Gửi: Tue Jan 22, 2019 12:50 am Tiêu đề: Vài triệu chứng bệnh thường thấy
Bàn tay lạnh
Bị lạnh bàn tay ngay cả khi không ở trong một môi trường lạnh là một triệu chứng rất thường thấy. Thông thường, bàn tay lạnh là một phần của phản ứng tự nhiên để điều chỉnh nhiệt độ cơ thể và không phải là một mối lo ngại.
Nhưng nếu bàn tay cứ lạnh liên tục, và còn đi kèm với sự thay đổi màu sắc như trở thành màu xanh tím, đó có thể là một dấu hiệu bệnh, ví dụ có vấn đề với dây thần kinh hoặc tuần hoàn máu hoặc vấn đề tổn thương mô ở tay hoặc ngón tay. Nếu bạn ở ngoài trời trong thời tiết cực lạnh và bàn tay bị lạnh cóng, bạn nên theo dõi xem mình có các dấu hiệu về tình trạng "lạnh đông cứng (frost bite) ", một tình trạng nguy hiểm.
Các dấu hiệu và triệu chứng khác cần theo dõi khi bị lạnh tay bao gồm:
Bàn chân hoặc ngón chân lạnh
Thay đổi màu da trên bàn tay, chẳng hạn như da xanh hoặc trắng bệch
Tay tê hoặc ngứa ran
Mọc vết loét hoặc mụn nước
Da căng hoặc cứng
Nên lấy hẹn để gặp bác sĩ nếu bạn lo lắng về việc bàn tay cứ lạnh liên tục. Bác sĩ có thể khám xem bàn tay lạnh có phải là do vấn đề về tuần hoàn máu hoặc dây thần kinh hay không. Điều trị thường tùy vào nguyên nhân gây ra chứng bàn tay lạnh. Bác sĩ có thể đề nghị thay đổi lối sống để giúp bớt các triệu chứng.
Khi cho bệnh nhân thử máu tổng quát hàng năm, bác sĩ thường cho thử nghiệm đo nồng độ phân hóa tố gan (liver enzymes). Phân hóa tố gan tăng cao có thể do sự viêm hoặc tổn thương của các tế bào trong gan. Các tế bào gan bị viêm hoặc bị tổn thương sẽ tiết vào máu một số hóa chất nhiều hơn bình thường, trong đó có phân hóa tố gan.
Các phân hóa tố gan thường tăng nhất là:
· Alanine transaminase (ALT)
· Aspartate transaminase (AST)
· Alkaline phosphatase (ALP)
· Gamma-glutamyl transpeptidase (GGT)
Trong hầu hết các trường hợp, nồng độ chỉ tăng nhẹ và tạm thời. Thông thường, phân hóa tố gan tăng cao không báo hiệu một vấn đề mãn tính nghiêm trọng về gan.
Nhiều bệnh và tình trạng có thể góp phần làm tăng phân hóa tố gan. Bác sĩ xác định nguyên nhân bằng cách xem xét các loại thuốc bạn đang uống, dấu hiệu và triệu chứng của bạn và, trong một số trường hợp, các xét nghiệm và khám nghiệm khác.
Nếu xét nghiệm máu cho thấy bạn có phân hóa tố gan cao, hãy hỏi bác sĩ kết quả xét nghiệm ấy có nghĩa gì. Bác sĩ có thể đề nghị làm các xét nghiệm khác để xác định nguyên nhân.
Gửi: Fri Jan 25, 2019 12:10 am Tiêu đề: Mất khứu giác
Mất khứu giác
Mất khứu giác có nghĩa là không còn ngửi thấy mùi nữa. Khứu giác phục vụ nhiều hơn một mục đích. Nó không chỉ cho phép bạn thưởng thức nhiều loại hương liệu mà còn báo cho bạn biết về những nguy hiểm tiềm ẩn như khói hoặc khí gas bị rò rỉ.
Mất khứu giác có thể là một phần (hyposemia) hoặc hoàn toàn (anosmia), và có thể là tạm thời hoặc vĩnh viễn, tùy thuộc vào nguyên nhân. Mặc dù mất khứu giác hiếm khi là triệu chứng của một tình trạng nghiêm trọng, chứng này một phần có thể khiến bạn mất hứng thú với việc ăn uống, dẫn đến giảm cân, suy dinh dưỡng hoặc ngay cả trầm cảm.
Bị nghẹt mũi do cảm lạnh là nguyên nhân thường thấy nhất dẫn đến mất khứu giác một phần, tạm thời. Tắc nghẽn trong đường mũi, đặc biệt là từ cục bưới polyp hoặc gãy mũi, cũng thường thấy. Lão hóa bình thường cũng có thể gây mất khứu giác một phần, có thể ngày càng nhiều hơn và trở nên mất khứu giác hoàn toàn và vĩnh viễn.
Mất khứu giác do cảm lạnh, dị ứng hoặc nhiễm trùng xoang thường sẽ tự hết sau vài ngày. Nếu không, hãy đi khám bệnh để bác sĩ có thể loại trừ các tình trạng nghiêm trọng hơn.
Mất khứu giác đôi khi có thể chữa được, tùy thuộc vào nguyên nhân. Bác sĩ có thể cung cấp cho bạn một loại thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng hoặc loại bỏ các vật cản đang chặn đường mũi của bạn.
Trong các trường hợp khác, mất khứu giác có thể là vĩnh viễn. Đặc biệt, sau 60 tuổi, bạn có nguy cơ mất khứu giác cao hơn.
Gửi: Sun Jan 27, 2019 12:52 am Tiêu đề: Quầng thâm dưới mắt
Quầng thâm dưới mắt
Các bà các cô hay chú ý đến quầng thâm dưới mắt vì chúng ảnh hưởng trực tiếp đến sắc đẹp của họ. Quầng thâm dưới mắt thường ngụ ý rằng quầng thâm xuất hiện ở dưới cả hai mắt. Điều này khác với vết bầm tím do chấn thương hoặc đỏ và sưng do nhiễm trùng chỉ ở quanh một mắt.
Mệt mỏi là nguyên nhân thường thấy nhất của quầng thâm dưới mắt. Đôi khi, có những thứ trông như quầng thâm dưới mắt có thể chỉ là bóng của mí mắt hoặc hốc mắt, là một phần bình thường của sự lão hóa.
Nếu sự đổi màu và sưng xuất hiện dưới chỉ một mắt và dường như trở nên tệ hơn theo thời gian, hãy nói chuyện với bác sĩ. Nếu bạn muốn một giải pháp lâu dài hơn là các loại kem che khuyết điểm, hãy đến gặp bác sĩ chuyên về da. Tùy thuộc vào nguyên nhân, bác sĩ có thể khuyên dùng kem theo toa hoặc kết hợp các phương pháp điều trị để xóa hoặc giảm sự đổi màu. Tia laser hoặc lột da bằng hóa chất có thể hữu ích trong một số trường hợp. Các hốc gây ra bóng có thể được chữa bằng cách chích chất làm đầy, và giải phẫu có thể loại bỏ mí mắt sưng húp.
Quầng thâm dưới mắt thường không phải là một vấn đề y tế và các biện pháp chữa trị tại nhà có thể là tất cả những gì bạn cần để giúp kiểm soát tình trạng này. Quầng thâm nhẹ đến trung bình thường đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị đơn giản và rẻ tiền, như:
Dùng chất lạnh. Các mạch máu dưới mắt bị giãn có thể là nguyên nhân tạo quầng thâm dưới mắt bạn. Hãy thử dùng một miếng gạc lạnh, một cái muỗng lạnh hoặc một túi đậu Hà Lan đông lạnh bọc trong một miếng vải mềm chườm vào dưới mắt để làm các mạch máu này co lại.
Thêm gối. Nâng cao đầu của bạn bằng hai hoặc nhiều gối để ngăn ngừa bọng mắt phát triển khi chất lỏng đọng lại ở mí mắt dưới của bạn.
Ngủ thêm. Mặc dù ít ngủ thường không gây ra quầng thâm dưới mắt, việc thiếu ngủ có thể khiến bạn xanh xao hơn, do đó, bóng và vòng tròn quanh mắt bạn đã có sẽ trở nên rõ ràng hơn.
Đổ mồ hôi quá mức có thể xảy ra trên toàn bộ cơ thể hoặc chỉ ở một số khu vực nhất định, đặc biệt là lòng bàn tay, lòng bàn chân, nách hoặc mặt. Loại ở tay và chân thường xảy ra ít nhất một lần mỗi tuần, trong giờ thức.
Đổ mồ hôi nhiều không có nguyên nhân được gọi là tăng tiết nguyên phát (primary hyperhidrosis). Loại này xảy ra khi các dây thần kinh kích hoạt các tuyến mồ hôi hoạt động quá mức và gây ra đổ mồ hôi nhiều hơn ngay cả khi không cần thiết. Hyperhidrosis nguyên phát một phần là do di truyền.
Nếu đổ mồ hôi nhiều có một tình trạng y tế tiềm ẩn, nó được gọi là tăng tiết thứ phát (secondary hyperhidrosis).
Gọi 911 hoặc tìm trợ giúp y tế khẩn cấp
Tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu chứng ra mồ hôi nặng của bạn đi kèm:
· Ớn lạnh
· Đầu nhẹ, choáng váng
. Đau ngực
· Buồn nôn
· Nhiệt độ cơ thể từ 104 F (40 C) trở lên
Gặp bác sĩ
Gọi bác sĩ nếu bạn gặp bất kỳ điều nào sau đây:
· Bạn đột nhiên bắt đầu đổ mồ hôi nhiều hơn bình thường.
· Đổ mồ hôi làm gián đoạn thói quen hàng ngày của bạn.
Bị tê ở một hoặc cả hai tay tức là mất cảm giác ở bàn tay hoặc ngón tay của bạn. Thông thường, tê tay có thể đi kèm với những thay đổi khác, chẳng hạn như cảm giác bị kim đâm, nóng rát hoặc ngứa ran. Cánh tay, bàn tay hoặc ngón tay của bạn có thể cảm thấy vụng về hoặc yếu.
Tê có thể xảy ra dọc theo một dây thần kinh ở một bàn tay hoặc có thể xảy ra đối xứng ở cả hai tay.
Điều quan trọng là xác định nguyên nhân gây tê tay. Nếu cảm giác tê kéo dài hoặc lan sang các bộ phận khác trên cơ thể, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Điều trị tê ở tay của bạn phụ thuộc vào nguyên nhân.
Gọi 911 hoặc tìm săn sóc y tế khẩn cấp nếu chứng tê của bạn:
-Bắt đầu đột ngột, đặc biệt nếu đi kèm với yếu tay hoặc tê liệt, nhầm lẫn, khó nói, chóng mặt hoặc đau đầu đột ngột, dữ dội.
Lấy hẹn đi khám bệnh nếu chứng tê của bạn:
Bắt đầu từ từ hoặc ngày càng nặng và còn mãi
Lan sang các bộ phận khác trên cơ thể
Ảnh hưởng đến cả hai bên cơ thể
Tái đi tái lại
Có vẻ liên quan đến một số hoạt động, đặc biệt là các chuyển động lặp đi lặp lại
Chỉ ảnh hưởng đến một phần của bàn tay của bạn, chẳng hạn như một ngón tay
Gửi: Sat Feb 02, 2019 12:55 am Tiêu đề: Bàn chân bị bỏng rát
Bàn chân bị bỏng rát
Bàn chân bỏng rát - cảm giác bàn chân rất nóng và đau - có thể nhẹ hoặc nặng. Trong một số trường hợp, bàn chân nóng rát có thể đau đến mức không ngủ được. Trong một số tình trạng khác, bàn chân bỏng cũng có thể có cảm giác bị đâm kim hoặc tê hoặc cả hai. Bàn chân bỏng rát cũng có thể được gọi là bàn chân ngứa ran hoặc tê.
Mệt mỏi hoặc nhiễm trùng da có thể gây cảm giác chân nóng rát hay sưng tạm thời, bàn chân bỏng thường là dấu hiệu của tổn thương thần kinh (bệnh thần kinh ngoại biên). Tổn thương thần kinh có nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm tiểu đường, nghiện rượu, tiếp xúc với một số độc tố, thiếu hụt vitamin B hoặc nhiễm HIV.
Đến Phòng Cấp Cứu để tìm kiếm chăm sóc y tế khẩn cấp nếu:
· Cảm giác nóng rát ở bàn chân xuất hiện đột ngột, đặc biệt nếu bạn có thể đã tiếp xúc với một số loại độc tố,
· Một vết thương hở trên bàn chân của bạn dường như bị nhiễm trùng, đặc biệt là nếu bạn bị tiểu đường
Lấy hẹn đi khám bệnh nếu bạn:
· Tiếp tục bị chân nóng rát sau vài tuần tự chăm sóc
· Triệu chứng ngày càng trở nên dữ dội và đau đớn hơn
· Cảm giác nóng rát bắt đầu lan rộng vào chân của bạn
· Bắt đầu mất cảm giác ở ngón chân hoặc bàn chân
Nếu bàn chân nóng rát kéo dài hoặc nếu không có nguyên nhân rõ ràng, thì bác sĩ sẽ cần phải làm các thử nghiệm để xác định xem bạn có bị tình trạng nào gây ra bệnh thần kinh ngoại biên hay không.
Gửi: Sun Feb 03, 2019 11:44 pm Tiêu đề: Đi tiểu quá thường xuyên
Đi tiểu quá thường xuyên
Đi tiểu quá thường xuyên (frequent urination) là cần đi tiểu nhiều lần hơn bình thường đối với bạn. Bạn có thể tiểu nhiều hơn bình thường hoặc chỉ một lượng nhỏ.
Đi tiểu thường xuyên có thể xảy ra cả ban ngày và ban đêm, hoặc có thể chỉ trong đêm (nocturia).
Đi tiểu thường xuyên có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, công việc và sức khỏe nói chung của bạn.
Đi tiểu thường xuyên có thể được gây ra bởi các bệnh ảnh hưởng đến đường tiết niệu. Đường tiết niệu bao gồm thận, các ống nối thận với bàng quang (niệu quản), bàng quang và ống thông qua đó nước tiểu chảy từ bàng quang ra khỏi cơ thể (niệu đạo).
Gọi bác sĩ nếu bạn đi tiểu thường xuyên hơn bình thường và nếu:
Không có nguyên nhân rõ ràng, chẳng hạn như uống nhiều chất lỏng, rượu hoặc caffeine
Vấn đề đi tiểu làm gián đoạn giấc ngủ hoặc các hoạt động hàng ngày của bạn
Bạn có vấn đề về tiết niệu hoặc các triệu chứng đáng lo ngại khác
Liên lạc với bác sĩ càng sớm càng tốt nếu bạn đi tiểu quá thường xuyên cùng với bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào sau đây:
Có máu trong nước tiểu
Nước tiểu màu đỏ hoặc nâu sẫm
Đi tiểu đau
Đau bên hông, bụng dưới hoặc vùng háng
Khó tiểu hoặc không tiểu hết
Rất mót tiểu thường xuyên
Mất kiểm soát bàng quang
Sốt
Bệnh đường tiết niệu có thể gây ra các triệu chứng trên, nhưng các bệnh nghiêm trọng hoặc tình trạng sức khỏe khác cũng có thể gây các triệu chứng giống như vậy. Nên tìm sự trợ giúp y tế để tìm hiểu nguyên nhân gây ra chứng đi tiểu thường xuyên và điều trị nó.
Bạn không có quyền gửi bài viết Bạn không có quyền trả lời bài viết Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn Bạn không có quyền tham gia bầu chọn