TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Catfishing
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Catfishing

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Cà Kê Dê Ngỗng
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 10776

Bài gửiGửi: Thu Dec 20, 2018 12:00 am    Tiêu đề: Catfishing

Catfishing


Danh từ mới mẻ “catfishing” xuất hiện từ cuốn phim “tài liệu” năm 2010 của Nev Schulman ghi chép những câu chuyện lừa gạt tình yêu qua mạng ảo. Để giải thích, ông Schulman kể chuyện ngư phủ vận chuyển cá tuyết (cod fish) từ Alaska đến Hoa Lục. Chuyến đi nhiều ngày nên khi đến nơi, cá tuyết mệt lừ nên thịt bở rệt và chẳng còn bao nhiêu mùi vị. Để “chữa cháy”, các ngư phủ nghĩ ra việc chứa cá chứa trong những bồn nước lớn trên tàu, và thả thêm vào các bồn nước ấy những con cá trê (catfish). Cá trê là “cá lớn” sẵn sàng săn đuổi cá bé hơn nên cá tuyết luôn tìm cách trốn tránh. Chính những con cá trê kia khiến [thịt] cá tuyết săn và đầy đủ hương vị vì phải bơi lội, ẩn trốn ngày đêm! Nôm na, “catfish” có nghĩa là kẻ lừa gạt để đoạt mục đích săn tình. Người bị săn luôn phải đoán [mò], phải cẩn thận và phải khôn ngoan để tránh bị lừa (catfished).



Chữ “Catfishing” chính thức xuất hiện trên tự điển the Merriam-Webster phiên bản 2014 và được giải thích như sau: “catfish” là người ngụy tạo tiểu sử cá nhân trên mạng xã hội để thu hút đối tượng [họ] ưa thích. Catfish hay “cá trê” không còn là tên riêng của một loài cá nước ngọt mà người Việt nấu canh chua rất ngon dù cá trê trơn tuột, khó nắm giữ như trong câu “cá trê chui ống”, mô tả những câu hứa hẹn thề nguyền nói xong rồi quên tuốt! Như thế trong tiếng Việt, cá trê [trơn tuột] cũng được dùng để mô tả sự dối gạt? ‘Catfishing’ là một hành động dối gạt người cả tin bằng sự giao tiếp qua môi trường xã hội ảo.

Có nhiều loại ‘catfish’ hay ‘cá trê’ khác nhau, tùy theo mục đích sử dụng để lừa gạt, nhưng nói chung, catfish là người hay dối trá. Họ tạo ra nhiều câu chuyện lớn nhỏ, nhiều tình huống khác nhau nhưng tụu trung vẫn chỉ để lừa dối, gạt tình.

Loại cá trê [dối gạt để] trả thù: Người này cho rằng đã bị lừa gạt bởi đối tượng hoặc bởi người thân của đối tượng nên bày ra một nhân vật lãng mạn, tình tứ để câu con mồi.

Loại cá trê rảnh rỗi, không có chuyện chi để làm cho qua ngày đoạn tháng nên dùng mạng ảo để tiêu khiển, họ đặt chuyện để “câu” con mồi ngây thơ, mời gọi rủ rê kẻ lạ hoặc ngay cả người đã từng quen biết. Kết tình với con mồi chỉ để giải trí.


Diane Oat ​​Meara (trái), người bị kẻ nào đó sử dụng hình cho nhân vật hư cấu Lennay Kekua, để gạt chàng cầu thủ Manti Te Muffo (phải).


Loại cá trê [đang] âm thầm say đắm đối tượng nhưng không đủ can đảm để tỏ tín; vị thiếu tự tin, cho rằng họ không xứng đáng nên bày ra một nhân vật mới để kết bạn [qua mạng ảo]. Nổi tiếng nhất là chuyện cầu thủ banh cà na Manti Te’o, kết thân với một cô gái [ảo] tên Lennay Kekua và người đẹp chết [giả] vì bệnh hoại huyết. Chàng cầu thủ đăng đàn kể chuyện thất tình khiến bá tánh mủi lòng, xót xa gửi lời chia buồn ào ào. Câu chuyện vỡ ra khi có người hỏi tới, và nhờ việc điều tra của thám tử riêng, Manti Te’o tìm ra rằng chẳng có con người nào tên Lennay Kekua cả. Đây là một câu chuyện hoàn toàn giả! Nghĩa là chàng cầu thủ bị gạt đến nơi đến chốn bởi một cái quạt [fan] vô danh!

Loại cá trê nguy hiểm chuyên đặt chuyện để phá phách và gây khổ đau cho kẻ khác. Phá phách và gây đau khổ cho kẻ khác khiến cá trê hài lòng [tài giỏi] và thích thú [bệnh hoạn].

Loại cá trê cô đơn thường u buồn, cần có người đối thoại nên đang đàn chưng hình ảnh thiệt hấp dẫn để thu hút khách lạ [ưa chuộng người / hình đẹp mắt]. Khi gặp được đối tượng vừa ý, cá trê và con mồi kết thân, tặng quà, ngày ngày nói chuyện và ngay cả chia sẻ những thầm kín riêng tư... Tóm lại là cá trê tìm được người khỏa lấp nỗi cô đơn. Đây là loại cá trê gây nhiều rắc rối cho kẻ bị lừa; vì khi tìm ra sự thật, con mồi bỏ chạy và cá trê đôi khi xoay ra cù cưa lằng nhằng theo đuổi.



Những dấu hiệu đặc thù của cá trê săn mồi:

    • Tự dưng một con người vô cùng hấp dẫn xuất hiện bầu bạn với ta qua mạng ảo.

    • Nhân vật này không bao giờ muốn nói chuyện qua Skype hoặc qua những “app” khác giúp con người nói, nghe và nhìn thấy kẻ đối thoại trên màn hình. Máy điện toán hoặc điện thoại của họ luôn luôn bị hỏng vì một lý do nào đó.

    • Khi câu chuyện đến hồi gây cấn, sắp sửa tan rã thì cá trê mới đồng ý gặp mặt nạn nhân. Chuyến thăm viếng [giả] cũng bị kéo dài nhiều lần và sau cùng chẳng bao giờ xảy ra; mục đích của việc hứa hẹn cũng chỉ để nạn nhân tiếp tục theo đuổi cuộc tình ảo với cá trê, càng lâu càng tốt.

    • Cá trê không bao giờ cho địa chỉ, nơi sinh sống.

    • Qua các cú điện thoại, nạn nhân không bao giờ nghe thấy những âm thanh “ngoài lề”, cá trê vô cùng cẩn thận khi nói chuyện với nạn nhân.



Tóm lại là cá trê vô cùng “trơn”, khó nắm giữ nhưng việc tìm hiểu [sự thật] không khó khăn cho lắm, có vô số các “app” để kiếm tung tích cá trê: Facebook profile; số điện thoại, Google Maps để định vị trí số điện thoại, IP của máy điện toán; tìm kiếm người [thật] bằng cách dùng Google reverse image search...



Cá trê sử dụng những gì để dụ dỗ con mồi?

– Những tấm ảnh [giả]: Từ các nhân vật có thật trong đời sống như người mẫu không nổi danh, những tấm ảnh [vừa mắt] trên mạng

– Sử dụng các tiểu sử đăng lền khên trên mạng xã hội, sửa đổi vài chi tiết lặt vặt

Rồi từ đó, bịa đặt các câu chuyện tình tiết éo le để lôi kéo người cả tin. Trên mạng ảo, đầy rẫy những câu chuyện lỡ khóc dở cười về hiện tượng cá trê (catfish) và nạn nhân [bị ‘catfished’]. Chương trình “Catfishing” của MTV là một chuyện dài nhiều tập, gom được khá nhiều các khuôn mặt đời ảo và đời thường.



Khi nào thì chuyện dối gạt [tình cảm] như catfishing trở thành “entrapment” (đặt bẫy)? Theo luật pháp Hoa Kỳ, một người bị “bẫy” (entrapped) khi bị nhân viên công lực khuyến dụ phạm tội [mặc dù họ không có ý muốn phạm tội]. ‘Entrapment’ hay [bị] gài bẫy là một cách bào chữa, biện hộ hiệu quả khi bị cáo tin rằng bị nhân viên công lực dụ dỗ, khuyến khích phạm tội. Đường ranh giữa hai sự việc kể trên xem ra rất mờ nhạt vì cả hai đều có mục đích dối trá, lừa gạt nhưng ‘catfishing’ là danh từ mô tả hành động không bị luật pháp trừng phạt như gạt tình, lấy tiếng, gây buồn phiền, đau khổ hoặc làm xấu... nạn nhân trong khi ‘entrapment’ liên quan đến tội ác và bị cáo là thường dân, phạm tội trong khi “dính dáng” đến nhân viên công lực.

‘Catfishing’ bao gồm cả việc phụ huynh giả tên con [gái] để tìm kẻ bất lương dụ dỗ trẻ em; nghệ sĩ đóng vai đồng tính để tìm kiếm kẻ nhẹ dạ hầu xin khéo những tấm hình khỏa thân dùng trong sản phẩm nghệ thuật; bạn gái giả danh một người thứ ba để “thử” lòng chung thủy của bạn tình; kẻ muốn nổi tiếng bằng cách giả danh để làm xấu một nhân vật nổi tiếng hảo ngọt...



Những yếu tố nào tạo nên trào lưu catfishing? Kết luận từ các cuộc nghiên cứu xã hội cho thấy rằng người trẻ thế giới sử dụng mạng ảo mỗi ngày một đông, và giao tiếp rầm rộ qua liên mạng để “nhận” ra con người của chính mình. Giao tiếp và tương quan xã hội [ảo] là một thước đo nhân cách, cá tính. Nhưng việc sử dụng thước đo này trở nên nguy hại cho những người [bị] cô lập, kẻ cô độc không có người thân chung quanh, thèm giao tiếp [với con người] nên dễ kết bạn và dễ say sưa rồi ghiền mạng ảo. Cái thèm muốn sự giao thiệp cộng với cái sợ bị từ chối loại bỏ trong đời sống thật đã tạo ra các vấn nạn tâm lý mới mẻ và khác thường.

Tất nhiên không phải ai cũng rắp tâm lừa dối kẻ khác nhưng vì ham muốn sự hoàn hảo nên con người hay “thêm mắm dặm muối” không nhiều thì ít, biến mình thành một khuôn mẫu đẹp hơn, giỏi hơn, dễ thương dễ mến hơn nên không lạ là những bản tiểu sử cá nhân đăng trên liên mạng đều rất thu hút. Khi gửi một tấm ảnh, ai cũng chọn cho mình một tấm ảnh ưng ý nhất, đẹp hơn, trẻ hơn... con người “thật”...



Tiểu sử nào hấp dẫn lại đi kèm những tấm hình bắt mắt đều được bá tánh xúm lại khen lao và muốn kết bạn [bè] nên không lạ là ai cũng thêm thắt, làm đẹp cho mình. Cuộc ganh đua [âm thầm] diễn ra hàng ngày, thì ra mạng ảo khuyến khích cổ võ những hành động kể trên!? Vả lại, trên mạng ảo, con người có thể đóng vai hoàng tử công chúa, đi rong chơi, ăn uống, hưởng thụ... miễn phí và đem khoe bá tánh sự sung túc, hạnh phúc [thầm mong ước] của mình, thỏa mãn biết bao? Từ đó, ‘catfishing’ ra đời.



Một yếu tố khác quan trọng không kém là cá trê không mấy khi gánh chịu “hậu quả”, trả giá nặng nề cho việc lừa dối trên mạng ảo. Cùng lắm là chỉ bị cộng đồng mạng ném đá một thời gian, rồi mọi việc chìm xuồng đi vào quên lãng nhất là khi chẳng mấy người biết rõ nhân dạng cá trê. Phá phách, chế diễu, gây khổ đau... nhưng ít khi bị trừng phạt khiến con người có khuynh hướng dễ bê bối, cẩu thả, liều lĩnh và đôi khi độc ác.



Nói chung, tình huống xã hội hiện nay dẫn đến ‘catfishing’; mỗi ngày cá trê một tài tình, hay ho hơn. Tuy nhiên, sự việc này trở nên quá phổ thông nên bá tánh không còn dễ bị rù quến. Khi rong chơi trên mạng, người ta đã cẩn thận hơn trừ những đứa trẻ mới lớn, còn ngây thơ và cả tin. Phụ huynh, do đó, giữ một vai trò vô cùng quan trọng khi tìm hiểu con em, cần tìm hiểu cả bạn bè thật và ảo hầu hướng dẫn đứa trẻ kịp thời.

lltran

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Cà Kê Dê Ngỗng Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân