TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Khứu giác và ảnh hưởng của mùi hương
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Khứu giác và ảnh hưởng của mùi hương

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Cà Kê Dê Ngỗng
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 10772

Bài gửiGửi: Sun Sep 08, 2019 3:15 am    Tiêu đề: Khứu giác và ảnh hưởng của mùi hương

Khứu giác và ảnh hưởng của mùi hương


Các kỹ thuật mới mẻ đã tận dụng mọi ảnh hưởng của các giác quan trên cơ thể và tâm thần của con người. Vị giác hay khả năng nếm, nhận biết thức ăn ngon /dở dường như là giác quan đầu tiên được con người sử dụng để sinh tồn. Trẻ sơ sinh ngửi [nên nếm] được sữa mẹ và biết phân biệt sữa mẹ với sữa hộp. Thị giác qua hình ảnh và những màu sắc bắt mắt đã được sử dụng để thu hút khách hàng. Thính giác qua âm nhạc cũng như các tiếng động dễ nghe, dễ chịu đã được sự dụng tối đa để làm ăn buôn bán. Gần đây nhất, giác quan thứ tư, khứu giác, cũng đã được kỹ thuật số để ý đến và sử dụng để làm ăn.

Một chút về khứu giác: Sự cảm nhận và chuyển đi mùi hương / mùi hôi xuất phát từ các thụ thể [của thần kinh] khứu giác (olfactory receptor neuron) là những bước sơ khởi của việc phát tín hiệu về mùi hương. Những thần kinh này tụ họp lại thành từng nhóm và gặp nhau tại olfactory bulb hay “trung tâm khứu giác” trong bộ óc và được chuyển đến hệ limbic, vùng bộ óc điều khiển cảm xúc và trí nhớ tạo ra các phản ứng dây chuyền về thần kinhc ũng như sinh hóa.

Thụ thể khứu giác hiện diện tại nhiều nơi trong cơ thể như bộ óc, phổi, dạ dày, thận và cả tế bào tinh trùng nhưng nhiều nhất là tại màng nhày trong mũi. Các thụ thể này làm công việc lưu trữ và báo tin trong hệ thống sinh hóa của cơ thể. Như trong tế bào tinh trùng, thụ thể khứu giác ghi nhận “mùi” hóa chất [của noãn sào (trứng) ], định hướng cho tinh trùng di chuyển và có đi đến noãn sào đã chọn hay không.



Về số lượng, thụ thể khứu giác chỉ thua số thụ thể xúc giác.

Từ mũi, mùi hương “chạy” đến thẳng đến “trung tâm khứu giác” trong bộ óc, khoảng cách ngắn nhất (chỉ vài phân Tây) nên mùi hương “đi” rất nhanh so với sự chuyển tiếp của các giác quan khác vì xúc giác, vị giác, thị giác và thính giác đều đi qua các bộ phận khác trong bộ óc, được thu nhận, phân tích và từ đó tạo ra hành động.

So với thị giác và thính giác, khứu giác thường bị “qua mặt” vì tầm mức thiết yếu của hai giác quan kể trên. Thiếu khứu giác, con người vẫn có thể sinh sống tương đối bình thường dù đời sống giảm bớt ít nhiều thú vị. Tuy nhiên, khứu giác không kém phần quan trọng trong việc thụ hưởng đời sống vật chất cũng như tình cảm. Nhiều thụ thể nên khứu giác khá mẫn cảm, lỗ mũi con người có thể phân biệt được trên dưới 1 trillion các mùi hương khác nhau trong khi đôi mắt có thể nhận biết khoảng vài triều màu sắc khác nhau và đôi tai có tai có thể phân biệt khoảng nửa triệu âm thanh! Tạm hiểu là khứu giác “bén nhạy” hơn thị giác và thính giác!



Bén nhạy, nhưng không thiết yếu, như thế thì trời ban cho ta khứu giác để làm chi? Để làm công việc báo động, bạn ạ! Chỉ một chút mùi khói là các phản xạ “bỏ chạy” trong cơ thể được khởi động. Chỉ một mùi hương quen thuộc là đầu óc ta có thể đi ngược về quá khứ với muôn vàn cảm xúc vui buồn. Hoặc giả một mùi hương / mùi hôi nào đó sộc đến mũi khiến con người muốn đến gần (bị thu hút) hoặc muốn tránh xa vì khó ngửi!

Với con người, mùi hương và sự sinh tồn liên kết với nhau. Mùi hôi nhanh chóng tạo ra các phản xạ. Mùi khói [lửa] gia tăng nhịp tim, gia tăng mức nội tiết tố (stress hormones) trong muôn người nhưng mùi hương [người cũ] chỉ gia tăng nhịp tim, mức nội tiết tố (oxytocin) gây bồi hồi, xúc động, tạo cảm giác êm đềm trong một vài cá nhân. Như thú vật, con người cũng chuyển tín hiệu cho nhau qua mùi hương, từ mùi cơ thể cũng như mùi nước hoa sử dụng.



Tất nhiên phương cách buôn bán mùi hương cũng là một kỹ nghệ rất cũ, dùng hoa phơi khô để lấy hương, ép hoa lấy tinh dầu để chế tạo nước hoa hay dầu thơm cũng như chế tạo các ngọn nến pha mùi hương trầm, quế, thông... Và từ ngày xa xưa ấy, con người đã biết rằng nhiều mùi hương ảnh hưởng đến bộ óc như gợi nhớ hoặc mang lại cảm giác dễ chịu như mùi lavender, mùi mộc lan; gây kích thích như mùi cà phê, mùi bạc hà... rồi theo kinh nghiệm ấy mà chế tạo hương liệu. Nói chung, mùi hương càng nồng nàn, sâu đậm thì cảm xúc từ bộ óc càng mãnh liệt dù sự cảm thụ mùi hương rất “cá nhân”, không ai “giống” ai.

Ấy là những câu chuyện ‘cũ’ về khứu giác và mùi hương, trong đời sống hàng ngày bây giờ, con người liên tục thu nhận các ‘tín hiệu’ mới, khá lạ lẫm về mùi hương. Tỷ như khi đi mua sắm trong thương xá, ta sẽ được [bị] làm quen với mùi thức ăn [lạ], mùi nước hoa [mới chế biến], mùi giày dép [cao su, nhựa, da]... pha trộn thành một thứ mùi thập cẩm; lấn át những mùi hương quen thuộc trong thiên nhiên. Chẳng mấy ai còn ngồi [lẩn thẩn] ngửi mùi đất ẩm nhẹ nhàng lan tỏa sau mỗi cơn mưa rào, mùi cỏ dại [chảy máu] sau khi bị cắt xén hoặc “biết” đến những mùi hương này?!

Các thí nghiệm gần đây cho thấy mùi thức ăn xem ra là “thủ phạm” của chứng tiểu đường loại II, số người bị chứng bệnh này gia tăng gấp 4 lần (từ 108 triệu đến 422 triệu người) chỉ trong 3 thập niên vừa qua theo thống kê của World Health Organization.



Trong thú vật, ta đã chứng minh được sự liên quan giữa mùi thức ăn và sự quá chén: mùi thức ăn khiến con thú cảm thấy đói và sục sạo tìm kiếm thực phẩm. Từ một số các thí nghiệm khác, như khi được ngửi mùi “ngọt” và sau đó dùng bữa ăn “mặn”, con người ăn ít hơn, nghĩa là ta “thèm” vị ngọt khi được ngửi mùi “ngọt” và “chê” món ăn có vị mặn. Ngược lại, mùi chocolat đã giúp một số phụ nữ đang kiêng ăn có thể nhịn ăn trong một thời gian dài hơn. Điều này có thể do mùi chocolat tạo ra cảm giác no đủ nên không thèm ăn nữa (?).

Tạm hiểu rằng các kết quả kể trên cho thấy ta có thể dùng mùi hương để ‘điều khiển’ các cảm thụ trong cơ thể hầu chữa trị các chứng bệnh liên quan đến việc ăn uống quá mức hoặc một vài chứng nghiện ngập.



Ngoài việc chữa trị bệnh tật, ngày nay, các chuyên gia vẫn tiếp tục tìm cách tận dụng ảnh hưởng của khứu giác. Giản dị nhất là việc các “ống” tỏa hơi trong khuôn viên của Disney, có mùi bánh ngọt, mùi chocolat, mùi bắp rang bơ... trên các con đường dẫn đến khu tiệm ăn, uống. Không mấy đứa trẻ cưỡng lại thứ mùi hấp dẫn của chocolat và tất nhiên là chúng... đòi ăn! Nhưng tinh vi, mới mẻ hơn là việc sử dụng các “app” điện tử (thu hút khách hàng trẻ tuổi) để điều khiển [từ xa] vật đựng tỏa mùi hương. Người đầu tiên “nghĩ” ra cách làm ăn này là ông David Edwards, một giáo sư về bioengineering (kỹ nghệ sinh hóa?) và cũng là một nhà phát minh tại đại học Harvard, đã chế tạo dụng cụ tỏa mùi hương theo ý muốn khách hàng. Ông ấy tạo ra oNotes (pha trộn hai chữ “olfactory” và “notes”), một “app” dùng chung với hộp dự trữ mùi hương hay “scent speaker” có tên Cyrano. Khách hàng dùng “app” oNotes điều khiển Cyrano, và từ đó, mùi hương lan tỏa. Đại khái là khi mua món hàng và cài nhu liệu oNotes vào máy, ta có thể ngửi mùi hương đã chọn theo ý muốn qua việc đặt hộp Cyranos trong phòng, trong xe, gửi cho bạn bè... Từa tựa như khi ta xem một CD có cảnh lá vàng rơi kèm theo các bài sonata về mùa thu thánh thót, một loại “playlist” trên YouTube; oNotes là một loại “smelllist” hay văn hoa hơn, “scentscape”; là cách áp dụng kỹ thuật để ngửi mùi hương theo ý muốn bất kể không gian hoặc thời gian. Thí dụ, để nhớ mùi “bãi biển”, ta có thể ngửi các mùi rong, mùi kem chống nắng, mùi dừa, mùi chanh pha trộn ngay trong phòng ngủ hoặc khi lái xe... sau khi bấm vài điện thoại di động cài sẵn oNotes, và mùi hương có thể “nặng” hoặc “nhẹ” theo ý muốn.



Cái mũi con người chỉ có thể “đánh hơi” và cảm nhận các mùi hương trong khoảng 6-8 phút; sau đó là ta không thể thể “ngửi” được nữa dù không gian vẫn còn mùi hương kia. Lý do? Sự “quen thuộc” hay “tolerance”, bạn ạ, các thụ thể khứu giác đã đầy ắp, “quá tải”. Do đó, oNotes tự động thay đổi mùi hương [theo danh sách định sẵn] để khách hàng tiếp tục được kinh nghiệm các cảm nhận khác! Chu đáo quá phải không bạn? Theo bài bản quảng cáo, công ty kể trên rao bán một số “smelllist”, tùy theo cảm hứng mà khách hàng lựa chọn và đặt mua.

Tận dụng khả năng cảm thụ của con người để làm ăn là chuyện xưa như trái đất, người mua kẻ bán đều có lợi, và đây là động lực thúc đẩy con người tìm kiếm, phát minh cũng như sáng chế. Đời sống con người nhờ các kỹ thuật tân tiến mà trở nên dễ dàng cũng như thú vị hơn (?). Tuy nhiên, kỹ thuật mới mẻ là một con dao hai lưỡi, phụng sự là mục đích cao đẹp, huỷ hoại đời sống là điều con người cần thẩm định, cân nhắc trước khi phát triển kỹ thuật ấy vì hình như có những con người đang sử dụng khứu giác để đánh thuốc độc không mùi hương?

lltran

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Cà Kê Dê Ngỗng Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân