Thông thường ai cũng muốn được mạnh khỏe, sống lâu trong hạnh phúc, rồi ra đi nhẹ nhàng.Vì thế thiên hạ thường chúc nhau „Phúc, Lộc, Thọ“ vào ngày Tết hay trong dịp mừng sinh nhật... Nhưng không được như một vài giống rùa, càng cao tuổi càng sung sức, sức lực con người, cả tinh thần lẫn thể xác, sẽ bị giảm dần theo tuổi già, giảm nhanh hay chậm còn tùy người. Sức khỏe kém sẽ dễ đưa đến bệnh tật rồi mới chết, như vậy biết sống lâu chừng nào là đủ, chết lúc nào thì vừa? Chết cũng chưa hẳn là đơn giản xuôi tay nhắm mắt là xong vì nhiều khi vẫn còn băn khoăn, lo lắng cho người ở lại, nhưng ít ra, nếu chưa buông bỏ được tất cả để an tâm nhắm mắt ra đi nhưng được giã từ cuộc đời vào lúc còn tự lo cho thân mình, lúc chưa là gánh nặng của người khác, thì cũng đã là có phúc, có được cái chết „mãn nguyện“ rồi. Người chết đã an phần, nhưng người còn sống thì sao, nhất là chuyện gì sẽ xảy ra cho người phối ngẫu? Cha tôi mất trước mẹ tôi 20 năm, lúc đó mẹ tôi đã 77 tuổi. Tôi đã chứng kiến cảnh nhiều cặp vợ chồng già, một người ra đi, người còn lại vội đi theo sau đó một thời gian ngắn. Như bố mẹ chồng tôi, hai cụ lần lượt từ giã cõi đời cách nhau 2 tháng. Dù biết là sinh ra một mình thì chết cũng một mình, nhưng nếu phải sống một mình thêm một thời gian lâu dài nữa trong đau buồn ủ rũ và trong cô đơn lúc tuổi đã già thì thật khổ tâm. Mẹ tôi vốn tháo vát, đảm đang, năng động từ nhỏ, bà là một người từ tâm, tốt bụng, không chỉ để ý đến người thân mà chia xẻ cả với người chưa quen biết nếu cần đến sự giúp đỡ của bà, quen nghĩ đến người hơn nghĩ đến mình.Tôi đã nghĩ, sau khi cha mất, mẹ còn chúng tôi bên cạnh và có điều kiện đi đây đi đó, xa mấy cũng đi, chăm sóc mối liên hệ với họ hàng nên đã không cảm thấy cô độc vì thiếu người bạn đời bên cạnh. Nhưng không đúng hẳn, lúc dọn phòng, tôi đã lặng người vì buồn và thương mẹ khi tìm được những mảnh giấy có dòng chữ nguệch ngoạc của mẹ“ sao anh không chờ em?“ hay“ em buồn lắm, anh ơi! “... 55 năm chung sống đâu phải nhanh như chớp mắt, nhẹ như gió thoảng mây trôi, chỉ tại tôi ngu ngốc, ích kỷ nên không nhìn thấy cái đau của người khác. Mẹ tôi đã trải qua nhiều đau khổ trong cuộc đời, bố ruột bị Việt minh thủ tiêu, mấy lần nuôi chồng đi tù, mất 3 đứa con rồi thêm tang chồng. Là một người đàn bà nhiều nghị lực như thế, luôn che dấu những nỗi đau phải chịu, ít ca thán, nhưng trong 5, 6 năm cuối đời của mình, mẹ tôi cũng đã có lúc phải than lên, tại sao Thiên Chúa bắt bà sống lâu như vậy, càng sống lâu càng nhục, “đa thọ đa nhục“, đó là những lúc bà bị cơn đau nhức hành hạ, vượt qúa sức chịu đựng. Có lẽ vì suốt cuộc đời đã quen tự lập, chỉ biết giúp đỡ lo toan cho mọi người mà bây giờ lại phải nương tựa, lệ thuộc vào người khác cộng thêm trí óc còn rất sáng suốt trong khi thể lực giảm sút, “lực bất tòng tâm“, nên mẹ tôi đã áy náy, bực bội khi nghĩ mình trở thành gánh nặng cho con cái. Mẹ tôi có một trí nhớ siêu việt, ngoài 90 rồi mà vẫn nhớ rõ sinh nhật của con, cháu, chuyện ngày xưa ngày nay, vẫn sáng suốt, đối đáp ví von bằng ca dao tục ngữ, mãi đến một vài tháng trước khi lìa đời, bà mới bị một vài triệu chứng lẫn của người già, hỏi một đàng trả lời một nẻo, hoặc lập đi lập lại một câu hỏi, kể tới kể lui một câu chuyện nhưng cũng ít nói hẳn đi, có vẻ chịu đựng và không than thở gì nữa. Bà vẫn nhận diện được từng đứa con, đứa cháu, đứa chắt khi chúng tôi bước vào phòng, ngay cả 1 tháng trước khi từ giã cõi đời, lúc tôi khoe hình đứa cháu nội của mình, bà vui vẻ nói ngay“ nó là con trai đấy“, và hài lòng nói thêm “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô“, dặn tôi nhớ cho nó chụp hình chung với bà cố khi có dịp.Tôi đọc ở đâu đó, người ta nói, những gì nằm ở trong trí nhớ từ lúc xa xưa nhất sẽ bị xóa đi sau cùng, giống như muốn lấy một món đồ nằm ở dưới đáy hộp, phải lấy những vật nằm phía trên ra trước đã. Và thật dễ thương, vào những ngày tháng cuối đời, mẹ tôi đã sống lại thời xa xưa, kể lại những câu chuyện, những mẫu đối thoại, mộng ước của cặp vợ chồng trẻ khi bà mới lập gia đình... có lần cầm tay con trai mơ màng, tưởng là tay chồng, cũng có khi bà nhìn về cuối chân giường, kể lể một mình như chuyện vãn với cha tôi đang đứng ở đó. Cũng có thể bà biết là đã đến lúc người chồng thân yêu đến đón mình về chăng?
Tài tử Julianne Moore đã đoạt giải Oscar năm 2015 dành cho nữ diễn viên chính xuất sắc nhất qua vai Alice trong phim Still Alice. Dr. Alice Howland là giáo sư đại học giảng dạy về môn ngôn ngữ. Khi biết mình bị bệnh Alzheimer`s lúc mới 50 tuổi, bà đã bị sốc trước viễn ảnh, cái sự nghiệp to lớn mà bà đã cố gắng tạo dựng từ bao nhiêu năm nay sắp bị tiêu tan, cả những khuôn mặt thân yêu cũng sẽ biến mất. Đời sống không có ký ức thì có còn ý nghĩa gì không? có còn đáng sống không? Bà đã than với chồng, ước chi bà bị ung thư thay vì căn bệnh này. Bà đã làm 1 video trong Laptop, ra lệnh cho chính Alice lúc sau này, lúc bà không còn biết được những điều đơn giản như tên tuổi của mình hay những người thân nữa, phải tìm ra chỗ bà đã cất dấu thuốc ngủ và uống hết tất cả số thuốc đó. Tôi sẽ không có can đảm tự tử như Alice, nên đã mong ước, nếu chẳng may bị mắc bệnh Alzheimer`s, tôì xin Trời cho tôi bị cảm nặng, sưng phổi mà chết lúc tình trạng của bệnh ở vào thời điểm tôi chưa là gánh nặng cho người thân, lúc tôi không tha thiết nữa đến công danh sư nghiệp, nhưng vẫn còn nhận diện được những người tôi yêu mến, như một đứa trẻ lên 3, đã sạch sẽ, không cần dùng đến tã lót nữa, đã tự ăn uống được, biết hát, biết kể chuyện ngây ngô mà không cần suy nghĩ bon chen nhưng vẫn mang lại niềm vui cho người khác.
Trong Still Alice, tôi cũng chú ý đến Lydia (Kristen Stewart). Lydia là con gái út, có thể nói là đứa con trái chứng, làm cha mẹ lo lắng.Trong khi người chị lớn học luật, người anh trai học y khoa, Lydia thích đời sống sân khấu, ông bố còn phải trả tiền cho đoàn kịch để Lydia được trình diễn. Lydia thường né tránh mẹ vì Alice không muốn con gái theo cái nghề bấp bênh này. Sau khi biết mình bị bệnh, Alice năn nỉ con gái nên theo đại học kịch nghệ, miễn là có được một mảnh bằng tốt nghiệp, để có căn bản trong nghề nghiệp vì đồng tiền tuy không là tất cả nhưng rất quan trọng trong đời sống. Lydia vẫn khăng khăng giữ ý kiến riêng của mình là cô đang rất hạnh phúc với công việc hiện tại.Trong vài phim về bệnh Alzheimer mà tôi đã xem như Away from her, Iris, The Notebook, Một thời để nhớ (phim Hàn quốc), Vergiss mein nicht (Đức), những người bị bệnh là đàn bà và thường được người bạn đời của mình chăm sóc cho đến lúc cạn sức. Trong Still Alice, sau khi biết mẹ mình bị bệnh, Lydia liên lạc với mẹ thường xuyên hơn. Một lần, sau khi nói chuyện với Lydia qua Skype, Alice vô tình mở cái video đã thu trước đây, nhưng đúng vào lúc Alice sửa soạn uống những viên thuốc ngủ tìm thấy được, bà đã bị giật mình làm thuốc rơi văng vãi xuống nền nhà vì tiếng chào của người giúp việc vừa đến... Alice vẫn phải tiếp tục sống. Khi người chồng của Alice nhận 1 công việc ở ngoài New York, ông không thể, đúng hơn là không nỡ bắt vợ phải rời bỏ nơi chốn quen thuộc của bà để đi theo ông, Lydia đã dọn về nhà sống để chăm sóc mẹ. Lydia đọc cho mẹ nghe một bài thơ, đọc xong, nàng hỏi mẹ nghĩ sao về bài thơ và có biết nội dung của nó không, sau một lúc cố gắng suy nghĩ, Alie trả lời vỏn vẹn: Tình yêu.
Lydia làm tôi liên tưởng đến một đứa em trai của mình và những lời cha tôi đã nói với nó trong trưa chủ nhật đầu tháng 6- 1975 khi thấy em tôi bước vào nhà, quần áo ướt nhẹp vì cơn mưa trước đó
- Con chính là đứa con thật sự thương yêu cha mình mà phúc âm đã nhắc đến. Trong phúc âm có kể về 2 người con: Khi người cha giao công việc, người con lớn nhận lời ngay nhưng rồi không làm gì cả, trong khi đứa em cằn nhằn khó chiụ, nhưng rồi sau đó lại làm xong việc người cha đã nhờ. Như vậy ai là người đã thương cha mình hơn? Sáng nay khi cậu nhờ con đạp xe đến nhà bà ngoại ở Ngã ba Ông Tạ, con đã càu nhàu vùng vằng không muốn đi, nhưng sau đó con lại chịu khó đạp xe đi mười mấy cây số đến thăm bà vì thương cậu...
******
Gia đình tôi từ Kontum dọn về sống ở thành phố Đà Lạt vào cuối năm 1956.Tháng 11.1957, em được sinh ra và được đặt tên là Thanh Cao- Cao nguyên xanh. Lúc đó tôi đã 7 tuổi, nhưng thật đoảng, không hề biết là mẹ mình đã đau chuyển bụng đẻ vật vã 2 ngày dài, tưởng như chết đi sống lại, mới sinh ra em và nói ra thật đáng xấu hổ, tôi chỉ còn nhớ đến bữa cơm của bà đẻ khi đến thăm mẹ trong nhà thương. Lần đầu tiên trong đời tôi được ăn cơm Tây, ngon không thể tả.
Dạo đó gia đình tôi sống trong 1 biệt thự ở đầu đường Phan Bội Châu, nằm ngay ngã ba ở đầu 2 con dốc. Một ngã, xuống hết con dốc là đến hồ Xuân Hương, cầu Ông Đạo, một ngã dẫn xuống một ngã ba đường khác, chia thành những ngả đường, đi lên dinh thị trưởng, lên viện đại học, đến vườn Bích Câu... Ngã còn lại là đường bằng không dốc, dẫn ra chợ, bến xe, thương xá Hòa Bình. Đứng ở bờ rào của mảnh vườn phía sau nhà, nhìn xuống phía dưới thấy một khoảng đất trũng rộng lớn, vài năm sau, ngôi chợ mới 3 tầng của thành phố được cất lên ở đấy.
Cha tôi bắt đầu chơi phong lan, phòng khách lúc nào cũng đầy những giò lan nở hoa đẹp rực rỡ, thơm ngát, như Thủy Tiên vàng, Thủy Tiên trắng, Hồ điệp, Trạch tím, Vẩy cá... Chú Truyền, người giúp cha tôi chăm sóc lan, rất hiền lành, thật thà như đếm. Có lần, cha tôi nhờ chú cưa một cành cây to trên cao xuống để quấn buộc những gốc lan vào đó thay vì trồng trong chậu. Chú dựng cái thang dựa vào thân cây rồi leo lên với cái cưa... một lúc sau có tiếng cha tôi la toáng lên
- Chú muốn chết hay sao mà ngồi như vậy? cái cành nó lìa thân thì chú cũng lìa đời.
Tôi chạy ra nhìn. Chú Truyền ngồi vắt vẻo trên cành cây, đã cưa được một tí rồi nhưng thay vì ngồi ở phía sát thân, dựa lưng vào thân cây, quay mặt ra ngoài để cưa, chú lại ngồi ngược lại, phía bên đầu cành, quay mặt vào thân, chắc cho rộng chỗ, tay đỡ bị vướng mà không nghĩ đến lúc cành cây bị cưa đứt rời thân, chú cũng sẽ bị rơi xuống đất theo...
Cao bị khó thở, khò khè như bị suyễn. Mẹ mang em đến bác sĩ Sohier, người Pháp, mới biết em bị dị ứng phấn hoa. Thế là các chậu lan được dời ra khỏi phòng khách. Bác sĩ cũng khuyên, nên cho em hít thở gió biển, thế là cha mẹ tôi đưa em ra Nha Trang. Lần đi nào tôi cũng được đi theo, lần chỉ có 2, 3 ngày, lần thì kéo dài cả 1, 2 tuần. Chúng tôi đi bằng xe Jeep, phía trước là chú tài xế và cha, mẹ ngồi với em ở băng ghế sau có nệm, còn hai bên hông, chỗ phía trên bánh xe không có nệm, dành cho mấy chị em chúng tôi. Nhưng khi xe đến đèo Ngoạn Mục (đèo Bellevue) thì một bên hông được dành hẳn cho mình tôi nằm vì tôi bị ói mửa mỗi khi xe đổ xuống đèo. Tôi co chân thu gọn người nằm trên cái khung sắt dài cỡ 8 tấc đã được lót thêm cái chăn dạ, cố nhắm mắt ngủ để qua cơn ói.Trước khi đến Nha Trang, xe thường ghé Vĩnh Hảo, nơi có suối nước nóng nhiều muối khoáng, chúng tôi được tắm trong hồ bơi với nước suối nóng ấm. Có lần mẹ tôi lấy nước suối nấu cơm, khi cơm chín, cơm có màu vàng nhạt, tôi ngây thơ đề nghị mẹ dùng nước suối này thổi xôi vò cho giản tiện. Mẹ tôi mang theo về nhà cả một vò thủy tinh thật to nước suối nhưng chưa bao giờ dùng nó để thổi xôi vò cả.
Sau hơn 1 năm, Cao khỏe hẳn, gia đình tôi lại dọn nhà đến đường Nguyễn tri Phương. Căn nhà này có đất rộng hơn 3000m², nhưng ngoại trừ 2 cây phi lao trước mặt nhà và cây buởi sai trái rất ngọt ở bên hông nhà đã có từ lâu, còn lại đều hoang sơ, sau này cha tôi trồng mận Đà Lạt. Sau hàng rào của khu đất là thung lũng xanh có thông chen lẫn cây rừng, có cả cây nhót mọc bên một con suối nước cạn và nhiều con vắt, nên chúng tôi ít xuống đó chơi. Đường Nguyễn tri Phương là con lộ chính nối liền quốc lộ số 20 và thành phố Đà Lạt.Nhà chúng tôi ở cuối đường, rìa của thành phố. Thuở ấy, tổng thống Ngô Đình Diệm thỉnh thoảng đến Đà Lạt nghỉ cuối tuần, xe chở TT từ phi trường Liên Khương đến nhà nghỉ phải đi ngang qua nhà chúng tôi. Cứ trưa thứ bảy nào, nếu thấy nhiều cảnh sát xuất hiện đi lại trên con đường phía trước nhà, chúng tôi lại biết là TT sắp đến, mấy chị em chuẩn bị quần áo sạch sẽ, ra trước cổng đứng nghiêm trang chờ. Khoảng 3 giờ chiều, xe TT sẽ chạy ngang. Các chú cảnh sát đứng quay lưng ra ngoài đường, nhưng chúng tôi được phép nhìn xe chạy ngang qua. Lần đầu tiên thấy TT ngồi trong xe ở băng ghế sau, bên phải, bên phía chúng tôi đứng chờ, chúng tôi lễ phép cúi rạp đầu chào, những lần sau đó, khi thấy TT giơ tay lên vẫy nhẹ, chúng tôi mừng rỡ vẫy tay chào rối rít. Và chiều chủ nhật hôm sau lại đứng chờ tiễn TT ra về.
Cũng ở căn nhà này, tôi có thêm một đứa em trai nữa,... Khi cha tôi bị thuyên chuyển về Đồng tháp mười, Kiến Tường, Mộc Hóa, căn nhà được cho nhà dòng Mến Thánh Giá ở bên cạnh thuê làm ký túc xá, đổi lại tiền thuê, nhà dòng nuôi tôi và 3 đứa em nhỏ. Mẹ tôi đưa Cao và đứa em trai mới sinh về Liên Khương sống.
Khi gia đình tôi dọn về Sàigòn, Cao đã 5 tuổi, lúc đầu sống ở căn gác gần nhà thờ Ba Chuông, vài tháng sau dọn về Gia Định, ở đây tôi có thêm đứa em trai út và sau đó về sống ở cư xá Sĩ Quan Chí Hòa.
Cao và Trọng, đứa em trai nhỏ hơn, đi học ở trường Taberd gần nhà thờ Đức Bà, bằng xe đưa rước của trường. Mỗi lần xe ngừng trước nhà đón 2 đứa, bà lơ xe réo to:“ Thằng Cau thằng Trầu đâu, mau ra xe lẹ lẹ lên“. Từ cao sang bị hạ xuống hàng bình dân, nhưng nghe cũng thật thân tình. Thật ra, Đức- Trọng là một quận lỵ của tỉnh Lâm Đồng, Đà Lạt, cha tôi đã lấy tên này đặt cho đứa con sinh ra ở đấy, chứ không có nghĩa là sang trọng hay quan trọng, tên của hai đứa con sát nhau, vô tình thành cao trọng. Có một lần, tôi không nhớ rõ vì sao Cao không có mặt ở nhà sau giờ tan trường, tôi phải đạp xe đến trường tìm em. Tìm được em rồi, em phải ngồi phía trước vì xe tôi không có bọc ba ga (Porte- Pagages) phía sau, cái sườn xe đạp đàn bà dốc làm em ngồi cứ bị tụt lên tụt xuống thật tội nghiệp.
Hè năm đệ tam tôi được cha mẹ cho phép dẫn Cao và Trọng đi Liên Khương nghỉ hè. Nhưng xe đò mới đến La Ngà thì phải dừng lại vì khúc đường phía trước bị việt cộng giựt mìn. Đến trưa đã có cả một đoàn xe dài xếp hàng chờ đường được sửa xong rồi sẽ đi tiếp. Cha sở họ đạo La Ngà đã kêu gọi giáo dân mang cơm trưa đến cho hơn 200 hành khách lỡ đường. Thật là cảm dộng! Nhưng đến khoảng 3 giờ chiều, xe đò chở 3 chị em tôi và nhiều xe khách khác đành quay về Sàigòn. Thế là tiêu tan giấc mộng có những ngày nghỉ được dang nắng đi bắt dế, bẫy sóc, trèo cây lội suối.
Ít lâu sau Cao bắt đầu mê đọc sách. Cha tôi bắt em đưa sách cho cha kiểm soát. Không biết em đã đọc sách gì, chỉ biết là em đưa cha cuốn Cô gái Đồ Long, của một tiệm cho thuê sách. Cha đọc say mê. Mẹ ngạc nhiên, tò mò muốn biết vì sao nên trong lúc chồng đi làm, lật thử vài trang rồi cũng mê man. Ăn cơm xong cha mẹ đều dành nhau cuốn sách, cha than phải đi làm cả ngày bây giờ mới được nghỉ ngơi, mẹ phân trần phải đi chợ thổi nấu và thêm nhiều việc không tên nữa bây giờ mới có giờ rảnh. Cao lẳng lặng đi thuê thêm một bộ truyện. Cha không để ý đến sách em đọc nữa. Lúc đó Cao khoảng 8, 9 tuổi. Còn tôi, mãi gần 2 năm sau, lúc 17 tuổi, sắp thi tú tài 2, tôi mới bị chuyện kiếm hiệp hành hạ. Em đã bước vào thế giới của Kim Dung trước mọi người trong nhà.
Ngày xưa, lúc còn nhỏ cha tôi học trường dòng để đi tu, nhưng không được ơn kêu gọi, phải trở về. Ông vẫn ôm hoài bão có được một người con làm linh mục, nên các anh, em trai của tôi đều được gửi vào nhà dòng. Vì thế khi Cao lên trung học, em được gửi vào dòng Chúa Cứu Thế ở Thủ Đức. Lúc ấy tôi đang học Dược và đã có xe máy, nên thỉnh thoảng phóng Yamaha đến thăm em, có khi chả biết nói chuyện gì, hai chị em ngồi yên lặng bên nhau. Nhưng Cao cũng không được ơn thiên triệu. Hết lớp 9 (lớp đệ tứ) em trở về sống với gia đình. Ngoài giờ học chữ, em học thêm võ. Nhưng em không may mắn trong đường thi cử, mấy kỳ thi lên đai em đều trượt. Em chuyển qua học đánh máychữ, nhưng cũng không lấy được chứng chỉ tốt nghiệp. Tôi ao ước, giá như tôi cho em được ngôi sao thi đậu trong bàn tay mình. Năm đệ tứ, trước khi đi thi trung học đệ nhất cấp, mấy đứa bạn rủ tôi đi xem bói, coi chỉ tay. Bà thày cầm bàn tay phải của tôi ngắm nghía rồi chỉ vào chỗ 3 đường chỉ tay, đường trí đạo, đường may mắn và đường thái dương gặp nhau thành một cái hoa thị nói là tôi có ngôi sao thi đậu, thi gì cũng đậu. Có lẽ nhờ lời thày bói, tôi học hành tự tin hơn, nên đã trót lọt qua mọi kỳ thi. Tôi lo lắng cho kỳ thi tú tài sắp đến của em. Nhưng cũng mừng là tính Cao hồn nhiên, những nỗi buồn vì thất bại qua mau, em lại tìm chuyện khác để làm. Một hôm, em mang đến cho tôi những nhánh Hồng Trai, tự tay trồng vào khoảng đất trước cái balcon mới sửa xong, dự định để trồng hoa nhưng vẫn còn trống trải rồi vội vàng chia tay. Hóa ra trước đó em chở cha tôi đến Toà Tổng Giám Mục có công chuyện, trong khi đứng ngoài sân chờ cha, thấy bụi Hồng Trai tím thẫm, đẹp lạ lùng dưới ánh nắng mặt trời, em vội hái trộm mang đến cho chị, xong việc phải quay về đón cha tôi ngay. Lần đến thăm sau, em sung sướng cười khi thấy những cành lá tím đã có thêm những bông hoa nhỏ màu hồng thắm tốt tươi, em gật gù nói „ cây từ vườn nhà Chúa có khác“.
Cao có tâm hồn ăn uống từ nhỏ, nhìn em ăn mình cũng thấy ngon miệng. Mỗi lần từ Quảng Ngãi về Sàigon thăm nhà, người yêu của tôi thường mang về kẹo mạch nha nguyên chất, đựng trong những lon gô (vỏ hộp sữa bột Guigoz bằng nhôm), chứ không phải trong lon sữa bò nhỏ bày bán ngoài chợ. Sau những háo hức ban đầu, chúng tôi đều ngán món quà ngọt ngào này, chỉ có Cao vẫn tận tình thưởng thức, mỗi khi làm xong việc gì vừa ý, em lại mở hộp kẹo, lấy đũa quấn lớp kẹo dẻo thành một khối tròn to như trái chanh đưa vào miệng „ tự thưởng“. Nhìn những bao đựng bánh khổng lồ bày bán ở đầu đường Lê Lai - trước chợ Bến Thành, mỗi bao phải nặng đến 20 kilô bánh, em ao ước có đủ tiền mua hẳn cả bao bánh tai heo, ăn cho đã. Sau này, em đến thăm, vợ chồng tôi rủ em qua tiệm phở trước nhà ăn phở, chồng tôi đặt 1 tô ít bánh còn em đặt 1 tô ít thịt nhiều bánh. Nhìn em ăn ngon lành, tôi hỏi em ăn thêm tô nữa không, em ngần ngừ rồi nói
- Ăn 1 tô thì thòm thèm, nhưng 2 tô thì phí. Thôi, để dành lần sau, tuần tới mình ăn phở nữa nhé.
Tuần sau, em đến. Chúng tôi đến một xe phở gà nằm ở góc đường Huỳnh Tịnh Của – Yên Đổ, Tân Định. Vợ chồng tôi đi Honda, em đi xe đạp, tay trái bám vào vai tôi, tay kia giữ ghi đông, để xe Honda kéo đi cho nhanh. Như lần trước, em gọi 1 tô phở ít thịt nhiều bánh, ăn hết phần cái, em lôi trong giỏ đeo bên mình ra một ổ bánh mì, bẻ nhỏ ra, chấm vào nước phở ăn ngon lành. Vừa ngon vừa no, em kết luận lúc uống xong ngụm nước trà.
Đầu năm 75 tình hình ở Sàigòn càng ngày càng căng thẳng. Cha tôi có điều kiện đưa cả gia đình đi ra nước ngoài nhưng ông từ chối, nói với mẹ tôi, nếu muốn dẫn con cái ra đi thì cứ việc, còn ông sẽ ở lại, không ai rời bỏ quê hương khi đất nước đã hết chiến tranh. Chồng tôi cùng quan điểm với bố vợ. Cuối tháng 4.1975, cha mẹ và các em tôi dọn về sống ở căn nhà bên dòng sông Thanh Đa, nằm giữa 2 cây cầu, phía tay phải là Cầu Kinh, phía tay trái là cầu Bình Triệu. Cha tôi đã mua căn nhà này cách đây gần 10 năm lúc nó còn bằng gỗ. Khúc sông trước mặt nhà rất hẹp, chỉ rộng độ 80m bề ngang, gần đến cầu Bình Triệu dòng sông mới mở rộng ra. Thưở ấy, bên kia sông còn là đất trống, cỏ tranh cao ngút ngàn, che khuất cả Ụ Đà xưởng sửa tàu nằm ở cuối chân cầu Bình Triệu, nên chỉ nhìn thấy một màu xanh mênh mông hoang dại, không biết được phía sau đó có những gì. Từ lúc chưa có người yêu, mỗi khi về đây chơi tôi thường ra đứng ở bờ sông, nhìn sang bên kia bờ thầm thì hát
Gửi: Fri Nov 13, 2015 10:07 am Tiêu đề: VẪN LÀ EM (Tiếp theo)
VẪN LÀ EM (Tiếp theo)
Bây giờ, cảnh bên kia sông vẫn thế, vẫn là đồng cỏ tranh cao ngút một màu xanh nhưng mất đâu rồi cảm giác êm đềm, an bình, thay vào đó là sự hoang mang, ngỡ ngàng. Qua tháng 5 mọi người sống trong không khí lo âu, chờ đợi. Gia đình chị tôi và vợ chồng tôi về thăm cha mẹ, các em mỗi trưa chủ nhật.
Chủ nhật 01.06.75, cơn mưa đến trước bữa ăn trưa thay vì vào buổi chiều như thường lệ. Khi Cao về đến nhà, người em ướt như chuột lột. Không biết em có nghe rõ hết cả những lời cha tôi nói với em không, chỉ thấy em yên lặng đi thay quần áo. Ăn cơm xong, em lăn lộn đùa giỡn với 2 đứa cháu nhỏ, lúc em nằm xấp, áo vén lên cao hở cả lưng, tôi dí tay vào cái bớt nằm ngang thắt lưng của em nhận xét
- Cái bớt này càng ngày càng to và đậm màu hơn.
- Để mai mốt nếu có phải đi kiếm xác em thì dễ nhận ra.
Trả lời xong em cười to, tôi mắng em nói gở. Sau đó chúng tôi kéo nhau ra“ nhà thủy tạ“, thật ra chỉ là cái nhà sàn không có vách, có mái tôn che, nửa nằm trên mặt đất, nửa lửng lơ trên sông nước, trừ mặt nhìn ra vườn, sát đất, để trống làm lối vào nhà sàn, 3 mặt còn lại được bao bọc bằng lan can gỗ. Phái đàn ông con trai nhảy xuống sông bơi lội. Cao gọi với lên từ ngoài xa, bảo tôi ném phao xuống để em tập chơi trò cứu người sắp chết đuối. Chúng tôi nói cười ầm ĩ. Một chủ nhật tuyệt vời.
Hôm sau, đang ngủ trưa, tôi bị đứa em gái đánh thức dậy, nó hỏi
- Sáng nay Cao có ghé đây không?
Tôi lắc đầu, lo lắng hỏi rõ sự tình. Em gái tôi cho biết, sáng nay, mẹ tôi mang quần áo ra bờ sông giặt, giật mình khi nhìn thấy đôi dép nhựa của Cao xếp ngay ngắn trên bờ sông, đặt trước khúc cây bắc từ trên bờ xuống sông làm cầu thang đi xuống sông để lấy nước hay giặt giũ... Mẹ vội vàng chạy vào phòng của Cao, chỉ thấy cái áo pyjama màu nâu vắt trên ghế và cái quần tây nằm trên giường, chạy ra sân sau thấy xe đạp vẫn dựng vào tường. Hôm qua Cao nói ngày mai sẽ dậy sớm vì phải đến trường sinh hoạt lớp, nên mẹ hy vọng Cao đã được bạn đến chở đi. Ăn cơm trưa rồi mà vẫn chưa thấy Cao về nên mẹ sai em lên hỏi tôi. Em gái tôi kể xong vội chia tay để đến nhà người bạn của Cao hỏi thăm tiếp. Vợ chồng tôi cũng vội vã đi về nhà cha mẹ. Buổi chiều hôm ấy mẹ tôi đã thuê thuyền chài quăng lưới dọc khúc sông tìm em. Đến tối mịt đành phải ngừng tìm kiếm. Đêm ấy vợ chồng tôi ở lại Cầu Kinh. Chúng tôi đọc kinh cầu nguyện trong lo âu buồn bã, không ai muốn đi ngủ cả. Giữa đêm đang ngủ, tôi nghe trong mơ tiếng ai nói với mình “ Cao chết rồi, xác ở nhà ông Ba bà Tám“. Giật mình tỉnh giấc, tôi ngồi bó gối suy nghĩ cố nhớ lại xem đã có nghe mẹ tôi nhắc đến những cái tên này lần nào chưa? Thật ra khu xóm này rất vắng vẻ, chỉ có vài nóc nhà. Căn nhà của cha mẹ tôi nằm sát bờ sông, cổng ra vào có giàn hoa giấy màu tím nằm trên con đường đất chạy dọc theo dòng sông, nối liền 2 cây cầu. Con đường nhựa từ Ngã ba Cầu Sơn dẫn đến cầu Kinh là đường cũ, nhỏ hẹp, hai bên đường san sát nhà cửa, ở đầu dốc lên cầu là cái chợ nhỏ, qua cầu là khu cư xá Thanh Đa. Con đường dẫn đến cầu Bình Triệu mới được làm từ khi xây dựng cầu nên còn mới, rộng lớn, vắng xe, nhà cửa thưa thớt, phía tay trái, trước khi lên cầu còn là vùng đất ruộng mênh mông (sau này thành bến xe miền Đông). Chúng tôi thường đi, về bằng lối đi dẫn đến cầu Bình Triệu, đến gần chân cầu thì rẽ tay phải, đi vào con đường đất về nhà.
Chịu thua, không nhớ ra được gì, tôi nằm xuống ngủ tiếp, một lúc sau lại giật mình thức giấc khi mơ thấy cảnh, tôi lái Honda qua cổng nhà, một người chị họ chạy ra, la to lên: “ Em ơi, Cao chết thật rồi, xác nó nằm trong kia kìa“. Tôi không ngủ tiếp được nữa, chờ sáng ra, kể cho mẹ tôi nghe về giấc mơ của mình. Mẹ tôi suy nghĩ một chút rồi lắc đầu, không có ai ở gần đây tên Ba hay Tám cả. Thấy tôi vẫn giương mắt nhìn, mẹ tôi chặc lưỡi nói
- Này nhé, từ đường cái rẽ vào, đầu tiên là xưởng làm nước mắm, rồi đến dẫy nhà nằm dọc theo cái mương sát bên cạnh nhà mình đây là nhà bà Năm Đằng, nhà mấy anh em thằng Lì, thằng Mẫn, nhà hai bà cháu thằng Dũng, nhà ông Hai Được, rồi nhà mình, tiếp theo là miếng đất trống chưa xây nhà, tiếp theo nữa là trường học, nhà dòng, rồi tới chợ. Trước mặt nhà mình chỉ có gia đình cô chú Thái, đi xa thêm một đoạn mới là nhà thờ. Có còn ai là hàng xóm nữa đâu?
Như vậy tôi chỉ mơ vớ vẩn tầm bậy, lo âu đã làm tôi có những nghĩ ngợi vẩn vơ, nhập vào giấc mơ. Ăn sáng xong, mẹ tôi lại thuê người chèo thuyền tìm em tiếp tục. Nghe ai đó mách đi coi bói, chỉ cho biết một bà thày bói chuyên môn nhìn vào quả cầu bằng thủy tinh mà tiết lộ được nhiều điều mình muốn biết. Tôi đòi đi đến đó, nhà tôi bảo chuyện nhảm nhí nhưng cũng chở tôi đến nhà thày bói ở gần Ngã Tư Phú Nhuận. Phòng đợi chật người, ai cũng mong biết tin người thân còn sống hay chết sau những ngày chộn rộn vừa qua, hoặc chuyến đi vượt biên sắp đến có trót lọt không. Đợi hơn 2 tiếng đồng hồ thì tới lượt tôi, tôi kể là đang đi tìm một đứa em trai, muốn biết nó đang ở đâu, còn sống không. Bà thày bói nhìn vào quả cầu thủy tinh rồi phán, cậu nhỏ đang ngồi bên một dòng sông, gương mặt có vẻ buồn, chắc nhớ nhà. Chỉ có thế, không đầy 5 phút đã xong phiên mình, tôi trả tiền, đi về nhà chồng. Tôi thất vọng vì chẳng có gì rõ ràng cả, có lẽ bà ta dựa vào tình hình lúc đó, nhiều người đang tính chuyện ra đi bằng đường biển nên nói vậy, nên rủa thầm, đúng là thày bói nói láo ăn tiền, nhưng đồng thời cũng nhen nhúm hy vọng là em đã theo bạn bè bỏ nhà đi thật sự.
Vừa chợp mắt ngủ trưa, tôi lạnh mình khi nghe tiếng nói “đã tìm thấy xác Cao rồi“. Giật mình ngồi dậy, tôi đánh thức nhà tôi, kể lại giấc mơ và đòi về nhà mẹ. Nhà tôi ngần ngừ nói là mình đã vắng nhà từ chiều hôm qua, vừa mới về nhà ăn cơm, bây giờ lại đi nữa sao. Tôi hiểu là chồng tôi ngại thưa chuyện với mẹ chàng, nên lặng lẽ phóng xe về Cầu Kinh một mình. Vừa đẩy cổng cho xe vào sân, thấy bà chị họ tôi chạy ra đón, đúng như cảnh tôi đã mơ thấy đêm qua, đến gốc cây ổi, bà chị dừng lại la to lên
- Em ơi, Cao chết thật rồi, xác nó nằm trong kia kìa.
Vừa nói bà vừa chỉ tay về hướng nhà thủy tạ.Tôi chạy vội đến. Cao được đặt nằm trên cái ghế dài của phòng khách đem ra. Tôi ngồi xụp xuống bên em khóc nấc, máu chảy bật ra từ trong lỗ mũi và lỗ tai của em. Có ai đó kéo tôi ra khỏi nhà thủy tạ, nghẹn ngào thì thầm bên tai tôi „hãy để em nó ra đi nhẹ nhàng“. Khi đã bình tâm, tôi được nghe kể lại, sau khi ăn trưa, mấy đứa em tôi và bạn của Cao ngồi trên bờ, buồn bã nhìn ra sông, một ông lái đò đi ngang, dừng chèo lại nói cho biết có một xác người táp vào chân cầu Bình Triệu. Mẹ tôi vội thuê thuyền chài, cột theo cả cái thuyền nhỏ của gia đình tôi, đi vớt xác em lên, đặt vào đấy kéo về nhà. Đúng ở giờ khắc đó tôi đã nghe tiếng đánh thức mình dậy trưa nay và bây giờ, tôi cũng đã biết, ai là ông Ba bà Tám. Cầu Bình Triệu có 10 chân cầu, xác Cao dạt vào cái chân thứ 3 của cầu, nếu đếm từ đầu cầu này lại đó là Ông Ba, nhưng nếu đếm từ đầu cầu phía kia lại, đó là chân cầu thứ 8 hay là Bà Tám.
Tôi thắc mắc, hầu như ai cũng muốn được sống lâu, già rồi mới chết, nhưng người chết lúc già và người chết lúc còn trẻ, ai sẽ làm mình đau buồn nhiều hơn? Người già chết đi để lại cho người sống dĩ nhiên là nhiều thương nhớ vì đã có chung nhau một thời gian lâu dài nhiều kỷ niệm, nhưng người chết trẻ làm mình tội nghiệp thương cảm vì họ còn cả một tương lai dài trước mắt, chưa kịp sống trọn. Giữa một cái chết đã biết trước, vì bệnh tật hoặc vì già yếu và cái chết đột ngột như do tai nạn, cái chết nào sẽ khiến người thân còn lại đau đớn hơn? Phải chăng khi đoán biết người thân của mình sắp từ giã cõi đời, sau cơn hoảng hốt ban đầu mình sẽ có thời gian gậm nhấm nỗi buồn, suy nghĩ tìm lý do để tự an ủi, chuẩn bị tâm hồn, từ từ chấp nhận nó, và nếu trước kia có lỡ làm người sắp ra đi phiền lòng thì cũng còn kịp xin lỗi nên sẽ không đau đớn lắm lúc chia tay? Cũng có lúc lòng người lại thật mâu thuẫn, bị giằng co giữa cái chết và sự sống, muốn được giữ người thân ở lại bên mình lâu thêm một thời gian nữa, nhưng cũng mong họ mau được giải thoát khỏi những đau đớn thể xác đang hành hạ. Còn trước một cái chết đột ngột, ngưòi thân còn lại có cảm tưởng như bị tai họa giáng xuống đầu, nên ngoài lòng thương nhớ, người sống còn bị ray rứt thêm với câu hỏi „tại sao, tại sao?“ Hỏi mà không có được câu trả lời.Tại sao lại là em phải ra đi, tại sao lại là tôi phải chịu mất mát? Em hiện diện 18 năm trong cõi đời mà tôi đã lơ là với em, chỉ có một dúm kỷ niệm về em. Có hối tiếc, ân hận thì đã muộn. Ôi, xót xa biết bao! Chỉ có một chút an ủi là vì em ra đi sáng sớm thứ hai nên chúng tôi còn được hưởng những giây phút tuyệt đẹp, một ngày chủ nhật tuyệt vời với em.
Cao đã về với một người bạn thân trong giấc mơ, cho biết là sáng sớm thứ hai, sau khi ngủ dậy, em cởi bỏ áo pyjama rồi ra vườn tập thể dục, mặt đất ướt lầy lội vì cơn mưa to ngày hôm trước, chân bị lấm bùn nên sau khi tập xong em ra sông định rửa chân, vào giờ phút đó nước sông rút cạn, đầu dưới của thân cây gỗ bắc làm cầu thường chìm sâu trong nước sông lúc này phơi lộ ra nhưng trơn ướt, nên khi xuống đến đoạn đó em đã trượt chân ngã, đầu đập mạnh vào thân cây, ngất đi rồi thân xác chìm mau trong dòng nước lạnh. Không dãy dụa, không khua động, không ai biết đến.
Đặt trên quan tài, là ảnh của Cao, được phóng ra từ tấm hình em chụp chung với cả nhà ở ngoài phi trường Tân Sơn Nhất lúc em tiễn người anh trở lại Đức khi về dự đám cưới của tôi năm ngoái. Ánh mắt em tha thiết, nhìn chúng tôi như xin tha lỗi cho em đã vội bỏ người thân ra đi quá sớm, không kịp nói lời từ biệt. Trong ánh nến lung linh dưới ngọn đèn vàng vọt, chúng tôi nghẹn ngào hát mãi những lời, Tiếc Thương (Dona Dona)
Ánh đèn vàng hiu hắt, khói trầm cay đôi mắt.
Em nằm đó sao thôi cười thôi nói?
Dáng buồn còn vương nét. Mắt huyền giờ đã khép.
Em nằm đó như đang mơ mộng gì.
Điệp khúc:
Em theo mây bay quên cuộc đời, đời đầy nghĩa thương đau.
Mây đưa em bay đi tìm trời, và nơi đó em có nhớ tôi.
Em ơi em ơi em, hỡi người yêu dấu!
Sao em yêu vội sớm ra đi.
Em ơi em ơi em, hỡi người yêu dấu!
Đau lòng thay phút giây xa rời.
Tiếng đàn ai buông lơi, tiếng đàn như tiếng khóc
rung từng phím tơ não nùng ai oán.
Khiến lòng tôi thổn thức, khiến lòng tôi ray rức.
Môi mặn đắng nước mắt thương tiếc em
Điệp khúc:
Em theo mây bay quên tình người,
đời đầy những dối gian.
Mây đưa em bay đi về trời, và nơi đó em có nhớ tôi.
Em ơi em ơi em, hỡi người yêu dấu!
Sao em tôi vội sớm chia ly!
Em ơi em ơi em, hỡi người yêu dấu!
Thế rồi tôi mất em suốt đời!
Il était une fois un petit garçon
Qui vivait dans une grande maison
Sa vie n'était que joie et bonheur
Et pourtant au fond de son cœur
Il voulait devenir grand
Rêvait d'être un homme.
Chaque soir il y pensait
Quand sa maman le berçait
Chorus:
Donna Donna Donna Donna
Tu regretteras le temps
Donna Donna Donna Donna
Où tu étais un enfant
Puis il a grandi, puis il est parti
Et il a découvert la vie
Les amours déçues, la faim et la peur
Et souvent au fond de son cœur
Il revoyait son enfance
Rêvait d'autrefois
Tristement il y pensait
Et il se souvenait
Chorus:
Parfois je pense à ce petit garçon,
Ce petit garçon que j'étais.
Vài ngày sau khi chôn em, cha tuân lệnh nhà nước mang theo lương thực cho đủ 1 tháng lên đường đi học tập cải tạo. Mười ngày sau chồng tôi cũng khăn gói đi trình diện. Không khí trong nhà sau đó thật buồn thảm, nỗi buồn mất Cao còn nguyên đó cộng thêm nỗi lo âu về những người đàn ông vắng nhà, không phải chỉ đi vắng 1 tháng hay 10 ngày mà ngày về mịt mùng không biết. Các em tôi không được theo học đại học nữa vì là con ngụy, mẹ tôi phải thường xuyên ra phường trình diện kê khai lý lịch, tình trạng tài chánh cũng xuống dốc, các em vào tổ hợp dệt chiếu, mẹ nuôi heo, hy vọng bán lấy tiền để sống.Hoàn cảnh của tôi cũng chẳng khá hơn, hết được ngồi nhà mát ăn bát vàng, tháng tháng ngửa tay nhận tiền cho thuê bằng.Tôi lại vừa biết mình có thai, mừng lo lẫn lộn, vợ chồng tôi vẫn chờ mong có con, nhưng oái ăm thay, sao lại có vào lúc này! Cuối tuần tôi vẫn về Cầu Kinh thăm mẹ, ngủ lại đó đêm thứ bảy. Một đêm thứ bảy chúng tôi đã ngồi cầu cơ trong phòng Cao, em gái tôi mượn được ở đâu đó một miếng gỗ đen hình trái tim, nghe nói là làm từ ván quan tài. Miếng gỗ được đặt lên một tờ giấy lớn có viết 24 chữ cái. Một người để ngón tay chỏ lên miếng gỗ rồi lâm râm khấn, tôi nghe loáng thoáng „ hồn có linh thiêng đi ngang qua xin dừng chân lại cho tôi hỏi đôi lời..“, miếng gỗ bắt đầu nhúc nhích, di chuyển đến từng mẫu tự, lúc chậm lúc nhanh, ráp lại thành chữ, thành câu, để biết điều hồn muốn nói, cho biết hồn là ai và chúng tôi muốn hỏi gì... Không khí rờn rợn, chúng tôi ngồi sát vào nhau, tôi không can đảm tự mình đặt ngón tay lên miếng gỗ để biết nó tự di chuyển hay được đẩy đi.Chúng tôi muốn gặp Cao, muốn hỏi xem cha tôi, chồng tôi đang ở đâu, họ có bình yên khỏe mạnh không nhưng toàn là những hồn xa lạ hiện lên và trả lời không thoả đáng nên chúng tôi bỏ cuộc.Tôi cũng chẳng bao giờ quên được cảm giác sợ hãi lo âu mỗi khi nghe tiếng chó sủa lẫn tiếng người quát tháo trong đêm tối. Chúng tôi đã quẳng xuống sông tất cả những gì có liên quan đến chế độ cũ như huân chương, lon lá, sách vở về chính trị lẫn tôn giáo cũng như truyện tiểu thuyết, quăng hết rồi nhưng vẫn sợ mỗi khi bị khám xét nhà. Nghe tiếng chó sủa, tôi co rúm người, tay ôm bụng nằm ép sát mình vào đứa em gái, chỉ còn nghe tiếng thở hồi hộp của hai chị em.
Hai tháng đã trôi qua mẹ và tôi vẫn chưa có tin tức gì về chồng mình, tình hình càng tệ thêm vì việc đổi tiền trong tháng 9.75. Mỗi hộ khẩu được phép đổi 200 đồng tiền mới, (500 đồng tiền của chế độ cũ đổi lấy 1 đồng tiền mới). Vợ chồng tôi ở chung với bố mẹ chàng, chỉ có chung một hộ khẩu, nên chỉ được đổi 200. Số tiền tôi dành dụm trở thành mớ giấy lộn. Mẹ chồng tôi là người đi buôn lẻ, đã quen cảnh tiền vào tiền ra trước kia, bây giờ chỉ cầm được vỏn vẹn 200 đồng bạc nên nắm chắc trong tay, không dám tiêu pha gì trong mấy ngày đầu. Tôi moi móc trong hộp hình cũ tìm những tờ giấy bạc lẻ không được đổi nhưng còn dùng để mua bán được ra mua gói xôi ăn cho đỡ đói bụng vì cái thai cào cấu, đó là những tờ bạc được lì xì còn mới tinh, tôi cất làm kỷ niệm hay những tờ bạc trong bộ sưu tập tiền giấy của tôi. Lần đổi tiền thứ nhì đỡ hơn, tôi đã biết đổi chợ đen, có được ít tiền, vội mua mấy hộp sữa bột để dành cho con, nhưng cũng phải đem đến nhà người chị gửi vì sợ nhà chồng tôi bị khám xét, bị đánh tư bản mại sản, mặc dù chỉ là cửa hiệu nhỏ mua bán xe gắn máy cũ. Ông chủ tiệm thuốc tây mà tôi cho thuê bằng trước đây, nhờ tôi đến ngân hàng lãnh ra số tiền ông bị mắc kẹt trong đó, xong xuôi việc, ông tặng tôi một số tiền. Tôi vội cầm tiền đến phố bán đồ gỗ ở đường Hồng Thập Tự mua một cái giường cho con nít khổ to thật đẹp, thuê xe ba gác chở về nhà mẹ ruột, kê trong phòng của Cao.
Khi nhận được lá thư đầu tiên của chồng gửi về sau gần nửa năm vắng nhà, tôi đã tưởng nhà tôi bị điên khùng. Lá thư dài gần 2 trang vở học trò, chỉ có vài dòng đầu viết đã biết tin mình sắp được làm bố, vì thế tôi nên giữ gìn sức khỏe, cố gắng tập thể dục hàng ngày, rồi tràng giang đại hải chỉ dẫn tôi những phương cách tập luyện, hít vào thở ra như thế nào, đứng lên ngồi xuống bao nhiêu lần... xong rồi chấm dứt lá thư bằng lời khuyên tôi nên chăm chỉ tham dự sinh hoạt phường khóm, yên tâm chờ ngày chồng về. Dĩ nhiên tôi không chờ đợi một lá thư đậm mùi tình cảm, nhưng đọc những dòng chữ lạnh lùng vô cảm cũng ngỡ ngàng, đâm hoảng.Tôi viết thư nhờ chồng xin phép mẹ cho tôi được về nhà ngoại sinh nở vì cô em chồng có cùng cảnh ngộ, gia đình phải chăm lo cho mẹ con cô ấy cũng đủ bận rộn rồi. Gần ngày sinh con, mẹ tôi đến xin phép bà xui gia, đón con gái về nhà mình.
Đầu tháng 3 tôi sinh cháu, hai mẹ con ở trong phòng của Cao trước đây, mẹ con nằm riêng, ai ngủ giường nấy, đêm đêm nghe tiếng con khóc hay phải thay tã cho nó, tôi vén mùng chui vào giường cháu dỗ dành, xong việc lại vén mùng bò ra ngoài. Sáng ngủ dậy thấy mặt con bị muỗi đốt sưng đỏ mà đau lòng. Tôi căm thù nhìn những con muỗi căng mọng máu không bay nổi nữa bám đậu trong màng, đập chết nó hôm nay, tối đến trước khi đi ngủ, kiểm soát lần nữa, trong mùng trắng tinh, không có bóng dáng kẻ thù nhưng sáng hôm sau lại có những đồng bọn mới mập mạp đen tròn xuất hiện. Sau 2 tuần lễ, tôi quyết định cho con nằm chung với mình trên giường ngủ của Cao trước kia. Thời tiết nóng nực, tôi thường phải để quạt trần chạy cả đêm. Mỗi tối tôi gấp một cái khăn bông, để sẵn ở đầu giường, rồi khoảng 3-4 giờ sáng sẽ dậy tắt quạt vì lúc đó trời đã mát lạnh, đắp khăn bông cho con rồi ngủ tiếp. Một đêm tôi ngủ mê mệt, thức giấc thì đã hơn 5 giờ sáng, nhưng thấy quạt trần ngừng quay, con đã được đắp khăn bông, tôi yên chí quay người ngủ tiếp vì nghĩ là mẹ tôi dậy đi tiểu, ngang qua phòng thấy tôi ngủ quên nên đã tắt quạt, đắp chăn cho cháu dùm tôi. Sáng ra, tôi hỏi mẹ, hỏi em gái, ai đã tắt quạt dùm tôi sáng sớm nay, nhưng cả hai đều lắc đầu, ngơ ngác không hiểu gì.Tôi kể lại chuyện đã xảy ra, nghe xong mẹ tôi thì thầm“ Cao“. Vài tuần sau, chuyện lại xảy ra lần nữa, khi nghe tôi hỏi mẹ tôi đêm qua có tắt quạt không, bà lắc đầu rồi thản nhiên nói, cậu nó lại về thăm lo cho cháu đấy mà.
Tôi mang con về lại nhà chồng lúc nó được hơn 3 tháng. Một đêm đang ngủ, tôi mơ như nghe thấy tiếng Cao nói „ em đi đây“, trong hơi gió thổi lạnh buốt, tôi thức giấc, người lạnh toát. Tôi hiểu là em đã đền tội xong, bây giờ được về thiên đàng an nghỉ ngàn thu. Nói cách khác em đã siêu thoát.
Cô giáo cũ của chị tôi giải thích, người già chết dễ siêu thoát hơn, vì họ đã sống lâu trên cõi đời, hơi đã tàn, sức đã cạn, ra đi không còn gì tiếc nuối nữa, nhưng những người chết lúc còn trẻ, phải giã từ cuộc đời quá sớm, lúc sinh khí còn nhiều, thương tiếc cho cuộc đời còn dài của mình, nên quyến luyến, vương vấn, quanh quẩn mãi bên người sống, vì thế khó siêu thoát. Có lẽ còn nhiều lời giải thích tâm linh khác. Nhưng với riêng mình, tôi chỉ có một lời cắt nghĩa đơn giản, em đã yêu thương cha và cũng đã yêu thương tôi, thương một người chị của em.
Bạn không có quyền gửi bài viết Bạn không có quyền trả lời bài viết Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn Bạn không có quyền tham gia bầu chọn