Mây tím

Ngày tham gia: 24 Oct 2007 Số bài: 10766
|
Gửi: Fri Apr 04, 2025 11:18 pm Tiêu đề: Biên phòng có quyền kiểm soát điện thoại của bạn không? |
|
|
Biên phòng có quyền kiểm soát điện thoại của bạn không? |
| | | |  | | | | |
Việc kiểm soát thiết bị điện tử tại biên giới Hoa Kỳ đang trở thành một vấn đề đáng lo ngại. Khi nhập cảnh, hãy hiểu rõ quyền lợi của mình và có biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân hợp lý. Đừng để sự thiếu chuẩn bị khiến quý vị hoang mang trước nhân viên biên phòng.
Việc nhập cảnh vào Hoa Kỳ ngày càng trở nên căng thẳng khi chính phủ siết chặt các biện pháp kiểm soát an ninh. Đặc biệt, sau sắc lệnh hành pháp của Trump về chuyện “tăng cường rà soát” trong kiểm soát an ninh, các viên chức biên phòng Hoa Kỳ có thêm quyền áp dụng các biện pháp kiểm soát gắt gao tại các cổng biên giới như phi trường.
Trong những ngày qua, đã có nhiều vụ người nhập cư hợp pháp và du khách quốc tế bị từ chối nhập cảnh, thậm chí bị tạm giữ bởi Cơ quan Di trú và Quan thuế Hoa Kỳ (Immigration and Customs Enforcement, ICE) mà không có lời giải thích thỏa đáng.
Một trường hợp nổi bật gần đây là việc một khoa học gia người Pháp trên đường đến Houston để tham dự hội nghị thì bị Cơ quan Quan thuế và Biên phòng Hoa Kỳ (Customs and Border Protection, CBP) chặn không cho nhập cảnh. Theo Bộ trưởng Giáo dục Đại học Pháp, nguyên nhân được cho là vì thiết bị cá nhân của khoa học gia đó chứa những tin nhắn có nội dung chỉ trích chính sách của Trump về khoa học.
Tuy nhiên, Bộ Nội An Hoa Kỳ (Department of Homeland Security, DHS) đã bác bỏ tin tức này. Phát ngôn viên Tricia McLaughlin tuyên bố rằng khoa học gia bị từ chối nhập cảnh không phải vì quan điểm chính trị mà bởi thiết bị của ông này chứa “tin tức mật” (confidential information) từ Phòng Thí nghiệm Quốc gia Los Alamos.
Dù thực hư ra sao, có thể thấy một điều rõ ràng là khi đến Hoa Kỳ, bảo mật thiết bị cá nhân cũng quan trọng không kém gì việc chuẩn bị giấy tờ, hành lý.
Thậm chí, trong tháng 3, chính phủ Đức và Anh đã cập nhật khuyến cáo du lịch, báo động công dân rằng họ có thể bị bắt giữ hoặc tạm giam nếu vi phạm quy định của Hoa Kỳ, ngay cả khi họ có giấy tờ đầy đủ và thị thực hợp lệ.
Saira Hussain, một luật sư cấp cao của Electronic Frontier Foundation, cho biết: “Trước khi đi, cần tìm hiểu rõ quyền lợi của mình và có kế hoạch đối phó. Bởi vì nếu không, quý vị có thể gặp tình thế khó xử. Thí dụ như đang vội vã vì sắp trễ chuyến bay, nhưng lại bị giữ lại để kiểm soát an ninh lần hai. Trong khoảnh khắc căng thẳng đó, nhiều người sẽ bối rối, hoảng sợ và chỉ nghĩ đến việc phải làm mọi cách để nhanh chóng tiếp tục hành trình – kể cả chấp nhận giao nộp điện thoại hay cung cấp tin tức cá nhân mà đáng lẽ họ có quyền từ chối.” |
|
| | | |  | | | | |
CBP có quyền kiểm soát điện thoại của du khách không?
Câu trả lời là có! Chính phủ Hoa Kỳ có quyền hợp pháp kiểm soát điện thoại, máy tính xách tay và các thiết bị điện tử cá nhân của du khách nhập cảnh.
Petra Molnar, luật sư và tác giả của cuốn sách The Walls Have Eyes: Surviving Migration in the Age of Artificial Intelligence (xin tạm dịch là Những Bức Tường Có Mắt: Sống Sót Sau Di Cư Trong Thời Trí Tuệ Nhân Tạo) cho biết: “Bất kỳ thiết bị điện tử nào của quý vị, bao gồm điện thoại, máy tính xách tay và máy tính bảng, đều có thể bị kiểm soát tại biên giới. Trong một số trường hợp, nhân viên quan thuế chỉ mở và xem nội dung ngay trên thiết bị. Nhưng cũng có khi họ sử dụng thiết bị chuyên môn tải dữ liệu xuống để kiểm soát.”
Theo CBP, việc kiểm soát thiết bị điện tử không diễn ra thường xuyên. Năm 2024, cơ quan đã tiến hành 42,725 cuộc kiểm soát căn bản và 4,322 cuộc kiểm soát kỹ lưỡng, chủ yếu đối với những người không phải công dân Hoa Kỳ. Với kiểm soát căn bản, họ chỉ mở thiết bị ra, xem qua một số nội dung hoặc ứng dụng. Khi cần kiểm soát kỹ lưỡng, họ sẽ sử dụng thiết bị chuyên môn để sao chép toàn bộ dữ liệu trên máy xuống.
Không có một tiêu chuẩn cố định nào để xác định ai là người đáng ngờ đến mức cần kiểm soát thiết bị điện tử, và điều này có thể thay đổi tùy vào từng trường hợp. Theo Liên Đoàn Nhân Quyền (ACLU), những người từng bị kiểm soát thiết bị tại biên giới không nhất thiết phải là tội phạm hay nghi phạm khủng bố, mà còn bao gồm cựu chiến binh, nghệ sĩ, kỹ sư NASA, nhà báo, người theo đạo Hồi và người da màu.
Một cuộc điều tra của NBC News năm 2017 cho thấy ít nhất 25 công dân Hoa Kỳ, hầu hết đều là người Hồi giáo, đã bị yêu cầu giao nộp điện thoại tại biên giới.
Thông thường, khi một hành khách bị nghi ngờ, họ sẽ bị đưa vào khu vực kiểm soát phụ thêm (secondary screening). Tại đây, nhân viên biên phòng có thể yêu cầu được kiểm soát điện thoại của họ.
Hussain cho biết: “Theo quy định, nhân viên biên phòng phải bật chế độ phi cơ trên thiết bị trước khi kiểm soát. Tức là họ không được vào xem các dữ liệu lưu trữ đám mây, chẳng hạn như Facebook, iCloud hay Google Drive.” Tuy nhiên, trên thực tế, đã có nhiều du khách kể rằng nhân viên biên phòng xem xét cả hồ sơ mạng xã hội của họ.
Một trong những điều đáng lo ngại nhất là nếu đã bị kiểm soát thiết bị một lần, quý vị sẽ có nguy cơ bị kiểm soát nhiều lần về sau. Hussain đã từng đưa một vụ lên tới Tối Cao Pháp Viện, bà phát giác rằng “khi một người bị đưa vào diện kiểm soát phụ thêm, tin tức của họ sẽ bị lưu lại trong hệ thống của CBP. Và điều này có nghĩa là họ sẽ bị kiểm soát lại trong những lần nhập cảnh sau, ngay cả khi không có dấu hiệu vi phạm mới nào.” |
|
| | | |  | | | | |
Chúng ta có quyền từ chối cung cấp mật mã điện thoại không?
Quý vị không bị bắt buộc phải cung cấp mật mã điện thoại cho nhân viên biên phòng; nhưng nếu từ chối, quý vị có thể đối mặt với những hậu quả khác nhau tùy theo tình trạng nhập cảnh của mình.
Nếu là công dân Hoa Kỳ, dù quý vị từ chối cung cấp mật mã để kiểm soát thiết bị, CBP cũng không thể cấm quý vị nhập cảnh. Tuy nhiên, họ có thể tịch thu điện thoại của quý vị trong nhiều tuần hoặc thậm chí hàng tháng trời.
Nếu là thường trú nhân (có thẻ xanh), quyền lợi của quý vị nhìn chung cũng tương tự công dân Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nếu quý vị đã rời khỏi Hoa Kỳ hơn sáu tháng, quý vị có thể bị coi là “xin tái nhập cảnh” thay vì trở về nước, và CBP sẽ có quyền điều tra “gắt” hơn.
Nếu chỉ có visa du lịch hoặc làm việc, quý vị sẽ mệt mỏi hơn nhiều. CBP có thể coi việc từ chối kiểm soát điện thoại là cơ sở để từ chối cho quý vị nhập cảnh. Đặc biệt, những người có visa du lịch là nhóm dễ bị “hành” nhất, visa của họ có thể bị hủy ngay tại biên giới nếu từ chối cho nhân viên biên phòng kiểm soát thiết bị điện tử cá nhân. |
|
| | | |  | | | | |
Làm thế nào để bảo vệ dữ liệu cá nhân khi đi qua biên giới Hoa Kỳ?
Molnar nhấn mạnh rằng: “Nhiều người nghĩ rằng họ chẳng có gì để che giấu, vậy thì có gì phải lo? Nhưng quyền riêng tư không chỉ là tránh bị theo dõi. Việc giám sát tràn lan có thể dẫn đến lạm quyền, phân biệt đối xử và hạn chế quyền tự do ngôn luận.”
Dưới đây là những cách giúp quý vị bảo vệ thiết bị của mình khi nhập cảnh Hoa Kỳ: Sử dụng một điện thoại riêng: nếu có thể, hãy mang theo một điện thoại chỉ dành cho việc đi đó đi đây, không chứa dữ liệu cá nhân quan trọng như hồ sơ y tế hoặc tin nhắn riêng tư.
Kiểm soát, sao lưu và xóa dữ liệu quan trọng: nếu chỉ dùng một điện thoại duy nhất. Hãy sao lưu các dữ liệu quan trọng lên một dịch vụ lưu trữ đám mây (như iCloud hoặc Google Drive), và xóa khỏi điện thoại trước khi lên đường.
Tắt ứng dụng nhận biết khuôn mặt (Face ID) và sử dụng mật mã khó đoán: nhân viên biên phòng có thể dùng chính khuôn mặt quý vị để mở khóa điện thoại. Nên đặt mật mã khó đoán và dùng công dụng xác thực hai bước.
Không trực tiếp chia sẻ mật mã: nếu buộc phải mở khóa điện thoại, hãy tự nhập mật mã thay vì đọc lớn cho nhân viên biên phòng. (Vì khi điện thoại tắt nguồn, CBP sẽ không thể mở lại thiết bị nếu không có mật mã).
Chỉnh điện thoại ở chế độ phi cơ: CBP tuyên bố rằng họ không kiểm soát dữ liệu khi thiết bị đang liên kết mạng, nhưng để an toàn, hãy cứ bật chế độ phi cơ.
Hussain nhắc thêm rằng mỗi người cần tự đặt ra câu hỏi: “Có dữ liệu nào trên điện thoại mà tôi không muốn nhân viên quan thuế lục lọi và xem không?” Từ đó, quý vị sẽ xác định được những dữ liệu nào nên được chuyển sang thiết bị khác hoặc lưu chỗ khác.
Thử nghĩ mà xem, điện thoại đâu chỉ để phục vụ chuyến đi vài ngày. Nó là cả một kho tin tức quan trọng trong biết bao nhiêu năm qua: hình ảnh, clip, hồ sơ khám bệnh, tin tức ngân hàng và email...
Vì vậy, trước khi đi qua biên giới Hoa Kỳ, hãy chủ động kiểm soát và xóa hoặc chuyển tin tức riêng tư, dữ liệu nhạy cảm sang thiết bị hoặc dịch vụ lưu trữ an toàn hơn, bảo đảm tin tức cá nhân của quý vị được bảo vệ tối đa. |
|
(theo Huffpost, Cung Đô biên dịch) |
|
|
|
|