TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Đỏ đen ở Đại Thế Giới
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Đỏ đen ở Đại Thế Giới

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9789

Bài gửiGửi: Tue Mar 14, 2017 1:20 pm    Tiêu đề: Đỏ đen ở Đại Thế Giới
Tác Giả: Trang Nguyên

Đỏ đen ở Đại Thế Giới

Ảnh và chú thích của một tờ báo Mỹ ghi rằng: Sòng bạc Đại Thế Giới là sòng bạc lớn nhất ở Đông Dương, mỗi năm thu về 9 triệu đô la tiền thuế


Xỉu – tài: nhìn thấy dễ ăn

Tiền đặt con xỉu – Tài lăn trình làng

“Hối chỏ” tài phán vang vang

Thua mười ăn một héo đời dân chơi

Qua người bạn lớn tuổi giới thiệu, tôi gọi điện cho ông M. ở Dallas – một người ở tuổi thất thập cổ lai hy để nghe vài câu chuyện về thời đỏ đen của ông tại sòng bạc Ðại Thế Giới (Casino Grande Monde) nổi tiếng nhất Sài Gòn cách nay hơn nửa thế kỷ. Sài Gòn thuở ấy còn có sòng bạc Kim Chung ở khu vực chợ Cầu Ông Lãnh sau khi TT. Ngô Ðình Diệm ra lệnh đóng cửa vào năm 1955 trở thành chợ Dân Sinh). Riêng miếng đất rộng gần ba hécta thuộc sòng bạc Ðại Thế Giới thì nghe ông M. nói trở thành khu tập võ và múa lân của các đội võ thuật Chợ Lớn, cho đến sau năm 1975 không biết miếng đất đó được trưng dụng cho công trình gì rồi trở thành Trung tâm Văn hoá Q.5.


Chợ Dân Sinh ở khu vực cầu Ông Lãnh hồi xưa là sòng bài Kim Chung – Ảnh: Internet


Ông M. kể thời đó đâu phải Sài Gòn chỉ có hai sòng bạc Ðại Thế Giới và Kim Chung, mà còn một sòng bạc không tên nằm ở khu vực chợ Bình Tây ngày nay chuyên mở các sòng tài-xỉu thu hút hầu hết người Hoa Chợ Lớn. Ông nhớ hồi thời tướng Bảy Viễn – khi ấy làm Ðô trưởng cảnh sát Sài Gòn và được vua Bảo Ðại bổ nhiệm làm Tổng trấn Sài Gòn – Gia Ðịnh nắm quyền điều hành sòng bạc Ðại Thế Giới vào năm 1952 – thì sòng bạc này lúc nào cũng tấp nập người đến tìm vận may. So với sòng bạc Kim Chung đa phần khách đánh bạc là dân đen, phu phen thợ thuyền chợ búa, thì Ðại Thế Giới sang trọng hơn bội phần, đủ mọi hạng khách, nhiều nhất là công chức, sĩ quan và các tay nhà giàu trong nước và cả triệu phú châu Á vẫn thường ghé qua Sài Gòn làm ăn tìm thời vận qua gái gú bài bạc. Hàng ngàn bóng đèn màu sáng choang từ trong ra tới ngoài dọc theo đường Trần Hưng Ðạo. Các tiệm ăn, vũ trường nhờ đó được ăn theo, phát triển, kẻ tới người đi như một khu vui chơi hào nhoáng thực thụ.

Khách đánh bạc tới đây, có người lắm của bạc tiền làm ăn lớn ở Sài Gòn và điền chủ các tỉnh, không hiếm hoa khôi mệnh phụ phu nhân cũng tìm tới. Những giai thoại đầy trên sách báo về các hoa khôi đam mê cờ bạc được nhiều người nhắc đến như cô Ba Trà về sau chết không chỗ chôn thân, hay người đẹp Hà Thị Tám may mắn trở thành vợ của Bảy Viễn; sau khi ông Diệm cắt quyền kinh doanh các sòng bạc ở Sài Gòn, dẹp tan Bình Xuyên, Bảy Viễn thoát thân mang gia đình lưu vong sang Pháp.


Sòng bạc Đại Thế Giới - chốn đỏ đen khét tiếng một thời của Sài Gòn xưa.


Việc dọn dẹp các sòng bài của ông Diệm, nhất là khu Ðại Thế Giới – một ổ kinh doanh sòng bạc, phòng hút thuốc phiện và mãi dâm làm dân chúng thời đó vui mừng vì thân nhân, vợ chồng, con cái của họ không còn cơ hội bước chân đến địa ngục trần gian nộp tiền cho chủ, vướng vào cảnh nợ nần cầm cố nhà cửa, có người thắt cổ tự vận, có người nhảy cầu Bình Lợi chấm dứt cuộc đời, đầu thai làm con ma đỏ đen. Việc triệt tiêu các sòng bài cũng là một mũi tên bắn trúng hai đích: dứt bỏ “loạn quân” với mục tiêu chính trị và quét sạch ổ tệ nạn xã hội đem bình yên cho dân chúng làm ăn. Nhưng dẹp các sòng bạc công khai thì những con ma mê đánh bạc lại tụ tập những ổ đánh bạc chui được tổ chức khắp nơi ở Sài Gòn.

Lần theo chuyện xưa tích cũ trong “Bến Nghé xưa” của nhà văn Nam Sơn, ngay từ lúc chiếm Gia Ðịnh, người Pháp đã cho phép người Hoa Chợ Lớn thầu sòng bạc để thu ngân sách và làm cho dân chúng lãng quên chính trị. “Nghị định ngày 26/7/1861 cho phép công khai các sòng bạc ở Chợ Lớn. Ðại khái, có nội quy, thí dụ cấm cờ bạc ngoài đường sá, cấm đàn bà trẻ con vào sòng, có nhân viên cảnh sát kiểm soát trật tự, định giờ mở cửa và đóng cửa nhưng chỉ là hình thức. Cuối năm 1861, lại cho phép mở rộng sòng bạc đến Sài Gòn, rồi năm sau cho phép ở các tỉnh miền Ðông. Ði đôi với sòng bạc, cho phép mở ổ mãi dâm”. Chính quyền Pháp cho công khai cờ bạc nhằm thu thuế, còn hơn để con bạc chơi lén lút, tệ nạn tràn lan mà ngân khố không có thêm đồng nào.

Tác giả Thượng Hồng viết trong bài “Trùm tài phiệt đỏ đen Sáu Ngọ” rằng: Sau thập niên 20 của thế kỷ trước, cuộc sống người dân còn nghèo nên thú vui là trò đỏ đen. Ðánh bạc mong đổi đời, lại vừa thoả tính ngông cuồng như những tay hảo hán Tư Mắt, Sáu Ngọ trước đó và đương thời của các ông trùm sòng bạc chui ở Chợ Lớn – Sài Gòn. Bấy giờ thầy Sáu Ngọ nổi danh như cồn, người ta thường có câu cửa miệng: “Cờ bạc mà được như Sáu Ngọ thì hãy nên cờ bạc! ” Nhờ làm trùm cờ bạc mà Sáu Ngọ trở thành tỷ phú của đất Sài Gòn. Và Sáu Ngọ đương nhiên trở thành cái gai trong con mắt của chính quyền, gần như ông trở thành kẻ đối đầu, thách thức, trong khi nhà nước đang bảo hộ các sòng bạc hợp pháp công khai.


Sòng bạc tại Ma Cao trong thế kỷ trước


Những sòng bạc do nhà nước dựng lên có quy mô nhỏ do đó thuế thu vào cũng rất cò con. Trong cuốn “Giai thoại về các tỷ phú Sài Gòn xưa”, tác giả Thượng Hồng ghi tiếp: “Vào năm 1937, khi Sài Gòn thành lập hai sòng bạc Ðại Thế Giới và Kim Chung thì Lâm Giống, người Hồng Kông, có cổ phần tại hai sòng bạc lớn ở Macau đã có mặt. Giai thoại về ông này được thêu dệt một cách tình tiết. Từ một người nghèo đánh giày, chạy bàn quán ăn, rồi trở thành trùm cờ bạc y như phim “Thần bài” của Hồng Kông, trở nên giàu có. Nghe nói ông ta đấu thầu được quyền khai thác sòng bạc Ðại Thế Giới với giá 10 triệu đồng (nên nhớ vào những năm đó, giá một lượng vàng chỉ trên dưới 100 đồng) và chịu đóng thuế 200 ngàn đồng mỗi ngày cho công quỹ. Ngay từ lúc mở cửa, khách đánh bạc tới Ðại Thế Giới nườm nượp. Theo một tài liệu khác ở các báo chí thời đó, tiền đóng vào công quỹ tăng lên, 300 ngàn rồi 500 ngàn đồng một ngày. Ngành kinh doanh cờ bạc trở thành miếng đất béo bở cho các tay trùm giang hồ mafia dòm ngó cho dù chiến tranh thế giới lần 2 đang diễn ra, người Nhật vào Việt Nam.


Bảy Viễn một thời từng làm chủ sòng bạc Đại Thế Giới trước khi TT Diệm ra sắc lệnh đình chỉ hoạt động ngành cờ bạc tại Sài Gòn năm 1955 Ảnh: LIFE


“Trong suốt thời kỳ chiến tranh Thế giới thứ 2, khi khắp nơi điêu đứng vì chiến tranh, kinh tế suy sụp thì ở Sài Gòn – Chợ Lớn, hai sòng bạc Ðại Thế Giới và Kim Chung vẫn bình yên mở cửa ngày đêm... Khi Thế chiến chấm dứt, cũng là lúc Lâm Giống ngự trên đỉnh cao giàu sang. Cho đến đầu thập niên 50, một ‘khắc tinh’ của Lâm Giống đã loại y ra khỏi cuộc chơi” (Trích “Làm giàu từ Ðại Thế Giới – Thượng Hồng).

Người đó là Bảy Viễn, ông giành lấy quyền thầu Ðại Thế Giới bằng cách chơi súng đạn. Một trái phá được ném vào Ðại Thế Giới giữa lúc đông người sát phạt đỏ đen, làm thương vong hàng chục người. Lâm Giống đành trao quyền lực lại cho Bảy Viễn khi ấy còn là đầu đảng thảo khấu Bình Xuyên, “Tư lệnh” lực lượng võ trang Bình Xuyên, chủ sòng bài Ðại Thế Giới kiêm... tỷ phú! Sau này khi làm Ðô trưởng Sài Gòn, sòng bạc Ðại Thế Giới tổ chức thêm loại hình giải trí cho thêm hoành tráng.

Tôi cứ nghĩ casino ngày xưa đẹp lộng lẫy, có khách sạn, hý trường sân khấu như các casino ngày nay, nhưng ông M. nói, chẳng có gì ngoài khu chơi trò xe điện có cảnh sát đứng xét giấy tờ tùy thân. Loại trò chơi này dành cho con nít, nhưng người Sài Gòn thấy lạ lắm. Ðèn màu trên xe kêu chíp chíp, chạy qua chạy lại, xe này đụng xe kia rầm rầm. Lúc vào, ai nấy hớn hở, sau một hồi ghé mấy sòng tài xỉu, khi trở ra ai cũng lặng thinh với cái mặt đưa đám.


Các cô gái chia bài trong sòng bạc ở Macao xưa sau một ngày làm việc vất vả.


Ông M. kể tiếp chuyện của mình: “Sở dĩ tuần nào tôi cũng lui tới Ðại Thế Giới trong nhiều năm là do cha tôi có tiệm buôn lụa vải rất lớn ở Sài Gòn, chỉ cần hỏi tiền là ổng đưa. Tôi ham đến đó, một mặt vì không biết trò gì tiêu khiển cuối tuần, nhậu nhẹt cũng không, dù thanh niên Sài Gòn hồi xưa cũng nhậu như điên chẳng khác gì ngày nay. Hút xách cũng không, trong khi khắp nơi đầy các tiệm hút thuốc phiện cám dỗ, chỉ cà phê thuốc lá, chơi bài bạc chút ít cũng không đến nỗi. Vậy mà bước vào thế giới này rồi, hình như con ma bài nó nhập, thua riết cháy túi, cha tôi giận quá ra lệnh nếu tôi không bỏ bài bạc, ổng đăng báo từ tôi.

“Trong Ðại Thế Giới có roulette, hốt me (có người gọi đánh me), tài xỉu. Không thấy có bài lá bài cào, xì dách hay xì phé. Có cả ghi đánh số đề xổ tận Hồng Kông nhưng ít người chơi. Thời gian sau này không còn các sòng bài thì người chơi bạc hào hứng với số đề. Hốt me là người ta dùng hột me mà hốt với cái chén sau đó giở ra, phân thành từng nhóm bốn hạt. Số hạt còn lại tương ứng với các cửa đặt cược: yêu (1), lượng (2), tam (3), cúc (4). Còn Tài xỉu là chơi 3 hột xí ngầu với tổng số điểm lớn – nhỏ. Xỉu từ 4 đến 10. Tài từ 11 đến 17, ngoài ra còn có Bảo: tức là ra ba con giống nhau và vài luật khác, nói ra dông dài. Ba hột xí ngầu được lắc trong cái ống gỗ sơn mài màu đen úp lên cái dĩa gỗ phẳng mặt. Con xẩm hồ lì nào cũng xinh đẹp, mặc xường xám xẻ hông, trên ngực áo bên trái đính chiếc khăn voan (không biết làm dáng hay lau mồ hôi tay), cầm ống lắc đưa tay lên cao lắc lắc, miệng kêu dẻo quẹo: ‘Hối... chỏ’ (chuẩn bị mở, rồi lại tiếp tục kêu: ‘Hối tắc... la’ (khui), con bạc nào thua, cô nàng quơ cây que cào gom đống tiền mặt, ai trúng cứ thế mà chung, lại tiếp tục ván khác.

“Có lần tôi đặt xỉu thua đến sáu lần liên tiếp, mà con xẩm lắc cứ ra tài. Theo kinh nghiệm, ít ai thua liên tiếp từ ván thứ bảy trở đi, tôi quyết định dồn hết tiền vào cửa xỉu. Tim tôi đập mạnh hơn, con xẩm lắc hộp xí ngầu đặt xuống bàn hô mấy tiếng ‘hối... tắc... la’ mà lòng tôi đau điếng: ‘lại tài’. Lúc đó đầu tôi choáng váng muốn ngã xuống xỉu luôn. Sau lần đó, nếu không nhờ cha tôi ra biện pháp mạnh, chắc tôi đã trở thành con ma bài chết không mồ chôn rồi chứ đâu có cửa sau này tôi lấy vợ, tiếp nhận công việc buôn bán của cha tôi. Thế nhưng sau 1975, tôi không đánh bạc mà thua bại sản, gia đình tôi bị đánh tư sản, lần này thua trắng mới đau.”

Trang Nguyên
Nguồn: baotreonline.com

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân