TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Đảo Ikaria: nơi các cụ già quên chết!
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Đảo Ikaria: nơi các cụ già quên chết!

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Cà Kê Dê Ngỗng
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 10781

Bài gửiGửi: Sun Mar 25, 2018 11:49 pm    Tiêu đề: Đảo Ikaria: nơi các cụ già quên chết!

Đảo Ikaria: nơi các cụ già quên chết!

Cụ Gregoris Tsahas, 100 tuổi, hút 20 điếu thuốc mỗi ngày đã qua 70 năm.
Hình: Eirini Vourloumis


Từ 70 năm nay, ngày nào cụ Gregoris Tsahas cũng “rít” hết một gói thuốc lá. Vậy mà cụ vẫn được xem là một những người có tuổi thọ cao nhất tại Đảo Ikaria, Hy Lạp. Ngoài một lần bị giải phẫu để cắt ruột thừa, cụ già 100 tuổi này chưa một ngày biết thế nào là đau yếu. Cụ cho biết, ngoài một bao thuốc lá, ngày nào cụ cũng uống 2 ly rượu đỏ. Nếu gặp bạn bè hoặc những dịp đặc biệt, cụ tăng thêm vài ly.

Sống lâu lại có một cuộc sống hạnh phúc, cụ nói rằng bí quyết để có một hôn nhân bền vững là đừng bao giờ về nhà trong tình trạng say mèm.

Nằm trên đỉnh một ngọn đồi trên Đảo Ikaria là một quán cà phê quen thuộc, cách nhà cụ khoảng một cây số. Mỗi ngày hai lần, cụ đều leo lên quán cà phê này để ngồi tán gẫu với bạn bè. Một cây số leo lên, một cây số bò xuống, vị chi ngày nào cụ cũng đều đi bộ 4 cây số. Tại các nước Tây Phương, ngay cả nhiều người chỉ bằng nửa số tuổi của cụ Tsahas cũng không lập được một thành tích như thế về đi bộ.



Những người như cụ Tsahas không phải là hiếm tại Ikaria, một hòn đảo nằm ở phía đông của Địa Trung Hải, cách bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 60 cây số với diện tích khoảng 250 cây số vuông và dân số không tới 9000 người. Ikaria trông không khác các đảo khác của Hy Lạp bao nhiêu: cũng đồi núi, đá lởm chởm và các vườn cây ô liu. Nhưng điểm khác biệt và nổi bật của Đảo Ikaria là: người dân ở đây có tuổi thọ cao hơn rất nhiều nơi trên thế giới. Trung bình, tuổi thọ của họ cao hơn người dân Âu Châu và Mỹ Châu đến 10 năm. Cứ 3 người Ikaria thì có một người sống trên 90 tuổi. Không những thế, tỷ lệ bị ung thư và bệnh tim mạch cũng thấp hơn nhiều. Ở tuổi già, các cụ vẫn tiếp tục vận động cơ thể và có đời sống tình dục bình thường. Vậy đâu là bí quyết sống thọ và khỏe mạnh của người dân Đảo Ikaria?

Ikaria, tên của đảo, bắt nguồn từ một nhân vật trong thần thoại Hy Lạp tên là Icarus. Theo thần thoại, Icarus là con của Daedalus. Hai cha con đã chế được “máy bay” làm bằng lông chim và sáp để trốn ra khỏi Đảo Crete. Người cha đã cảnh cáo con không được bay gần mặt trời vì sáp bị nóng có thể chảy tan. Nhưng trong cơn sảng khoái vì được bay lên khỏi mặt đất, người con đã không nghe lời cha. “Chiếc máy bay” bằng sáp của cậu đã chảy tan và rơi gần Đảo Ikaria.


Dinh dưỡng của người dân Ikaria: Rau trái hái từ vườn, và rất nhiều dầu ô liu. Hình Andrea Frazzetta / LUZphoto


Cùng với Đảo Sardinia của Ý, Okinawa của Nhật Bản, Nicoya của Costa Rica và Loma Linda ở Tiểu bang California, Hoa Kỳ, Ikaria nằm trong một số vùng đặc biệt có tuổi thọ cao được các nhà khoa học gọi là “vùng xanh” (blue zones). Về tuổi thọ của người dân đảo này, trường Đại học Athens của Hy Lạp đã thực hiện một cuộc nghiên cứu. Tiến sĩ Christina Chrysohoou, một chuyên gia về tim mạch thuộc trường Đại học Athens, là một trong những người đã góp phần thực hiện cuộc nghiên cứu này. Tiến sĩ Chrysohoou cho biết: ăn rất nhiều đậu, giảm thiểu tối đa thịt và đường là nét nổi bật nhất trong cách dinh dưỡng của người dân Ikaria. Rau xanh, mà một số đặc sản vốn có khả năng chống “oxit hóa” cao gấp 10 lần rượu đỏ, cũng là món ăn ưa chuộng của người dân Ikaria. Ngoài ra, khoai tây và sữa dê cũng luôn có mặt trong các bữa ăn của họ. Về nước uống, Tiến sĩ Chrysohoou cho biết: người dân Ikaria uống rất nhiều nước nấu từ các loại rau cỏ đặc biệt trên đảo. Hơn nữa, vì Ikaria là một hòn đảo biệt lập, nhất là các làng ở phía bắc, du khách ít tìm đến cho nên cách sống của họ ít bị “Tây phương hóa”.

Nhưng bên cạnh đồ ăn thức uống, Tiến sĩ Chrysohoous còn ghi nhận một nét độc đáo trong cách sống của người dân đảo Ikaria: đó là họ có thói quen ngủ trưa! Một cuộc nghiên cứu về người lớn tại Hy Lạp cho thấy rằng ngủ trưa đều đặn có thể giảm nguy cơ bị đột quỵ đến 40 phần trăm. Một điều khác cũng đáng ghi nhận trong cách sống của người dân đảo này là: 80 phần trăm đàn ông Ikaria tuổi từ 65 đến 100 vẫn còn sinh hoạt tình dục đều đặn!

Tại một ngôi làng nhỏ có tên là Nas nằm phía bắc Đảo Ikaria có một quán nổi tiếng có tên là Quán Thea. Thea Parikos là một phụ nữ Mỹ gốc Ikaria. Sau nhiều năm sinh sống ở Mỹ, bà đã trở về Ikaria, lập gia đình với một người địa phương và mở quán. Du khách có thể đến đây để thấy được cách dinh dưỡng đặc trưng của người dân Ikaria. Lúc nào trên bàn ăn cũng có rượu đỏ sản xuất “tại gia” và các loại rau quả trong vườn. Nói chung nhà nào cũng tự canh tác và làm rượu lấy để uống. Nhà nào cũng đãi khách với những món ăn tương tự và lúc nào cũng tỏ ra hiếu khách, mặc dù họ không giàu có như các nơi khác. Kinh tế Hy Lạp vẫn chưa thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng và Ikaria, vốn đã nghèo, cho nên chịu nhiều thiệt thòi hơn. Có đến 40 phần trăm dân chúng Ikaria đang thất nghiệp. Chính vì vậy mà tự canh tự túc đã trở thành hoạt động kinh tế chính của người dân Ikaria. Đây cũng chính là bí quyết sống thọ của người dân Ikaria. Khi được hỏi làm thế nào để được khỏe mạnh, các cụ ông tuổi từ 90 đến 100 đều trả lời: “cuốc đất”. Cụ ông Nikos Fountoulis đã 93 tuổi, nhưng trông chỉ mới 70. Ngày nào cụ cũng vậy, cứ 8 sáng cụ leo lên một ngọn đồi để chăm sóc bầy súc vật và ngôi vườn của mình. Cuộc sống cơ cực, nhưng cụ luôn cảm thấy vui và hài lòng.

Nghèo nhưng vẫn tương trợ nhau: đó là một trong những nét nổi bật trong truyền thống của người dân Ikaria. Trong thời Đệ nhị Thế chiến, khi hòn đảo này bị người Ý và người Đức chiếm đóng, rất nhiều người Ikaria đã chết đói. Theo thống kê, có đến 20 phần trăm dân số của đảo chết đói. Nhiều người cho rằng luật đào thải trong Thuyết Tiến hóa của Charles Darwin đã được ứng dụng trong tuổi thọ của người dân Ikaria: những thành phần sống lâu là những người đã vượt qua được những khó khăn và thử thách trong cuộc sống.

Sau Đệ nhị Thế chiến, hàng ngàn đảng viên cộng sản và tả khuynh bị Chính phủ Hy Lạp đày ra Ikaria. Truyền thống tương trợ và chia sẻ của người dân Ikaria lại có cơ hội được thể hiện và củng cố. Tất cả những người bị đày đến đảo đều được nâng đỡ để sống còn nhờ tấm lòng quảng đại và chia sẻ của người dân trên đảo.


Kostas Sponas, 100 tuổi, đang cắt bánh mì cho bữa trưa trong nhà của ông ở làng Evdilos. Hình: Eirini Vourloumis


Riêng người dân Ikaria, hầu như bất cứ cụ già nào cũng đều có một câu chuyện về khổ đau để kể lại. Kostas Sponsas là một cụ già đã mất một chân trong một vụ nổ bom tại Albania trong thời chiến tranh. Nếu không được những người đồng hương Ikaria cứu giúp, cụ đã chết vì mất máu rồi. Đã 100 tuổi và chỉ có một chân, nhưng trông cụ vẫn còn khỏe mạnh như người bình thường. Mỗi ngày cụ đều ra cửa tiệm mà cụ đã khai trương cách đây vài chục năm. Cụ đã quyết tâm không để thất vọng mỗi khi nghĩ đến một chân đã mất của mình. Cụ luôn tâm niệm với lời khuyên của ông nội cụ: “Hãy luôn biết ơn bởi vì không có gì xảy ra là tệ hại cả”.

Ngoài cuộc chiến đấu nội tâm để không bị buồn phiền, thất vọng, trầm cảm hay cô đơn quật ngã, bí quyết sống thọ của cụ Sponsas chính là không bao giờ ăn đồ chiên xào. Cụ luôn ngủ nhiều và lúc nào cũng mở cửa sổ phòng ngủ. Cụ tránh ăn thịt và chỉ uống trà từ rau cỏ, nhưng lúc nào cũng phải uống rượu đỏ trong bữa ăn.

Cũng như người dân Đảo Sardinia, người Ikaria rất xem trọng gia đình. Trên đảo này, hai ba thế hệ cùng sống chung dưới một mái ấm gia đình là chuyện thường tình: người già luôn sống trong gia đình cùng với con cái, cháu chắt và được chăm sóc cho tới chết. Cụ Sponsas khẳng định: “Có gia đình bên cạnh sẽ làm cho bạn cảm thấy mạnh hơn và an toàn hơn”.

Cách nhà cụ Sponsas vài phút đi bộ là nhà của cụ bà Evangelia Karnava. Tại Ikaria, nếu bạn hỏi tuổi của bất kỳ ai, họ đều nói đến năm sinh. Cụ bà Karnava cho biết cụ sinh năm 1916. Nhanh nhẹn, nói năng hoạt bát và hùng hồn chẳng khác nào một chính trị gia, cụ cho biết đã mất hai người con gái trong thời kỳ chiến tranh. Nhưng nói đến gia đình, lúc nào cụ bà cũng hãnh diện khoe có 3 người con, 7 người cháu, 4 đứa gọi bà bằng bà cố và một đứa khác gọi bà bằng bà sơ. Bà bày tỏ hy vọng: “Tôi sẽ sống đến 115 tuổi. Bà ngoại tôi đã từng sống đến 107 tuổi”. Hiện cụ vẫn còn dọn dẹp nhà cửa và đi chợ mỗi ngày. Chỉ có điều lạ: cụ uống nhiều nước ngọt Coca-Cola. Cụ bảo: “Tôi không thể sống mà không có nó! ”



Khi nghiên cứu về các “vùng xanh”, các chuyên gia đều chỉ ra cách dinh dưỡng như một trong những yếu tố chính giúp gia tăng tuổi thọ của con người. Trong những “vùng xanh”, người dân cũng đã từng trải qua những giai đoạn khó khăn trong cuộc sống. Những thử thách trong cuộc sống khiến con người phải chiến đấu. Như vậy ý chí sống còn là một yếu tố quan trọng trong tuổi thọ của con người. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, đời sống gia đình và xã hội mới là yếu tố chính giúp gia tăng tuổi thọ. Lúc nào trên đảo cũng có những sinh hoạt xã hội. Già trẻ, nam nữ, lớn bé đều tham gia vào các cuộc khiêu vũ ngoài trời. Cuộc sống khắc khổ, con người được bù trừ bằng các lễ hội.

Mikis Theodorkis là một nhạc sĩ nổi tiếng đã từng bị đày ra Đảo Ikaria. Ông là tác giả của phim nhạc Zorba the Greek từng được diễn trên sân khấu Anh Quốc. Là một thành phần tả khuynh, ông đã bị đày ra Đảo Ikaria vào cuối thập niên 1940. Kể về giai đoạn này, ông nói rằng cảnh đẹp của Đảo Ikaria và lòng hiếu khách của người dân ở đây đã mang lại cho ông những tháng ngày đẹp nhất trong đời. Theo ông, người dân Ikaria đã liều mạng sống của họ để bày tỏ lòng quảng đại đối với ông. Hơn bất cứ điều gì khác, chính tấm lòng quảng đại này đã giúp ông vác lấy gánh nặng của khó khăn và thử thách trong cuộc sống đày đọa của mình.

Tựu trung, có nhiều yếu tố giúp gia tăng tuổi thọ của con người. Ngoài cách dinh dưỡng, một cuộc sống xã hội lành mạnh cũng có thể khỏa lấp hay bù đắp cho nhiều bất cập và tiêu cực trong cuộc sống. Uống Cola-Cola nhiều như cụ bà Karnava hay hút thuốc lá liên tục như cụ ông Tsahas mà vẫn sống thọ. Riêng cụ ông Tsahas mách cho chúng ta một cách uống rượu đỏ rất lành mạnh: pha nước vào rượu, nhiều hay ít tùy khẩu vị; uống trong bữa ăn, ngay cả khi ngồi với bạn bè; lúc nào cũng phải uống với người khác: nhờ nói chuyện sẽ uống chậm hơn; nếu đi dự tiệc và đã uống thì cũng đừng ngại ra nhảy với bạn bè, đó là một cách vận động tốt.

Vận động cơ thể đương nhiên là một điều tốt cho sức khỏe. Nhưng đối với người dân Ikaria, nhất là các cụ, tinh thần thoải mái và lạc quan mới thật sự là điều quan trọng. Các cụ thoải mái và lạc quan đến độ Ikaria được mệnh danh là một “hòn đảo nơi người dân quên chết”

Đoàn Thi
Nguồn: theguardian.com

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Cà Kê Dê Ngỗng Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân