Gửi: Fri Jun 27, 2008 6:21 pm Tiêu đề: VĨNH HY ƠI!...CHÀO GIÃ BIỆT!... Tác Giả: THANH NGÂN
VĨNH HY ƠI!... CHÀO GIÃ BIỆT!...
THANH NGÂN
Sau khi tốt nghiệp Đại Học Văn Khoa, trường học đầu tiên mà tôi bước chân vào nghề dạy học thực sự, đó là Trường Trung Học Duy Tân, miền gió cát. Gần ba mươi năm làm nghề dạy học, tôi lúc nào cũng tỏ ra là một cô giáo tận tụy trong nghề nghiệp! Rồi thời cuộc đổi thay, sau biến cố tháng tư, năm một chín bẩy lăm, tôi đã trải qua dạy học ở nhiều trường khác, vừa dạy học ở nhiều trường, vừa dạy học thêm ở nhà để kiếm sống. Tôi rất yêu con tôi và yêu học trò! Tôi rất tha thiết mong muốn con chúng tôi nên người, không nghèo, không khổ, không côi cút như tôi thời thơ ấu. Tôi bất chấp mọi cay đắng trong đời, tôi hy sinh cả hạnh phúc của cá nhân tôi, tôi làm việc miệt mài hăng say để tạo cho con tôi một mái ấm gia đình, có một cuộỉc sống khá hơn mẹ chúng nó. Tôi tin tưởng rằng trời không phụ lòng người.
o0o
Trong khoảng thời gian dạy học ở quê nhà, một trong những kỷ niệm khó quên trong cuộc đời dạy học của tôi, đó là cuộc cắm trại ở Vĩnh Hy, mùa hè năm 1992. Đó là một dấu ấn, một kỷ niệm thật khó quên!
Vĩnh Hy, một làng biển thuộc tỉnh Ninh Thuận, Việt Nam, vào mùa hè, thời tiết oi bức và nắng ở Phan Rang như thiêu đốt da người. Nói đến cắm trại, có học sinh nào mà không nhốn nháo, và có thầy, cô giáo nào mà không hớn hở, vui tươi, do đó sách vở để qua một bên. Trước mùa nghỉ hè, mỗi năm nhà trường chúng tôi thường tổ chức đi cắm trại ở những nơi rất quen thuộc như Bình Sơn hoặc Ninh Chữ, và năm nay chúng tôi đi xa hơn, Vĩnh Hy...!
Công việc chuẩn bị rất chu đáo, từ Hiệu Trưởng đến giáo viên, học sinh, ai ai cũng chuẩn bị thức ăn, nước uống tương đối tươm tất, riêng dụng cụ cắm trại giao cho các thầy và các em học sinh nam. Lần này được đi xa, ra vùng biển Vĩnh Hy, cách thị xã Phan Rang dăm cây số là một dịp hiếm hoi, ít khi xẩy ra cho chúng tôi.
Buổi sáng hôm ấy, ba chếc xe ca bắt đầu lăn bánh, tiếng hát của lũ học trò vang lên trên đường ra biển. Gió biển thật mát và khi đến Dư Khánh là đã thấy biển rồi, chúng tôi thật sự rời khỏi thành phố nóng Phan Rang...
"Đèo cao thì mặc đèo cao...!
Nhưng lòng yêu nước còn cao hơn đèo...!
Dô ta! Là hò dô ta..."
Vui lắm! Phải nói là vui lắm...! Tôi không có bút mực nào tả nổi! Đi một chập... tíếng cô Hiệu trưởng reo to: "Vĩnh Hy đây rồi!" Mọi người chồm tới phía trước xe và ngước mắt nhìn thật xa khi nhìn thấy một vùng trời, một biển mênh mông xanh biếc, bao la trong tầm mắt.
Đẹp ơi là đẹp! Đẹp vô cùng đất nước ta ơi!
Đoàn người lao xuống xe, tràn về phía biển. Họ hăm hở, náo nức chiêm ngưỡng, hít thở không khí mát lành, quá xá đã!
Ba mươi phút giải lao... Tôi và các em tập vài động tác thể dục như chạy bộ mấy vòng trên bãi biển, sau đó, dưới sự hướng dẫn của trưởng đoàn, chúng tôi tập hợp về các lớp. "Lớp nào ra lớp nấy. Chỉ có khối lớp 8 và 9 đi thôi, và lớp nhỏ không được đi."
Trong phút chốc, các lều trại đã được các em học sinh dựng lên gần bên nhau trong không khí thi đua! Một sự khó khăn mà chúng tôi phải giải quyết, đó là nguồn nước uống. Ở vùng bãi biển, nước ngọt để nấu nướng và uống rất hiếm hoi. Do đó, chúng tôi phải đi thật xa nơi cắm trại để tìm nguồn nước cung cấp này. Lớp tôi được phân công đi lấy nước ngọt! Chúng tôi đã len lỏi đi vào các khe đá, hốc núi tìm nguồn nước và khệ nệ ôm, rinh các thùng nhựa đầy ắp nước mang về trại. Sau đó đi quơ thêm các cây củi khô và rinh các cục đá núi về làm bếp "dã chiến".
Bữa trưa đầu tiên, tất cả nấu ăn tập thể (nấu ăn chung), nên khi thức ăn đã sẵn sàng thì mọi người dọn bữa ăn ra và cùng nhau "chén" một bữa thật no nê để rồi nghỉ ngơi bù lại đi đường xa mệt nhọc. Nằm nghe sóng biển đập vào bờ rì rào như một điệp khúc, nhưng mắt tôi không rời các chú nghêu lểnh nghểnh chung quanh, dấu chân trên cát của các em chạy giẫm các nơi trên bờ và xa xa... vài cánh buồm thấp thoáng trên sóng nước. Chiều lại. Tôi và các em học sinh lén theo các ghe ra biển, xem họ đánh cá. Con thuyền rời bến và mang chúng tôi đi thật xa... rời khỏi bờ khoảng một dặm, từ nơi ấy chúng tôi chỉ thấy trời mây, nước mênh mông, núi thăm thẳm một màu. Lúc bấy giờ tôi cảm thấy con người thật nhỏ, nhỏ như hạt cát giữa bãi sa mạc. Có dịp tiếp xúc, quan sát cách đánh cá của các bác, các chú ngư chài, tôi nhận thấy cuộc sống của họ thật mộc mạc, đơn giản. Tất cả đều vất vả, đen đúa chắc nịch...
Quê hương của tôi là thế đấy! Một giọng nói: "Lớp 9A đâu rồi? Đã bốc thăm thi nấu cơm chưa?" Thật hú hồn, chúng tôi vừa về kịp lúc, nếu không thì bị Cô Hiệu trưởng quở phạt rồi! Thi bịt mắt nấu cơm! Thật là một trò chơi táo bạo và lạ lùng mở đầu mục thi đua, vì với đôi mắt mở trao tráo mà nấu cơm còn chưa chín, huống hồ bịt mắt, nhắm mắt, tôi nghĩ vậy. Bên cạnh đó, còn có những khó khăn khác, như gió biển thổi lồng lộng, nồi niêu không có, củi lửa tự tạo lấy... Khổ ơi là khổ! Cực ơi là cực! Lọ chảo, lọ nồi, quẹt tứ tung...! Lấm lem, lấm luốt tùm lum!
Buổi tối văn nghệ! Các tiết mục đơn ca, đồng ca, thi kể chuyện, câu đố, làm trò cười được ghi danh và trình diễn rất sôi nổi, những tiếng hát, tiếng ca, tiếng đàn, tíếng trống hòa lẫn với tiếng sóng vỗ rí rào vào bờ, tạo thành một âm thanh thật kỳ diệu... vui đáo để...
Mười một giờ đêm, tiếng kẻng báo "ngủ"! Có người lăn đùng ra ngủ say như chết. Gió biển mát mẻ và trong lành, tha hồ mà ngủ! Trong số chúng tôi, có người, vì lạ chỗ, không ngủ được, còn có người thao thức để nhìn trời, nhìn biển, tâm sự với sóng, với biển và mỗi người một niềm riêng trong mộng.
Ngày hôm sau là ngày đi tham quan một vài thắng cảnh Vĩnh Hy. Chúng tôi đi mỏỉ cả chân, leo lên triền núi, ngồi nghỉ chân trên các tảng đá, bày bánh trái ra mà ăn. Có em nghịch ngợm đi lấy nước từ trong khe núi bắn vào nhau rồi cười chí chóe. Tuổi trẻ hồn nhiên! Người dân ở đây thưa thớt, rải rác một số dân tộc, họ trố mắt nhìn chúng ôi im lặng! Toàn cảnh đẹp, cảnh thiên nhiên như bức tranh thủy mạc!
Ngày thứ ba là ngày tham dự các trò chơi, chơi bịt mắt bắt dê, nhẩy bao bố, chơi kéo co, đi tìm mật mã... đặc biệt nhất là môn thi đá bóng trên sân bãi biển. Trọng tài là cô Hiệu trưởng, hai thủ môn là nam giáo viên. Thật hào hứng và lành mạnh! Các em học sinh lớp tôi đoạt giải chung kết. Vinh dự! Tự hào!
Ngày thứ tư là ngày chuẩn bị ra về! Lệnh Nhổ trại! Dọn dẹp! Thu xếp! Mang đồ ra xe, lớp nào nhanh nhất được tuyên dương khen thưởng. Ôi chao! Mệt ơi là mệt! Cái giống gì cũng thi đua... ấy thế có thi thì có "thua đi" mà lị!
Hôm nay ngồi viết lại những dòng chữ này, những trang giấy này, người tôi như chết lịm với bao kỷ niệm cùng với lũ học trò thân thương ngày nào nơi quê hương. "Các em ơi, bây giờ các em đang ở đâu? Góc biển hay chân trời nào, có biết rằng cô đang nhớ đếân các em lắm không?
Cùng các bạn thân thương,
Cụộc sống sinh kế và thời gian đã làm tôi thay đổi rất nhiều, đôi lúc tôi không nhìn ra tôi nữa, tưởng chừng như đang đứng trước một hố thẳm. Tôi không còn cầm bút, những ngón tay thon nhỏ của tôi đã chai cứng vì công việc. Niềm suy nghĩ và cảm hứng của tôi cũng đã cạn dần và có chiều lệch hướng, mãi suy nghĩ và tôi sợ đánh mất nốt những gì còn lại ở nơi tôi, để rồi tôi không còn là tôi nữa...
Nơi đây, hằng ngày tôi phải chiến đấu một cách đơn độc và lẻ loi...
Cám ơn tập san Ninh Thuận!
Tập san Ninh Thuận đã làm cho tôi sống lại, mặc dù chỉ một thoáng sống thôi, nhưng tôi thiết nghĩ, có còn ơn không, như nhà thơ Hồ Dzuếnh đã nói:
"Thà một phút huy hoàng, rồi dập tắt
Còn hơn buồn le lói ngàn thu..."
THANH NGÂN
(Kẻ độc hành)
Được sửa bởi SNOW WHITE ngày Fri Jun 27, 2008 6:29 pm; sửa lần 2.
Bạn không có quyền gửi bài viết Bạn không có quyền trả lời bài viết Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn Bạn không có quyền tham gia bầu chọn