TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - TAM GIÁC VÀ PHẬT PHÁP
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

TAM GIÁC VÀ PHẬT PHÁP

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Thanh Dao
Cựu Giáo Sư Duy Tân


Ngày tham gia: 18 Jul 2008
Số bài: 1201

Bài gửiGửi: Wed Apr 22, 2015 5:15 pm    Tiêu đề: TAM GIÁC VÀ PHẬT PHÁP
Tác Giả: THANH ĐÀO



TAM GIÁC VÀ PHẬT PHÁP


       (Theo giáo lý Đạo Phật)
      THANH ĐÀO
     
 Trong Phật Giáo, hình tam giác ba cạnh tượng trưng cho:
      1) Tam Ác Đạo, Tam Ác Thú (Tam= ba, ác đạo=ác thú= cõi xấu ác): Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh (thú vật).
      2) Tam Bành, Lục Tặc. (Tam= ba, Bành= ông già họ Bành. Lục=sáu, tặc= giặc) Nghĩa đen, ba ông Bành và sáu tên giặc. Theo truyền thuyết Trung Hoa, mỗi người, khi sinh ra, đã có ba vị thần đi theo. Bành Kiên, Bành Chất, Bành Sự (tượng trưng cho ba mối độc: tham, sân, si, xúi giục làm bậy, để tâu lên Trời mà trị tội. Còn sáu tên giặc là sáu căn: Tai, Mắt. Mũi, Lưỡi, Thân và Ý xúi giục Tâm chạy theo cảnh bên ngoài để mà mê luyến. Nghĩa bóng: trong dân gian có nói: “ Nổi cơn tam bành lục tặc lên” có nghĩa là nổi “trận lôi đình” (= giận dữ, quát tháo, đập phá, chẳng kiêng nễ gì)
      3) Tam Bảo. (Tam=ba, Bảo=quý báu) = Ba ngôi báu, tức là 1) Phật Bảo, chỉ Đức Phật. 2) Pháp Bảo: Chánh Pháp của Đức Phật giảng dạy 3) Tăng Bảo: các vị tu hành theo đúng đường lối của Đức Phật. Lễ Quy Y Tam Bảo là buổi lễ ở Chùa, người Phật Tử hứa nguyện trọn đời nương tựa theo Ba Ngôi Báu: Phật, Pháp, Tăng.
      4) Tam Chướng: (chướng= trở ngại.) Ba mối trở ngại lớn làm chậm bước tiến tu hành để đến nơi giác ngộ và giải thoát. Đó là: 1) Phiền Não Chướng: tam độc: tham, sân, si và các phiền não khác tùy thuộc theo. 2) Nghiệp Chướng: Ảnh hưởng của các hành động và lời nói cố ý cũ (gọi là Nghiệp lực). Nay đem đến hậu quả, cản trở bước tiến tu 3) Báo Chướng: bị sa đọa vào ba đường xấu ác là địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh.
      5) Tam Độc (Độc= gây tổn hại) = Ba món phiền não chánh, gây tổn hại cho công đức, lại kéo theo các phiền não khác. Đó là: 1) Tham, 2) Sân (giận), 3) Si (ngu mê).
      6) Tam Giác (giác= giác ngộ, hiểu rõ) = Ba sự giác ngộ, hiểu rõ lẽ sống chết ở đời và con đường giải thoát khỏi khổ sở. Đó là: 1) Tự giác: Tự mình giác ngộ lẽ sống chết và đường tu giải thoát. 2) Giác tha: Đã tự mình giác ngộ, đem chỗ giác ngộ đó ra chỉ dạy và giúp đỡ kẻ khác được giác ngộ theo, đã được thi hành hoàn toàn xong xuôi cả. Bực tự giác là kẻ tu hành lo cho bản thân mình. Bực giác tha (tha= kẻ khác) là các cấp Bồ Tát: và bực Giác hành viên mãn (giác= hiểu biết, hành= công cuộc dạy kẻ khác, viên=tròn. Mãn= tràn đầy) chính là Đức Phật. Theo giáo lý Bắc Tông (Đại Thừa Khởi Tín Luận) có ba cấp bực giác ngộ: 1) Bổn giác: Tánh giác có sẵn nơi mọi chúng sanh, nhưng còn bị che mờ, chưa được biết đến. 2) Thủy giác/ Thỉ giác: Sực tỉnh, khiến nhìn thấy bổn giác nơi mình. Tu tập theo Chánh pháp làm tánh giác sáng tỏ thêm lên. 3) Cứu Cánh giác: nhờ công tu tập mà tánh giác nơi mình đạt tới chỗ cứu cánh, rốt ráo, quay về lại với Bổn giác. Bấy giờ, hết bị che mờ và rạng thêm lên.
7) Tam giới: (giới= cõi hiện hữu.) Ba cõi hiện hữu của chúng sanh. Đó là: 1) Dục giới: Cõi hiện hữu còn nhiều ham muốn (Nơi chúng ta đang sống thuộc về cõi Dục giới) 2) Sắc giới: Cõi Trời, ít ham muốn, còn chuộng hình sắc. 3) Vô sắc giới: Cõi Trời cao hơn, hết hình sắc, còn chút tư tưởng. Tu tập Thiền định, đắc được từ Sơ Thiền đến Tứ Thiền, tâm vượt đến cõi Sắc giới, đắc được Tứ Định (Không xứ, Thức xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng xứ ) Tâm vượt lên cõi Vô sắc giới, và đắc Diệt tận định, chứng quả A La Hán. Tâm vượt thoát khỏi vòng Tam Giới, chứng cõi Niết bàn vô sanh.
8) Tam Giải Thoát Môn (giải= cởi mở ra, thoát= tránh khỏi, môn= cửa) = Ba cửa giải thoát, khiến cho ta khỏi bị khổ sở vĩnh viễn. Đó là: 1) Cửa Không: nhìn muôn sự vật rỗng rang, vắng lặng. 2) Cửa Vô Tướng: Chẳng chấp chặt vào hình tướng đổi thay bên ngoài. 3) Cửa Vô Tác: còn gọi là Cửa Vô Nguyện: chẳng mong cầu, chẳng tạo nghiệp.
9) Tam Hiền, Tứ Thánh: (Hiền= bực Hiền. Tứ= thứ tư, Thánh= bực Thánh) Ba bực Hiền giả và bực thứ tư là Thánh Giả. Theo Nam Tông, Hiền giả tu theo Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo, là bực đã chứng đắc ba quả vị đầu tiên: 1) Tu Đa Hoàn hay là Thất Lai (Còn tái sanh 7 lần nữa) 2) Tư Đa Hàm hay Nhứt Lai (Còn tái sanh một lần nữa) 3) A Na Hàm hay Bất Lai. (Chẳng tái sanh ở cõi trần, sanh lên cõi Trời một lần): đến quả vị thứ tư là A La Hán: chứng được vô sanh (chẳng còn tái sanh nữa) là bực Thánh giả. Theo giáo lý Bắc tông, tu theo Bồ Tát Đạo, ba bực Hiền giả, gồm có: 1) Thập Tru 2) Thập Hành 3) Thập Hồi Hướng. Đến hàng Thập Địa, kể từ địa ví thứ tám, Bất Động Địa, chứng được vô sanh, là bực Thánh giả.
10) Tam Học, Tam Vô Lậu Học. (học=môn học, Vô= không, lậu= rỉ chảy. Vẫn còn các phiền não): Ba môn của Phật học nhằm diệt tận tất cả các phiền não để được giác ngộ và giải thoát hoàn toàn. Đó là;: 1) Giới học: Học tập và giữ gìn các giới luật thật thanh tịnh. 2) Định học: Tu tập Thiền định để tâm được an định, chứng đắc các bậc Thiền và Định. 3) Huệ học: Phát triển Trí huệ giác ngộ và giải thoát, nhờ Thiền định và tu tập theo Chánh pháp. Gọi là Ba Môn Học Vô Lậu là vì ba môn Giới- Định-Huệ tận diệt được các phiền não, chẳng còn rỉ chảy ra nữa (= vô lậu) mà chứng Vô Sanh trong cảnh vắng lặng của Niết Bàn.
11) Tam Huệ Học (Huệ= trí huệ, học= môn học) = Ba môn học nhằm phát triển trí huệ giác ngộ và giải thoát. Đó là: 1) Văn Huệ: Nghe thấy nhiều để có những tri kiến đúng đắn. 2) Tư Huệ: Suy tư, quán tưởng nhiều để Trí Huệ được phát triển. 3) Tu Huệ: Tu tập tinh tấn theo Chánh Pháp để đi đến giác ngộ và giải thoát. Ba môn học này tương đương với ba ngành của Bát Nhã (Bát Nhã= Trí huệ): 1) Văn tự Bát Nhã. 2) Quán tưởng Bát nhã. 3) Thực tướng Bát nhã.
12) Tam Khổ: (Khổ= tình trạng của sự khổ sở) = Ba tình trạng do các nỗi Khổ sở gây ra. Xin đừng lầm với nỗi khổ trong Khổ Đế trong Kinh Chuyển Pháp Luân, như sanh khổ, già khổ, chết khổ... Ba tình trạng Khổ sở ở đây là: 1) Khổ khổ: Tình trạng của cái khổ này chồng chất lên cái khổ kia. Khiến cho cả thân tâm đều khổ sở. 2) Hành khổ: Tình trạng khổ sở do chư hành (Hành là các pháp hữu vi bị điều kiện hóa.), cứ biến đổi mãi theo các điều kiện chung quanh, khiến thân bị đau khổ. 3) Hoại khổ: Tình trạng do sự hoại diệt, theo định luật Vô thường, gây nên khiến thân tâm chịu khổ sở.
13) Tam Không: (Không= rỗng rang, vắng lặng) = Ba loại lý lẽ về Tánh Không, rỗng rang, vắng lặng. Đó là: 1) Ngã Không: Cái Ta, cái Bản Ngã, cái Tự Ngã là rỗng rang, chẳng có thực thể, chẳng có cốt lõi, chẳng có chủ thể, theo đặc tính Vô ngã của muôn pháp (= muôn sự vật). Như thế cái Ta chỉ là giả danh (= chỉ đặt tên để gọi mà thôi), chẳng có thật... 2) Pháp Không: (Pháp= sự vật). Muôn vật: Muôn pháp đều rỗng rang, vắng lặng. Tại sao? Vì muôn pháp đều do duyên sanh: đủ nhân duyên thì thành, thiếu nhân duyên thì tan rã. Theo lẽ vô thường. 3) Ngã Pháp Câu Không. (Câu Không= cùng là Không cả hai). Cả Ngã và Pháp đều rỗng rang, vắng lặng, chẳng có thực thể, chẳng có cốt lõi, chẳng có chủ thể, nên chỉ có giả danh (= tạm có tên để gọi mà thôi, chớ chẳng có thực thể), chớ chẳng thường hằng, chơn thật. Đó là tánh Không. Đây là chỗ khác biệt căn bản về giáo lý giữa hai Tông Nam Bắc: Nam Tông chủ trương Ngã Không, Pháp Hữu. Chấp nhận có sự hiện hữu tạm thời của muôn sự vật.
14) Tam Luận Tông: (Luận= Bộ Luận, Tông= môn phái). Một môn phái Phật Giáo ở Trung Hoa, vào thế kỷ thứ năm. dùng ba Bộ Luận làm Kinh sách căn bản: 1) Trung Luận. 2) Thập Nhị Môn Luận. Hai Bộ Luận này do Tôn Giả Long Thọ trước tác. 3) Bá Luận, do Đề Bà, đệ tử của Ngài Long Thọ, sáng tác. Cả ba Bộ Luận được Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập dịch sang tiếng Trung Hoa. Môn phái này chủ trương lập trường đứng ở giữa hai quan niệm Không và Hữu về vạn pháp.
15) Tam Ma Đề, Tam Ma Địa. Chỉ tình trạng tâm lắng đọng, tâm ý gom về một mối, an trú trên đối tượng, vắng bặt vọng tưởng. Còn được gọi là: Tam muội, Đại định, Chánh định, Chánh thọ. Đây là chỗ chứng đắc của buổi tu tập Thiền định, đạt đến Nhứt tâm, nghĩa là tâm ý gom lại thành một mối, an trú trên đối tượng đang quán chiếu.
16) Tam Mật: (Mật= bí mật). Ba phép tu bí mật của Mật Tông. 1) Thân Mật: Tay bắt ấn triệu thỉnh các bực Thánh Chúng về chứng minh. 2) Khẩu Mặt hay Ngữ Mật; Miệng đọc câu chơn ngôn (= chú) 3) Ý Mật: Tâm an trú vào phép Thiền định. Phép Tu Tam Mật được tin rằng, khi thành công, tâm hành giả, sẽ hóa vào vòng hào quang của Chư Phật.
17) Tam Miệu Tam Bồ Đề. = Chánh đẳng, Chánh giác, hoặc Chánh Biến Giác. Đây là quả vị Phật: Chánh Đẳng là đứng vào hàng chơn chánh nhất. Chánh Giác hay Chánh Biến Giác. là thấu rõ tất cả muôn sự vật một cách thật chơn chánh. Còn được gọi tắt là quả Bồ Đề. (Bồ Đề= Bodhi= giác= hiểu rõ lẽ sống chết và con đường thoát khổ).
18) Tam Minh. (Minh= sáng suốt) Ba khả năng sáng suốt. Thấu rõ thật siêu việt của hàng Thánh, bực đã hoàn toàn giác ngộ và giải thoát như chư Phật và Đại Bồ Tát. Đó là: 1) Túc Mạng Minh: Biết rõ các đời kiếp trước của mình và của mọi chúng sanh. 2) Thiên Nhãn Minh: Thấy rõ Nghiệp lực dẫn dắt chúng sanh nơi đây, chết nơi kia, tái sinh nẻo nọ. 3) Lậu Tận Minh: Biết rõ tất cả các phiền não đều đã diệt tận nơi thân tâm mình. Thái tử Tất Đạt Đa ngồi dưới cội cây Bồ Đề chứng đắc được Tam Minh vào đêm trăng tròn tháng Tư, và đắc thành quả vị Phật Đà, với danh hiệu Thích Ca Mâu Ni.
19) Tam Nghiệp: (Nghiệp= Hành động cố ý đã qua, có ảnh hưởng đến hiện nay và đời sau) = Ba hành động cố ý tạo nên” nghiệp lực “ sẽ ảnh hưởng hiện đời và tương lai. Đó là: 1) Thân Nghiệp: Hành động cố ý của thân thể. 2) Khẩu Nghiệp: Lời nói cố ý của miệng. 3) Ý Nghiệp: Tư tưởng cố ý nuôi dưỡng trong lòng. Chỉ chờ cơ hội bộc phát thành hành động hay lời nói. Trong Ba Nghiệp, Ý Nghiệp là quan trọng nhất, vì do ý mà sanh ra hành động hoặc lời nói.
20) Tam Pháp Ấn: (Pháp= Chánh Pháp, Ấn= con dấu, điểm đặc trưng, dấu hiệu riêng) = Ba dấu hiệu riêng dành cho Phật Giáo. Nếu thiếu một thì chẳng là Phật Giáo chánh tông. Đó là: 1) Chư hành vô thường (Các pháp hữu vi đều chẳng thường còn, bị biến đổi theo điều kiện chung quanh và rồi bị tiêu diệt, theo đúng lẽ vô thường. 2) Chư Pháp vô ngã= Muôn sự vật đều chẳng có tự ngã, chẳng có chủ thể, do nhân duyên mà sanh ra, và cũng do nhân duyên mà diệt đi. Thể tánh vốn rỗng rang3) Niết Bàn tịch tĩnh: = Cảnh vắng lặng an tĩnh của Niết Bàn, thường hằng, chẳng sanh mà cũng chẳng diệt.
21) Tam Quan. Cổng chùa lớn có ba cửa vào gọi là cổng Tam Quan, thường có gác chuông. 22) Tam Quán: (quán= quán tưởng) = Ba phép quán tưởng; 1) Không quán: Quán chiếu muôn sự vật đều rỗng rang, có thể tánh là Không, vắng lặng. 2) Giả quán: quán chiếu muôn sự vật đều biến đổi chẳng ngừng, nên chỉ là giả tạm, chẳng thật có. 3) Trung quán: Chẳng chấp Có, cũng chẳng chấp Không, theo đúng con đường Trung Đạo ở giữa.
23) Tam Quy, Ngũ Giới. (Quy= quy y= nương tựa tinh thần. Tam Quy Y 1) Quy Y Phật, 2) Quy Y Pháp, 3) Quy Y Tăng. Ngũ Giới: Người tu tại gia giữ suốt đời năm giới: 1) Không sát sanh. 2) Không trộm cắp. 3) Không tà dâm 4) Không nói dối 5) Không uống rượu.
24) Tam Sư. Ba vị Sư cao cấp trong chùa. 1) Hòa thượng, vị trù trì chùa 2) Yết Ma: phụ trách các nghi lễ. 3) Giáo thọ: vị lo dạy giáo lý.
25) Tam Tai: Ba nạn lớn khi giai đoạn hoại diệt của một thế giới xảy ra. Đó là 1) Hỏa tai; cháy lớn thiêu hủy tất cả. 2) Thủy tai: nước lụt dâng lên trôi cuốn tất cả. 3) Phong tai: Gió bão lớn làm sụp đổ tất cả.
26) Tam Tạng Kinh Điển: (Kinh Điển= Kinh sách) = Chỉ tất cả Kinh sách về giáo lý của Phật Giáo. Gồm có 1) Luật Tạng: Gồm 5 quyển về Giới luật. 2) Kinh tạng: Gồm 5 bộ về Kinh kệ (Trường Bộ, Trung Bộ, Tương Ưng Bộ, Tăng Chi Bộ, và Tiểu Bộ) 3) Luận Tạng: Gồm có 7 Bộ Luận. Tam Tạng Kinh Điển được kết tập 3 tháng, sau ngày Đức Phật Thích Ca nhập Niết Bàn, tại Thành Vương Xá, Nước Ma Kiệt Đà, qua lời đọc tụng lại, chớ chưa có chữ viết. Mãi đến kỳ kết tập lần thứ tư, tại thành Ca Thấp Di La, mới được ghi bằng chữ viết bằng tiếng Pali, lần đầu tiên. Tam Tạng Kinh Điển được dịch ra tại các nước theo Phật Giáo, nên có nhiều hệ thống, như hệ Pali, hệ Sanskrit, hệ Hán Tạng, hệ Tây Tạng...
27) Tam Tạng Pháp Sư. (Tạng= kho chứa sách, Pháp= Chánh Pháp, Sư= Thầy) = Vị cao tăng thông thuộc cả ba tạng Kinh Điển. Phật Giáo Trung Hoa thường nhắc đến hai vị Tam Tạng Pháp Sư là Cưu Ma La Thập và Huyền Trang.
28) Tam Tế: (Tế= Khoảng thời gian): Ba giai đoạn dài về thời gian, chia ra làm: 1) Thời quá khứ. 2) Thời hiện tại. 3) Thời vị lai. Kinh sách thường nói: Tam Tế Thập Phương. Có nghĩa là Ba Đời và Mười Phương. (Mười phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Đông Nam, Tây Nam, Đông Bắc, Tây Bắc. Phương trên, Phương dưới).
29) Tam Thế Chư Phật. (Phật quá khứ, hiện tại, và vị lai. Gọi tắt là Ba Đời Chư Phật)
30) Tam Thập Tam Thiên. (Tam thập tam= ba mươi ba, Thiên= Trời.) = Cõi Trời Ba Mươi Ba. Cao hơn cõi Tứ Thiên Vương. Thấp hơn cõi Phạm Thiên. Ba Mươi Ba là vì ở đấy có 33 cảnh Trời: Ở giữa, Cõi Đao Lợi. Chung quanh, bốn phương, mỗi phương có 8 cõi nữa. Cõi Tam Thập Tam Thiên do Vua Trời Đế Thích cai quản.
31) Tam Thập Thất Đạo Phẩm. (Đạo Phẩm=Môn tu) 37 môn tu đưa đến sự giác ngộ. Đó là 1) Bốn Niệm Xứ 2) Bốn Chánh Cần. 3) Bốn Như Ý Túc. 4) Năm Căn. 5) Năm Lực. 6) Bảy Giác Chi 7) Tám Thánh / Chánh Đạo.
32) Tam Thời Giáo Pháp. (Ba thời kỳ Giáp Pháp của Đức Phật.) = Giáo Pháp của Đức Phật Thích Ca được chia ra làm ba thời kỳ: 1) Thời Chánh Pháp: Kể từ ngày Đức Phật còn tại thế và kéo dài đến 500 năm sau, theo đúng lời dạy của Thế Tôn. 2) Thời Tượng Pháp, tiếp theo, kéo dài năm thế kỷ. Trong thời kỳ này, giáo pháp chỉ mường tượng như Chánh Pháp, phát triển với ít nhiều sai biệt. 3) Thời Mạt Pháp. Kế tiếp cho đến ngày Giáo Pháp mất hẳn, chẳng còn. Hiện chúng ta đang ở vào thời Mạt Pháp.
33) Tam Thiền. (Thiền= thiền định) = Tình trạng Tâm đắc Định lực, sau khi vượt khỏi Nhị Thiền. Tam Thiền có năm Thiền chỉ: Xả, chánh niệm, chánh trí, lạc và nhứt tâm. Khi đắc được Tam Thiền, tâm có thể vươn lên Cõi Tam Thiền Thiên.
34) Tam Thừa. (Thừa= Thặng= Chiếc xe chở kẻ tu hành đến quả vị) = Ba đường lối tu hành của Phật Giáo. Đó là: 1) Nhị Thừa. Gồm có: Thanh Văn Thừa: Tu theo Pháp Tứ Diệu Đế và Duyên Giác Thừa tu lý Thập Nhị Nhân Duyên. 2) Bồ Tát Thừa: Tu Lục Độ của Bồ Tát Đạo. 3) Nhứt Thừa hay Phật Thừa, đưa đến quả vị Chánh Đẳng Chánh Giác.
35) Tam Tiễn (Tiễn= mũi tên) = Ba mũi tên độc. Nghĩa bóng ba món độc hại. Đó là Tham, Sân (Giận), và Si (Ngu tối).
36) Tam Tịnh Nhục (Tịnh= sạch, nhục= thịt). Ba thứ thịt thú vật, được xem như” trong sạch”. Người tu hành có thể dùng được mà chẳng phạm tội sát sanh. Đó là: 1) Thịt con thú bị giết chết mà mình chẳng thấy nó bị giết. 2) Thịt con thú bị giết rồi mà mình chẳng nghe tiếng kêu của nó khi bị giết. 3) Thịt con thú bị giết mà mình chẳng ngỡ là giết nó để cho mình ăn. Người giữ giới thanh tịnh cử hẳn ăn thịt dù đó là Tịnh Nhục.
37) Tam Tôn. (Tôn= Bực tôn quý). Đủ chữ là Di Đà Tam Tôn. Ba vị tôn quý ở Cõi Cực Lạc của Đức Phật ADi Đà. Đó là, trên các hình tượng. 1) Đức Phật A Di Đà đứng giữa 2) Bồ Tát Quan Thế Âm, đứng bên trái. 3) Bồ Tát Đại Thế Chí bên mặt.
38) Tam Vị (Vị= thú vị) = Ba mối thú vị của người tu hành. Đó là: 1) Xuất gia vị: Niềm vui khi rời nhà, bỏ lại các ràng buộc ở đời thế tục. 2) Đọc tụng vị: Niềm vui khi đọc tụng Kinh Kệ. 3) Tọa Thiền Vị: Niềm sảng khoái khi đắc định trong lúc ngồi thiền.
39) Tam Xa. (Xa =xe) Ba chiếc xe đưa hành giả đến quả vị. Đó là: 1) Dương Xa, xe dê, chở các bực Thanh Văn tu theo Tứ Diệu Đế. 2) Lộc Xa: Xe nai. Chở hàng Duyên Giác, tu pháp 12 Nhân Duyên. 3) Ngưu Xa; Xe bò/ trâu, chở các vị tu Lục Độ của Bồ Tát Đạo. (Theo cuốn “Tiểu Tự Điển Phật Học Thông Dụng” của nhà biên khảo Thiện Nhựt Huỳnh Hữu Hồng)
      “ Mênh mông giáo lý tu hành
      Tu là sửa đổi cho mình tốt hơn.
      Hành là thực hiện vuông tròn.
      Những điều Phật dạy, tâm hồn an vui.
      Làm lành, tránh ác, ai ơi!
      Bao dung nhẫn nhục, cuộc đời thong dong.
      Từ bi hỷ xả xanh dòng
      Cho ta hạnh phúc cõi lòng thảnh thơi.
      Vô thường, giả tạm cuộc đời
      Ở/ đi tự tại, an vui tuổi vàng. ”

THANH ĐÀO



Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân