TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - HỌC THUẬT KINH DỊCH BÀI TIẾP THEO
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

HỌC THUẬT KINH DỊCH BÀI TIẾP THEO

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> TÌM HIỂU VĂN HỌC
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
lamson_lee



Ngày tham gia: 15 Feb 2017
Số bài: 23
Đến từ: Pháp Quốc

Bài gửiGửi: Fri Nov 22, 2024 4:52 am    Tiêu đề: HỌC THUẬT KINH DỊCH BÀI TIẾP THEO



NỬA ĐÊM GIỜ TÝ CANH BA

Muốn xem tử vi cho ai thì trước hết phải lập lá số. Muốn có lá số phải biết giờ tháng năm sanh của thân chủ, thầy lốc cốc tử mới an sao vào các cung được.

Giờ âm lịch mà ông bà ta khi xưa dùng có thời lượng dài gấp đôi giờ đồng hồ. Như vậy âm lịch chỉ có 12 giờ mỗi ngày ứng với thập nhị địa chi gồm 12 con giáp. Theo huyền số, 12 bằng 4 nhân 3 với 4 thuộc địa và 3 thuộc thiên làm cho trời đất giao hòa. Trong 12 con giáp thì 5 con ở chung với người là Tý, Mão, Dậu, Tuất, Hợi. Bốn con sống nơi khoảng khoát ruộng đồng gồm Sửu, Tỵ, Ngọ, Mùi. Hai con ở trong rừng là Dần, Thân. Con giáp chưa ai thấy là Thìn, người xưa bảo nó có khả năng đổi dời từ dưới đáy biển lên đến trời cao.Thiên tai mưa gió bão lụt đều cho là do “long giáng hạ”. Người Việt thân yêu chúng ta có nền văn hóa nông nghiệp nên hầu hết các con vật được chọn có cuộc sống gần gủi, góp phần vào sinh hoạt thường nhựt của nông gia.

Ngũ hành (5) tương sinh tương khắc kết hợp với âm dương (2) lập thành 5x2=10 gọi là Thập Thiên Can gồm Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý. Tuổi của người phương Đông là sự kết hợp giữa can và chi. Mười hai địa chi thuộc đất phối hợp với mười thiên can thuộc trời thành 60 năm tính đủ một vòng trở lại gọi là lục thập hoa giáp. Đó cũng là lý do tại sao người sống qua 60 năm được gọi là thọ. Cũng nên nói thêm để rõ vấn đề. Tuổi mỗi người có tên do hai chữ can và chi ghép lại. Thí dụ ông A sanh năm 1942 tuổi Nhâm Ngọ thì Nhâm thuộc can và Ngọ thuộc chi. Nói riêng tuổi Ngọ chỉ có Giáp Ngọ, Bính Ngọ, Mậu Ngọ, Canh Ngọ và Nhâm Ngọ ( không bao giờ có Ất Ngọ, Đinh Ngọ…. nghé ngọ ). Trải qua 5 tuổi đó là hết chu kỳ. Mỗi tuổi Ngọ cách nhau 12 năm vị chi 12 nhân 5 là 60 năm.

Giờ Âm Lịch:

Từ 23 giờ đến 1 giờ là giờ Tý
Từ 1 giờ đến 3 giờ là giờ Sửu
Từ 3 giờ đến 5 giờ sáng là giờ Dần
Từ 5 giờ đến 7 là giờ Mão
Từ 7 giờ đến 9 giờ là giờ Thìn
Từ 9 giờ đến 11 giờ là giờ Tỵ
Từ 11 giờ (đồng hồ) đến 13 giờ là giờ Ngọ.
Từ 13 giờ đến 15 giờ là giờ Mùi.
Từ 15 giờ đến 17 giờ (5 giờ chiều) là giờ Thân.
Từ 17 giờ đến 19 giờ là giờ Dậu.
Từ 19 giờ đến 21 giờ là giờ Tuất.
Từ 21 giờ đến 23 giờ (11 giờ tối) là giờ Hợi.

Theo bảng liệt kê trên ta thấy

12 giờ trưa người mình thường gọi là đúng Ngọ.
0 giờ tức 12 giờ đêm thì gọi là nửa đêm giờ Tý.

Câu hát 0 giờ rồi sao ngủ không yên. 0 giờ đúng là lúc nửa đêm. Anh chàng nầy trằn trọc nhớ người yêu hay trăn trở vì nổi lòng biết tỏ cùng ai.
Hai câu nói của người xưa:

Nhứt nhựt chi kế tại ư Dần,
Nhứt niên chi kế tại ư Xuân.

Mỗi ngày, đến giờ Dần, khoảng trước 5 giờ sáng, người cẩn trọng dự tính chương trình, sẽ làm những điều gì trong ngày mới. Mỗi năm, phát thảo kế hoạch toàn niên vào ngày Xuân.

Đêm 5 Canh

Theo Âm lịch thì đêm có 5 giờ tương đương 10 tiếng đồng hồ.

Đêm bắt đầu từ 7 giờ tối và chấm dứt lúc 5 giờ sáng tức là từ giờ Tuất đến hết giờ Dần. Khoảng thời gian đó con chó của người mình theo bẩm tính nằm sát đất thức canh cửa nhà cho chủ.

Canh hay canh giờ còn gọi là trống canh, thời lượng bằng 2 tiếng đồng hồ (120 phút). Chỉ ban đêm mới có canh giờ và mỗi canh dài bằng một giờ âm lịch. Vì đêm có 5 giờ nên Đêm có 5 canh

Trong bài Hàn Nho Phong Vị Phú, Uy Viễn Tướng Công Nguyễn Công Trứ có câu

Đêm năm canh, an giấc ngáy kho kho, đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ.

Canh Một thuộc giờ Tuất từ 7 giờ đến 9 giờ tối
Canh Hai thuộc giờ Hợi từ 9 giờ đến 11 giờ khuya
Canh Ba thuộc giờ Tý từ 11 giờ đến 01 giờ đêm
Canh Tư thuộc giờ Sửu từ 01 giờ đến 03 giờ sáng
Canh Năm thuộc giờ Dần từ 03 giờ đến 05 giờ sáng

Bảng liệt kê trên làm rõ nghĩa câu ông bà ta ưa nói “Nửa đêm giờ Tý canh Ba”. Câu thành ngữ nầy còn thêm một câu nửa mới đủ đôi xuyên qua câu chuyện tiếu lâm trong dân gian.
Anh chàng kia vợ đẻ con so, cô em vợ được mẹ cho lên ở nuôi chị trong lúc còn non ngày. Bị cấm trại cả tháng, em vợ lại nõn nà phơi phới, nom rất tới. Trằn trọc đến nửa đêm, anh chàng lồm cồm bò vào định bứng hoa cả cụm.
Cô em vợ tằng hắng, lên tiếng anh rể bị chứng “mộng du”:
Nửa đêm giờ Tý canh ba,
Hởi người quân tử chớ bò đi đâu.

Anh chàng nói trớ:

Canh ba thao thức mơ màng,
Anh ngủ không được anh bò anh chơi.

Ngày 6 khắc:

Đêm tính canh còn ngày thì tính khắc.

Như trên đã nói, một đêm dài 10 tiếng đồng hồ thì một ngày dài 24 -10 = 14 tiếng. Thành ngữ Việt Nam có câu “Đêm 5 canh, ngày 6 khắc”.

Một ngày có 6 khắc. Như vậy mỗi khắc dài 14 chia cho 6 = 2 giờ 20 phút.
Xét ra như vậy thì một khắc dài hơn một canh giờ. Khi xưa những người trấn thủ lưu đồn, thay phiên nhau ngày theo khắc đêm chia canh tưởng cũng hợp lý vì ban đêm là thời gian để ngủ mà phải thức khổ nhọc hơn.

Những người nông dân mộc mạc thuộc thế hệ ông bà ta ngày xưa trong nhà làm gì có TV phim bộ, cũng không có điện thoại gọi nhau đấu láo. Khi màn đêm buông xuống, nhà nhà quây quần bên mâm cơm chiều dưới ánh đèn dầu phọng âm u leo lét. Cho nên 7 giờ tối, giờ Tuất, kẻng điểm canh một, gà vô chuồng đâu đó xong xuôi thì người cũng leo lên giường để 5 giờ sáng canh năm tuột xuống chuẩn bị cho một ngày mới. Ngủ sớm thức sớm là nếp sống họp vệ sinh thường thức không như thế hệ cháu con xhcn thâu đêm suốt sáng tiêu hao cho trà đình tửu điếm ca ra ô kê, thuốc lắc.

Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương. Ông bà mình mấy trăm năm trước không có đồng hồ báo thức. Nhưng không sao, trời đã cho ta “gà cồ hay gáy, gà mái hay la”. Ngày nào cũng như ngày nào, canh năm, 5 giờ sáng, khi con chó xong nhiệm vụ gác đêm tìm vào xó bếp để ngủ thì anh gà trống tự động làm tài lanh không cần biểu đã thót lên cao, rướn cổ, nhắm mắt, đập cánh gáy ran như thúc giục, báo tin đã hết giờ trùm chăn. Bà con từ đầu trên đến xóm dưới, có muốn lờ cũng phải nghe. Loại đồng hồ báo thức nầy khỏi lên dây thiều thay pin mà chạy rất tốt bất kể nắng mưa chỉ có cho vô nồi xé phai mới hết chạy thôi. Quái ác một điều gần sáng lại là giờ cao điểm của gối ấm nệm êm giường nồng. Giấc ngủ lúc đó ngon như nữa điếu thuốc phần sau và đậm đà ray rức như gái một con làm mòn con mắt.

Trời không tha cho kẻ gian mắc nạn, ngay lúc đó nội tướng thỏ thẻ nhưng quyết liệt nhắc khéo

Trình anh dậy học chớ nằm làm chi.
Nữa mai chúa mở khoa thi,
Bảng vàng bia đá kìa đề tên anh.

Sau 3 câu Tùy Bà Hành, nàng ca tiếp điệp khúc:
Lang quân ơi, đã hết giờ nằm mộng, đừng có mà
Dài lưng tốn vải ăn no lại nằm.
Ngoài những lý lẽ như kể ra công lao tiền của cha mẹ để đánh động lòng hiếu thảo

Bõ công cha mẹ sắm sanh,
Sắm nghiên sắm bút cho anh học hành.

Còn công nàng thì sao ?

Hãy nghe thi sỉ Nguyễn Bính thay nàng nhắc khéo qua bài thơ Thời Trước mà nhạc sĩ Văn Phụng phổ thành nhạc phẩm Trăng sáng Vườn Chè

Vì tằm tôi phải chạy dâu,
Vì chồng tôi phải qua cầu đắng cay.
.................
Tôi hằng khuyên sớm khuyên trưa,
“Anh chưa thi đỗ thì chưa động phòng”

Anh nào nghe câu cuối cũng thấy thốn.

Bạn hãy cùng tôi đọc phần đầu bài ca dao sau đây

Canh một dọn cửa dọn nhà,
Canh hai dệt cửi canh ba đi nằm.
Canh tư bước sang canh năm,
Trình anh dậy học chớ nằm làm chi.

Qua bài nầy, thời xưa, người con gái có chồng tự nguyện hy sinh cho chồng con, cho nhà chồng, sống đời bận rộn đầu tắt mặt tối không còn thời gian nhìn đến bản thân, thật là tội nghiệp, thật là bất công.

Nấu nướng cho cả nhà ăn cơm tối xong, canh một từ 7 giờ đến 9 giờ tối rửa chén, dọn dẹp, giăng mùng quạt muỗi, chuẩn bị chỗ ngủ cho mọi người.

Canh hai từ 9 giờ đến 11 giờ gần nửa đêm ngồi dệt vải sinh nhai độ nhựt.
Canh ba và canh tư từ 11 giờ đêm đến 3 giờ sáng mới được đặt lưng xuống giường.

Như vậy người vợ nàng dâu chỉ được ngủ vỏn vẹn có 4 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Sức đâu chịu nổi hởi trời.

Thảm trạng nầy kéo dài trong bao lâu ?

Hắn không thi đậu thì đời em tiêu

Xin mượn mấy câu thơ của thi sĩ Hồ Dzếnh, tôi viết lên đây những dòng chữ kính phục, vinh danh những người vợ, những bà mẹ Việt Nam mến yêu, trong đó có mẹ thương kính của chúng tôi đã một đời hy sinh vô bờ bến cho chồng và các con.

Cô gái Việt Nam ơi,
Nếu chữ hy sinh có ở đời.
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực,
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi.

Cali ngày 11 tháng 11 năm 2012
Nguyên Phương
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> TÌM HIỂU VĂN HỌC Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân