Ngày tham gia: 10 Mar 2013 Số bài: 42 Đến từ: vietnam
Gửi: Wed Jan 27, 2016 10:48 am Tiêu đề: Dòng sông tháng chạp Tác Giả: ngày xưa
Dòng sông tháng Chạp – Tạp bút
Năm nào cũng vậy khi cái không khí oi bức của thành phố này dịu xuống, gió hây hây se lạnh mang sương mờ bao phủ khắp đất trời thì tôi lại cảm nhận rất rõ cái thời khắc lạ kỳ của những ngày tháng Chạp đang miên man trong tâm hồn. Tôi có những đêm trôi qua lơ mơ trong trong giấc ngũ chập chờn, tôi tỉnh dậy rất sớm lúc trời còn tối mịt, ngồi bên ly cà phê nóng hổi trong một quán bình dân gần phiên chợ hoa trên bến Bình Đông ven kênh Tàu Hủ, nghe mọi người kháo chuyện rôm rả về thời tiết, chợ Tết, hoa Tết, giá cả hàng hóa bánh mứt năm này so với mọi năm...Rồi bỗng nhiên một thoáng bồi hồi thổn thức, ký ức những ngày Tết xa lắc chốn quê xưa lắng đọng lại ùa về bâng khuâng khó tả .
Dòng sông Dinh lặng lờ trôi qua phía Tây rồi vòng về phía nam của thị xã trước khi ra biển. Nằm tựa lưng vào con đê của dòng sông là một trường trung học lớn của thị xã. Người học trò nào đã từng học ở đây mà không có vài kỷ niệm khó quên với dòng sông này để thương nhớ. Nhưng riêng với tôi những trầm tích của tháng ngày thơ dại bên dòng sông khiến mỗi lần nhắc lại tôi không khỏi nao lòng.
Làm sao quên những ngày tháng Chạp giáp Tết giờ học không có, người học trò thường ra đứng trên con đê sau trường nhìn xuống dòng sông lặng lờ trở mình theo cơn gió Bấc lạnh lẽo. Bên kia dòng sông làng quê nghèo thuần nông thấp thoáng những mái nhà tranh khói lam vương vất nỗi nhớ nhà. Kỳ thi đệ nhất lục cá nguyệt đã xong người học trò thở phào sảng khoái nghĩ đến những ngàyTết đầm ấm bên gia đình. Ngày 23 Tết về đến nhà, việc đầu tiên phải làm là xắn tay áo lên ra sau vườn chặt cây tre cao nhất làm cây nêu đem trồng trước sân, kế đó lau dọn bàn thờ ông bà, xuống bếp cùng mẹ làm chè trôi nước cúng ông Táo. Ngày 25,26 Tết sẽ theo cha ra ruộng cúc đang rộ vàng tươi, kéo đường ồng dẫn nước từ sông vào ruộng tưới cây chuẩn bị những chậu hoa đẹp đem ra chợ Tết. Có khi cởi bò ra bờ đê cho bò lê la ăn cỏ ngoài bãi bồi ven sông. Hoặc lại âu yếm ngồi bên mẹ vừa giúp mẹ gói bánh tét vừa trêu chọc các em. Năm nào công việc nhà nông bận rộn không nấu bánh được thì đêm giao thừa cả nhà lên chùa lể Phật trong lúc tiếng pháo đón xuân vang rộn rã bên kia sông nơi phố thị sáng rưc ánh đèn. Hạnh phúc réo gọi từng chập trong lòng người học trò đang ở trọ xa nhà.
Tết Mậu Thân 1968 là một kỳ nghỉ Tết mà có lẽ nhiều người học trò sống trong khoảng thập niên 60 không dễ quên. Năm đó học trò đươc nghỉ Tết dài nhất trong đời học sinh của mình vì bắt đầu từ ngày 30 Tết chiến tranh đột nhiên bùng lên dữ dội trong khắp các thành thị, thầy cô về nghỉ Tết ở các tỉnh bị kẹt nên chưa kịp trở lại trường. Hằng đêm trong phố thị mọi người thường phải chạy vô hầm trú ẩn bởi tiếng đạn pháo gầm thét. Lệnh tổng động viên đã được ban bố toàn quốc, rất nhiều người học trò phải xếp lại việc học dang dở để ra đi. Có người vui với bạn bè đưa tiễn, có người ra đi thầm lặng không cho ai hay. ..
Một người bạn học của tôi về quê ăn Tết Mậu Thân năm ấy cũng đã không trở lại trường, không lời từ giã bạn và thầy cô. Anh M.chỉ gởi về cho bạn học cùng lớp một lá thư nói lời chia tay mà không có lý do vì sao phải nghỉ học. Cho đến bây giờ không hiểu sao tôi vẫn còn nhớ câu cuối của M. trong lá thư ấy: - Chúc các bạn ở lại tràng học giỏi và tìm thấy lý tưởng của mình…Tôi đọc lá thư thầm nghĩ: Lý tưởng gì nhỉ? Thời này hầu như người học trò nào cũng lo học giỏi để vào đại học, tốt nghiệp ra trường làm công chức. Nếu rớt tú tài thì nhập ngũ, Thủ Đức hoặc Không quân, Hải quân. Hoặc có người chọn một ngành nào đó để tránh khỏi trực tiếp ra mặt trận nhưng cũng có người tình nguyện vào các sư đoàn quân thiện chiến như Biệt Động, Nhảy Dù, Thủy Quân LC vv... Tôi không hề nghe những người bạn cùng lớp nói gì khác hơn ngoài những điều đó. Sau này lúc chiến tranh đã lùi xa tôi mới hiểu ra ý M. ngầm muốn nói…
Bốn năm sau trận chiến Mậu Thân, có lần tôi vui mừng gặp lại một trong những người bạn đồng niên đã từng bị động viên ngày ấy. Nhìn bông mai trên vai anh tuy chưa mờ vì thời gian nhưng đã nhuốm bụi phong trần. Anh đen sạm rắn rỏi, nét thư sinh ngày nào đã nhạt phai trên khuôn mặt. Tôi ngạc nhiên khi nghe anh nói với vẻ chán chường :“ Mình mới về phép hôm qua, đi một vòng qua các phố không gặp bạn bè nào quen, mấy đứa bạn thân cũng đã ra đi hết rồi. Còn cả mười ngày phép chẳng biết làm gi cho hết. Có lẽ mai mình sẽ trở lại đơn vị thôi”. Anh ước lần phép sau sẽ hẹn được vài người bạn cùng về phép để hàn huyên. Nhưng cuộc chiến đã không cho anh thực hiện được ước ao của mình. Tôi xúc động khi nghe tin anh vừa tử trận ở Thành Cổ đúng vào một ngày cận Tết năm ấy. Không hiểu sao đang miên man nghĩ về anh, thốt nhiên tôi chợt liên tưởng đến người yêu của anh. Tôi thầm mong anh chưa có người yêu, mà lẽ nào anh chưa có. Người con gái ấy sẽ vật vã ra sao khi nhận được tin dữ. Tôi cứ mãi hình dung ra nổi đau buồn trên khuôn mặt hiền lành của cô mà thấy lòng trĩu nặng cảm thương những người học trò cùng trang lứa với mình đã lớn lên trong thời ly loạn…
Sau năm 1975, bẳng đi một thời gian dài tôi không có dịp nào về thăm lại chốn quê xưa. Cho đến những dạo gần đây, mỗi mùa Tết đến mang theo cơn gió hây hây lạnh và những vạt nắng vàng hoe nhẹ nhàng bao phủ khắp không gian thì tôi lại nhận ra cái thời khắc lạ lùng của những ngày tháng Chạp đã khiến lòng mình chùng xuống hắt hiu. Khi ngồi lạc lõng giữa Chợ Tết miền Nam tôi hay lục tìm trong ký ức, ngóng về miền quê nơi một thời mình sinh ra và lớn lên, nhớ dòng sông Dinh hiền hòa, ngôi trường trung học và phố thị cổ kính với những câu chuyện vui buồn về những người thân quen lẫn những người không quen đã từng sống bên nhau ven dòng sông êm đềm. Có lẽ nhớ về nơi ấy để tự nhiên một thoáng ngậm ngùi một thoáng bâng khuâng len lỏi vào hồn cũng khuây khỏa được phần nào nỗi cô đơn những mùa Tết tha phương đợi chờ...
Bạn không có quyền gửi bài viết Bạn không có quyền trả lời bài viết Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn Bạn không có quyền tham gia bầu chọn