Gửi: Wed Oct 30, 2024 11:17 pm Tiêu đề: Có cần tẩy tế bào chết cho da mặt không?
Có cần tẩy tế bào chết cho da mặt không?
Tẩy tế bào chết thường được coi là bước cần thiết trong quá trình chăm sóc da. Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn không thực hiện?
Giống như nhiều thiếu niên khác vào thập niên 2000, tôi dành hầu hết các buổi tối để chăm chỉ chà xát mặt bằng một loại tẩy tế bào chết phổ thông có mùi như quả mơ và cảm giác như giấy nhám. Nhiều năm sau, thói quen hàng đêm của tôi đã phát triển thành việc bôi lên mặt nhiều loại acid đắt tiền. Các sản phẩm thì khác nhau, nhưng thông điệp thì giống nhau: để trông đẹp nhất, người tiêu thụ cần phải liên tục tẩy tế bào chết - lột bỏ lớp da xỉn màu trên cùng để lộ lớp biểu bì sáng bên dưới.
Trong các ấn phẩm làm đẹp và trên mạng xã hội, tẩy tế bào chết thường được coi là một bước cần thiết trong quá trình chăm sóc da. Trong một chuyên mục từ tháng 5, giám đốc làm đẹp của Goop, Jean Godfrey-June, đã viết: “Tôi là người rất đam mê khi nói đến tẩy tế bào chết”. Trên TikTok, các video khẳng định rằng đây là điều cần thiết. “Tại sao bạn CẦN phải tẩy tế bào chết 1-2 lần một tuần”, “Bạn cần phải tẩy tế bào chết 2-3 lần một tuần!! ”
Mặc dù các chuyên viên đồng ý rằng tẩy tế bào chết đúng cách có lợi, nhưng họ cũng nói rằng có thể thực hiện quá mức. Vậy bạn thực sự cần tẩy tế bào chết bao lâu một lần? Và điều gì sẽ xảy ra nếu bạn không làm vậy?
Tẩy tế bào chết là gì?
Tiến sĩ Joshua Zeichner, phó giáo sư da liễu và giám đốc nghiên cứu mỹ phẩm và lâm sàng tại bệnh viện Mount Sinai ở Thành phố New York cho biết: “Tẩy tế bào chết là quá trình loại bỏ các tế bào da chết khỏi bề mặt da”. Quá trình này diễn ra tự nhiên và là một phần của chu kỳ sống tự nhiên của da. Thông thường, da sẽ thay đổi sau mỗi vài tuần và các tế bào chết được thay thế bằng các tế bào mới. Nhưng sự tích tụ của các tế bào da chết có thể khiến da trông xỉn màu, Zeichner cho biết. Một số người chọn cách đẩy nhanh quá trình thay đổi này bằng chất tẩy tế bào chết.
Có hai loại chất tẩy tế bào chết: vật lý và hóa học. Chất tẩy tế bào chết vật lý, thường chứa các hạt sạn nhỏ “loại bỏ tế bào chết khi chúng được massage lên da”, Zeichner giải thích. Điều này cũng có thể đạt được bằng một vật thô như xơ mướp hoặc khăn mặt tẩy tế bào chết.
Ngược lại, chất tẩy tế bào chết hóa học có chứa acid hoạt động bằng cách “phá vỡ các liên kết giữa các tế bào, khiến chúng bong ra”, Zeichner cho biết.
Tiến sĩ Murad Alam, phó chủ tịch khoa da liễu tại Trường Y khoa Feinberg thuộc Đại học Northwestern cho biết, chất tẩy tế bào chết hóa học thường chứa acid alpha hydroxy như acid glycolic hoặc acid lactic, hoặc acid beta hydroxy như acid salicylic. Ông nói thêm rằng “Retinol trong các sản phẩm mỹ phẩm hoặc thuốc bôi ngoài da cũng có thể được sử dụng làm chất tẩy tế bào chết”.
Tẩy tế bào chết có ích lợi gì?
Tiến sĩ Shari Lipner, bác sĩ da liễu tại Weill Cornell Medicine, cho biết có nhiều ích lợi khi tẩy tế bào chết đúng cách. Những ích lợi này bao gồm “làm cho da trông sáng hơn, ngăn ngừa lỗ chân lông bị tắc và do đó là mụn trứng cá, và cải thiện sức thẩm thấu của các sản phẩm chăm sóc da đã thoa”. Nó cũng có thể đặc biệt hữu ích cho những người có làn da dễ bị mụn trứng cá.
Trong khi tẩy tế bào chết thường được coi là cách giúp da trông trẻ trung hơn bằng cách làm giảm sự xuất hiện của các nếp nhăn và vết chân chim, các chuyên viên không chắc chắn về tuyên bố đó. “Tôi không nghĩ tẩy tế bào chết sẽ chữa được nếp nhăn của bất kỳ ai”, Tiến sĩ Rachel Reynolds, chủ tịch lâm thời khoa da liễu tại Trung tâm Y tế Beth Israel Deaconess trực thuộc Harvard, đã nói.
Tùy theo từng loại da mà bạn có cách tẩy tế bào chết phù hợp.
Bạn nên tẩy tế bào chết bao lâu một lần?
Đối với những người chọn tẩy tế bào chết, đây không phải là một phần trong thói quen hàng ngày. “Không ai thực sự cần phải tẩy tế bào chết mỗi ngày”, Zeichner nói. Đối với hầu hết mọi người, một đến hai lần một tuần là đủ, ông nói.
Lipner cho biết điều này cũng phụ thuộc vào loại da của mỗi người. Trong khi tẩy tế bào chết hàng tuần có thể hiệu quả với người có làn da dầu, thì đối với những người có làn da khô hoặc nhạy cảm, bà khuyên bạn nên giới hạn việc tẩy tế bào chết ở mức một hoặc hai lần một tháng.
Để xem làn da của bạn có thể phản ứng như thế nào với một sản phẩm, Alam gợi ý bạn nên thí nghiệm trên một vùng da nhỏ trước khi thoa lên toàn bộ khuôn mặt. Và đừng sử dụng chất tẩy tế bào chết nếu bạn bị mụn trứng cá, vết loét hở hoặc cháy nắng. Ông nói rằng “Da của bạn đã bị tổn thương và việc tẩy tế bào chết có thể dẫn đến kích thích, sạm da hoặc sáng da hơn, thậm chí là sẹo”.
Bạn có thể tẩy tế bào chết quá mức không?
Có. Tẩy tế bào chết quá mức, cả về mặt hóa học và vật lý, có thể gây kích thích da bằng cách khiến da bị rách và làm hỏng các tế bào trong da, Alam nói. Ông nói thêm rằng tẩy tế bào chết quá mức cũng có thể “loại bỏ các loại dầu tự nhiên và hóa chất giúp da khỏe mạnh”.
Da bị tẩy tế bào chết quá mức sẽ trông khô, đỏ và bị kích thích. Da có thể cảm thấy ngứa và bắt đầu bong tróc. Nếu điều này xảy ra, đừng vội vã thoa thêm sản phẩm vì điều này có thể khiến da bị kích thích thêm.
Lipner cho biết: “Nếu bạn đã tẩy tế bào chết quá nhiều, điều tốt nhất bạn có thể làm là giữ ẩm”. Cô ấy khuyên bạn nên giữ ẩm ít nhất hai lần một ngày và có thể là ba lần nếu da bạn “quá khô”.
Điều gì xảy ra nếu bạn không tẩy tế bào chết?
Nói tóm lại: không có gì cả.
Lipner cho biết: “Không tẩy tế bào chết cũng không có hại gì”. Da có thể trông xỉn màu hơn một chút, nhưng nó sẽ tự tẩy tế bào chết sau vài tuần.
Alam cho biết, thật hấp dẫn khi chuyển sang các sản phẩm và thiết bị để cải thiện làn da của chúng ta. Nhưng đối với hầu hết mọi người, ông nói, “một cách ăn uống tốt, tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc và uống đủ nước sẽ hữu ích hơn cho sức khỏe làn da bình thường so với việc tẩy tế bào chết”.
Bạn không có quyền gửi bài viết Bạn không có quyền trả lời bài viết Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn Bạn không có quyền tham gia bầu chọn