HẢI MINH
Năm đó, Chú Năm Cương và mẹ mình ở chung nhà với Ba Má ông Minh tại Phường Kinh Dinh, thị xã Phan Rang- Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận vào năm 1950. Ngôi nhà song thân ông Minh thuê của thầy giáo Hòa. Ông này có hai ngôi nhà cất bên cạnh nhau, gần Trường Tiểu Học Long Bàng PR. Ông cho khách thuê một căn nhà, còn căn kia, lớn hơn, vợ chồng con cái ông ở. Chú Năm cùng tuổi Hợi, sinh năm 1911, với thân phụ của Minh. Bà Mẹ chú, lúc đó cũng già rồi, khoảng 65 tuổi. Ba của Minh đi lính cảnh sát. Má chàng ở nhà lo nội trợ và săn sóc con cái. Chàng, sau khi học tư Thầy Lô trên đường Ngô Quyền trong thời gian ngắn, biết đọc, biết viết, biết tính toán, là song thân cho nghỉ học vì nhà nghèo, anh em đông. Chàng phải đi bán cà rem, mua kem từ Tiệm Tàu Bang Gia gần Chùa Ông PR. Cậu bán kem hàng ngày kiếm tiền lời phụ giúp Ba Má nuôi con dại, trong mấy năm liền. Sau này chàng đi học trễ.
Chú Năm làm thợ may. Vơ Chú đang bị tù trong nhà lao của Pháp. Nhà tù của Pháp lúc bấy giờ nằm đối diện Tòa Hành Chánh PR, trên đường Thống Nhất. Nhà Lao sau này, trong thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, bị đập phá và xây cất Nhà Thờ Công Giáo. Vợ chú quê ở Sở Muối Thương Diêm Cà Ná. Gia đình Chú Năm trước kia, sinh sống tại đây. Bà làm cán bộ Việt Minh trong vùng này, bị Pháp bắt bỏ tù. Bà bị giam cầm lâu năm. Lưng bị lỡ lói rất trầm trọng, thiếu người săn sóc và thuốc men trong ngục thất, nên sức khỏe của bà tàn tạ, khó bề thoát khỏi tử thần. Vì vậy, Pháp mới phóng thích bà về nhà lo chữa chạy vết thương. Khi Chú Năm lãnh vợ về, trông bà thật thê thảm. Chú phải để vợ nằm trần truồng trên giường bịnh vì vết lở phía sau lưng quá trầm trọng. Chừng một tuần sau là thím Năm từ trần. Thế là bỗng chốc Hiệp sĩ Quảng Nam trờ thành góa vợ, không con cái để nối dõi tông đường
Có thể nói Chú Năm là một người con chí hiếu. Chú lúc nào cũng quan tâm săn sóc Mẹ già hết lòng tận tụy. Chú luôn luôn tỏ ra kính yêu, vâng lời Mẹ mình. Bà Mẹ nói gì, bảo gì, khuyên gì, Chú cũng làm theo, cốt để làm vui lòng thân mẫu. Bà cụ tánh tình khó khăn chi li từng chút. Bếp núc nấu chung với Má của Minh. Bà nấu bếp xong, liền tắt hết củi lửa. Bà tưới nước than hồng hết trơn, để dành dùng lần sau. Bà sợ Má của Minh dùng than lửa nấu ăn. Bà tiết kiệm từng li từng tí, không sợ mất lòng chủ nhà. Ba Má Minh mướn nhà, cho hai mẹ con bà ở trọ. Chú Năm trông thấy việc kỳ cục này, nhưng nễ Mẹ, Chú tảng lờ đi. Không dám nói gì, sợ Mẹ bị tự ái giận mình.
“ Người con chí hiếu vô ngần
Hết lòng phụng dưỡng mẫu thân suốt đời.
Tấm gương hiếu thảo tuyệt vời
Tận tình săn sóc, làm vui Mẹ già.
Bà con, cô bác, gần xa
Nhiệt tình khen tặng chàng ta ngoan hiền.
Mẹ già phụng dưỡng bình yên
Cụ Bà cao tuổi, quy Tiên về Trời. ”
Sau khi mãn tang Mẹ, Chú Năm mới tục huyền với một phụ nữ cùng quê Quảng Nam. Bà này sanh cho lang quân một con gái để vui cửa vui nhà. Không biết sau này Chú có con trai để nối dõi tông đường hay không. Ông Minh rất kính phục Chú vì Chú quả là một người con chí hiếu.
“ Làm con phải thương Cha Mẹ
Tấm gương hiếu thảo sáng ngời.
Công ơn sanh thành dưỡng dục
Công lao Trời biển người ơi!
Tuổi già nương nhờ con cái
Kính yêu Cha Mẹ trọn đời
Chữ Hiếu sáng ngời mãi mãi
Kiền Liên Bồ Tát sáng soi. ” (1)
(1): Mục Kiền Liên Bồ Tát, Đại Hiếu,
cứu Mẹ thoát khỏi Địa Ngục A Tỳ. HẢI MINH |