Gửi: Sat Oct 12, 2013 3:52 pm Tiêu đề: NHẤT HƯU, VẠN SỰ HƯU Tác Giả: THANH ĐÀO
NHẤT HƯU, VẠN SỰ HƯU
( Cảm tác băng giảng của Thầy Pháp Hòa)
THANH ĐÀO
Một vị thiền sư Nhật Bản nổi danh đương thời với tên “Nhất Hưu”. Ngoài ra ông có biệt danh là “ Cuồng Sĩ”. Ông có cuộc sống thật phóng khoáng, khác thường, ít giống ai, nên thiên hạ gán cho ông tên trên. Có nghĩa là một nhà tu khùng khình, có cuộc đời khá đặc biệt. Một hôm, một đệ tử, nay làm quan lớn, mời ông và quan khách lại dùng bữa tiệc tổ chức tại nhà mình. Ông ăn mặc quá sơ sài, áo rách rưới, coi chả giống ai. Ông vào cửa, người gác của gia chủ, không cho ông vào. Ông phải về nhà thay áo khác. Trong bữa ăn, ông gắp một miếng đậu nành kho bỏ vào cánh tay áo của mình. Mọi người nhìn ông kinh ngạc. Người đệ tử chủ nhà liền nhẹ nhàng nói:
- Kính Thầy. Nếu mẹ Thầy cần những thứ này, xin Thầy cho con biết. Sẽ có hộp “ To go” cho Thầy mang về. Thấy làm thế kỳ lắm, thưa Thầy.
- Không phải đâu. Ta đang mời cánh tay áo ta ăn đó!
Gia chủ ngạc nhiên hỏi:
- Kính thưa Thầy. Con mời Thầy ăn, mà Thầy không ăn. Tại sao Thầy lại mời cánh tay áo ăn? Làm sao nó xơi đây, thưa Thầy?
- Tại vì, khi nãy, ta mặc chiếc áo rách đi vào nhà, người gác cửa không cho ta vô. Đến khi ta về thay chíếc áo lành, y mới cho vào. Như thế là y mời chiếc áo ta mặc, chứ đâu phải mời ta.
Thiền sư Nhất Hưu có cuộc sống khác thường, kỳ lạ, nổi danh như thế.
“ Bá nhân, bá tánh, cuộc sống lập dị
Có những người tài trí, nhưng khác thường.
Cha mẹ sanh con, trời sanh tánh khí
Nhiều chuyện vui được truyền tụng bốn phương .”
Sau bữa cơm thân mật, đệ tử trên vui miệng, hỏi Thầy:
- Kính thưa Thầy. Có nhiều tên hay, văn chương bay bướm, sao Thầy chọn biệt hiệu: “Nhất Hưu” không hấp dẫn lắm, vậy Thầy?
Thiền Sư cười bảo:
- Ấy! Nhất Hưu có ý nghĩa sâu sắc lắm đó, ngươi có biết không?
- Dạ thưa Thầy, con không hiểu rõ lắm, xin Thầy giải thích cho con nghe!
- Nhất là một. Hưu là nghỉ, là thôi, là chấm dứt, như công chức về hưu vậy, như người ta không còn đi làm nữa. Nhất Hưu là khi một cái thôi, thì mọi thứ khác chấm dứt hết ráo. Ta an vui, tự tại, hạnh phúc vô cùng. “Nhất Hưu, Vạn Sự Hưu” là ý nghĩa này.
Người đệ tử hoan hỷ, nhìn Thầy nói:
- Nhất Hưu, Vạn Sự Hưu thật tuyệt vời, thật tốt đẹp.
- Nhưng Nhất Hưu không bằng Nhị Hưu.
- Tại sao vậy, thưa Thầy?
- Nhị Hưu là thôi, không còn lo âu, phiền não, khổ đau, không còn nghĩ tới chốn an vui Niết Bàn nữa. Tâm đã an nhiên tự tại, thì không còn cảnh địa ngục và niết bàn nữa . Địa Ngục- Thiên Đàng đều phát xuất từ tâm ta. Nhị Hưu là như thế đó!
- Nhị Hưu thật hay quá!
- Nhưng Nhị Hưu không bằng Tam Hưu!
- Tại sao vậy, kính thưa Thầy?
- Tam Hưu, một là hay cải vả, bất hòa với vợ nhà. Hai là trong Quan trường, hay luồn cúi, nịnh bợ, đút lót, hối lộ cấp trên để được thăng quan tiến chức. Ba là lấy lòng bá tánh chung quanh . Ba cái đó nếu chấm dứt. Vợ chồng, con cái, hòa nhã, yêu thương nhau chung sống hạnh phúc gia đình. Hai là chấm dứt việc luồn cúi, lấy lòng cấp trên, làm việc nhiệt tình năng nỗ là đủ. Ba là làm quan công minh, liêm chính thì không cần phải sợ dân chi cả. Tam Hưu là như thế đó.
Học trò vui mừng ca tụng Thầy:
- Tam Hưu hay quá, Thầy ơi!
- Nhưng Tam Hưu không bằng Tứ Hưu.
- Tại sao vậy, thưa Thầy.
- Tứ Hưu là chấm dứt bốn thứ này:” Tửu- Sắc- Tài- Khí”. Tửu là nhậu nhẹt say sưa. Sắc là ham mê sắc dục, bồ bịch vợ nhỏ, vợ to tùm lum, thiếu chung thủy với chánh thất. Tài là đam mê cờ bạc, sát phạt nhau, ăn thua lớn, dễ tán gia bại sản. Khí là hút sách, trở nên nghiện ngập xì ke ma túy, khổ thân một đời. Tứ Đổ Tường kia. Một bức tường bị đổ là tan nát gia phong. Tứ Hưu là như thế đó.
- Tứ Hưu hay quá, thưa Thầy!
- Nhưng Tứ Hưu không bằng Ngũ Hưu.
Lúc này người đệ tử vô cùng ngạc nhiên, hỏi:
- Tại sao vậy, kính thưa Sư Phụ?
- Ngũ Hưu là chấm dứt Ngũ Tạng của con người. Tim- Gan- Tỳ- Phế- Thận hưu trí. Tim ngưng đập, hết phiền não lo âu. Gan yên nghỉ từ đây. Tỳ tức bao tử, Chúa Tể Dạ Dày, không còn réo đòi chúng sinh nữa . Phế tức phổi cũng ra đi vĩnh viễn. Thận cũng nằm im luôn. Một người tu hành, giác ngộ, an nhiên, tự tại, thì khi ra đi, sẽ cảm thấy tâm hồn mình nhẹ nhàng, thoải mái, an lạc, thanh thàn vô cùng. Tứ Hưu không bằng Ngũ Hưu là vậy đó.
Kỳ thực “Nhất Hưu, Vạn Sư Hưu” rất có ý nghĩa. Mỗi lần ta ngưng một thứ, như bỏ tánh sân hận, nóng nảy, chẳng hạn, ta cảm thấy tâm hồn mình, hạnh bao dung, nhẫn nhục nâng cao.Ta sống hòa đồng, vui vẻ với mọi người chung quanh. Môi luôn nở nụ cười tươi, cởi mở thân tình với người nhà, bạn bè, thân hữu, người quen. Một chữ sân mà ngưng được, thì mọi sự hận thù, tranh chấp hơn thua, sẽ chấm dứt theo. Nhất Hưu, Vạn Sự Hưu là như thế. Tham, Si...cũng thế.
“ Nhất Hưu, Vạn Sự Hưu đầy ý nghĩa
Thiền sư kia quả thật kẻ lõi đời.
Sống phóng khoáng, một thời danh thiên hạ
Những ngôn từ nghe sâu sắc, ban vui.
Một việc ngưng, cho cuộc đời êm ả
Như tham- sân- si hóa đá, tuyệt vời.
Hạnh nhẫn nhục, bao dung, cây xanh lá
Tâm Từ Bi- Trí Tuệ sẽ lên ngôi.”
Bạn không có quyền gửi bài viết Bạn không có quyền trả lời bài viết Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn Bạn không có quyền tham gia bầu chọn