TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - ĐÁNH DẤU 50 NĂM XA QUÊ HƯƠNG !
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

ĐÁNH DẤU 50 NĂM XA QUÊ HƯƠNG !

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Sưu tầm của MAI THỌ
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
MAI THO



Ngày tham gia: 20 Apr 2011
Số bài: 7764

Bài gửiGửi: Thu Feb 27, 2025 6:54 pm    Tiêu đề: ĐÁNH DẤU 50 NĂM XA QUÊ HƯƠNG !


ĐÁNH DẤU 50 NĂM XA QUÊ HƯƠNG !


ĐÁNH DẤU 50 NĂM XA QUÊ HƯƠNG THỬ NHÌN LẠI VIỆT KIỀU TẠI HOA KỲ TRƯỚC 75 VÀ NHỮNG NGÀY THÁNG ĐẦU TỊ NẠN -- Trương Anh Thụy

(Nguyệt Lê sưu tầm)

Trước khi ký Đạo Luật Tị Nạn đó, TT Carter đã thuyết phục người dân Mỹ:

“Hãy để tôi nhắc cho các bạn biết rằng Hoa Kỳ là đất nước của những người nhập cư. Đất nước chúng ta là đất nước của những người tị nạn. Những người tị nạn hiện đang rời Đông Nam Á đã từng là đồng minh của chúng ta trong cuộc chiến tranh Việt Nam vừa qua. Họ đang rời khỏi một đất nước đã lấy đi các quyền căn bản của họ. Họ tin vào giá trị cá nhân, sáng kiến cá nhân, và tự do cá nhân. Họ hòa hợp với triết lý của chúng ta hơn là với cộng sản đã nắm quyền.”

LTS (Cỏ Thơm): Được biết bài dưới đây viết từ giữa năm 2011 và 2012, do sự yêu cầu của một Nhóm Chủ Trương trong Cộng đồng hải ngoại nhằm thực hiện một cuốn sách để “ghi nhớ những sinh hoạt của Việt Kiều trước 1975 và những ngày tháng đầu đồng bào tị nạn tới Hoa Kỳ”, nhưng cho tới ngày hôm nay cuốn sách ấy vẫn chưa bao giờ được phát hành! Phần lớn bài viết này đã được đăng ở tạp chí Cỏ Thơm số 53 và 54.

Nhân năm nay, để đánh dấu 50 năm xa Quê Hương, chúng tôi được sự đồng ý của tác giả cho đăng lại bài này. Vì tính cách lịch sử của một thời kỳ đất nước lâm nguy, tác giả cố gắng ghi lại càng nhiều càng tốt các dữ kiện xẩy ra theo trí nhớ của mình với nhiều hình ảnh đi kèm, nhưng trong phạm vi số đặc san này, chúng tôi không thể đăng nguyên bài, mà phải cắt bỏ một số đoạn, nhưng không thay đổi một chi tiết nào trong nội dung, với sự đồng ý của tác giả.

I. CỘNG ÐỒNG VIỆT NAM Ở MỸ TRƯỚC 75

Trước năm 1975 của thế kỷ XX, không có bao nhiêu người Việt ở trên đất Mỹ. Có lẽ không hơn 10-15 nghìn người trên khắp nước Mỹ rộng lớn bao la này. Trong số này có khoảng 10 nghìn người là vợ, con của những người Mỹ sang chiến đấu hay phục vụ tại Việt Nam, những thành phần mà tiếng Mỹ gọi là “war brides” với con riêng của họ hay/và con lai với chồng Mỹ. Khoảng 2 nghìn người là sinh viên Việt Nam theo học trong các trường đại học Hoa Kỳ hay sĩ quan tu nghiệp. Có chừng 2 nghìn người nữa là nhân viên của một số cơ quan, như sẽ được phân tích dưới đây. Số người sau này tăng giảm, một số không ở đây cố định, họ ở một thời gian rồi trở về nước, một số khác được gửi sang thay thế...

Các thành phần kiều bào trước 75 tại Mỹ có thể được phân loại chi tiết như sau:

Sứ quán, Tổng lãnh sự, văn phòng Quan sát viên Liên Hiệp Quốc (LHQ)

Giới này khá đông đảo. Các nhân viên Việt Nam này không những gồm những người được tuyển từ Việt Nam mà còn có người được tuyển tại chỗ. Giới này, nếu đi từ Việt Nam thường mang theo cả gia đình, có khi mang cả người làm. Tuy nhân viên thực thụ thường không quá 40-50 người, nhưng trong thực tế khi cộng cả vợ con và những người đi theo cũng vẫn có thể lên tới vài trăm. Họ thường sống tại các thành phố lớn, gần nơi các văn phòng họ làm việc. Ðó là trường hợp Sứ quán VNCH tại Washington DC, Văn phòng Quan sát viên ở LHQ ở Nữu Ước và Tòa Tổng Lãnh Sự Việt Nam ở San Francisco.

Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA – Voice of America)

Nhân viên đài Tiếng Nói Hoa Kỳ trung bình có độ 15 người, cộng thêm gia đình họ chắc cũng phải lên tới cả trăm người. Ða số các nhân viên này sau một thời gian đã trở thành dân Mỹ. Họ sống qui tụ trong vùng Hoa Thịnh Ðốn.

Sinh viên

Các sinh viên sang Mỹ du học tại nhiều trường và được cấp nhiều loại học bổng, điển hình nhất là:

1/ Học bổng của IIE (International Institute of Education), gồm các học bổng lẻ tẻ của các đại học, trao qua IIE ở New York. Các sứ quán Mỹ ở Việt Nam, thường giao cho phòng thông tin Mỹ USIS (U.S. Information Service) chọn người để cấp học bổng qua các kỳ thi.

2/ Học bổng của USAID (U.S. Agency for International Development, Cơ quan Viện trợ Quốc tế của Hoa Kỳ). Phần lớn các sinh viên đi học lấy bằng hay các công chức Việt Nam đi tu nghiệp (1-2 năm) đều qua con đường này.

3/ Học bổng từ các đại học do phía Công Giáo tổ chức. Linh mục Jacques, người Bỉ, nói tiếng Việt rất thông thạo, là người phối hợp chương trình này trong rất nhiều năm. Ông là ân nhân của nhiều sinh viên Việt Nam, bất kể là người Công Giáo hay ngoại đạo.

4/ Các học bổng cá nhân do những liên hệ riêng với các trường công, tư, hoặc các trường Công Giáo.

5/ Một số nhỏ hơn nhiều và học bổng ít tiền hơn nhiều do chương trình của Bộ Giáo Dục Việt Nam. Có khi chỉ là một tấm vé máy bay.

Một số sinh viên được đưa vào học ở các trường nổi tiếng của Mỹ như các trường Ivy League ở miền Ðông Bắc như Harvard, Yale, Princeton, Columbia, Cornell, Darmouth... Một số khác không theo học ở các trường loại đó nhưng cũng được học ở các trường nổi tiếng không kém như MIT, Stanford, Caltec, Berkeley... vv... Và cũng còn có một số không nhỏ được theo học tại các trường tư ở những chốn xa xôi.

Xin lưu ý: Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, các sinh viên du học hay đi tu nghiệp dưới bất cứ chương trình nào, sau khi học xong, chính phủ bắt phải trở về phục vụ đất nước, ít nhất trong một thời gian. Tuy nhiên cũng có một số nhỏ tìm cách ở lại, lập gia đình với người bản xứ, hay người mang quốc tịch của nước sở tại. Có người xin được những việc làm tại các cơ quan mà chủ nhân, người đứng đầu chịu đứng ra can thiệp với chính phủ VN.

Trong những ngày lễ các sinh viên xa nhà thường cảm thấy rất cô đơn, nhớ nhà, nhớ nước. Có được những bữa cơm với những món ăn Việt Nam tại các gia đình ở Mỹ lâu năm, họ cảm thấy ấm lòng.


Hình chụp các sinh viên VN du học ăn Tết ở Ann Arbor, Michigan, khoảng năm 1972.

GS Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh NXV

(người ngồi dẫy bên trái, mặc áo trắng cổ cao, với bé gái, con ông trên lòng).

Bên trái ông là sinh viên Phan Anh Dũng PAD, hiện sống với vợ là Tâm Hảo và hai con ở Richmond, Virginia * (* Ghi chú mới của tác giả: Hiện nay họ đã dọn về ở Maryland, miền Đông Hoa Kỳ.)

Các sinh viên trong hình: Lẫm, Thương, Công, Linh, Lễ, Định, Lợi, Hùng, Đẹt...


Trong số các người được gọi là “du học”, phải kể có cả các công chức, quân nhân, giáo sĩ, ma-sơ sang tu nghiệp. Cũng lại có một số các linh mục, ma-sơ được các Họ Ðạo bảo trợ cho ở lại tu học vô hạn định. Các vị này ở Mỹ từ lâu năm, vì thế giới sinh viên du học đều biết đến và thân cận. Các cha tuyên úy của Hội Sinh viên Công giáo Việt Nam tại Mỹ như các Linh-mục Chu Công (về sau Cha đi theo ngành Trappist, tức ngành Khổ hạnh phải tịnh khẩu suốt ngày), Cha Joseph Ðức Minh (có một hồi lâu ở Mineola, New York, và bây giờ ở Camarillo, CA), Cha Thanh Hùng (lúc làm tuyên úy) ở Chicago... vv...


Hình tại Ðại Hội SVCGVNTM năm 74 tại Worcester, Massachusetts

với các linh mục Tự, linh mục Trọng, sơ Huê, sơ Lạng,

và các sinh viên: Phan Anh Dũng, Nguyễn Trọng Nghĩa, Vũ Duy Kết, Nguyễn Như Mỹ, Nguyễn Thị Ngọc Dung, Phạm Tiến Hưng, Nguyễn Xuân Hùng...



Hình chụp ở Buffalo, New York.

Ðứng giữa là Linh mục Mai Thanh Lương (MTL), chụp chung với một số sinh viên (Kế, Yến, Hưng, Tuyết, Xuân Hà) vừa dân sự vừa quân sự.

Người đứng sau linh mục bên trái là Nguyễn Ngọc Yến (NNY) nay ở gần Los Angeles, bên phải là Phạm Tiến Hưng (PTH), đã từng làm chủ tịch Hội SVCGVNTM, nay ở Houston, TX.

Linh mục Mai Thanh Lương sau 75 về Louisianavà hiện làm Giám mục tại địa phận Orange County *.

(* Ghi chú mới của tác giả: GM Mai Thanh Lương đã qua đời tháng 12, năm 2017)


Các Trường Việt Ngữ Quân Ðội

Chiến tranh Việt Nam kéo dài nhiều năm, chính phủ Hoa Kỳ gửi nhiều quân đội sang tham chiến tại miền Nam. Nhu cầu quân nhân Mỹ học tiếng Việt trở nên cấp thiết. Các trường sinh ngữ quân đội được dựng lên ở nhiều tiểu bang. Các trung tâm dạy tiếng Việt do chính phủ lập nên, điển hình nhất là các trường DLI (Defense Language Institute) ở Washington D.C., trường DLI ở Monterey, California, trường NSA (National Security Agency) ở Fort Mead, Maryland, để huấn luyện người theo dõi “signint” (“signal intelligence,” các trao đổi bắt được bằng radio, điện thoại,... vv...), trường sinh ngữ của Bộ Ngoại Giao FSI (Foreign Service Institute) ở Arlington, Virginia...

Trường DLI-West ở Monterey có lẽ là trường sinh ngữ lâu đời nhất của quân đội (đã giải tán khoảng vài năm sau khi chiến tranh VN chấm dứt) lúc nào cũng trên dưới 15-20 giáo sư Việt Nam, cộng thêm gia đình họ thì có lẽ lên đến cả trăm người. Ông trưởng ban (chairman) Việt Ngữ đầu tiên của trường DLI, Monterey là ông Nguyễn Ðức Thụ.


Một số nữ giáo sư trường DLI ở Monterey California.

Hình chụp trước cửa lớp học khoảng cuối thập niên 60.

Từ trái qua phải – Hàng trước: Tuyết, Trương Anh Thụy, Tuấn Jenson.

Hàng sau: Mme Lam Sơn, nhà văn Linh Bảo, Cẩm Thành.


Trường DLI tọa lạc trên đồi Presidio of Monterey thuộc nhà nước điều hành có số giáo sư chọn lọc, có trình độ. Trong khi đó còn có một trường nữa cho tư nhân thầu ở ngay dưới chân đồi. Có lúc học sinh đông quá, mỗi trường phải tuyển đến vài chục giảng viên, cộng với gia đình của họ tạo nên một khu tập trung người Việt khá đông. Trường do tư nhân thầu mượn người gấp gáp, xô bồ... từ ở khắp nơi: Việt Nam, Pháp, Ý, Thụy Sĩ... và ở Mỹ là một số các bà vợ của các chàng GI (“G.I. Joe,” một thuật ngữ chỉ binh lính Mỹ) không cả rành đọc hay viết tiếng Việt, nói gì đến tiếng Anh! Còn nói thì không chắc đã lên đến lớp nhất bậc tiểu học ở Việt Nam! Có người còn nói ngọng bằng giọng Bắc nhà quê, “l” thành “n” và ngược lại... gây ra những chuyện dở khóc, dở cười... Ngành dạy tiếng Việt ở Mỹ vì thế có lúc bị coi thường, ngộ nhận, vơ đũa cả nắm, cho là thứ nghề mà... ai làm cũng được. Đôi khi còn bị tai tiếng nữa.

Các trường sinh ngữ chính phủ khác mở những lớp dạy tiếng Việt trong các căn cứ quân sự như ở El Paso (Texas) hay Fort Bragg (North Carolina). Các giáo sư dạy trong các trường này thường là những người Việt kỳ cựu ở Mỹ. Họ là công dân Mỹ, hay ít nhất có thẻ xanh (thẻ thường trú). Họ được tuyển như là nhân viên chính phủ. Trong những năm cuối của thập niên 60, quân đội Mỹ sang tham chiến tại Việt Nam ồ ạt, nhu cầu huấn luyện tiếng Việt cho quân đội càng lớn, chính phủ không đảm trách hết được phải cho các tư nhân đấu thầu làm công việc này. Một số các trường được thầu nổi tiếng lúc bấy giờ là Lacaze, WIT, Sanz, Crowell-Collier hay WIT (World Instruction and Translation)... Các trường loại này tuyển một số giáo sư đông đảo. Có trường được mở lớp dạy ngay trong trại lính Fort Bragg (North Carolina), El Paso (Texas).

Các Gia đình chồng Mỹ Vợ Việt Nam hay ngược lại

Số người này khá đông. Họ phần lớn là vợ các cố vấn Mỹ hay lính Mỹ trở về từ Việt Nam. Họ ở tập trung ở những nơi có các căn cứ quân sự, hay các thành phố có các trụ sở ngoại giao, nơi các ông chồng làm việc. Thêm một số các ông, các cô Việt Nam sang du học, lấy vợ/ chồng Mỹ hay người Việt sẵn có quốc tịch Mỹ, rồi được ở lại thành dân Mỹ.

Các sinh hoạt của những kiều bào trước 75 tại Mỹ:

a) Hội Sinh Viên Công Giáo:

Hồi đó chỉ có một hội toàn quốc hoạt động đều đặn và bền bỉ, đó là Hội Sinh Viên Công Giáo Việt Nam Tại Mỹ, trụ sở ở trên đường Blackstone Avenue, Chicago. Nếu nhóm sinh viên Việt Nam đầu tiên sang Mỹ du học tập trung ở miền Ðông, nhất là vùng Ðông Bắc (có thể tạm gọi được là “hành lang Boston-New York”), thì chỉ ít năm sau, sang đến thập niên 50 là Hội SVCG đã quy tụ được một số anh chị em ở vùng Trung-Tây (Midwest), đặc biệt là vùng Chicago và phụ cận. Tiếng là Hội Sinh Viên Công Giáo nhưng người không Công Giáo chiếm đa số. Có lẽ cũng để thu hút những người loại sau này, nên Hội có một nội quy rất rộng rãi: chỉ cần anh Chủ tịch Hội là người Công giáo còn từ phó Chủ tịch trở xuống là có thể là người thuộc bất cứ tôn giáo nào.

Hội có một cha tuyên úy lúc nào cũng làm việc bên cạnh Hội. Vả lại, mang danh nghĩa linh mục, các cha cũng dễ đi tìm sự yểm trợ từ các cơ quan công quyền hay giáo quyền của phía Mỹ, tỷ như mượn chỗ họp mặt Giáng Sinh hay họp trại hè, chẳng hạn. Các cha rất thân thiết với các anh chị em trong Hội, mà nhiều cha như cha Ðức Minh rất cởi mở và vui tính... Hội có ra một tờ báo phát hành không định kỳ, lấy tên là Chuông Việt. Lúc có người chịu tình nguyện làm thì ra hàng tháng nhưng phần lớn chỉ ra được 3-4 số một năm. Tuy báo có hình thức tiểu công nghệ (quay roneo) nhưng vì cả nước chỉ có một tờ báo nên rất được trông chờ, ít nhất cũng về phần tin tức: ông đi qua bà đi lại (từ Việt Nam hay từ các tiểu bang khác) thường được nhắc tới...


Bìa tờ báo Chuông Việt số 173-174, năm 72-73


Rồi cũng tùy người chủ bút, tờ báo có thể ngả về nghiên cứu nhiều hơn hay sáng tác (văn, thơ, tiểu luận...) nhiều hơn. Do vậy mà những cây bút chủ lực thì ngoài mấy anh chị trong ban biên tập, những người có máu văn nghệ có mặt ở Mỹ lúc bấy giờ cũng có chỗ đề gửi các bài thơ, các truyện ngắn, tùy bút, bình luận..., nhờ vậy mà các sinh viên và kiều bào cũng có chỗ trao đổi tin tức và dàn trải tâm tình... Bên cạnh đó, hàng năm Hội tổ chức hai lần họp mặt dưới hình thức trại Hè và Họp Mặt Giáng Sinh. Họp mặt Giáng Sinh thường được tổ chức tại Barat College ở Chicago, còn trại hè thì tổ chức mỗi năm ở một tiểu bang khác. Mỗi kỳ trại hè có lẽ cũng đến cả mấy trăm sinh viên về tham dự. Họ ăn uống, ca hát, đóng kịch, hội thảo (có năm cũng sôi nổi lắm, nhất là trong mấy năm phong trào phản chiến lên cao độ...) Hồi đó người Việt ở đây rất hiếm quí, các tài năng lại còn hiếm quí hơn cho nên hễ ai có tài gì là dễ dàng nổi tiếng. Không ít cặp trở nên vợ chồng, sau các buổi trại này. Hội cũng có những hoạt động xã hội như cứu lụt ở quê nhà, hay gây quỹ yểm trợ Ðại Học Huế sau cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân của CS Bắc Việt chẳng hạn.


Một màn văn nghệ có tính cách dân tộc tại đại hội SVCGVNTM
ở Worcester, Mass. 1974


b) Ngoài Hội SVCG Việt Nam tại Mỹ là một hội hoạt động có tính cách toàn quốc, tại các địa phương thỉnh thoảng cũng có Hội Việt Kiều, Hội Sinh viên Việt Nam (nhất là ở trong các đại học tỉnh lẻ), hay các Hội Việt Nam tìm cách “đem chuông đi đấm xứ người,” giới thiệu văn hóa, lịch sử, văn thơ nhạc Việt Nam cho người Mỹ. Cũng còn có những nhóm nhỏ tìm cách làm công tác xã hội như nhóm sinh viên đại học Buffalo, NY, đã từng đi bán thiệp Tết gây quỹ cho Hội “Aid to the Children of Vietnam”... vv... Nhưng có lẽ trường kỳ hơn cả là một nhóm kiều bào sống ở vùng Hoa Thịnh Ðốn.

Nhóm này (lúc đó chưa có nhu cầu lập thành Hội, tạm gọi là “Nhóm Làm Việc Thiện HTД) gần như không bỏ qua một dịp cứu trợ nào khi có lũ lụt ở miền Trung hay những thiên tai khác ở quê nhà. Thường chúng tôi tổ chức Hội Chợ trong khuôn viên tòa Ðại Sứ Việt Nam, quyên góp từ các kiều bào trong vùng các món đồ tiểu công nghệ VN như đồ gốm, đồ đồng, khăn bàn, áo thêu, nón, guốc... Các bà nội trợ thì đóng góp các món ăn truyền thống như chả giò, thịt nướng... Người từ các Đại Sứ Quán của các quốc gia khác chung quanh đấy đến hưởng ứng đông đảo.

Vào năm 73 bắt đầu có phong trào “sinh viên và Việt kiều về thăm nhà” do Bộ Dân Vận khuyến khích và hỗ trợ, với mục đích để sinh viên có cơ hội nhìn lại quê hương, trong hoàn cảnh phát triển cũng như chiến tranh tàn phá... hầu mong họ trở về đem tài năng, sở học... tiếp tay sinh viên quốc nội, xây dựng đất nước. Bộ đã dành mọi dễ dãi để các sinh viên, dù là trước kia đã ở lại Mỹ một cách bất hợp pháp, cũng được về mà không bị lôi thôi giấy tờ, hay bị giữ ở lại. Chuyến đầu tiên do Hội Sinh Viên Công Giáo tổ chức vào năm 1973. Một năm sau, người viết bài này cùng với các bạn Trần Văn Dương ở Chicago, Ðỗ Hùng, Chử Ngọc Hoàng Anh, và Lệ Trâm vùng Hoa Thịnh Ðốn thành lập Vietnam Travel Fund, với sự hỗ trợ của Hội Sinh Viên Việt Kiều Quốc Gia tại Bắc Mỹ, tổ chức hai chuyến bay, một từ Washington DC, một từ Los Angeles về thăm nhà. Cùng hè năm đó Hội Việt Kiều Montréal cũng tổ chức một chuyến bay của sinh viên và Việt Kiều, đi từ Gia Nã Ðại về Việt Nam trong cùng mục đích kể trên.


Phái đoàn “Sinh Viên về Thăm Nhà Hè 74.” Chuyến bay từ HTĐ.



Trương Anh Thụy cùng Phái Ðoàn “Sinh Viên Về Thăm Nhà Hè 74.”


Chuyến bay từ Los Angeles, được Sinh Viên Quốc Nội đón tiếp tại sân bay Tân Sơn Nhất. Phái đoàn đã được chính quyền đón tiếp long trọng và bố trí cho đi thăm cố đô Huế, Nha Trang, Ðại Lộ Kinh Hoàng ở Quảng Trị, bờ sông Bến Hải... Có điều đáng ghi nhớ là phái đoàn đã thăm được các quân trường, trong đó có Lữ Ðoàn III Nhảy Dù, Sư Ðoàn Thủy Quân Lục Chiến.



Phái đoàn đã tặng một món tiền để góp phần xây cất lại trường tiểu học Quảng Trị đã bị cộng sản phá sập trong cuộc tổng tấn công năm 1972, tặng Học bổng cho học sinh Quốc Gia Nghĩa Tử, đồng thời nhờ Báo Chính Luận trao tặng 20 học bổng cho học sinh nghèo xuất sắc. Cô Nhi Viện Quách Thị Trang được tặng một số dụng cụ, máy móc huấn nghệ cho các em cô nhi. Ngoài ra, Bệnh Viện Nhi Ðồng cũng được Nhóm HTÐ tặng một món tiền.

c) Một đặc điểm của cộng đồng Việt Nam trước năm 1975 là chúng tôi rất hãnh diện về quê hương đất nước, về văn hóa mình. Chúng tôi làm những bữa cơm gia đình và thết đãi bạn bè ngoại quốc bằng các món Việt. Thời đó ở Hoa Thịnh Đốn không có các cửa tiệm bán thực phẩm Việt Nam, tiệm ăn VN cũng rất hiếm, thường người ta chỉ mở ở các thành phố lớn, vì thế các bà nội trợ thường trao đổi cho nhau cách làm các món mà họ sáng chế được, thí dụ lấy cải “broccoli” thay thế cho cải làn, lấy cá hộp “anchovy” thay thế cho mắm nêm, lấy thịt “ham hun khói” (smoke ham) đem ngâm dấm, tỏi làm nem chua... vv... ăn cũng thấy đỡ thèm! Sự yêu thương quê hương này còn thấy trong những nỗ lực của một số người tìm cách phổ biến văn hóa Việt Nam qua viết lách.

Các vị như các GS. Nguyễn Ðình Hòa, Nguyễn Ngọc Linh, Phùng Thị Cam, Phạm Thị Thu ra được một tờ báo tiếng Anh mỏng nhưng rất chuyên nghiệp ngay từ những năm đầu thập niên 50, mang tên Vietnam Bulletin, giới thiệu nhiều khía cạnh của văn hóa Việt Nam, mà Thư viện Công cộng New York (NY Public Library) đã cất giữ một cách rất trân trọng. Về mặt văn học, anh Nguyễn Ngọc Bích đã dịch Chinh Phụ Ngâm (in trong Texas Quarterly), Văn tế Thập loại Chúng sinh (in trong Antioch Review), thơ cận hiện đại Việt Nam (in trong Hudson Review)... vv... về sau được gom lại trong cuốn “Một nghìn năm Thi ca Việt Nam” (A Thousand Years of Vietnamese Poetry do nhà Alfred Knopf in ra ở New York năm 1975). G.S. Huỳnh Sanh Thông dịch Truyện Kiều (The Tale of Kieu do nhà Random House in ra năm 1973).

Về mặt hội họa, chúng ta có thể thấy tranh Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Jacqueline Hà Văn Vượng được bầy bán đây đó, nhất là dưới dạng “print”. Một số họa sĩ cũng có những cuộc triển lãm tranh gốc tại các phòng tranh nổi tiếng ở Nữu Ước như họa sĩ Võ Ðình:

Tòa Ðại Sứ Việt Nam Cộng Hòa cũng đã từng bảo trợ các cuộc triển lãm của một số họa sĩ. Cuối năm 1968, một phòng tranh trình bày 62 họa phẩm của các họa sĩ nổi tiếng như Ngy Cao Uyên, Tú Uyên, Thái Tuấn, Lâm Triết, Nguyễn Khai, Ðinh Cường.

Có một cuộc triển lãm ở một quy mô vĩ đại, tôi không còn nhớ năm nào, gồm toàn những họa sĩ tên tuổi lớn của Việt Nam như Trịnh Cung, Ðinh Cường, Văn Ðen, Hồ Thành Ðức, Tú Duyên, Nguyên Khai, Nguyễn Tuấn Khanh, Nguyễn Lâm, Châu Văn Lang, Cù Nguyễn, Nguyễn Cao Nguyên, Huỳnh Văn Phụng, Nguyễn Phước, Nguyễn Văn Rô, Nguyễn Siên, Nguyễn Duy Thanh, Phạm Thông, Nguyễn Trung, Lâm Triết, Thái Tuấn... đã gây tiếng vang không nhỏ trong giới thưởng lãm thủ đô Hoa Kỳ, trong đó, khách ngoại quốc tham dự đông đảo.

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Sưu tầm của MAI THỌ Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân