Gửi: Sun Mar 01, 2020 1:48 pm Tiêu đề: Những chuyến bay giá rẻ
Những chuyến bay giá rẻ
Thời @ nên bá tánh tha hồ lượn sóng liên mạng để tìm kiếm những sản phẩm giá rẻ hơn bình thường, từ mọi thứ hàng hóa đến dịch vụ chuyên chở như các chuyến bay. Tự tìm kiếm đã đành nhưng cũng có những người trở thành hội viên của các trang nhà như “Scott’s Cheap Flights” chuyên việc tìm kiếm và đăng tải giá cả các chuyến bay; các trang nhà này thường báo tin cho hội viên về các chuyến bay “đại hạ giá”. Tạm hiểu là ta [phải] trả một lệ phí nhỏ hàng năm để trở thành “hội viên” nhưng sẽ tiết kiệm được một món tiền khá khá nếu bạn là người thích bay bổng, di chuyển thường xuyên bằng đường hàng không.
Mấy công ty hàng không lớn thỉnh thoảng treo bảng “sale” để mời gọi khách hàng nhưng thường xuyên bán vé với giá rẻ rề là mấy hãng hàng không “tên tuổi” như Spirit Airlines, Fontier Airlines... nổi tiếng qua các chuyến bay đại hạ giá. Đôi khi ta bắt gặp vé chỉ... 40 mỹ kim cho chuyến bay dài một tiếng, rẻ hơn cả vé xe bus khi hãng hàng không ấy muốn quảng cáo rầm rộ lấy tiếng. Nhưng nói chung, giá vé từ mấy công ty “hạ giá” ấy thường rẻ hơn so với các hãng hàng không “bình thường” khác.
Tất nhiên là bá tánh sẽ tò mò mà gãi đầu tự hỏi: làm thế nào để các công ty hạ giá kia có thể làm ăn lâu dài, ngày này sang tháng khác? Kiểu buôn bán nào đã giúp họ tiếp tục “sống sót” trong một thương trường cạnh tranh ráo riết như dịch vụ di chuyển bằng hàng không?
Trên danh sách “công ty hàng không hạ giá”, Spirit Airlines (bản doanh tại Florida) dường như đứng đầu với bảng giá 20.9 xu mỗi dặm đường bay. Kế đến là Frontier Airlines (bản doanh tại Colorado), di chuyển trong khoảng 80 đường bay kể cả ngoại quốc; giá cả là 22.5 xu / dặm. Hawaiian Airlines đứng hạng ba, chuyên việc đưa đón du khách giữa các hòn đảo trên vùng Hawaii; giá cả 25.7 xu / dặm. Allegiant Air (Las Vegas) đồng hạng với Sun Country Airlines (Minnesota), cả hai đều cung cấp dịch vụ chuyên chở hàng không với giá 32.2 xu / dặm.
Dù là công ty “hạ giá” nhưng Spirit lại xếp hàng đầu trên tất cả mọi hãng hàng không khác của Huê Kỳ cho việc đi / về đúng giờ. Nghĩa là làm ăn đúng nguyên tắc, ít chậm trễ! Frontier bị chê bai khá nặng nề về việc phi cơ già nua, rệu rã nên đang cố gắng gầy dựng lại qua việc tân trang một số phi cơ mới hơn. Hawaiian “ăn trùm” trên các đường bay xuất phát từ Hawaii nhờ bản doanh đặt tại địa phương, có phần được ưu đãi.
Theo mấy tay phân tích dịch vụ di chuyển bằng phi cơ thì các công tỵ bán vé hạ giá kia đã và đang làm ăn theo kiểu “tối thiểu”, nôm na là dịch vụ “ở trần” hay chỉ có xương mà thiếu thịt (barebone), món chi không cần thiết (theo tiêu chuẩn của chính phủ địa phương) là vắng bóng. Khi đặt mua vé với giá rẻ rề, khách hàng chỉ mua một chỗ ngồi trên chuyến bay của công ty hạ giá nọ. Mọi thứ khác đều tính thêm tiền, từ việc chọn ghế, hành lý mang theo, ưu tiên lên phi cơ..., đến nước uống nghĩa là khi chọn mua vé đại hạ giá, ta chọn chuyến bay “ở trần”! Nếu gom tất cả mọi lệ phí kể trên với nhau thì giá vé cũng xấp xỉ như các công ty hàng không khác, không còn rẻ nữa. Và mấy công ty hạ giá ấy làm ăn, kiếm lời qua các dịch vụ “phụ thuộc”.
Dịch vụ “phụ thuộc” là những gì? Như thế này, bạn ạ! Khởi đầu từ lúc đặt [mua] vé, qua trang nhà của công ty hàng không, bạn sẽ thấy lịch trình các chuyến bay hàng tuần của họ, rẻ nhất là mấy ngày trong tuần như thứ Ba, thứ Tư, và thứ Bảy; trừ khi bạn là “hội viên”, giá vé công bố trên liên mạng sẽ cao hơn so với giá vé cho “hội viên”. Với những hành khách di chuyển thường xuyên và luôn sử dụng đường bay thì lệ phí “hội viên” giúp họ tiết kiệm phần nào các chi phí. Với những người du lịch theo cảm hứng thì việc mua thẻ “hội viên” chẳng lợi lộc chi, lại kèm thêm sự “chèo kéo” từ công ty hàng không, liên tục gửi điện thư mời mọc!
Sau khi đặt vé, bạn sẽ được (bị) đưa ngay đến phần giá cả cho hành lý, tạm hiểu là vé chỉ đưa người chứ chưa tính “hàng” và món hành lý nào cũng phải trả [thêm] tiền chuyên chở, trừ khi ta du lịch tay không, chỉ có một cái túi xách tay (cái ví cho quý bà quý cô) hoặc cái ba lô nhỏ nhỏ, đặt vừa khít chỗ trống dưới ghế ngồi. Trừ khi ta đi làm, đi về trong ngày hoặc về thăm nhà nên không cần áo quần thay đổi qua đêm, hành khách nào cũng phải mang theo hành lý như quần áo giày dép chưa kể 108 món lỉnh kỉnh khác như bàn chải, kem đánh răng, kem thoa mặt, mấy món trang điểm... ; chẳng mấy ai du lịch mình trần!
Hành lý như va li dù gửi hoặc mang theo [lên phi cơ] cũng phải trả thêm lệ phí, và các món tiền cộng lại thì giá vé của hãng phi cơ hạ giá xem ra không còn rẻ cho mấy nữa?
Một món lệ phí thường thấy khác mà công ty hàng không nào cũng áp dụng để kiếm bạc: Chọn chỗ ngồi! Chẳng hành khách nào muốn ngồi giữa hai kẻ xa lạ, nhất lạ khi dân cư Huê Kỳ mỗi ngày một to lớn kềnh càng, nhiều người không vừa chỗ, thân trên bị nén chặt bởi tay ghế không thể xoay mình, và thân dưới tha hồ lấn chỗ láng giềng trên phi cơ. Ngồi giữa hai vị hàng xóm to con lớn xác thì du khách dế con như phe ta chịu o ép kịch liệt! Chịu trận một lần như thế nên Dế Mèn mỗi lần du lịch đều chọn công ty hàng không quen thuộc hoặc trả thêm lệ phí để chọn chỗ ngồi thoải mái!
Chưa hết, mấy công ty “hạ giá” còn bán cả dịch vụ “check-in”, một thủ tục hành chánh theo luật lệ an ninh phi trường. Mọi hành khách đều phải có vé phi cơ trước khi qua cổng an phi. Trừ những người sử dụng điện thoại di động gắn sẵn các thảo trình (app) của công ty hàng không và “check-in” trên liên mạng hoặc có thể “check-in” rồi in vé tại nhà để xuất trình, những hành khách khác đều phải “check-in” tại phi trường và phải trả thêm tiền!
Tóm lại là dịch vụ nào cũng kèm một bảng giá, không lớn thì nhỏ, công ty hàng không vé rẻ làm ăn theo kiểu nhặt nhạnh, năng nhặt thì chặt bị, nên họ vẫn kiếm tiền đều đều. Ấy là ta chưa tính toán đến lịch trình các chuyến bay, các công ty nhỏ thường ít chuyến bay so với các công ty lớn; tuy nhiên công ty nhỏ có lợi điểm là họ bán vé di chuyển đến các phi trường hẻo lánh nơi mấy công ty lớn không có chuyến bay trực tiếp (direct flight).
Riêng với hành khách thì trước khi đặt mua vé, ta cần chịu khó tìm hiểu về chuyến du hành, cần đi và về vào thời điểm nào rồi đăng đàn liên mạng mà xem xét giá cả từ mỗi công ty. Ta có thể dùng các trang web cung cấp bảng so sánh giá cả để đánh giá. Khi đã chọn chuyến bay và công ty cung cấp dịch vụ, ta nên đặt vé sớm sớm, mua vé càng sớm thì giá càng rẻ (trừ khi chuyến đi trùng ngày với các dịp lễ lớn trong năm). Di chuyển vào những ngày giữa tuần lễ để lấy vé giá rẻ hơn. Các chuyến bay từ những phi trường lớn thường rẻ hơn so với những phi trường hẻo lánh, ít chuyến bay. Và nhất là đừng quên tính toán cho kỹ về các lệ phí phụ trội từ những công ty bán vé đại hạ giá.
Đại khái là hành khách mua chi thì được nấy! Nếu tỉnh táo mà tính toán kỹ thì công ty hàng không nào giá vé cũng từa tựa như nhau trừ khi họ đang mùa... quảng cáo. Trăm hoa đua nở nên người tiêu thụ tha hồ lựa chọn, mua dịch vụ nơi nào vừa với túi tiền, hãng nào có chuyến bay với giờ giấc thích hợp, và nhất là chỗ ngồi có thoải mái hay không... Như câu nói của ông bà ta tiền nào của ấy!
Bạn không có quyền gửi bài viết Bạn không có quyền trả lời bài viết Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn Bạn không có quyền tham gia bầu chọn