TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Ngậm ngải tìm trầm
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Ngậm ngải tìm trầm

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Sưu tầm của MAI THỌ
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
MAI THO



Ngày tham gia: 20 Apr 2011
Số bài: 7764

Bài gửiGửi: Tue Mar 25, 2025 6:21 pm    Tiêu đề: Ngậm ngải tìm trầm


Ngậm ngải tìm trầm


Ngậm ngải tìm trầm

Trần Doãn Nho

(DS Cao Anh Tuấn sưu tầm)

Từ Huế...

Tôi đạp xe đạp ra đi lúc trời còn tối. Sương sớm phủ mù không gian, khiến cho đêm như kéo dài thêm. Tôi chuẩn bị hành ký gọn nhẹ để giảm bớt sự chú ý của công an và thuế vụ rình rập khắp nơi, vì tôi mang theo trong người vàng và tiền. Vàng may vào gấu quần, và nhét vào trong quần lót. Tiền, một phần giấu trong các bịch đồ ăn, một phần bỏ vào hai cái đãy cột ở bắp vế. Hồi đó, năm 1985, mang vàng cũng như tiền với số lượng lớn, cỡ từ 15.000 đồng[1] trở lên được xem là bất hợp pháp. Trong khi lục soát hàng hóa, nếu tìm thấy tiền và vàng, công an, thuế vụ có quyền làm biên bản giữ, để tịch thu hoặc để đóng thuế, nếu chủ nhân không chứng minh được nguồn gốc của nó.

Đến bến xe An Hòa, thấy Hoàng đã đứng đợi ở đó. Tôi bỏ xe đạp lên trần, làm bộ như chẳng quen biết gì Hoàng, rồi tản ra phía xa, tránh con mắt dòm ngó của công an và thuế vụ. Đây là bến xe nội tỉnh. Đa phần hàng hóa đều cồng kềnh. Khách, thường là dân buôn thúng bán bưng và cán bộ đi công tác. Tôi nhìn quanh và bắt gặp rải rác đây đó nhiều thanh niên, vai mang chiếc ba lô căng phồng với các đồ đạc lỉnh kỉnh khác cột kèm theo phía ngoài như rựa, dao, cột cắm trại... Chắc chắn họ là dân “đi cội”. Đi cội là một tiếng lóng chỉ những người đi tìm trầm. Họ không có vốn, chỉ bỏ công sức, băng rừng lội suối tìm cho ra cây “gió” để làm trầm.

Cũng là dân trầm, nhưng chúng tôi thì khác. Chúng tôi được gọi là dân “lái”, tức là lái buôn. Nói Hoàng là lái cũng không đúng. Anh ta không có vốn, nhưng có một ít kinh nghiệm về mua bán trầm, vì trước đó, anh ta là công an kinh tế, chuyên môn đi bắt trầm và các loại hàng lậu khác. Hoàng bị đuổi ra khỏi ngành công an vì đã dùng giấy tờ và sắc phục công an, chuyển trầm lậu cho dân buôn. Điều quan trọng nhất mà tôi cần: anh ta là người địa phương huyện Lệ Ninh. Theo quy định của cơ quan Thương nghiệp huyện này, chỉ có dân địa phương mới có quyền đăng ký làm đại lý nhập trầm cho huyện, nghĩa là mới có quyền đi thu mua trầm, hay nói cho đúng hơn, có quyền buôn lậu trầm “một cách hợp pháp”. Tôi bỏ vốn, anh ta đứng tên xin giấy phép. Nói một cách khác nữa, tôi thuê anh ta đứng tên để hợp pháp hóa việc mua bán trầm.

Xe đến huyện Lệ Ninh, Quảng Bình trong ngày, yên ổn. Hoàng và tôi trọ tại nhà một nguời quen của Hoàng, kế bên chợ Tréo, chợ huyện Lệ Ninh.

Cũng như nhiều huyện khác thuộc địa phận Quảng Bình vào thời gian này, Lệ Ninh đang rộn lên vì phong trào đi trầm, mua bán trầm. Đàn ông, thanh niên đua nhau “lên đường” tìm trầm. Kẻ có vốn thì làm đại lý, người không có vốn thì đi cội. Mọi công việc ruộng vườn giao khoán cho phụ nữ và ông già, bà lão. Để phụ vụ cho dân trầm, quán xá mọc lên khắp nơi. Am miếu cũng mọc lên khắp nơi. Người ta nhậu nhẹt, tiệc tùng, cúng bái. Hương đèn, vàng bạc, tượng thần tài, tượng ông địa được dùng phổ biến, bất chấp các phong trào chống mê tín dị đoan của nhà nước. Nực cười ở chỗ, ngay cán bộ nhà nước đi bắt hàng lậu là các đội công an thuế vụ cũng mê tín dị đoan. Trước khi lên đường đi rừng để bắt trầm, từ đội trưởng đến nhân viên, ai cũng chuẩn bị hương đèn và cúng kiếng cẩn thận. Dừng lại đóng quân tại đâu, họ cũng mang hương ra thắp cúng. Kẻ đi trầm và người đi bắt trầm đều cầu mong thần tài chiếu cố cho trúng mánh. Các giai thoại về đi trầm, bắt trầm, mua trầm được phổ biến rộng rãi và mỗi ngày mỗi phong phú, càng khiến lòng nguời thêm nao nức.

Theo quy định của huyện Lệ Ninh thì chỉ có những nguời được huyện cấp giấy phép làm đại lý trầm mới có quyền mang tiền và trầm trong địa bàn huyện và tất cả trầm mua được, trên nguyên tắc, phải “nhập” (nghĩa là bán) cho Thương nghiệp huyện. Thực tế thì, các đại lý chỉ bán cho huyện một số lượng quy định hàng tháng gọi là bán “nghĩa vụ”. Làm trọn nghĩa vụ thì giấy phép mới được gia hạn. Phần còn lại thì tùy nghi, nghĩa là các đại lý bán chui. Thường thì hàng xấu đẩy cho thương nghiệp, hàng tốt dành để bán lậu vì bán lậu được giá hơn nhiều. Biết rõ như thế, huyện Lệ Ninh một mặt thì cấp giấy phép cho người ta làm đại lý, nhưng mặt khác, lập thêm các đội Quản lý Thị trường với tính cơ động cao, thay nhau làm việc ngày đêm để đi bắt trầm. Đội bao gồm chủ yếu là cán bộ thuế vụ, được tăng cường thêm công an và bộ độ địa phương. Tất cả có bốn đội hoạt động trên nhiều địa bàn khác nhau. Đó là chưa kể đến các cán bộ thuế và công an thuộc xã, thoắt biến thoắt hiện trên các chốt, các bến xe, các ngả đường.

Mới ra có một hôm, tiếng đồn đã vang um khắp huyện lỵ. Người ta biết Hoàng chỉ là lái giả. Tôi mới là lái thực. Ra đường, thấy ai cũng chỉ chỉ chỏ chỏ, tôi đâm lo. Hoàng nói: “Anh không nên đi ra ngoài nhiều, tụi nó biết mặt, bất lợi.”

“Tụi nó” đây là công an thuế vụ. Biết tôi mang vốn liếng từ Huế ra, chắc chắn là họ theo dõi sát nút, đợi có sơ hở là “vồ”. Bởi thế, tôi đành hy sinh, suốt hai ngày sau nằm im trong nhà, lánh mặt.

Tôi ở lại huyện lỵ ba hôm, đợi Hoàng chuẩn bị vài việc, và thâu nhận thêm tin tức về nguồn hàng, rồi lên đường.

Sáng hôm đó, chúng tôi dậy sớm ra đi. Hoàng mang tiền và vàng vì Hoàng có giấy phép. Tôi mang gạo cơm, mùng mền, đóng vai anh “tà lọt”. Vòng qua chợ tréo, chúng tôi đạp xe đạp đi dọc con đường uốn quanh theo dòng sông nhỏ chảy ngang qua huyện. Chúng tôi lặng lẽ đạp, Hoàng đi trước, tôi đi sau như không hề dính líu gì đến nhau. Đường đất đỏ. Mùa hè, đất cứng lại, phẳng phiu, nên tương đối dễ đi. Hoàng cho biết, bên kia sông là làng Đợi, thuộc xã Đại Phong, quê hương của ông Ngô Đình Diệm. Bên này sông là làng An Xá, quê hương ông Võ Nguyên Giáp. Tôi nhìn bên kia rồi nhìn lại bên này, lòng bâng khuâng nghĩ đến vận người và vận nước. Nhưng vừa qua khỏi khu nhà từ đường của dòng họ Võ, hai nhân viên thuế vụ từ trong hẻm vọt ra, chặn lại. Họ lục soát người, lục soát túi xách. Không tìm thấy gì bất hợp pháp, họ để chúng tôi đi. Khi băng qua cánh đồng, tôi hỏi:

“Ai dại gì mang hàng mang tiền không có giấy phép mà lại đi khơi khơi như vậy cho họ bắt?”

“Bọn chúng muốn nhận diện anh và tôi đấy”, Hoàng nói.

Phải băng qua bốn ngôi làng mới đến đường 25, con lộ chính dẫn lên vùng núi. Nói là đường lộ nhưng còn tệ hơn đường đất trong làng. Đường trải nhựa, nhưng quá hư hỏng, có lẽ vì không hề tu sửa. Toàn là ổ gà, hố lớn, hố nhỏ, đá tảng nằm ngổn ngang. Đây là con đường chính dẫn lên rừng nên dân đi trầm các nơi đều đổ về. Dọc đường, từng toán ba, bốn hoặc năm người, ba lô trên vai, tay cầm gậy, chân đi giày bố Mỹ hoặc dép râu, bươn bả đi. Cũng như những người tôi gặp ở bến xe Huế, họ là dân đi cội. Đi cội là đi sâu vào trong rừng, càng sâu càng tốt, tìm cho ra cây trầm, đốn xuống, rồi cưa, xẻ, đục, đẽo để chọn lấy phần gỗ có dầu – tức là trầm – mang về. Giá trị trầm càng cao nếu phần gỗ càng đen, nghĩa là dầu trầm càng nhiều. Không phải tất cả cây gió đều có dầu. Thường thì cây non không có dầu. Nhưng nhiều cây già, thuộc loại cổ thụ, vẫn không có hoặc có rất ít dầu. Đôi khi nguời ta gặp một cây toàn dầu, nhưng hiếm hoi lắm. Thông thường thì những cây trung bình, khoát vừa vòng tay là có thể có dầu. Số lượng trầm lấy trong một cây không nhất định. Không ai, kể cả những người đi trầm lâu năm, ước định được chính xác số lượng trầm trong cây, nếu chỉ nhìn bên ngoài. Kết quả cuối cùng chỉ có sau khi đã làm” thịt” hết toàn bộ cây, từ gốc trở lên, kể cả rễ. Công việc này đòi hỏi thời gian, sự kiên nhẫn và làm việc tập thể. Chính vì thế, những nguời đi trầm phải đi từng nhóm, mang theo đồ ăn dùng cho cả tháng, nếu đi xa. Họ băng rừng lội suối. Vừa để kiếm sống qua ngày, vừa hy vọng một cuộc đổi đời nếu may mắn gặp được một cây gió đầy dầu. Tóm lại, họ ra đi để tìm đường... cứu đói. Ruộng vườn bỏ lại, thành phố bỏ lại. Hết chuyến này đến chuyến khác, thua keo này bày keo khác, họ tất tả đổ xô lên rừng. Rừng vàng biển bạc mà! Trên đường, ngoài những kẻ hăm hở ra đi, không thiếu người lê lết “bò” về trông chẳng khác gì đoàn quân thất trận. Ba lô rỗng. Cả tháng trường lặn lội trong rừng sâu núi thẳm, chẳng gặp may. Đi không, hết cơm gạo, lại phải trở về không.

Nhìn con đường nham nhở trước mặt, tôi đâm ớn. Đạp một đoạn rồi lại dắt bộ một đoạn, vì đường hư và nhiều dốc lên dốc xuống. Đi cả ngày chưa chắc đến.

“Đường này dẫn đến đâu?” Tôi hỏi, giọng chán nản.

“Đường 33. Đến đó rồi hẳn hay. Ở đó, có quán xá, có chỗ gửi xe.”

“Đi kiểu này chịu sao nổi.”

“Cần thì cũng phải ráng. Nếu không, cứ ở đây đợi xe bộ đội. Đôi khi một hai ngày mới gặp được một chiếc đi công tác.”

Tôi bần thần, không quyết. Nhưng may mắn, không lâu sau đó, có chiếc xe bộ đội trườn lên. Cả đám, lái cũng như dân đi cội, reo hò mừng rỡ. Tôi cười rạng rỡ. Hoàng nói vội:

“Đỡ ‘vả’ thật đấy. Nhưng phiền cái đám đi cội này. Mình, dân lái, phải bao tiền xe hết cho bọn chúng đấy. Không thì chúng bảo ‘lái kiết’, đồn ầm lên thì rồi chẳng ma nào chịu bán hàng cho mình đâu.”

“Thì cũng đành chịu vậy chứ sao.”

Xe chưa dừng, đám đi rừng đã đua nhau nhảy lên thùng xe. Tôi và Hoàng, vì là người chi tiền, nên được ưu tiên ngồi trước ca-bin xe.

Chiếc xe bộ đội cũ kỹ mệt nhọc bò lên núi.

Hoàng chỉ con đường đất rộng, chạy ngoằn ngoèo theo sườn núi:

“Đường này gọi là đường 33. Ngã này dẫn về đồng bằng. Nếu anh theo hướng tây, leo qua con dốc cao kia, anh sẽ đến đường mòn Hồ Chí Minh. Còn lối đi nhỏ phía sau lưng là đường vào các bản dân tộc. Nơi đây, hồi chiến tranh, máy bay Mỹ đánh phá ác liệt lắm.”

Đường 33 khá lớn, dễ đi, tốt hơn đường 25. Đây là một trong những con đường huyết mạch chuyển quân lương về miền Nam thời chiến tranh. Ngã ba, nơi giao nhau giữa hai con đường 33 và 25 tạo thành một khu buôn bán đông đúc, được gọi là trạm 33. Bộ đội làm đường, dân đi củi, dân đi trầm, công an, thuế vụ, và... “mấy em”, kẻ đi người về ngày đêm tấp nập. Dân đi trầm ở đây gọi “mấy em” là chị nuôi. “Mấy em” vừa bán đồ ăn, đồ uống, vừa bán thân, lại vừa mua bán trầm. Họ đến từ tứ xứ: Đà Nẵng, Nghệ An, Hà Nội, Hải Phòng, Vinh, Huế, và cả ‘thổ sản” Quảng Bình. Có em lúc đầu lên đây học đòi mua, bán trầm, nhưng vì, hoặc không rành mua bán loại hàng đặc biệt này, hoặc bị lừa phỉnh, hoặc bị bắt hàng và bị đánh thuế, túng thế tạm thời làm nghề chị em ta. Có em lúc đầu lên đây chủ định là bán thân, nhưng bất đồ trúng mánh trầm, nên đổi nghề: từ “phạch”, “phò” (một tiếng lóng chỉ gái điếm) lên thương lái. Nhiều em, trong một thời gian ngắn, trúng “quả” vài ba “bận hàng” (lô hàng) là trở nên giàu sụ. Các em vừa bán dâm lại vừa chạy “cò”, chạy “mánh”, chuộc hàng giùm cho dân đi cội và cả dân lái bị công an thuế vụ bắt, vì các em có quan hệ rất tốt với đám công an thuế vụ đóng chốt ở đây. Các em tả xông hữu đột, lợi dụng đủ thứ quan hệ để thủ lợi. Thuế vụ bắt được hàng của con buôn, dúi cho mấy em trung gian bán giùm. Nhiều lúc mấy em bán dâm không thích lấy tiền, chỉ lấy hàng, tất nhiên hàng “cáp giá” (trả giá) rẻ. Lúc đầu các em chỉ mua bán hàng “xô” (hàng xấu), khi có vốn bắt đầu chạy hàng “xịn” (hàng đắt tiền, thuộc loại 1, loại 2).

Núi rừng Trường Sơn rộn ràng ngày đêm như hội. Hàng chục, và có thể đến hàng trăm ngàn người ngược xuôi tiến quân đi phá rừng để tìm trầm. Khe, suối, núi cao, rừng sâu, đường mòn, đường lớn, tất cả đều bị đoàn quân tìm trầm giẫm nát. Cây lớn, cây nhỏ, nếu cần, cứ tự do chặt phá. Trong nhiều trường hợp, để hạ được một cây gió lấy trầm, phải chặt thêm năm, bảy cây lớn ở chung quanh, vì chúng đan nhau, níu nhau thành giàn. Các đơn vị lâm nghiệp cũng như công an thuế vụ được tăng phái lên để bảo vệ rừng, nhưng rồi tiếng gọi của trầm xóa nhoà tất cả. Cũng như mọi người, mục đích của họ là kiếm chác. Đó là những con buôn không cần vốn, chỉ cần bắt hàng để được hối lộ hoặc bắt hàng rồi bán lại cho con buôn. Các biên bản chỉ là một mớ giấy lộn. Trầm là thứ quốc cấm, như rất nhiều thông báo của nhà nước, theo đó, giữ một ki-lô trầm có thể bị kết án tù 3 năm. Nhưng càng được xem là quốc cấm thì người ta càng hăm hở lao vào vì lợi nhuận cao. Bởi thế, nhân viên nhà nước và nhân dân cùng làm, cùng ăn, cùng buôn. Tất cả tiếp tay nhau biến núi rừng thành bãi chiến trường. Một chiến trường không bay mùi thuốc súng.

Ăn uống xong, gửi xe ở một quán quen, chúng tôi đi về phía bản K, một bản người dân tộc (tức người Thượng), một nguồn trầm. Phải lội qua bốn khe lớn nhỏ, leo một hòn núi khá cao mới đến được bản này. Nhiều nơi không có đường đi, phải đu dây chìu mà lên. Người dân ở đây cũng bỏ rẫy đi trầm như dân đồng bằng. Nhà nào nhà nấy vắng hoe. Rừng đốt xong bỏ đó. Lúa vàng úa, không buồn lớn. Nhiều rẫy khoai, sắn bỏ bê, không ai thu hoạch. Tiếng gọi của trầm quá mạnh. Rừng là của họ, nhưng đến khi người Kinh lên tìm trầm, họ mới biết giá trị của cây trầm. Theo lời họ kể, trước đây, khai phá rẫy, biết bao lần họ đốt những cây trầm cổ thụ. Có cây cháy ngún cả tháng mới tàn, hương trầm thơm nức không gian. Giờ đây thấy dân Kinh nườm nượp tìm trầm, họ giật mình tỉnh giấc. Hóa ra, rừng của họ là rừng vàng, rừng tiền. Những miếng gỗ đen ấy là những suối tiền. Chỉ cần một miếng bằng bàn tay với dầu đặc, đủ cho họ sống nguyên năm, không cần làm rẫy.

Bạn cứ thử tưởng tượng, ở nơi đèo heo hút gió này, vào nhà sàn của một gia đình người Thượng, bạn thấy nào radio đời mới, nào cassette Nhật, nào xe đạp Pegeot Pháp, nào xe đạp Phượng Hoàng Trung Quốc, và cả... Honda Nhật. Honda để làm gì? Để chưng, y như người ta chưng một bức tranh vậy. Chiếc Honda dựng ngay chính giữa nhà, được che phủ cẩn thận. Thỉnh thoảng, chủ nhân lấy ra, chạy một vòng quanh bản, xuống suối, kỳ cọ sạch sẽ, mang đặt lại chỗ cũ, rồi lại lấy vải trùm lên. Ấy thế, tất cả tài sản rất hiện đại đó đều đến từ trầm. Họ đi rừng rành rọt, thiện nghệ. Họ biết đường sang tận bên Lào. Một trong những ưu thế khác của họ là họ không sợ các đội công an thuế vụ. Trong lúc chúng tôi mang trầm là mang một món hàng quốc cấm, thì họ mang trầm như mang... gỗ. Họ đi nghênh ngang. Nếu bị chặn xét, họ bỏ gói trầm xuống, rồi chĩa súng hoặc rựa vào đó bảo: “Đây là cuộc sống của “miền”[2]. Ai đụng đến là “miền” bắn. Bác Hồ dạy ai cũng sẽ có cơm no áo ấm, ai cũng sẽ được học hành. Cái này cho “miền” cơm gạo, cho con “miền” cái viết, cái sách. Ai lấy của “miền” là quên lời Bác Hồ dạy... ” Cứng họng! Ai mà dám rờ đến. Rờ đến, tịch thu cũng được. Nhưng núi rừng mênh mông là đất của họ. Muốn ăn yên, ở yên thì phải chìu. Quờ quạng, làm mất lòng họ, ai dám bảo còn mạng mà về.

Không những họ bảo vệ hàng của họ, mà họ còn bảo vệ hàng của người Kinh. Ai cần mang giúp, họ sẵn sàng mang. Bản làng họ là một nơi giấu hàng khá an toàn. Lắm khi, dân đi cội, đi buôn, bị công an rượt đuổi, bí quá, chạy đại vào nhà một nhà nào đó, nhờ chủ nhà giúp. Chủ nhà ném bịch trầm lên “rầm”, nơi thờ cúng thiêng liêng của họ. Công an, thuế vụ chỉ biết đứng nhìn. Theo tục lệ, “rầm” là nơi bất khả xâm phạm. Chính quyền cộng sản, để lấy lòng người thiểu số, ra lệnh cán bộ không được quyền – dù vì bất cứ lý do gì – xâm nhập nơi “cấm địa” đó.

Tìm được chỗ trọ, tôi và Hoàng đóng đô ở bản K. Đêm thì nhậu. (Ở nơi đèo heo hút gió này, rượu không bao giờ thiếu, nhất là loại rượu cam Hà Nội là loại rượu ngọt nhưng rất dễ say). Ngày đi các nẻo suối lòng khe đón hàng. Nhưng chẳng gặp được “bận” hàng nào ra hồn. Lý do là vì trong vùng hiện có hai đội Quản lý Thị trường lên hoạt động ráo riết. Dân đi cội không dám đi đường mòn thường, mà cắt đường băng rừng về đồng bằng. Đi như thế, rất tốn thời gian, lại vô cùng vất vả, nguy hiểm, nhưng họ quyết bảo vệ hàng bằng mọi giá. Chỉ có một ít toán, vì hết lương thực, hoặc ít hàng mới dám đi đường thường. Dọc đường, người lên kẻ về ghi dấu hiệu lại trên đường để báo cho những người đến sau biết hiện Quản lýThị trường đang ở đâu mà tránh. Đúng là tình trầm thắm thiết! Kẻ trốn, người săn liên tục ngày đêm. Những màn rượt đuổi căng thẳng thường xuyên xảy ra trong rừng.

Ở bản K được ba ngày, thấy tình hình không ra gì, chúng tôi quyết định chuyển đổi địa bàn. Đồng thời, tôi đồng ý cho Tuyển, chủ nhà trọ ở Lệ Ninh, nhập nhóm bằng cách góp thêm vốn và đi theo hỗ trợ chúng tôi. Tuyển vốn là thợ rừng, chuyên làm gỗ, kéo gỗ từ hồi còn nhỏ. Hoàng nhắn Tuyển mang theo thêm lương thực, thuê hai chiếc xe gắn máy để di chuyển cho tiện. Tuyển đáp ứng nhanh chóng. Anh ta bán đồ đạc, thuê ngay hai chiếc “xế nổ”. Một chiếc hiệu Jawa là loại xe gắn máy Liên Xô, có phân khối cao, dùng để đi đường rừng khá tốt, dù rất hao xăng. Chiếc kia là Honda 67 “xoáy nòng” (lòng xi-lanh 49 phân khối được xoáy thành 65 phân khối, để chạy cho mạnh). Tuyển bao xe bộ đội, chuyển tất cả lên Trạm 33. Ba chúng tôi thay nhau đèo đi về một địa bàn mới, cũng là một bản Thượng, bản An Bai.

Bản An Bai tương đối sầm uất và “văn minh” hơn bản K. Nơi đây, có đường để xe gắn máy chạy vào bản. Có cả cửa hàng. Dân trong bản biết trồng lúa nước, chịu chấp nhận đời sống định canh định cư. Khác với bản K, dân bản này ít đi rừng làm trầm. Họ chỉ lợi dụng vị trí thuận lợi của bản để buôn bán thức ăn, bia, rượu, thuốc và giữ xe lấy tiền. Một vài nhà còn biến nơi ở thành nhà trọ cho thuê.

Gửi xe, ăn uống và dò hỏi tình hình “an ninh” trong vùng (tức là tình hình hoạt động của các đội Quản lý Thị trường) xong, chúng tôi đi ngay. Núi ở đây cao. Vùng này nổi tiếng với một cái dốc dài gọi là Dốc Sên. Đúng như tên gọi, rừng ở đây không biết cơ man nào là con sên bám đầy trên lá cây hai bên đường dọc theo con dốc. Dân địa phương gọi là sên, thực ra, đó là con vắt. Vắt cũng giống như đỉa, nhưng sống trên cạn. Để chống vắt, chúng tôi mặc quần dài, áo tay dài dùng cao su cột đầu ống thật kỹ, và trùm đầu, trùm tóc lại. Chưa tới dốc, tôi đã thấy chúng xuất hiện. Và suốt con dốc tưởng như dài bất tận, chỉ trừ những khoảng trống rất hiếm hoi, còn thì toàn là vắt và vắt. Hết đợt này đến đợt khác, vừa nghe hơi người từ đằng xa, là hàng ngàn, hàng ngàn con – tôi có cảm giác như thế – đang bám sát trên lá, đồng loạt dựng thân dậy, búng vào tay chân, áo quần, mặt mày. Âm thanh rào rào không dứt. Lúc đầu, tôi vô cùng khiếp đảm. Tôi dừng lại nhiều lần, loay hoay gỡ từng con. Hoàng can ngăn:

“Kệ mẹ chúng. Vừa đi vừa gỡ. Càng đứng lại, chúng càng bám vào thêm.”

Dần dần, tôi cũng quen. Được cái, như đỉa, chúng hút không đau. Mỗi lần gặp suối, chúng tôi tuột hết áo quần, gỡ vắt. Cột kỹ thế mà chúng cũng bò vào được đến háng, nách, tai, kẽ chân, kẽ tay để hút máu. Và cứ thế, đi một hồi cho chúng cắn, hút đã, chúng tôi dừng lại để gỡ, rồi đi tiếp.

Dọc đường, không thấy hàng ra, chỉ gặp toàn lái với dân đi cội trên đường vào, đang nghỉ ngơi, ăn uống. Định kiếm một chỗ để dừng lại “đóng quân”, đợi hàng thì nghe phía trước có lái khác đón trước mình, lại vội bươn bả đi tiếp. Hóa ra, đợt này, lái tập trung về đây nhiều chỉ vì nghe tin phong thanh bắn ra từ trong “đung” (chỉ cái láng mà những người đi cội dựng tạm trong rừng sâu để ăn, ở và làm trầm, làm gỗ) là có một toán đi trầm gặp được “cây trầm chết đứng”, tức là cây gió đã chết khô lâu năm. Theo dân đi cội, gặp được cây trầm này là xem như gặp được một kho vàng, vì những cây như thế toàn là dầu loại 1 từ gốc đến ngọn, trị giá có thể đến vài chục cây vàng. Một lý do nữa là, đoàn Quản lýThị trường ăn nằm lâu nay ở vùng này, đột nhiên được lệnh rơì đi chỗ khác. Điều đó khiến dân đi cội an tâm chuyển hàng ra hướng này.

Nghe nguồn tin có hàng “xịn”, chúng tôi rất kích động, nên bất kể đường xa, cứ băng rừng, leo dốc, vượt suối đi tiếp. Hễ nghe phía trước mình có lái là tìm cách vượt qua. Các lái khác cũng làm như vậy. Thành thử ra, bọn lái chúng tôi, không thách nhau nhưng âm thầm làm một cuộc đua. Thông thường, lái chỉ cần nằm ở bìa rừng đón hàng. Lần này, cuộc đua dẫn lái gần như tiếp cận với “đung”, nơi dân đi cội đóng quân. Một số lái không đủ sức đi, đành bỏ cuộc. Riêng ba chúng tôi, vì nhờ Tuyển là thợ rừng, biết cắt đường đi, nên cuối cùng bỏ đám lái lại đằng sau mà họ không hay biết. Cuộc đua tiêu tốn cả ngày rưỡi trời.

Yên tâm vì không có ai phía trước, nghĩa là chúng tôi có thể độc quyền mua hàng, nên chúng tôi dựng trại nằm chờ. Hàng về rất nhỏ giọt. Đã thế, lại toàn hàng xấu. Biết lái chực sẵn nhiều, nên đám đi cội cứ “neo” giá, nghĩa là đòi giá cao, không chịu bán. Ngày thứ tư, tin ở “đung” bắn ra: hàng xịn sắp về. Chúng tôi chuẩn bị tinh thần. Nhưng đúng lúc đó, Hoàng mới phát hiện ra là giấy phép đại lý sẽ hết hạn trong vòng hai ngày nữa. Bàn lui tính tới, không còn cách gì hơn là Hoàng phải về lại huyện để gia hạn giấy phép. Vì nếu có mua hàng được ngay lúc này, thì với thời gian hai ngày, chúng tôi không cách gì đủ thời gian chuyển hàng về huyện kịp. Các đội Quản lý Thị trường và công an thuế vụ ở bất cứ đâu trên đường đi, thường nắm rất vững hành tung của các đại lý, chỉ đợi có sơ hở là “vồ” ngay. Thế là Hoàng về huyện, còn tôi và Tuyển nằm lại đợi hàng.

Ngày hôm sau, hàng về tấp nập. Vì quan tâm đến số hàng xịn, nên chúng tôi chỉ mua đại khái, “bận” nào rẻ thì mua, “bận” nào cao thì bỏ, thả trôi. Cứ thế cho đến hơn cả ngày. Cuối cùng, tin chính xác cho hay, toán được “cây trầm chết đứng” đã phân tán hàng, cắt rừng chuyển hướng để bảo đảm an toàn. Tin đến làm chúng tôi rã rời. Thực là công toi. Băng rừng lội suối chiếm thế thượng phong, đâm ra vô ích. Ai đi buôn trầm cũng muốn mua được một lô hàng xịn. Ngoài chuyện bán cho lái Sài Gòn rất được giá, thường lời gấp rưỡi hoặc gấp đôi, hàng xịn còn có tác dụng “kéo” hàng loại dưới lên. Nghĩa là nếu bạn có một lô hàng trung bình hoặc xấu (loại 2, 3, 4, 5...), mà bỏ chung vào một lô hàng xịn thì trị giá của loại hàng xấu tăng lên rất nhiều, trong lúc hàng xịn vẫn giữ nguyên giá.

Tuyển nản chí, muốn về. Nhưng tôi cương quyết ở lại, đợi mua hàng khác. Và rồi, trời không phụ lòng. Hàng tiếp tục ra. Như bù lại với những ngày trước, chúng tôi gần như mua hết hàng của dân đi cội, chỉ bỏ những lô nào quá tệ. Kết quả cuối cùng, chúng tôi mua được trên 40 ki lô hàng trị giá hơn 4 cây vàng[3]. Chúng tôi chuyển hàng vào một khu vực sâu trong rừng cho an toàn, rồi bắt đầu lựa hàng, phân hàng, sắp xếp, gói kỹ trong những bịch ni lông. Tuyển mang hàng giấu vào trong một hốc đá, rồi ra suối nghỉ ngơi.

Lúc đầu, chúng tôi định trụ ở đây đợi Hoàng lên, nhưng sau khi bàn tính hơn thiệt, chúng tôi thay đổi ý kiến. Nếu hai người ở đây đợi, thì không đủ đồ ăn. Hơn nữa, nếu Hoàng lên, Hoàng không biết địa điểm, vì trong suốt quá trình mua hàng, chúng tôi đã tiến sâu hơn vào trong. Chúng tôi quyết định: Tuyển ở lại, mang hàng giấu ở trong “đung”, nơi trước đây Tuyển đã từng ăn, ở để làm gỗ, còn tôi về huyện báo cho Hoàng và cùng trở lên với Hoàng. Chúng tôi thỏa thuận thời gian và địa điểm gặp nhau: ngã ba Long Đại, 10 giờ sáng, ba ngày sau đó.

Khi về huyện, Hoàng giấu tôi trong nhà, không cho đi ra ngoài. Lý do: tin tôi mua một số lượng hàng lớn, hiện giấu trong núi, đã bay về huyện. Các đội Quản lý Thị trường được đặt trong tình trạng báo động và chuẩn bị lên đường để săn lùng lô hàng. Đội Quản lý Thị trường do một cán bộ thuế vụ tên Gái chỉ huy, vừa rời An Bai mấy ngày trước, được lệnh trở lại An Bai. Đồng thời huyện còn cho tăng cường thêm một số cán bộ thuế khác tuần tra dọc sông và bìa rừng. Trong lúc đó, Ngoại thương huyện cố tình trì hoãn việc đóng dấu gia hạn cho Hoàng. May mà tôi về đúng lúc. Còn một ít tiền, tôi đưa cho Hoàng vào đấm mõm ngay cho viên cán bộ phụ trách giấy phép để được ký gấp. Lấy giấy phép rồi, không kịp tắm rửa, chúng tôi vù ngay đi An Bai.

Chúng tôi trở lại An Bai lúc trời vừa tối. Tại đây, cũng như ở Lệ Ninh, thiên hạ bàn tán xôn xao về lô hàng. Hầu hết đều cho rằng chúng tôi đã “bốc” được một trong những phần của “cây trầm chết đứng”. Cái gì không thấy thường được người ta phóng đại lên nhiều lần. Nhất là khi người ta được biết chủ lô hàng đó là một tay lái từ Huế ra, mượn tên Hoàng đứng giấy phép. Trong con mắt dân gian, lái Huế bao giờ cũng “ghê gớm” hơn lái địa phương. Để tránh những con mắt dòm ngó, Hoàng và tôi hết sức thận trọng, tránh để bị lộ tung tích.

Qua dò hỏi, chúng tôi được tin đội Quản lý Thị trường của đội trưởng Gái đã vượt quá Dốc Sên và hiện đang đóng quân ở một nơi nào đó rất sâu trong rừng, đâu ở đoạn Hang Đá. Hoàng tỏ ra kinh hãi. Hoàng nói:

“Vậy là tụi nó quyết ăn thua đủ với lô hàng rồi. Có đời nào mà một đội Quản lý Thị trường dám leo Dốc Sên, nói chi đến chuyện vượt quá Dốc Sên một đoạn xa như thế! Tụi nó đến Hang Đá, tức là quyết vượt trước anh và tôi để chặn hàng. Như thế tụi nó nắm rất vững nguồn tin, biết rõ đường đi nước bước của mình rồi. Tôi nghi bọn lái bị mình mua hớt hàng nên tức giận báo cho Quản lý Thị trường săn đuổi. Nào, ăn xong, ta đi ngay. Không chừng trễ mất. Nội trong đêm nay mình phải vượt trước tụi nó.”

Nghe Hoàng nói, tôi giựt mình. Tôi đã đuối sức vì phải trải qua mấy ngày chạy lui chạy tới, chẳng hề có một phút nghỉ ngơi. Theo dự tính, chúng tôi ở lại An Bai đêm đó, nghỉ ngơi lấy sức rồi sáng dậy đi thật sớm. Không ngờ tình hình cấp bách đến vậy. Hoàng thì còn nguyên sức. Vả lại, anh ta còn trẻ. Còn tôi, viễn tượng bị mất trắng bốn cây vàng là quá ghê gớm vì đó là toàn bộ gia sản mà tôi có, phần lớn là vay mượn của bà con và bạn bè. Điều này khiến tôi bỗng nhiên quên hết mệt nhọc. Tôi quyết định cùng Hoàng đi xuyên rừng trong đêm. Bằng mọi giá, phải vượt qua đội Quản lý Thị trường. Chúng tôi ăn vội ăn vàng. Sau đó, ăn mặc gọn nhẹ, chỉ mang theo một ít chai bia, một ít trứng lộn, hai cái gậy, cây đèn “pin”, chúng tôi âm thầm ra đi. Hoàng nói:

“Tuyệt đối không để cho ai biết. Hầu hết đều chỉ nghe đồn chứ không biết mình là ai đâu. Có ai hỏi cứ bảo là dân đi cội. Bọn đi cội nằm ngủ dọc đường, nên phải tránh gây tiếng động. Và phải để ý nơi nào có thể là chỗ Quản lý Thị trường đóng quân để tìm cách đi vòng.”

Cũng may, đêm đó trời không trăng. Đường rừng tối như mực. Hai chúng tôi mày mò đi trong bóng tối. Thỉnh thoảng, Hoàng dọi đèn xuống đất để tìm đường sau khi đã dùng tay che chắn thật kỹ trước chụp đèn, chỉ để cho một tia sáng thoát ra. Vừa lo lắng vừa vội vã, tôi quên bẵng cả chuyện vắt cắn. Chúng tôi băng qua không biết bao nhiêu toán đi cội nằm ngủ dọc đường. Nơi nào thấy có nguời nằm, chúng tôi nín thở, rón rén vượt qua. Khoảng nửa đêm, chúng tôi mới đến Hang Đá. Đến đây, chúng tôi đi thật chậm vì đoán là có thể đến gần chỗ đội Quản lý Thị trường đóng chốt. Đi thêm một lúc khá lâu sau, chúng tôi mới thấy có ánh đèn le lói. Nhờ ánh sáng phản chiếu từ một đoạn suối, tôi thấy có một chiếc lều nhỏ. Hoàng ghé tai tôi thì thầm:

“Đúng là bọn chúng rồi. Dân đi cội không ai che lều kỹ lưỡng thế. Có lẽ ta phải leo lên ngọn núi này để vượt qua bọn chúng, anh nghĩ sao?”

Tôi đồng ý. Vì không thể làm cách nào khác hơn. Cái lều, chắc chắn là do cố ý, đã được dựng ngang lối đi, khó có thể vượt qua một cách êm thắm được. Chúng tôi băng bụi bờ, bám cành cây leo lên núi. Gần suối, cây cối đâm ngang xỉa dọc, hết sức khó đi, nhất lại là trong đêm tối. Chưa kể vấn đề rắn rít đầy dẫy trong rừng. Chúng tôi bất chấp tất cả. Đang leo, bỗng nghe nghe một tiếng gầm vang vọng. Trong rừng đêm, tiếng gầm âm âm u u nghe như xa lại nghe như gần, không biết đâu là đâu. Lần đầu tiên trong đời, tôi nghe thứ âm thanh lạ lùng này. Chợt nghĩ đến một điều không dám nghĩ, tóc tôi như muốn dựng ngược.

Hoàng thì thầm hỏi: “Anh có nghe tiếng gì không?”

“C... ó..ó.” Tôi run run đáp.

“Sợ không?”

“Ơn ớn.”

“Nghe thế chứ xa lắm. Vùng này người ta đi lại hàng ngày, ‘thiêng’ không dám đến đâu.”

Hoàng bắt chước dân đi rừng, kiêng kỵ chữ cọp, nên nói ra thành chữ “thiêng”. Dân đi cội thường dặn nhau: vào rừng đứa nào nói đến chữ “cọp”, là phải chịu bị đuổi về để bảo đảm an toàn cho cả nhóm.

Phải hai tiếng đồng hồ sau, chúng tôi mới mò mẫm xuống trở lại được con suối. Tôi thở dài nhẹ nhõm, cảm thấy yên tâm vì đám Quản lý Thị trường “ác ôn” đã nằm phía sau mình. Đêm đó, không gối, không mền, áo quần ướt sũng, bụng đói, sương núi xuống dầm dề, hai chúng tôi dựa gốc cây thiếp đi.

Thức giấc, thấy trời hưng hửng sáng, tôi kêu Hoàng dậy đi ngay. Tôi sợ đội Quản lý Thị trường, vốn ăn no ngủ kỹ, sẽ dậy sớm, đi trước chúng tôi. Trời sáng dần lên. Chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện. Đến bây giờ, tôi mới có dịp diễn tả cho Hoàng nghe về tất cả các lô hàng mua được. Chúng tôi tính toán cách bán: phần nào “nhập nghĩa vụ”, phần nào bán cho lái địa phương, phần nào mang đi Huế.

Lội qua một vũng khe rộng, nước sâu, trong vắt như một cái hồ nhỏ, tôi thở phào, nói:

“Sắp đến ngã ba Long Đại rồi. Giờ là 8 giờ. Chỉ còn hai tiếng nữa, Tuyển sẽ xuống. Mình kiếm một chỗ nào quanh đây, ngả lưng ngủ thêm một tí nữa.”

“Đâu được. Hoàng nói. Mình phải vượt qua khỏi chỗ hẹn để đón hàng. Cha Gái này khôn ranh lắm, biết đâu chừng, tụi nó sẽ mò lên đây.”

Vách núi hai bên khá cao. Khe đầy những tảng đá lớn. Trước mặt chúng tôi là hòn Chẩn. Tuyển cho biết, vượt qua khỏi hòn Chẩn là tới địa phận Lào. Nhìn quanh, thấy núi rừng hùng vĩ, chim hót, khỉ leo, suối róc rách, lòng chợt nghe phơi phới. Leo lên khỏi một cái thác nhỏ, ngã ba Long Đại đã thấy hiện ra trong tầm nhìn. Đó là nơi con suối tẽ ra làm hai nhánh, một nhánh là con suối chúng tôi đang lội, và nhánh kia chảy về hướng huyện Long Đại. Đang định chỉ cho Hoàng điểm hẹn, thì Hoàng bỗng kéo tôi lùi lại, nấp sau một tảng đá:

“Có cái lều đàng kia, anh thấy không?”

Tôi giật mình. Qua tay Hoàng chỉ, tôi nhìn thấy một chiếc lều nhỏ màu rêu, dựng kế bìa rừng, trên một cụm đá tương đối phẳng phiu. Không thấy người. Hoàng nói:

“Chẳng lẽ có lái nào lên đây trước. Dân đi cội thì không dùng loại lều này vì rất cồng kềnh.”

Tôi lắp bắp:

“Vậy thì ai? Chẳng lẽ nào bọn Quản lý Thị trường lên tận đây. Hồi hôm mình đã vượt qua tụi nó rồi mà.”

Chúng tôi im lặng suy nghĩ. Cuối cùng, Hoàng dứt khoát:

“Đằng nào thì cũng phải vượt qua thôi. Tôi không tin là cha Gái dám chịu khó dẫn quân lên đây.”

Chúng tôi hồi hộp đi tiếp. Đến gần, tôi nghe tiếng người cười nói phát ra từ lều. Người khá đông. Nhìn thấy một người đang loay hoay nấu nướng gì bên gốc cây, Hoàng dừng lại, giọng nghe khô khốc:

“Thằng Xuân công an kìa. Thôi đúng là Quản lý Thị trường rồi. Đội cha Gái.”

Tôi dừng lại, tay chân bủn rủn. Trong một thoáng, tôi có cảm giác như tất cả cơ đồ đều sụp đổ. Hết. Mất hết. Không còn gì. Bọn chúng chốt tại đây thì không có cách gì Tuyển đi lọt. Đây là tử điểm. Hai bên núi cao, rừng rậm. Suối thì đá lởm chởm, rong rêu bám đầy. Lều lại dựng khuất sau hai ngã rẽ. Từ trên kia mang hàng ra, dù có phát hiện ra có Quản lý Thị trường thì cũng dừng lại mà chịu trận.

Hoàng tiến tới. Một người đàn ông từ trong lều bước ra, cười lớn:

“Chào ông Hoàng, ông T. Bọn tôi đợi các ông và Tuyển từ hôm qua lận.”

Đó là đội trưởng Gái, hung thần của dân đi trầm! Hoàng cười giả lả:

“Chào thủ trưởng. Thủ trưởng chịu khó lên tận đây thì quá ghê.”

“Công tác nhà nước, đâu cũng phải đi, dù khó khăn đến mấy. Nào! Tạt vào đây, ta dùng tí trà rồi có gì đó hãy tính sau. Ông T., vào đây ông. Nghe tên ông đã lâu, bây giờ mới gặp. Hà, đúng là một tay lái Huế thứ thiệt.”

Hoàng cười:

“Cám ơn.”

Tôi nhìn “hung thần” Gái khét tiếng. Ông ta cao, đen, môi dưới trề ra, dày. Cái miệng như lúc nào cũng chuẩn bị để cười. Đôi mắt nhỏ, tinh quái. Ông ta mặc đồ bốn túi, loại đại cán, trông dáng dấp rất là “thủ trưởng”. Thấy chúng tôi đứng tần ngần, ông ta rút gói ba con 5 (555) ra mời:

“Việc đâu có đó. Nào, làm một điếu cho bình tĩnh.”

Tôi và Hoàng không từ chối, lấy thuốc châm hút. Tôi nhìn quanh, lòng ngán ngẩm, ruột gan hoàn toàn nẫu ra. Tôi đếm số người. Có tất cả muời người. Trừ Gái và người đang nấu nước, số còn lại đều ngồi trong lều chơi bài. Tôi im lặng, suy nghĩ lung tung. Gái cười châm chọc:

“Không có cách gì thoát đâu, ông Hoàng, ông T. ạ. Bận hàng mấy chục kí xem như đi đong rồi. Nên tính cho lần đi khác là vừa.”

Ông ta ném tàn thuốc xuống suối, giọng chợt nghiêm lại:

“Hai ông ạ, hai ông đã vi phạm nghiêm trọng pháp lệnh của nhà nước về nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Các ông gian dối, lợi dụng kẽ hở của Thương nghiệp xã hội chủ nghĩa để mưu lợi riêng, làm thiệt hại đến tài sản nhà nước và nhân dân. Riêng ông Hoàng, ông đã từng là công an nhân dân, nắm vững đường lối chủ trương của đảng. Huyện tin ông, cho ông làm đại lý, ông lại liên kết với gian thương làm điều bất chính.”

Hoàng cười khẩy:

“Tôi làm gì mà bất chính. Tôi đi mua hàng có giấp phép đàng hoàng.”

“Còn ông T. này thì sao?”

“Tôi đâu có dính líu gì đến anh ta. Anh ta đi mua hàng ‘xô’.”

Gái cười vang:

“Khéo dối. Ai mà chẳng biết chuyện làm ăn của hai ông. Chúng tôi biết cụ thể hai ông làm ăn như thế nào. Ông T. vốn chính, Tuyển góp thêm ba chỉ, còn ông thì chỉ có làm thuê thôi. Ông về gia hạn giấy phép, ông T. và Tuyển ở lại mua hàng cất giấu trên “đung”, đợi ông Hoàng lấy giấy lên chuyển hàng về. Hà... hà... Gái này dẫn anh em lên đây đâu phải chuyện đùa. Tôi biết các ông đi đêm đi hôm để vượt qua tôi. Dễ gì! Cái lều dưới Hang Đá, tôi cho dựng nên để đánh lừa các ông đấy. Chịu phục chưa?”

À, ra thế! Thực quỷ quyệt. Nghĩ đến toàn bộ số vốn bay sạch, ruột tôi nóng như lửa đốt. Tôi hóng về hướng Tuyển về với một hy vọng vu vơ nào đó. Đột nhiên, trong cơn tuyệt vọng, trong đầu tôi bỗng nảy ra một quyết định. Một quyết định nóng bỏng. Tôi liếc mắt nhìn Hoàng. Chẳng hiểu Hoàng có hiểu ý định của tôi không, nhưng anh ta nháy mắt như tỏ dấu tán thành. Đợi Gái vào trong lều pha nước trà, không một chút chần chờ, tôi tung người nhảy xuống tảng đá nằm phía dưới con suối, chạy ngược lên phía trên, nơi Tuyển sẽ chuyển hàng về. Sau đó, bất kể nước suối sâu cạn, bất kể đá ngang dọc lởm chởm cùng rong rêu trơn trợt, tôi lội, tôi trèo, tôi chạy, tôi nhảy. Toàn đội Quản lý Thị trường lập tức báo động, la ó rầm trời. Súng lên đạn lách cách. Một người nào đó chạy theo ngay sau lưng tôi, la lớn:

“Đứng lại, không ta bắn! ”

Mặc! Tôi như người điếc không sợ súng, cứ chạy, không thèm nhìn lui. Tôi tìm đường leo lên bờ suối để chạy cho dễ, nhưng bấu vào đá bị trợt, lại rớt ùm xuống suối. Tôi lóp ngóp bơi, bám lên tảng đá khác, tiếp tục chạy. Tay đi sau tôi, cũng không hơn gì tôi, thậm chí còn thua tôi. Anh ta trèo lên rồi bị trượt xuống mấy lần đến nỗi tôi bỏ xa anh ta thêm một đoạn. Súng nổ. Mặc! Súng lại nổ. Mặc! Đến ngã ba suối, tôi tần ngần một chút vì chưa biết nên theo hướng nào. Tôi liếc nhìn lui, thấy có ba nguời chạy theo. Tôi nghĩ, cứ kiểu này trước sau gì tôi cũng sẽ bị bọn họ theo kịp. Nếu tôi bị bắt trong tình huống này bọn họ sẽ tức giận, đánh đập tôi không thương tiếc. Vì thế, tôi rẽ đại về phía trái khi vừa khuất sau một chòm đá lớn. Rồi thay vì chạy dọc theo con suối, tôi leo lên theo phía sườn đồi. Tôi đu cành và rễ leo lên, leo lên. Đến lưng chừng ngọn đồi, tôi ẩn mình sau gốc cây lớn, nhìn xuống. Đúng là bọn họ bị lừa. Họ vẫn nghĩ tôi chạy trước họ, nên cứ thế mà đuổi. Tôi yên tâm, dựa vào gốc cây, thở, lòng vừa lo vừa mừng. Liều thật! Tôi đã cả gan chọc giận một đội quân hung ác, đang quyết tâm chôn tôi xuống bùn. Tôi nhìn lại mình: một chiếc quần đùi, một chiếc áo. Tôi sờ túi. Gói thuốc thấm nước, bấy chầy. Cái bật lửa bay đâu mất. Không có gì, không còn gì cả. Tôi nhìn núi rừng mênh mông, thở dài chán nản.

Ở đó đến ba giờ chiều, vừa đói vừa lạnh vừa lo, tôi tìm đường xuống suối để trở về.

Đến Hang Đá, tôi hết sức ngạc nhiên khi nhìn thấy ở đó tập trung đủ mặt “văn võ bá quan”: Hoàng, Tuyển, toàn đội Quản lý Thị trường và hai lái lạ mặt. Thấy tôi, Hoàng chạy ra, nháy mắt cười:

“Anh buôn hàng ‘xô’ làm gì mà chạy dữ vậy? Anh ở đâu đến giờ mới về?”

Tôi im lặng, ngồi xuống thở. Tuyển nhìn tôi cười. Không nói ra, nhưng nhìn tình hình, tôi cũng đoán được chắc chắn lô hàng đã thoát. Lòng bỗng nhẹ hẫng như được uống một liều thuốc khỏe. Trong lúc tôi chưa biết tính ra sao, đội trưởng Gái đứng dậy, ra lệnh cho anh chàng công an tăng phái tiến về phía tôi. Tôi hiểu ngay ý định của Gái. Nhưng với tôi, lúc này, không còn điều gì làm tôi bận tâm nữa. Anh ta chưa kịp rút còng, tôi đã ngoan ngoãn đưa hai tay ra. Tắc! Thế là tôi trở thành tù nhân. Hoàng nói với Tuyển, trong lúc đưa mắt nhìn tôi:

“Mình về Dốc Sên nghỉ.”

Nói xong, Hoàng và Tuyển nhanh nhẹn bước xuống khe. Đội trưởng Gái ra lệnh lên đường. Tôi đi trước, kèm sát bên là anh chàng công an. Theo sau là Gái và các đội viên khác. Suốt từ lúc đó cho đến khuya, toàn đội Quản lý Thị trường thay nhau hỏi cung tôi. Đi một chặng, hễ dừng lại nghỉ chân là mười người vây quanh tôi vừa dọa dẫm vừa dụ dỗ. Đội trưởng Gái nói:

“Anh nên nhớ rằng, vùng này là vùng biên phòng. Vào đây chỉ có thể là gián điệp, biệt kích xâm nhập hoặc là phỉ phản động. Theo luật, anh bị kết án rất nặng. Chúng tôi sẽ giải giao anh về huyện để xử lý. Nếu anh muốn khỏi tội, cách duy nhất là thừa nhận anh đã móc nối với đại lý để buôn gian bán lận hàng quốc cấm là trầm, đồng thời chỉ nơi cất giấu hàng để có biện pháp xử lý.”

Đã kinh qua nhiều lần bị công an thẩm vấn trong trại cải tạo, trước sau như một, tôi chỉ nói một điều: tôi đi buôn hàng “xô” và không dính líu với ai hết.

“Thế tại sao anh lại bỏ chạy khi thấy chúng tôi?”, đội trưởng Gái hỏi.

Tôi trả lời:

“Khi gặp các ông, tôi không hề bị bắt thì sao gọi là tôi bỏ chạy. Nếu gọi là bỏ chạy, thì sao tôi lại trở về cho các ông còng tay, dù tôi không có tội gì hết.”

Tôi áp dụng biện pháp “cù chầy cù mài” như thế cho đến nửa đêm. Thấy có tiếp tục cũng vô ích, đội trưởng Gái ra lệnh thả tôi.

Bất chấp đêm khuya, tôi ra Dốc Sên gặp Hoàng và Tuyển. Hai người cho biết, hành động táo bạo của tôi khiến công an nổ súng đã vô tình báo cho Tuyển và toàn bộ dân đi cội biết sự có mặt của đội Quản lý Thị trường. Nhờ đó, tất cả đã kịp thời giấu hàng hoặc chuyển hướng đi. Cả hai tán dương tôi hết lời. Tôi cười bảo:

“Chỉ là chuyện ‘ngộ biến’ thì ‘tùng quyền’. Bí quá, tôi làm liều, ai ngờ lại được việc. Đúng là trời cứu! ”

Thực ra, chúng tôi vẫn chưa hoàn toàn yên ổn. Đội Quản lý Thị trường còn vây lô hàng thêm một tuần lễ nữa, bằng cách ngày đêm cho người phục kích các ngả: cả đường mòn lẫn đường suối. Vô ích thôi. Với kinh nghiệm đi rừng, Tuyển chuyển hàng trên đỉnh núi và sau đó đưa hàng xuống một địa điểm vượt quá chỗ đóng quân của Quản lý Thị trường, trong lúc tôi và Hoàng luẩn quẩn quanh đó để đánh lạc hướng. Biết chắc hàng đã ra khỏi ổ phục kích, tôi và Hoàng mới nhờ một nhân viên trong đội làm trung gian, dàn xếp với đội trưởng Gái, để Gái ký vào giấy tờ chuyển hàng về huyện. Hai phe bây giờ đụng nhau bằng một trận bia say ngất ngưởng. Khi chia tay, đội trưởng Gái “ác ôn” khen tôi:

“Ông thực là một tay lái liều! ”

Tôi cười:

“Ngộ biến tùng quyền, anh à! ”

Về huyện, bán hàng xong xuôi, tôi tổ chức một trận nhậu “tẩy trần” ngay tại chợ Tréo. Khi tất cả nâng ly đồng loạt, một lái địa phương đứng dậy nói:

“Chúc mừng một ‘anh hùng’ đã chiến thắng vẻ vang đội trưởng ác ôn Gái. Tôi tin là ông ta sẽ bay chức sau ‘chiến công’ này của anh.”

Đội trưởng Gái không bay chức ngay như lời tiên đoán. Ông ta chỉ bay chức sáu tháng sau đó, không phải vì thua lái mà vì hầu bao quá nặng, đủ để ông ta về xây nhà, sắm xe. Hơn nữa, đã đến lúc huyện cần thay ngựa, vì một chỗ béo bở như vậy để một người làm lâu quá đâm không hay.

Riêng tôi, sau lần đó, tôi không bao giờ ra lại huyện Lệ Ninh nữa.

Người xưa ngậm ngải tìm trầm. Ngày nay, tìm trầm không cần ngậm ngải nhưng không thiếu gian nan. Xưa cũng như nay, khi đói, người ta thường tìm rừng: môn, khoai, cây, trái... Thiên nhiên hào phóng, lúc nào cũng sẵn sàng dâng hiến của cải cho con người. Nhưng, con người tham lam, thô bạo. Rừng không còn thiêng, nước không còn độc. Núi rừng bây giờ toang hoác trước những đợt tiến công không thương tiếc của con người: bom, đạn, đào vàng, xẻ núi, đốn gỗ, lấy trầm, vân vân. Riêng trầm hương, một loại cây quý hiếm của núi rừng Việt Nam, qua một thập niên bị đạo quân đói – hậu quả của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa – tấn công tàn phá, có lẽ đã hoàn toàn bị tiêu diệt. Khoảng từ năm 1983 đến 1993 – mà cao điểm là những năm từ 1984 đến 1990 – đạo quân cả trăm ngàn người đó gần như có mặt suốt dãy Trường Sơn, từ Việt Bắc đến cao nguyên miền Trung, để tìm trầm: mọi cây gió gần như bị chặt trụi. Chẳng rõ còn được bao nhiêu cây thoát khỏi búa rìu của con người. Họa chăng chỉ còn những cây con. Có thể cả trăm năm sau, với điều kiện môi sinh được bảo vệ thật tốt, may ra rừng núi Việt Nam mới thấy lại được cây trầm.

Dù sao, có cả triệu người sống qua được cái giai đoạn tàn khốc đó của lịch sử, nhờ trầm: đó là những người miền Nam thất cơ lỡ vận, những người miền Bắc nghèo đói. Riêng cán bộ, đảng viên, công an, các nhân viên thuế vụ, lâm nghiệp, ngoại thương thì giàu sụ lên. Người viết, trong cơn hoạn nạn, đã được cây trầm cứu vớt. Tuy không trực tiếp đụng đến cây trầm, hạ cây trầm ngã xuống và làm thịt cây trầm, nhưng cũng đã lắm đa đoan, nhọc nhằn với trầm. Năm năm buôn trầm, tuy lúc thăng lúc trầm, lúc có lúc không, nhưng cũng kiếm được “năm đồng ba trự” đưa vợ con và bản thân thoát qua khỏi giai đoạn nhục nhằn, đau đớn nhất của một đời người.

Xin cám ơn trầm!

Và cũng xin ngậm ngùi thắp nén hương lòng cầu nguyện cho cây trầm được tái sinh ở núi rừng Việt Nam. Dù một trăm hay hai trăm năm nữa!

Trần Doãn Nho

(Trích từ bút ký Loanh quanh những nẻo đường, Nxb Văn Mới, California, Hoa Kỳ, 2000, tác giả xem lại 2009).

Bản điện tử © 2009 Trần Doãn Nho

Bản điện tử © 2009 talawas blog

[1] Tương đương khoảng 1/3 chỉ vàng, thời điểm 1985.

[2] miền = mình, có nghĩa là tôi.

[3] Một số vàng hết sức lớn vào thời điểm 1985

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Sưu tầm của MAI THỌ Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân