Gửi: Tue May 13, 2014 1:31 am Tiêu đề: Chuyện Con Bò Vàng Tác Giả: Lam Khê
CHUYỆN CON BÒ VÀNG
---o0o---
Ngày ấy tại một vùng kinh tế mới xa xôi.
Trong ngôi chùa lá nhỏ nằm gần một con suối nhỏ, thầy trò tôi đã có một đời sống tu hành đạm bạc yên vui. Sáng sáng thầy cùng các vị sư huynh ra vườn cuốc đất trồng cây. Tôi mới hành điệu, lại yếu ớt nên được phân công lo chuyện cơm nước. Những chiều nắng gắt hoặc mưa dầm, thầy thường dạy chúng tôi học giáo lý, học chữ nho. Cuộc sống cứ bình lặng trôi qua như thế….
Một lần có người đem đến cho chùa một con Bê. Thầy tôi nhận nuôi với ý định lấy phân chăm bón cho vườn cây trái mới gầy dựng. Thầy vốn rất yêu thương loài vật, nên xem con Bê như một thành viên mới trong chùa. Thầy giao nó cho hai chú điệu Hạnh Tri, Hạnh Lễ chăn giữ. Khi con Bê được một năm tuổi thì nó đã trở thành một con bò mộng to lớn,với bộ lông màu vàng óng ả. Thầy tôi thuờng vuốt ve và gọi nó bằng cái tên “Vàng”thật là trìu mến. Thầy còn nói nó là con Bò có bộ lông đẹp nhất, còn đôi mắt rất đỗi hiền lành trong sáng như trẻ thơ .
Riêng tôi thì không hề ưa thích nó chút nào cả. Tôi luôn thấy nó dữ dằn đáng sợ. Với đôi chân khỏe khoắn, lúc nào nó cũng sẵn sàng đá vào bất cứ ai tiến đến gần. Nó lại còn phe phẩy cái đuôi đáng ghét, vừa như đang tự mãn sau bữa ăn, vừa như muốn xua đuổi hết mọi vật xung quanh mình.
Tôi thật sự ghét nó nhất kể từ hôm thầy tôi bất ngờ bảo tôi cũng phải thay phiên đi chăn Bò. Do hai chú điệu cứ phân bì với tôi. (thế còn việc bếp núc trong chùa, tôi có bao giờ nạnh hẹ với mấy chú đâu). Tôi cảm thấy uất ức, chưa biết phải nói gì thì thầy đã ôn tồn bảo:
_ Hai chú nhỏ ham chơi quá, cứ để Bò dẫm nát ruộng vườn của người ta. Con lớn hơn phải có trách nhiệm nhắc nhở và phụ giúp mấy chú trông coi con Vàng dùm thầy .
Tôi không thể cãi lời thầy, nên đành làm một kẻ chăn Bò bất đắc dĩ. Công việc thì không lấy gì làm khó nhọc lắm. Mỗi chiều tôi chỉ việc ra mở cửa chuồng (tôi chỉ giữ buổi chiều ) cầm sợi dây ràng nơi mũi nó, dắt đến một bãi cỏ nào đó rồi buộc dây vào một gốc cây. Sau đó bỏ mặc cho nó tha hồ gặm nhắm những cọng cỏ non xanh mướt. Tôi cũng đi tìm một bonùg cây im mát, ngồi xuống mở Kinh ra học. Hoặc có lúc tôi thả tâm tư mình dõi theo những áng mây trời bàng bạc trên không, hay nhìn ngắm mấy dãy núi cao xa tít phía chân trời.
Nếu mọi việc cứ mãi bình lặng như thế thì không có việc gì phải nói. Bởi lẽ bản tánh con Vàng không được hiền lành lắm như thầy tôi đã nhận xét. Mỗi khi có cơ hội thì nó liền tìm cách thóat đi, để được tung tăng chạy nhảy hết khu vườn này đến đám ruộng khác cho thỏa cái chí bình sinh. Thế rồi cái chuyện để Bò dẫm đạp ăn lúa bị người ta đến chùa mắng vốn không chỉ xảy ra một vài lần. Dĩ nhiên tôi bị quy trách nhiệm nhiều nhất. Tôi hặm hực lắm và nghĩ cách phải tống khứ con Vàng đi cho sớm .
Một hôm, lại có người đến mách với thầy là đám bắp mới ra hoa của họ bị Bò phá nát.Thầy tôi buồn bực ra mặt. Vì sợ thầy quở trách, lại muốn trút hết những gì đè nén lâu nay, tôi liền mạnh dạn bước đến thưa trước với thầy :
-Con thấy con Vàng không đem lại chút lợi ích nào cho chùa cả, mà toàn gây ra những chuyện phiền phức. Thôi thì Thầy nên bán quách nó đi, lấy tiền mua phân bón cây mà được việc hơn, và chúng con cũng khỏi phải đi chăn giữ cực khổ.
Trước những lời nói ngây ngô của tôi, thầy chỉ trầm ngâm im lặng. Ít lâu sau, có một người ở xóm trên đến thưa chuyện gì đó với thầy Khi ông về rồi, thầy mới gọi mấy huynh đệ tôi đến nói :
- Thầy sẽ giao con Vàng cho ông Hai nuôi giữ . Rồi ông sẽ cho lại chùa vài xe phân bò và một ít cây giống. Từ nay các con không phải chăn giữ nó nữa
Tôi mừng lắm, nhưng vẫn làm bộ băn khoăn ái ngại hỏi thầy :
- Nhưng ông ta có làm thịt nó không thầy ?”
_Không ! thầy đã hỏi kỹ rồi mới bằng lòng. Ông đem nó về nuôi chung với mấy con bò ở nhà để lấy phân. Thầy thấy ông cũng hiểu đạo…
Tôi biết thầy rất qúy con Vàng. Nay phải đem giao cho người khác là việc bất đắc dĩ. Tuy có chút áy náy, nhưng tôi cảm thấy nhẹ hẳn người. Thế là từ nay tôi sẽ không còn phải lo lắng khổ sở vì chuyện con bò vàng này nữa .
Ngày người ta tới bắt nó, các huynh đệ ai cũng chạnh lòng lưu luyến. Con vàng dường như có linh cảm điều gì, nó cứ ghì chặt lại không chịu bước. Hai người thanh niên vạm vỡ mà cũng không làm lại. Đến lúc này, thầy tôi mới đến gần vỗ vỗ vào lưng và nói với nó mấy câu gì đó. Rồi thầy quay lại bảo với chúng tôi:
-Các con hãy đưa nó một đoạn. Có người quen dắt nó sẽ chịu đi.
Tôi nhanh nhẹn cầm lấy sợi dây đi lên phía trước. Hai chú điệu cũng đi kèm theo hai bên lưng nó. Con Vàng nặng nề bước từng bước theo chúng tôi. Thỉnh thoảng nó chùn chân như muốn quay đầu lại. Tôi nhìn vào đáy mắt trong đượm vẻ buồn bã của nó, nhưng vẫn không chút cảm niệm gì cả.
Khi về đến cổng nhà, ông Hai vội dành lấy sợi dây trên tay tôi rồi nói :
-Thôi để bác dẫn nó vào nhà được rồi. Các chú trở về chùa đi.
Tôi ngước nhìn vào nhà ông qua hàng rào dâm bụt, thấy ngoài sân có rất nhiều người, họ đang sửa soạn gì đó và có vẻ nhốn nháo lắm .
Con Vàng lại trở chứng không chịu đi theo người chủ mới. Mấy người trong nhà chạy ra phụ lôi kéo và đánh tới tấp vào mông con vật. Con Vàng kêu rống lên và cố trì lại. Tôi thấy bất nhẫn quá mà không biết phản ứng ra sao. Cảm giác có điều gì đó bất thường, nên tôi chưa vội ra về.
Sau đó những gì xảy ra quả thật quá sức tưởng tượng của tôi lúc bấy giờ. Ở giữa sân họ đã giăng sẵn một sợi dây thừng. Khi người ta dắt bò đi ngang qua sợi dây, một người khác đã đứng gần đó giựt mạnh sợi dây làm cho hai chân trước của nó ngã khụy xuống. Một người khác thì cầm con dao nhọn hoắc nhào tới đâm vào cổ con vật. Một dòng máu phun bắn lên …đỏ thắm. Cả một đám người vây lấy con Bò tội nghiệp. Tôi thoáng thấy một vài người bà con của mình cũng có mặt ở trong đó .
Con Vàng vẫn chưa chết. Nó kêu lên mất tiếng thảm thiết cuối cùng, rồi giãy giụa một hồi. Trước khi nằm yên nó còn kịp quay đầu nhìn ra ngoài. Lúc này tôi nhìn thấy rất rõ hai hàng nước mắt đang chảy dài trên khuôn mặt của nó. Mọi người phấn khích bận rộn đến những miếng thịt sẽ được dự phần, nên không ai buồn chú ý đến chúng tôi. Bàng hoàng vì cảch tượng khủng khiếp vừa xảy ra, hai chú điệu ù té chạy về chùa. Còn tôi vẫn đứng chết lặng tại chỗ. Chứng kiến cảnh con Vàng bị phân thây xẻ thịt mà lòng quặn đau như chính mình đang bị người ta đâm xé vào ngực .
Lần đầu tiên tôi xúc động thật sự khi nhìn thấy những giọt nước mắt rơi ra từ con bò. Lần đầu tiên tôi cảm thương sâu sắc bởi cái chết thương tâm của nó; và lần đầu tiên tôi thấy người ta tàn ác như thế như thế nào khi hạ thủ một con vật vô tội. Cái chết của con Vàng đã biến thành một bữa tiệc ngon cho cả xóm. Trong đó có những người mà thầy tôi thường tin tưởng. Thầy chắc sẽ đau lòng lắm và trách mình sao quá tin vào sự chân tình của người khác. Nhưng nếu tôi không hối thúc quá, không bê trễ công việc và không quá ích kỷ thì thầy không phải quyết định vội vàng như thế.
Cả ngày hôm đó và rất nhiều năm sau này, tôi vẫn không làm sao quên được ánh mắt của con Vàng. Lúc biết mình đã rơi vào tay người xấu, nó nhìn tôi chỉ thoáng vài giây thôi mà đầy vẻ trách móc buồn bã. Trái tim của một con thú rồi cũng biết khóc. Nó khóc cho sự dã tâm và nhiều toan tính của con người. Nó khóc vì không làm sao thóat được thân phận phải làm miếng mồi ngon cho miệng thế. Tôi cảm thấy mình có lỗi thật nhiều. Có lỗi với thầy, với con Vàng, và với tâm nguyện xuất gia ban đầu của mình. Thầy tôi không nói gì cả.Mãi mãi vẫn không bao giờ nhắc đến chuyện con bò Vàng ấy nữa. Nhưng tôi thì không cho phép mình được quên. Tôi nhớ để luôn tự nhắc nhủ với lòng mình rằng :Một sinh vật dù nhỏ bé vô tri cũng cần được sống, được bảo vệ đùm bọc bằng tấm lòng nhân ái của con người.
Bài học đầu tiên của tôi về tình thương đối với muôn loài cũng bắt đầu từ đấy.
Ngày ấy có một chú bò, tên chú không phải là Ferdinand và chú ta chẳng quan tâm đến bất cứ thứ gì ngoại trừ những bông hoa. Chú thích đánh nhau. Dẫu đã từng so tài với hết thảy những con bò cùng tuổi hay đủ mọi lứa tuổi khác nhau nhưng chú bao giờ cũng là vô địch.
Sừng của chú cứng như loài gỗ quí và nhọn tựa lông nhím. Sau mỗi trận đấu, gốc sừng thường ê ẩm nhưng chú chẳng bận tâm. Cơ trên cổ chú dồn lại thành cục u lớn mà người Tây Ban Nha gọi là morillo. Khối morillo ấy gồ lên như một ngọn đồi nhỏ mỗi khi chú chuẩn bị giao đấu. Chú luôn sẵn sàng chiến đấu, lông, da chú đen bóng, mắt chú phát ra những tia sáng của lòng dũng cảm.
Cái vẻ bề ngoài ấy toát lên nét hiếu chiến và thái độ cao thượng trong cuộc đấu tựa như phong cách của một người lúc ăn, lúc đọc hoặc là đi lễ nhà thờ. Mỗi độ lâm trận, chú đánh hết mình. Những con bò khác không sợ chú vì chúng cùng có một dòng máu kiêu hùng và ý chí bất khuất.
Nhưng chúng chẳng thích khiêu chiến bởi lẽ chúng chẳng muốn đánh nhau với chú.
Chú không tự kiêu và cũng chẳng độc ác, nhưng chú mê đánh nhau như người ta thích hát, thích làm vua hay làm tổng thống. Chú chẳng hề có tham vọng gì trong giao đấu. Đánh nhau, với chú chỉ là bổn phận, nghĩa vụ và niềm hứng khởi.
Chú giao đấu trên vùng đất sỏi, gồ ghê, trong rừng bần và trên cả cánh đồng cỏ ngọt ngào cạnh dòng sông. Chú chạy mười lăm dặm mỗi ngày, suốt từ bờ sông lên đến những vùng đất xấu. Chú đánh nhau với bất cứ con bò nào nhìn chú. Nhưng chú chẳng bao giờ nổi giận.
Thật không chính xác lắm khi nói như vậy bởi lẽ cơn giận của chú chỉ âm ỷ trong lòng. Nhưng chú chẳng rõ nguồn cơn vì không có thời gian suy xét. Chú rất cao thượng và say sưa chiến trận.
Rồi chuyện gì xảy ra? Nếu bất cứ ai sở hữu một con vật như thế thì họ đều biết ngay chú là con vật vô giá nhưng lại rất lo lắng bởi phải tốn quá nhiều tiền để bồi thường chiến phí do chú gây ra. Những con bò bình thường, trị giá hơn cả ngàn đô la nhưng sau khi đánh nhau với chú thì giá của chúng chỉ còn hai trăm đôla và có khi lại còn thấp hơn.
Thế nên ông chủ của chú, một con người tốt bụng, quyết định giữ chú ta lại để gây giống, thay vì đưa chú đến trường đấu làm vật hi sinh. Từ đó, chú thành nhà truyền giống.
Nhưng chú là con bò kỳ lạ. Ngay khi được thả vào đồng cỏ cùng đàn bò cái, chú đã bị một cô nàng trẻ, đẹp, cân đối, cơ thể tròn lẳn, sáng sủa và đáng yêu hơn tất cả các con bò cái nào khác hớp mất hồn vía. Thế là chú chẳng còn mê chuyện đánh nhau, và chú yêu nàng đến nỗi chẳng đoái hoài gì đến một nàng nào khác. Chú chỉ muốn ở bên cạnh nàng, những cô ả khác chẳng có ý nghĩa gì đối với chú.
Vì cái chuyện này mà người chủ đã bán chú cùng năm con bò đực khác cho trường đấu. Cuối cùng, chú đành phải xung trận dù rằng con tim chú đang khắc khoải yêu đương. Bới chú lâm trận rất kiêu hùng cho nên tất thảy người xem đều vô cùng ngưỡng mộ. Thế nhưng chính kẻ giết chú lại là người thán phục chú nhất. Cuối trận đấu, tấm áo choàng của người giết chú - được gọi là đấu sĩ - thì sũng nước, còn miệng anh ta thì khô khốc.
- Con bò cừ thật, - đấu sĩ nói trong khi trao thanh kiếm cho người phụ đấu. Thanh kiếm ấy bị vấy máu đến tận chuôi và máu của trái tim chú bò kiêu hùng chưa hề một lần gặp hiểm nguy trong bất kỳ tình huống nào đang từ lưỡi kiếm rỏ xuống. Xác chú được bốn con ngựa kéo ra khỏi trường đấu.
- Phải rồi, đó là con bò bị Marques ở Villamajor loạl ra khỏi trại giống vì nó quá thủy chung, gã giữ kiếm hiểu chuyện nói.
Hẳn là tất thảy chúng ta cũng nên chung thủy, đấu sĩ nói.
(Sưu Tầm)
Được sửa bởi nhungocnguyen ngày Wed May 21, 2014 7:25 pm; sửa lần 1.
Gửi: Wed May 21, 2014 6:33 pm Tiêu đề: Con Chim Chào Mào
Tác Giả Nguyễn Khắc Phước
Con Chim Chào Mào
Thấy bạn bè nuôi chim , tôi cũng kiếm cái lồng , mua một chú chào mào thả vào nuôi cho vui. Tôi chọn chào mào vì ngày xưa ở quê bố tôi chỉ thích nuôi chào mào và chúng hót thật hay. Người ta có thể bắt chim bằng cách nhái được tiếng của chúng , riêng tiếng chào mào thì không ai nhái được vì tiếng kêu của nó có nhiều cung bậc khác nhau , khi bỗng khi trầm, tiếng trong tiếng đục, và liếng thoắng một hơi dài, người ta gọi là giọng thổ đồng, nghe rất khoái lỗ tai. Đang buồn mấy nghe tiếng chào mào kêu cũng trở thành vui. Nhớ quê mà nghe được tiếng chào mào thì lòng cũng nhẹ nhỏm.
Thế nhưng con chào mào của tôi đã hơn một tuổi rồi vẫn không một tiếng hót. Bạn bè đến chơi có người nói chim anh ta chưa mọc hết lông đuôi đã biết kêu bảy, tám tiếng. Có người bày tôi thay đổi thực phẩm, thay lồng lớn hơn, đem lồng treo ngoài vườn cho nó bắt chước tiếng đồng loại. Thế nhưng mọi biện pháp đều vô ích. Tôi định đem thả nó và mua con khác nhưng thằng con mười tuổi của tôi không chịu. Nó không cần tiếng hót vì nó chưa nghe chim chào mào hót bao giờ. Nó sợ thả ra thì chim đói mà chết. Tôi định bụng một bữa nào đó sẽ mua một con giống y con này và thả vào lồng khi con tôi đang ở trường.
Một bữa nọ tôi chở thằng con đến trường xong quay về nhà . Vừa mở cổng thì nghe trong vườn có tiếng chim chào mào hót. Tôi ngẫn người ra. Tiếng chim quá tuyệt vời, tôi chưa bao giờ nghe con chào mào hót hay thế, kể cả những con chào mào của bố tôi ngày xưa. Nó hót một tràng có đến ba mươi giây và rồi tiếp một tràng khác liền sau đó. Chắc là giọng thổ đồng đây rồi. Tiếng hót như một khúc biến tấu của một nhạc sĩ vĩ đại được diễn tấu bởi một nhạc công trứ danh: dồn đập, liếng thoắng, trầm bỗng , trong và dần cao vút lên. Tôi cảm thấy tâm hồn mình phơi phới, nhẹ tưng. Tôi lắng nghe và biết nó đang ở trên cây khế trước nhà. Anh này muốn đến tán chim nhà tôi đây. Cứ ở đó mà hót, ta sẽ có cách bắt chú mầy. Không dưng mình lại có một con chim hót cực tuyệt.
Tôi lén ra phía sau nhà, nơi treo sẵn cái lồng sập. Lấy cái lồng sập xuống, tôi kiểm tra lưới, cài lên rồi đưa ngón tay vào thử, xem lưới có sập không. Tốt! Quá nhạy! Tôi vào cửa sau rồi ra hiên định bụng lấy lồng chim chào mào xuống và thả con chào mào của tôi vào lồng sập để làm mồi. Thế nhưng, hởi ôi, cái cửa lồng mở toang, và con chào mào của tôi đã bay mất. Tôi nhớ hồi sáng vì vội đưa con đến trường cho kịp giờ học nên đã quên đóng cửa lồng. Tôi dậm chân muốn kêu trời nhưng lại thôi vì tiếng chim ngoài kia vẫn đang thánh thót.
Tôi rón rén nhẹ nhàng từ từ di chuyển đến gốc khế và nhìn lên. Hình như con chim thấy tôi nhưng nó không bay đi , chỉ nhảy lên một nhánh cao hơn. Nhìn kỹ, hình như nó là con chào mào bạc má có cườm quanh ức của tôi. Đúng rồi, nó là con chim của tôi đã sẩy lồng ra đây. Không thể có con nào giống nó như đúc vậy được. Tôi mừng quá, con chim tôi không những biết hót mà hót hay vào bậc nhất. Nhưng tại sao bấy lâu nay ở trong lồng nó không hót nhỉ? Một tiếng cũng không.!!!
(Sưu Tầm)
Được sửa bởi nhungocnguyen ngày Wed May 21, 2014 7:49 pm; sửa lần 2.
Tạo hóa cho loài chim đôi cánh là để bay, nhưng trong trời đất này có biết bao con chim không được bay. Nhà tôi cũng có một con Khướu, được nuôi trong lồng. Nó được nuôi trong một cái lồng tuyệt đẹp, cái lồng tre nổi tiếng của Lạng Sơn. Mái lồng như mái đình, quanh lồng được chạm trổ theo hình hoa văn, trong lồng có ba cái lọ sứ Tàu để đựng thức ăn thức uống. Cái lồng được treo dưới mái bên mảnh vườn treo trên nhà. Nếu những con chim khác biết được không thể không ganh tị với nó. Quanh nó là cây cảnh với phong lan, không mưa không nắng, nhưng vẫn nhìn thấy khoảng trời mênh mông qua mảnh vườn. Nó như sống trong cảnh thần tiên, thức ăn thức uống đủ đầy, chỉ có hót thôi.
Con Khướu nhà tôi không đẹp như họa mi hay sơn ca, so với con cưỡng nó cũng không bằng. Lông một màu đen, trên đầu có một cái chóp trắng, trông nó như một lão già lụ khụ lúc nào cũng đội kết. "Đừng thấy vậy mà chê. Nghe nó hót rồi biết". Ông bác tôi vốn là người chơi chim, mang nó từ quê lên cho, bảo vậy. "Tao chọn rồi, chim trong nhà, nó là con hót hay nhứt". Đúng như lời của ông bác, tiếng hót của nó vừa vui vừa xao xuyến. Những buổi chiều mệt nhọc từ ngoài đồi trở về, ngồi trên mảnh vườn nghe nó hót, lòng bỗng thấy thanh thản, thấy gần với trời đất.
Con Khướu nhà tôi chỉ biết hót chớ không biết nói. Và tôi cũng không thích dạy cho nó nói. Bởi vì những con chim biết nói, đều vô nghĩa, nó chỉ biết nhái lại từ ngữ của người chớ không nói được tiếng nói của con người. Tôi đã gặp một con quạ biết nói ở làng quê. Khi có người bước vào nhà, nó hỏi:
- Ai đó?
Nghe mà giật mình, giọng nó trầm như giọng một lão già từ dưới mộ vọng lên. Tôi cũng gặp những con chim nói tục theo lời dạy của trẻ con.
Thật đáng sợ những người nói mà không biết mình nói gì, không phải nói mà lặp lại tiếng nói của người khác. Hãy nói tiếng nói của mình Khướu ạ. Hót đi!
Con Khướu nhà tôi lại có một biệt tài. Mỗi lần tiếng đàn pianô từ dưới nhà vang lên thì nó xòe cánh, nó múa, nó hót hòa theo. Cái dáng lụ khụ của lão già đội kết bỗng biến đâu mất, cũng cái màu lông đen tuyền ấy mà sao thấy nó lộng lẫy như một vũ nữ trước ánh đèn sân khấu. Lúc ấy, cả nhà đều chạy lên vườn, vây quanh nó.
Con Khướu là niềm vui của cả nhà. Có lúc không còn nhớ nó xuất xứ từ đâu, nó như có mặt cùng một lúc với mọi người, như một thành viên chính thức trong gia đình, không thể thiếu.
*
* *
Một buổi chiều tôi đi làm về, thằng út tôi, tám tuổi, đón tôi từ ngoài cổng, vừa thấy tôi nó dang hai tay vừa chạy xô tới vừa la:
- Ba ơi! Chim bay rồi.
- Cái gì?
- Chim bay rồi!
- Chim nào bay?
- Con Khướu nhà mình đó, nó sổ lồng, nó bay mất rồi.
- Thiệt sao?
- Thiệt!
Tôi chạy vào nhà, bước một bước hai ba bậc thang, lên mảnh vườn treo. Thật vậy, chỉ còn có cái lồng không. Ngày ngày mỗi lần tôi bước vào mảnh vườn, lần nào nó cũng cất tiếng hót chào tôi. Tôi ngồi phịch xuống ghế, nhìn cái lồng không. Cái lồng trống, lòng tôi cũng trống.
Sáng nay, thằng lớn của tôi - 15 tuổi, lúc cho nó ăn đã sơ ý mở hết cửa, thế là nó vù đi. Thằng lớn tôi vừa nghe "vù" qua tai là nó quơ tay ra chụp, nhưng chỉ giữ lại trong tay một chiếc lông, còn con Khướu thì dang cánh bay thẳng lên bầu trời như một mũi tên.
Suốt đêm đó, cả nhà ai cũng thấy thiếu vắng. Không ai buồn lên mảnh vườn treo nữa.
Nửa đêm, thằng út tôi giật mình khi trời đổ mưa. Nó cứ trăn trở thao thức, rồi thì thầm:
- Ba ơi! Trời mưa lại có gió nữa, con Khướu bay đi, nó có sao không ba?
- Chim thì phải bay. Chim bay thì có gì phải lo. Con ngủ đi.
Buổi chiều hôm sau, trời vừa chạng vạng, bỗng có tiếng hót của con Khướu vang lên từ trên vòm lá cây sao trước nhà.
Con Khướu về. Cả nhà reo lên. Ngước cổ nhìn lên, không ai thấy, chỉ nghe tiếng hót. Nghe tiếng hót buồn thảm của nó, tôi bỗng nghĩ đến những đứa con bỏ đi hoang, hối hận trở về nhưng không dám vào nhà, cứ thập thò trước cổng.
Chiều hôm sau, con Khướu lại về, lại hót trên vòm lá.
Thằng lớn nhà tôi mang cái lồng ra, treo trên cành cây ngoài trời, nhử nó.
Cả nhà người nào cũng tìm một chỗ núp. Người nào cũng hồi hộp. Thằng lớn của tôi, hai tay giữ lấy sợi ny lông từ cái cửa lồng chuyền xuống, cứ rung rung.
Trên vòm lá, con Khướu vẫn hót, hót rồi ngưng, ngưng lại hót. Khi tiếng hót vừa dứt, từ trên vòm lá con Khướu buông cánh sà thẳng vào lồng. Cửa lồng sập xuống. Từ các chỗ núp, cả nhà vừa lao ra, vừa reo lên, và giành nhau bưng cái lồng.
Cái lồng với con Khướu lại được treo lên chỗ cũ. Cả nhà lại ngồi quanh nó, nghe nó hót, quên cả buổi cơm chiều. Một con sổ lồng bay đi rồi lại quay về là điều ít có, nên không thể bàn cãi. Nhà tôi mỗi người có mỗi ý khác nhau:
Nó quen với cái lồng.
Đúng.
Làm sao nó kiếm được cào cào như ở nhà.
Không cào cào thì sâu bọ, chắc không phải vậy đâu.
Cuối cùng, thằng út tôi nói:
- Nó nhớ nước đường đó ba.
Cả nhà rộ lên tán thành nhận xét của út:
- Đúng!
- Đúng!
Trong ba cái lọ sứ Tàu đựng thức ăn cho con Khướu có một lọ là cào cào, châu chấu, còn hai cái lọ kia là một lọ nước đường và một lọ nước thường. Nuôi chim bằng nước đường là một bí quyết của nghề nuôi do ông bác tôi truyền lại.
Có ý tán thêm:
- Nó ghiền nước đường như người ta ghiền rượu, ghiền bia vậy. Phải không mày, Khướu?
Riêng tôi, tôi nghĩ khác nhưng không nói. Nói đến tự do, người ta thường nghĩ đến đôi cánh. Khi nói đến đôi cánh người ta thường nghĩ đến tự do, đôi cánh với tự do như đồng nghĩa. Con Khướu này, đôi cánh của nó đã dang ra mênh mông trên bầu trời tự do rồi, sao nó lại khép cánh trở lại cái lồng nhỏ hẹp này. Có lẽ cái lồng này đã giam hãm đôi cánh nó quá lâu, khiến cho đôi cánh nó chới với và cái lồng ngực của nó bị ngộp thở trước cảnh mênh mông của trời đất. Có lẽ nó bỗng thấy cô đơn, bỗng thấy mình quá nhỏ bé giữa bầu trời?
Và nó trở về lồng, lại hót.
Một lần thằng con tôi lại sơ ý. Con Khướu lại vù bay. Nó bay đi lần này, cả nhà không lo buồn như lần trước. Bởi đoán thế nào nó cũng quay về. Và đúng như cũ. Thằng lớn của tôi lại treo cái lồng ra ngoài trời. Người trong nhà không còn ai phập phồng nữa, biết chắc là chốc nữa nó sẽ lại sà xuống chui vào lồng.
Chỉ có thằng út là vẫn háo hức đi tìm một chỗ núp rình xem, với nó như một trò chơi hồi hộp lý thú.
Trên vòm lá, con Khướu lại hót. Nó hót một chuỗi dài như báo tin, nó đã về. Và từ trên vòm lá nó lao xuống.
Khi nó lao xuống đến lưng chừng thì trên trời bỗng vang lên tiếng hót của một con chim trời. Tiếng hót của con chim lạ ấy tôi nghe thảnh thót hơn và cũng dịu dàng hơn, chắc là con chim mái.
Tiếng con chim trời ấy đã cứu con Khướu nhà. Đang lao thẳng xuống vực thẳm của chiếc lồng thì, nó bỗng ưỡn người, dựng ngược đôi cánh xiên thẳng lên cái nền xanh thăm thẳm của bầu trời.
Thế rồi con trước con sau như hai mũi tên đen, đuổi nhau lượn vòng vòng trên tàn cây, vừa lượn đuổi vừa hót.
Rồi từ xa, hai con vụt bay đến nhau, khi vừa đến bên nhau thì chúng dựng cánh, cùng vút thẳng lên trời cao. Rồi xòe cánh, cánh kề cánh nương nhau bay lượn, vừa bay vừa hót. Tiếng hót của đôi chim rộn rã quấn quít như tiếng cười tiếng khóc trong giọng rối rít của đôi tình nhân hằng thế kỷ mới tìm gặp nhau, vừa xôn xao vừa vang động cả trời chiều. Cái vòng lượn của đôi chim mỗi lúc rộng ra, và tiếng hót mỗi lúc, mỗi lúc từ xa cho đến xa..
Chiều hôm sau thằng con lớn của tôi lại treo cái lồng ra ngoài trời, đợi con Khướu. Nhưng con Khướu không về trên vòm lá. Thằng con tôi kiên nhẫn, chiều hôm sau lại mang cái lồng ra.
Tôi bảo:
- Thôi dẹp đi. Nó không về nữa đâu.
- Sao vậy ba? - Thằng út tôi hỏi.
Thôi dẹp đi, ba biết nó không về - Tôi nghĩ mà không nói. Lần này nó có đôi cánh của tình yêu, đôi cánh tình yêu đã đưa nó về với cảnh thênh thang của đất trời. Và nó là chim - chim thì phải bay. Chim bay.....
(Sưu tầm)
[img][/img]
Được sửa bởi nhungocnguyen ngày Tue Jun 10, 2014 8:48 pm; sửa lần 1.
Về Huế là về với kỉ niệm.
Kỉ niệm ngày bé thơ gắn kết tôi với cây trái bốn mùa của Huế.
Ngày xa xưa ấy, tôi vẫn thường hay qua nhà hàng xóm để chơi đùa với các bạn cùng lứa. Thế giới của tôi là một gia đình được mở rộng với các nhà của xóm Chợ Dinh chung quanh. Nhìn trái, nhìn phải, nhìn sau, nhìn trước, ở đâu cũng là nơi chốn cho những trò chơi, những buổi ngồi học cùng nhau, trao đổi bài làm, ...
Tôi thích nhà của Hảo, ở đó là một liên gia đình gồm những anh em sống kề cận nhau trong một khu đất rộng, được ngăn chia với nhau bằng những hàng già tàu xanh chạy viền như chia ô, rất đẹp nhẹ nhàng đượm vẻ không gian yên tĩnh.
Nhà nào cũng có vườn, với hoa, với cây ăn trái. Hoa hồng trắng nhà bác Tri, cây hồng già đó, thân to, đầy gai và thường quanh năm có hoa. Lại còn cây lựu, thỉnh thoảng tôi dõi mắt tìm kiếm xem có trái lựu nào đã ửng chín mà làn da trắng láng là tôi có thể ngắt, cất vội vào túi.
Cây trái thì rất nhiều nhưng không hiểu sao tôi vẫn thích cây khế và đặc biệt khế chua.
Hình như nhà nào ở Huế cũng đều có cây khế. Tôi vẫn nghĩ cây khế thuộc loại mọc hoang, chứ không phải là cây trồng. Thân khế khi có tuổi phát triển cao, to, cành phủ nhiều lá xanh. Những lá nhỏ, nhọn, mềm bằng đốt ngón tay. Tôi thích nhìn hoa khế. Những cánh hoa nhỏ xíu màu tim tím. Tôi đã cố gắng để ngửi lấy hương hoa khế nhưng tôi thất vọng.
Hay hoa khế thơm về đêm? Nhưng tôi chưa bao giờ nghe hương lạ giữa đêm khuya.
Có điều tôi đã thích biết bao nhiêu, khi nhìn những chùm hoa khế rụng những cánh nhỏ, sau góc vườn nhà tôi, để lại trên cành những đài hoa khó thấy. Thế mà ai ngờ chẳng bao lâu sau, trái khế phát triển, từ khi còn bé tí. Rồi lớn dần, lớn dần.
Một sáng nào, tôi phát hiện chùm trái khế to đang lủng lẳng trái xanh, trái hồng mà 5 cạnh khế khoe màu da bóng láng.
Tôi đã thử những trái khế của hầu hết các nhà chung quanh, trong xóm. Nhà Bác Giai ở đường sau (đường Ôn Như Hầu), tôi đã nhiều lần ngước nhìn đến mõi mắt để tìm những trái khế to, chín đỏ, bóng láng để đưa sào lên hái. Khi trái khế rụng xuống, lòng khấp khởi mừng, vui hớn hở, tôi đưa vội trái khế vào miệng. Tôi nhăn mặt vì vị chua. Nhưng sau đó, tôi cắn quả khế lần thứ hai, tôi lại thấy ngọt. Bác Giai vẫn bảo đó là cây khế dành, nghĩa là không ngọt nhưng cũng không chua.
Từ nhà tôi nhìn qua nhà Hảo, tôi thấy có một cây khế sau hàng già tàu trên sân. Ở đó bọn tôi vẫn thường chơi tàu bay, khế chín có khi rụng trên lối đi nhưng mấy khi tôi buồn nhặt vì nó quá chua.
Mãi đến sau này, khi tôi giã từ Huế ra đi, làm ăn, rồi bao thay đổi của dòng đời. Tôi trở về Huế. Vẫn thích nhìn cây khế, đảo mắt nhìn quanh, đâu đâu cũng có thể thấy cây khế. Kể cả hai cây khế chua ở sau vườn nhà tôi, ở hai đầu góc mà kỉ niệm lưu dấu một vết sẹo lồi trên chân vì một hôm nào leo lên cành khế, bị té do cành gãy, may thay tôi vội chụp lấy một cành khác, nhưng chân vướng quẹt vào hàng rào dây thép gai, để lại một vết sướt, máu chảy. Tôi dấu kín bưng chuyện này. Vào nhà bôi vội thuốc đỏ.
Tôi thích cây khế phải chăng vì những kỉ niệm khó quên. Kỉ niệm mối tình đầu của tôi gắn kết với khu vườn nhà của Giáng Hương ở phía trước, một sáng nào, tôi bên này, ngồi trên lan can, trước hiên nhà, mình trần, với chiếc quần xà lõn, mắt cắm cúi vào tài liệu triết để kịp ngày vào thi vấn đáp.
Khi tôi ngước mắt nhìn qua bên vườn nhà bên kia là lúc tôi bắt gặp đôi mắt sau chiếc kính cận đang nhìn qua tôi, vẻ luống cuống trong đôi mắt nàng, hai bàn tay nàng níu vội cành khế và ngắt quả khế chín hồng.
Kỉ niệm một lần gặp nhau qua ánh mắt đó đã đưa tôi phiêu lưu vào một cuộc tình với biết bao đắng cay, biết bao lần quay quắt khi xa nhau mà mỗi lần gặp gỡ thì chỉ để lại cho chúng tôi vị mặn của nước mắt nhạt nhòa. Sự cự tuyệt của gia đình nàng, không chấp nhận tôi. Bản tính yếu đuối của nàng không chủ động đối phó với bảo táp gia đình khi mà nàng chỉ vừa tuổi 16.
Năm 1978, tôi vào Sài Gòn gặp nàng nhân chuyến đi tham quan dành cho giáo viên mùa hè. Nàng đến vẫn như ngày cũ, chúng tôi trãi qua những thời khắc hạnh phúc bên nhau. Ngôi nhà tầng 4, trên đường Thoại Ngọc Hầu, chợ Ông Tạ chất chứa biết bao kỉ niệm sau cùng giữa tôi và nàng. Bây giờ một đôi khi nghĩ lại, nếu như ngày ấy, tôi mạnh dạn và quyết liệt khi nàng ở trong vòng tay tôi thì đã có một ngã rẽ khác. Nhưng tôi không thể làm như vậy được. Tôi nghĩ nếu nàng đã vì gia đình mà không sống chung với tôi được thì tôi giữ cho nàng.
Năm ấy, tôi đã đặt vấn đề một lần nữa với nàng và nàng vẫn từ chối, bảo rằng bố mẹ nàng vẫn không thay đổi ý định và nàng thì vẫn đấu tranh liên tục để cùng tôi sống bên nhau.
Tôi nghĩ rằng đây là lần gặp sau cùng. Với tôi bấy giờ, những phiền muộn của đời sống, những biến đổi của đất nước đã làm tôi mất tất cả niềm tin.
Và giấc mơ của tôi đã tan vỡ theo vận nước, thời gian.
Từ đó, tôi không bao giờ gặp nàng. Tôi vẫn mơ hồ biết mang máng nàng đã lập gia đình với một người nào đó ở tuốt Bà Rịa.
Năm 1984, tôi nhận được một điện tín nàng chia buồn với tôi nhân cái chết của anh H tôi, người mà nàng cảm nhận đối với tôi, là một người cha đáng kính.
Tôi hiểu rất rõ nàng đã cảm nhận tôi như nàng là một phần đời của tôi. Năm đó, tôi đã có đứa con trai đầu lòng với người khác.
Dấu ấn cuộc tình của tôi và nàng rồi cũng lạt phai. Kỉ niệm một đôi khi trở về nhưng rồi cũng nguội lạnh dần.
Đã 33 năm rồi, chúng tôi mỗi người một ngã.
Một hôm, tôi trở về Huế giỗ ông nội. Ngày đã qua, khách khứa, bà con đã về hết. Tôi nhìn qua bên vườn nhà ngoại nàng. Bùi ngùi, kỉ niệm ngày nào, nhưng tất cả đã thay đổi. Khu vườn không còn như ngày nào. Bà ngoại nàng đã chết. Dì Ch nàng đã cắt khu vườn bán cho hai chủ. Chỉ chừa lại một phần ba để ở. Trước mắt tôi bây giờ là một bức tường cao, đâu còn vườn lá xanh ngày nào.
Tôi đứng dậy, qua nhà Hảo, hàng già tàu bây giờ xơ xác, ít người chăm tĩa. Bóng đêm che kín đường. Tôi thấy nhà Hảo có bóng đèn. Tôi gọi cửa. Hảo có nhà, nàng xuất hiện:
- Ũa, T về khi mô? vào nhà chơi!
Tôi nhìn Hảo, nàng vẫn gầy như ngày nào, nhưng thời gian đã làm nên những nét nhăn trên khuôn mặt nàng. Tôi mĩm cười:
- Ừ, mình ra kỵ ông nội, bây giờ rãnh nên qua thăm Hảo.
Một nụ cười thoáng qua. Hảo nhìn tôi, soi mói, dò xét:
-Mấy cháu vẫn thường? có sui chưa? Khiếp, mới ngày nào! mau ghê T hí.
- Đã gần 40 năm rồi, còn chi nữa, kể từ khi học đại học!
- Kinh thiệt T hí, ai ngờ mau như rứa. T nì, thằng Bem (cháu của nàng) bây chừ mua đất bên cô Ch làm nhà rồi đó tề!
Tôi một thoáng ngạc nhiên, mĩm cười:
- Rứa há? mô nờ, dẫn T đi coai với!
- Ừ đi!
Hảo đứng dậy, dẫn tôi và đi trước. một tầng cấp mấy bậc trước mặt, bên cạnh là cây khế thân to, cao.Hảo nói:
- Đây là cây khế ngọt của nhà cô Ch trước, bây chừ thuộc về nhà thằng Bem. Tôi nhìn cây khế, một chút sững sờ, đây phải chăng là cây khế ngày xưa G.H thường đứng dưới gốc cây, mắt ngước nhìn qua nhà tôi?
Thấy tôi quan sát kỹ cây khế, Hảo nói:
- Khế ngọt đó, Hảo vẫn hái cho học trò ăn hoài.
- Thích quá hí, mô dễ có như ri.
Tôi đi theo Hảo quan sát ngôi nhà. Ngôi nhà hoàn toàn mới với các tiện nghi phòng ốc khép kín, phòng ăn, nhà bếp, phòng thờ, ...Tôi hoàn toàn không thấy đâu một dấu vết của vùng đất ngày nào cho tôi hạnh phúc nhỏ nhoi.
Tôi từ giã Hảo ra về, vào nhà, hai vợ chồng ông anh vẫn ngồi trước mái hiên, chờ tôi. Trân, bà chị dâu nhìn tôi:
- Chú mới qua nhà cô Hảo về?
Tôi gật đầu và kể cho chị biết là vừa đi xem nhà mới mà Bem, con chị Phát mới mua. Tôi kể chuyện cây khế ngọt ngày nào với một chút bùi ngùi. Chị Trân nói:
- Vừa rồi tui đi ăn đám cưới bên nhà cô Ch mời. Trong bàn tiệc, có một bà hỏi chuyện tôi sau khi biết là chị dâu của chú, đã nói cho biết là Giáng Hương đã đi tu.
Tôi giật mình:
- Ũa, răng nghe nói Hương lấy chồng ở Bà Rịa lâu lắm rồi mà!
- Không có mô, bà đó nói là sau khi đã đan cho chú chiếc áo len là Hương bỏ đi tu.
- Chị nghe không rõ đó. Hương tặng áo len từ năm 1973, bọn tui còn liên lạc nhau mãi đến tận năm 1978. Làm răng có chuyện nàng đi tu như rứa được.
- Nhưng điều chắc là Hương đi tu rồi. Mà chuyện đã trở thành quá khứ. Chú hãy quên đi là hay nhứt. Đừng nghĩ tới nữa, không ích lợi chi mô.
Tôi mĩm cười chua xót không nói gì. Đêm đã khuya, tôi trở vào bàn thờ thắp hương cho ông nội, cha, mẹ,...Tôi nhìn chân dung cha tôi. Một chút nghèn nghẹn, xao động.
Ngày hôm sau, cúng tiển xong, tôi sửa soạn trở về ĐN. Chị Trân giao cho tôi một bịch ny lon khế chua chín hồng mà chị đã hái ngoài vườn. Chị nói: Đây là khế ngoài gốc vườn mà ngày xưa chú đã có lần trèo bị té. Biết chú thích ăn khế chua với mắm ruốc kho thịt ba chỉ. Tôi hái gởi chú để mang về Đà Nẵng.
Tôi cảm động nhìn chị. Cây khế chua vẫn còn đó, mặc dù đất vườn sau nhà tôi đã bị nhà nước mở đường xâm phạm còn phân nửa. Cây khế đã gần nửa thế kỷ, thân to gấp bội ngày xưa. Tôi ngước mắt nhìn lên, những trái khế lủng lẳng xen lẫn những chùm hoa tim tím nhỏ. Dưới gốc cây, hoa khế rụng vung vãi như những hạt máu hồng
Trên mép tường xám, có mấy cái cọc giàn dây kim ngân. Mùa hanh hao, đám cỏ gà cũng xơ xác, nhưng kim ngân thì ngược đời. Tháng chạp khô héo, hoa kim ngân rưng rưng nở vàng từng búi.
Khi hoa kim ngân rực rỡ góc sân thì mẹ con bà bán lá ngoài chợ vào hái hoa về phơi làm thuốc. Đã đặt tiền cọc từ trong năm cho trẻ con bỏ ống lợn đế dành. Hai mẹ con bắc cái ghế đẩu đứng hái xuống từng chùm hoa vàng trắng.
Con chim gáy quanh đầu quanh đuôi trong cái lồng quả vả dưới giàn kim ngân kia. Tưởng như cả đời nó chỉ vẩn vơ thế rồi chốc lại bới, lại nhặt hạt kê trong cái vấu tre. Không, cuộc đời con chim trong cái lồng con con cũng lắm éo le chẳng tưởng được đâu
Con gáy này được đem về từ trong thung Kim Bôi trên Mường. Nó uống hết một cóng nước. À trên đường ngược nhiều sông suối, người thì uống rượu, mày thì uống lắm nước thế. Đến lúc vàng mặt trời, con chim đứng xù ra, lông bay như bướm bay. Sáng ra, thấy nó rụi mỏ vào thành nan, ngả mình chết trông lên đình lồng.
Con gáy lách nan lồng bị nghẹt cổ. Có phải thế không? ông lão lật xác con chim rồi nói:
- Nó chết bệnh ngã nước đây mà.
Ông lão bảo con người cũng bằng con chim, nhặt hạt thóc hớp hụm nước đều quen có chốn có nơi. Từ thủa biết bay chuyền ở rừng, về đây phải uống nước lạ, không gặp đâu hạt nước đọng trên mặt đá, không có ngọn nguồn chảy trong khe đá ra, thì đành mang bệnh ngã nước phải về đường ma thôi. Con chim mảnh dẻ, khác nào con kiến bọ giọt, con bọ nẹt có đốt ngứa chân người ta đấy thì rồi màu xanh cỏ úa cũng lẫn vào lá rụng, vào lòng đất. Quên đi, rồi ông sẽ kiếm con chim khác về. Ông lão đem đến cái lồng tròn xoe. Con chim gáy ngó nghiêng nhìn ra. Cái lồng gác bếp, bồ hóng đã lên nước.
Tàu lá thiên tuế và một mảnh vải điều che trên nóc. Như những ông lão trong làng ngày trước xách lồng chim đi chơi.
Con gáy mới này quê gần ở trong khoanh tre bên kia sông. Những tưởng dưới đường xuôi không đâu còn chim gáy trú ngụ. Nhưng thi thoảng để ý kỹ vẫn thấy chim gáy liệng xuống ruộng. Có điều bây giờ cánh đồng quanh năm có mùa gặt hái, con chim cũng bỏ thói quen chiêm mùa ăn đôi, ăn đàn tháng năm tháng mười như xưa kia.
Con gáy này hợp thổ ngơi, chẳng mấy lâu đã béo mầm, cườm lốm đốm biếc. Chẳng ai dạy bảo nó. Con chim tha thủi trong lồng thì biết bắt chước ai. Thế nhưng con chim vẫn giữ nếp các cụ họ nhà gáy, sớm sớm chiều chiều, gáy lên ba hồi đầy đủ. Tiếng cúc cu cu giục giã. Phải ta đây có dọn giọng cất tiếng, thì người thợ cày mới thức dậy kịp tháo cái dõi chuồng trâu, và ai ai gồng gánh lặn lội ngoài đồng xa nghe tiếng chim mới nhớ chiều về. Con chim gáy đậu trên cầu trong cái lồng quả vả và dưới giàn kim ngân. Con cu cườm... cúc cu cu cũng phách lối ta đây lắm chứ.
Thế mà rồi thằng cu cườm cũng phải một trận ốm sắp chết.
Buổi sáng không nghe cúc cu dồn dập như mọi khi. Bao nhiêu lông tơ lông cánh con gáy lả tả từng đám quanh chân. Hai bên mi mắt nó lộn vành trắng, nhắm lại gật gưỡng. Ông lão nhìn rồi nói:
- Thôi thôi, thằng này bệnh chấy rận, bệnh chấy rận?
- Sao lão biết?
- Con chấy con rận ở người lây sang con vật thì biết chứ sao. Nó rỉa thế kia rụng hết ]ông, cơn ngứa điên lên, toi đến nơi rồi.
Nó vẫn đứng được kia. Quanh năm nó đứng mà. Con chim hơn thằng người ở chỗ suốt đời chỉ mặc một cái áo, cả đời không cần nằm. Con chim hơn thằng người Ha... Ha... ông lão cầm một nắm vôi bột rắc lên mình con gáy trần trụi:
- Tao tẩy uế cho mày được mát mẻ đi kiếp khác.
Con chim gáy hoá ra cục vôi.
Bỗng dưng, gáy ta chiếp chiếp mỏ. Báo hiệu hấp hối chăng. Lại gáy như mọi khi chăng. Rồi tiếng cúc cu mịn màng, mượt mà. Con gáy ốm lúc nãy biến mất. Gáy ta lại nhặt hạt kê, nhặt ăn hạt sỏi. Con chim gáy không chết, có phải nhờ cái vôi bột chăng.
Từ hôm khỏe, gáy thêm một tiếng gáy. Ông lão vừa lò dò đến. Con gáy đã đứng mép lồng hai chân ríu lại chen nhau như chọn chỗ đứng. Rồi chim cất cổ cái đầu và con mắt bổ xuống cúc cu... cúc cu... Con gáy chào ông lão. Con gáy nhớ mặt người, con gáy biết ơn người. Một vệt chân người lên núi Mớ Đá. Lưng núi, gió thổi ngả nghiêng nương ngô và những cây chuối. Người trong xóm đi kiếm bữa hái quả ớt gió, đào củ gừng dại. Đàn dê ăn trên núi về chuồng đi trong ánh nắng nhạt còn rớt lại.
Có con khướu mun đậu trên lưng con dê nẹ. Tiếng chim thánh thót theo dê con lũn cũn đi từ ngoài núi vào đến đầu xóm rồi lại bay về núi. Dưới giàn kim ngân thêm cái lồng chim khướu. Ai bẫy được con khướu mun đen về đây cho hai con chim hót nhớ rừng. Con khướu mun đen tuyền, má ngăm ngăm màu mun. Con khướu mun, không biết có phải con khướu mọi khi vẫn đậu trên lưng con dê trên núi Mớ Đá? Con khướu mun trong cái lồng bẫy nhảy hốt hoảng như lưới bẫy vừa sập.
Lồng khướu mun có lọ nước, có cóng cám trứng lúc nào khướu mổ ăn cũng sẵn. Đã quên mùi những con nhặng, con ve nhặt được trên lưng con dê trên núi.
Con khướu hót cả ngày. Con gáy ở cuối giàn thì gáy có buổi. Nhưng xem ra đứa nói tiếng ta, đứa nói tiếng Tây, việc ai nấy làm. Con khướu nghiêng mắt, lắng nghe tiếng động ở đâu ngoài kia.
Dây kim ngân bốn mùa không biết màu úa, cả giàn không một chiếc lá héo. Lá kim ngân sóng đôi, xanh mởn, lông tơ vân vân như lá được trổ trong bụi mưa. Cả giàn nở hoa vàng xôn xao. Giữa tháng chạp khô héo, cây kim ngân có giêng hai hoa lá của mình. Bọn trẻ đi chơi chợ Tết rồi. Ngoài chợ có cả trăm cái lồng chim, nhưng trẻ con bây giờ thiết gì chim với cò. Chúng nó đòi mua cái mũ đỏ của lão Nô-en ở xứ sở nào tới và chúng nó chỉ thích nhai kẹo đắng súc cù là. Chẳng đứa nào biết tên con chim gáy, con khướu mun. Chúng nó bảo chỉ có con gà gáy con chim thì biết nói như người. Cứ nói lung tung thế. Chúng mày không biết rồi, ngày trước ông lão đã nuôi một con yểng xanh lơ. Con yểng bị xích chân đậu trên cành duối làm cảnh. Con yểng nói tiếng người, nghe rợn cả tai. Ai đấy! Nhà có khách. Nhà có khách. Mà trông trước trông sau chẳng có ai. Ông lão sợ như nghe tiếng con ma nói. Lão thả con yểng. Chẳng biết về được trên rừng, con yểng có còn nói "Nhà có khách, có khách" nữa không.
Bỗng nhiên, buổi chiều lặng im. Tiếng động thành phố xa xa đọng lại ở bên kia những chóp mái nhà ngất ngưởng. Không phải lão đứng một mình. Con khướu mun đương hé mỏ líu ríu khe khẽ. Chốc chốc lại to tiếng quát quắc quắc. Nó còn nhớ cái tiếng man dại trên núi? Con gáy thì lặng lẽ lại cúc cu cúc cu chào ông lão.
Ông lão cố đoán, nhưng không đoán ra những con chim nói gì. Con khướu mun, con chim gáy đương reo hò quát lác hay đương chửi, nó đương khóc, đương cười, nó bảo mày bỏ tù tao cả đời thế này, mày đang tâm thế sao. Lạy mày, tiên sư mày. Ôi, con chim hót, con chim gáy, con chim nói. Nào biết được. Hoa kim ngân vàng rực. Đã lâu, không thấy mẹ con bà mua lá thuốc vào hái, mà hoa kim ngân không ngắt bây giờ thì chỉ đến khi ngoài giêng có mưa dây mưa dợ, cánh hoa trắng rã ra, không còn lấy hoa sao thuốc, sắc thuốc được. Lão bắc chiếc ghế đẩu, lão hái hoa. May ra, mai còn được nắng. Lão phơi hoa hộ mẹ con bà hái hoa khỏi hoài của.
Trên thinh không, những đàn sếu trú đông đã xuống đến đây. Đàn sếu bay hàng ngang, bay hàng dọc đều đều. Tiếng vỗ cánh ràn rạt. Ở xa tận đâu, đàn sếu bay qua những cơn bão tuyết cuồn cuộn suốt đêm. Nhưng sáng ra, ở đây chỉ thấy một làn nắng phẳng lặng vàng óng. Những đốm tuyết còn giắt vào chân vào cánh những con giang, con sếu về trú đông trên mặt hồ.
Bạn không có quyền gửi bài viết Bạn không có quyền trả lời bài viết Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn Bạn không có quyền tham gia bầu chọn