MINH HIỀN
Ông Dinh nổi tiếng trong cộng đồng dân Giao Chỉ ở địa phương. Một hiệp sĩ phong trần giống như các hiệp sĩ trong” Phong Trần Quán” Báo Ngày Nay. Ông sống cu ki từ lâu. Ông share phòng tại nhà bà Thanh. Bà này góa chồng nhiều năm nay. Bà sống với con gái. Cô này học cao đẳng sư phạm ở trên LSU. Lâu lâu mới ghé về thăm mẹ. Ông Dinh ở trọ trong phòng gần khu vườn. Bà Thanh, chủ nhà, ở riêng, phía bên kia, cách dãy phòng này môt garage để xe cộ. Hiệp sĩ Dinh từng trải qua nhiều phong ba bão táp trong cuộc đời lưu lạc giang hồ của mình. Năm nay ông đã bước qua tuổi “ Lục thập giả an chi” cộng thêm năm niên kỷ. Ông tuổi Tý. Tuổi này thiếu may mắn. Ông lao đao lận đận ngay từ thuở thiếu thời. Nhà nghèo, ở ngoại ô Sài Gòn. Ông được cha mẹ cho đi học rất ít. Ông đi lính Biệt Động Quân khi tới tuổi trưởng thành, phải thi hành nghĩa vụ quân sự của người trai trong thời loạn. Ông phục vụ trong đơn vị tác chiến ngoài biên thùy. Ông từng vào sanh ra tử bao nhiêu lần. Ông bị thương nặng ở chân phải nằm điều trị lâu dài tại Quân Y Viện Nguyễn Huệ Nha Trang. Ông được thăng Hạ Sĩ và giải ngũ khi xuất viện.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, vì là hạ sĩ quan, ông chỉ phải học tập trong ba ngày tại địa phương cho biết chính sách chủ trương và đường lối của chính quyền mới XHCN. Ông lập gia đình với một phụ nữ cùng quê. Hai người có với nhau ba con. Tuy nhiên chỉ có con gái út là trưởng thành đến ngày nay. Hai đứa kia bạc mệnh, vắng số, đã qua đời từ lâu. Sau ngày đổi đời đầy bi thảm tang thương, nhận thấy chế độ mới độc tài đảng trị, thiếu tự do dân chủ, gia đình ông bị chính quyền địa phương trù dập vì là dân ngụy, ông tìm cách vượt biên một mình vì hoàn cảnh khó khăn, không thể nào đem vợ con theo được. Ông phải tìm cách ra nước ngoài bằng đường bộ. Ông cùng một số thân hữu khỏe mạnh, trẻ trung, có kinh nghiệm dày dạn phong sương, băng rừng, vượt suối sang tận Kampuchia. Ông may mắn thoát nhiều hiểm nguy, mới tới xứ Chùa Tháp nổi danh Cao Mên, Cambodia. Tuy nhiên, ông phải ở trại tạm cư của xứ này đến tám năm. Sau đó ông bay sang đảo của Mã Lai. Ông ngụ tại trại tị nạn đến 6 năm nữa. Cuối cùng, ông mới được Hoa Kỳ xét chấp thuận cho định cư tại Mỹ, diện tị nạn chính trị.
Ông sống ở xứ người hơn 14 năm. Ông bảo lãnh con gái của ông từ Việt Nam qua Mỹ theo diện đoàn tụ. Bà xã ông đã phụ bạc ông. Bà lấy người khác có con, từ ngày ông bỏ nước ra đi vì không sống nổi với chế độ độc tài đảng trị, thiếu tư do dân chủ. Đa phần dân chúng nghèo đói, thiếu thốn mọi thứ. Chỉ có cán bộ nhà nước, đảng viên, những kẻ có chức, có quyền và những kẻ sống khôn khéo, tùy thời cơ, những kẻ hùa theo họ, làm tay sai cho họ, mới giàu có, dư ăn dư để, có thế lực, cuộc sống thoải mái phồn vinh. Còn lại lớp dân thường, hầu như sống cơ cực lầm than, nghèo đói, nhất là dân ở vùng xa xôi hẻo lánh, vùng sâu và vùng cao.
“ Cán bộ nhà nước giàu to
Có quyền, có chức, tha hồ tham quan.
Dân nghèo, cơ cực, lầm than
Tự do dân chủ, lang thang mịt mờ.
Độc tài đảng trị khó xa
Bao giờ hạnh phúc nhà nhà an vui?
Trung Hoa đe dọa dập vùi
Biên cương, hải đảo nuốt trôi bao giờ. ”
Thời gian đầu, sau khi ông bảo lãnh con ái nữ, họ đoàn viên tại Mỹ. Cha con sống cùng nhà vui vẻ. Hiện tại, nó lập gia đình, có con cái và ra riêng. Gia đình chồng nó đã chuyển về ngụ tại Houston, Texas xa xôi. Ông trở thành cô độc, đơn chiếc, vào ra một bóng. Ở xứ người, tuy có cuộc sống phồn vinh, no cơm, ấm áo, nhưng cao tuổi mà phải sống cô độc trong phòng, ngày này qua ngày nọ. Buồn lắm. Những lúc đau bịnh, trở trời trái gió, thật là thê thảm. Nhờ ơn trên phù hộ, Ông Dinh hiện tại còn khỏe mạnh. Ông làm hai Job kiếm tiền để dành dưỡng già. Ông còn vài năm nữa là hưởng tiền full retirement. Ông có thể lãnh tiền hưu non bây giờ, nhưng ông không thích. Ông muốn lãnh nhiều tiền hơn và hưởng đầy đủ quyền lợi của công dân Hoa Kỳ.
Ở tuổi cao niên tại xứ người, ai cũng muốn có bạn tri âm để chia sẻ vui buồn cho đỡ hiu quạnh, lẻ loi. Nhất là những lúc tối lửa, tắt đèn, bịnh hoạn, có người chăm lo săn sóc nhau, giúp đỡ nhau, an ủi nhau. Thật là tốt. Thật là tuyệt vời. Như hàng xóm của ông có ông V. đã gán ghép với bà H. Ông này lớn hơn bà gần hai mươi tuổi. Hai kẻ cô đơn gặp nhau. Họ sáp vô cái ào. Nàng đi Mỹ diện con lai. Thằng con lai da trắng qua Hoa Kỳ, sau đó có vợ và bỏ bê mẹ ruột của mình. Nó là đứa con thiếu hiếu thảo với đấng sinh thành. Bà trở nên cô đơn, lẻ bóng từ đó. Bà H ngày xưa thuộc dạng nữ nhi có nhan sắc. Bà là gái vùng Sông Hương- Núi Ngự. Ông V. gốc Tuy Hòa. Ông qua Mỹ diện cựu tù nhân chính trị HO. Ông đi một mình. Bà xã có chồng khác khi ông tù cải tạo. Ông qua Hoa Kỳ một thời gian rồi bảo lãnh con gái qua. Hiện nay nó có chồng và con đang học tại trường tiểu học ở địa phương. Ông lãnh trách nhiệm lái xe rước cháu ngoại về, giúp con hằng ngày. Ông V và bà H hủ hỷ nhau trong nhiều năm qua. Họ sống nương tựa vào nhau, rất vui vẻ, hạnh phúc và ấm cúng.
“ Nàng còn nhan sắc mượt mà
Chàng còn phong độ đôi ta tang tình.
Cô đơn hiu quạnh xa nhanh
Hai bên chấp nối chúng mình yêu nhau.
Êm đềm mái ấm ngọt ngào
Xứ người nương tựa má đào- nam nhi. ”
Ông Dinh, bà Thanh, tuy sống trong hai phòng cách xa nhau một garage, nhưng là hai kẻ cô đơn, vò võ vào ra một mỉnh. Đời sống tha hương buồn lắm. Bà lớn hơn ông hai tuổi. Câu nói của người xưa” Nhất gái hơn hai, nhì trai hơn một” chàng- nàng xem bộ cũng xứng đôi vừa lứa. Hai người tuy cao niên, nhưng còn khỏe mạnh, phong độ. Ngày xưa bà Vũ Hậu bên Tàu, 80 tuổi, còn thích ái dục. Bà chết trên tay một thanh niên 16 tuổi. Nam đơn, nữ chiếc, sống chung nhà như nam châm hút sắt. Ông Dinh nghe giọng Huế ngọt ngào của chủ nhân, nàng còn nét duyên dáng của thời con gái. Hiệp sĩ Sài Gòn rất là mến mộ người đẹp. Ngày xưa bà nổi danh xinh xắn, giỏi dang, thông minh lanh lợi. Bà có chồng và hai con trai. Ông xã bị bịnh hiểm nghèo, qua đời lúc bà còn trẻ. Sau đó bà gán ghép với ông T. một cựu tù nhân chính trị. Ông này bị vợ bỏ lúc người hùng, Trung Úy Thủy Quân Lục Chiến, Sư Đoàn Trâu Điên nổi danh trong Quân Lực VNCH trước kia, bị tập trung tù cảo tạo. Lúc bấy giờ, hiệp sĩ khôi ngô tuấn tú, gốc Bắc Hà, di cư 1954, cần tiền lập hồ sơ đi Mỹ, theo diện HO và giai nhân Huế, gái hai con còn trông mòn con mắt, thích định cư ở Hoa Kỳ. Vì vậy họ sáp vô cái ào. Sau đó, nàng sanh cho lang quân ba gái. Chàng vốn đào hoa phong nhã đa tình đa cảm. Ông T tánh hay ưa phụ nữ nhất là các cô gái xinh đẹp, và thường được họ ưa lại. Vì thế mới có vấn đề. Bà Lan, vợ chính thức của ông, còn hờn giận ông xã đa thê, đã dẫn con đi Pháp khi ông bị tù cải tạo mút chỉ cà tha. Bà chánh thất xa ông vì ngày xưa ông thiếu thủy chung với bà. Phụ nữ giận dai ghê lắm. Thật vậy, đi đâu, ông cũng có bồ. Hiệp sĩ gốc Bắc Hà quá khôi ngô tuấn tú, lại là sĩ quan nữa. Ra đường, mười cô, hết tám cô mê chàng rồi, dù chàng có vợ. Trong thời chiến, trai thiếu gái thừa. Hơn nữa phụ nữ tâm lý chung, cô nào cũng thích người tình có ngoại hình dễ coi, càng sáng sủa đẹp trai, các nàng càng yêu thương, mến mộ. Bởi vậy, người xưa có câu nói rất hữu lý, còn truyền tụng trong dân gian:
“Chồng xấu chồng minh. Chồng đẹp, chồng người”
Như hàng xóm của bà Lan, có cô Mai, gốc Huế, rất xinh xắn trẻ trung. Trước kia, một giáo sư trung học mê cô, xin hỏi cưới cô làm vợ. Cha mẹ cô ép cô ưng ông ta. Tuy nhiên nước da hiệp sĩ cùng quê ngăm đen. Ông không bảnh trai lắm dù có địa vị và học thức cao trong xã hội. Cô ta tâm sự với bà Lan:
-Da ông đen quá, em sợ. Em thích người tình đẹp trai. Thà xin ăn có nhau, nhưng khôi ngô em cũng bằng lòng.
Cuối cùng, cô bỏ nhà ra đi theo một gã thợ may cao tuổi hơn mình nhiều. Nàng làm vợ bé ông ta. Hai người rũ nhau vào sống ở thành phố Phan Thiết. Giai nhân quê miền Sông Hương Nuí Ngự, chịu làm vợ bé một gã thợ may, cao tuổi hơn mình, nhưng trắng trẻo đẹp trai, hơn là chấp nhận làm vợ chính thức của một giáo sư trung học da ngăm đen. Thật là đặc biệt. Cho hay người đời ai cũng thích người yêu có dung mạo mỹ miều.
“ Em đây chỉ thích đẹp trai
Thông minh học giỏi, em thời tính sau.
Thợ may nhưng mặt bảnh bao
Phòng nhì cũng được, chàng nào khôi ngô.
Ngoại hình chẳng đẹp chi mô
Giáo sư, em cũng mại dô, dọt liền. ”
Xin trở lại việc ông T. Vì là sĩ quan quân lực VNCH, và tướng mạo trắng trẻo đẹp trai. nên nhiều bà mê tít thò lò hiệp sĩ gốc Hà Thành. Hậu quả, nơi nào ông đến phục vụ trong quân đội, ông cũng có bồ nhí và người đẹp có con với ông. Vì có quá nhìều vợ và bà nào cũng có con với ngài quan hai Sư Đoàn Trâu Điên, nên sau này ông mới đau khổ. Lúc ông đi tù cải tạo tập trung tại trại giam XHCN, các bà bái bai người hùng hết trơn. Ông T trở thành cu ki, lao động khổ sai, không ai thăm nuôi, vì thế đói meo, trong các trại tù của kẻ chiến thắng.
“ Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu? “ (Thơ Thế Lữ)
“ Bây giờ rừng thẳm, núi sâu
Mút mùa cải tạo, em nào thăm nuôi?
Đói meo, thê thảm chàng trai
Các nàng trốn hết, ta thời khổ đau.
Cu ki một bóng ủ sầu
Ngày về hiu quạnh, má đào bái bai. ”
Ông T và bà Thanh gán ghép nhau qua Mỹ. Cuối cùng, con em và con chúng ta đến vùng đất hứa. Con anh không có đứa nào chịu đi cả. Ba đứa ở Pháp với mẹ nó. Các đứa khác sống với các bà ở VN, không hề liên lạc với bố nó. Hơn nữa, mẹ chúng còn giận ông, không cho lập hồ sơ theo cha. Ông đã về nước Chúa từ mấy năm qua vì bị bịnh tiều đường, cao máu cũng như có mỡ trong máu. Ông bị stroke và vĩnh biệt trần gian đầy khổ đau cùng hệ lụy thê thảm này.
Hiện tại, hiệp sĩ Dinh, hy vọng người đẹp chủ nhân đang sống hiu quạnh cô đơn cũng thích làm bạn với mình. Bạn già vậy mà. Thực ra hai kẻ cao niên, nên săn sóc, nương tựa nhau, giúp đỡ nhau, an ủi nhau trong tuổi xế chiều, tốt hơn là vào ra phòng không một bóng, nhất là những lúc bịnh đau, buồn bã, chán nản, cô đơn vò võ trong ngôi nhà vắng tanh như Chùa Bà Đanh. Bà Thanh rất mê làm việc lặc vặc những lúc rảnh rang cho đỡ buồn. Bà hay ra ngoài sân hay trước nhà nhổ cỏ dại. Cỏ bông trắng mọc lai rai trên đám cỏ xanh. Bà chịu khó nhổ chúng từng bụi một, bằng cái chỉa hai bằng sắt. Bà làm việc giải sầu vậy mà. Ở không, chẳng làm việc gì buồn chán lắm. Bà thường nói thế với ông Dinh, kẻ share phòng nhà mình. Ông ta cao lớn khỏe mạnh, da trắng trẻo, còn nét tuần tú của thời trai trẻ. Ông tự tin về dung mạo và sức khỏe của mình còn hấp dẫn các bà cao niên đang sống độc thân. Sống là hy vọng. Hy vọng để mà sống. Phải không, kính thưa quý vị?
Hai người thường tâm sự, chia sẻ vui buồn với nhau. Vì ra vô lúc nào cũng đụng nhau. Tình già hy vọng có ngày sẽ xanh biếc. Ông Dinh tin tưởng người đẹp lão niên cũng thích làm bạn với ông trong tuổi xế chiều cho đỡ cô đơn hiu quạnh. “ Gái khôn cho mấy trai dỗ lâu buồn cũng phải xiêu. ” Do đó ông Dinh từ ngày dọn về ở nhà bà Thanh, ông trở nên lạc quan yêu đời hơn. Ông thường mua quà tặng bà chủ. Ộng thường nhìn bà đắm đuối, lồ lộ nét yêu thương cảm mến. Đôi lúc Bà bắt gặp cái nhìn của kẻ tình si mến mộ mình. Bà biết bà còn khỏe mạnh duyên dáng. Bà còn đẹp lão. Bà thẹn thùng cúi đầu. đôi má ửng đỏ như hồi con gái. Ông Dinh thấy vậy, vui mừng hết nói. Hay là ông tưởng tượng chăng? Chừng nào thở ra mà không còn hít vào thì lúc đó con người mới chấm dứt thất tình lục dục “ Hỷ nộ, ai, ái, ố, lạc dục” như Đạo Phật từng nói.
“ Hy vọng để mà sống
Cô đơn, luống tuổi rồi.
Nam- nữ kết thành bạn
Hạnh phúc sống lứa đôi.
Bạn tâm tình, cũng quý
Đỡ quạnh quẽ đơn côi
Săn sóc nhau, nương tựa
Ta vui sống xứ người. ”MINH HIỀN |