Gửi: Thu Aug 26, 2021 7:19 am Tiêu đề: Cách lau dọn tủ lạnh
Cách lau dọn tủ lạnh
Tủ lạnh là nơi tích trữ thực phẩm vì vậy cần được giữ sạch và hợp vệ sinh. Lau dọn sẽ giúp ngăn ngừa vi khuẩn gây bệnh sanh ra từ thực phẩm hư hỏng. Dưới đây là một vài điều cần chú ý khi lau dọn tủ lạnh.
1. Bắt đầu từ bên ngoài. Khi lau bếp đừng quên lau luôn bên ngoài của tủ lạnh. Bụi, mạng nhện hay lông thú nuôi có thể bám vào hệ thống lạnh và ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của máy làm lạnh. Dùng bàn chải sợi dài, mềm để quét sạch bụi và dùng máy hút sạch bụi trên sàn nhà dưới tủ lạnh.
2. Chuẩn bị cho bên trong. Theo hướng dẫn của FDA, thực phẩm cần trữ lạnh không được để ra ngoài nhiệt độ bình thường quá 2 tiếng. Vì vậy nếu dự trù lau dọn tủ lạnh trên 2 tiếng, nên cho thực phẩm vào thùng có để nước đá. Cho nước nóng pha xà bông vào bồn rửa chén để rửa sạch các kệ và các ngăn kéo của tủ lạnh, sau đó đặt chúng lên bàn hay phơi nắng cho mau khô.
3. Chọn lọc. Mang tất cả thực phẩm trong tủ lạnh ra ngoài. Sau đó sắp đặt lại các thực phẩm này. Những thứ đã quá hạn, hoặc không thích dùng nữa nên cho vào thùng rác, nhất là những loại mứt hay nước trái cây. Nấm mốc và mùi hôi là những biểu lộ rõ nhất cho thấy thực phẩm đã bị hư. Cũng nên bỏ những thứ đã dùng qua mà không ai trong nhà thích nữa. Những thực phẩm không nhớ rõ mua hay mở ra sử dụng lúc nào cũng nên bỏ đi. Nguyên tắc tốt nhất nên áp dụng là khi thấy nghi ngờ thì bỏ đi để chắc chắn không bị ngộ độc thực phẩm.
4. Lau dọn. Nếu không có đủ thời gian để rửa và phơi khô tất cả các kệ và ngăn kéo trong tủ lạnh thì có thể dùng các loại thuốc lau chùi để làm sạch. Thấm thuốc vào khăn vải hay giấy, lau và chà xát những vết dơ do thực phẩm để lại. Sau đó lau lại bằng khăn ướt. Các loại thuốc lau rửa này cũng có tác dụng sát trùng. Sau đó lau phần bên ngoài tủ lạnh, gồm cả tay nắm cửa. Đừng quên nóc tủ lạnh. Bụi bặm và dầu mỡ có thể đóng ở vách và trên nóc tủ lạnh. Nếu không muốn dùng hóa chất vì có mùi hôi, nên tự pha dung dịch lau chùi bằng baking soda, giấm và nước.
5. Sắp xếp. Sau khi lau rồi, đặt thực phẩm trở lại theo nhóm và đặt trong túi hay hộp để tránh trường hợp thực phẩm bị đẩy vào trong và quên đi. Thức ăn còn thừa của bữa trưa hay bữa tối nên đặt trong hộp kín và ghi ngày vào đó để biết khi nào nên bỏ đi. Thịt và cá sống nên đặt vào hộp để tránh tình trạng nước chảy ra làm dơ tủ lạnh.
6. Phân chia vùng. Điều này giúp chúng ta tìm thực phẩm mình cần một cách nhanh chóng mà không cần phải lục lọi. Nên đặt những thực phẩm thường sử dụng, thức ăn thừa, bơ, sữa, thức ăn vặt chung một chỗ để dễ tìm và dễ nhận ra thực phẩm đó còn hay không. Nếu nhà có trẻ em, nên đặt thức ăn vặt thấp một chút để các em dễ thấy.
7. Điều chỉnh ngăn kệ. Đừng quên rằng có thể điều chỉnh khoảng cách giữa các ngăn kệ sao cho phù hợp với thực phẩm. Phải có ngăn cao để chứa các chai nước trái cây hay bình sữa. Các kệ cần được sắp xếp sao cho tận dụng không gian trong tủ. Những thực phẩm làm từ sữa (bơ, cheese) nên đặt ở ngăn kệ cao nhất vì nơi đây có nhiệt độ thấp hơn. Ở cửa tủ lạnh chỉ nên đặt những thứ đồ gia vị hoặc những thứ khó bị hư hỏng. Các ngăn kéo là nơi tốt nhất chứa rau cải và trái cây.
8. Những thứ không thấy. Người ta có thể dễ dàng tìm thấy một số thực phẩm đã hết hạn sử dụng hoặc đã hư hỏng nằm ở ngăn kéo cuối cùng, hoặc sâu phía trong các kệ. Trước khi đi chợ, nên lôi ra những thứ nằm trong hốc kẹt này kiểm soát lại. Như vậy cũng giúp chúng ta biết rõ những thứ gì cần mua hay không cần mua.
9. Điều chỉnh nhiệt độ. Tủ lạnh giờ đã sạch và ngăn nắp. Điều cuối cùng cần làm là chỉnh nhiệt độ cho đúng. Theo hướng dẫn của FDA, tủ lạnh nên được đặt ở khoảng 40°F (4°C) để giữ thực phẩm an toàn. Tủ đông lạnh (freezer) nên đặt ở 0°F (-18°C). Ở nhiệt độ này, các khuẩn gây hại như Salmonella, E.coli, C botulinum khó phát triển được.
Bạn không có quyền gửi bài viết Bạn không có quyền trả lời bài viết Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn Bạn không có quyền tham gia bầu chọn