TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Vài điều nên biết về ung thư phổi
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Vài điều nên biết về ung thư phổi

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Sức Khỏe và Y Học
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 10791

Bài gửiGửi: Sun Mar 03, 2019 11:48 pm    Tiêu đề: Vài điều nên biết về ung thư phổi

Vài điều nên biết về ung thư phổi


Ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư ở Hoa Kỳ, ở cả nam và nữ. Ung thư phổi giết nhiều người mỗi năm hơn so với ung thư ruột kết, tuyến tiền liệt, buồng trứng và vú kết hợp. Có thể nói trong chúng ta, không ai chưa từng quen hay nghe về một người bị ung thư phổi.

Ung thư phổi là một loại ung thư bắt đầu từ phổi. Phổi là hai cơ quan xốp trong ngực, lấy oxygen trong không khí bạn hít vào và phóng ra carbon dioxide khi bạn thở ra.

Những người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao nhất, mặc dù ung thư phổi cũng có thể xảy ra ở những người chưa bao giờ hút thuốc. Nguy cơ ung thư phổi tăng theo thời gian và số lượng thuốc lá bạn đã hút. Nếu bạn bỏ hút thuốc, ngay cả sau khi đã hút thuốc trong nhiều năm, bạn có thể giảm đáng kể nguy cơ phát triển ung thư phổi.



Triệu chứng

Ung thư phổi thường không có dấu hiệu và triệu chứng khi ở giai đoạn sớm. Các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư phổi thường chỉ xảy ra khi bệnh đã tiến triển.

Chúng có thể bao gồm:

    • Một cơn ho mới có và kéo dài không hết

    • Ho ra máu, dù chỉ một lượng nhỏ

    • Khó thở

    • Đau ngực

    • Khàn tiếng

    • Giảm cân không do cố gắng

    • Đau xương

    • Đau đầu

Nên lấy hẹn với bác sĩ nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng dai dẳng nào làm bạn lo lắng. Nếu bạn hút thuốc và không thể bỏ thuốc, hãy hẹn gặp bác sĩ. Bác sĩ có thể đề nghị những cách để bỏ hút thuốc, chẳng hạn như cố vấn, thuốc men và các sản phẩm thay thế nicotine.



Nguyên nhân

Hút thuốc gây ra phần lớn bệnh ung thư phổi - cả ở người hút thuốc và người tiếp xúc với khói thuốc lá. Nhưng ung thư phổi cũng xảy ra ở những người không bao giờ hút thuốc và ở những người không bao giờ tiếp xúc lâu với khói thuốc. Trong những trường hợp này, không có nguyên nhân rõ ràng.



Hút thuốc lá gây ung thư phổi như thế nào?

Các bác sĩ tin rằng hút thuốc gây ung thư phổi bằng cách làm hư các tế bào lót phổi. Khi bạn hít khói thuốc lá chứa đầy các chất gây ung thư vào phổi, những thay đổi trong mô phổi bắt đầu gần như ngay lập tức. Lúc đầu cơ thể bạn có thể sửa chữa những hư hỏng này. Nhưng với mỗi lần tiếp xúc kế tiếp, các tế bào bình thường lót phổi ngày càng bị hư hại. Theo thời gian, thiệt hại khiến các tế bào hoạt động bất thường và cuối cùng ung thư có thể phát triển.



Các loại ung thư phổi

Các bác sĩ chia ung thư phổi thành hai loại chính dựa trên sự xuất hiện của các tế bào ung thư phổi dưới kính hiển vi. Quyết định điều trị sẽ dựa vào việc bạn đang có loại ung thư phổi nào.

Hai loại ung thư phổi nói chung bao gồm:

    • Ung thư phổi tế bào nhỏ. Xảy ra hầu như chỉ ở những người hút thuốc nặng và ít gặp hơn ung thư phổi không phải tế bào nhỏ.

    • Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ. Là tên đặt chung cho một số ung thư phổi gần giống nhau. Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ bao gồm ung thư biểu mô tế bào vẩy, ung thư biểu mô tuyến và ung thư biểu mô tế bào lớn.



Các yếu tố rủi ro

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ ung thư phổi. Vài yếu tố có thể được kiểm soát, ví dụ, bằng cách bỏ hút thuốc. Và các yếu tố khác không kiểm soát được, chẳng hạn như bệnh sử gia đình.

Các yếu tố nguy cơ ung thư phổi bao gồm:

    • Hút thuốc. Nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi của bạn tăng theo số lượng thuốc lá bạn hút mỗi ngày và số năm bạn đã hút thuốc. Bỏ thuốc ở mọi lứa tuổi có thể làm giảm đáng kể nguy cơ phát triển ung thư phổi.

    • Tiếp xúc với khói thuốc lá. Ngay cả khi bạn không hút thuốc, nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi vẫn tăng nếu bạn tiếp xúc với khói thuốc lá.

    • Tiếp xúc với khí radon. Radon được tạo ra bởi sự phân hủy tự nhiên của uranium trong đất, đá và nước, cuối cùng trở thành một phần của không khí bạn hít thở. Mức radon không an toàn có thể tích lũy trong bất kỳ tòa nhà nào, kể cả nhà bình thường.

    • Tiếp xúc với asbestos và các chất gây ung thư khác. Tiếp xúc tại nơi làm việc với abestos và các chất gây ung thư khác - như arsenic, chromium và nikel - cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư phổi, đặc biệt nếu bạn là người hút thuốc.

    • Tiền sử gia đình bị ung thư phổi. Những người có cha mẹ, anh chị em hoặc con bị ung thư phổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.



Biến chứng

Ung thư phổi có thể gây ra các biến chứng, chẳng hạn như:

    • Khó thở. Những người bị ung thư phổi có thể bị khó thở nếu ung thư phát triển chặn đường thở chính. Ung thư phổi cũng có thể khiến chất lỏng tích tụ xung quanh phổi, khiến phổi khó nở rộng hơn khi bạn hít vào, gây khó thở.

    • Ho ra máu. Ung thư phổi có thể gây chảy máu đường thở, có thể khiến bạn ho ra máu. Đôi khi chảy máu có thể trở nên nghiêm trọng.

    • Đau đớn. Ung thư phổi tiến triển lan đến niêm mạc phổi hoặc đến một khu vực khác của cơ thể, chẳng hạn như xương, có thể gây đau. Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn cảm thấy đau, vì có nhiều phương pháp điều trị để kiểm soát cơn đau.

    • Chất lỏng trong ngực (tràn dịch màng phổi). Ung thư phổi có thể khiến chất lỏng tích tụ trong khoảng không gian bao quanh phổi trong lồng ngực. Chất lỏng tích tụ trong ngực có thể gây khó thở. Có phương pháp điều trị để rút chất lỏng từ ngực của bạn và giảm nguy cơ tràn dịch màng phổi sẽ xảy ra lần nữa.

    • Ung thư lan sang các bộ phận khác của cơ thể (di căn). Ung thư phổi thường lan (di căn) đến các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như óc và xương. Ung thư lan rộng có thể gây đau, buồn nôn, đau đầu hoặc các dấu hiệu và triệu chứng khác tùy thuộc vào cơ quan bị ảnh hưởng. Một khi ung thư phổi đã lan ra ngoài phổi, thường không thể chữa khỏi nhưng có phương pháp để giảm các dấu hiệu và triệu chứng và để giúp bạn sống lâu hơn.



Phòng ngừa

Không có cách nào chắc chắn để ngăn ngừa ung thư phổi, nhưng bạn có thể giảm nguy cơ nếu bạn:

    • Đừng hút thuốc. Nếu bạn chưa bao giờ hút thuốc, đừng bắt đầu. Nói chuyện với con bạn về việc không hút thuốc để chúng có thể hiểu cách tránh yếu tố nguy cơ chính gây ung thư phổi này. Bắt đầu trò chuyện về sự nguy hiểm của việc hút thuốc với con bạn sớm để chúng biết cách phản ứng với áp lực từ bạn bè.

    • Bỏ thuốc lá. Ngừng hút thuốc ngay bây giờ. Bỏ thuốc lá làm giảm nguy cơ ung thư phổi, ngay cả khi bạn đã hút thuốc trong nhiều năm. Nói chuyện với bác sĩ của bạn về các cách bỏ thuốc và các hỗ trợ cai thuốc lá giúp bạn bỏ thuốc lá. Các lựa chọn bao gồm các sản phẩm thay thế nicotine, thuốc và các nhóm hỗ trợ.

    • Tránh hút thuốc thụ động. Nếu bạn sống hoặc làm việc với người hút thuốc, hãy nhắc họ bỏ thuốc lá. Ít nhất, hãy yêu cầu họ hút thuốc bên ngoài. Tránh các khu vực nơi mọi người hút thuốc, chẳng hạn như quán bar và nhà hàng, và tìm kiếm các chỗ không khói thuốc.

    • Kiểm tra radon trong nhà, đặc biệt nếu bạn sống ở khu vực mà radon được biết là một vấn đề. Mức radon cao có thể được khắc phục để làm cho ngôi nhà của bạn an toàn hơn. Để biết thông tin về xét nghiệm radon, liên lạc với bộ y tế công cộng địa phương hoặc một chương địa phương của Hiệp Hội Phổi Hoa Kỳ.

    • Tránh các chất gây ung thư tại nơi làm việc. Hãy thận trọng để bảo vệ bản thân khỏi tiếp xúc với hóa chất độc hại tại nơi làm việc. Thực hiện theo các biện pháp phòng ngừa của chủ nhân đưa ra. Chẳng hạn, nếu bạn được cho mặt nạ bảo vệ, hãy luôn đeo nó. Hãy hỏi bác sĩ của bạn những gì bạn có thể làm nhiều hơn để bảo vệ bản thân tại nơi làm việc. Nguy cơ tổn thương phổi do các chất gây ung thư tại nơi làm việc tăng lên nếu bạn hút thuốc.

    • Ăn uống lành mạnh - ăn đầy đủ trái cây và rau quả. Vitamin và chất dinh dưỡng có nguồn gốc từ thực phẩm là tốt nhất. Tránh dùng vitamin liều lớn ở dạng thuốc viên, vì chúng có thể gây hại. Chẳng hạn, các nhà nghiên cứu hy vọng làm giảm nguy cơ ung thư phổi ở những người nghiện thuốc lá nặng đã cho họ uống thêm beta carotene. Kết quả cho thấy các chất bổ uống thêm này thực sự lại làm tăng nguy cơ ung thư ở những người hút thuốc.

    • Tập thể dục vào hầu hết các ngày trong tuần. Nếu bạn không tập thể dục thường xuyên, hãy bắt đầu từ từ. Cố gắng tập thể dục hầu hết các ngày trong tuần.

BS Nguyễn Thị Nhuận
Nguồn: viendongdaily.com

Về Đầu Trang
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 10791

Bài gửiGửi: Sun Mar 10, 2019 11:44 pm    Tiêu đề: Vài điều nên biết về ung thư phổi (tiếp theo)

Vài điều nên biết về ung thư phổi
(tiếp theo)

Định bệnh

low-dose lung cancer CT scan


Xét nghiệm người khỏe mạnh tìm bệnh ung thư phổi

Những người có nguy cơ cao mắc ung thư phổi có thể được khám tìm ung thư phổi hàng năm bằng cách sử dụng CT scan liều thấp. Khám tìm ung thư phổi thường được thự chiện trên những người từ 55 tuổi trở lên hút thuốc nhiều năm, ngoài ra khỏe mạnh.

Nên thảo luận về nguy cơ ung thư phổi của bạn với bác sĩ để quyết định liệu khám tìm ung thư phổi có phù hợp với bạn hay không.


Trong nội soi phế quản, bác sĩ sẽ đưa một ống nhỏ qua miệng hoặc mũi vào phổi. Một camera nhỏ có gắn đèn trên ống soi phế quản cho phép bác sĩ nhìn thấy bên trong đường thở của phổi.


Xét nghiệm định bệnh ung thư phổi

Nếu có lý do để nghĩ rằng bạn có thể bị ung thư phổi, bác sĩ sẽ yêu cầu một số xét nghiệm để tìm kiếm các tế bào ung thư và loại trừ các tình trạng khác.

Các xét nghiệm có thể bao gồm:

    • Thử nghiệm bằng hình ảnh. Hình quang tuyến X chụp phổi của bạn có thể cho thấy một khối hoặc nốt bất thường. Chụp CT có thể phát hiện những tổn thương nhỏ trong phổi của bạn không được nhìn thấy trên hình quang tuyến X.

    • Khám tế bào trong đờm. Nếu bạn bị ho và khạc đờm, nhìn vào đờm dưới kính hiển vi đôi khi có thể cho thấy có các tế bào ung thư phổi.

    • Mẫu mô (sinh thiết). Một mẫu tế bào bất thường có thể được lấy ra bằng sinh thiết. Bác sĩ có thể làm sinh thiết bằng nội soi phế quản, trong đó bác sĩ xem xét các khu vực bất thường của phổi bằng cách sử dụng một ống có ánh sáng truyền qua cổ họng vào phổi; nội soi trung thất, trong đó một vết mổ được thực hiện ở dưới cổ và các dụng cụ giải phẫu được đưa vào sau xương ức để lấy mẫu mô từ các hạch bạch huyết; và sinh thiết bằng kim, trong đó bác sĩ sử dụng hình ảnh quang tuyến X hoặc CT để hướng dẫn kim xuyên qua thành ngực và vào mô phổi để thu thập các tế bào đáng ngờ.

      Một mẫu sinh thiết cũng có thể được lấy từ các hạch bạch huyết hoặc các khu vực khác nơi ung thư đã lan rộng, chẳng hạn như gan.

Phân tích cẩn thận các tế bào ung thư trong phòng thí nghiệm sẽ cho thấy loại ung thư phổi bạn có. Kết quả kiểm tra tinh vi có thể cho bác sĩ biết các đặc điểm cụ thể của các tế bào, có thể giúp xác định hậu vận của bạn và hướng dẫn điều trị.


Biograph mMR dataset of a lung cancer patient visualized in syngo.


Các xét nghiệm để xác định mức độ ung thư

Khi ung thư phổi đã được định bệnh, bác sĩ sẽ làm việc để xác định mức độ (giai đoạn) của bệnh, giúp bạn và bác sĩ quyết định phương pháp điều trị nào là phù hợp nhất.

Các xét nghiệm định mức có thể bao gồm các hình ảnh cho phép bác sĩ tìm bằng chứng cho thấy ung thư đã lan ra ngoài phổi. Những xét nghiệm này bao gồm CT scan, MRI, chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) và quét xương.

Không phải mọi xét nghiệm đều phù hợp với mọi người, vì vậy hãy nói chuyện với bác sĩ về những xét nghiệm phù hợp với bạn.

Các giai đoạn của ung thư phổi được biểu thị bằng các chữ số La Mã nằm trong khoảng từ 0 đến IV, với các giai đoạn thấp nhất cho thấy ung thư chỉ giới hạn ở phổi. Đến giai đoạn IV, ung thư được coi là tiến triển và đã lan sang các khu vực khác của cơ thể.


Điều trị


Bạn và bác sĩ sẽ cùng nhau chọn một kế hoạch điều trị ung thư dựa trên một số yếu tố, chẳng hạn như sức khỏe tổng thể của bạn, loại và giai đoạn ung thư, và sở thích của bạn.

Nhóm chăm sóc của bạn có thể bao gồm:

    • Bác sĩ ung thư

    • BS Bệnh lý học

    • Bác sĩ phổi

    • Bác sĩ ung thư bức xạ

    • Bác sĩ quang tuyến X

    • Bác sĩ giải phẫu lồng ngực

    • Các chuyên gia khác khi cần thiết, bao gồm cả các bác sĩ chuyên về chăm sóc cho thoải mái.

Có một đội ngũ chuyên gia đa ngành về phía bạn có nghĩa là tất cả các bác sĩ của bạn đang thông tin cùng nhau. Điều này đặc biệt có lợi khi phối hợp các phác đồ điều trị phức tạp liên quan đến nhiều liệu pháp. Trong một số trường hợp, bạn có thể chọn không điều trị. Ví dụ, bạn có thể cảm thấy rằng các tác dụng phụ của điều trị sẽ nặng hơn các lợi ích. Nếu đó là trường hợp, bác sĩ của bạn có thể đề nghị chăm sóc thoải mái để chỉ điều trị các triệu chứng ung thư gây ra, chẳng hạn như đau hoặc khó thở.



Các nghiên cứu cho thấy các bệnh viện có số trường hợp giải phẫu lớn đã có kết quả tốt hơn: giảm đau sau giải phẫu, thời gian nằm bệnh viện ngắn hơn và ít biến chứng hơn.

Có những thủ thuật sau để loại bỏ ung thư phổi:



Giải phẫu

    • Cắt bỏ phần nhỏ của phổi có chứa khối u cùng với một ít mô khỏe mạnh ở rìa

    • Cắt bỏ một khối để loại bỏ một phần lớn hơn của phổi, nhưng không phải toàn bộ thùy phổi

    • Cắt bỏ toàn bộ thùy của một phổi

    • Cắt bỏ toàn bộ phổi

Bác sĩ cũng có thể lấy ra các hạch bạch huyết ở ngực để xem chúng có dấu hiệu ung thư hay không.

Giải phẫu có thể là một lựa chọn nếu ung thư chỉ giới hạn ở phổi. Nếu ung thư quá lớn, bác sĩ có thể đề nghị hóa trị hoặc xạ trị trước khi giải phẫu để thu nhỏ ung thư. Nếu có nguy cơ các tế bào ung thư còn sót sau khi giải phẫu hoặc ung thư có thể tái phát, bác sĩ có thể khuyên bạn nên hóa trị hoặc xạ trị sau phẫu thuật.



Xạ trị

Xạ trị sử dụng tia năng lượng mạnh từ các nguồn như tia X và proton để tiêu diệt tế bào ung thư. Khi làm xạ trị, bạn nằm trên bàn trong khi máy di chuyển xung quanh bạn, hướng bức xạ đến các điểm chính xác trên cơ thể bạn.

Đối với những người bị ung thư phổi còn ngay tại chỗ, bức xạ có thể được sử dụng trước khi giải phẫu hoặc sau khi giải phẫu. Xạ trị thường được kết hợp với hóa trị. Nếu giải phẫu không phải là một lựa chọn, hóa trị và xạ trị kết hợp có thể là phương pháp điều trị chính.

Đối với ung thư phổi tiến triển xa hơn và những bệnh đã lan sang các khu vực khác của cơ thể, xạ trị có thể giúp giảm triệu chứng, chẳng hạn như đau. Khi so sánh với các kỹ thuật xạ trị tiêu chuẩn, các phương pháp điều trị mới hơn và nhắm mục tiêu chính xác có thể hiệu quả hơn và gây ra ít tác dụng phụ hơn.



Hóa trị

Hóa trị sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Một hoặc nhiều loại thuốc hóa trị có thể được truyền qua tĩnh mạch ở cánh tay hoặc uống. Một kết hợp của các loại thuốc thường được đưa ra trong một loạt các phương pháp điều trị trong một vài tuần hoặc vài tháng, với thời gian nghỉ giữa chừng để bạn có thể phục hồi.

Hóa trị thường được sử dụng sau khi giải phẫu để tiêu diệt những tế bào ung thư còn sót lại. Nó có thể được sử dụng một mình hoặc kết hợp với xạ trị. Hóa trị cũng có thể được sử dụng trước khi giải phẫu hầu thu nhỏ ung thư để dễ dàng cắt bỏ hơn.

Ở những người bị ung thư phổi đã tiến triển quá nhiều, hóa trị có thể được sử dụng để giảm đau và các triệu chứng khác.



Giải phẫu quang tuyến (Radiosurgery)

Stereotactic body radiotherapy (tạm dịch là xạ trị có chiến thuật) là một phương pháp xạ trị mạnh bắn nhiều tia phóng xạ từ nhiều góc độ nhắm vào khối u. Xạ trị chiến thuật thường được thực hiện trong một hoặc số ít lần. Giải phẫu quang tuyến có thể là một lựa chọn cho những người mắc bệnh ung thư phổi nhỏ không thể giải phẫu. Nó cũng có thể được sử dụng để điều trị ung thư phổi lan sang các bộ phận khác của cơ thể, bao gồm cả não.



Điều trị bằng thuốc nhắm mục tiêu

Điều trị bằng thuốc nhắm mục tiêu tập trung vào những bất thường có trong các tế bào ung thư. Bằng cách chặn những bất thường này, thuốc có thể khiến các tế bào ung thư chết.

Nhiều loại thuốc trị liệu nhắm mục tiêu được sử dụng để điều trị ung thư phổi, mặc dù hầu hết được dành riêng cho những người bị ung thư đã tiến triển nặng hoặc tái phát.

Một số liệu pháp nhắm mục tiêu chỉ có lợi ở những người có tế bào ung thư có đột biến gene nhất định. Các tế bào ung thư có thể được xem xét trong phòng thí nghiệm để xem liệu những loại thuốc này có thể giúp không.



Liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch sử dụng hệ thống miễn dịch của bạn để chống lại ung thư. Hệ thống miễn dịch chống lại bệnh tật của cơ thể có thể không tấn công ung thư của bạn vì các tế bào ung thư tạo ra các protein làm mù các tế bào hệ thống miễn dịch. Liệu pháp miễn dịch hoạt động bằng cách can thiệp vào quá trình đó. Phương pháp điều trị miễn dịch thường dành cho những người bị ung thư phổi đã tiến triển xa.

BS Nguyễn Thị Nhuận
Nguồn: viendongdaily

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Sức Khỏe và Y Học Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân