Gửi: Sun Jun 03, 2018 11:20 pm Tiêu đề: 14 linh vật đi vào lịch sử FIFA World Cup
14 linh vật đi vào lịch sử FIFA World Cup
Trong mỗi mùa giải World Cup, sẽ có một linh vật được thiết kế riêng, vừa mang những điểm đặc biệt đại diện cho nước chủ nhà, vừa đề cao tinh thần thể thao. Với thiết kế đáng yêu và năng động, các linh vật không đơn thuần là biểu tượng cho một mùa giải, mà còn tạo nên rất nhiều thiện cảm cho người hâm mộ bóng đá trên toàn thế giới. Cùng điểm qua các linh vật đã đi vào lịch sử World Cup.
Willie
Chú sư tử Willie – World Cup England 1966
Linh vật đầu tiên trong lịch sử FIFA World Cup là Willie, đại diện cho nước chủ nhà Vương quốc Anh vào năm 1966.
Willie là chú Sư Tử bận đồng phục có màu cờ Anh, trong tư thế đá bóng. Willie được chính tay họa sĩ vẽ truyện thiếu nhi Reg Hoye thiết kế dựa trên hình mẫu là con trai của ông tên Leo. Leo cũng có nghĩa là ‘sư tử’ trong tiếng Latinh, mà sư tử cũng là đại diện cho nước Anh nữa.
Nhưng thời điểm mà Willie được công bố ra thế giới lúc đó, tivi vẫn chưa có màu, nên chàng Sư Tử Anh này chỉ được biết tới bởi hình ảnh trắng đen, mãi về sau cả thế giới mới biết màu 'thật' của Willie.
Juanito
Cậu bé Juanito – World Cup Mexico 1970
Đại diện cho World Cup ở Mexico vào năm 1970 là cậu bé Juanito. Cậu bận đồng phục thể thao màu xanh chủ đạo, đội chiếc nón sombrero truyền thống. Cậu bé có nét mặt tròn trịa với nụ cười thân thiện, trong tư thế gác chân lên trái bóng, được xem là biểu tượng cho sự vô tư và công bằng trong thể thao.
Juanito may mắn hơn Willie vì vào thời điểm đó, cả thế giới đã có thể tận mắt xem hình ảnh thật của cậu với màu sắc sống động.
Alemania
Alemania – World Cup Germany 1974
Thiết kế dành riêng cho mùa giải World Cup năm 1974 tại Đức là hai cậu bé Tip và Tap đứng sát cánh bên nhau, bận trang phục đá bóng có hàng chữ ‘WM 74’, viết tắt của ‘Weltmeisterschaft 74’, có nghĩa là ‘World Cup 74’.
Vào thời điểm đó, hai cậu bé Tip và Tap này là đại diện cho mong muốn thắt chặt tình đoàn kết giữa Đông Đức và Tây Đức.
Gauchito
Gauchito – World Cup Argentina 1978
Hình ảnh cậu bé Gauchito đại diện cho World Cup Argentina năm 1978 trong trang phục bóng đá sọc xanh trắng truyền thống của Nam Mỹ. Cậu đeo chiếc khăn vàng quanh cổ và tay cầm chiếc roi.
Gauchito đã bị đem ra so sánh phong cách của Juanito năm 1970 vì cả hai có quá nhiều điểm tương đồng.
Naranjito
Naranjito – World Cup Spain 1982
Tây Ban Nha đã hoàn toàn bức phá khỏi hình ảnh quen thuộc của linh vật là hình người hay thú, thay thế bằng biểu tượng trái cam, vì vốn dĩ cam là loại quả được trồng nhiều nhất tại đất nước này.
Naranjito bận trang phục đại diện của bóng đá Tây Ban Nha, trên tay cầm trái bóng, và miệng nở nụ cười. Hình ảnh được xem là mô tả sự thay đổi trong chế độ chính trị của Tây Ban Nha, khi chế độ độc tài chính thức chấm dứt, và người dân đất nước này đang nhìn về tương lai với sự lạc quan và kỳ vọng.
Pique
Pique – World Cup Mexico 1986
Lại một lần nữa Mexico đăng cai World Cup và họ đã quyết định chọn một linh vật mới hoàn toàn khác với Juanito, và thế là Pique ra đời. Linh vật này mang hình dạng trái ớt xanh ‘jalapeno’ nổi tiếng, đội chiếc nón sombrero truyền thống. Nhà thiết kế còn đặc biệt vẽ thêm bộ râu mép cho Pique.
Pique xuất phát từ ‘picante’, trong tiếng Tây Ban Nha vốn chỉ những loại ớt với mùi vị đặc biệt, luôn được dùng trong ẩm thực truyền thống. Hàm ý ở đây là chỉ sự đam mê và cuồng nhiệt dành cho bóng đá.
Ciao
Ciao – World Cup Italy 1990
Đại diện cho World Cup ở Ý năm 1990 là Ciao, linh vật mang hình dáng trừu tượng, kết hợp từ những chiếc gậy có màu cờ Ý để tạo thành một cầu thủ bóng đá với trái bóng đặt ở phần đầu.
Linh vật này nhận được không ít lời khen và cả lời chê từ phía người xem. Người khen thì bảo rằng đây là biểu tượng của sự đơn giản, nhưng người chê thì bảo rằng có vẻ như Ý không mấy để tâm vào việc thiết kế biểu tượng cho World Cup.
Striker
Chú chó Striker – World Cup U.S.A 1994
Hoa Kỳ đã quyết định sử dụng linh vật hình thú để đại diện cho kỳ World Cup thứ 8 năm 1994. Linh vật này là một chú chó với phong thái rất tự tin của người ghi bàn, đúng với cái tên “Striker”.
Striker bận đồng phục có màu chủ đạo theo cờ Hoa Kỳ với dòng chữ ‘USA 94’, được thiết kế bởi chính hãng phim nổi tiếng Warner Brothers.
Footix
Footix – World Cup France 1998
Gà trống là một trong những biểu tượng quốc gia của Pháp. Chính vì lý do đó mà Footix hiển nhiên được chọn trở thành linh vật cho World Cup 1998 đăng cai tại đất nước này. Màu sắc của Footix là màu đặc biệt của cờ Pháp.
Cái tên “Footix” được người dân bầu chọn giữa những các tên khác như Zimbo, Houpi, Raffy và Gallok. Cuối cùng Footix chiến thắng với tỉ lệ 47% trong 18,500 lượt bầu chọn.
Spheriks
Ato, Kaz và Nik – The Spheriks, World Cup South Korea and Japan 2002
World Cup đầu tiên trong lịch sử được đăng cai tại châu Á vào năm 2002 bằng sự kết hợp của hai quốc gia là Nhật và Nam Hàn. Hai vị chủ nhà này đã đồng thiết kế 3 linh vật Ato (màu cam), Kaz (màu tím) và Nik (màu xanh).
Cả ba nhân vật này được gọi là ‘Spheriks’, thành viên của đội ‘Atmoball’, là một môn thể thao bóng đá tưởng tượng, với Ato là huấn luyện viên, Kaz và Nik là hai cầu thủ.
Cái tên ‘Spheriks’ cũng được quyết định qua một cuộc bầu chọn với 980,000 phiếu bầu từ người dân của cả hai quốc gia.
A FIFA handout photo shows the official mascot of the 2006 FIFA World Cup in Germany named "Goleo VI"
Goleo and Pille – World Cup Germany 2006
Chú sư tử thứ hai trong lịch sử linh vật World Cup được Đức thiết kế với cái tên Goleo. Goleo bận chiếc áo đồng phục của đội tuyển bóng đá Đức, được in số ‘06’. Đồng hành với Goleo là trái bóng tên Pille.
Thế nhưng linh vật này đã nhận phải nhiều lời phê bình vì vốn dĩ sư tử không phải là loài thú biểu tượng cho truyền thống Đức, là lại thường đại diện cho các đối thủ khác như Anh hoặc Hà Lan.
Zakumi
Zakumi – World Cup South Africa 2010
Giải World Cup 2010 đăng cai tại Nam Phi đã dùng hình ảnh chú báo đốm Zakumi màu vàng làm linh vật. Zakumi có chiếc bờm màu xanh lá, và khoác trên người chiếc áo có dòng chữ ‘South Africa 2010’.
Màu xanh và vàng là hai màu đại diện cho các đội thể thao quốc gia của Nam Phi. Cái tên Zakumi được ghép từ chữ Za (South Africa) và Kumi, chỉ con số 10 trong tiếng châu Phi, tức là năm 2010.
Fuleco
Fuleco – World Cup Brazil 2014
Chú Tatu ba đai, một loại động vật thuộc bộ thú có mai đã được chọn làm linh vật cho World Cup 2014 diễn ra tại Brazil, được gọi là Fuleco. Thông điệp mà nước chủ nhà gửi đến thế giới khi sử dụng một trong những loài động vật đang phải đối mặt với nguy cơ tiệt chủng này, là lời kêu gọi về việc bảo vệ môi trường.
Fuleco là sự kết hợp của Futebol (football) và Ecologia (ecology), với hình ảnh con thú Tatu làm đại sứ đã khuyến khích các quốc gia thành viên trên thế giới cùng chung tay tổ chức mùa giải World Cup thân thiện với môi trường.
Zabivaka
Zabivaka – World Cup Russia 2018
Chú sói Zabivaka đại diện cho World Cup tại Nga năm nay hứa hẹn sẽ làm cho nhiều người hâm mộ yêu thích bởi hình dáng rất dễ thương và năng động.
Zabivaka trong tiếng Nga có nghĩa là “người ghi bàn”. Chú sói này sẽ không đơn thuần là ‘hoạt náo viên’ cho các trận cầu lịch sử, mà bản thân Zabivaka sẽ trở thành ngôi sao cho mùa giải này bởi hơn 1 triệu người đã bầu cử cho chú trong cuộc bình chọn linh vật. Chú đã đánh bại hai đối thủ nặng kí khác là mèo và hổ để trở thành linh vật thứ 14 bước vào lịch sử FIFA World Cup.
Bạn không có quyền gửi bài viết Bạn không có quyền trả lời bài viết Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn Bạn không có quyền tham gia bầu chọn