HỒI ĐÓ
Nguyễn Thị Thêm
(Nguyệt Lê sưu tầm)
Hồi đó ba đứa tụi này hiền lành quê một cục. Ba đứa ở ba xã khác nhau cùng đến trường tiểu học ở quận để học lớp nhứt, cái lớp cuối cùng của bậc Tiểu học.
Hồi đó học tiểu học phải mặc đồng phục. Áo trắng quần dài đen. Cái áo trắng cổ lá sen kín đáo dễ thương của tuổi chưa dậy thì ngực còn xẹp lép. Khi tập thể dục phải mặc cái quần phùn màu xanh, áo trắng tay phùn ngắn tay trông thật ngố. Nhưng mà hồi đó đâu có thấy ngố, vì cả trường đều như vậy, nhất là khi tập thể dục đồng diễn. Cả trường nghe theo chiếc còi của thầy hiệu trưởng hoạt động tay chân đồng loạt ở sân thật đẹp. Tập chung xong, thầy cô lớp nào dẫn học sinh lớp mình sinh hoạt trò chơi riêng. Từng toán nhỏ vui đùa ở sân trường. Tiếng vỗ tay, tiếng cười, chạy rượt nhau vui tở mở. Dưới tàng những cây phượng tuổi lớn hơn các học trò và thầy cô còn trẻ. Các lão phượng gốc rất to, ở trên cành lá xòe ra che mát cả sân trường rộng lớn. Màu đỏ rực rỡ của hoa phượng và tiếng ve kêu báo hiệu mùa hè đã về sắp phải chia tay. Các lớp tập vợt văn nghệ chuẩn bị cho ngày phát thưởng cuối năm và nghỉ hè.
Hồi đó thầy hiệu trưởng già ốm nhom mà oai lắm. Học trò sợ thầy cô giáo một, sợ thầy hiệu trưởng tới số mười. Thầy đi ngang qua hành lang lớp nào thì cả lớp đó im phăng phắc. Thầybước vô lớp, học trò đồng loạt đứng lên cúi đầu chào. Suốt cả năm học chưa thấy thầy đánh một học trò nào, chưa đuổi học đứa nào mà sao học trò lớp nào cũng sợ.
Hồi đó ba đứa học chung một lớp, cùng ngồi bàn thứ nhì. Hai đứa học thật giỏi còn một đứa học tàng tàng nhưng chưa bao giờ bị cô khẽ tay hay la mắng.
Một lần con nhỏ người Bắc rủ hai nhỏ kia đi tới nhà cô giáo:
- Chi vậy! Sợ lắm
- Sợ gì! Cô hôm nay trả bài chính tả và toán. Một mình tao ôm không hết. Tụi bây phụ tao.
Thế là ba đứa đi tới nhà cô. Trong lòng vừa mừng rộn ràng, vừa sợ.
Cô giáo của ba đứa nổi tiếng nhất trường là nghiêm và dữ. Cô đẹp sắc sảo với đôi mắt to đen và có uy. Da cô ngâm ngâm, mũi thanh tú và miệng rất có duyên. Cô tuy lớn tuổi nhưng đẹp nhất trường. Đứa nào học lớp nhì nghe được lên lớp cô là rét.
Nhà cô không xa, rộng rãi và rất đẹp trong mắt học trò. Ba đứa không dám bước vào, lí nhí đứng ngoài cửa gọi cô. Cô cười kêu vào nhà chỉ đám vở đã chấm xong rồi dặn dò ôm cẩn thận đừng để rớt.
Vậy mà ba đứa mừng rơn, hí hửng hãnh diện vì được cô cười, cô kêu vô nhà và nói chuyện ngọt ngào. Trong lòng đứa nào cũng sung sướng được giúp cô.
Hồi đó ba đứa đều ở xa nên mỗi ngày đều phải đem cơm theo. Hết giờ học buổi sáng học trò ở tại quận về nhà ăn cơm. Ba đứa lôi cơm ra ăn trưa. Ban đầu ba đứa ngồi riêng ba góc, ăn xong mới túm lại chơi chung. Một lần nhỏ người Bắc đề nghị ăn chung một chỗ cho vui. Con nhỏ người Nam xì một cái:
- Ăn cơm không được nói chiện. Ba tao biểu dzậy. Rồi nó tính đi ra chỗ khác ngồi ăn.
- Thì ăn đừng có nói gì! Thế mày đem đồ ăn ngon sợ tụi này ăn ké hả?
Rồi hai đứa quỷ quái kia kéo con nhỏ này lại giở gà mên cơm ra phá. Nhìn vào cà mèn cơm hai đứa kia chết lặng. Con nhỏ nạn nhân nước mắt sắp chảy ra:
- Tao đã nói để tao ăn riêng. Nhà tao nghèo, em đông nên tao...
- Từ nay tụi mình ăn cơm chung, có gì chia nhau ăn. Đừng khóc! Tụi mình là bạn thân nhấtmà.
Rồi ba đứa ôm nhau khóc. Hồi đó ôm nhau như vậy là kỳ cục lắm nhưng không hiểu sao ba đứa không nghĩ tới, chỉ biết là thân thiệt thân như chị em một nhà. Nếu ngày xưa chắc phải làm lễ rồi thề thốt kết nghĩa đào nguyên.
Chơi quá thân nên ba đứa coi ba má của nhau như ba má mình. Ba má Sáu, ba má Bảy, ba má Tám. Mà cũng lạ, thứ gọi miền Nam của các má lại xếp thứ tự 6, 7, 8 ngon lành. Gọi miết rồi quen, ba má cũng chấp nhận luôn mỗi người có thêm hai đứa con gái.
Hồi đó học xong lớp nhứt phải thi để lấy bằng Tiểu học. Bà dì Bảy nói với ba:
- Con gái học vậy đủ rồi. Biết đọc biết viết là được. Ở nhà phụ gia đình. Học cao, nhiều chữ khó lấy chồng.
Cho nên trong kỳ thi Tiểu học hay thi tuyển vào đệ thất trường công nhỏ người Trung chẳng có gì lo lắng. Nó làm bài như thi lục cá nguyệt ở lớp, bởi vì nó biết đây là chặng chót của cuộc đời đi học của mình.
Vậy mà trời bất dung gian Tiểu học nó đậu là thường, thi tuyển vô đệ thất trường công một chọi mấy chục vậy mà nó đậu thủ khoa mới chết. Hai đứa còn lại chạy vô nhà nó la lớn:
- Mày đậu hạng nhứt kỳ thi tuyển, trường gọi tên mày quá chừng sao mày không đi?
Nhỏ nói tỉnh bơ:
- Đi làm gì, ba tao đâu có cho đi học nữa đâu. Rồi nó chỉ mớ chuối cây đang băm:
- Chờ tao một chút, tao trộn cám cho heo ăn rồi ra chơi với tụi mày.
Gần ngày tựu trường, cô giáo nghe học trò kể lại, cô mời ba nhỏ tới nhà. Ba tưởng nhỏ làm gì sai nên dẫn nhỏ theo để xin lỗi cô giáo. Cô nói với ba cô hãnh diện với toàn trường, với cả quận là học trò lớp cô đậu thủ khoa nên nhỏ nghỉ học cô rất tiếc. Nếu ba nhỏ không cho đi học tiếp, cô sẽ lo cho nhỏ học bốn năm đến khi nào thi đậu bằng trung học đệ nhất cấp. Tới chừng đó nhỏ có thể tìm một công việc tương ứng với bằng cấp.
Ba hiểu ra, cám ơn cô và dẫn nhỏ đi may áo dài liền để kịp mặc tựu trường. Vậy là nhờ cô nhỏ được đi học tiếp.
(Sau này khi đã phiêu bạt cả đời người, về Việt Nam thăm lại cô giáo cũ nhỏ đã ôm cô mà khóc. Cũng căn nhà đó nhưng bây giờ sao nhìn nó nhỏ xíu, chật chội và hôi mùi của đồ vật ẩm thấp để lâu năm. Nhà như thiếu không khí và tối tăm bởi xung quanh người ta lên lầu che kín cả ánh sáng. Cô giáo già về hưu hiu hắt bên ba đứa con bệnh tật nằm một chỗ chờ mẹ chăm sóc. Cô già yếu, đôi mắt đẹp tinh anh giờ chất chứa đầy muộn phiền. Gửi chút quà cho cô, nhắc chuyện xưa nhỏ khóc, còn cô cười:
- Cô quên rồi chuyện đó. Cám ơn em nhắc lại
Cô ơi! Trái tim người mẹ vĩ đại. Cô ơi! Một cô giáo tuyệt vời. Mãi mãi em biết ơn và kính yêu cô.)
Hồi đó bậc trung học mỗi thứ hai nam sinh mặc quần trắng, áo sơ mi trắng bỏ thùng lịch sự, nữ sinh phải mặc áo dài xanh để chào cờ. Ngày thường nữ sinh mặc áo dài trắng, nam sinh mặc quần dài xanh. Áo dài mới ba đem về buổi tối, sáng tựu trường nhỏ đi học áo còn y nguyên màu đỏ, xanh phấn vạch. Nhỏ tới lớp lúng ta lúng túng với bộ đồ dài lượt thượt lần đầu trong đời được mặc.
Ba đứa cùng thi đậu, cùng được xếp chung một lớp. Ba đứa thân càng thêm thân. Vì nhà nghèo lại thi đậu hạng nhất, nhỏ được nhà nước cấp học bổng suốt 4 năm trung học. Tiền mỗi kỳ học bổng ba dẫn nhỏ đi lãnh nên nhỏ không nhớ làđược bao nhiêu.
Hồi đó lên trung học con gái bắt đầu trổ mã. Ngực bắt đầu num núm chóp cau rồi lớn dần. Tóc ba đứa đều dài mượt mà nên khi có khi cột túm lên cao cà nhỏng như đuôi ngựa. Có khi thì thắt bím rồi gấp lại thành hai bím đôi ở phía trước. Giờ thể dục nhảy cao, nhảy xa, nhảy sào, ném tạ, chạy đua. Hai cái bím to đập vào bộ ngực mới dậy thì thật đau mà không đứa nào dám nói. À! hồi đó lên trung học giờ thể dục con gái phải mặc quần dài xanh áo trắng ngắn tay, con trai lại được mặc quần đùi hay quần sọt ngắn áo thun ba lỗ. Con trai, con gái tập riêng và khác giờ ở bãi tập của trường.
Hồi đó giờ thể dục sợ nhất là môn leo dây. Cuối sân trường có một cây me già thật to. Thấy cột một sợi dây thừng lên nhánh me trên cao và một đầu dây thòng xuống. Thầy bảo nắm sợi dây rồi leo lên. Thầy bấm giờ, leo được tới đâu thầy cho điểm tới đó. Sợi dây lúc lắc đong đưa, hai tay nắm chặt dây, hai ngón chân cái và trỏ nghéo vào sợi dây để làm thế cũng không thể nào lên cao được. Lần nào ba đứa với mấy học trò dân quận cũng bị điểm thấp và làm trò cười cho cả lớp. Mấy học trò ở miệt vườn quá rành leo cau, leo dừa nên phăng một hồi là lên tới nơi. Tụi nó hái trái me quăng xuống rồi cười đắc thắng.Trong tất cả các môn của thời đi học nhỏ không ngán môn nào chỉ duy nhất môn leo dây là phải đầu hàng và biến thành ký ức không thể nào quên.
Hồi đó trường trung học mới thành lập, phải mượn trường cũ bên tiểu học để dạy tạm các năm đầu. Sát hông trường còn mấy cây cao su. Con gái mỗi lần chơi đánh đũa ưa lấy mủ quấn banh. Banh quấn không đều tưng xéo xẹo chụp hụt hoài. Bọn con trai quấn làm banh để đá. Xe đạp bị bể bánh lấy mũ cao su dán thế keo. Nhóm con gái cột hai vạt áo dài lại để nhảy dây, chơi lò cò dưới tàng cây cao su vì chưa biết mình đã lớn.