TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Kratom “bình” mới, “rượu” cũ mèm
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Kratom “bình” mới, “rượu” cũ mèm

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Cà Kê Dê Ngỗng
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 10776

Bài gửiGửi: Sat Mar 02, 2019 11:22 pm    Tiêu đề: Kratom “bình” mới, “rượu” cũ mèm

Kratom “bình” mới, “rượu” cũ mèm

kratom


Gần đây món lá kratom cũ rích được bưng ra rao bán rầm rộ như một thứ thuốc tiên trị bá bệnh từ giảm đau như Tylenol “thiên nhiên” đến tác dụng “lâng lâng khoan khoái” tựa dược thảo Valium.



Cả một cuốn phim “tài liệu”, “Leaf of Faith”, được thu hình và trình chiếu trên Netflix khen lá kratom như một thứ tiên dược mới xuất hiện trong ngành y tế. Một loài cây cỏ bà con với cây cà phê, tác dụng như thuốc Tây nhưng không phải là thuốc (?), có thể nuốt như thuốc viên con nhộng hay sắc nước uống như trà, và cơ thể sẽ sảng khoái, lâng lâng dễ chịu tựa như khi dùng... cần sa!

Người tiêu thụ đăng đàn liên mạng khen tác dụng của kratom, như một loại cây cỏ tăng sức lực (?), kẻ hô hào món trà giảm đau hiệu nghiệm chưa kể cảm giác khoan khoái yêu đời sau khi nuốt một viên kratom. Có người lại nói rằng kratom có thể dùng để chữa chứng nghiện ma túy như opioid?


CBD Kratom Andersonville, Chicago, IL


Kratom được bán chung với các loại thuốc lá, thuốc lào trong các cửa tiệm “tobacco” và được những người dùng cần sa ưa chuộng.

Sau những bài bản quảng cáo ồn ào là lời “chia sẻ” của một số người xem ra “trung dung” và khách quan, không vồn vã quá, chỉ nói lời ủng hộ nhẹ nhàng qua kinh nghiệm cá nhân. Họ là những người tự xưng “cựu chiến binh”, “lực sĩ bị thương” và cả những tay đô vật nhà nghề. Nhóm người này chọn kratom để thay thế các loại thuốc giảm đau có gốc opioid.

Trên thực tế, từ bao thế kỷ nay, dân cư vùng Ðông Nam Á như Mã Lai, Nam Dương và Thái Lan đã từng nhai lá kratom (như nhai lá trầu) hoặc phơi khô nấu trà để gia tăng sức lực khi phải làm việc quần quật và sử dụng như thuốc kích thích trong dịp lễ lạt.



Kratom là một giống cây vùng nhiệt đới, tên khoa học là Mitragyna speciose. Lá cây chứa nhiều hợp chất có tác dụng tâm thần (psychotropic effects). Kratom có nhiều tên gọi như Biak, Ketum, Kakuam, Ithang, Thom. Ngày nay, bá tánh thường dùng kratom trong dạng thuốc viên con nhộng (capsule) hoặc nước ly trích, nhai nát hoặc lá phơi khô nấu trà, hoặc tán nhuyễn như bột, đôi khi lá phơi khô rồi hút hoặc tán nhuyễn trộn với bánh kẹo.

Chưa bị liệt kê vào danh sách “ma túy” nên Kratom được bán tự do trên thị trường kể cả qua liên mạng. Ðôi khi món tiên dược này được bán dưới dạng thuốc bột với nhãn hiệu “không dùng cho con người”, hoặc nước ly trích (extract).



Kratom ảnh hưởng đến trí óc ra sao? Kratom có hai tác dụng chính, vừa an thần (từa tựa như opioid) và vừa kích thích (stimulant) đến từ hai hợp chất trong lá cây: mitragynine và hydroxymitragynine. Hai hợp chất này bám vào thụ thể opioid trong bộ óc tạo ra sự sảng khoái, giảm đau nhất là khi dùng một lượng lớn. Mitragynine cũng tác dụng trên các thụ thể khác trong não bộ tạo nên sự kích thích thần kinh. Ở một lượng nhỏ, kratom đem lại sự khỏe khoắn, gia tăng sức lực, tỉnh táo và phấn chấn. Tuy nhiên, kratom có thể gây khó chịu và cũng có thể tạo ra nhiều phản ứng phụ khá nguy hại như buồn nôn, ngứa ngáy, toát mồ hôi, khô miệng, táo bón, lợi tiểu, giảm sự thèm ăn, làm kinh (co giật) và tạo ảo giác (hallucination). Ðôi khi người dùng trở nên điên loạn.

Năm 2017, the Food and Drug Administration (FDA) khởi sự các thông cáo về tác dụng nguy hại của kratom và ghi nhận đã có 44 trường hợp tử vong. Hầu hết các ca này, kratom được dùng chung với các dược liệu nguy hại khác như opioids, benzodiazepines, rượu, gabapentin, và một số thuốc bán tự do (không cần toa bác sĩ) như thuốc ho. Chính các hỗn hợp này dẫn đến tử vong.



Kratom có gây nghiện không? Như các loại thuốc có tác dụng như oipioid, kratom cũng có thể gây nghiện ngập; người dùng có thể chịu các phản ứng của việc cai nghiện khi ngưng sử dụng kratom. Triệu chứng của việc “thiếu” kratom bao gồm đau đớn bắp thịt, thao thức khó ngủ, khó chịu, gắt gỏng, giận dữ vô cớ hoặc trở nên hung bạo, tâm tính thay đổi, buồn vui thất thường, sổ mũi và co giật chân tay.

Chứng nghiện kratom chữa trị ra sao? Hiện nay, y học chưa biết cách chữa trị riêng cho chứng nghiện kratom; vài trung tâm y khoa dùng cách chữa trị tâm lý, kết quả chưa được chứng nghiệm.



Kratom có thể dùng như dược chất không? Mấy năm gần đây, bá tánh đã dùng kratom như món dược thảo thay thế thuốc men (chính thức) để chữa chứng nghiện opioid và nghiện rượu. Mức hiệu quả cách chữa trị trên chưa được chứng thực. Ngoài ra, cũng có người tiêu thụ cho rằng kratom có thể chữa chứng hoảng loạn (anxiety) vì tính an thần, ho, trầm cảm, tiểu đường, tiêu chảy, cao huyết áp, giảm đau...



Với các dữ kiện cho thấy kratom có tác dụng an thần và kích thích như opioid, không lạ là một số chuyên viên cho rằng kratom là một thứ ma túy nên việc sử dụng cần được giới hạn. Cơ quan Drug Enforcement Administration (DEA) có nhiệm vụ kiểm soát việc sử dụng cần sa, ma túy và các dược chất gây nghiện ngập, đang thảo luận việc xếp kratom vào danh sách “Schedule 1 Drug*” như heroin hoặc LSD và thảo luật ngăn cấm. Tuy nhiên, vài tiểu bang như Alabama, Indiana và Wisconsin đã nghiêm cấm việc buôn bán, sử dụng kratom.



Ngược lại những người ủng hộ như ông Chris Bell, đạo diễn cuốn phim “Leaf of Faith” kể trên, cho rằng kratom là một thần dược, đã giúp ông ấy cai opioid. Ông Bell lý luận rằng cà phê cũng gây nghiện ngập. Ðường cũng gây nghiện ngập. Sao [chính phủ] không cấm luôn mấy thứ này mà chỉ cấm kratom?

Trần Lý Lê


Tài liệu: https://www.drugabuse.gov/publications/drugfacts/kratom

* Theo DEA: “Schedule I drugs” là những chất / thuốc không có tác dụng y học và có khuynh hướng lạm dụng. Điển hình là heroin, lysergic acid diethylamide (LSD), marijuana (cannabis) hay cần sa, 3,4-methylenedioxymethamphetamine (ecstasy), methaqualone, và peyote.

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Cà Kê Dê Ngỗng Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân