Không cần rườm rà, cầu kỳ, ốc đắng có thể làm ra các món rất ngon như: gỏi ốc đắng trộn bắp chuối, chả ốc đắng, ốc đắng luộc chấm nước mắm chanh sả ớt hay chấm cơm mẻ sả ớt, ốc đắng kho sả ớt, ốc đắng kho dừa.
Làm món kho thì để ăn với cơm, làm món luộc thì để nhậu. Muốn luộc ốc rất dễ, cứ bỏ ốc vô nồi rồi đổ nước xăm xắp, cho thêm mấy nắm lá ổi hay sả nguyên cây dập dập cột lại lót dưới đáy nồi là xong. Nấu cho nước sôi lên chừng mười lăm phút, canh chừng đừng để nước sôi trào ra ngoài, hớt bọt cho sạch, thấy ốc tróc cái mài trên miệng ra là tắt lửa, nhắc xuống. Ðổ ốc ra rổ cho ráo nước, nếu để ốc trong nồi luộc ốc bị nong nước, bị nhớt ăn không ngon.
Nếu thích ăn với nước mắm chanh ớt thì lựa nước mắm ngon mà làm. Ăn kèm với rau cải sống. Riêng tôi thích ốc đắng luộc chấm cơm mẻ hơn. Ốc vừa đổ ra rổ nóng hôi hổi, lấy cái gai bưởi hay cái tăm xỉa răng bằng tre có đầu nhọn mà khều con ốc ra, ăn không bỏ sót thứ gì. Có những con ốc đang có trứng trong bụng, bỏ vô miệng nhai nghe giòn giòn, sần sật, rồn rột vì vỏ ốc non cũng ngon lắm. Không ai ăn ốc đắng luộc với muối tiêu chanh bao giờ, thứ này nó làm mất vị ngọt của ốc và làm cho có cảm giác ốc đắng thêm.
Cách làm cơm mẻ để chấm ốc đắng luộc cũng giống y như làm cơm mẻ ăn thịt trâu luộc vậy. Múc cơm mẻ ra cho vô cái tô bự, lấy cái dá tán đều cho cơm mẻ mịn ra. Sả ớt bằm nhuyễn trộn vô, cho thêm vô một chút muối, chút bột ngọt, chút đường, trộn đều lên. Tự mình nếm thử thấy mùi vị vừa miệng mình là được, không cần phải cứng nhắc theo một công thức nào.
Tất nhiên là có thể làm các món ốc đắng xào sả ớt, xào me hay kho dừa, nhưng mà tôi không thích mấy món rườm rà mất thời gian đó. Nó lại có quá nhiều gia vị mùi nồng, thành ra nấu lên xong mất hết mùi ốc hương đồng cỏ nội, không thấy ngon nữa. Ăn vô có cảm giác mình đang thưởng thức gia vị, chớ không phải thưởng cái vị ngon giản dị của con ốc đắng.
Có người còn màu mè hơn, lể con ốc ra rồi cuốn bánh tráng với bún, rau sống chấm nước mắm như gỏi cuốn. Ăn như vậy cũng được, nhưng mà lúc đó con ốc nguội ngắt nguội ngơ rồi còn gì là ốc nữa. Nói chung là mấy món nhà quê này, càng bày vẽ chế biến màu mè bao nhiêu thì càng dở tệ bấy nhiêu.
Con ốc đắng đã không lớn, lể ra khỏi vỏ con ốc còn nhỏ hơn, cỡ chừng đầu ngón tay út. Phải ăn ngay lập tức lúc ốc mới luộc xong, còn hôi hổi quện với một miếng cơm mẻ sả ớt, nhai trong miệng vừa thơm vừa giòn, mùi sả, mùi thơm của cơm mẻ, vị ngòn ngọt của đường, hơi mằn mặn của muối, cộng với cái vị đăng đắng ngọt giòn của ốc, ngấm vô đến tận óc o chớ chẳng phải chơi.
Cái vị hơi đăng đắng của con ốc làm cho người nào đã ăn một lần là ghiền luôn nó, bởi nó đắng mà ngọt, kiểu như người ta nói “khổ tận cam lai” vậy đó. Giờ là lúc kết hợp cái đắng của ốc với cái đắng của đế mắt mèo nè. Lể con ốc ra trên đầu cây tăm, quệt một miếng vô chén cơm mẻ sả ớt cho vô miệng nhai, nhấp thêm một miếng “cay cay” thì “nhất túy giải thiên sầu”. Ê a thêm mấy câu
“Nhấp chén rượu cay nhai con ốc đắng
Dạ thương người giỏi giắn đảm đang”.
Nhớ ông cậu (của người ta) ở kế bên nhà, mỗi lần ăn món này ông cậu trang trọng trải chiếu ra giữa nhà, dọn mâm chén xong, khoái chí lấy cái song loan ra để một bên rồi nghêu ngao:
“Cây trứng cá có bao nhiêu lá
Hai đứa mình có bấy nhiêu tình
Ðếm cây có mấy lá xanh
Tim anh có bấy nhiêu hình của em...
Mấy năm qua cây trứng cá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
còn em đã đổi dạ thay... lòng.
Anh không trách em sao vội lấy chồng.
Vì kẻ ra đi có bao giờ trở lại,
lúc khói hờn ngùn ngụt khắp giang sơn...”
tới đây ông cậu lấy nguyên năm ngón tay đập cho cái song loan nó kêu cái cóc. Người ta ngồi trên ghế cao chơi song loan đạp bằng chưn, riêng ông cậu mắc ngồi chèm bẹp trên chiếc chiếu trải dưới đất nên đâu có đạp chưn được, thành ra phải dụng chiêu “ngũ trảo công” thôi. Ông cậu giờ này chắc đã “phiêu diêu miền cực lạc” từ lâu lắc rồi. Nhưng mà mỗi lần nghe ai ca bên chiếu rượu thì tôi lại nhớ đến ổng với cái song loan.
Lâu lâu ôn cố tri tân, tức cảnh sinh sự, tôi cũng có thơ rằng:
Ốc đắng mà chấm mẻ chua
Tuy nhìn không đẹp nhưng mùa khống ban
(tức là “mua không bán”, đã dọn mâm ra tới đó rồi thì ngu sao bán).
Tạ Phong Tần
Nguồn: baotreonline.com