ĐỌC HỒI KÝ BARBARA WALTERS
Trung Đạo
(Phú Lan sưu tầm)
Thú thật tôi không thường xuyên xem các chương trình của Barbara Walters. Giản dị tôi ít khi mở TV xem ban ngày, nhất là buổi sáng hoặc đêm khuya khoắt, thời gian chương trình do bà phụ trách phát hình. Lúc mới qua thì bận bịu đi làm. Khi về hưu chỉ có buổi sáng còn nhiều sinh lực, đầu óc sáng suốt. Và tôi muốn dùng thời gian này vào việc khác hơn là dán mắt vào màn ảnh truyền hình. Tôi cũng ít xem TV vào lúc tối khuya, là lúc tôi dành để đọc sách trước khi đi ngủ. Mẫu mực này đã thành thói quen.
Bà Barbara Walters là nữ phóng viên truyền hình tên tuổi, giàu có. Bà là người đã phá vỡ cái “trần nhà bằng kiếng”, mở đường cho những thế hệ phụ nữ Mỹ sau bà, muốn sinh hoạt trong ngành truyền thông báo chí một dạo chỉ dành cho đàn ông. Bà đoạt nhiều giải thưởng. Bà đầy vẻ tự tin, nghiêm túc, như pho tượng sáp, chỉ cặp môi mấp máy khi đọc tin với giọng hơi khàn.
Tóm lại, tôi ít có dịp theo dõi bà trên Tivi, càng ít có dịp đọc về bà trong các mục tin tức sinh hoạt truyền hình.
Thế nhưng tôi đã đọc cuốn hồi ký “Audition” cuả bà với tất cả thích thú từ đầu đến cuối. Tôi thích hầu hết những câu chuyện bà kể, phần lớn liên hệ đến nghề nghiệp, những loại hậu trường (behind the scene) mà tôi vẫn yêu thích. Một số bài liên quan tới hành trình nghiên cứu, sắp xếp và thực hiện một chương trình truyền hình. Ngòai ra, đó đây, bà điểm chút mắm muối trong những chuyện đời tư, có cái rất là riêng tư nữa là khác (như mối tình của bà với một nghị sĩ da đen đã có vợ), khiến người đọc thú vị vừa ngạc nhiên ở sự chân thật của bà. Điểm lôi cuốn khác là lối hành văn đơn giản, thành thật khiêm tốn, lời kể chuyện pha chút khôi hài nhẹ nhàng. Tất cả phản ảnh tính đôn hậu hiếm thấy ở người phóng viên trong một nghề nặng tính cạnh tranh, vô tình và kỳ thị tàn nhẫn.
Bà bị đối xử kỳ thị ở những năm đầu, nhưng bà kiên trì nên sống sót. Cộng thêm là nữ lưu, có khả năng truyền cảm, nhan sắc vừa phải bên cạnh kinh nghiệm nghề nghiệp thấy rõ. Nhiều nhân vật tên tuổi, chính khách thế giới đã dành cho bà nhiều ưu ái, giúp bà qua mặt cả những tên tuổi trong giới truyền thông, kể cả cây “cổ thụ” Walter Conkrite. Đáng kể là dành được cuộc phỏng vấn lịch sử với hai kẻ thù không đội trời chung: Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat và Thủ tướng Do Thái Menachem Begin cuối năm 1977. Hoặc Fidel Castro, chưa bao giờ cho ai, mà đã chấp thuận cho bà phỏng vấn và dành cho nhóm quay phim sự thù tiếp hiếm có.
“Audition” có nghĩa thử giọng hoăc tuyển lựa, ở đây cũng có nghĩa phỏng vấn đánh gía (evaluation/ rating), đề bạt (promotion). Người ta không chỉ thử giọng mà còn xem xét dung nhan, khả năng và kinh nghiệm của người dự tuyển. “Audition” còn là sự đánh giá của khán giả trong lãnh vực truyền hình. Trong môi trường này, lúc nào cũng có sẵn những người trẻ hơn, bắt mắt hơn, giỏi hơn đang rình rập sẵn sàng đá đít để thay thế mình. Hệ thống đánh gía rất nghiệt ngã nhằm lôi kéo các công ty quảng cáo, giới đài thọ cho những cơ sở truyền hình.
Về vấn đề công việc làm, không kể mấy việc lặt vặt khi mới ra đời, bà Walters chỉ làm lâu dài cho hai hãng truyền hình NBC (1961--1974) và ABC (1974--2004). Một chi tiết nữa, đầu thập niên 1991, lúc ấy đã trên 60 tuổi, bà dự tính nhẩy thêm bước nữa từ ABC qua CBS. CBS News lôi kéo bà với hợp đồng 10 triệu Mỹ kim (số tiền khổng lồ lúc đó). Từ đó báo chí cho ra đời danh từ “The Million-Dollar Baby” khi nói về bà (trang 281). Số tiền này gấp đôi số tiền bà đang lãnh bên ABC. Cuối cùng bà bỏ ý định đó vì đã quen thuộc, thoải mái với những cộng tác viên và nơi chốn đang làm việc.“ Ở đây (ABC News), tôi đã biết phòng vệ sinh nằm ở đâu.” bà giễu cợt. Có lẽ đã thấm mệt sau mấy chục năm trong nghề, bà nói “Tôi không muốn có thêm một cuộc tuyển lựa nào nữa” (trang 399). “Tôi chán ngán hệ thống đánh gía bất công, vốn căn cứ vào thị hiếu quần chúng hơn là phẩm chất nội dung của chương trình truyền hình. Tôi thà-làm-ma-cũ một ít năm nữa trước khi về hưu.
Cuốn Audition dầy 614 trang, do nhà Alfred A. Knoff, New York xuất bản giữa năm 2008, bìa cứng, giá $29.95. Tôi mua cuốn sách này với gía rẻ mạt tại một tiệm bán sách cũ. Tôi thích lối chia sách ra thành từng chương theo thứ tự thời gian nào đó, tự nó là một bài riêng, có thể đọc nhẩy chương nếu thích. Lối viết sách phân loại từng bài ngắn thế này giúp người viết không nản chí, không phải đối diện với một dàn bài chặt chẽ đồ sộ. Tuy nhiên, có thì giờ đọc liên tục từ đầu đến cuối thì vẫn tốt hơn. Sách gồm 50 bài, không đánh số chương (tôi phải tự đếm lấy), mỗi bài có cái tựa riêng nói về một chủ đề hay một nhóm nhân vật có tiếng tăm. Ví dụ cuộc phỏng vấn tổng thống Ai Cập và Thủ tướng Do Thái trong năm 1977 đã giúp danh tiếng bà nổi bật mà bà đã mô tả chi tiết trong chương “Cuộc phỏng vấn lịch sử: Anwar Sadat và Menachem Begin”. Cũng trong cuốn này, hai nhân vật khác được dành riêng cho mỗi người một chương là “Finally, Fidel Castro” (1) và “Monica Lewinsky” (2). Ngoài ra cũng có hai chương viết về cô con gái nuôi Jacqueline bà thương như con ruột: “Ra đời trong trái tim tôi” (Born in my Heart) và “Chương Viết Khó Nhất” (The Hardest Chapter to Write) nói về liên hệ giữa hai mẹ con sau này.
Bà Barbara Walters sinh năm 1931 (tuổi Nhâm thân) tại Boston, Massachusetts. Cha mẹ gốc Do Thái, nhưng không theo sát truyền thống. Gia đình bên nội bà bỏ nơi lập nghiệp lâu đời ở Đông Âu, qua Anh lánh nạn kỳ thị cuối thế kỷ 19. Và cuối cùng đến Mỹ đầu thế kỷ 20. Gia đình mẹ bà thì sang thẳng Mỹ từ đầu. Bố mẹ bà gặp nhau ở Boston. Mẹ bà trước sau ở nhà làm công việc nội trợ và săn sóc người con gái lớn là Jacqueline (chị bà). Cô này bị chứng nói lắp, chậm phát triển. Bà Walters đã đề tặng cuốn Audition cho người chị mất sớm vì bệnh ung thư buồng trứng khi ngoài 40t. Bà tưởng nhớ đến người chị bất hạnh, không được phần phước như bà (sức khoẻ, tiền tài, danh vọng). Sách cũng đề tặng người con gái nuôi. Bà bị sẩy thai ba lần, cuối cùng thì xin con nuôi và cũng đặt tên con là Jacqueline. Bà nói “ Hai Jacqueline đã thay đổi đời tôi”.
Ông bố bà là Lou Walters, một người hoạt động sôi nổi trong ngành giải trí. Ông sản xuất, dàn dựng ra nhiều show lộng lẫy, tốn kém cho Casino tại Las Vegas (Tropicana, Bally). Điều trớ trêu là “cái” nghề nghiệp đã đưa Barbara lên đài danh vọng lại là “cái” đã giết chết sự nghiệp của ông bố bà. Khi truyền hình ra đời, người ta ít đi hộp đêm mà ngồi nhà cùng gia đình, thưởng thức các show trên Tivi. Kết quả ông bị sạt nghiệp, không phải một mà nhiều lần. Từ đó gánh nặng mưu sinh của gia đình rớt xuống vai bà. Walters phải làm việc cực nhọc để nuôi gia đình gồm cha mẹ và người chị bệnh tật.
Bà tốt nghiệp cử nhân Anh văn tại Sarah Lawrence College, Bronxville, N.Y năm 1953. Sau đó Barbara sang Châu Âu làm những công việc lặt vặt, kể cả làm người mẫu cho công ty Carven ở Paris, chuyên sản xuất thời trang cho phụ nữ nhỏ con. Rồi bà bị ông bố gọi về, áng chừng lo cho thân gái dặm trường nơi xứ người. Về Mỹ, bà đi làm cho công ty quảng cáo trong thời kỳ TV đang đi những bước chập chững. Thỉnh thoảng bà cũng thực hiện những đoạn phim quảng cáo cho đài truyền hình. Kế tiếp bà phụ trách thu dụng nhân viên và lãnh vực nhân sự cho hãng tuyển người. Kinh nghiệm làm việc tại studio và phỏng vấn giúp bà rất nhiều sau này, khi bà chen chân vào ngành truyền hình.
Năm 1961, Walters được tạp chí lớn Redbook mời cộng tác viết bài quảng cáo, Công việc nhàm chán. nhưng vì sinh kế, bà không có sự lựa chọn. Bà viết “Tôi nghĩ đến những người đàn ông, lúc đó, cũng phải làm những công việc nhàm chán, bám trụ cho đến khi tìm được công việc thích hợp. Còn những bạn gái của tôi, nếu chán việc, có thể khơi khơi bỏ việc đi lấy chồng hoặc nằm nhà. Tóm lại, tôi cảm tưởng, chỉ có đàn ông và tôi (đàn bà) thì phải làm việc. Ngày nay đã thay đổi, phụ nữ trực diện nhu cầu có việc làm để mưu sinh, nhưng hồi ấy là gánh nặng của giới đàn ông”.
Đang lúc ngao ngán công việc tại Redbook, bà nhận được điện thoại của nhà sản xuất chương trình Today bên NBC. Họ cần một tay viết bài. Biết rằng công việc tạm thời, nhưng bà Walters không ngần ngại chộp lấy cơ hội. “Tôi biết tôi đang bỏ việc làm chắc chắn để theo đuổi một việc làm tạm thời. Nhưng tôi yêu thích lãnh vực truyền hình nhiều sáng taọ, có dịp gặp gỡ những nhân vật thú vị... Khác với ngành giao tế nhân sự, tôi không phải thường xuyên đi “rao bán hàng”! Hơn thế, nếu chịu khó làm việc, biết đâu tôi sẽ được nhận vào làm chính thức” (trang 105).
Công việc mới cuả Barbara là tạo dựng, điều hành chương trình “Today”dành cho phụ nữ. Phần này chỉ có 5 phút mỗi ngày, nhưng bà rời nhà lúc 4g30 sáng để chuẩn bị cho chương trình trực tiếp phát hình lúc 9g sáng. Sau phần phát hình thì mọi người ra về, bà Walters vẫn ở lại sắp xếp và viết bài cho ngày hôm sau. Được mấy tháng công ty tài trợ chương trình chấm dứt tài trợ. Barbara cầm bằng thất nghiệp. Nhưng thần may mắn đã mỉm cười với bà: Người nữ biên tập viên duy nhất, trong ban biên tập tám người của Today, nghỉ việc đi lấy chồng, Barbara Walters được đưa vào thay thế. Rồi cuối năm 1964, NBC gặp trục trặc giao kèo với người nữ xướng ngôn viên duy nhất của tổng đài, và các xếp đang lúng túng thì có người lên tiếng “tại sao chúng ta không dùng Barbara nhỉ?” Thời ấy chỉ những diễn viên đã có tiếng tăm, khán giả biết mặt mới mong được mời làm xướng ngôn viên chính (anchor) trên đài. Bà viết:“Lý do gì khiến các xếp lớn ở NBC không để mắt đến Babara?” Câu trả lời: Cô ta không nổi tiếng, không đẹp. Công ty bảo trợ quảng cáo không thích cô. Nhưng lý do sâu xa mang tính kỳ thị là: “nếu NBC cho tôi dịp may thì tôi phải làm với số lương rẻ mạt, tôi là đàn bà! ” (trang 139).
Cuối cùng Walters cũng được đưa lên màn ảnh, bắt đầu bằng những vai trò nhỏ, rồi cứ thế cái này dẫn tới cái khác. Lúc đó, bà là một trong rất ít người nữ, nếu không nói duy nhất, đã quyết tâm theo đuổi ngành truyền thông bất chấp trở ngại, sự kỳ thị. Bà đã từ từ leo lên đài danh vọng chót vót của một nữ phóng viên truyền hình. Bà nổi tiếng là người phỏng vấn nghiêm chỉnh, công bằng, một khuôn mặt đáng tin cậy. Suốt 13 năm làm cho NBC, mỗi ngày Walters thức dậy đến đài khi mọi người còn đang ngủ, năm ngày một tuần đều đặn. Rồi chưa kể những chuyến công tác xa nhà. NBC muốn chương trình sống động hơn, phát hình trực tiếp từ bên ngoài hoặc nước ngoài với sắc thái địa phương, qua hệ thống vệ tinh áp dụng giữa thập niên 1960. Bà cũng là một trong một nhúm nữ phóng viên được chọn vào phái đoàn báo chí tháp tùng Tổng thống Richard Nixon trong chuyến công du lịch sử sang Trung Hoa năm 1972. Bà đã có những lời bình luận sâu sắc về Giang Thanh, Chu Ân Lai... và mặt thật của xã hội Trung hoa còn rất khép kín thời bấy giờ.
Năm 1974, Walters thôi việc bên NBC, sang làm cho ABC với giao kèo 5 triệu Mỹ kim/5 năm. Từ đó phát sinh ra danh từ “The Million-Dollar Baby” khi nói về bà. Bà nhận lời mời cuả ABC vì chức vụ co-host chương trình tin tức buổi tối lúc 7g. Lần đầu tiên một phụ nữ có địa vị này thời điểm đó. Đã hẳn là đồng sự Harry Reasoners không vui gì khi làm việc với một phụ nữ được đặt ngang hàng với mình. Và Walters cũng khốn khổ không kém trong thời gian hai năm đầu. Sự xung đột âm thầm nhưng vẫn để lộ ra trên màn ảnh, qua báo chí mà bà bị chê nhiều hơn được khen. Có lẽ quần chúng chưa quen hình ảnh một phụ nữ nói chuyện thời sự và chính trị “với”họ, Walters nhẫn nhịn, song cũng dần dần mất tự tin. Tới độ tài tử John Wayne, bà chưa quen biết, gởi bức điện tín khích lệ: “Đừng để bọn khốn nạn làm cô nản chí nghe” (Don’t let the bastards get you down). Và bà đã dùng câu này làm tựa cho chương sách viết về giai đoạn này (trang 269). Để tránh va chạm, bà xin ra ngoài phỏng vấn nhiều hơn là làm co-host trong studio. Nhờ vậy (tái ông thất mã) bà có dịp thực hiện nhiều phỏng vấn gía trị với những nhân vật danh tiếng, nguyên thủ quốc gia, chính trị gia...ngoại trừ Đức Giáo Hoàng và Nữ Hoàng Anh. Theo truyền thống, các vị này không cho phỏng vấn.
Những người đàn ông trong đời tôi.
Edwrard W. Brooke.
Ông là Thượng nghị sĩ da đen đầu tiên được bầu vào Thượng viện với số phiếu tuyệt đối của cử tri da trắng tại tiểu bang có truyền thống Dân chủ Massachusetts. Ông phục vụ hai nhiệm kỳ từ 1967—1979, ngôi sao sáng của đảng Cộng hoà, tràn trề hy vọng trở thành Phó Tổng thống hoặc Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ. Trước khi đến Washington, ông là Bộ trưởng Tư pháp Massachusetts cũng hai nhiệm kỳ.
Bà kể: “Cuộc tình của Brook (bà hay gọi ông như vậy) và tôi kéo dài kín đáo trong nhiều năm, rất nhiều sóng gió (long and rocky affair). Chúng tôi gặp nhau năm 1973 trong một tiệm ăn tại NewYork. Brooke, nước da bánh mật, rất thông minh và quyến rũ, có óc hài hước và một cá tính mạnh mẽ. Chính điều cuối này khiến tôi yêu ông. Vâng, Ông đã có vợ! Tôi không thiếu đàn ông. Đàn ông đến với tôi nhiều hơn tôi cần. Chưa bao giờ Brooke mặc cảm về màu da của mình. Lúc đó tôi trên 40 và ông lớn hơn tôi 10 tuổi. Vợ ông gốc Ý, không thông thạo tiếng Mỹ. Bà ít ra ngoài, không thích cuộc sống chính trị của chồng, (chính trị cũng là nỗi đam mê của tôi). Nhưng khổ nỗi vợ ông lại giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp của chồng. Bà có ảnh hưởng mạnh mẽ trong khối cộng đồng Mỹ gốc Ý. Bà cư ngụ tại Florida và ông thì làm việc tại Washington D.C. Ông có số đào hoa, liên hệ với nhiều phụ nữ nhưng chưa bao giờ có ý định ly dị vợ. Ông chỉ về thăm gia đình trong các ngày lễ lớn. Vợ ông chấp nhận cuộc sống thế này. Ông và tôi yêu nhau và lần này thì ông quyết định ly dị vợ! Vợ ông phản ứng rất mạnh mẽ ngoài sự dự đoán. Giới tryền thông đồng loạt khai thác ồn aò, đáng kể là tạp chí lá cải National Enquirer. Chúng tôi vô cùng bối rối, suy xét hậu quả ảnh hưởng đến sự nghiệp của cả hai. (Cuộc ly dị trước đây của tôi với Lee đã diễn ra êm thắm). Cuối cùng chỉ còn giải pháp xa nhau. Tôi là vai chính trong giải pháp này. Tuy nhiên quyết định này vẫn không cứu vãn được sự nghiệp chính trị của ông. Ông đã thất cử sau đó. Năm 2003, ông bị bệnh “breast cancer”, căn bệnh hiếm hoi, và giải phẩu hai lần. Lần cuối tôi nghe về ông, ông đã 83 tuổi.
Alan Grenespan.
Tôi gặp Alan Greenspan năm 1975 trong tiệc trà cuả Phó TT Nelson Rockefeller. Tối đó, bất ngờ có một ông dong dỏng cao, ăn mặc lập dị, bước đến bàn mời tôi khiêu vũ! Ông là Alan Greesnpan, Tổng giám đốc cơ quan cố vấn kinh tế cho TT Ford. Ngạc nhiên thứ hai, ngoài chuyện ăn mặc không giống ai, là ông nhẩy đầm rất hay! Và ông còn biết chơi kèn clarinet không thua nhà nghề. Lúc ngoài 20, ông lấy vợ nhưng cuộc hôn nhân không bền. Tôi luôn có cảm giác bình yên khi ở bên cạnh ông. Ông cực kỳ thông minh, kiến thức rộng và khiêm tốn. Ông ăn nói nhỏ nhẹ. Tôi chưa bao giờ chứng kiến ông to tiếng dù sau khi đã trở thành Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Liên Bang. Còn nữa, ông có thể ngồi lắng nghe hàng giờ đồng hồ khi có người muốn trình bày một vấn đề. Ông không có tính chỉ trích (He never criticized). Ông có óc hài hước tỉnh queo. Không thiếu người đến vấn kế ông về tài chánh, địa ốc, cổ phiếu... và phần lớn ông từ chối trả lời với thái độ hòa nhã. Lý do một lời nói của ông có thể ảnh hưởng cuộc sống hàng triệu người. Năm 1977, New York đang bên bờ vực thẳm. Tôi định mua một căn hộ rộng rãi, gía rẻ trong khu cao cấp. Nhà 4 phòng ngủ, phòng ăn, phòng khách tại Central Park. (khu bà Jacqueline Kennedy lưu ngụ), giá $250, 000. Ông khuyên tôi “Đừng mua. NY sẽ còn xuống nữa”. Dĩ nhiên tôi lời nghe ông. Bây giờ căn hộ đó giá $30 triệu. Tôi vẫn“chọc quê” ông về chuyện này. Với tôi, ông chẳng có dáng dấp gì là kinh tế gia lỗi lạc mà chỉ giống một ông giáo sư đãng trí. Ông quên trả tiền ăn, quên cái check lãnh lương, quên mua quà Giáng sinh cho người thân...
Cuộc tình chúng tôi cứ thế trôi đi. Có người nói ông tính nhút nhát. Không, ông khiêm cung. Có thể vì chúng tôi đa đoan với công việc mà quên sống cho chính mình.
Chúng tôi quyết định xa nhau, trong tình bạn bè. Và mỗi khi tôi gặp hoàn cảnh khó khăn, ông luôn luôn có mặt để chia sẻ. Năm 1997, ông kết hôn với một người đàn bà đẹp, trí thức, phóng viên danh tiếng hiện nay cuả NBC: Andrea Mitchell.
John Warner.