Gửi: Thu Jun 06, 2024 8:36 am Tiêu đề: Kiểm soát bệnh Parkinson với 5 bài tập
Kiểm soát bệnh Parkinson với 5 bài tập
Tập luyện là một trong những phương pháp điều trị tốt nhất đối với bệnh Parkinson
Bệnh Parkinson làm ảnh hưởng tới các tế bào óc sản xuất dopamine, hậu quả dẫn đến các rối loạn vận động như run, chậm chạp, đơ cứng và mất thăng bằng. Đây là một bệnh tiến triển suốt đời. Nó cũng còn có thể gây ra táo bón, trầm cảm và các vấn đề về trí nhớ. Triệu chứng của bệnh khác nhau ở mỗi bệnh nhân, và cũng không có cách nào dự đoán được khi nào chúng sẽ xuất hiện hoặc sẽ nghiêm trọng đến mức nào.
Mặc dù nguyên nhân chính xác của bệnh Parkinson vẫn chưa được biết rõ, nhưng các nhà khoa học tin rằng đó là sự kết hợp của các yếu tố di truyền và môi trường. Bác sĩ sẽ chẩn đoán xác định là có bệnh khi bệnh nhân có hai hoặc hơn hai trong số bốn triệu chứng chính sau đây:
Mất ổn định tư thế: khó giữ thăng bằng, tăng nguy cơ té ngã
Vận động chậm (Bradykinesia): các cử động chủ động và tự động chậm chạp, khiến cho việc thực hiện các tác dụng hàng ngày trở nên khó khăn
Run: dao động qua lại theo nhịp, thường ở bàn tay
Đờ cứng: khó cử động do các bắp thịt co và căng cứng
Xét đến những yếu tố như trên, thì tập thể dục sẽ có lợi cho những người mắc bệnh Parkinson. Tuy nhiên, các bài tập cần được điều chỉnh cẩn thận, phù hợp với từng đối tượng. Điều quan trọng là tránh các chuyển động qua lại nhanh chóng, nhảy hoặc thay đổi hướng nhanh. Cũng cần chú ý tới mức hao tổn năng lượng lớn do tình trạng cứng bắp thịt gây ra.
Quỹ nghiên cứu bệnh Parkinson Michael J. Fox tuyên bố “Tập thể dục là một trong những phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho bệnh Parkinson. Nhiều người hỏi về ‘một chế độ tập thể dục tốt nhất’ cho bệnh Parkinson. Hầu hết các bác sĩ đều nói rằng một chế độ an toàn, thú vị, giúp kiểm soát các triệu chứng cá nhân của bệnh nhân là cách tiếp cận tốt nhất”.
Mặc dù không có một bài tập thể dục đơn lẻ nào có thể phù hợp cho tất cả mọi bệnh nhân, các bài tập sau đây đã giúp ích cho nhiều bệnh nhân của chúng tôi.
5 Bài tập cho bệnh nhân Parkinson
Xác định loại hình thể dục nào phù hợp nhất sẽ phụ thuộc vào các triệu chứng và khó khăn của bạn. Nếu bạn đang có lối sống ít vận động, thì nên bắt đầu với các bài tập cường độ thấp như đi bộ. Khi sức bền và sức mạnh đã được cải thiện, thì có thể dần dần tăng cường độ và số lần tập luyện. Luôn luôn lắng nghe cơ thể của mình và dừng lại nếu cảm thấy bất kỳ triệu chứng đau hoặc khó chịu nào.
1. Đi bộ tiến/lùi
Đi bộ có thể là một thách thức đáng kể đối với những ai mà bệnh đã ở giai đoạn tiến triển. Bài tập này có thể cải thiện khả năng giữ cân bằng, giảm nguy cơ té ngã.
Bước 1: Bắt đầu bằng cách đứng trong một căn phòng hoặc hành lang dài để có thể đi bộ xa nhất có thể. Bài tập này cũng có thể được thực hiện ở bên ngoài nhà.
Bước 2: Đi bộ chậm rãi về phía trước theo nhịp độ bình thường cho đến khi được khoảng 15 mét nếu không gian cho phép.
Bước 3: Cẩn thận đi lùi về điểm bắt đầu. Di chuyển chậm để tránh bị ngã, vì đi lùi không có cảm giác tự nhiên và đòi hỏi sự chú ý nhiều hơn.
Bước 4: Cố gắng đi bộ tiến và lùi ba lần trước khi nghỉ ngơi. Nếu có thể, hãy lặp lại bài tập 3 lần.
Điều quan trọng là cần duy trì tốc độ, kiểm soát tránh tăng tốc độ đi nhanh để ngăn ngừa té ngã.
2. Ngồi xổm trên ghế (Chair Squats)
Tôi rất thích bài tập này. Các bước tập an toàn và có thể được điều chỉnh để có mức độ thử thách phù hợp. Chúng có thể được thực hiện chậm rãi, nên là lựa chọn tuyệt vời cho những người mắc bệnh Parkinson. Việc chuyển từ tư thế ngồi sang tư thế đứng có thể khó khăn, nhưng khi luyện tập thường xuyên, bài tập này có thể giúp giảm bớt những khó khăn đó.
Bước 1: Ngồi thẳng lưng, gần mép trước của ghế.
Bước 2: Duỗi thẳng hai tay ra trước mặt, từ từ đứng lên trong khoảng 2 đến 3 giây. Khi đã đứng dậy, buông hai tay xuống dọc theo thân người.
Bước 3: Từ từ ngồi xuống, tránh đặt áp lực lên cột xương sống. Khi đã ngồi xuống, hãy duỗi thẳng hai tay ra trước mặt. Động tác này sẽ trở nên tự nhiên sau một thời gian tập luyện.
Bước 4: Lặp lại động tác. Cố gắng thực hiện 3 hiệp, mỗi hiệp 15 lần đứng lên, ngồi xuống. Điều chỉnh theo sức mình.
Lúc đầu, động tác đứng-ngồi có thể khó khăn, nhưng hãy kiên trì và cơ thể sẽ dần thích nghi.
3. Diễn hành tại chỗ (Standing Marches)
Diễn hành tại chỗ là bài tập đơn giản nhưng hiệu quả cao. Các bước giơ cao chân giúp tăng cường sức mạnh, ổn định tư thế và tạo ra các chuyển động nhẹ nhàng khắp cột xương sống, hỗ trợ chống lại tình trạng cứng bắp thịt.
Bước 1: Đứng thẳng, hai chân bằng vai, hai tay buông dọc theo thân người.
Bước 2: Diễn hành tại chỗ, nâng cao đầu gối hết mức có thể. Thực hiện chậm rãi, hoàn thành mỗi bước trong 1 đến 2 giây. Trong khi làm động tác, tập trung vào độ chính xác của chuyển động.
Bước 3: Thực hiện bài tập này trong 2 phút cho mỗi hiệp và cố gắng thực hiện 3 hiệp. Điều chỉnh bài tập tùy theo sức mình.
Nếu cần, có thể thực hiện bài tập này chậm hơn một cách đáng kể để phù hợp với tình trạng cứng bắp thịt và chậm chạp (bradykinesia).
4. Giang chân sang ngang (Lateral Leg Raises)
Nâng chân sang ngang là bài tập tuyệt vời cho các bắp thịt dạng của khớp hông và giúp làm khỏe thêm các bắp thịt thân mình. Đây là các bài tập ổn định, có thể thực hiện chậm rãi, rất tốt để phục hồi tác dụng cho bệnh nhân Parkinson.
Bước 1: Đứng thẳng, vịn tay vào lưng ghế hoặc chống tay lên mặt bàn để giữ thăng bằng, bảo đảm an toàn tối đa.
Bước 2: Từ từ dang một chân sang ngang, giữ chân thẳng, không gập đầu gối. Dang chân ra xa hết mức có thể một cách thoải mái, sau đó khép chân về. Lặp lại động tác với chân bên kia.
Bước 3: Lặp lại động tác. Cố gắng thực hiện tổng cộng 3 hiệp, mỗi hiệp 10 lần.
5. Đứng đá chân ra sau (Standing Kickbacks)
Đá chân sau là một cách tuyệt vời để tăng cường các bắp thịt ở phía sau thân mình. Bí quyết của các bài tập này là tránh đẩy mạnh động tác mà thay vào đó hãy thực hiện một cách nhẹ nhàng.
Bước 1: Đứng thẳng, chống tay vào tường, lưng ghế hoặc mặt bàn để bảo đảm an toàn và giữ thăng bằng tối đa.
Bước 2: Từ từ nâng một chân ra sau, duỗi thẳng hết mức có thể, không gập đầu gối. Sau đó, hạ chân trở lại.
Bước 3: Lặp lại động tác với chân bên kia.
Bước 4: Lặp lại động tác. Cố gắng thực hiện 3 hiệp, mỗi hiệp 10 lần.
Ban đầu, có thể có khó khăn để thực hiện các bài tập này, vùng thắt lưng có thể bị mỏi. Tuy nhiên, hãy kiên trì và bạn sẽ nhanh chóng có được sức mạnh. Luôn có thể thoải mái điều chỉnh bài tập theo sức mình.
Loạt bài tập này chú trọng tập trung nhiều vào đôi chân. Khi bệnh Parkinson tiến triển, sự vận động có thể trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Theo quan điểm phục hồi tác dụng, việc lấy lại các kỹ xảo có thể sẽ rất khó khăn một khi đã mất đi. Chủ động tập luyện, sẽ có thể ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh.
Quỹ Michael J. Fox Foundation cho thấy “Bài tập tốt nhất là bài tập được đội ngũ chăm sóc sức khỏe của bạn chấp thuận và thu hút bạn, bởi vì, như vậy, bạn sẽ kiên trì thực hiện nó”.
Mức độ thể chất của chính mình sẽ quyết định chương trình tập luyện của bạn. Nhưng, tốt nhất, đầu tiên nên thảo luận với bác sĩ về những gì phù hợp, trước khi bắt đầu. Có thể cần hợp tác với một chuyên viên vật lý trị liệu để họ giúp đánh giá và đưa ra một “đơn thuốc tập thể dục” an toàn.
Bạn không có quyền gửi bài viết Bạn không có quyền trả lời bài viết Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn Bạn không có quyền tham gia bầu chọn