TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Tình Thương Của Người Mỹ
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Tình Thương Của Người Mỹ

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tản Mạn Cuộc Sống
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Lan Mimosa



Ngày tham gia: 21 Feb 2010
Số bài: 685

Bài gửiGửi: Mon Sep 23, 2013 7:13 pm    Tiêu đề: Tình Thương Của Người Mỹ

Đào Thị  Lài
( Bùi Bảo Trúc )

Bạn ta,

Nhìn thấy những bức hình của cô một lần là không ai có thể quên được cô. Đó là những bức ảnh chụp năm 2008 khi cô được đưa sang Mỹ để các y sĩ cắt bỏ cái bướu nặng khoảng 7 kg chiếm hết 2/3 khuôn mặt của cô.



Đào Thị Lài sinh năm 1993 , là con thứ 6 trong số 7 anh chị em thuộc một gia đình nông dân nghèo ở Huế. Năm 3 tuổi, lưỡi cô xuất hiện một cục u nhỏ, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, cục u đó lớn rất nhanh và đến năm 15 tuổi thì cục u đó đã lấn gần hết khuôn mặt của cô làm cho việc ăn uống, nói năng cô đều gần như không làm được. Gia đình cô đã cố gắng rất nhiều nhưng mọi nỗ lực đều không giúp được gì. Tài chính kiệt quệ và các bệnh viện trong nước đều bó tay. Nếu để nguyên, Lài chắc chắn sẽ không sống được bao nhiêu lâu nữa.

Tình trạng sức khỏe của cô được một tổ chức ở Mỹ, tổ chức International Kids Fund chuyên giúp các trẻ em bất hạnh ở các quốc gia nghèo biết đến và đưa sang bệnh viện Jackson Memorial ở Miami để được các y sĩ ở đây giải phẫu.

Trước đó, mẹ cô kể Lài không còn muốn sống nữa, chỉ muốn chết cho khỏe thân. Lời nói đó từ một thiếu nữ 15 tuổi nghe thật vô cùng bi thảm. Tuổi thơ của Lài gần như không có. Lài không dám đi ra ngoài, không đi học, không có một ngày vui.

Thượng đế nhiều khi cũng có lúc quá độc ác là vậy.

Ngày 29 tháng 4 năm 2008, các y sĩ thuộc bệnh viện Jackson Memorial, sau một ca mổ kéo dài 14 tiếng đồng hồ, đã cắt bỏ được hết khối u đó, và khi tỉnh dậy, Lài đã nói được câu cám ơn bằng tiếng Anh với các y sĩ và y tá thực hiện cuộc giải phẫu.

Lài sau đó đã trở về Việt Nam với gia đình.

Từ đó, tôi không nghe thêm được tin tức gì về cô. Bây giờ Lài phải 20 tuổi. Tôi không biết cô đã lành lặn trở lại chưa? Khuôn mặt cô như thế nào? Cô còn đau đớn, khốn khổ vì khuôn mặt biến dạng dị hình đó nữa không?

Tôi không biết trước khi khối u đó xuất hiện trên mặt cô, thì Lài trông như thế nào? Năm 3 tuổi, trước khi cục u xuất hiện, chắc cô phải là một đứa bé "cute" lắm. Đôi mắt của cô làm tôi nghĩ như thế. Bức ảnh chụp khi mới tới Mỹ, cô đưa tay chào những người ra đón cô làm tôi tin vậy mặc dù khối u quá lớn như đã làm hỏng hoàn tòan khuôn mặt của cô. Cô về nhà ở thôn An Lưu, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, Thừa Thiên từ đó. Đời sống của cô sau đó ra sao?

Tuần qua, tôi được xem hai bức ảnh mới của cô. Không còn thấy dấu tích của khối u từng làm khổ cô nữa. Trông cô trẻ hơn tuổi 20 của cô. Đôi lông mày không cần phải xâm. Cái mũi thanh tú không cần phải sửa. Đôi môi quả tim không cần phải bơm. Phải nói những bức ảnh mới cho thấy cô là một thiếu nữ xinh xắn. Cô đã đi học được mấy năm, và nay đã có nghề may và làm nón lá. Cô định sang năm sẽ mở một tiệm may để giúp đỡ gia đình. Và cô đã có một người bạn trai .


Những bức ảnh chụp năm 2008 làm người xem buồn cho cô bao nhiêu thì những bức ảnh mới nhất đã làm cho người ta mừng cho cô bấy nhiêu.

Và nếu có một người nào xứng đáng để cảm thấy mình hạnh phúc trên đời này sau những bất hạnh tai ương đổ xuống đầu thì tôi nghĩ người ấy phải là Đào Thị Lài.

Hội IKF và các y sĩ ở Miami là những người xứng đáng để nhận những lời cám ơn chân thành nhất. Và không ai là không mừng cho Lài, người thiếu nữ đã qua 12 năm khốn khổ, đau đớn nhất của đời sống.

Đời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ, vén mây cuối trời.

Mừng có thể khóc được. Lâu lắm mới có được một cái tin vui như thế.

(Bùi Bảo Trúc)
Về Đầu Trang
Mai Dung



Ngày tham gia: 08 Dec 2011
Số bài: 179

Bài gửiGửi: Mon Sep 23, 2013 11:14 pm    Tiêu đề:

Nền y học của Mỹ thật đáng khâm phục , từ một hình hài dễ khiến nhiều người xa lánh đã biến thành một cô gái xinh xắn , còn tình thương của nước Mỹ thì 2 triệu người Việt Nam đang được nước Mỹ cưu mang đã nói lên điều đó .
Về Đầu Trang
Lan Mimosa



Ngày tham gia: 21 Feb 2010
Số bài: 685

Bài gửiGửi: Fri Sep 27, 2013 1:52 pm    Tiêu đề: Công ty Luraco của người Việt ký hợp đồng với Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ

Luraco Technologies Inc. là một công ty kỹ thuật cao, thành lập năm 2005, do ba anh em trong một gia đình ngưởi Việt điều hành.



Đây là một gia đình từ Đông Hà, Quảng Trị, sang Mỹ theo diện HO năm 1995, định cư tại nơi Luraco ra đời là thành  phố Arlington thuộc quận Tarrant tiểu bang Texas 18 năm qua. Quận Tarrant, bao gồm hai thành phố rộng lớn Dallas Fort Worth và Arlington, cũng có một ủy viên người Mỹ gốc Việt, anh Nguyễn Xuân Hùng.

Tuần trước, trong một lần gặp gỡ với ủy viên Tarrant County Nguyễn Xuân Hùng, Thanh Trúc được nghe về Luraco Technologies như sau:

Tôi quen anh Lê Thành, anh Kevin Lê và các anh em trong gia đình đó. Tôi rất hãnh diện về những thành đạt của công ty Luraco Technologies, một trong những tiểu thương vượt bực trong vùng Bắc Texas này, đã được tổ chức SBA Small Business Administration công nhận điều đó. Tôi có đi tham dự nghi lễ trao tặng giải thưởng, tôi cũng rất hãnh diện và vui lây cho sự thành công đó của gia đình anh Lê Thành. Một trong những đặc điểm làm Luraco khác với những công ty khác là luôn khiêm nhường trước những thành công của mình, và đặc biệt Luraco lúc nào cũng đóng  góp, tái đầu tư lại trong cộng đồng Á Châu và cộng đồng Việt Nam của chúng ta.

Ba người trong năm anh chị em của gia đình đã tạo dựng công ty kỹ thuật cao Luraco là anh cả Lê Thành, giám đốc điều hành Luraco, người em kế Lê Huy Kevin, tiến sĩ ngành Quang Học Điện Tử, giám đốc kỹ thuật, đã sáng chế Bộ Cảm Ứng Thông Minh Intelligent Multi- Sensor, sử dụng trong hai động cơ trực thăng chiến đấu Blackhawk và Apache của quân đội Hoa Kỳ.

Bên cạnh đó, Luraco Technologies còn đảm nhận hợp đồng của Bộ Quốc Phòng để nghiên cứu và sáng chế các cơ phận điều khiển và phản ứng cho phản lực cơ chiến đấu F35 của không lực Hoa Kỳ. Đó cũng là lý do hai lần liên tiếp Luraco Technologies  được vào Top Denfense Contractors của Tarrant County.

Đến với mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi hôm nay, tiến sĩ Lê Huy Kevin là người đầu tiên nói chuyện cùng quí vị:

Về hệ thống Multi Sensor, Hệ thống Cảm Ứng Thông Minh mà công ty Luraco Technologies  đã thành công phát minh  ra được thì Kevin không được phép nói nhiều. Nhưng nói sơ thì đây là hệ thống được dùng trong các máy bay chiến đấu của Hoa Kỳ và nó đảm nhiệm nhiều chức vụ rất quan trọng.

Bên cạnh đó, công ty Luraco Technologies đã vinh dự nhận được sự ủng hộ của US Air Force, đã cung cấp chi phí để công ty nghiên cứu và phát triển ra một hệ thống điều khiển và phản ứng trong máy của F35.



Anh Lê Thành, GĐ Điều hành nhận bằng chứng nhân Luraco Tech. được xếp hạng 50 công ty hàng đầu do người Mỹ gốc Châu Á làm chủ. RFA files


Để có thể ký được những hợp đồng chế tạo Bộ Cảm Ứng Thông Minh cho trực thăng Blackhawk và Apache của quân đội Hoa Kỳ, tiếp đến là hệ thống kiểm soát và cảm ứng trong máy móc của phản lực cơ chiến đấu F35, giám đốc kỹ thuật Lê Huy giải thích tiếp:

Bước chân vào lãnh vực nghiên cứu cho Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ là một quá trình rất khó khăn. Nghiên cứu khoa học đã khó  rồi mà làm cho quốc phòng lại càng khó hơn. Thứ nhất, đối với quốc phòng Hoa Kỳ khoa học kỹ thuật của họ rất cao, người ta chỉ bỏ tiền  ra cho các công ty nghiên cứu những dự án mà chưa được làm, những gì phải rất mới mẻ phải rất novel tức phải rất advanced rất tân tiến thì người ta mới bỏ tiền ra chi các công ty nghiên cứu mà thôi.

Một điều nữa, khi  giao trách nhiệm cho một công ty làm nghiên cứu cho họ thì người ta audit tức là người ta kiểm tra công ty đó về khả năng có làm được hay không, có đủ máy móc trang thiết bị hay không, rồi thì lý lịch của từng kỹ sư từng khoa học gia trong nhóm làm nghiên cứu cho dự án đó, nói chung  là có đủ trình độ kỹ thuật cao hay không và công ty đó có tin tưởng được hay không nữa, chứ người ta không muốn giao dự án cho một công ty mà có thể một năm hay hai ba năm sau công ty đó không còn tồn tại. Thành thử khi nhận được dự án của bên chính phủ, đặc biết bên Bộ Quốc Phòng của Hoa Kỳ, thì rất khó khăn. Điều vinh dự là chúng tôi đã được sự ủy nhiệm của Bộ Quốc Phòng giao cho công ty Luraco Technology đảm nhiệm nghiên cứu khoa học được dùng trong Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ.

Không chỉ là công ty công nghệ cao...

Theo  giám đốc điều hành Lê Thành, Luraco không phải là công ty lớn, nhưng để làm được những dự án cho quốc phòng thì cũng phải hội đủ những điều kiện cần thiết:

Như tiến sĩ Huy Lê có nói là quốc phòng họ audit thường xuyên chứ họ không muốn đưa tiền mà cuối cùng không nhận được cái gì, thành ra là cái  điều hành của một công ty mà coi như đầy đủ tất cả các ban ngành, đồng thời phải căn cứ vào cái standard của Bộ Quốc Phòng thì thực ra đó cũng là một vấn đề khó khăn.

Những ban ngành mà giám đốc điều hành Luraco, anh Lê Thành, vừa đề cập tới, có thể được kể ra là Ban Quản Lý, Ban Khoa Học Kỹ Thuật, Ban Kế Toán, Ban Nhân Sự, Ban Tiếp Thị:

Bên cạnh đó, giám đốc kỹ thuật Lê Huy trình bày tiếp:

Dưới sản xuất thì có  Bộ Phận Sản Xuất, Ban Yểm Trợ Sản Xuất, Ban Yểm Trợ Kỹ Thuật. Tất cả các ban phải phối hợp làm việc và hổ trợ lẫn nhau để dẫn dắt công ty mỗi ngày càng phát triển.

Rất nhiều người Mỹ làm trong này, rồi người Ấn Độ, người Việt Nam cũng nhiều. Người Mexico vô đây xin việc cũng nhiều lắm nhưng anh em vẫn nói với nhau là mình tạo ra công ăn việt làm thì mình giúp cho công đồng Việt Nam chúng ta.



Bằng chứng nhân Luraco Tech. được xếp hạng 50 công ty hàng đầu do người Mỹ gốc Châu Á làm chủ


Tháng Năm vừa qua, Luraco Technologies đượcgiải thưởng Exporter Of The Year, Nhà Xuất Khẩu Của Năm,  do SBA Phòng Tiểu Thương quận Tarrant trao tặng. Cũng trong hai năm liền, 2011 và 2012, Luraco Technologies lọt vào Top 50 , tức 50 công ty hàng đầu do người Mỹ gốc Châu Á làm chủ có tiềm năng và đã phát triển mạnh.

Công ty Luraco hai năm liền (2011-2012)đứng Top 50 công ty toàn quốc do người Mỹ gốc Châu Á làm chủ về sự phát triển mạnh và hứa hẹn. Đồng thời cũng hai  năm liền đạt  danh hiệu Top Defense Company Công Ty Quốc Phòng Hàng Đầu ở Tarrant County tức là vùng này. Vùng Dallas Fort Worth này có rất nhiều hãng Defense Company, trong đó ngay cả Lockheed , Bell Helicopter , Raytheon  là  những công ty tên tuổi trong ngành quốc phòng,  nhưng  Luraco Technologies vinh dự được bình chọn là Top Defense Company trong quận Tarrant và được hai lần như vậy, năm 2011 và 2012.

"Công ty Luraco Technologies đã vinh dự nhận được sự ủng hộ của USS Air Force, đã cung cấp chi phí để công ty nghiên cứu và phát triển ra một hệ thống điều khiển và phản ứng trong máy của F35." - TS. Lê Huy Kevin

Với đầu óc kinh doanh nhạy bén,  cộng thêm tính cần mẫn,  anh em nhà họ Lê trong Luraco Technologies còn tận dung công nghệ cao để  chế tạo  những sản phẩm tiên phong cho ngành móng tay thẩm mỹ mà người Việt ở Hoa Kỳ gần như chiếm lĩnh thị trường của đất nước này:

Luraco có 3 divisions, một phần làm cho quốc phòng Hoa Kỳ, một phần làm cho sức khỏe và thẩm mỹ và một phần làm những bộ điều khiển hệ thống bồn tắm Jacuzzi, cái này cũng đi  vào thị trường Mỹ.

Còn về ngành Nails thì Việt Nam chúng ta chiếm 75% thị trường Nails của thế giới chứ không phải của Hoa Kỳ nữa, thì Luraco có nhiều sản phẩm tiên phong trong đó. Ví dụ Luraco là công ty đầu tiên chế tạo ra cái ghế Mini Spa cho trẻ em,   Luraco là công ty đầu tiên trên toàn cầu nghĩ ra và làm ra cái ghế Pedicure Spa cho trẻ em.  Rồi Luraco đã được đài truyền hình NBC đưa tin nhiều lần vì đây là cái đột phá mới trong vấn đề vệ sinh an toàn, và có rất nhiều sản phẩm mà Luraco là công ty tiên phong.

Còn ví dụ như  ghế massage Irobotics, Luraco là công ty đầu tiên và duy nhất chế tạo ra ghế massage vật lý trị liệu y khoa. Không phải tự hào là đầu tiên nhưng ít ra Luraco cũng làm được cái điều mà Trung Quốc, Đài Loan,  Nhật Bản, Hàn Quốc đã làm, thì Việt Nam cũng có công ty đầu tiên là Luraco làm.

Với 18 năm định cư tại đất mới,  chưa được hai thập niên khi tương đối đã lớn tuổi,  do đâu mà các anh em trong gia đình lại thành đạt như vậy.  Trả lời câu hỏi này, tiến sĩ Lê Huy cho biết có thể nhiều phần là do anh em trong nhà luôn tự hào về gốc  gác Đông Hà Quảng Trị và truyền thống hiếu học mà cha mẹ trao truyền cho:

Gia đình em đi theo diện HO 31, qua Mỹ năm 1995, trước khi đi gia đình em vẫn ở Đông Hà, Quảng Trị. Năm 1995 tức là 20 năm sau khi chiến tranh kết thúc thì lúc đó Kevin ở Việt Nam  vừa mới vào  đại  học, qua đây phải làm lại tất cả từ đầu, phải đi học lại.

Từ nhỏ khi còn ở Việt Nam ba mẹ  lúc nào cũng khuyến khích con cái học hành. Ba em là người rất hiếu học. Bởi vì có vốn tiếng Anh tiếng Pháp học từ miền Nam mà sau này ba em đi làm thông dịch cho các phái  đoàn nước ngoài vào thăm Việt Nam, đồng thời ba em cũng dạy cho tụi em  tiếng Anh. Lúc bước chân  đến Mỹ thì tụi em đã có ít vốn tiếng Anh học từ trường và học từ ba.

Qua đây dĩ nhiên có nhiều cái mình phải cố gắng,  nhất là  tiếng Anh, mặc dù có học ở Việt Nam nhưng vẫn rất khó khăn. Lúc đầu thực ra mà nói vào trường mà muốn học tới bằng Cử Nhân là mừng lắm rồi. Nhưng sau khi tốt nghiệp cử nhân xong thì em thấy mình có khả năng để học lên nữa. Lúc đó xong cử nhân thì em ra làm kỹ sư ở bên ngoài, buổi đêm đi học thêm để lấy bằng Master. Sau cái Master thì em nghỉ làm và em bắt đầu chương trình Tiến Sĩ.

... mà còn là một doanh nghiệp xã hội



Tiến sĩ Lê Huy Kevin, GĐ Kỹ thuật Luraco Tecnologies nhận bằng khen. Photo courtesy of Luraco


Vừa đi làm vừa chịu khó đi học, mấy anh em của Lê Huy đều tốt nghiệp và có bằng cấp. Ngoài Lê Huy lấy bằng tiến sĩ, anh cả Lê Thành, hiện tại là giám đốc điều hành của Luraco Technologies, cũng tốt nghiệp bằng Master về ngành điện. Người em thứ ba, Lê Hiếu, tốt nghiệp Master về ngành Computer Science, còn người em trai út là bác sĩ về ngành tim:

Có rất nhiều cái dẫn dắt gia đình với bản thân Kevin đến ngày hôm nay. Thứ nhất là sự khuyến khích và sự hướng dẫn của ba mẹ, thứ hai là sự cố gắng và thứ ba nữa là sự động viên của bà xã Kevin. Bà xã Kevin lúc  nào cũng hết mình support ủng hộ cho Kevin học hành đó.

Đúng như lời ủy viên Tarrant County Nguyễn Xuân Hùng, Luraco Technologies không chỉ là một công ty công nghệ cao mà còn là một doanh nghiệp xã hội. Điều này được tiến sĩ Lê Huy xác nhận :

Công ty Luraco trước tiên hết là một family company, khi là một công ty gia đình thì nói chung công ty rất quan tâm các vấn đề ngoài xã hội. Luraco thường xuyên tham gia các chương trình gây quĩ, giúp đỡ người nghèo hoặc giúp những em học giỏi ở Hoa Kỳ cũng có và ở Việt Nam cũng có. Tại Hoa Kỳ thường là công ty Luraco cũng có một quĩ trao phần thưởng cho học sinh tốt nghiệp hạng ưu để khuyến khích các em, Ở  Việt Nam thì Luraco  nhiều lần trao học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo  có thành tích xuất sắc,  để giúp các em học hành.

Đối với quê hương Đông Hà Quảng Trị của Kevin thì công ty cũng cấp học bổng cho một số trường và các em học sinh nghèo quanh Đông Hà Quảng Trị để cho họ có cơ hội tiếp tục học hành. Đa số thì cũng còn túng thiếu nhiều thứ, cho nên đối với bà con, nhất là những người  lớn tuổi, thì gia đình Kevin coi đó là một phần san sẻ và cố gắng giúp cho những người kém may mắn hơn mình.

Với những lời chia sẻ của tiến sĩ Lê Huy, Thanh Trúc mạn phép ngưng câu chuyện về Luraco Technologies, công ty kỹ thuật cao đang sánh vai cùng những công ty Hi-Tech tên tuổi của người bản xứ ở Dallas Fort Worth và Arlington, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ.


Thanh Trúc  - phóng viên RFA
Về Đầu Trang
LAM HUONG



Ngày tham gia: 04 Jul 2012
Số bài: 430

Bài gửiGửi: Fri Sep 27, 2013 9:40 pm    Tiêu đề: Tình Thương Của Người Mỹ


Thêm 1 câu chuyện thật đẹp về tình người , Tình Thương Của Người Mỹ

Cậu bé được cộng đồng giúp $50,000 vừa tốt nghiệp đại học

WESTMINSTER (NV) - “Con vừa bảo vệ đề tài cuối khóa xong, trường đã giới thiệu cho con một chỗ thực tập. Ngày mai Thứ Năm con bắt đầu đến công ty ngày đầu tiên. Hiện tại cuộc sống của con và má con cũng bình thường. Con kính chúc sức khỏe cô Liên Hương cũng như toàn thể các cô, chú, bác bên ấy luôn quan tâm giúp đỡ con trong suốt thời gian qua, con nhất định sẽ nổ lực hết mình để không phụ lòng các cô, các chú và các bác.”
Đó là nội dung lá thư điện tử của Ngô Thái Hoàng Em gửi từ Sài Gòn.
        -------

Ngô Thái Hoàng Em là cậu bé bị máy ép gạch nghiến nát đôi tay, nhân vật chính trong loạt phóng sự “Em chỉ mơ ước một cuộc sống bình thường” đăng trên nhật báo Người Việt cách đây 4 năm.

Từ loạt bài viết này, với người khởi xướng là nha sĩ Nguyễn Diệu Liên Hương ở Garden Grove, cộng đồng người Việt tại Little Saigon và khắp nơi đã không chỉ chung tay giúp đỡ cho Hoàng Em số tiền hơn $50,000 mà tất cả còn góp phần viết nên một câu chuyện thật đẹp về tình người.


Ngô Thái Hoàng Em trong ngày được lắp đôi tay giả tại Mỹ Tháng Bảy, 2009.
(Hình: Ngọc Lan/Người Việt)


Câu chuyện 4 năm về trước


Gần cuối Tháng Sáu, 2009, tòa soạn báo Người Việt đón hai người khách lạ từ Long An, Việt Nam sang, dưới sự bảo trợ của nha sĩ Nguyễn Diệu Liên Hương. Đó là một người phụ nữ miền Nam trong dáng vẻ lam lũ tên Nguyễn Thị Cúc và đứa con trai của bà, Ngô Thái Hoàng Em, 17 tuổi, với đôi mắt buồn rười rượi và đôi tay dài tới... nách.

Thời khắc mà Hoàng Em vĩnh viễn bị mất đi đôi tay của mình là một ngày gần cuối Tháng Năm, 2007.

Sau khi tốt nghiệp lớp 9, ở tuổi 15, Hoàng Em xin má cho theo anh trai đi làm thêm ở lò ép gạch với mục đích kiếm tiền mua chiếc xe đạp cho năm học mới. Nhưng tháng lương đầu tiên chưa kịp lãnh, chiếc xe đạp vẫn còn là niềm mơ ước thì tai nạn xảy ra.

“Khi em đứng canh chừng cối ép gạch ống để cán xuống khuôn, thì một cái tuộc-nơ-vít bị rơi vào cối. Bằng phản xạ tự nhiên, em thò tay trái vào để lấy cái tuộc-nơ-vít ra. Khi thấy tay bị cuốn vào trong cối, lại bằng một phản xạ tự nhiên khác, em cho tay phải vào để kéo tay trái ra.”

Cánh tay phải của Hoàng Em đã rớt ra trên đường đến bệnh viện, còn cánh tay trái thì bị cối ép gạch ép dài ra.

Khi tỉnh lại trong bệnh viện, Hoàng Em nhận ra ngay một điều: hai cánh tay em không còn.

Bà Cúc, khi đó đang đi làm mướn ở Sài Gòn, tức tốc chạy về Long An và chỉ gắng gượng nói được một câu khi trông thấy tình cảnh đứa con út, niềm hy vọng của cả gia đình, “Thôi, con đừng khóc, từ đây về sau má sẽ ở nhà với con, má không bỏ con đi nữa.”

Gia đình khốn khó, lại càng thêm u ám khi nhìn về tương lai của Hoàng Em, dù sau đó em cũng trở lại trường, cố gắng theo kịp bạn bè. Em viết bằng chân và làm những công việc vệ sinh hằng ngày bằng đôi tay của mẹ.

Một cách tình cờ, từ nửa vòng trái đất, nha sĩ Liên Hương đọc được câu chuyện về Hoàng Em.

“Tôi thấy cháu biết vươn lên từ bất hạnh. Cháu cố gắng tập viết, vui sống, không than thở, không vật vã. Thấy cháu có một nghị lực phi thường của một cậu bé 15 tuổi, tôi nghĩ cháu xứng đáng được giúp đỡ nhiều hơn.”

Ý nghĩ “nên làm cho Em một đôi cánh tay giả” vừa giúp em thực hiện ước mơ có thể chạy xe đạp vừa đỡ đần sự cực nhọc cho người mẹ, ra đời.

Sau nhiều lần dò hỏi, cuối cùng, nha sĩ Liên Hương tìm được cơ sở Biodesigns, Inc. ở Santa Monica, California, nơi chuyên làm tay chân giả cho các vận động viên tham dự giải Olympic dành cho người khuyết tật. Xúc động trước câu chuyện của Hoàng Em và bà Nguyễn Thị Cúc , hai vợ chồng chủ nhân cơ sở này đã quyết định không tính bất kỳ thù lao nào (trị giá $20,000, luôn cả chi phí cho việc hướng dẫn sử dụng đôi tay) ngoại trừ chi phí vật liệu ở mức $5,000.

Theo tính toán của người nha sĩ có tấm lòng bác ái này thì “nếu cộng luôn cả chi phí đi lại của hai mẹ con Hoàng Em nữa thì ước chừng khoảng $10,000. Ðó là số tiền không phải là rất lớn, nhưng với một cá nhân thì lại chẳng nhỏ. Nhưng đó là số tiền có thể thay đổi được toàn bộ cuộc đời của hai con người thì cũng nên lắm chứ.” Và cô quyết định “bao sân” nếu như không nhận thêm được sự giúp đỡ nào khác.


Hoàng Em cùng mẹ (trái) và nha sĩ Nguyễn Diệu Liên Hương trong ngày em được lắp tay giả tại Mỹ.
(Hình: Ngọc Lan/Người Việt)


Cuối năm 2008, nha sĩ Liên Hương trở về Việt Nam lo thủ tục đưa hai mẹ con Hoàng Em sang Mỹ làm tay giả.

Ngày 20 Tháng Sáu, 2009, trong thời gian nghỉ hè khi đang học lớp 11, Hoàng Em cùng mẹ có mặt tại Mỹ.

Và câu chuyện về Ngô Thái Hoàng Em được cộng đồng Người Việt tại đây biết đến.

Xúc động trước ước mơ thật bình dị nhưng cái giá phải trả lại quá lớn của cậu học trò này, rất nhiều đồng hương đã tìm đến để giúp đỡ, để tiếp thêm một bàn tay cùng nha sĩ Liên Hương.

Số tiền hơn $40,000 đồng mà những người đã để lại tên cũng như giấu tên gửi đến cùng $10,000 tiền mặt mà một vị mạnh thường quân chuyển đến cho gia đình Hoàng Em ngay hôm em ra mắt mọi người với đôi tay mới tại hội trường nhật báo Người Việt, là cả một gia tài mà Hoàng Em và gia đình không bao giờ nghĩ tới.

“Khi nhận được giấy bảo trợ của cô Hương để sang đây làm tay cho Hoàng Em, tôi vui mừng nhưng lo lắm. Tôi không biết ai ở đây hết, ngoài cô Hương. Nhưng tôi đã thật sự ngạc nhiên khi đặt chân đến đây. Ðầu tiên là gia đình cô Hương đối với tôi rất nhiệt tình, không phân biệt sang hèn, rồi đến những bà con cô bác đến thăm, chia sẻ, giúp đỡ. Những điều đó đã cho tôi cảm thấy rằng đây không còn là một đất nước xa lạ mà là gia đình thứ hai của chúng tôi. Hoàng Em giờ đây không còn là con của riêng tôi mà là con của mọi người Việt trên đất Mỹ này.” Lời bà mẹ nghèo Nguyễn Thị Cúc, mẹ của Hoàng Em, đến từ vùng quê Vĩnh Long đã làm lay động tất cả những người có mặt. Những tràng vỗ tay vang lên đâu chỉ để dành riêng cho lời phát biểu xúc động chân thành của người mẹ chân chất, mà còn dành cho tất cả những người tử tế với nhau.

Cả hội trường ngày hôm đó lại vỡ òa tiếng vỗ tay sau lời phát biểu của Ngô Thái Hoàng Em về những gì mà cậu bé đã nhận được, “Con rất vui và hạnh phúc. Con cám ơn cô Hương đã hết lòng giúp đỡ con. Cám ơn mẹ đã giúp con suốt thời gian qua. Con cám ơn cô chú anh chị em đã thương yêu, bù đắp cho con những mất mát… Con cám ơn mọi người đã cho con sự tự tin để bước tiếp.”


Hoàng Em ngày hôm nay


Lá thư dưới đây được Ngô Thái Hoàng Em gửi cho phóng viên Người Việt sau ngày đầu tiên đi làm, 19 Tháng Chín, 2013, có lẽ là câu trả lời đầy đủ nhất về những gì xảy ra với Hoàng Em sau khi từ Mỹ trở về cho đến hôm nay.

“Ngày đầu làm việc trong môi trường mới vừa vui mà vừa mệt nữa chị ơi.

Em vừa mới tốt nghiệp khóa học ACCP của trung tâp đào tạo lập trình viên CNC Aptech, trường chuyên đào tạo lập trình viên với hai công nghệ chính là Net và Java. Hiện tại học xong khóa học tại trường em có thể thiết kế, lập trình web và phần ứng dụng (ví dụ như: phần mềm quản lý, website tin tức, website công ty, web site cá nhân...)

Sau khi từ Mỹ trở về gia đình em cũng có nhiều thay đổi. Lâu lâu cũng có một hai nhà báo đến hỏi thăm và viết bài về việc em đi Mỹ.

Đôi tay giả trong những năm qua giúp ích cho em rất nhiều. Việc em thích nhất đó là chiều chiều chạy xe đạp loanh quanh con đường đất sau nhà hay là những ngày không mưa em có thể tự đạp xe đến trường. Đôi tay còn giúp em các việc nhỏ nhặt khác như là lấy những vật nhẹ như quyển sách, cây bút, cái khăn lau nhà, lấy kem đánh răng, lấy quần áo khi tắm trên giá đồ thay vì phải giơ chân quá cao để lấy, và còn nhiều việc khác nữa.


Hoàng Em dùng tay giả chạy xe đạp như ước muốn của em. (Hình: Hoàng Em cung cấp)


Hiện tại đôi tay giả vẫn còn sử dụng được nhưng giờ thì hơi chật em mang vào cảm thấy đau hơn trước nhiều, em vừa tập tay vừa tập chân nên có thể hỗ trợ cho nhau. Em còn nghĩ ra nhiều công cụ để hỗ trợ (muỗng, cây vợt cầu lông,....) có thể gắng thêm vào đôi tay nữa mà chắc phải đợi đến khi nào em có việc làm ổn định rồi em mới thực hiện được.

Số tiền do các mạnh thường quân giúp đỡ cho gia đình em hiện tại vẫn còn. Khi về Việt Nam gia đình em đã mua một máy cắt lúa gặt đập liên hợp vừa giúp anh em trong nhà có công việc làm cũng như góp phần trang trải trong cuộc sống.

Trong tương lai em vẫn chưa có dự định gì lớn hết, phần do em còn đang đi thực tập, mỗi ngày phải đi từ nhà đến chỗ thực tập gần 30 phút đi xe máy, may mắn là có người bạn giúp đỡ em trong chuyện đi lại này.

Em kính nhờ chị Lan gửi lời cảm ơn chân thành, lời chúc sức khỏe đến tất cả cô, chú, bác, anh chị đã giúp đỡ em trong lúc em gặp khó khăn, em xin hứa sẽ luôn cố gắng, cũng như nổ lực hết mình học tập và làm việc thật tốt để không phụ lòng các cô, chú, bác, anh, chị đã giúp đỡ em.

Hiện tại em đang ở nhờ nhà người cậu ở Sài Gòn. Cuộc sống của em hiện tại cũng không có khó khăn gì. Mỗi ngày em đi thực tập từ 7 giờ sáng đến 6 giờ chiều. Má em thì phụ giúp cậu mợ các việc trong nhà.

Trong những năm qua có đôi lúc em cũng thấy mặc cảm. Càng lớn thì em càng có nhiều dự định, dự tính, suy nghĩ hơn lúc nhỏ, đâu phải việc nào em cũng làm được như em nghĩ. Em cảm thấy ranh giới giữa người khuyết tật và người bình thường còn một khoảng cách xa lắm. Em luôn muốn xóa đi khoảng cách đó mà chưa được.

Trong trường em cũng thua thiệt các bạn khác rất nhiều. Lẽ ra nếu em được như các bạn bình thường thì đã có việc làm từ mấy tháng trước rồi. Khi hết học kì, ba giảng viên có giới thiệu một số học viên trong lớp, trong đó có em, cho công ty của giảng viên nhưng công ty không nhận em. Lúc đó, em thấy hoang mang, lo lắng, hụt hẫng dễ sợ luôn. Còn có một lần em xin học đàn organ ở một trung tâm dạy nhạc gần nhà. Em nghĩ mình đánh đàn chắc cũng như gõ phím nên thử xem sao, nếu được rãnh rỗi đánh đàn giải trí cũng hay nhưng cũng bị thầy từ chối mà chẳng được test kỹ năng xem có thích hợp học không nữa. Thầy phán hai câu em nghe cảm thấy chán vô cùng "Người bình thường học còn không được huống gì..." và "Trên thế giới chỉ có một người dùng chân đánh đàn nhưng tập một bài hát mất 10 năm." Em đi về mà cảm thấy khó chịu ghê.

Nhưng hiện tại, em cảm thấy mình thật may mắn khi bên cạnh luôn có người mẹ tuyệt vời chăm sóc, có những người bạn biết cảm thông, sẻ chia và em còn có nguồn động lực lớn lao từ những người đã giúp đỡ cho em.

Em luôn hâm mộ thầy Nguyễn Ngọc Ký, nhà diễn thuyết Nick Vujicic, nghệ sỹ dương cầm Lưu Vỹ và luôn mong một ngày được thành công như họ, không chỉ tự lo cho bản thân mà còn giúp đỡ cho những người gặp khó khăn, bất hạnh như bản thân em lúc trước.”

Rõ ràng, Hoàng Em đang sống và cố gắng thực hiện lời nhắn gửi của một độc giả năm xưa nói với em trước khi em cùng mẹ trở về quê nhà, “Ngày hôm nay cháu bị tai nạn, mọi người đã giúp đỡ cháu. Vậy cháu hãy nhớ giúp lại người khác nếu người ta cũng gặp hoàn cảnh như cháu. Ðó là cách đền ơn của cháu đối với mọi người.”

Và một lần nữa, lời tâm sự của nha sĩ Nguyễn Diệu Liên Hương 4 năm trước đây dường như vẫn còn nguyên vẹn giá trị, “Xứ sở của chúng ta đã mất mát quá nhiều rồi, ở cả bên này lẫn bên kia, thì giờ đây chúng ta hãy lấy sự tử tế, sự tốt bụng để mà bù đắp cho nhau. Hôm nay tôi và các bạn hạnh phúc vì được gọi là người tốt. Và chúng ta cần thêm những người tử tế và tốt bụng cho cuộc đời này.”

Vâng, những con người tử tế, cần lắm trong cuộc đời này.

Ngọc Lan / Người Việt

---
Về Đầu Trang
Lan Mimosa



Ngày tham gia: 21 Feb 2010
Số bài: 685

Bài gửiGửi: Fri Nov 22, 2013 2:49 pm    Tiêu đề:

Phóng sự về bữa ăn ngày Lễ Tạ Ơn hàng năm do thiền sư Vũ Bội Quang Khôi cùng các thiện nguyện viên phục vụ những người nghèo và vô gia cư.

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tản Mạn Cuộc Sống Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân