TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Sự gọn gàng – Khoa học hay nghệ thuật sống?
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Sự gọn gàng – Khoa học hay nghệ thuật sống?

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Cà Kê Dê Ngỗng
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 10776

Bài gửiGửi: Sat Mar 09, 2019 12:21 am    Tiêu đề: Sự gọn gàng – Khoa học hay nghệ thuật sống?

Sự gọn gàng – Khoa học hay nghệ thuật sống?


Trên Netflix, chương trình “Tidying Up” (tạm dịch “Sắp xếp [cho] gọn gàng”), một loại phim nhiều tập, mỗi tập phim là một “hoàn cảnh” sống, vừa trở thành một hiện tượng xã hội, vượt kỷ lục về số người đến xem và thu nhặt để tiếp tục xem.



Chương trình thu hình / trình chiếu kể trên nói về Marie Kondo, một phụ nữ Nhật chuyên về “sắp xếp”. Người đàn bà trẻ nổi tiếng thế giới qua cung cách sắp xếp, thu gọn những không gian bừa bãi, bắt đầu từ Nhật Bản lan sang Âu Châu rồi Hoa Kỳ. Sau nhiều năm cung cấp dịch vụ, Marie Kondo viết sách. Ðầu tiên là sách “The Life-Changing Magic of Tidying Up” xuất bản năm 2011 nhưng mãi đến 2014 mới xuất hiện tại Hoa Kỳ. Cuốn sách xem ra “im lìm” và chỉ được biết đến sau khi một phóng viên của báo the New York Times, đọc rồi thử áp dụng các cung cách xếp đặt trình bày trong sách và viết về kinh nghiệm riêng. Thế là bá tánh hè nhau tìm đọc và cuốn sách bỗng nổi tiếng như cồn, xuất hiện trên danh sách “best sellers” của tờ New York Times qua nhiều tuần lễ! Thừa thắng xông lên, cuốn sách kế tiếp “Spark Joy” với nhiều chi tiết hơn được bá tánh hân hoan đón nhận và tên tuổi bà Marie Kondo dính liền với phương pháp “KonMari”, chỉ giữ lại những vật dụng mang đến niềm vui, và vứt bỏ những thứ khác.



Những gì khiến hiện tượng “sắp xếp”, từ sách vở đến phim ảnh và diễn thuyết kia thu hút bá tánh nhường ấy? Riêng tại Hoa Kỳ, khi mấy cuốn sách của Marie Kondo xuất hiện thì đất nước này đang đi đến đỉnh núi của dư thừa, hầu như mỗi người đều thu góp, lưu trữ một núi các vật dụng không [còn] cần thiết, từ sách vở đã cũ đến quần áo, giày dép, vật dụng đã quá thời, nhưng chưa biết làm thế nào để vứt bỏ. Tiếp tục mua những thứ mới, hợp thời hơn nhưng chưa muốn hoặc chẳng thể vứt bỏ các món đồ cũ nên không gian sống mỗi ngày một thu nhỏ.

Nhiều thứ quá nên khung cảnh sống trở nên phức tạp và xem ra “luông tuồng”, bừa bãi? Ðiển hình là ngôi nhà chất đầy đồ đạc, hai ba bộ bàn ăn, năm bảy cái ghế dài, mấy cỗ tivi lớn nhỏ, chưa kể những chồng sách vở, tranh ảnh. Phòng khách, ngoài bộ ghế dài, tủ chè lại lẫn cái giá đựng giày dép. Phòng ăn vừa chứa bộ bàn ăn lại cõng thêm một mớ thùng giấy chất đầy quần áo. Nhà bếp chỉ còn một lối đi cỡ hai bộ vuông, đi nhanh hẳn sẽ va phải đồ đạc vì từ sàn đến trần nhà đầy những nồi niêu vật dụng nấu ăn, nướng bánh, dao kéo, rồi thức ăn khô, thức ăn tươi... chưa kể tủ lạnh, tủ đá, bếp điện, lò gaz lớn nhỏ. Thứ nào cũng được [bị] bày ra trước mắt cho... dễ thấy tiện lợi khỏi cần tìm kiếm?! Căn phòng ngủ nhỏ nơi quần áo giày dép vứt mỗi nơi một mảnh, giường chiếu chăn mền chồng chéo, vật dụng thường ngày để lung tung, không xếp đặt theo thứ tự nào...



Tất nhiên vẫn có những vật dụng cần thiết trong đời sống nhưng ta không thể nào dùng cho hết bấy nhiêu thứ đang có trong tay! Và vì chất chứa quá nhiều thứ không [cần] dùng khiến vùng không gian kia bị ém chặt, chưa kể vì chật chội nên nhiều chỗ không được lau chùi quét dọn, bụi đóng từng mảng và mạng nhện giăng khắp nơi

Bị nhận chìm trong đồ đạc và loay hoay không biết giải quyết ra sao, “bỏ thì thương vương thì tội,”? nên bá tánh đi tìm lối thoát, cách xếp đặt của Marie Kondo trở thành... bí kíp quý giá kịp thời kịp lúc để sắp xếp lại phòng ốc, nhà cửa cho gọn và thực ra là sắp xếp lại cách sống cho thoải mái hơn!



Bí kíp của bà Kondo có chi đặc biệt mà được khen nức nở rồi bắt chước ào ào như thế? Phương thức KonMari tương đối giản dị, bạn ạ! Cũng những món cần dùng hàng ngày để riêng một chỗ, ở vị thế thuận tiện, dễ tìm, dễ thấy và dễ lấy. Vật dụng được sắp xếp theo thể loại: Món để dùng (mục đích thực tế), vật để nhìn ngắm, nâng niu (có tính cách tinh thần). Nói chung, vật dụng nào không còn cần thiết thì nên vứt bỏ. Tuy nhiên điểm đặc biệt của KonMari là yếu tố tâm lý, đặt câu hỏi trước mỗi vật dụng: món đồ có còn mang lại sự thích thú (joy) hay không? Nghĩa là món đồ ấy ta thực sự muốn lưu giữ vì giá trị tinh thần nào đó với ý tích cực (thay vì không nỡ vứt bỏ một cách thụ động). Quần áo, vật kỷ niệm, hình ảnh, thiệp chúc tết cũ... món nào cũng cần một “chỗ ở” riêng biệt nếu “chúng” vẫn khiến ta vui thú khi cầm trên tay. Nói giản dị là ta chỉ nên giữ lại những niềm vui và vứt bỏ những thứ khác. Vật dụng không đem lại sự thích thú thì chẳng còn giá trị gì nữa.

Khái niệm kể trên xem ra vô cùng giản dị nhưng thực ra lại là một hiện tượng rất... phản Huê Kỳ (Un-american), đi ngược với khá nhiều truyền thống và cách sinh hoạt của một xã hội ưa thu nhặt và lưu trữ. Một đất nước mà nhà để xe (garage) bị dùng như nhà kho, nhưng vẫn chưa đủ chỗ nên phố xá nào cũng đầy rẫy những nơi cho thuê “nhà kho” (storage) hầu chất chứa vật dụng không còn sử dụng [mà chủ nhân không chịu vứt bỏ]. Người Huê Kỳ vẫn hâm mộ và theo dõi đều đặn những chương trình truyền hình như “Fixer Upper”, “Extreme Home Makeover” chưng ra các ngôi nhà to đùng, trưng bày những đồ đạc sang trọng đẹp mắt... dấu hiệu của sự thành công, giàu có, đạt tới “giấc mơ Huê Kỳ”, the Americal dream.



Yếu tố quan trọng khác nặng về mặt tinh thần, bà Kondo cho rằng chỗ ở là “tổ ấm”, không phải là nơi trưng bày như phòng triển lãm hay bảo tàng viện, nên ta cần sắp xếp sao cho ngăn nắp, tiện dụng. Sự thoải mái dễ chịu chỉ đến từ một không gian khoáng đãng, cởi mở.



Bà còn hô hào tinh thần quý trọng tổ ấm qua việc bày tỏ lòng “biết ơn”, vì cho ta chốn đi về, che mưa tránh nắng, nơi ta có thể sống thực với con người mình bất kể vui buồn. Mỗi món đồ khi không còn trị giá, đã “sống” qua một đời, ta nên “cám ơn” nó rồi chia tay. Khái niệm vật dụng có “linh hồn” xem ra có phần mới mẻ? Sắp xếp chỗ ở dường như là hình ảnh của việc sắp xếp nếp sống. Nó đòi hỏi sự thay đổi các thói quen, dù thực dụng nhưng nặng phần tinh thần nhiều hơn. Với bà Kondo, việc sắp xếp vật dụng trong nhà là một phương thức xem xét những thứ ta có trong tay, thẩm định trị giá tinh thần của chúng và các giá trị này thay đổi qua thời gian. Tạm hiểu là cứ mươi năm ta cần sắp xếp lại đời sống cho thích hợp với tuổi tác và sự thay đổi của cơ thể từ tâm đến thân!

Cá nhân bà Marie Kondo, tên tuổi đã trở thành một động từ trong Anh ngữ, “to kondo” đồng nghĩa với “to tidy -up”, và “KonMari” đã trở thành tên gọi của một phương thức sắp xếp.


Anna Fitzgerald, certified KonMari consultant, left, admires the decluttering and tidying she and Virginia Beach homeowner Jeanne Rogacki were able to accomplish. (Stephen M. Katz/Staff)


Chỉ cao khoảng 4 feet 8 và nhẹ ký nhưng người phụ nữ Nhật Bản 34 tuổi này đã trở thành một hiện tượng. Ðể được giúp đỡ trong việc sắp xếp chỗ ở, các cái quạt (fan) đã phải chờ đến 6 tháng mới có một cái hẹn, và chịu trả chi phí chỉ dẫn khá lớn. Ðiều may nhất là bà Kondo và gia đình vừa dọn sang sinh sống tại Los Angeles, thân chủ Mỹ hẳn sẽ được gặp gỡ tận mặt bà ấy dễ dàng hơn thay vì qua màn hình!

Năm ngoái, tạp chí Time đưa bà Kondo vào danh sách “100 người có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất”.

Trần Lý Lê

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Cà Kê Dê Ngỗng Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân