Mây tím

Ngày tham gia: 24 Oct 2007 Số bài: 10806
|
Gửi: Wed Jun 13, 2018 11:49 pm Tiêu đề: Làm thế nào để dịch tiếng Anh trôi chảy hơn |
|
|
Làm thế nào để dịch tiếng Anh trôi chảy hơn
| | | |  | | | | |
Một trong những vấn đề mà người Việt gặp phải khi dịch tiếng Anh sang ngôn ngữ mẹ đẻ, đó là văn bản dịch nghe rất giống... văn dịch. Tức là lời văn không được mềm mại, tự nhiên như khi viết bằng tiếng Việt, mặc dù vẫn biểu đạt đúng và đủ ý. Vậy phải làm sao để vượt qua khó khăn này?
Khi nói về dịch thuật, người ta thường phân thành hai trường phái: dịch theo từ (literal translation) và dịch thoát ý (free translation). Dịch theo từ là kiểu dịch của... Google Translate, tức là trong văn bản gốc có bao nhiêu từ thì văn bản dịch cũng có bấy nhiêu chữ, thậm chí còn cố gắng giữ cấu trúc câu càng giống với văn bản gốc càng tốt. Dịch thoát ý, ngược lại, chỉ nhắm vào việc truyền tải đúng và đủ thông điệp mà văn bản gốc muốn nói đến, và không bị bó buộc bởi những cấu trúc câu rườm rà hoặc ngoại lai. Dĩ nhiên, đây chỉ là cách phân loại cho dễ hiểu đối với người ngoài, còn trong ngành dịch thuật còn có nhiều lý thuyết dịch (translation theory) khác nữa, nếu bạn nào thích có thể tự tìm đọc thêm. |
| | | |  | | | | |
Gần đây, một anh bạn có chia sẻ với tôi rằng anh không biết phải dịch làm sao cho trôi chảy, vì nếu dịch thoát nhiều quá thì sợ sai mất ý của tác giả. Để trả lời cho câu hỏi này, tôi xin mượn hình tượng “ngón tay chỉ trăng” trong điển tích Phật giáo. Các vị thiền sư thường ví lời giảng của mình như là ngón tay chỉ trăng. Mục đích của ngón tay là giúp cho người đối diện thấy được mặt trăng, chứ bản thân ngón tay không phải là mặt trăng. Tương tự như vậy, mục đích của bất cứ văn bản nào, dù dài hay ngắn, là để truyền tải một thông điệp đến người đọc. Bản thân từng chữ trong văn bản đó không phải là thông điệp.
Lấy ví dụ khác: Mỗi khi bạn ghé thăm một phi trường hay khách sạn bên Anh hoặc Mỹ, bạn sẽ thấy dòng chữ “Welcome”. Dòng chữ này là để chào đón các du khách đến thăm và thể hiện lòng mến khách của gia chủ. Khi dịch chữ này sang tiếng Việt, một số người sẽ dùng chữ “Hoan nghênh”. Nhưng bạn thử nghĩ xem, khi mời khách vào nhà, bạn có nói... “Hoan nghênh” hay không? |
| | | |  | | | | |
Chính vì sự cứng nhắc trong dịch thuật, mà ngay cả những trang báo lớn như VOA đôi khi cũng xuất hiện những câu chữ rất ngô nghê như, “Đây là một tắc nghẽn giao thông mà mọi người lấy làm hài lòng bị vướng vào.” (?) Dĩ nhiên, nếu rành tiếng Anh, bạn hoàn toàn có thể truy ngược lại câu gốc và hiểu được lối chơi chữ của tác giả, thế nhưng câu văn dịch chẳng những không thể truyền tải được lối chơi chữ này, mà còn khiến cho câu văn trở nên trúc trắc, lủng củng và gần như tối nghĩa.
Như vậy, điều kiện tiên quyết để dịch cho hay, là bạn phải nắm vững được ngôn ngữ gốc – mà quan trọng nhất là ngữ pháp và từ vựng. Khi đã nắm vững hai lĩnh vực này rồi, thì dù bạn dịch thế nào cũng không thể sợ sai được.
Với ngữ pháp, bạn cần hiểu đúng vai trò của từng chữ và quan hệ giữa các vế trong câu, nhận dạng được các cấu trúc câu phức tạp, và khi cần thiết, có thể chuyển đổi (paraphrase) một câu phức tạp thành nhiều câu đơn giản hơn mà vẫn giữ đủ ý. Điều này rất quan trọng, bởi tiếng Anh có nhiều cấu trúc và quan hệ chằng chéo, thậm chí chỉ cần đổi một vài tiền tố, hậu tố là có thể thay đổi nghĩa của câu. Trong khi đó, tiếng Việt lại không có đặc điểm này, nên khi dịch những câu tiếng Anh phức tạp mà cứ cố giữ nguyên cấu trúc, thì văn bản dịch rất dễ bị rối. |
Bên cạnh đó, để văn bản dịch trở nên gần gũi với người đọc hơn, bạn có thể đọc thầm những câu văn vừa dịch, xem chúng đã trôi chảy, mạch lạc chưa. Lý do là vì khi đọc sách báo, chúng ta thường đọc thầm các câu chữ trong đầu. Vì thế, mỗi khi gặp một câu văn trúc trắc, gượng gạo, tốc độ đọc sẽ tự nhiên giảm xuống, tạo cảm giác rằng đoạn văn kém trôi chảy hơn.
Và điều cuối cùng, bí quyết để dịch Anh-Việt hay, đó là bạn phải đọc thật nhiều sách báo ở cả hai ngôn ngữ, để làm quen với lối hành văn của người bản địa. Khi văn phong của từng ngôn ngữ đi vào tiềm thức của bạn, thì việc chuyển đổi một thông điệp từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác sẽ diễn ra tự nhiên, và không bị lệ thuộc vào hình thức bề ngoài của từng ngôn ngữ nữa. Đăng Trình |
|
|
|
|
|