Đại dịch diễn biến khác dịch bệnh thông thường
Các trận đại dịch thường không theo mô hình diễn tiến theo mùa như thường thấy ở các bệnh thông thường.
Ví dụ, đại dịch cúm Tây Ban Nha lên đến đỉnh điểm vào những tháng hè, trong khi hầu hết các trận cúm lại xảy ra trong mùa đông.
“Chúng tôi hy vọng cuối cùng thì Covid-19 sẽ trở thành đặc hữu,” Jan Albert, giáo sư kiểm soát bệnh truyền nhiễm, chuyên về virus tại Viện Karolinska ở Stockholm, nói.
“Nếu như nó không mang tính mùa vụ thì đó quả là điều vô cùng ngạc nhiên. Câu hỏi lớn là liệu độ nhạy cảm của virus này với các mùa trong năm có ảnh hưởng đến khả năng lây lan của nó trong bối cảnh đại dịch hay là không. Chúng tôi không biết một cách chắc chắn, nhưng chúng tôi cho rằng có lẽ là có.”
Do đó, chúng ta cần thận trọng khi sử dụng những gì đã biết về diễn tiến phát tác theo mùa của các loại virus corona khác để đưa ra dự đoán về đại dịch Covid-19 hiện nay.
Nhưng tại sao các loại virus corona lại hoạt động theo mùa, và tại sao điều đó lại đem đến niềm hy vọng cho đợt bùng phát bệnh dịch hiện nay?
Các loại virus corona cùng thuộc về một họ virus được gọi là “virus có màng bọc”.
Điều này có nghĩa là chúng được phủ trong một lớp màng bọc lipid, được biết đến là lipid hai lớp, với các protein nhô ra trông như những cái gai của vương miện. Chính những cái gai này đã gợi ý tên gọi của chúng - corona theo tiếng Latin có nghĩa là vương miện.
Nghiên cứu về các loài virus có màng bọc khác cho thấy rằng lớp màng mỡ này làm cho virus nhạy cảm hơn trước nhiệt độ cao so với các loại virus không có màng bọc.
Trong điều kiện thời tiết lạnh, lớp màng mỡ cứng lại ở trạng thái giống như cao su, tựa như chất béo từ thịt sau khi nấu chín để nguội sẽ đông lại, giúp bảo vệ virus lâu hơn khi nó ở bên ngoài cơ thể vật chủ.
Hầu hết các virus có màng bọc đều có chiều hướng biểu lộ tính chất hoạt động theo mùa rõ rệt là do đặc thù này.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng Sars-Cov-2 có thể tồn tại tới 72 giờ trên các bề mặt cứng như nhựa và thép không gỉ ở môi trường có nhiệt độ từ 21-23 độ C (70-73F) với độ ẩm khoảng 40%.
Việc virus Covid-19 chính xác là hoạt động như thế nào ở những môi trường có nhiệt độ và độ ẩm khác là điều vẫn phải được thí nghiệm thêm, song nghiên cứu về các virus corona khác cho thấy chúng có thể sống sót hơn 28 ngày tại nhiệt độ 4 độ C.
Một loại virus corona có họ hàng gần gũi với Covid -19, vốn đã gây ra dịch Sars năm 2003, cũng đã được xác định là sống sót tốt nhất trong điều kiện khô, mát.
Ví dụ, virus Sars vương bám trên bề mặt nhẵn vẫn sống và lây lan trong năm ngày ở nhiệt độ từ 22-25 độ C với độ ẩm tương đối 40-50%. Nhiệt độ và độ ẩm càng cao, thời gian sống của virus càng ngắn.
“Khí hậu đóng vai trò vì nó tác động đến sự ổn định của virus trong môi trường bên ngoài cơ thể con người, sau khi chúng bị văng ra do người mang virus ho hoặc hắt hơi,” Miguel Araújo, nhà nghiên cứu ảnh hưởng của thay đổi môi trường đối với đa dạng sinh học tại Bảo tàng Khoa học Tự nhiên Quốc gia ở Madrid, Tây Ban Nha, nói.
“Khoảng thời gian virus có thể sống ổn định trong môi trường bên ngoài càng dài thì khả năng truyền nhiễm cho người khác càng cao và lan rộng thành dịch. Tuy là Sars-Cov-2 đã nhanh chóng lan rộng trên toàn thế giới, nhưng các khu vực xảy ra số lượng trường hợp truyền nhiễm lớn chủ yếu là những nơi có thời tiết khô, mát.”
Các mô hình máy tính của ông dường như phù hợp với thực tế bùng phát dịch trên toàn thế giới, với số lượng các trường hợp bệnh cao nhất đều nằm ngoài các vùng nhiệt đới.
Araújo tin rằng nếu Covid-19 có độ nhạy tương tự với nhiệt độ và độ ẩm, thì ta có thể suy đoán là các trường hợp nhiễm virus corona sẽ bùng phát vào những thời điểm khác nhau tại các vùng khác nhau trên thế giới.
“Cũng là hợp lý khi chúng ta trông đợi là hai loại virus này sẽ có cách thức hoành hành tương tự nhau,” ông nói. “Nhưng đây không phải là một phương trình chỉ có một biến số. Virus lây lan được từ người sang người. Càng nhiều người tập trung ở một địa điểm và họ càng tiếp xúc nhiều với nhau chừng nào thì sẽ càng có nhiều ca nhiễm chừng đấy. Hành vi của con người chính là điều then chốt để giải thích sự lây lan của virus.”
Một nghiên cứu từ Đại học Maryland chỉ ra rằng virus đã lây lan hầu hết ở các thành phố và khu vực trên thế giới, nơi có nhiệt độ trung bình khoảng 5-11 độ C (41-52F) và độ ẩm tương đối thấp.
Nhưng cũng đã có một số lượng đáng kể các trường hợp truyền nhiễm ở các vùng nhiệt đới. Một phân tích gần đây về sự lây lan của virus ở châu Á bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Y Harvard cho thấy đại dịch virus corona này sẽ ít nhạy cảm với thời tiết hơn so với sự hy vọng của nhiều người.
Họ kết luận rằng sự phát triển nhanh chóng của các trường hợp truyền nhiễm ở các tỉnh khô và lạnh của Trung Cộng, như Cát Lâm và Hắc Long Giang, cùng với tốc độ lây truyền ở các vùng nhiệt đới, như Quảng Tây và Singapore, cho thấy sự gia tăng nhiệt độ và độ ẩm vào mùa xuân và mùa hè sẽ không làm giảm các trường hợp truyền nhiễm.
Họ nói rằng điều đó cho thấy tầm quan trọng của việc cần có sự can thiệp y tế cộng đồng rộng khắp thì mới có thể kiểm soát dịch bệnh này.
Điều này là do sự lây lan của virus phụ thuộc nhiều vào khả năng sống sót nó trong môi trường bên ngoài.
Và đây là yếu tố dẫn đến tính chất theo mùa của dịch bệnh cần được phân tích trên nhiều góc độ.
Đối với một dịch bệnh như Covid-19, con người là tác nhân làm lây lan virus và do đó, việc có những thay đổi trong hành vi của con người cũng có thể dẫn đến việc làm thay đổi tỷ lệ truyền nhiễm.
Ví dụ như các trường hợp bệnh sởi ở châu Âu có khuynh hướng trùng với thời điểm diễn ra các học kỳ và giảm trong các ngày lễ khi trẻ em được nghỉ, không đến trường nên không lây truyền virus cho nhau.
Số lượng di chuyển khổng lồ của người dân Trung Cộng vào dịp trước sau Tết Nguyên đán (Mùng một Tết âm lịch năm nay rơi vào ngày 25/1/2020) cũng được cho là đã đóng vai trò chính yếu trong việc làm lan truyền Covid-19 ra khỏi Vũ Hán đến các thành phố khác ở Trung Cộng và trên toàn thế giới.