TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - THI VIẾT - 35 NĂM NGƯỜI VIỆT
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

THI VIẾT - 35 NĂM NGƯỜI VIỆT

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
LAM HUONG



Ngày tham gia: 04 Jul 2012
Số bài: 430

Bài gửiGửi: Sat Jan 18, 2014 5:50 am    Tiêu đề: THI VIẾT - 35 NĂM NGƯỜI VIỆT





THI VIẾT - KỶ NIỆM 35 NĂM NGƯỜI VIỆT
Chủ đề:    "38 Năm Little Saigon - 35 Năm Người Việt"



Cuộc thi viết được tổ chức nhằm kỷ niệm sinh nhật lần thứ 35 của Nhật Báo Người Việt, kéo dài từ ngày 1 Tháng Chín đến 8 Tháng Mười Hai, 2013. Có tất cả 135 bài dự thi. Vòng sơ tuyển, do Ban Biên Tập Nhật Báo Người Việt đảm nhiệm, chọn ra 32 bài vào vòng chung kết. Ba mươi hai bài này được Ban Giám Khảo gồm bảy vị, chấm điểm và quyết định các bài thắng giải.


Chợ 42
Giải Nhất


Tác giả: Hà Thị Hòa

Chợ 42



Tranh vẽ minh họa của bé Chung Bửu Nhi và Chung Bửu Kim.


“Các em có muốn ăn hành, rau, cà rốt hay cà chua không? Tuần sau, anh mang cho. ” Đó là tiếng của bác Dương hỏi bố mẹ.

Mẹ tôi mau mắn trả lời không cần đắn đo, “Dạ, có chứ anh! Cái gì tụi em cũng ăn hết”.

Thế là sau đó vài ngày, bác ấy đem đến nào là cà chua, salad, hành và cà rốt nữa, có cái thì trong thùng nguyên xi, có cái thì đựng trong bịch to, đủ cả.

Bố mẹ cảm ơn rối rít và hối tụi tôi bưng phụ bác ấy từ trong xe ra, bác ấy nói, “Có gì đâu, khi nào muốn ăn thì cứ nói với anh. ”

Vì gia đình chúng tôi mới sang Mỹ nên mọi người Việt Nam ở đây hay giúp đỡ, cho cái này hay cái khác nên cũng đủ dùng. Thật sự, gia đình chúng tôi rất ngạc nhiên về cuộc sống ở đây, mọi sự thật dễ dàng nhất là vấn đề ăn uống ê hề, chất lượng, rẻ và tươi. Nhưng trong thời gian đầu, gia đình chúng tôi phải dè sẻn, để dành đồng nào hay đồng đó nên vấn đề chi tiêu phải kỹ càng hơn vì phải trả tiền thuê nhà, điện, nước...

Thấy mỗi lần bác Dương đến, khệ nệ bưng nhiều thùng nên bố tôi lại giúp bác ấy. Hai người thì thầm to nhỏ một lúc, sau đó tôi thấy bố gật đầu và cứ thế mỗi Thứ Sáu sau khi làm việc về là bác Dương và bố tôi đi “Chợ 42” mang thật nhiều loại rau, đủ loại... Chúng tôi ăn không hết lại đem chia cho hàng xóm hay bạn bè.


Bác Dương chỉ lấy salad, hành và cà chua để nuôi hơn mười con gà mái. Bọn gà ấy chỉ thích ăn những loại đó thôi nên bác cứ phải đi lấy mỗi tuần. Có lần mẹ nói với chúng tôi là, “Bố mẹ phải đi Chợ 42, các con ở nhà trông nhà. ”

Thế là sau khi đi học về, tôi ngồi chờ bố mẹ trước cửa nhà. Một lúc sau, bố mẹ tôi về đến nhà, gương mặt mẹ không được vui nhưng mẹ cũng gọi các anh ra khuân đồ vào nhà.

Kỳ này, ngoài những thứ như mọi lần, còn có thêm nho và chuối nữa. Những trái nho căng phồng, mọng nước ngọt, chuối vàng có đốm đen mà ông ngoại hay gọi là chuối trứng cuốc nằm trong thùng trông thật hấp dẫn. Có mẹ đi, thật đồ ăn có khác, mẹ luôn đặc biệt mà.

Tôi hí hửng phụ mẹ cất những thứ đó vào tủ lạnh. Những đồ đem về phải lựa ra, đồ ngon để vào tủ, đồ vừa vừa thì ăn ngay, còn đồ xấu thì vứt vào sọt rác. Bố và các anh xong nhiệm vụ khuân vác. Việc còn lại là của mẹ và tôi. Mẹ bảo tôi đi rửa nho, chuối. Tôi rửa nhưng mẹ cứ dòm chừng, có vẻ không bằng lòng. Mẹ nói, “Con rửa thêm lần nữa đi con, nho rửa kỹ vào. ” “Ồ! Mẹ nay thật lạ! Cái gì cũng rửa kỹ đến ba lần nước lận”

Tôi thắc mắc hỏi mẹ, “Tại sao rửa hoài vậy mẹ? ” Mẹ nhìn tôi rồi nói, “Con cứ rửa đi, thắc mắc làm gì hở cái con bé ranh kia. ” Tôi thích được gọi là con bé ranh. vì khi mẹ nói, giọng mẹ hơi cao, pha chút khôi hài kéo dài nên tôi yêu luôn cái từ con bé ranh hay con nhãi ranh từ miệng của mẹ.

Sau đó, mẹ đi nấu cơm cho chúng tôi ăn. Bữa cơm chiều nóng hổi. Mẹ tôi khéo lắm, chế biến những thứ mua ở Chợ 42 thành món ăn tuyệt ngon, đầy hấp dẫn như bún riêu, soup thập cẩm, salad trộn thịt bò, nhất là món bắp cải dồn thịt, tuyệt! Không chê vào đâu...

Chúng tôi ăn thật nhiều, thật mạnh. Bố và mẹ nhìn chúng tôi ăn mà mỉm cười sung sướng. Bố và chúng tôi khen mẹ nức nở, khiến mẹ nở lỗ mũi, mắc cỡ đỏ mặt. Sau bữa cơm ngon là đến lượt những “chú nho” mát rượi, trái chuối chín, ngọt lịm cả người, cả nhà thưởng thức cứ mê tơi cả lên.

Chuối và nho được ăn thỏa thích, không cấm cản, ăn lúc xem ti-vi hay lúc học, bố mẹ phục vụ chúng tôi tận tình.

Hôm nay thấy bố mẹ vui hơn mọi ngày vì có tiền thưởng cuối năm, tôi đánh bạo lân la hỏi dò mẹ, “Mẹ ơi! Tại sao mẹ bắt con phải rửa kỹ nho, chuối nhiều lần vậy? Đồ bên này sạch lắm, họ khử trùng kỹ càng, mẹ không phải lo có nhiều vi trùng. Tại sao bố mẹ mua nhiều quá, cả thùng lận, bố mẹ sợ tụi con đói sao? Tại sao bố mẹ mua luôn đồ bị hư nữa? ” Tại sao và tại sao?... Tôi hỏi luôn một lèo không ngừng những câu hỏi ấp ủ lâu giờ mới được tuôn ra xối xả.

Mẹ tôi nhìn sâu vào mắt tôi để đoán mẹ phải nói gì. Cuối cùng, mẹ hỏi tôi:

“Con có thích ăn trái cây, rau cỏ lấy từ Chợ 42 này không? ”

Tôi trả lời:

“Dạ, thật sự lúc đầu con thích ăn lắm vì được ăn tự do, thoải mái. Nhưng ăn hoài con cũng chán, ngán lắm mẹ ơi! Nhưng chúng con vẫn cứ ăn vì thấy bố mẹ vui. Con chắc là những thứ này rẻ lắm phải không mẹ? Chúng ta để dành tiền phải không mẹ? Mẹ đừng lo, chúng con biết mà. ”

“Con ranh à, mẹ không giấu con vì những thứ đồ ăn này lấy từ thùng rác Mỹ, cái thùng gọi là 'container' đó, chứ đâu có mua gì đâu! Bố mẹ thấy các con ăn ngon, ăn hoài không chán. Chúng ta đã tiết kiệm, để dành được món tiền sẽ mua nhà, mua xe trả góp... Tội nghiệp các con quá! Bố mẹ phải xin lỗi các con. ”

Tôi ôm lấy mẹ khóc và nói:

“Không mẹ ơi! Chúng con phải xin lỗi mẹ, xin lỗi bố vì chúng con mà bố mẹ phải vất vả mọi điều. Ở Việt Nam, bố mẹ đâu có làm việc này bao giờ. Chúng con hiểu nên chúng con ăn ngon lắm và sẽ không biết chán nữa. ”

Mẹ tôi mừng quá:

“Mẹ chỉ lo là các con sợ không dám ăn nhưng con đừng nói cho các anh biết đồ ăn lấy ra từ thùng rác nha con. ”

Tôi hùng hồn trả lời

“Mẹ yên tâm, đó là bí mật, con không nói là không nói. ”

Thế là tuần sau, tôi thủ thỉ, năn nỉ bố mẹ cho tôi đi Chợ 42. Lúc đầu bố mẹ từ chối nhưng thấy tôi rưng rưng nước mắt nên mới đồng ý cho đi.

Một cảm giác sung sướng vì được tham gia trong công tác bí mật này, tôi tự nói với lòng, “Phải khám phá cái Chợ 42 đầy hấp dẫn để giúp đỡ bố mẹ và cùng gánh trách nhiệm chung. ”

Tôi thích thú, hân hoan, mong đợi từng giờ, từng phút như sắp sửa được đi chơi những danh lam thắng cảnh. Sự tò mò hối thúc tôi mãnh liệt. Tôi muốn biết bố mẹ tôi làm gì ở đó và những chuyện gì sẽ xảy ra, tôi có thể giúp bố mẹ được gì không?...

Bố mẹ nhìn vẻ mặt vui tươi, hí hửng của tôi mà yên tâm. Bố giảng nghĩa:

“Chợ 42 là tên của bác Dương và một số người Việt Nam ở đây đặt cho oai chứ đó là một kho chứa đồ nằm trên đường 42. Những hàng tồn kho bán không được hoặc quá hạn, hoặc bị hư họ sẽ đem vất bỏ vào một thùng rác lớn container. Khi nào đầy thùng, cửa hàng sẽ đem đi đổ ở chỗ khác. Những thứ rau cỏ, trái cây còn tươi tốt, họ cũng vứt bỏ nên mọi người ở đây ra, lấy về mà ăn kẻo phụ của trời. Mình ăn làm phước đó con, ” bố tôi dí dỏm nói thế.

Đến nơi rồi.

Chợ 42 đây sao! Đó là một container to lớn lắm, cao hơn đầu bố tôi, đứng ở dưới không thấy bên trong. Tôi thử nhón gót nhưng chẳng ăn thua gì. Tôi thầm lo làm sao bố mẹ lấy được đây... Tôi hồi hộp chờ đợi.

Bố tôi thành thạo lái xe đậu sát cạnh thùng, rồi leo đứng trên mui xe. Từ đó ông nhảy vào bên trong container. Bố lựa, những thùng còn nguyên, tươi tốt chuyền xuống cho mẹ, mẹ khệ nệ bưng bỏ vào đằng sau xe. Tôi lật đật phụ mẹ khuân vác. Thỉnh thoảng mẹ tôi hỏi, “Bố ơi! Còn cái gì ngon và lạ không? ” Bố trả lời “Đợi tí nữa, đang kiếm đây. ”

Cuối cùng bố lựa được vài củ su hào to đưa cho tôi.

“Chà bữa nay sẽ có món canh su hào đây, ” tôi thì thầm tự nhủ và đắc ý.

Sau khi khuân vác tất cả vào xe, tiện tay tôi lựa và vất những thứ hư không xài được vào thùng rác, mẹ thấy vội khen tôi, “Con gái mẹ giỏi ghê. ” Tôi nghe mà thấy đau nhói trong lòng. Nhiều khi “không đủ hàng” bố mẹ phải chờ người cửa hàng đem thêm ra, đợi họ đi khuất, chúng tôi lại ra “làm việc”.

Cũng có khi bố mẹ về tay không, chẳng có thứ gì cả. Chợ 42 là thế đó.

Nhìn bố mẹ làm nặng nhọc như vậy tôi cảm thấy nghèn nghẹn, nước mắt tự tuôn trào.

Bố mẹ tôi thật vĩ đại làm sao! Ngày xưa, bố tôi là nhà giáo, sau đó làm chủ của một tổ hợp hóa chất. Còn mẹ làm ở ngân hàng, sang trọng, uy thế lắm. Giờ đây chẳng ngại mặt mũi, chẳng ngại cực nhọc, khó khăn để đi lấy thức ăn lục lọi trong thùng rác, lựa từng củ su hào, trái cà, bó rau để nuôi chúng tôi.

Có một hôm, ba anh em ngồi xem ti-vi, bố mẹ đi làm chưa về. Anh Tí hỏi tôi:

“Sao! Đi Chợ 42 có vui không? ”

Tôi chưng hửng, hoảng hồn, “Ủa sao anh biết? ”

“Ranh con ơi! Cái gì hai anh đều biết hết, giấu đâu có được. Có lần anh đi ngang qua phòng bố mẹ, nghe bố nói với mẹ 'Đừng cho mấy đứa nhỏ biết mình lấy đồ trong thùng rác, sợ tụi nó tự ái, không chịu ăn thì khổ. ' Tụi anh biết chứ, nên cứ giả vờ, ăn thật nhiều, thật mạnh... Cứ ăn mà không hỏi gì; vui vẻ ủng hộ bố mẹ hết mình. Ba chúng ta phải giúp bố mẹ, nắm chặt tay nhau, để gia đình mình tiến mạnh, đây là bàn đạp để đẩy chúng ta lên cao hơn, cố gắng lên nhé! ”

Thật không có bút mực nào tả xiết cho những sự hy sinh của cha mẹ dành cho con cái ở khắp mọi nơi. Vì cuộc sống vì gia đình mà quên đi bản thân mình, can đảm chịu đựng, cắn răng chịu đựng nước mắt trong lòng không để lộ ra. Sự thánh thiện, yêu thương của cha mẹ thật vô bờ bến. Có ai hiểu được tấm lòng đó chăng?

Riêng tôi cố gắng học thật nhiều, kiếm tiền để có thể giúp đỡ bố mẹ, giúp những người hoàn cảnh khó khăn trong tầm tay của mình để họ có thể đứng vững và tôi sẽ làm hết khả năng để làm được những gì mong muốn.

Và tôi cũng xin cảm ơn Nhật Báo Người Việt cho chúng tôi được nói lên phần nào khó khăn trong cuộc sống của những người, những gia đình khi bước vào cuộc sống mới gian khổ nhưng đầy hứa hẹn trên đất Hoa Kỳ này.

Sự có mặt của Little Saigon, Nhật Báo Người Việt và còn nhiều cơ sở cộng đồng khác đã cho chúng ta thấy sự thành công, sự đoàn kết, biết bao sự cam go, hy sinh của cộng đồng ở Hải Ngoại, lòng yêu nước, giữ gìn giống nòi không bị mai một, mặc dù sống ở nước ngoài vẫn giữ được truyền thống, kỷ cương của người Việt góp phần với các nước khác trên thế giới, không hổ thẹn với giống nòi Việt Nam.

Xin nhận nơi đây lòng kính phục của chúng tôi đến những vị tiền bối đã và đang phục vụ kiều bào, mọi người Việt Nam trên mảnh đất quê hương thứ hai.


Về Đầu Trang
LAM HUONG



Ngày tham gia: 04 Jul 2012
Số bài: 430

Bài gửiGửi: Mon Jan 20, 2014 5:52 am    Tiêu đề: Dì Tôi


Dì Tôi

Giải nhất đồng hạng

Tác giả :Trinh M Phí


“Dì tôi”, theo Trinh Phí, là một câu chuyện có thật 100% về người dì của tác giả. “Cuộc đời dì em khá gai góc nhưng không nhiều người hiểu, nên em muốn viết ra để mọi người có cơ hội hiểu dì hơn.”

“Khi biết truyện được giải, dì em như sống trên mây, người lớn tuổi có nhu cầu niềm vui về tinh thần mà. Em thích viết truyện về người già, họ có nhiều chuyện để viết lắm.” Trinh Phí, người mới sang Mỹ từ năm 2005, hiện sống tại Little Saigon, và từng đoạt giải thưởng của Việt Báo, tâm sự.


Dì Tôi


Ngày tôi đến Mỹ là một ngày cuối Tháng Ba cách nay gần chín năm, đêm đó tôi ngủ ở nhà dì tôi. Phần lạ giờ, phần lạ chỗ nên mãi đến gần hai giờ sáng tôi mới có thể chợp mắt. Nhà của dì nhỏ nên tôi ngủ tạm trên chiếc sofa ngoài phòng khách, kế bên cái bếp. Vừa chợp mắt chút xíu thì tôi nghe tiếng lục đục ngay bên cạnh, mở mắt ra tôi thấy dì đứng ngay cái counter ăn bánh mì. Nhìn ra ngoài cửa sổ, tôi thấy trời tối thui.

- Ngủ được không con, mới ba rưỡi sáng thôi, con ngủ tiếp đi. Dì tôi nói.

- Sao Dì thức sớm vậy? Tôi hỏi.

- À, tới giờ Dì đi làm rồi. Con ngủ tiếp đi nha, dì đi đây.

Tiếng xe của dì khuất xa thì tôi cũng tỉnh ngủ hẳn. Tôi tỉnh ngủ không phải vì bị mất giấc, mà vì có cái gì đó thảng thốt trong tâm trí tôi. Hình ảnh của dì đứng gặm ổ bánh mì khô trong ánh đèn bếp vàng vọt vào giữa khuya, lạnh giá khiến tôi xúc động mạnh. Ở Việt Nam tôi cũng từng đi làm công nhân, cũng từng trải qua cảnh nghèo khổ, nhưng tôi chưa từng phải hay thấy người thân nào trong gia đình tôi ăn sáng vào lúc ba giờ rưỡi khuya như thế này.

Ngày thứ hai, khi tôi còn đang ngủ ngon giấc thì tôi lại nghe tiếng lục đục kế bên. Mở mắt ra tôi thấy trời sáng chưng và thấy chị Ly, con lớn của dì đang lục cái gì trong ngăn tủ.

- Mới ngủ dậy hả, ngủ tiếp đi. Ly đang kiếm thuốc cho mẹ.

- Ủa, dì đâu chị?

- Ðang ở nhà thương, mẹ Ly phải đi cấp cứu. Ly phải kiếm thuốc cho mẹ đem vô trỏng cho bác sĩ coi.

Tôi nhảy khỏi ghế phụ kiếm với chị. Chừng một lúc sau, chị đưa cho tôi coi cái hộp thuốc của dì. Lần này tôi càng thảng thốt hơn nữa. Trong đời tôi chưa bao giờ thấy cái hộp thuốc nào to và đựng nhiều thuốc như vậy. Cái hộp thuốc đó to cỡ như cái hộp đựng mứt Tết, với nhiều ngăn nhỏ, đựng rất nhiều viên thuốc đủ màu, đủ hình thù khác nhau.

- Ngày nào mẹ Ly cũng phải uống bao nhiêu đây thuốc.

Chị Ly nói.

Tôi chỉ biết trợn mắt chứ không biết phải nói gì nữa.

Ngày hôm sau tôi mới được vào thăm dì trong bệnh viện. Dì vẫn còn nằm trong phòng ICU, phòng săn sóc đặc biệt. Dì nằm lọt thỏm trong cái giường để giữa phòng, với đủ thứ dây nhợ xung quanh. Xanh xao, khô héo. Lúc đó tôi không tưởng tượng nổi người nằm trên giường là người dì khỏe mạnh, hoạt bát mà tôi mới gặp hôm qua. Khuôn mặt của dì như biến dạng, cái miệng sưng vù, thâm tím, mắt nhắm nghiền trong trạng thái bất tỉnh. Lúc vào phòng cấp cứu, dì đã bất tỉnh nên người ta phải cạy miệng dì ra để đặt ống dẫn khí vào cuống phổi, có lẽ vì phải gấp rút cứu mạng của dì mà người ta đã mạnh tay làm gãy mất 4 cái răng cửa của dì, cả hàm răng dưới cũng lung lay. Cánh tay dì khẳng khiu, đầy vết kim chích. Thân hình dì sộp xuống mỏng manh. Dì như một chiếc lá khô héo sắp rời cành. Lúc đó tôi cảm thấy sợ hãi và nghẹn ngào.

Trên đường về, chị Ly kể cho tôi nghe bệnh sử của dì. Dì tôi bị bệnh suyễn mãn tính đã vài chục năm, nhiều lần lên cơn thì rất nặng, phải vào bệnh viện cấp cứu. Có khi phải nằm bệnh viện vài tuần vì phổi không hoạt động. Mỗi lần dì lên cơn suyễn là phải nghỉ ở nhà cả tháng. Chị còn đùa là dì hay phải đi cấp cứu khi đang ở sở làm, và cấp cứu thường xuyên tới nỗi những người làm chung với dì khi tiễn dì ra xe thường nói “See you next month! ” Tôi biết dì tôi bị bệnh suyễn đã lâu vì dì hay nhờ mẹ tôi kiếm mua đủ thứ cây lá, côn trùng sấy khô gửi qua để dì làm thuốc uống. Ai chỉ gì, dì làm nấy. Thôi thì đủ loại, từ mật trăn, mật bìm bịp tới nhiều con dì nhờ kiếm, cả nhà tôi cũng chỉ mới nghe lần đầu, chẳng hạn như con Tèn Hen.

Lần này dì về nhà thì nghỉ làm luôn. Bác sĩ nói dì không thể làm việc được nữa, vì phổi của dì rất yếu, nếu bị lên cơn suyễn nữa thì có thể sẽ không cứu được. Ông ta nói “Bà có biết tôi mới cứu bà khỏi địa ngục không? Bà muốn tiền hay muốn giữ mạng sống của bà”. Công đoàn nơi dì làm việc giúp dì xin được bảo hiểm bệnh tật nơi sở làm và chứng nhận tàn phế. Họ giúp dì điều đó bởi vì dì đã làm cho nhà máy đó hơn hai mươi lăm năm. Sau này dì kể với tôi, dì vô nhà máy đó khi họ mới mở có vài người, cho tới khi dì nghỉ họ có tới vài ngàn công nhân. Dì làm đúng chỗ đó hai mươi mấy năm, ngày nào cũng phải hít bột làm bánh, nên có thể dì bị bệnh là vì vậy.

- Dì làm bao nhiêu năm họ không chuyển dì sang chỗ khác cho đỡ hơn sao?

- Họ cũng muốn đôn dì lên làm supervisior nhiều lần, nhưng dì từ chối. Tại vì dì không biết chữ nghĩa gì hết con ơi. Với lại dì làm quen rồi, dì không muốn thay đổi.

Chị Ly nói thật ra dì không muốn thay đổi là vì dì sợ. Dì sợ bị mất việc làm.

Còn tại sao dì sợ mất việc làm thì tôi có thể hiểu. Một người đàn bà ít học, một mình vượt biển cùng một đứa con gái nhỏ, đến một đất nước xa lạ, với một gánh nặng trách nhiệm với một đại gia đình ở bên kia đại dương, thì làm sao có thể buông cái phao này để bắt cái phao khác? Dì tôi hoàn toàn không có cơ hội để đi học lại, để hòa nhập với xã hội mới, để mà ngoi lên cao hơn nữa. Dì tôi không dám sống cho mình, mà chỉ sống vì gia đình. Dì đơn độc ở Mỹ vì không thể bảo lãnh cho gia đình. Hồi ở trại tị nạn, dì không có người bảo lãnh, nên phải khai tên khác để ghép với một gia đình bà con xa để được vào Mỹ. Trước khi vượt biên đến được đảo Bula Bidong, tàu của dì bị cướp đến bốn lần, khi tới đảo thì ai nấy chỉ còn đúng bộ đồ mặc trên người. Dì nói giữ được cái mạng sống của mình đã là một may mắn, có người ở tàu đi trước, khi lên tới đảo thì họ đã như hóa điên. Lúc đó để thoát khỏi cảnh tị nạn, để mất luôn cái tên thì cũng đành cắn răng. Hồi đó chỉ nghĩ làm sao được đi làm nhanh nhanh để giúp đỡ gia đình còn kẹt lại, chứ đâu nghĩ đến chuyện đoàn tụ sau này.

Ngay những ngày ở trại tị nạn, khi có người bạn ở Mỹ giúp cho vài trăm, dì đã vội vã tìm cách gửi về cho ngoại, dì sợ ngoại bệnh không có tiền mua thuốc. Tới Mỹ hôm trước, hôm sau dì đã xin đi rửa chén cho nhà hàng, làm luôn hai ba việc, để mỗi hai tuần lại gửi về cho gia đình một thùng quà. Dì kể lúc ở tiểu bang lạnh, sáng nào ra khỏi cửa cũng bị té một cái ạch đến tỉnh ngủ vì đường trơn tuyết lạnh. Hai tháng sau thì dì dời về Nam Cali, có được việc làm ở xưởng bánh thì bám luôn tới bây giờ. Cứ như vậy, suốt hai mươi lăm năm, dì miệt mài như một con ong bên dây chuyền nhồi bánh. Mỗi ngày ra khỏi nhà lúc ba giờ rưỡi sáng, về nhà lúc hai giờ chiều. Cái phổi phải hứng không biết bao nhiêu triệu hạt bột, cái thân phải khổ sở với biết bao nhiêu cơn hen suyễn. Dì vẫn can trường chịu đựng với một suy nghĩ rất đơn giản, cha mẹ già, anh chị em bên kia rất cần sự giúp đỡ của dì, nên dì không thể buông tay.

Chính nhờ dì không buông tay, mà chị em tôi mới được ăn học tới nơi tới chốn. Dù chúng tôi lớn lên vào lúc Việt Nam khó khăn nhất, chúng tôi vẫn được đến trường, vẫn có cơm ăn áo mặc, tất cả là nhờ sự hy sinh của dì. Thật không sao nói hết được lòng tri ân của chúng tôi đối với dì. Dì không chỉ cho chúng tôi cơm ăn, áo mặc, mà dì còn cho chúng tôi những bài học về sự hy sinh cho người khác, về tình thương yêu vô bờ bến với người thân, lòng nhân ái với những người xung quanh.

Giờ đây căn bệnh suyễn không còn hành hạ dì nữa. Dì đang sống với con cháu vui vẻ, hiếu thuận trong căn nhà có ba thế hệ. Với mọi người đó có thể là một kết thúc có hậu, nhưng với tôi có chút gì đó đau xót. Niềm vui hôm nay khó lòng bù đắp cho những ngày xuân trẻ đớn đau, khổ cực đã qua của dì.

Câu chuyện của dì tôi, cũng như hàng ngàn cô chú bác, anh chị em khác. Những người hàng ngày vẫn miệt mài với công việc công nhân trong công xưởng, lao công trong nhà thương, phụ bếp, bồi bàn trong nhà hàng, hay bốc vác, làm cá ở chợ, thợ nail, thợ tóc trong các tiệm làm đẹp. Những người làm việc mười hai, mười bốn tiếng mỗi ngày với những công việc nặng nhọc, độc hại. Những người khi về già phải mang nhiều thứ bệnh trong người, phải chịu đựng những cơn đau nhức đến tận xương tủy. Dù họ không có khả năng chữ nghĩa để có thể trở thành luật sư hay bác sĩ, nhưng họ vẫn rất đáng kính vì họ kiếm sống bằng sức lao động chân chính của mình. Họ không chỉ kiếm tiền để giúp đỡ cho gia đình của họ, giúp con cái họ thành tài, mà còn đóng thuế cho nhà nước, giúp cho doanh thương của đồng hương phát triển, góp phần giúp cộng đồng người Việt ngày càng vững mạnh. Chúng ta vẫn hay ca ngợi gương thành công của những người nổi bật mà quên mất sự hy sinh thầm lặng của những người bình thường. Chúng ta luôn ca ngợi sự phát triển của cộng đồng hôm nay bằng những đóng góp của những chính trị gia, nhà khoa học, bác sĩ, kỹ sư mà quên mất những người đó là những bông hoa được nở ra từ sự tưới tắm, vun trồng bằng máu, bằng mồ hôi, bằng nước mắt, bằng tuổi xuân của những người như dì tôi.

Ðừng chỉ nhìn sự thành công của cộng đồng người Việt chúng ta với con mắt vui mừng, hoan hỉ mà hãy nhìn thêm với tấm lòng tri ân và thương xót với những hy sinh lặng thầm.

Little Saigon, ngày 4 tháng 12, 2013


Về Đầu Trang
LAM HUONG



Ngày tham gia: 04 Jul 2012
Số bài: 430

Bài gửiGửi: Wed Jan 22, 2014 12:11 am    Tiêu đề: Chuyện ông Tư

Chuyện ông Tư
Giải Ba
Tác giả: Bảo Ngọc


“Chuyện Ông Tư” của Bảo Ngọc là một câu chuyện khá cảm động được tác giả viết từ chính hình ảnh người cậu Tư của mình.
Tác giả cho biết, “Cậu tôi từng làm cho Tòa Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn từ trước 1975. Cậu tôi mất cách đây 2 năm. Tôi viết câu chuyện này vừa là để nhớ đến cậu, vừa để bày tỏ tấm lòng của mình đối với nhật báo Người Việt.”


Chuyện ông Tư

Hồi còn ở Việt Nam, ông Tư đã biết tiếng Anh khá nhiều. Đọc và viết suông sẻ, nhưng nói còn ngượng ngịu vì thiếu thực hành. Khi hay tin được đi Mỹ đoàn tụ với con, ông mừng lắm. Mỹ là xứ nói tiếng Anh, thiếu gì cơ hội để ông nói cho quen và trở thành lưu loát.

Thế rồi ông đi Mỹ và sau bốn năm ở Mỹ, ông... quên hết tiếng Anh!

Chuyện ngược đời đến thế, nhưng đã xảy ra chỉ vì khi đến Mỹ, ở đâu không ở, ông ở ngay Little Saigon mà Little Saigon thì... Chuyện ông Tư bắt đầu:

Vừa đặt chân đến Mỹ, ông có ngay cơ hội nói tiếng Anh với đứa cháu ngoại theo mẹ ra phi trường đón ông: “Do you know who I am? ” Cháu ông chưa kịp trả lời, con ông đã xen vào: “Ba đừng nói tiếng Anh với nó! Ba nói tiếng Việt nó nghe cho quen. ” Trời, đến Mỹ mà bị cấm nói tiếng Anh là thế nào? Nhưng nghĩ lại, con ông nói đúng. Từ đó ông hết nói tiếng Anh trong nhà.

Thế còn ngoài ngõ? Bước ra gặp hàng xóm, không nghe “Bác mạnh giỏi? ” thì cũng “Bác Việt Nam mới qua? ” Rảo quanh bốn năm cái chợ, sáu bảy dãy phố, đâu cũng gặp người Việt “yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời” dẫu có người ra đời ở Mỹ. Ông buột miệng thực hành một câu tiếng Anh nào, là nghe “You Korean? ”

Little Saigon cũng có người ngoại quốc chứ? Một hôm vào tiệm phở gặp anh Mễ ra tiếp, ông nắm ngay cơ hội: “I’ll have a chicken noodle soup? ” Anh Mễ hỏi lại: “Tô lớn hay tô nhỏ? ” Nghe lạnh xương sống. Hôm khác, từ xa ông thấy có cô bạn cũ đang huyên thuyên nói chuyện với một người Mỹ. Ông ngạc nhiên, cô ta qua trước ông có mấy tháng sao giỏi tiếng Anh lẹ vậy? Đến tay bắt mặt mừng, vỡ lẽ: Người Mỹ kia nói tiếng Việt. Ông tự nhủ, nếu ông muốn nói tiếng Anh ở Mỹ, sao lại trách người ngoại quốc nói tiếng Việt ở Little Saigon.

Khi đến cửa hàng Mỹ, ông đinh ninh đây không nói tiếng Việt. Ông đúng, đây không nói tiếng Việt, nhưng... cũng không nói tiếng Anh. Chỉ có lặng lẽ, lặng lẽ bỏ hàng vào xe đẩy rồi đẩy xe tới cô thâu ngân. Reng, reng, roạt! ông chỉ nghe bấy nhiên khi cô ta bấm náy tính và xé biên lai cho ông.

Những người ông cần tiếp xúc như bác sĩ hay người thợ sửa xe, tuy rành Anh ngữ, vẫn nói tiếng Việt với ông. Ngay cả khi phải đến công sở Mỹ, ông cũng được tiếp với câu chân tình: “Bác cần gì vậy bác? ”

Không bao lâu, ông nhận ra là riêng ở Little Saigon, nhu cầu tiếng Anh không cấp bách đối với người già như ông, và cơ hội nói tiếng Anh không đến một cách mặc nhiên như ông tưởng. Phải tìm kiếm, hay đi học lại và hội nhập dòng chính Mỹ. Nhưng sức ông không kham nổi. Vậy là dẫu không chủ ý, mối quan tâm của ông đối với tiếng Anh giảm dần.

Quay về tiếng mẹ đẻ, ông làm bạn với mười đài truyền hình Việt xem không xuể, cùng với ba tờ nhật báo Việt đọc không hết trong một ngày, để thấy rõ một điều: tiếng Việt ở Little Saigon phong phú và phóng khoáng hơn hẳn bên Việt Nam, nhờ có một tự do tư tưởng và ngôn luận.

Ông thật sự thoải mái và thích thú khi nói hay viết tiếng Việt theo lối bên này.

***

Bây giờ, con cháu vào thăm ông đã ra về, chỉ còn cô y tá Mỹ quanh quẩn điều chỉnh mấy máy bơm thuốc. Ông mỉm cười tự nhủ, đây chính là cơ hội thực hành tiếng Anh. Nhưng ông không đủ sức nữa, chỉ cố nhớ lại những gì ngộ nghĩnh trong câu chuyện qua Mỹ quên tiếng Anh, để vui lên đôi chút.

Bỗng ông nhận thấy đây không hẳn là ngộ nghĩnh. Những trải nghiệm bản thân qua suốt câu chuyện đã cho ông thấy tận mắt tại sao người Việt không bị đồng hóa sau ngàn năm Bắc thuộc và trăm năm Pháp thuộc. Little Saigon không có triều đình hay chính phủ, nhưng tự đàn con Hồng cháu Lạc ở đây đang mặc nhiên và thầm lặng giữ lấy bản sắc dân tộc.

Ông thấy thương con ông nhắc nhở cháu ông nói tiếng Việt, thương cháu ông ê a đánh vần, thương thầy cô các trung tâm Việt Ngữ hết lòng dạy dỗ, thương người học lại chữ Nôm, thương ca sĩ hát hùng ca sử Việt, thương ngôi nhà thờ có mái cong và các mái chùa ẩn hiện đây đó, thương lá cờ vàng và các tà áo dài tung bay trên những con đường mang tên Mỹ, thương... Xúc cảm làm ông lên cơn mệt.

Khi cô y tá đến cầm tay ông dịu dàng hỏi chuyện gì, dẫu biết cô ta sẽ không hiểu sao bỗng nhiên ông nói thế, ông thì thầm: “I love Little Saigon. ”

Đó là câu thực hành tiếng Anh cuối cùng của ông Tư. Ông qua đời mấy hôm sau.


Về Đầu Trang
YLan



Ngày tham gia: 09 Apr 2013
Số bài: 23

Bài gửiGửi: Thu Jan 23, 2014 10:33 pm    Tiêu đề: Chắp cánh cho đời con bay cao

Chắp cánh cho đời con bay cao
Giải: Khuyến Khích
Tác giả: Helen Vũ


Chuyến bay thẳng từ phi trường Los Angeles sang Washington D.C. sáng nay có một cô bé trùm áo khoác đen, ngồi lọt thỏm trong ghế ở hàng đầu. Cử nó sang làm việc và dự khóa huấn luyện đặc biệt ở trụ sở chính (“headquarter”) của công ty, mà “sếp” lớn báo trước chỉ có mấy tiếng đồng hồ; Cô thư ký chuyên việc hành chính không tìm ra vé hạng “thương gia” nên mua ngay vé khứ hồi này cho nó.

Giữa những gương mặt đạo mạo và sang trọng trong khoang nhất lọt vào một bé “hạt tiêu,” làm bà vợ quý phái của ông khách kề bên nó tò mò. Bà nghiêng đầu sang bên hỏi nó:

- Hello, young lady! What brings you up here, going to D.C.?

(Chào cô em! Cái gì đưa em lên đến tận đây, đi mãi đến D.C.?)

- The wings, right beneath my arms!

(Những đôi cánh, ngay dưới cánh tay tôi đây nè!)

Nó nửa đùa nửa thật trả lời. Bà khách gật gù ra chiều đồng tình với câu trả lời của cô bé Á Châu nhỏ nhắn mang kính cận dày cộp, kè kè cái máy điện toán cá nhân nơi chân. Khi máy bay tăng tốc, rời đường băng bay lên cao, cô bé tựa đầu vào lưng ghế da êm ái, chợp mắt trong chốc lát. Nhớ lại câu hỏi của bà tóc vàng kia, ký ức về những năm tháng đầu tiên trên xứ người của nó chợt ùa về...
[/size]


Cha vẫn đau đáu theo con gầy dựng đời sống mới.


Chuyến bay mang Ba và bốn chị em nó cùng nhiều gia đình “HO” tỵ nạn chính trị khác đến phi trường Los Angeles vào một tối đầu Thu năm 1992. Trên xa lộ lấp loáng đèn xe ngược xuôi, chiếc xe buýt lao vun vút đưa gia đình nó về phi trường Ontario, gần nơi bác Tăng, người bảo trợ nhà nó thông qua hội thiện nguyện World Relief, đang sống. Máy bay đến trễ nên vợ chồng chú Ðức “đường” và cô Ðào-chú Sanh cùng mấy người con đã chờ từ chiều, tốn khẳm tiền đậu xe, đến khuya mới đón được nhà nó. Qua giây phút mừng vui được gặp lại nhau ở xứ tự do, cả đoàn kéo về nhà cô B. cho bữa cháo gà khuya. Dẫu sau này trong đời được ăn nhiều gà ngon, với nó đây là tô cháo gà ngon nhất. Cô B. mang mền gối cho cha con nó ngủ lại trong phòng khách ấm áp của nhà cô. Ðêm đầu tiên ở vùng đất mới, cha con nó thiếp đi trong bình an, dẫu cho những ngày mai có bão bùng mưa gió...

Bác Tăng nhờ vợ chồng chú Ðức mướn căn hộ trước nhà chú cho gia đình nó, và sáng hôm sau cha con nó lạ lẫm cầm chìa khóa bước vào “nhà” mới. Chú Ðức mua giùm một tủ lạnh cũ, nhờ chồng cô B. chở về để sẵn trong bếp. Vợ chú mua giùm nồi cơm điện, bao gạo, và mang sang năm cái chén, cùng đũa từ bà hàng xóm gửi sang “chia” cho. Cô Ðào xin cho hai tấm nệm cũ, để ngay trên thảm nơi hai phòng ngủ tầng trên. Một cái tủ đựng quần áo loang lổ trắng có các hộc tủ lỏng lẻo chực rớt, được chú Sanh khiêng ở đâu về cho, làm vách ngăn phòng khách và bếp. Cùng với mấy thùng đựng sách vở, quần áo và “album” hình kỷ niệm của gia đình nó khiêng từ Việt nam sang, đó là tất cả tài sản, và là Nhà của cha con nó. Căn hộ nhỏ này ở trong một khu phố tồi tàn có nhiều nhà Mỹ đen, ngờ đâu gắn bó với gia đình nó hơn mười năm trời, cho đến khi tất cả anh chị em nó đều “công thành danh toại” trên vùng đất mới.

Những ngày sau đó, chú Ðức, chồng cô B., và gia đình cô chú Sanh-Ðào, những người rành đường đi nước bước vì sang Mỹ sớm hơn gia đình nó, thay nhau chở giúp gia đình nó đi làm giấy tờ xin số an sinh, trợ cấp xã hội, khám sức khỏe, và đi chợ mua thức ăn. Chính phủ Mỹ chỉ trợ giúp sáu tháng cho các gia đình tỵ nạn chính trị, nên chị em nó lo lắng từng ngày, mong tìm được việc làm để ổn định cuộc sống rồi mới tính chuyện “đường dài” học hành như cả nhà nó ước mong. Gần ba tuần sau, bà hàng xóm tốt bụng (đã cho cha con nó mấy cái chén) nhờ chị Thu Lan, hàng xóm của bà, đưa chị em nó ra “shop” may tìm việc. May thay, hãng may chị làm vừa đổi chủ; chủ cũ mang thợ đi theo, nên chủ mới nhận chị em nó ngay lập tức. Kinh nghiệm may áo dài của chị nó và thợ “vịn” tay mơ của nó ngày xưa trên máy may Singer cọc cạch ở quê nhà không đủ để chạy theo tốc độ 6,000 rpm của máy may công nghiệp Juki. Ngày đầu, chị em nó được Ngọc, bà chủ trẻ xinh đẹp giao đồ dễ, và chị Lan chỉ giúp rị mọ ráp hàng may. Anh trai chị Lan chở cho đi vài bữa, rồi chị em nó tự đi bộ về mỗi sáng-tối đến hãng may, phía sau vườn dâu trên đường Holt ở thành phố Pomona.

Ngay góc đường Holt và Ramona có tiệm đồ cũ, mà người trong hãng may gọi đùa là “chợ cũ Hồng Kông,” là nơi chị em nó lục lọi mua được những nồi niêu, chén bát đĩa cũ còn tốt, và quần áo ấm mùa Ðông cho cả nhà. Nó mày mò đếm những đồng “penny,” “nickel,” “quarter” đầu tiên trong đời, khi được người ta trả lại tiền lẻ, vì... nó không biết đếm! Chị em nó “trung thành” với tiệm đồ cũ ấy gần mười năm, vì tiền may đồ còng lưng ngày đêm được đếm từng đồng. Ðược hàng xóm chỉ cho chợ trời gần đường Ramona, cha con nó lần hồi mua thêm được nhiều thứ cần thiết, cũ nhưng còn tốt, và rẻ. Cha con nó mua được năm cái túi ngủ - mùa Hè mở dây kéo ra thành mền, mùa Ðông chui vô ngủ trong túi ấm áp như con tằm trong tổ kén. Cái túi ngủ màu hồng pha sọc xanh lá cây mà Ba mua cho nó ngắn chủn, đã ủ ấm nó bao nhiêu mùa đông, cho đến khi nó rời nhà đi xa. Cái túi in đầy chứng tích những tháng năm may đồ ở nhà của chị em nó: Sáng thức dậy bò ra khỏi “mền,” nó thò tay bật khởi động cho nóng máy may, nấu rồi ăn vội vàng giữa bộn bề hàng may, rồi may cố đến đêm thì bò vô túi ngủ, mặc cho chỉ vương đầy quần áo tóc tai. Lâu ngày, chỉ vụn quấn chằng chịt mặt trong của túi ngủ, đủ mọi sắc màu!



Trả nợ sách đèn.


Xấp nhạc tiền chiến in đẹp mang theo từ Việt Nam được cất dưới cái nệm cũ (gãy lò xo mà nó không biết). Hôm dựng nệm lên để hút thảm, thấy xấp nhạc bị đâm nham nhở, nó rớt nước mắt thương cho nhạc, cho chút kỷ vật ít ỏi mang sang xứ người của nó. Ði làm về theo hẻm ngõ sau, nó thấy một tấm nệm khác còn tốt dựng cạnh thùng rác. Nó ba chân bốn cẳng chạy về gọi anh chị ra phụ khiêng “nệm mới” về, rồi vất tấm gãy kia đi. Hôm sau nắng to, chị em nó hì hụi vác “nệm mới” ra sân, xịt nước, chà xà-bông, giội rửa lại, rồi dựng nơi vách tường cả ngày cho khô. Chiều chạng vạng, nó nghe tiếng chạy rầm rập lên thang kề bên, có vẻ nặng nề lắm. Ngó ra sân, thấy mất tiêu tấm nệm, nó biết ngay thủ phạm là hai đứa Mỹ đen trẻ mới dọn tới. Nó đập cửa ầm ầm, quát to,

- Open the door! Bring it down here! Give back my mattress!

(- Mở cửa! Khiêng xuống! Trả tui tấm nệm ngay!)

Một thằng ló đầu ra, tiu nghỉu:

- Sorry! I thought you threw it away!

(- Xin lỗi, tui tưởng bà quăng đi!”)

- Are you dreaming?!”

(- Mi mơ hả?!)

Hai tên đành tẽn tò khiêng cái nệm xuống lầu trả lại.

Nghe kể thương quá, cô Vân và dượng Chánh từ xa về thăm, chở cho cái nệm nhỏ mới tinh và mấy bao to quần áo, còn gạo và thức ăn đầy cả thùng xe tải của dượng thì cha con nó ăn cả tháng chưa hết.

Thu sang Ðông, trời lạnh dần và hay mưa. Chị em nhà nó nhiều lần lội mưa đi-về, nhưng thỉnh thoảng được anh Nhật “Qua-cơn-mê” ghé đón tụi nó và chị Lan đi may. May ở hãng được ba tháng, quen việc quen người nên bà chủ đứng ra mua giùm một máy may và một máy may-vắt sổ-5-sợi Juki, để chị em nó nhận hàng may ở nhà, cho đỡ lạnh và may được nhiều hơn. Một lượng vàng chỉ bốn trăm đô; bà dám bỏ ra gần hai ngàn rưởi cho tụi nó may trả góp lại mỗi tháng, mà chỉ lấy cái biên nhận mua máy để khai thuế cuối năm. Ngoài bà chủ hãng may tốt bụng, cha con nó còn được người quen thương giúp. Bác Sĩ Bảo, đồng nghiệp cũ và từng là bạn “tù cải tạo” của ba nó, đưa vợ con đến thăm cha con nó, và chở hết ra nhà hàng đãi đằng. Nghe nó than trời lạnh nên ăn gì cũng lạnh, ngày hôm sau chú đến tận hãng may, mang tặng cho cái máy vi sóng mới tinh. Máy này đã giúp Ba nó hâm nóng những bữa trưa một mình khi tụi nó đi làm vắng nhà, làm nóng cơm tối cho chúng nó khi đi học hay đi làm về khuya lắc, và theo cha mẹ nó gần hai mươi năm. Khi rời California sang Texas “dưỡng già,” Ba Mạ nó gửi nhà thờ chuyển cho một gia đình nghèo khác. Gia đình nó luôn ghi nhớ tấm chân tình bảo bọc cho đời sống của người đến sau ấy của Bác Sĩ Bảo.

Vài ngày sau khi tụi nó đi may, anh và em trai nó cũng được hàng xóm dẫn vô hãng khác xin việc ủi đồ và cắt chỉ cho các hàng may xong sắp giao đi. Ủi trong mùa Ðông còn đỡ, lúc mùa hè nóng như thiêu, hơi nước từ bàn ủi công nghiệp xông lên hầm hập trong cái “lò bát quái” xưởng may chỉ có vài cây quạt thổi gió nóng lòng vòng. Hai thằng con trai lớ ngớ được chỉ cho đứng ủi; Tiền công mỗi cái chỉ vài “cents,” nên mỗi ngày phải cố ủi hàng trăm cái mới may ra đủ sống. Bàn tay trắng trẻo thư sinh của anh nó bị mấy lần ủi phỏng thành sẹo, mấy năm chưa phai. Thằng út mang kính dày cộp, lui cui phụ cắt chỉ cho sạch các hàng đã ủi để kiếm thêm tí tiền, đầu cổ tóc tai vương đầy chỉ vụn.

Ba nó đi thăm hàng xóm, lăn về được một mặt bàn gỗ cũ, tròn to màu nâu vec-ni, mà ai vất ở sau đường hẻm. Lâu sau, lượm được một khung chân bàn, Ba nó hì hục khiêng về, gắn thêm ba con ốc với mặt bàn cho chắc. Mua thêm mấy cái ghế cũ, cha con nó được cái bàn ăn tươm tất. Cái bàn ăn có ba con ốc lồi lên đó đã chứng kiến những bữa cơm sum họp hiếm hoi của gia đình nó, trước khi chia lìa đi khắp chốn. Cái bàn ấy cũng là nơi chị em nó chong đèn ngồi học miệt mài, và nơi anh nó viết nháp bài đáp từ cảm ơn trong lễ nhận giải thưởng học bổng danh dự cao quý nhất của trường đại học cộng đồng, chỉ sau một năm theo học.

Những năm tháng đầu tiên khi mới qua Mỹ, vì Mạ nó kẹt lại Việt Nam một thời gian, Ba nó như hụt hẫng đi rất nhiều vì không có Mạ nó chăm lo cho miếng ăn, giấc ngủ, dù rằng chị em nó đều đã trưởng thành, biết lo việc bếp núc từ lâu. Chắt chiu tiền trợ cấp mấy tháng của cả nhà, Ba nó nằng nặc đòi mua chiếc xe Cressida '84 của ông B. ăn tiền “cò” giới thiệu. Mua nhằm xe nát, xe chưa lái về tới nhà đã hư nhiều, làm tốn tiền sửa thêm. Ðêm Giao thừa, xe chết ngắt ngay dốc đường Garey nên phải nhờ dượng Chánh đẩy giùm đi mà vẫn chết máy mấy lần, rồi cháy máy. Ba nó ôm đầu, ngồi thẫn thờ ngó vô đêm tối. Có một ngày mùa đông, chị em nó vừa khóc vừa cóng tay giặt rồi phơi lên sợi dây giăng sau hè những miếng vải của một lô hàng may, mà trong một phút nóng giận không kiềm chế được, Ba nó đã hắt cả tô bún bò Huế sóng sánh nước màu vô. Di chứng của nhiều năm tháng tù đày đã làm Ba nó thành người khác.

Khi Mạ nó qua, chị em nó được xuống chức phụ bếp, vì đi làm ngoài nhiều hơn và đi học lại. Nó để dành tiền, mua được chiếc xe Geo Prizm '91 cũ, từ người đi đấu giá xe về sửa lại. Xe này là “chân” đưa nó đi làm, đi học, chị em chở nhau đi khắp chốn. Cuối tuần chị em nó chở Mạ đi chợ, xong về chúi mũi học bài, đọc sách. Chị em nó vừa làm vừa học nên toàn đi sớm, về trễ, mang theo bánh mì lát kẹp thịt kho để gặm suốt mấy năm đại học. Xin được Pell Grants học trường đại học cộng đồng Mt. San Antonio, nhờ điểm cao nên chị em nó đều làm “tutors” theo chương trình “work-study.” Anh và em trai nó giúp các học sinh khác cho các môn toán-lý-hóa, còn nó và chị thì cho các môn giải phẫu, sinh lý học, vi sinh học. Giữa các mùa học, công ty giới thiệu việc làm gửi nó đi làm đủ việc tạm thời: ráp đèn pin MAC-lite, đóng gói nước hoa, làm trong nhà máy dây chuyền thổi bình nước ngọt soda,...

Mấy mùa đầu chuyển lên Cal Poly Pomona, nó ghi danh hơi nhiều lớp, và hệ miễn dịch của nó quá tệ nên vô phòng thí nghiệm là ốm nặng. Nó không thể theo đuổi ngành Y khoa nào, vì... vi trùng mạnh hơn! Nó đổi cái ào sang học điện toán, nhặt “bugs” và viết “codes” trị “vi trùng” cho máy. Nó quay về trường cũ xin được việc khác trong “Professor Development Department,” làm thêm ngoài giờ học, trong nhiều năm. Ông “sếp” trẻ hay thấy nó chui dưới gầm bàn, sửa ráp và sắp xếp dây nhợ máy móc cho ngăn nắp. Có lần nó sửa giùm cái máy tính xách tay của một giáo sư, cần nộp hồ sơ gấp mà toàn bộ đơn từ bị “giam” chết trong máy. Vài tuần sau bà báo tin được chức vị mới, tặng nó cái thiệp viết thư giới thiệu khen nó hết lời. Có lẽ lá thư này đã góp phần giúp nó, hai tháng trước khi tốt nghiệp, được nhận vào làm chuyên viên điện toán cho một trong năm công ty “nhà thầu” lớn nhất của Bộ Quốc Phòng, mà không tốn một con tem gửi hồ sơ xin việc?

***

Ba Mạ nó trồng bụi chuối nước đỏ rực nơi vạt đất trước sân, thêm mấy dây rau lang, bụi quế, sả ớt, và cây chuối sau hè, và luôn nhắc cho chúng nó không quên nguồn cội. Nó nhìn mà khắc khoải nhớ quê, trút nỗi lòng... làm thơ trên giấy trắng. Làm sao nó quên được tiếng Việt thân thương! Những cuối tuần chở Mạ đi chợ, nó luôn rinh về hai tờ Người Việt Thứ Bảy và Chủ Nhật; Hôm nào không có báo, nó buồn thiu như mèo mất tai. Những ngày Ðông lạnh lẽo cận Tết Nguyên-đán mỗi năm, chị em nó rong ruổi đường xa xuống “Tiểu Sài Gòn,” ghé tìm mua các tờ báo Xuân đem về đọc và để dành “làm của.” Có năm, bận bịu mùa thi nên nó lần lữa... Ðến giáp Tết, mấy tờ báo Xuân ăn khách, nhất là của Người Việt và Việt Báo, có người mua hết. Chị em nó lái về, buồn hiu hắt như bị đánh cắp cả mùa Xuân.

Ba Mạ nó chỉ đủ sức đưa chị em nó đến bến bờ tự do, nhưng bao người khác và đất nước Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ bao dung đã giang rộng cánh tay giúp chúng nó có cơ hội vươn lên, tạo dựng đời sống mới cho mình, và chắp cho chúng nó đôi cánh mạnh mẽ để bay cao, bay thật xa trong vùng trời an bình tự do... cho thế hệ nó và đời đời con cháu Việt.

Như hôm nay, đôi cánh sắt máy bay đang chao nghiêng xuống vùng trời Washington D.C., đưa cô bé “ốc tiêu” từng bán thuốc lá lẻ, vé số dạo quanh các nẻo đường nơi quê nghèo ngày cũ, đến một hành trình mới trong đời, rất khác...

(Texas, Mùa Ðông 2013)
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân