TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Xa lộ bằng tre
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Xa lộ bằng tre

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Cà Kê Dê Ngỗng
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
THANH BINH



Ngày tham gia: 26 Jun 2008
Số bài: 181

Bài gửiGửi: Tue Jul 09, 2024 8:43 pm    Tiêu đề: Xa lộ bằng tre

Xa lộ bằng tre
Thiên An


Tại công trường xây dựng xa lộ

Người Việt quá quen thuộc với tre. Tre có mặt gần như khắp nơi trong đời sống người Việt, từ tăm tre, đũa tre, rổ rá, nông cụ cho đến ghế tre, giường tre, cột tre, nhà tre... Tre là một loại cây có những tính chất đặc biệt vừa dẻo dai vừa chắc chắn, nhưng đưa cây tre vào xây dựng đường sá và thậm chí xa lộ thì chưa nghe thấy, trừ công trình mới đây của Indonesisa.


Tre đã qua trình tự kỹ thuật, chuẩn bị chuyển đến công trường

Xa lộ bằng tre

Một con đường xa lộ ở tỉnh Đông Kalimantan, Indonesia có thể xem là con đường duy nhất trên thế giới được xây dựng móng nền bằng tre. Đây là con đường quan trọng để tiếp cận nội địa Borneo, bao gồm cả thủ đô mới của Indonesia là Nusantara. Nhân tiện, xin nói thêm lý do chính phủ quốc gia này dời thủ đô sang Nusantara, vì thủ đô hiện tại là Jakarta, vốn là thủ đô ngoại giao của khối ASEAN nhưng là một tỉnh nhỏ nhất của Indonesia, cũng giống Sài Gòn, nơi đây phồn thịnh nên dân chúng đổ xô về sinh sống, và nhồi nhét trong mảnh đất nhỏ tí này hơn 10 triệu sinh mạng. Sự quá tải dân số đang gây áp lực lên hệ thống cơ sở hạ tầng, nên chính phủ Indonesia đành dời đô tới Nusantara. Đây cũng là một điểm son của chính phủ này, vì nếu không di dời, sẽ xảy ra hiện tượng cơ sở hạ tầng, hệ thống thoát nước quá tải và ngập lụt liên miên như những thành phố lớn ở Việt Nam, nhất là Sài Gòn.



Những bó tre được cột theo quy cách

Tuy nhiên, việc xây dựng con đường thông thương này bị các nhà bảo vệ môi trường ở quốc gia này nhảy dựng lên, vì nó băng qua khu vực rừng Sungai Wain được bảo tồn, rừng ngập mặn ven biển và Vịnh Balikpapan, nơi đây nền đất mềm, toàn cát và bùn.



Từ khó khăn này, các kỹ sư Indonesia nghĩ cách làm sao vẫn hoàn tất một con đường nối giữa vùng dân cư vào thủ đô xuyên qua vùng ngập mặn mà không ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Cuối cùng dự án được giao cho công ty xây dựng PT Wijaya Karya thực hiện con đường xa lộ dài 13 km (8 miles), bao quanh phía tây nam và tây bắc của khu rừng được bảo vệ Sungai Wain rộng 10.025 ha (24.772 mẫu Anh). Khu rừng này là rừng nhiệt đới Dipterocarp già cỗi và một số loài động vật hoang dã đang bị đe dọa tuyệt chủng và quý hiếm như đười ươi Bornean (Pongo pygmaeus), cá heo Irrawaddy (Orcaella brevirostris), khỉ vòi (Nasalis larvatus) và khỉ mặt trời, gấu (Helarctos malayanus), linh vật của Balikpapan sinh sống, nhảy nhót tưng bừng... Công ty PT Wijaya Karya quả quyết họ sẽ thỏa mãn các yêu cầu nghiêm ngặt về bảo vệ sinh thái và môi trường cho vùng này.



Agusdin, nhà bảo vệ môi trường của tổ chức Pro Natural Foundation, được chính quyền tỉnh Đông Kalimantan giao nhiệm vụ theo dõi công trình, hăm he cho biết việc hoàn thành con đường này sẽ không được cắt đứt mối liên hệ giữa hệ sinh thái trên cạn và biển của Sungai Wain và Vịnh Balikpapan. Nhất cử nhất động bị soi từng mi-li-mét. Từ cái khó ló cái khôn. Các kỹ sư công ty PT đã chọn phương pháp vừa tân kỳ vừa dân dã, là làm đường nổi trên bè tre. Con đường nổi này có thể nâng lên hạ xuống theo mực nước thủy triều và chịu được rung động rất tốt nhờ tính uyển chuyển, linh động của tre.



Vài quang cảnh tại công trường

Kết cấu đường tre

Thế là một con đường xa lộ bằng tre đầu tiên thế giới được hình hành. Nguyên liệu cần có là 10 triệu cây tre, những cây tre phải có tuổi đủ “già”, dài từ 20 – 30 mét. Chúng được cắt theo kích thước đã định và bó lại mỗi bó 7 cây. Trước khi sử dụng, tất cả đều được trải qua trình tự riêng để đạt được tiêu chuẩn chống mục và mối mọt. Những bó tre được chia đều và chồng lên nhau 17 lớp. Sau đó là trải các lớp vinyl và cuối cùng là nhựa đường.

Các chuyên viên thiết kế cho biết, tre có sức bền cao, có thể so sánh với sắt thép nhưng nhẹ hơn rất nhiều, nếu “bồi bổ” đúng cách. Ngoài ra tre có độ uốn, mềm, chống được động đất hoặc bão biển.



Tre với thế giới

Giới chuyên môn cho rằng tre cứng hơn cả thép nếu được “gia cố” đúng cách. Ở Việt Nam, để chống mối mọt, người ta ngâm tre dưới ao hàng năm trời trước khi vớt lên dựng cột, làm nhà thì đạt tuổi thọ rất cao, đặc biệt không bao giờ bị côn trùng đục khoét. Một số công trình nhỏ của dân chúng, người ta cũng dùng tre thay cho cốt thép.



Đường xa lộ bằng tre sắp hoàn thành

Hiện nay, người ta ngâm với các loại hóa chất để chống mục và chống côn trùng. Dẫu nhiều người công nhận sự bền bỉ, dẻo dai của tre, nhưng các kỹ sư thế giới vẫn ngần ngại đưa tre vào trong xây dựng, lý do là họ chưa “hiểu” cây tre như người Á Châu, thứ hai là chỉ có một số loại tre nào đó mới đạt tiêu chuẩn độ bền trong xây dựng, thứ ba là chưa có một công thức hay chuẩn mực mang tính quốc tế về kết cấu tre trong xây dựng.

Năm 1968, tre suýt xâm nhập qua Mỹ với một dự án rất lớn, bằng cách trồng tre theo dạng kỹ nghệ để áp dụng trong việc sản xuất giấy, và sau đó là vải vóc và còn có thể phát triển sang nhiều dạng khác trong kỹ nghệ. Nhưng dự án này bị các hiệp hội khai thác gỗ ở Mỹ và Canada phản đối dữ dội, vì ảnh hưởng đến “nồi cơm” của họ.


Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Cà Kê Dê Ngỗng Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân