Cuộc phỏng vấn của đơn I-751 để được thẻ xanh 10 năm có phần khó hơn cuộc phỏng vấn thẻ xanh hai năm vì Sở Di Trú USCIS sẽ tách rời hai vợ chồng ra và hỏi mỗi người những câu hỏi y như nhau để xem hai vợ chồng trả lời giống nhau hoặc khác nhau.
Nếu “người được bảo lãnh” hoặc “người bảo lãnh” không đi phỏng vấn chung sau khi được hẹn thì sự thường trú của “người được bảo lãnh” sẽ tự động bị chấm dứt (terminated) tính từ ngày thẻ xanh hai năm hết hạn. Vì lý do đó, nếu “người được bảo lãnh” hoặc “người bảo lãnh” không đi phỏng vấn được theo ngày Sở Di Trú USCIS đã định, “người thừa hưởng” nên làm đơn yêu cầu Sở Di Trú USCIS dời ngày hẹn đi phỏng vấn vào ngày khác khi cả hai vợ chồng có thể đi phỏng vấn chung.
Nếu đơn I-751 bị từ chối, Sở Di Trú USCIS sẽ báo cho “người được bảo lãnh” biết lý do đơn bị từ chối và Sở Di Trú USCIS sẽ chuyển hồ sơ của “người được bảo lãnh” qua tòa di trú để tiến hành thủ tục trục xuất.
Thường Sở Di Trú USCIS không tiến hành hồ sơ trục xuất ngay sau khi đơn I-751 bị từ chối, cho nên “người được bảo lãnh” có thể lợi dụng cơ hội đó để làm mẫu đơn I-751 mới và xin miễn sự đòi hỏi làm đơn chung với “người bảo lãnh.” Khi “người được bảo lãnh” làm mẫu đơn I-751 mới, Sở Di Trú USCIS sẽ hoãn sự tiến hành hồ sơ trục xuất để Sở Di Trú USCIS có cơ hội xét đơn I-751 mới đó.
Nếu Sở Di Trú USCIS quyết định rằng:
1. Sự hôn nhân của hai vợ chồng là hợp pháp theo luật của nơi làm hôn thú;
2. Sự hôn nhân là chân thật;
3. Trong thời gian giá trị thẻ xanh hai năm, hôn thú không bị tòa án bãi bỏ; và
4. Không phải trả bất cứ chi phí nào để khuyến dụ hoặc thuyết phục ai để làm đơn bảo lãnh lúc đầu (ngoài tiền luật sư phí để làm hồ sơ bảo lãnh ra), Sở Di Trú USCIS sẽ phải chấp thuận đơn I-751 và cấp thẻ xanh 10 năm cho “người được bảo lãnh.”