TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - VỀ THĂM BẠN - NGỌC TỈNH
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

VỀ THĂM BẠN - NGỌC TỈNH

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
MAI THO



Ngày tham gia: 20 Apr 2011
Số bài: 7767

Bài gửiGửi: Fri Nov 08, 2013 11:28 pm    Tiêu đề: VỀ THĂM BẠN - NGỌC TỈNH

VỀ THĂM BẠN



Tôi không có dự định về Việt Nam năm nay, nhưng sau khi nghe tin ông Trường bị tai biến mạch máu não và thêm tin của vài người bạn cũng đang bị đau nặng, chúng tôi thu xếp công việc, mua vé bay về Sàigòn.
Máy bay hạ cánh ở phi trường Tân Sơn Nhất , khoảng 10 giờ sáng thứ tư 02.10. Trời nắng dịu, có chút gió và không phải là giờ cao điểm , nên đường phố tương đối vắng xe, thật dễ chịu. Nhưng vừa về đến nhà trọ là trời đổ mưa. Mưa xối xả, mưa như trút . Tôi không biết những đám mây bàng bạc  vào cuối thu của Thanh Tịnh trông  như thế nào, có mọng nước không , chứ lúc này bầu trời chỉ còn là một khối nước xám đục ,mịt mùng đang đổ ào ào xuống trần gian. Tôi than thở,  tháng 10 rồi chứ có phải tháng 6 đâu mà mưa dai như vậy, thế là mất toi 1 ngày . Ông Phú hát ư ử „ tháng 6 trời mưa ,trời mưa không dứt, trời không mưa anh cũng lạy trời mưa „ rồi nhăn nhở nói, „em biết không ,ngày xưa mỗi khi đến nhà em ,anh đều cầu trời mưa , mưa càng lâu càng tốt“…tôi làm lơ ,không bắt chuyện.   Nhưng vui vẻ được 1 lúc thôi rồi ông Phú  cũng sốt ruột , cằn nhằn, „đúng là thời buổi này mà thiếu cái điện thoại là chả làm ăn được gì, nhất là lúc trời mưa“ , bấy giờ đến lượt tôi rên rỉ hát„ mưa chi mưa mãi khiến lòng ta thêm tơi bời, mưa rơi trên phố cũng là mưa rơi trong quần… „.Tôi không thích mưa từ nhỏ, lớn lên cũng vậy, tôi chẳng thấy được cái thơ mộng , đẹp đẽ của mưa thường được nhắc đến trong thơ văn., mà chỉ thấy cái ướt lạnh , lụt lội , đường phố ngập nước ,dơ bẩn do mưa làm. Khi trời mưa, tôi chỉ muốn được chui vào chăn ,nằm nghe nhạc hay đọc truyện ,Tôi cầu mong mưa chỉ rơi vào ban đêm  và đừng kéo dài qúa lâu, chỉ đủ để, đuổi trôi cái nóng, cho có nước uống , cho đủ ruộng cầy, cho đầy bát cơm…Ôm bụng đói, tôi đi ngủ vì suốt chuyến bay 14 tiếng đồng hồ, đã không ngủ được tí nào. Tôi thức dậy khá muộn mà Trời vẫn còn mưa , nhưng đã ngớt hạt, bầu trời đã trong hơn. Sau này tôi mới biết , mưa lâu như vậy vì bão rớt ngoài Trung, cơn bão số 10. Nhìn đồng hồ thấy đã gần 4 giờ, chúng tôi vội sửa soạn đến nhà ông Trường. Ông Phú định gọi Taxi, nhưng tôi gạt đi, đề nghị đi xe buýt, để tiền làm việc khác vì tiền Taxi  khoảng 200.000 đồng,( 10 Dollars) trong khi   giá vé xe buýt chỉ  là 6.000 đồng 1 người.  Ông Phú chưa đi xe buýt ở Việt Nam bao giờ nên còn lưỡng lự. Tôi xách dù, kéo ông Phú ra trạm xe. Ông Phú vẫn hoang mang „em biết mình đi xe số mấy không ?“tôi tỉnh queo, „ dễ ợt, ra ngoài đó coi bảng hay hỏi người ta mấy hồi „và mọi việc dễ ợt thật. Lúc đó vào tầm tan sở, tan trường , trời lại ngớt mưa ,nên xe cộ nhiều,nhưng tuyến đường chúng tôi đi
không đông khách lắm, và xe cũng chưa vào trung tâm thành phố, vì thế chúng tôi có chỗ ngồi. Anh tiếp viên , ngày xưa gọi là lơ xe, làm việc liên tục , mỗi khi xe muốn ngừng lại đón khách hay cho khách xuống , anh phải nghiêng mình , thò đầu ra khỏi cửa sổ xe , tay khua khua ra hiệu , miệng hò hét xin mấy xe gắn máy nhường cho xe buýt tạt vào.  Trạm nào đông khách lên thì xe mới ngừng hẳn lại, nếu chỉ có 1 ,2 khách thì xe chạy châm lại thôi ,cửa xe mở ra,  khách chạy theo ,và chú tiếp viên giơ tay phụ kéo khách lên. Vừa thu tiền khách mới lên xe, vừa hỏi có ai muốn xuống trạm tới không .  Thỉnh thoảng nhắc „ bé nào hồi nãy nói xuống Bác To ( Pasteur) đó“, bé đứng dậy , đi ra cửa, bé đây là 1 nữ sinh , tôi đóan chừng ,học lớp 8 , còn anh tiếp viên thì chưa đến 30 . Cách xưng hô nghe thật dễ thương,  thân mật nhưng không chớt nhả, . Vì đã được Văn Ngọc Lan nhắc nhở, nên sau khi nghe anh tiếp viên hô to,  Lý Thái Tổ “, chúng tôi vội vàng đứng dậy đi ra cửa, chứ không chờ đến lúc tên mình được gọi.

Tuy đã biết, ông Trường cho đập nhà cũ để xây nhà mới, nhưng tôi vẫn khá ngạc nhiên khi đứng trước cánh cổng sắt cao lớn màu đen, thật hoành tráng. Cổng chỉ khép hờ, chúng tôi đẩy cổng đi vào. Ông Trường ngồi ở bàn ăn, đứa em gái đang bưng mâm cơm vào bếp. Chúng tôi đến đúng lúc quá, ông Trường vừa dùng bữa chiều xong, tha hồ có giờ trò chuyện. Ông Phú nói „ hê Trường, mày khỏe không ?“rồi đi tớí bàn thờ thắp hương cho chị Hằng và hai bác. Ông Phú ít biểu lộ tình cảm. Tôi tiến đến ông Trường, cúi người ôm vai bạn chào hỏi.
-         Ông khỏe chưa ? thấy ông ngồi được như vậy tôi mừng lắm.
Đứa em gái ông Trường tiếp lời
-         Hôm nay là lần đầu tiên anh Trường xuống nhà dùng bữa đó chị.Tụi em dìu anh ấy xuống cầu thang để cho anh ấy thay đổi không khí, ngắm nghía căn nhà mới, chứ cả tuần nay ,từ lúc về nhà này ,anh ấy cứ nằm bẹp dí trên lầu.
Tôi hỏi thăm „ông vẫn tập vật lý trị liệu và châm cứu chứ ?“ ông Trường gật đầu „ nhưng hôm nay là ngày chót, hồi chiều, ông Thày tuyên bố, „ từ ngày mai tôi sẽ không đến nữa, tôi đã giúp anh 3 tuần qua, anh bắt đầu đi lại được, bây giờ là tùy ở anh, anh phải tự tập luyện thôi.“,
-         Như vậy thì ông phải ráng lên, nhưng tự ông thấy trong  người ra sao ?
-         Cũng đỡ nhiều rồi. Tôi bị đứt 1 mạch máu nhỏ trong đầu,  máu chảy vào tiểu não, bác sĩ bảo ,may là vào nhà thương kịp thời chứ không thì đi đoong. Tôi bị chấn thương bên phần vận đông ,nên lúc đầu ,tôi không cử động được, không nói được , chứ bộ nhớ của tôi còn hoạt động tốt. Qua ngày sau là tôi đã nhận ra ai với ai, nhưng nói năng còn khó khăn. Bác sĩ bảo không cần mổ lấy cục máu ra, uống thuốc cho nó tan dần, nên tôi vẫn còn chóng mặt, thỉnh thoảng ói bất tử, như hôm qua , lúc Nha sĩ Thụ ( là bạn cùng cư xá với tôi ngày xưa , cũng  quen ông Trường trong hội lão tướng đánh bóng bàn) đến thăm, đang nói chuyện thì phát ói, quê quá.
Tôi nhìn quanh, đổi đề tài
-         Nhà mới đẹp quá ông Trường ạ, so với nhà cũ, không phải đẹp gấp đôi, mà hơn cả 5, 10 lần, giống như cô lọ lem biến thành công chúa.
-         Tôi đã suýt mất mạng vì nó đấy. Ông Trường cười hiu hắt. Tôi vội an ủi
-         Điều kinh khủng nhất đã qua rồi, ông phải lạc quan  nghĩ là mình còn may mắn ,còn được nhìn thấy và được hưởng điều mình làm. Ngày xưa , chúng tôi xây nhà lúc chưa tới 40 mà còn mệt trần ai ,huống gì ở tuổi này, đã lục thập ngực lai hy, thất thập cổ lai hy mà còn đụng vào chuyện đó thì may là còn sống chứ không lại bị bất thập địa lai hy rồi… Tôi hỏi thật nhé,, lúc đó ông sợ không ?
Ông Phú vừa đi ngang qua, buông một tiếng
-         Hỏi vô duyên, ai mà chẳng sợ .
Tôi định gắt lên „ ai chả biết điều đó, người ta đang đinh làm bác sĩ tâm lý , để bệnh nhận kể cho nhẹ bớt nỗi lòng,  đã không giúp lại còn phá đám …nhưng ráng nhịn, chỉ lườm một cái thật dài. Dao tuy đã cùn nhưng cứa vào da thịt vẫn còn đau lắm, nên ông Phú vội lỉnh vào bếp nói chuyện với hai cô em ông Trường. Tôi quay nhìn ông Trường chờ đợi.
-         Sợ lắm chứ, ngoài cái sợ chết bình thường ,tôi còn nhiều điều khúc mắc, sợ mình đi bất tử , để lại nhiều vấn đề không  hay khó giải quyết được, ví dụ ,có người nhờ tôi giữ tiền hộ, chỉ có tôi và người ấy biết điều đó, mà không có giấy tờ gì cả, nếu có chuyện gì , thì làm sao đây.  Bà biết không , đầu óc tôi vẫn sáng suốt, còn  suy nghĩ được nên lo lắm. Bây giờ tôi đã đỡ lo, nhưng dễ bực bôi , vì chân tay mình không theo ý mình muốn, thấy mình bất lực thì bực bôi ,mà mỗi lần như vậy tension máu lại lên, thế là chóng mặt nhức đầu, ngã đùng ra .Nên lúc nào cũng phải có người trong nhà.
-         Tôi biết  là, nói thì dễ .làm mới khó, nhưng ông phải ráng giữ lòng thanh thản, chủ động  tập đi cho vững thôi, vài tháng nữa sẽ tốt đẹp hơn, điều gì cũng cần thời gian cả. Đừng để bị lại vì điều này dễ xảy ra lắm, và có thể còn nặng hơn, lúc đó ông còn bị lệ thuộc hoàn toàn  vào người khác nữa , cái điều mà không ai muốn cả. Chứ còn chuyện trên bảo dưới không nghe thì ở tuổi này là thường tình.
Ông Trường bật cười , quên lo nghĩ 1 tí và  muốn về lại giang sơn mình , nên chúng tôi đưa ông lên lầu. Ông Phú bỏ xuống nhà lo vụ cái điện thoại di động , ông Phú thường về VN ,nên muốn giữ số ĐT  đã có  lần đầu tiên để tiện liên lạc. Thường thì gần hết hạn , ông Trường  nạp hộ cho tí tiền vào thẻ, để máy tiếp tục hoạt động. Lần này , ông Trường bi đau, ông Phú cũng quên nhờ người khác nạp tiền hộ, nên số ĐT bị lấy lại, ông Phú khổ sở với sự cố này lắm . Sắm điện thoại mới lại bị đúng cái máy có phần mềm phức tạp nên cứ điên đầu.Tôi ngồi lại nói chuyện với ông Trường. Thật ra ,thường chỉ khi ăn cơm chung, 3 đứa tôi mới ngồi cạnh nhau , vừa ăn vừa trò chuyện. Chứ nói chuyện xuông thì ông Phú hay để mặc tôi một mình tán gẫu với bạn, còn ông ấy đi kiếm người khác nói chuyện, có lẽ ông ấy sợ hai đứa khắc khẩu, to tiếng trước mặt bạn sẽ mất vui.
Ông Trường mời chúng tôi ở lại, nhà mới đã có phòng riêng cho khách với phòng tắm đủ tiện nghi. Tôi hơi xấu hổ, khi ông ấy nhắc đến phòng tắm. Nhà cũ của ông Trường chỉ có 1 nhà tắm ,vệ sinh ở sau bếp. Cách đây mười mấy năm ,khi nghe tin tôi về chơi, chị Hằng vội cho ráp máy lạnh căn phòng trên gác . Tôi rất cảm động trước tấm lòng ưu ái , sốt sắng của bạn , nhưng không dám nói thật rằng, tôi bị yếu thận, đêm nào cũng phải đi gặp cố thủ tướng nước Anh W.C mấy lần. Tôi không muốn khua cả nhà dậy theo, khi phải bật đèn phòng ngủ, cầu thang, tầng trệt, nhà bếp trước khi vào nhà vệ sinh, nên lấy cớ về VN lần đó chung với mẹ tôi. Ông Phú thì coi như có hộ khẩu ở đó rồi… Lần này ,tôi vẫn từ chối vì không muốn thêm gánh nặng cho mấy đứa em ông Trường, cho dù tôi có bảo, hãy xem chúng tôi như người nhà  ,họ cũng không an tâm nếu không để ý đến bữa ăn ,chổ ngủ cho chúng tôi.,tôi lấy cớ, mấy đứa con tôi cũng sẽ về Sàigon , tuần sau đó.
Chỉ còn một chuyện tôi muốn biết, muốn hỏi về Bông Hoa Hồng, nhưng nhường lại việc đó cho ông Phú. Có những chuyện ,bạn bè cùng phái dễ tâm sự với nhau hơn.
Tôi ngỏ ý muốn đi về, ông Trường đòi tiễn xuống nhà, hăng hái cầm cái gậy 4 chân dựng ở đầu giường đi ra . Tôi định gọi Can,con trai ông Trường  lên giúp, nhưng ông Trường gạt đi. Tôi vội vàng đi phía trứơc. Tôi nhớ , người ta nói, khi lên thang gác, người đàn bà bước lên trước ,người đàn ông đi phía dưới , để nếu người đàn bà có vấp ngã thì người đàn ông đỡ được và ngược lại ,khi xuống thang , người đàn ông đi trước người đàn bà theo sau, để có ngã thì người đàn  ông đi phía trước lấy thân cản được hay chụp kịp. Lúc này, ông Trường còn yếu hơn cả phái nữ, nên tôi bước xuống thang trước, xoay người xem ông Trường đi đứng ra sao , và khen.
-         Ông không bước 2 chân vào 1 bậc thang, mà mỗi chân mỗi bậc  ,hay quá ta !
-         Ông thày châm cứu bắt tôi phải tập đi cho đúng bài vở,  chân phải giơ thẳng ra, bước xuống từng bậc một, nếu đi sai, đầu gối sẽ bị co lại, mai mốt đi đứng khó khăn lắm.
Ông Trường hùng dũng biểu diễn đi xuống thang an toàn. Có lẽ niềm vui gặp bạn đã động viên tinh thần ông ấy. Tôi cũng vui lây, hẹn ngày mai tới sớm hơn, vì không phải đi xe buýt nữa. Lúc Can đóng cổng, tôi tò mò hỏi „ chuyện Bông Hoa Hồng vẫn OK chứ ?“ Can gật đầu, tôi an tâm, cười chào nó, leo lên xe máy cho ông Phú chở.
Ông Phú hỏi , tôi muốn ăn gì, trước khi về VN ông ấy đã ghi chép nhiều địa chỉ ăn uống được giới thiệu trong mạng vào một cuốn sổ luôn mang theo bên mình đây. Tôi cười bảo, để ngày mai, bây giờ muộn rồi, ghé vào tiệm mì Quyền kí cho tiện đường về nhà. Đi ngang đường Duy Tân cũ, hương Ngọc Lan thoang thoảng, nhất là sau cơn mưa, không khí ban đêm thật tươi mát và tinh khiết hiếm có . Tôi thấy mình thật hạnh phúc, còn mạnh khoẻ , được trở về đây sống lại những ngày cũ, hát lại những bản tình ca muôn thuở, thấy mình đã luống tuổi ,da đã nhăn, mắt đã mờ, tóc phải nhuộm, nhưng xúc động vẫn còn đầy như 50 năm trước

…người từ trăm năm về phai tóc nhuộm
  người từ trăm năm về phai tóc nhuộm
  Ta chạy mù đời ta chạy tàn hơi
  Qùy té trên đường đời, sợi tóc vương chân người.
  Thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá
  Thà như giọt mưa khô trên tượng đá
  Thà như mưa gió đến ôm tượng đá
  Có còn hơn không, có còn hơn không.
  người từ trăm năm về ngang trường Luật
  người từ trăm năm về ngang trường Luật
  ta hỏng tú tài, ta hụt tình yêu
  đau lòng ta muốn khóc….
  ( thà như giọt mưa-  Thơ Nguyễn Tất Nhiên-  Nhạc Phạm Duy)

chỉ có thế hệ chúng ta , những người đã sống trong cuộc chiến , mới hiểu được sức ép khi học thi, mới thấm thía nỗi đau khổ lúc bị rớt. Mấy chục năm qua rồi mà vẫn chưa quên ,mặc dù đường Duy Tân nay là Phạm ngọc Thạch, trường Luật biến thành trường Kinh tế.

Hôm sau,  chúng tôi mang qùa đến nhà người quen ở Tân Định , tiện thể đi ăn mì Quảng ở gần đó,  sau khi ăn, tôi nói ông Phú gạch bỏ tên tiệm này ra khỏi cuốn sổ đoạn trường của ông ấy đi. Ông ấy cười hì hì khai, „ cái tiệm hủ tíu Phú Hữu gần nhà ông Trường ,m ình đã  có lần ăn ở đó cũng được liệt kê vào trong những tiệm ngon, còn được kể rõ lịch sử tiệm đã có từ 70 năm nay Tôi bảo, như vậy cái danh sách của anh thuộc loại dỏm..Sau đó ,chúng tôi tới nhà ông Trường  .Lúc đó ông Phú mới có được số ĐT của ông Tịnh, bá cáo với Ong Bầu là chúng tôi đã có mặt ở Sàigòn. Ong Bầu hứa sẽ liên lạc với bạn bè , tổ chức họp mặt vào cuối tuần. Để ông Phú hàn huyên với bạn, tôi bỏ đi gội đầu cắt tóc ở đầu ngõ. Đi ngang bàn thờ, tôi dừng lại thắp hương cho chị Hằng . Nhìn vầng trán cao, cặp mắt to đen hơi lộ tôi tự hỏi ,tướng nào chỉ mệnh yểu đây . Gọi là chị , chứ Hằng còn nhỏ tuổi hơn tôi. Thời sinh viên, ông Trường chịu đèn T., bạn học em ông Phú. Ông Trường được hoãn dịch gia cảnh , nên không bị đi học tập cải tạo. Ông lập gia đình sau 1975. Sau này tôi nói với ông ,“ sao ông hay quá vậy, lấy được bà Hằng ,vừa xinh đẹp, vừa đảm đang ,giỏi giang ! chắc tại ông tuổi Hợi, người ta nói, tuổi Hợi nằm đợi mà ăn.“. Ông Trường cười sung sướng , không nói. Nhưng số ông không sướng mãi, chị Hằng mất tháng 6 năm 2005, sau cơn bạo bệnh.
Cảnh gia đình nào lẻ đôi cũng đều buồn, nhưng buồn hơn  là khi người đàn bà phải ra đi trước ., nhất là đang  lúc còn trẻ. Có lẽ, vì từ ngàn xưa, người đàn bà quen lo việc trong nhà, dạy dỗ con cái, ngay cả trong thời chiến, khi vắng mặt người đàn ông trong nhà, người đàn bà phải quán xuyến mọi việc, và hình như sức chịu đựng của đàn bà cũng nhiều hơn, nên cảnh gà trống nuôi con thật đáng thương . Chắc ai cũng đều xúc động khi đọc đoạn văn với quyết định của chị Dậu“…thằng Bò, cái Lớn, cái Bé… không, không, anh phải sống“, của Khái Hưng. Hoặc nghe một bài hát kể về cảnh lẻ bóng. Tôi vẫn lặng người, nghĩ đến bạn khi nghe „ Một mình „ của Thanh Tùng.
(Preview)
Những lần đầu về Việt Nam, chúng tôi chưa liên lạc được với nhiều bạn cũ của lớp Dược, ngoài ông Trường. Nên tôi cũng có vài kỷ niệm thơ mông với Hằng hơn là chuyện nhờ chị mua sắm hộ.  Đối với ông Phú , được gặp lại bạn cũ  ôn chuyện xưa là đủ, tôi tham hơn,  muốn gặp bạn, đi ăn, mua sắm và giải trí, những điều tôi thiếu ở đức. Thời đó, chưa có ca sĩ hải ngoại về hát ở quê nhà , ca sĩ ngoài Bắc cũng chưa tràn vào Sàigòn, chưa có nhiều phòng trà, quán cà phê. Tôi rủ chị Hằng đến tổng hội sinh viên cũ, số 4 Duy Tân , nghe Trịnh công Sơn hát…kỷ niêm cuối  có với chị cũng đẹp. Nghe nói, có 1 vở kịch của Thành Lộc được khen hay , tôi nhờ ông Phú mua vé, có lẽ kịch hay thật , nên vé hết sạch, kể cả vé chợ đen. Thấy tôi thất vọng qúa sức, ông Phú phải gọi điện thoại cho 1 người bạn , cuối cùng cũng có được 2 vé . Tôi rủ chị  Hằng đi chung, 2 đứa phải ngồi 2 ghế súp , 2 hàng khác nhau. Nhưng không sao, miễn là thấy đủ sân khấu. Trên đường về, Hằng tíu tít kể,  đã khóc theo người vợ như thế nào, và thú thật chưa đi xem kịch bao giờ vì không nghĩ lại hay như vậy. Tôi sung sướng khi thấy bạn vui, đó là tháng 9-2004, nửa năm sau Hằng bị bệnh rồi mất, mới sống nửa đời người, ra đi trước cả mẹ chồng. ..Tôi thắp hương cầu xin Hằng phù hộ cho những người thân còn lại, nhất là cho người chồng thương yêu, đang cần được động viên tinh thần.
Trưa thứ sáu , tôi ghé vào tiệm thuốc ông Trường đọc mail, đã có tin, buổi họp mặt  sẽ được tổ chức ở nhà hàng Rose, lúc 11 giờ sáng thứ bẩy, tức là trrưa hôm sau. Vào Internet càphê cũng rẻ thôi, 4.000 đồng 1 giờ, nhưng chúng tôi thích ghé lại tiệm thuốc hơn. Tôi hỏi ông Phú „ sợ mấy đứa nhân viên nghĩ là chủ nó vắng mặt cho mình đến kiểm soát không ?“ ông Phú la tôi „ lo dở hơi, liệu em đến được mấy lần mà kiểm vớí soát   „ tôi chống chế „ thì cũng phải giữ ý chứ „, nhưng ông Phú là người ,bụng để ngoài da.

Buổi chiều ghé thăm ông Trường, chàng khoe, hồi nãy Út Phước gọi điện thoại hỏi thăm, và rủ mai đi họp mặt, nhưng  chàng than còn yếu qúa ,không đi nổi. Rồi chỉ cho tôi xem một giỏ hoa thật đẹp và một giỏ trái cây mới được tặng,  không biết của ai. Tôi gỡ tấm danh thiếp gắn trên giỏ hoa ra , đưa ông Trường đọc. Dưới những dòng chữ chúc sức khỏe là dòng chữ „ Nhóm con gái- DS 72 „ .Hai đứa tôi đoán già đoán non, như thày bói đoán mò, chắc chắn phải là đàn bà, nhưng tại sao không viết là nữ dược sĩ, lúc này ai cũng là bà nội bà ngoại rồi mà còn nói là con gái thì ắt phải có tâm hồn thi sĩ lắm ,mới thấy mình trẻ trung như vậy. Ở Sàigòn này chỉ có thi sĩ KOBE và  thi sĩ BÔNG HOA NHỎ thôi, vậy là ai đây ? Tôi hỏi tiếp
-         Hồi nãy Út Phước gọi điện thoại có nhắc nhở gì đến qùa không ?
-         Không.
-         Thế ai mang qùa đến đây ?
-         Người ta mang đến tiệm thuốc, thằng Can mang về đây.
-         OK, chịu thua.
-         Ngày mai ,bà chịu khó mang giỏ trái cây này đến chỗ họp mặt nhé!
-         Ông muốn lại quả hả? Được rồi , sáng mai tôi sẽ ghé đây trước.

Sáng thứ bảy , chúng tôi dậy sớm, vì tuy chỉ là buổi họp mặt nhỏ, chớp nhoáng,  nhưng lòng vẫn nôn nao., thấm thoát mà đã 1 năm rồi. Tôi đi soạn những cái tách uống trà , cà phê bằng sứ  mang về làm quà cho các bạn, tôi xếp vào trong tách những viên chocolat đủ màu, đủ vị. Tôi nhớ đến phim Forrest Gump, với câu nói của bà mẹ „ cuộc đời như 1 hộp kẹo chocolat, người ta không bao giờ biết mình sẽ nhận được gì“ Tôi mong các bạn tôi ,sẽ nuốt quên  đi các vị đắng  cay  , chỉ còn giữ lại những hương vị béo ,bùi , ngọt ngào ,thơm ngon  trong miệng,  như chỉ nhớ những kỷ niệm tốt đẹp trong cuộc đời.
Bãi gửi xe của  nhà hàng Rose nằm dọc theo chiều sâu của nhà hàng , ông Phú muốn đem xe vào tuốt tận bên trong, vì nghĩ các bạn tụ tập ở trong đó, tôi đòi để xe ở khoảng giữa, theo thuyết trung dung, hay kiểu huề vốn, kiếm tới kiếm lui gì cũng chỉ mất nửa đường. Cũng may là tôi có lý, đàn bà luôn luôn có lý, chân lý đó không bao giờ thay đổi , vì vừa bước lên bậc cao, nhìn xuyên qua lớp kính của nhà hàng, tôi đã thấy các bạn đang đứng đợi ở ngoài vườn, mặt trước của nhà hàng . Để khỏi đi vòng, chúng tôi đi xuyên qua nhà hàng .Mới mở cửa vào , đã nhìn thấy một bạn ngồi quay lưng lại, nhưng đoán được ngay là ai. Tôi nhớ đến bài hát „ con cóc nó ngồi trong góc, nó đưa cái lưng ra ngoài „ nên hát nhỏ „anh nào kia, ảnh ngồi là ngồi trên ghế, ảnh đưa cái lưng ra ngoài, thấy mà quen quá, to lớn ảnh ngồi trên ghế, ảnh đưa cái lưng ra ngoài , đó là Thới Đông.“. Chúng tôi đến gần mà anh không hay, tôi định hù cho anh giật mình, nhưng thấy anh mải nói chuyện điện thoại nên chỉ vỗ vai anh, ra hiệu chào rồi đi ra sân gặp các bạn khác. Mới chỉ có 1 bóng hồng là Ngọc Điệp, đang ngồi nói chuyện với các anh Sửu, anh Thi, anh Yến, anh Đức và Ong Bầu. Chúng tôi chào hỏi nhau vui vẻ và rủ nhau vào trong nhà hàng, vì bàn đã được dọn sẵn và trời đang chuyển mưa . Tôi dục dã các bạn đứng  chụp hình chung trước khi ngồi vào bàn, vì biết đã ngồi dính ghế rồi thì khó đứng lên , nhưng hình như vì khuôn mặt tôi đã khá quen thuộc, hoặc đây chỉ là buổi họp mặt nhỏ ,hoặc vì tuổi già sức kém  ,ai cũng muốn được ngồi cho lẹ ,nên làm ngơ.Tôi tự an ủi,chắc chắn phóng viên chuyên nghiệp Đức sẽ không bỏ sót khuôn mặt nào đâu.
 Anh Nhẫn đến, kỳ họp mặt năm ngoái ,tôi không gặp anh nên lần này chúng tôi không nhận ra nhau.
Tôi đến chỗ anh Yến hỏi thăm, tim anh đã thun nhỏ, nhịp đập đã bình thường lại . Mừng thay, không biết anh có thuốc cây cỏ gia truyềng gì không.
Ngồi yên vị rồi thì Út Phước  tha thướt trong chiếc áo dài xuất hiện . Ong Bầu tiến ra đón và giới thiệu ,„ hôm nay KOBE là thi sĩ Áo Tím chứ không phải Áo Trắng „ Ong Bầu hay thiệt , không chỉ diễn giải thơ đúng niêm luật mà chữ tắt ( A.T.) cũng rành. Rồi dần dần có thêm Oanh, Châu, ông Hưng và anh Sĩ ,là người đến cuối cùng. Tôi vui qúa,  không ngờ  buổi họp mặt mini , chớp nhoáng này đông như vậy, 16 người, con số thật đẹp,  vừa có số 8 (2x 8, bát = phát), vừa có số 6 (lục = lộc), lại có đủ „ ngũ long công chúa“ nữa

. Tôi cũng vui khi anh Chính nói „ ngày xưa tôi không biết chị, nhưng bây giờ , bài nào chị viết ,tôi cũng đọc hết „, hay khi nghe chị Châu nói „ mấy cảnh bán thuốc ở đây giống y như trong bài một buổi trực đêm…“ hóa ra đó là những hội viên âm thầm của diễn đàn DK 72.  Nhìn ông Hưng ngồi đối diện , tôi hỏi
-  Ông có theo dõi diễn đàn không ?
-  Không
-   uổng quá
 -  Tại sao vậy ?
 -  Vì trong 1 bài viết kể chuyện đi mỹ, tôi có nhắc đến ông, tôi đã gặp Thủy , em của bà Hà.
Ông Hưng bỗng đỏ mặt , mặc dù hôm nay không có chị Huệ ở cạnh.
  -sao chị  biết ?
  -Cái tên của ông chết dính như vậy thì có gì lạ, tôi ít đi cours mà còn nghe thấy.
Sau một lúc ngần ngừ,  ông Hưng bắt đầu kể chuyện ngày xưa, càng kể càng uống , càng uống càng kể, và than “ tối nay tôi sẽ bị mất ngủ “
Trời bắt đầu đổ mưa  to, có lẽ vẫn còn bão rớt. Nhưng chả sao , không gian thật ấm cúng với những khuôn mặt thân quen, những giọng cười nói ồn ào , vui vẻ,
Măng gọi điện thoại nói, vì không theo dõi mail hằng ngày, nên biết tin trễ qúa, không thu xếp công việc đi họp mặt được. Buồn vài phút.
Bữa ăn được dọn ra : gỏi tôm thịt với gì tôi chẳng  nhớ vì vừa gắp vừa ham nghe ông Hưng kể chuyện chọn binh chủng hải quân ra sao , cơm chiên, canh mướp đắng ( khổ qua), bò nướng đá ( ngày xưa vua ăn cháo đá của Trạng trình còn thấy ngon huống gì ở đây còn có bò ) và càri lươn ăn với bánh mì. Oanh ăn món chay, nên ngồi cuối bàn. Khi Nhân viên phục vụ mang món càri lươn ra đặt ở bàn dưới , chỗ ít người ngồi,thấy chị Châu, Út Phước và anh Chính lo nói chuyện, không đụng đũa đến,  tôi xin phép được bưng món này lên cho các anh ở bàn trên dùng., anh Sửu nói đỡ hộ, “đúng là phong cách hướng đạo sinh”, tôi hơi xấu hổ cho cái tinh lăng xăng của mình. Nó thành cái tật rồi, người ta bảo, “ bệnh thì chữa được, chứ tật thì không “. Giống như lần họp mặt với Thày Chương và các bạn ở San Jose hồi tháng 5, tôi cũng lăng xăng như vậy. Lần đó, Thanh Mỹ đặt tiệc ở nhà hàng  , đặt 1 phòng riêng với 3 -4 bàn, vì không biết chính xác số người tham dự. Khi đếm số khách đến,  thấy có 33 người , tôi bàn với Mỹ, chỉ lấy 3 bàn, ghép vào mỗi bàn  một người, xem như là thêm bát thêm đũa , chứ để 3 người ngồi một bàn, vừa lạc lõng ,vừa phí tiền, và nhờ Mỹ thông báo cho nhà hàng biết. Khi thấy chả có nhân viên phục vụ nào đụng đậy ,tôi tự bưng ghế đến 3 bàn , mang chén bát qua và nhờ ông Phú nói tiếng Tàu với cô tiếp viên, để cô ấy rót nước cho khách mới ngồi vào. Tôi quậy đến nỗi Minh Tâm la lên, “ê Tỉnh, mày từ Đức qua  thì mày là khách chứ bộ “ , đến nỗi Mỹ quên mình là chủ xị, chạy tới tôi nói “ê Tỉnh, bồ nói ông Phú bảo nhân viên mang đồ ăn ra được rồi “, tôi bật cười , “ bồ là người đặt tiệc mà ,bồ nói tiếng Anh với họ đi, ông Phú đang còn đứng ở ngoài đường chờ ông Ái đến.”.
Tôi sôi nổi, nóng nảy,hấp tấp , có lẽ vì tính tình như con trai từ nhỏ, là con nhà lính, là hướng đạo sinh và vì tuổi dần nữa ? giá như tôi nhu mì  ,dịu dàng hơn thì ông Phú đỡ mệt.
Cuối bữa ăn, chúng tôi bàn chuyện đi La Gi , du ngoạn và thắp hương cho  anh Đổ hồng Hùng.
Ông Phú trao giỏ trái cây của ông Trường gửi cho Bầu Tịnh, tôi tường thuật về bí ẩn của món quà chưa có đáp án, và liếc nhìn Út Phước dò phản ứng. Ai dè, cô Út lại kéo tay tôi , hỏi nhỏ
-          của ai vậy Tỉnh ?
-         Tưởng là của Phước .
-         Không phải.
Tôi nghĩ bụng, vậy là của BÔNG HOA NHỎ .
Trời vẫn còn mưa lớn, nhưng anh Đông đến chào từ giã
-         Xin lỗi chị , tôi phải về sớm, trông chị trắng hơn năm ngoái..  ( giống như uống thuốc đắng xong được thưởng cục kẹo )
-         vậy ư ? có lẽ tại năm ngoái tụi tôi đi Nha Trang trước ngày họp mặt.
-         Như vậy là tôi đúng.
Vâng, đàn ông luôn luôn đúng, hoặc họ tự nghĩ như vậy, nên mới  hay có chuyện vợ chồng  tranh cãi, to tiếng. Ong Bầu đứng gần đấy, muốn giữ bạn lâu hơn, nên cản bạn
-         Trời đang mưa lớn, đi về làm chi, „vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách „ mà.
-         Là sao ? anh Đông hỏi.
-         Trời mưa ,không cần  khóa  xích vẫn giữ được khách ở lại . Ong Bầu vừa giải thích vừa nhìn qua  tôi chuyển banh, nên tôi tiếp lời
-         Nhưng tiếc là ở đây ,không còn ai đủ là „ sắc bất ba đào dị đại nhân“ nữa ( sắc đẹp, không cần sóng gió vẫn làm ngã anh hùng ), nên coi như vế đầu  bị vô hiệu hóa.
 Vì biết anh Đông đã quyết ra về, tôi cám ơn anh đã đến họp mặt và  xin được chụp 1 tấm hình chung cả nhóm. Tiếc là  thiếu anh Sĩ.

http://i892.photobucket.com/albums/ac128/ducpham010101/DS%20K72%20vui%20cuoi/IMG_0041.jpg~original

Sau đó chúng tôi chuyển qua bàn khác ngồi uống cà phê. Tôi được ngồi cạnh phóng viên, có dịp hỏi thăm nhau một chút , tôi nói,
-         hình như sau khi bị mổ chân ,anh khỏe ra hay qua đó anh nhận ra  thời gian còn lại rât  qúy , phải sống nhiều hơn nên tôi thấy anh xuất hiện trên diễn đàn thường xuyên hơn ?
-         cũng có thể, chị biết không ? sau khi đọc bài mắt dao cau, tôi đã viết về mắt dao cao, vì người nam , phát âm cau như cao vậy. ,nếu viết không dấu thì có thể hiểu là dao cạo, tôi đinh hỏi anh Phú , sợ dao nào hơn, nhưng rồi bận qúa, viết chưa xong hẳn, đem cất vào máy, lúc có giờ ,lấy ra đọc thì đã mất thời gian tính ,nên bỏ luôn , không gửi nữa.
Tôi định nói đùa , anh không nhớ người ta đã nói ,“lấy vợ thì lấy liền tay, chớ để lâu ngày lắm kẻ dèm pha „à, định làm gì thì phải làm ngay, nhưng sợ anh chạnh lòng nghĩ đến đám cưới chạy giặc của anh và Điệp nên ngậm miệng.
.Khi mưa ngớt, Ong Bầu đưa ý kiến đi thăm ông Trường, tôi phụ họa ,“ được vậy thì ông Trường vui lắm,“ và mọi người tán đồng. Anh Đức phải đi làm, nên chỉ có Điệp đại diện. Tôi nhìn quanh, giá có đủ mũ bảo hiểm, thì Châu, anh Chính và Ong Bầu chở xe máy  được Điệp , Oanh và Út Phước.  Tôi xin ông Phú ít tiền để dẫn các bạn đi taxi , rồi ra đường vẫy xe, leo lên ngồi phía trước. Lại cũng cái  tính lăng xăng, người  từ nơi xa về mà đòi dẫn đường người sống trong nước , có lẽ tại tôi nghĩ các bạn không biết địa chỉ nhà ông Trường , giống như có lần mấy mẹ con  tôi đi taxi, tôi ngồi phía trước, bác tài xế hỏi „ cô dẫn phái đoàn đi tham quan ?“, tôi vội gật đầu…lần này tôi dẫn phái đòan đi thăm người bệnh.
Ông Trường vừa mừng vừa bối rối khi phái đoàn ghé thăm mà không  báo trước , để ông chuẩn bị tiếp đón, ít ra phải lịch sự trước „ nhóm con gái „ chứ. Nhưng hề gì, ai bắt lỗi người ốm .

Mọi người tranh nhau tường thuật về buổi họp mặt cho ông Trường nghe, và bàn tán về người tặng quà bí mật .Hai đáp án được đưa ra : Măng hay ban Tam Ca ? vì Tiểu Long Nữ có người nhà ở Sàigòn. Oanh nhìn chữ viết trên thiệp bảo ,không phải  nét chữ  của Măng, Điệp bảo, giọng văn không giống như hồi Măng tặng hoa cho ông Đức. Chúng tôi đề nghị Bầu Tịnh đưa bài toán lên diễn đàn. Ông Trường chỉ khung hình treo trên tường , ảnh chụp một cây cổ thụ lá đỏ với dãy nhà thấp thoáng phía sau , đố mọi người biết xuất xứ của nó. Tja, câu đố này không có trong bài „Đố ai „ của Phạm Duy ,thì làm sao biết đây hè. Ông Trường vui vẻ kể „ -    năm ngoái, chị Mùi tặng qùa cho ban tổ chức ngày HM, tôi được tặng bức ảnh này, đem về cất kỹ, hôm nọ dọn nhà ,mới thấy nó,  mua khung về lộng kiếng, thấy có giá trị hẳn lên.
Tôi lại định nói đùa ,chuyện, tranh treo ở nhà mới thì phải lộng kiếng chứ, nhưng im lặng, tủm tỉm cười nghĩ tiếp „đi với Bụt măc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy, đi với người ấy mặc áo mưa, đi với người xưa không mặc gì cả.“.  nghĩ thầm thôi, vì không phải ai cũng bị đầu óc méo mó như tôi.
Ong Bầu ngắm nghía bức hình lộng kiếng  treo phía trên đầu mình xong, quay qua hướng đối diện, chỉ tay lên tường hỏi cô Út
-         Chị Phước, chị có thấy 3 chữ treo trên kia không ?  chữ đầu là chữ Phước, tên của chị đó  và quay qua tôi, trong đó có chữ Phú , rồi  giải thích tiếp, Phú là giàu , ngày xưa , nhà giàu mới có ruộng ( chữ Điền ), có nhiều ruộng thì chỉ còn nhìn thấy những mảnh hình vuông dính nhau ( Khẩu), nếu thiệt giàu, nhiều ruộng  đến nỗi cò bay thẳng cánh , cò bay mút tới chỗ mình chỉ nhìn thấy ruộng như là 1 cái chấm ( chữ Nhất )
Tôi đang chăm chú nghe giảng thì cô giáo Oanh giảng tiếp
-         Nhất khẩu điền ( biên ) thị
Ôi, dễ nhớ quá, chữ Phúc gồm chữ THỊ và 3 chữ NHẤT, KHẨU, ĐIỀN.

 photo t8_zps4f9be435.png


Tôi hăng hái hỏi Oanh tiếp về chữ Lộc và Thọ, nhưng Oanh cười lắc đầu, Ong Bầu cũng lắc đầu,. Tôi nói, ở tuổi tụi mình bây giờ cần chữ THỌ, chắc phải nhờ Bầu Thuận chỉ giáo.
Anh Chính góp ý, ngày xưa , để dễ nhớ các cụ thường dùng hình ảnh để diễn tả chữ viết, như anh Tịnh giải thích chữ Phú. Cũng như để nhớ chữ ĐỨC, thì đọc như sau, vừa vẽ từng nét anh vừa đọc, con chim non đậu trên Cành cây,  ( chữ đứng trước, hình như cũng là  bộ chữ THỊ ?), chân nhúc nhích , hót riú rít…

 photo t9_zps67205b41.png


Tôi nhờ anh Chính đọc lại từ từ cho kịp nhớ chính xác, thì ông Trường phán „ NHẤT NHÂN, THẬP TỨ NHẤT TÂM „, 1  người  hay 14  người chỉ có 1 trái tim, một lòng như nhau.
Tôi kinh ngạc, nhìn ông Trường thán phục,  công nhận bộ nhớ của ông vẫn còn rất tốt , tốt hơn cả những người khỏe, đang có mặt trong phòng.
Tôi kể tiếp chuyện xưa, năm đệ ngũ có giờ học tiếng Hán, tôi chỉ nhớ được  mấy số đếm từ 1 đến 10 và vài chữ như  Nhân, Thiên,Tử, Tâm , Khẩu. Một hôm bà giáo già viết 1 chữ Hán lên bảng, , chỉ tôi hỏi . đó là chữ gì . Tôi đứng lên đáp „ dạ thưa, bí „bà giáo gật đầu khen, „ giỏi, đúng là chữ quý“ cả lớp cười ầm lên vì cái lãng tai của bà.
Đã hơn 5 giờ chiều, mọi người chia tay nhau. Oanh và Phước rủ nhau đi chung  xe về . Thấy anh Chính lúc nào cũng cười vui vẻ,tôi hỏi anh
-         Nhà anh Chính ở đâu vậy ?
-          Dạ, xa lắm chị.
-         Anh chở Điệp về được không ?
-         Dạ , được chứ.
-         Anh cho tôi về bên nhà ông già, ông Đức đi làm về sẽ ghé đón tôi ,rồi về nhà luôn. Tiếng Điệp chen vào.
-         Ồ, vậy thì gần quá.
Bạn bè tôi dễ thương qúa.
Buổi họp mặt tháng 10 năm nay ít người nhưng thân mật , nói văn hoa thì „ mỗi năm một vẻ, mười  phân vẹn mười „. Tôi cầu mong,còn được có nhiều lần như thế.

05.11.2013
Ngọc - Tỉnh

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân