trổ tài điệp viên 007 .
- Minh Tâm tuy mái tóc còn vướng bụi đường xa mà đã vào cuộc và nắm bắt vấn đề
với nguồn tin thật thú vị .
Tôn Thất Quỳ và Lê Ngọc Vân đều là hai người bạn . Quỳ đã học cùng lớp , còn Vân là
phu quân của Như Nguyệt - một cô bạn khá thân trong 4 năm đệ nhất cấp .
Tin em có được thật đáng ngạc nhiên
- Thông Reo là người mang lại đáp số đầu tiên cho vấn đề , hy vọng TR sẽ sớm lãnh
giải của công ty TBL .
- Minh Thư lâu lắm mới trở lại và đã nhập cuộc với đề tài Trọng Thuỷ - Mỹ Châu bằng
hai bài thơ hay .
Tuy cả hai bài thơ đều nhắc đến hai nhân vật từ thời lập quốc với mối tình uất hận đầy nước mắt của Trọng Thuỷ Mỹ Châu - nhưng nơi đây , giọng văn VQ đã đưa tình yêu như một ước thề , một khẳng định mãi mãi có nhau ,
Minh Thư ơi , câu trả lời của chị là : hai bài thơ này không trùng với ý thơ của Vân Vũ .

Bùi Hồng Loan và Minh Tâm ơi , chị đang nóng lòng chờ giải đáp của hai cô .
Về Đầu Trang
HUONG XUA



Ngày tham gia: 26 Jan 2008
Số bài: 510

Bài gửiGửi: Fri Feb 05, 2010 2:20 am    Tiêu đề:

Chuyện Huyền Trân Công Chúa thật là cảm động.
Cám ơn chị Snow White.
Mong sẽ được nghe tiếp chuyện tình của Chiêu Quân Cống Hồ.Thêm một người đẹp hy sinh vì nước .Một trong tứ đại gian nhân đời nhà Đường .
Cám ơn chị Hông Loan đã khởi đầu cho một chữ SỬ. Và anh Ngọc Lâm đã đưa ra một tràn những taì đê Huyền sử rất mong Ngọc Lâm múa bút.

Ngọc Lâm đã viết :
Những huyền sử nổi tiếng Việt Nam như “Truyện Hồng Bàng”: Giải thích nguồn gốc đa chủng của Việt Nam cũng như biểu hiện nguyên lý âm-dương, động-tỉnh, những nguyên tố thúc đẩy sự phát triển và trường tồn của một xã hội; “Truyện Phù Đổng” ca ngợi anh hùng, liệt nữ trong việc bảo vệ và gìn giữ nước; “Truyện Dưa Hấu”, “Truyện Chữ Đồng Tử”, “Truyện Trầu Cau”: Giới thiệu sự xây dựng và ổn định xã hội cổ của dân Việt; “Truyện Bánh Chưng”: Mang tính chất tập tục và nghi lễ đặc thù của dân tộc, ...

Về Đầu Trang
MinhThư



Ngày tham gia: 12 Dec 2007
Số bài: 248

Bài gửiGửi: Fri Feb 05, 2010 3:45 am    Tiêu đề:

Thông Reo ơi, nhớ thương thật nhiều.  Mới bước vào nhà được TR ôm chầm lấy làm mình cảm động quá, gần khóc luôn.

Cám ơn Hồng Loan đã tìm lại bài thơ này.  Lâu quá nên người viết chỉ nhớ được vài đoạn thôi.  Nếu còn HL gửi tiếp nhé.

Chị Diệu Đức thương, đúng rồi, ý thơ không giống được vì đã hơn 38 năm, giòng thời gian trôi qua nhanh, chị nhỉ? Em không có ý tìm ý thơ mà chỉ muốn xem lối viết bây giờ có giống ngày xưa không.  Không giống hẳn nhưng vẫn một thoáng dáng dấp ngày xưa.

Chào các chị KK, chị DH, chị MH của em. Các em MT, DH, NB, LDD, và tất cả.  Chị Diệu Huyền ơi, nhà mình hơi ồn đấy nhá, lúc nào cũng vang vang tiếng cười.    Laughing  :D
Về Đầu Trang
lamnvo



Ngày tham gia: 28 Feb 2009
Số bài: 238

Bài gửiGửi: Fri Feb 05, 2010 4:12 am    Tiêu đề:

Con Rồng Cháu Tiên

Trước hết cám ơn chị TNTN quá khen khiến em muốn độn thổ. Chỉ vì cảm khái bài “Dấu Chân Huyền Sử” của tác giả Vân Vủ và lòng tự hào dân tộc nên em bỏ chút công, sưu tầm tài liệu làm sáng tỏ một vài từ ngữ lịch sử cho các cựu học sinh Duy Tân lười học sử như em: nếu không chuồn đi uống bia thì cũng ngũ trong lớp.

Ngày ấy, học lịch sử VN, NL cứ nghĩ rằng quê hương chúng ta từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau thật nhỏ bé so với Trung Quốc. Thật ra người Việt hiện đại thuộc nhóm Bách Việt đã từng lập nên một quốc gia độc lập từ thời Triệu Đà có trình độ văn hóa Đông Sơn cao hơn người Hán và lảnh thổ rộng lớn kéo dài từ bờ Nam sông Dương Tử cho đến Chiêm Thành.







Từ thượng cổ, người Trung Hoa vẫn cho rằng họ là trung tâm vũ trụ, có thiên mệnh trị vì thiên hạ. Khi hoàng đế đầu tiên của họ là Tần Thủy Hoàng gồm thâu lục quốc nằm trong lưu vực sông Hoàng, những dân tộc không cùng giồng giống người Hoa ở chung quanh bị coi như man di, mọi rợ như Hung Nô phía Bắc và Bách Việt phía Nam. Sau Tần là Hán, họ chiếm hữu đất đai, đồng hóa Bách Việt cho đến khi tiệt chủng, chỉ còn sót lại dân tộc Lạc Việt, tổ tiên dân tộc VN chống được ngoại xâm, giữ được độc lập ở phần đất phía Bắc. Việt Nam là cái xương khó nuốt, chận họng người Hán lan tràn xuống vùng Đông Nam Á từ hơn một ngàn năm nay. Dân tộc Việt Nam không thể tồn tại nếu không có ý thức quốc gia và tinh thần dân tộc mà khởi thủy là Triệu Đà xây dựng nền móng. Người Hán mưu tính đưa Cừu Thị vào làm vợ lẽ Anh Tề để con riêng của Cừu Thị (tình nhân của ả là sứ nhà Hán Thiếu Quý) là thái tử Hưng (máu Tàu 100%) lên ngôi để sau này dâng Nam Việt cho nhà Hán. Tể Tướng Lữ Gia giết mẹ con Cù Thị và sứ Hán, đem Dương Vương có mẹ là người Việt lên thay để đập tan mưu đồ Hán trị từ trong trứng nước. Một ngàn năm sau, Lý Thường Kiệt phá Tống cho đến Quang Trung diệt Thanh, Việt Nam vẫn là nổi thống hận trong tâm thức người Tàu. Tổ tiên chúng ta luôn luôn cảnh giác, không bao giờ coi người Tàu là bạn, lúc nhu lúc cương, gìn giữ cơ cấu quốc gia, duy trì tự chủ. Chỉ khoảng thời gian gần đây, CSVN vì muốn độc tôn thống trị nên coi kẻ thù truyền kiếp là huynh trưởng, đem xương máu nhân dân bảo vệ kẻ thù. Như 2,000 năm về trước, kế hoạch Cù Thị vẫn vậy, Thái Tử Hưng hiện đại là đảng CSVN, áp bức nhân dân liệt kháng, tiếp tay bá quyền Trung Quốc đưa VN vào vòng cương tỏa.

Trong huyền thoại Hồng Bàng, nguồn gốc Bách Việt được anh Vân Vũ gói gọn trong hai câu:
“Mẹ đến Ba Vì
Cha về Nam Hải”


Ba Vì là một dãy núi đất và đá vôi cách Hà Nội 60Km. Trên Ba Vì có nhiều ngọn núi nổi tiếng như Tản Viên, Ba Vì, Ngọc Lĩnh, Tương Miêu, ... Theo phong thủy Trung Hoa, Ba Vì là vùng đất linh thiêng giống như đầu rồng và rặng Trường Sơn là thân rồng nên vua nhà Đường phái thầy địa lý Cao Bằng đào một trăm cái giếng chung quanh để trấn ếm, hủy diệt long mạch nước Nam.

Hai câu thơ gợi nhớ cuộc ly hôn vô tiền khoáng hậu và sự phân chia tài sản gia đình đầu tiên được biết đến trong lịch sử dựng nước của Việt Nam.

Chuyện kể rằng Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh ra một bọc có trăm cái trứng, nở ra một trăm người con trai. Một ngày đẹp trời, Lạc Long Quân nói với Âu Cơ: “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó! Nay ta đưa năm mươi người con xuống biển còn nàng dẫn số còn lại lên núi để tránh tranh cải và dễ phát triển giống nòi”. Một trăm người con tượng trưng cho nguyên ủy của giống Bách Việt sống khắp nơi về phía Nam của sông Dương Tử và kéo dài cho đến Chiêm Thành.

Bách Việt gồm nhiều tộc Việt như Đông Việt, Nam Việt, Âu Lạc, Lạc Việt, Lạc Thường, ...Đọc Đông Chu Liệt Quốc, nghe chuyện Câu Tiển và Phù Sai đấm đá, trả thù nhau ta cứ tưởng như hai anh Tàu nào đó sinh giặc nhưng thật ra hai ông ấy đều là giống Việt: Câu Tiển là vua Ngô Việt và Phù Sai là vua U Việt. Hai bộ tộc Việt này có trình độ văn minh, kỷ thuật khá cao và nhất là thuật luyện kim nổi tiếng khắp các chư hầu. Đọc kiếm hiệp Trung Hoa, dân giang hồ nào cũng mơ ước lượm được một trong hai danh kiếm Can Tương, Mạc Tà đúc từ Ngô Việt. Ngoài đúc kiếm nổi tiếng, dân Ngô Việt cũng nổi tiếng đúc đàn bà đẹp; Nếu không, Tây Thi đã chẳng trở thành một trong tứ đại giai nhân lưu danh thiên cổ. Gái nước Việt là một trong những cống phẩm thuộc hàng vưu vật mà giới hoàng tộc lúc nào cũng đòi hỏi.

Muốn truy nguyên lý do tại sao dân Việt Nam rất tự hào về nguồn gốc “Con Rồng cháu Tiên”, ta phải đọc lại huyền sử Hồng Bàng trong “Lĩnh Nam Chích Quái”, cuốn sách đầu tiên ghi lại những huyền sử và chuyện cổ tích Việt Nam được biên soạn lần đầu tiên vào cuối đời Trần (thế kỷ thứ 15). Có ai thắc mắc tại sao phải là “Con Rồng cháu Tiên” chứ không ai nói “Con Rồng Con Tiên”? cha Lạc Long Quân tên có chữ “Long” thì thuộc giống Rồng là cái chắc nhưng chẳng nhẽ mẹ Âu Cơ lại không phải thuộc một trong những Alien thuộc giống Tiên?

Trong khi chờ NL viết tiếp, các bạn thử cho câu trả lời.

(còn tiếp)
Về Đầu Trang
buihongloan
Niên Khóa 1970-1975


Ngày tham gia: 01 Aug 2008
Số bài: 488

Bài gửiGửi: Fri Feb 05, 2010 9:27 am    Tiêu đề: Vân Vũ Tôn Thất Quỳ

Các chị thương mến,

Ký ức như những lớp màng mỏng chồng chất lên nhau từ năm này qua năm khác. Nếu không được khơi dậy cũng có thể mất đi, cũng có lúc được đánh thức dậy vì tác động chung quanh, cũng có lúc người ta cố vực dậy để tìm lại những gì người ta tưởng đã quên.

Loan cũng như các chị, rời Việt Nam khá sớm nên kỷ niệm chỉ là những gì nằm trong tiềm thức của mình. Giai phẩm Xuân Duy Tân 1972 được cô bạn yêu dấu của Loan gìn giữ bao năm nay. Cách đây vài hôm, giai phẩm này được trao tặng lại cho Loan (cùng ngày anh Phước đến nhà bỏ vào hộp thư 2 cái CD, Loan sẽ kể cho thất Bùi tiểu thư nghe sau) từ Phan Rang. Cầm trên tay tập sách cũ sắp mục, Loan cảm thấy lòng chứa nhiều cảm xúc. Đọc vội qua thì bắt gặp bài "Dấu Chân Huyền Sử" với dòng thơ thật hay. Loan vội vàng đăng lên diễn đàn để mọi người cùng thưởng thức. Lúc đánh máy Loan chỉ nhớ mang máng rằng đã nghe về bài thơ này và có nhớ vài lần chi Diệu Đức có nhắc đến chị Ngọc Tâm và anh Tôn Thất Quỳ, nên Loan mới hỏi chị vì nghĩ rằng chị sẽ nhớ. Đến hôm nay sau khi moi lại ký ức của mình, thì Loan đã nhớ rõ lại nhiều chuyện.

Chị Thông Reo thật là nhớ dai, bài thơ này đúng là của anh Tôn Thất Quỳ và đã đoạt giải thưởng hạng nhất báo chí năm 1972. Loan đã được đọc bài thơ này trước khi đăng trên giai phẩm. Qua một lần anh Quỳ đến nhà Loan, và một lần chị Ngọc Tâm đưa Loan đến tiệm giày Bala của nhà anh Quỳ để mua giầy để mang đi học (anh Quỳ và chị Ngọc Tâm mãi mê nói chuyên  bỏ con bé ngồi buồn ngủ ngáp lên ngáp xuống).

Bài thơ gợi nhiều cảm hứng cho mọi người, nào Ngọc Lâm, nào chị Snow White, chị Diệu Đức, chị Thông Reo, chị Tôn Nữ Thị Nở, Hương Xưa và cả nhà vang vang tiếng cười là điều vui rồi. Giai phẩm còn nhiều bài hay lắm, Loan sẽ cố gắng đăng lên cho cả nhà cùng thưởng thức.

Hai bài thơ chị Minh Thư nói cũng là của anh anh Quỳ hở? Thế là chị có phải là "người xưa" không? Nào "back to business", chị Minh Thư có cần tìm người xưa không? Anh Tôn Thất Quỳ là con của Thầy Tôn Thất Đài, cháu của Thầy Tôn Thất Hiệu là hiệu trưởng trường Trung Học Tư Thục Bồ Đề, anh Quỳ đẹp trai, đeo kính cận, học giỏi, làm thơ hay nên chắc có nhiều "người xưa" lắm đấy.

Chị "Dám đốc"Minh Tâm ơi, Loan định đợi có người ra giá để mình tìm "người xưa", có ai ngờ chị Thông Reo biết được làm mình mất một mối bào ngư vi cá.


Được sửa bởi buihongloan ngày Fri Feb 12, 2010 9:25 am; sửa lần 1.
Về Đầu Trang
Thong Reo



Ngày tham gia: 10 Mar 2009
Số bài: 620

Bài gửiGửi: Fri Feb 05, 2010 1:01 pm    Tiêu đề:

Thông Reo cũng cảm ơn , qua bài thơ do Hồng Loan gởi về , đã làm chúng ta..sôi động..
Ngọc Lâm với những nghiên cứu Sử học giá trị về lịch sử địa hình nước nhà
Chị Snow White ghi lại cuộc tình và công ơn Huyền Trân Công Chúa
Chị Tôn Nữ Thị Nở,Diệu Đức , Hương Xưa ,Minh Tâm , Hồng Loan,anh Nói Không Được đều có những nhận xét thấu đáo tận tâm hữu ích.Thông Reo rất vui cô bạn Minh Thư quý mến trở về ,nhớ lắm MT à , mình cũng cảm động lắm..
À phần thưởng của công ty TBL mình xin nhường lại cho người bạn thương mến : Minh Thư
Về Đầu Trang
Minh Huong Khuc
Niên Khóa 1962-1969


Ngày tham gia: 05 Nov 2007
Số bài: 2090

Bài gửiGửi: Fri Feb 05, 2010 2:00 pm    Tiêu đề:

Bà già lẹt đẹt theo sau
Thấy các bạn “ Nhộn “ Xuân này vui ghê
Công Hồng Loan dở Tập Thi Văn
Xưa nhưng quý –Thất Quỳ vang danh
Ngọc Lâm không hổ tài văn
Lịch sử tìm lại đôi hàng viết thêm
Thị Nở phải vỗ tay khen
Minh Tâm , Diệu Đức , Minh Thư góp phần
Tên Tác Giả nay đã rõ
Nhờ Thông Reo nhắc lại từ đầu
Snow White cũng góp thiên Tình Sử
Nói Không Đươc- không coi được vì sao ?
Hồng Loan đã đổi font rồi
Vui lòng Người ở xa xôi Quê Nhà
Lời vui khi Minh Thư về lại
Như khuc khích thơ thẩn đã lâu
Về NHÀ góp mặt
Ta cùng VUI XUÂN

Chúc nhau tay góp bàn tay
Đem Trang TRUNG HỌC DUY TÂN Rạng Ngời
Cùng Thày Cô bạn bè khắp chốn
Nơi nơi ai cũng nhắc  : Trang Nhà
Về Đầu Trang
lamnvo



Ngày tham gia: 28 Feb 2009
Số bài: 238

Bài gửiGửi: Fri Feb 05, 2010 8:46 pm    Tiêu đề:

Con Rồng cháu Tiên: Nghịch Lý Âu Cơ!




Động Đình Hồ là nơi chôn nhau cắt rốn của giống Bách Việt. Hồ nằm ở miền Nam sông Dương Tử và họp thành bởi nhiều hồ lớn. Giữa hồ là đảo Quân Sơn có 72 núi. Hồ đẹp như cảnh thần tiên với núi non man mác, sông nước mơ màng, nổi tiếng trong “Bát cảnh Tiêu Tương” của vùng Giang Nam vì sông Tiêu và sông Tương chảy vào hồ. Hai tỉnh Hồ Nam và Hồ Bắc có tên căn cứ trên địa hình Động Đình Hồ mà ra. Tục truyền Đông Hải Long Vương có thủy cung dưới Động Đình Hồ và Lạc Long Quân chính là cháu ngoại của Long Vương. “Chinh Phụ Ngâm” có những câu dựa vào cảnh sương khói của hồ để gợi cảnh biệt ly, ai oán:

“Chốn Hàm Dương chàng còn ngảnh lại
Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang
Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương
Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng…”




Theo Lĩnh Nam Chích Quái, cháu ba đời vua Thần Nông là Đế Minh, đi tuần thú phương Nam đến Ngũ Lĩnh (thuộc Hồ Nam) gặp một nàng tiên tuyệt sắc con bà Vũ Tiên. Hai người lấy nhau sinh ra Lộc Tục. Đế Minh truyền ngôi cho con trưởng (có lẽ con bà lớn) là Đế Nghi làm vua phương Bắc (Từ bờ Bắc Dương Tử Giang đến ngoại Mông) và phong Lộc Tục làm vua phương Nam xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu Xích Quỷ. Chữ Kinh và chữ Dương trong vương hiệu có thể hiểu là hai châu lớn lúc ấy là châu Kinh (Hồ Bắc) và châu Dương (ven biển Giang Tô). Người ở châu Kinh thuộc chi Âu (tượng trưng là bà Âu Cơ) ưa sống miền rừng núi trong khi người ở châu Dương thuộc chi Lạc (tượng trưng là Lạc Long Quân) ưa sống vùng biển.

Chi Âu và chi Lạc thuộc chủng Việt (nhóm Austro-Asiatic theo nhân chủng học) khác với người châu Á phương Bắc chủng Hoa Hạ (Mongoloid). Từ miền Hoa Bắc sa mạc khô cằn, người Hoa Hạ lúc nào cũng gây chiến tranh, chinh phục các vùng đất trù phú ở phía nam. Người Hoa Hạ chính thức chinh phục miền đất phía Nam sông Dương Tử khi Châu Thành Vương (1042-1021 TCN) cho Hùng Dịch lập Sở Quốc tại châu Kinh để cai trị và ngăn chặn sự quấy phá của đám dân “man di” Bách Việt. Cũng vì lý do đó, người Hoa Hạ thường chế diễu “Vua Sở như những con khỉ biết đội mũ”.

Sau bao nhiêu chiến tranh ly loạn, đa số những giống Việt trong Bách Việt bị đồng chủng bởi người Hoa Hạ (nên người Trung Hoa hiện đại mang một nửa máu Việt và một nửa máu Hoa) chỉ trừ dân Việt Nam là còn nguyên gốc Việt vì hai chi Âu và Lạc di cư về Nam khi nước Sở bị mất.

Tiếp tục chuyện Kinh Dương Vương. Ông lấy con gái Long Vương Động Đình Hồ tên là Thần Long, sinh được một con trai đặt tên là Sùng Lãm, nối ngôi làm vua xưng là Lạc Long Quân. Như vậy, Lạc Long Quân là người Việt đầu tiên mang máu Rồng-Tiên (¼ máu người, ¼ máu Tiên và ½ máu Rồng). Lạc Long Quân là “con Rồng cháu Tiên” chính gốc vì mẹ mang máu Rồng và bà nội là tiên nữ. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ rồi Âu Cơ sinh ra trăm trứng nở trăm con như đã kể ở phần trước.

Nàng Âu Cơ là ai? Sử ghi Âu Cơ là con Đế Lai, cháu Đế Nghi, mà Đế Nghi thì chẳng phải ai khác, chính là con Đế Minh và anh ruột Kinh Dương Vương. Như vậy Lạc Long Quân lấy cháu họ làm vợ. Thời ấy hoang sơ chưa có lễ nhạc, người trong họ lấy nhau là chuyện thường tình. Xét ra, Âu Cơ chỉ là một nàng công chúa bình thường chứ không mang máu Tiên như hậu thế hiểu lầm. Sự hiểu lầm này căn cứ trên lời Lạc Long Quân nói với Âu Cơ trong sử liệu: “Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó ...”

Như vậy, Lạc Long Quân vì muốn ly thân nên đã tố oan Âu Cơ khi bảo rằng nàng là giống Tiên hay là sử liệu lủng cũng, tam sao thất bản, mù quáng sai lạc?

Là người Việt, đọc lịch sử, nghe rằng mình là “con Rồng cháu Tiên”, ai cũng khoái tỉ và tưởng đâu rằng dân mình siêu hơn các dân tộc khác. Khi ôn lại sử liệu, chúng ta rùng mình vì nước Việt sinh ra trong thời kỳ ly loạn. Chiến tranh chết chóc xương chất thành núi, máu chảy thành sông hằng nghìn năm, lịch sử người Việt là lịch sử bi hùng không ngừng di dân về phương Nam và liên tục đấu tranh cầu sống. Chúng ta cảm xúc vì sự huyền bí của lịch sử nhưng niềm kiêu hào chỉ tồn tại khi ta nối chí tiền nhân: bền bỉ cần cù, thông minh sáng tạo, dũng mãnh chống ngoại xâm giữ gìn độc lập.

Ngọc Lâm
Về Đầu Trang
Minh Huong Khuc
Niên Khóa 1962-1969


Ngày tham gia: 05 Nov 2007
Số bài: 2090

Bài gửiGửi: Sat Feb 06, 2010 7:04 pm    Tiêu đề: TRỌNG THỦY & MỴ CHÂU

Đóng góp cho vui gọi là !
Mỵ Châu
Nguyễn Nhược Pháp

Lẫy thần chàng đổi móng,
Lông ngỗng thiếp đưa đường.

Nguyễn Khắc Hiếu
I
Đêm hôm gió khóc thổi ru cành:
Núi bạc âm thầm, bể uốn xanh.
Hiu hắt Mỵ-Châu nằm, trăng phủ.
Ầm ầm sóng thảm vỗ vờn quanh.

Cát vàng le lói muôn hàng châu:
Long lanh trai tuyết nhìn canh thâu.
Thương ai sao biếc thầm gieo lệ.
Sương mờ bay tỏa bạc ngàn lau.

Chân nàng hoa lả nhuốm màu sương.
Vừng trăng lạnh lẽo, chim kêu buồn.
Thân ngà tóc rủ vờn man mác,
Thiêm thiếp em chờ ai bên đường?

II

Bơ vơ Trọng-Thủy lạc rừng hoang,
Vời theo lông ngỗng rơi bên đàng;
Đau lòng mắt nặng rùng đêm lạnh
Thoảng tiếng trăng thưa chen lá vàng.

Lẫy thần trao móng, chàng đi xa.
Yêu nhau sao nỡ bạc nhau mà?
Chàng đi -- cho bao giờ gặp gỡ! --
Phiên-ngung nước cũ, lệ chan hòa.

Nào lúc con thuyền sóng vỗ quanh,
Hiu hiu mây thoảng da trời xanh,
Xiêm bay theo gió, hồn vơ vẩn.
Gương biếc nàng xưa êm tô hình.

Nào lúc chiều hôm vang lửa hồng,
Chim bay tan tác, trời mênh mông.
Lẹ gót hài tiên nàng yểu điệu,
Bên lầu tựa cửa cuốn rèm trông.

Nào lúc đêm thanh mờ bóng trăng,
Nhìn thấy nàng gợi tiếng dương cầm.
Tóc liễu đua bay vờn má ngọc,
Lời ca thánh thót, chàng quên chăng?

Bơ vơ ngày cũ tưởng càng đau,
Tìm trông phương nào, hỡi Mỵ-Châu?
Lông ngỗng cầm tay nhòa ánh lệ,
Chàng đi man mác buồn, đêm thâu.

III

Thiêm thiếp ai bên đường, hỡi ôi!
Chàng ôm khóc nghẹn chẳng ra lời,
-- Đầu non mây bạc êm đềm phủ,
Phơn phớt hồn em bay, ngậm cười...

Giếng Trọng Thủy
Nguyễn Nhược Pháp

Đêm khuya, gió lốc, mây đen vần,
Cỏ lướt gieo mình vực giếng thâm;
Trọng-Thủy nằm trên làn nước sủi.
Tiếng mõ cầm canh xa âm thầm.

Phơn phớt hồn ma đóm lập lòe.
Cú rúc. Đàn dơi bay tứ bề.
Răng rắc kêu như tiếng xương đập,
Gió rền, quỷ khóc, lay cành tre.

Nhấp nhoáng xiên trời chớp tóe xanh,
Gầm ran sấm chuyển, mây bùng phanh.
Mưa đâp. Tù-và rên văng vẳng
Hiệu lính tuần kêu trên mặt thành.
Về Đầu Trang
Minh Huong Khuc
Niên Khóa 1962-1969


Ngày tham gia: 05 Nov 2007
Số bài: 2090

Bài gửiGửi: Sat Feb 06, 2010 9:02 pm    Tiêu đề:


Mới hay , mình " Cống " người - Người " Cống " mình !
Đi Cống
Nguyễn Nhược Pháp
* Lệ cống thì phải chọn nho sĩ, thầy thuốc,
thầy bói, thầy toán số và thợ thuyền mỗi hạng
ba người, cùng các đồ sản vật như là sừng tê,
ngà voi, đồi mồi, châu báu và các vật lạ.
Trần Trọng Kim

Núi cao, lửa hồng reo chói lọi,
Đổ vàng cây cối um tùm xanh.
Khi lòe nắng lóa, khi thâm tối,
Sườn non con đường mềm uốn quanh.

Hiu hắt cờ bay tua phơ phất,
Binh lính hò reo gầm bốn phương.
Nón đỏ, bao vàng, chân dậm đất,
Một toán đạp rừng um dẫn đường.

Mặc áo bào xanh, ngồi ngựa trắng,
Sứ nghe nhạc lắc vang bên rừng.
Hai bên hai lọng vàng che nắng.
Giời, mây, trông non nước muôn trùng!

Mười xe bịt đồng, trâu mập kéo,
Bánh sắt khi kề lên sườn non,
Đá đổ ầm ầm như sấm réo,
Gầm nhảy xuống vực sâu kêu ròn.

Trên xe nào mâm vàng dát ngọc,
Châu báu, sừng tê và ngà voi;
Hai pho tượng vàng đỏ đòng đọc;
Bào nạm kim-cương, đai đồi-mồi.

Binh lính hò quanh hoa giáo mác
-- Võ tướng khua đao to lầm lầm --
Hễ thấy đường chênh kề miệng thác,
Bỏ giáo lên xe xoay bánh, vần.

Thầy nho, thầy thuốc bên thầy bói,
Thợ thêu, thợ chạm cùng thợ nề,
Mỗi người đeo một cái khăn gói
Đỏ, buông cương ngựa theo gần xe.

Lúc ấy giời xanh không u ám,
Đầu non không tờ mờ bóng sương,
Làm sao họ âu sầu thảm đạm?
Buồn thay! người cố phận tha hương.

Xe đi mỗi lúc một thêm khó.
Hang thâu hổ đói rên vang lừng;
Những con trăn xám văng như gió,
Quật đuôi đè gẫy bẹp cây rừng.

Sứ bỗng nhìn quanh buồn ủ rũ:
Xa xa ngọn cờ vàng phất phơ!
Vợ con ở chân trời mây phủ,
Hẳn đang nhìn bóng nhạn mong chờ...

Hỡi ai đi thẩn thơ miền núi!
Nhìn ngọn cây xanh gió thổi ào,
Tưởng lại cờ xưa vàng chói lọi,
Nên yêu người cũ hồn trên cao.
Về Đầu Trang
Thong Reo



Ngày tham gia: 10 Mar 2009
Số bài: 620

Bài gửiGửi: Sat Feb 06, 2010 10:55 pm    Tiêu đề:

Buồn ơi buồn ơi nghe chơi vơi
Người cống mình cống băng núi đồi
Đường đi gặp ghềnh nhiều gan góc
Đoàn người xuyên xuyết tiến đầu non

Ầm theo rừng xanh đoàn vượt nhanh
Khuya chiêng gỏ trống lệnh quân hành
Bạt rừng cây đổ gầm muôn thú
Xe kéo bánh lê đá lăn rầm

Sứ cùng phẩm vật cống triều đi
Ngước mắt trông vời cố quận ghi
Người ngoài biên ải niềm tê tái
Dấu ái thê nhi xót mây về
Về Đầu Trang
DIEU HUYEN
Niên Khóa 1962-1969


Ngày tham gia: 25 Sep 2008
Số bài: 4763
Đến từ: Vườn Hoa Hạnh Phúc

Bài gửiGửi: Sun Feb 07, 2010 1:44 am    Tiêu đề:



Đây là hình của Fairy Dragon ,là truyền thuyết thôi nhé. Chúng ta là con của con rồng này thì sao lại xinh đẹp như vầy phải không các bạn.

Cám ơn Ngọc Lâm đã bỏ công sức để tìm đến những tài liệu và những tấm hình quý giá,lâu quá có dịp quay về nguồn gốc cũng được tăng thêm chút kiến thức và nhớ hồi nhỏ đọc như con vẹt. Lạc long Quân lấy bà Âu Cơ sinh ra 100 cái trứng , nở ra 100 người con. 50 con theo cha lên núi ,50 con theo mẹ xuống biển...
NL ơi gởi thêm nhé DH ơi nhờ em cỗ võ NL nhé.Chị thích bài viết về Vancouver của en lắm. Mỗi lần có Olympic ,chị thích xem nhất là ngày khai trương và ngày bế mạc. Lần này chắc sẽ xem được những màn thi vũ ice ski tuyệt vời nữa.
Cám ơn những bài thơ hay của TR, DĐ,CL,KK, Bibam.....
Chúc các bạn TR,MT,MH,MT,DH,NL,D Đ,KK ,HL,LDD,NSD,TH,BSM,HX,DK ,NKD ,HX năm mới nhiều hạnh phúc và lễ valentine vui nhất.
....và công ty TBL ltd phát tài phát lộc...không dám chúc phát tướng  Laughing  Laughing  Laughing
Về Đầu Trang
Bui Thi Dieu Huyen
Niên Khóa 1969-1975


Ngày tham gia: 09 Jan 2009
Số bài: 109

Bài gửiGửi: Sun Feb 07, 2010 9:30 pm    Tiêu đề:

Cảm ơn chị Diệu Huyền,
Em nhớ tới đâu viết tới đó nên bị có người chê viết lộn xộn đó Chị à. Em cứ làm hết sức mình thôi, ai cười hở mười cái răng!!
Tụi em có lang thang ở mấy shop Voodoo trước Chị Minh Tâm một tháng, lê lết hết mọi chỗ nhưng trừ cái đường Bourbon đó ra. Sợ phải lấm lét liếc ngang liếc dọc.. như chị MT thì khổ. May là NL chưa biết tới con đường này, nếu không chắc mệt rồi!! Tụi em gặp Thầy Tâm, thầy hơi ốm hơn xưa, Cô Ngân thì vẫn như dạo nào. Niềm vui của Thầy Cô là các con, cháu quấn quýt bên cạnh. Tụi em cũng đền "Quán Ông Già" nữa, beignets ở dây tròn và dài như ngón tay, nên em gọi là bánh thèo lèo cho gọn. Cảm ơn cô tài xế cừ khôi BNB lái xe như "vó" nên chuyến du lịch của tụi em thật tuyệt diệu.
Em mong các Chị Diệu Huyền, Minh Hương Khúc, Minh Hương Nguyễn, Minh Thư, Minh Tâm, em Hồng Loan... có dịp ghé qua Canada, bảo đảm sẽ có những trận cười thoải mái.
Chúc mọi người vui luôn.
Về Đầu Trang
DIEU HUYEN
Niên Khóa 1962-1969


Ngày tham gia: 25 Sep 2008
Số bài: 4763
Đến từ: Vườn Hoa Hạnh Phúc

Bài gửiGửi: Tue Feb 09, 2010 12:22 am    Tiêu đề:

Huyền Trân Công Chúa ơi,

Từ Houston qua New Orleans lái như "vó" ngựa phi đường dài ,Ngọc Bich giỏi thật. Lâu lắm rồi chị ước có một tài xế như vậy mà vẫn tìm chưa ra.hôm nay biết rồi tới ngày Đại hội sẽ nhờ tài xế NB chở dùm chiếc bánh DT vĩ đại nhé.
Nhất định hôm nào phải rủ nhau đại náo Canada....Chưa gặp nhau mà đã cười quá xá trên không gian này rồi ,gặp nhau chắc vừa bò vừa cười.....Chị thích cái câu " nhớ tới đâu viết tới đó " của em. Chứng tỏ rất có hồn và những bài viết của em rất linh động. hi..hi..em nhắn thêm dùm chị là cứ cười đi mai môt không còn răng để mà hở nữa còn dám cười không cho biết ,nói nhỏ ,hai chị em mình một phe hi..hi...

Hôm đó chị nghe CT nói Bích Ngọc và Huyền Trân va Ngọc Lâm đi New Orleans nên biết là thế nào cũng đến shop voodoo và "Quán Ông Già"  ăn beignets...nếu biết em ghé thăm thầy Đào Thanh Tâm và cô Thanh Ngân thì chị đã gởi lời thăm, vì chị cũng chưa bao giờ hân hạnh được gặp mặt ,hy vọng lần Đại Hội DTKTKY 2010 sẽ gặp nhị vị đó vì cô Ngân năm rồi có hẹn để năm nay retire sẽ đi họp mặt vơí DT.

:dance:
Về Đầu Trang
buihongloan
Niên Khóa 1970-1975


Ngày tham gia: 01 Aug 2008
Số bài: 488

Bài gửiGửi: Wed Feb 10, 2010 11:06 pm    Tiêu đề: Tặng chị Minh Thư

.....
Mười năm ta biết em chẳng quên
Cũng cố chôn đi nhớ ở lòng
Mười năm ta biết em vẫn nhớ
Ngậm ngùi em quá Nhã Hoàng Lan
Nhã của ta hay Nhã của ai

(Nhã Hoàng Lan- Hạ Quốc Huy)
Về Đầu Trang
HUONG XUA



Ngày tham gia: 26 Jan 2008
Số bài: 510

Bài gửiGửi: Wed Feb 10, 2010 11:43 pm    Tiêu đề:

Mười năm tình cũ

Tặng cho những người hữu duyên....HL...NKD.....MHN...
Chúc các bạn năm con cọp nhiều thắng lợi huy hoàng .


[youtube]https://www.youtube.com/watch?v=-DAcINMcBvQ[/youtube]
Về Đầu Trang
MinhThư



Ngày tham gia: 12 Dec 2007
Số bài: 248

Bài gửiGửi: Thu Feb 11, 2010 2:49 am    Tiêu đề: Re: Tặng chị Minh Thư

Cám ơn Hồng Loan về bài thơ thật hay.

.....
Mười năm ta biết em chẳng quên
Cũng cố chôn đi nhớ ở lòng
Mười năm ta biết em vẫn nhớ
Ngậm ngùi em quá Nhã Hoàng Lan
Nhã của ta hay Nhã của ai
    Nhã Hoàng Lan - Huỳnh Quang Nam



Ai có biết? mà không, ai nào biết
Cũng một đời. Tỉnh giấc. Vẫn xa nhau
Vẫn rất thương. Rất nhớ. Rất sầu
Ai có biết? mà không, ai nào biết
    VQ


Được sửa bởi MinhThư ngày Fri Feb 12, 2010 6:49 am; sửa lần 1.
Về Đầu Trang
buihongloan
Niên Khóa 1970-1975


Ngày tham gia: 01 Aug 2008
Số bài: 488

Bài gửiGửi: Thu Feb 11, 2010 6:39 am    Tiêu đề:

Lớn lên giữa núi xanh rì
Cỏ hoa như thể tứ chi cận kề
Sao ta biền biệt chưa về
Lưng đồi sim tím bốn bề chim ca
Dù muôn dặm có bao xa
Mà trong gang tấc vẫn là thiên thu

Phạm Thiên Thư
(Đoạn Trường Vô Thanh)
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Thơ Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Chuyển đến trang 1, 2  Trang kế
Trang 1 trong tổng số 2 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân