TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Làm gì khi con, cháu nghiện ma túy?
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Làm gì khi con, cháu nghiện ma túy?

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Mẹo Vặt
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9785

Bài gửiGửi: Fri Sep 16, 2016 11:14 pm    Tiêu đề: Làm gì khi con, cháu nghiện ma túy?

Làm gì khi con, cháu nghiện ma túy?


Ma túy, đặc biệt là cần sa và ma túy đá, đang trở thành một vấn nạn trong xã hội Úc. Số liệu cho thấy khoảng 15% thiếu niên tại Úc từ 12-17 tuổi đã thử qua cần sa, trong khi 1 trong 50 người trẻ đã từng sử dụng cocanie hoặc amphetamine.


Cơn nghiện ma tuý phổ biến trong giới trẻ


David là một người Úc gốc Việt. Anh di dân đến Sydney vào năm 8 tuổi, và đã từng thử hút cần sa trong lúc học trung học. Đó cũng là lần cuối cùng anh thử loại ma túy này, do không thích mùi vị của nó.

Nhưng đến năm 19 tuổi, anh chuyển sang dùng heroin.

"Ma tuý đem lại cảm giác đê mê và thư giãn cho các giác quan. Nó khiến bạn mất đi sự minh mẫn, và không còn bận tâm tới mọi chuyện trên đời."

Khi hết tiền chơi thuốc, David nhận làm cò ma túy, và 3 năm sau thì bị bắt giam. Anh đánh vật suốt 20 năm cho đến khi quyết định tìm kiếm sự hỗ trợ y tế.

"Năm nay tôi đã bốn chục tuổi. Tôi nhìn một người nghiện ma tuý sáu chụ tuổi và nghĩ, mình không muốn bị lệ thuộc vào ma tuý ở độ tuổi này. Đã đến lúc tôi phải thay đổi."

Gia đình của David không hề biết việc anh bị nghiện trong gần 20 năm.

"Đó sẽ là một nỗi nhục. Bất kỳ rắc rối nào cũng đều mang lại tai tiếng cho gia đình, nói chi là ma tuý. Ba mẹ tôi đều là những công dân mẫu mực, thế nên tôi đã giấu họ chuyện ấy."

Giáo sư Maree Teesson thuộc Trung tâm Nghiên cứu Ma túy và Rượu bia Quốc gia, Đại học New South Wales, cho biết đa số thanh thiếu niên Úc đều sử dụng rượu bia hoặc ma túy một hai lần trong đời.

"Chất gây nghiện được sử dụng phổ biến nhất ở độ tuổi 12-17 là rượu bia và thuóc là. Còn nói về các loại thuốc bất hợp pháp thì có cần sa. Nhưng nó không quá phổ biến; chỉ có 1 trong 8 thiếu niên đã từng sử dụng cần sa trong năm qua. Còn những loại ma túy khác như thuốc lắc và methamphetamine thì tỉ lệ sử dụng chỉ là 1 trên 50."

Còn ông Kelvin Chambers, giám đốc Trung tâm Đa văn hóa Giáo dục về Ma túy và Rượu bia tại New South Wales, cho biết vấn đề không chỉ nằm ở các chất kích thích trên.

"Thông thường chúng tôi nhận thấy nguyên nhân gây nghiện ở thanh thiếu niên không chỉ là do ma túy và rượu bia. Nó thường bao gồm một loạt các vấn đề khiến cho các em phải tìm đến ma túy để tiêu khiển. Thế nên khi bố mẹ phát hiện con mình bị nghiện ma túy, thông thường đó chỉ là một phần của vấn đề, chẳng hạn như các em gặp áp lực tại trường học, trong các mối quan hệ, hoặc gặp những vấn đề gây căng thẳng khác trong cuộc sống."

Trong khi một trong số năm người tại Úc sử dụng một ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh tại nhà, số liệu cho thấy trong năm 2012-2013, gần 87% các ca tư vấn cai nghiện là của những người sinh ra tại Úc.



Ông Chambers lý giải điều đó đó thể liên quan đến tâm lý kỳ thị người nghiện tại các cộng đồng sắc tộc. Ngoài ra, những căng thẳng khi di dân đến một môi trường mới cũng có thể khiến người ta tìm đến ma túy.

"Những mâu thuẫn giữa các thế hệ khi di dân đến một đất nước mới. Có rất nhiều áp lực khi họ hòa nhập vào cộng đồng mới, và họ cũng mang theo rất nhiều tập tục từ cố hương. Thông thường chúng tôi nhận thấy những đứa trẻ thích nghi kém thường dễ sa ngã."

Dom Ennis là quản lý của đường dây Trợ giúp Thanh thiếu niên Nghiện rượu và ma túy. Ông đã giúp đỡ các gia đình bị ảnh hưởng bởi ma túy tại Úc trong suốt 20 năm qua.

Rất nhiều trong số những bệnh nhân của ông đến từ những đất nước đã xảy ra chiến tranh hoặc ly tán, chẳng hạn như Việt Nam.

"Những đứa trẻ ấy lớn lên tại Úc, bị giằng xé giữa hai nền văn hóa và cảm thấy lạc lõng. Nhân sinh quan của chúng không tương thích với những kỳ vọng của ông bà và cha mẹ, nhưng đồng thời chúng cũng cảm thấy không thuộc về xã hội Úc."

Ông Ennis cho biết những cộng đồng di dân mới cũng trải qua những vấn nạn tương tự.

"Thời gian gần đây, tuy không quá phổ biến, nhưng chúng tôi nhận thấy trường hợp tương tự ở những di dân trẻ gốc Trung Đông hoặc Phi Châu. Và nó giúp chúng tôi thoát khỏi tư tưởng cũ rằng các vấn đề về ma túy thường là hành vi cá nhân và xuất phát từ những lựa chọn sai lầm của cá nhân."

Ông Theo Chang, Giám đốc Chương trình hỗ trợ gia đình có con nghiện ma túy (Family Drug Support) cho biết các bậc cha mẹ di dân thường gặp khó khăn trong việc thông đạt với con cái.

"Đối với nhiều gia đình di dân, việc đặt chân đến một vùng đất mới đã là một chuyện không tưởng, đã vậy họ còn phải làm việc cật lực để chu cấp cho con cái những thứ mà bản thân họ chưa từng được hưởng. Thế nên đối với nhiều gia đình, việc phát hiện con em sử dụng ma túy cũng giống như một cú tát vào mặt vậy. Nó làm rối loạn cuộc sống thường ngày của họ."


phụ huynh nên giữ bình tĩnh và không xét đoán con cái


Nếu bạn cho rằng có một thành viên trong gia đình đang sử dụng ma túy, các chuyên gia khuyên rằng bạn nên bắt đầu bằng một cuộc thảo luận cởi mở và trung thực.

Giáo sư Maree Teesson gợi ý một số câu hỏi mở như sau.

"Nếu quý vị phát hiện con trẻ đang rút mình ra khỏi gia đình và xã hội, hoặc chơi với một nhóm bạn khác, lơ là việc học, có biểu hiện bạo lực hoặc trầm cảm, hoặc hỏi mượn một số tiền lớn, thì hãy khoan kết luận là chúng nghiện ma túy. Chúng tôi khuyên quý vị nên trò chuyện với con cái, điều mà nhiều gia đình đang bỏ bê."

Còn ông Kelvin Chambers thì khuyên các bậc phụ huynh nên giữ bình tĩnh và không xét đoán con cái.

"Hãy hỏi vì sao con lại làm như vậy? Điều gì đã xảy ra? Hãy bắt đầu cuộc trò chuyện bằng cách tạo cảm giác an toàn và thoải mái."

Chương trình Better Health của chính phủ Victoria khuyến khích các bậc phụ huynh tìm hiểu kỹ về các loại ma túy, và thay vì đưa ra "tối hậu thư" cho con, các cha mẹ nên giáo dục các em về những rủi ro về sức khỏe khi sử dụng ma túy.

Ông Kelvin Chambers cũng cảnh báo về tình trạng kỳ thị người nghiện ma túy trong các cộng đồng di dân.

"Những gia đình có con bị nghiện thường rút mình khỏi các mối quan hệ xã hội, là thứ mà họ đang cần. Điều họ nên làm là chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ từ một loại các dịch vụ mà các trung tâm cộng đồng cung cấp, cũng như tìm cách giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ gia đình."

Chương trình ParentLink của chính phủ ACT cung cấp những lời khuyên chi tiết cho những bậc cha mẹ có con nghiện ma túy. Họ khuyên rằng bạn nên thể hiện tình thương và sự cảm thông, đồng thời củng cố những giá trị gia đình.

Ông Theo Chang cho rằng không chỉ thanh thiếu niên mà cả các bậc cha mẹ cũng cần hỗ trợ.

"Chúng ta có hai phản ứng trái chiều ở đây: một mặt thì người nghiện vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ ma túy; mặt khác, gia đình và người thân thì trải qua một loạt các giai đoạn cảm xúc khác nhau: bắt đầu bằng thái độ chối bỏ, sau đó thì trở nên cực kỳ xúc động, đau đớn, tức giận, sợ hãi, lo lắng, mặc cảm tội lỗi và nhiều điều khác nữa."


Cai nghiện ma tuý tốn kém như thế nào?


Việc có con em nghiện ma túy đã khiến hàng trăm gia đình tại Úc phải trả một cái giá rất đắt cho quá trình cai nghiện. Nhiều người đã phải thế chấp nhà cửa, vay ngân hàng hoặc rút tiền khỏi quỹ hưu trí để giải cứu con khỏi vòng tay của nàng tiên nâu.

Gia đình Butters tại Bacchus Marsh đã tốn hàng ngàn Úc kim để gửi con gái đến một trung tâm cai nghiện tư nhân.

Trong suốt tám tháng, Tiarni Butters, 19 tuổi đã sống với nhiều tay buôn ma túy khác nhau. Cha cô là Wayne Butters đã phải nghỉ việc để tìm kiếm cô, theo các manh mối trên Facebook.

Lúc đầu, Tiarni tìm cách trốn tránh vì không muốn ba mẹ nhìn thấy mình trong tình cảnh nghiện ngập, nhưng một vụ thanh toán giữa các tay buôn ma túy đã khiến cô tỉnh ngộ.

Do các trại cai nghiện cộng đồng đã kín chỗ, ông bà Butters buộc phải gửi Tiarni vào một trung tâm tư nhân, với giá tiền cơ bản là 30,000 Úc kim/ 3 tháng.

Đó là một khoản tiền xứng đáng, nhưng vấn đề nằm ở chỗ: Tìm đâu ra 30,000 Úc kim? Ông Wayne và vợ là Renee bật khóc.

"Tôi không muốn phải bán nhà. Tôi đã mất 2 năm để xây dựng ngôi nhà này, và chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm đẹp tại đây. Tôi không muốn mất tất cả."

Họ tìm kiếm sự giúp đỡ từ một nhân viên cộng đồng, người đã gọi khắp các trại cai nghiện ở Victoria để thương lượng một mức giá dễ chịu hơn. Cuối cùng họ tìm được một nơi đồng ý với mức giá 15,000 Úc kim, với điều kiện phải đặt cọc 5,000 Úc kim.

Wayne gọi cho một người bạn để mượn tiền, đồng thời rao bán chiếc xe hơi của mình. Tối hôm đó, gia đình Butters chỉ còn vẻn vẹn 139 Úc kim trong tài khoản, nhưng cô con gái Tiarni sẽ được nhập trại vào ngày mai.



Đây không phải là một trường hợp cá biệt. Trên khắp đất Úc, hàng trăm bậc cha mẹ đã phải bán nhà để gửi con đi cai nghiện. Và bởi một khóa cai nghiện không bao giờ là đủ, nhiều gia đình đã phải trả hơn 60,000 Úc kim tiền chữa trị, thế mà đứa con vẫn chưa hết nghiện.

Vào năm 2015, có hơn 32,000 trường hợp yêu cầu cai nghiện trên khắp nước Úc. Con số trên gần như gấp đôi so với 5 năm trước. Nhiều trung tâm cai nghiện tư nhân đã và đang được mở ra để đáp ứng với nhu cầu này.

Thế nhưng, những trung tâm này không chịu sự quản lý của bất kỳ bộ luật hay quy định cụ thể nào cả. Ông Ruben Ruolle, chủ nhiệm khoa Ma Túy và Rượu Bia tại trung tâm Western Health, Melbourne, cho biết.

"Tôi có thể mở một trung tâm cai nghiện vào ngày mai, thuê nhân viên không đủ trình độ, chạy các khóa cai nghiện, và có thể thu bộn tiền mà không bị ai hỏi han gì. Cần phải sớm tiến hành điều tra những tổ chức dạng này."

Giáo sư Dan Lubman từ Trung tâm cai nghiện Turning Point Drug & Alcohol Centre cũng có ý kiến tương tự.

"Nhiều người tưởng rằng khi họ bỏ tiền cho các trung tâm tư nhân thì họ sẽ nhận được dịch vụ tốt hơn là hệ thống y tế công cộng. Thế nhưng không có gì bảo đảm cho chuyện đó. Nhiều trường hợp, theo tôi, thì còn tệ hơn là trong bệnh viện công nữa."

Sau bốn tuần trong trại cai nghiện, Tiarni đang dần hồi phục. Cô cho biết, nếu không vào trại, có lẽ cô sẽ tiếp tục sử dụng ma túy. Và đó là lý do những bậc cha mẹ như ông bà Butters sẵn sàng chi một số tiền lớn cho việc chữa trị.

Đăng Trình
Nguồn: sbs.com.au

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Mẹo Vặt Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân