BONJOUR VIET NAM-HELLO VIET NAM-XIN CHÀO VIỆT NAM
Đã từ lâu, tôi chẳng còn muốn nghe nhạc Việt Nam nữa. Đơn giản là nhạc hiện đại bây giờ có nhiều bài không hợp “gu” với tôi. Tôi không muốn giải thích tại sao, bởi sẽ có nhiều người “phản pháo” lại tôi, đặc biệt là các bạn trong lứa tuổi thanh thiếu niên, mà bây giờ người ta thường gọi là TEEN. Thôi thì chúng ta cùng đi đến một kết luận chung rằng: Mỗi người tuỳ theo tuổi tác, hoàn cảnh, giới tính và quan điểm mà có sở thích khác nhau, chứ không ai dám tự cho cái của mình là đúng, và cái của người khác là sai.
Thế rồi tình cờ, tôi được nghe bài hát Bonjour Việt Nam trên “You tube” của tác giả Marc Lavoine, do ca sĩ người Bỉ gốc Việt (Vietnamese-Belgian) Phạm Quỳnh Anh thể hiện. Thật tình mà nói, vốn liếng tiếng Pháp của tôi quá “ẹ”, hay can đảm hơn khi cho rằng mình hoàn toàn mù tịt về cái ngôn ngữ của ngài văn hào Victor Hugo này, nhưng tôi biết được từ Bonjourcủa ông Tây có nghĩa là Hello bên English và Xin chào của tiếng Việt Nam. Tuy nhiên, với cái vốn lận lưng quá ít ỏi như vậy đã không giúp tôi hiểu được cái “mô tê” gì về nội dung của bài ca này. Không sao! Bài hát đã cuốn hút tôi từ lần nghe đầu tiên, từ cái giai điệu mượt mà, sâu lắng, đến lời ca mộc mạc nhưng đầy tình cảm, rồi đến cái chất giọng chân phương, mềm mại ngọt ngào, quyến rũ của cô ca sĩ nhỏ nhắn, trẻ trung với khuôn mặt nhân hậu đầy chất Việt. Thêm vào đó cái nền hình ảnh minh hoạ xuất hiện bên cạnh ca sĩ, đã phần nào phản ánh nội dung của bài hát. Quả thật bài hát đã khiến tôi say đắm....
Vài hôm sau, tôi vào lại Youtube thì thấy phiên bản tiếng Anh với tựa đề Hello Việt Nam xuất hiện. Với chút ít kiến thức sơ đẳng về tiếng Anh và Âm nhạc, tôi thấy rất khó để cho ai đó có thể thành công khi chuyển dịch ý từ ngôn ngữ này qua ngôn ngữ khác một cách trọn vẹn, nhất là chuyển dịch thơ ca hoặc bài hát, bởi vì phải lệ thuộc vào vần điệu của thơ ca hay giai điệu của bài nhạc chi phối. Do đó, chắc chắn là có sự suy giảm chút ít về mặt nội dung, nhưng vẫn không sao vì tôi có biết gì về tiếng của chú “gà trống gôloa” đâu.
Phạm Quỳnh Anh, cô bé trình bày bài hát trên, là một người Việt thuần cbủng, vì cả ba và mẹ đều là người Việt 100%. Gia đình di cư qua Bỉ khá lâu, và cô đã khóc chào đời tại Vương Quốc này. Khi lớn lên cô quyết định theo nghề ca hát chuyên nghiệp, và cô cũng có giải thưởng ca nhạc trong sự nghiệp ca hát ban đầu của mình. Sinh tại Bỉ nên Quỳnh Anh chỉ sử dụng thành thạo ngôn ngữ Pháp, và chỉ biết lơ lớ vài câu chữ tiếng mẹ đẻ dành cho trẻ lên hai của quê hương đất Việt mà thôi. Sau khi trình làng bài hát Hello Viêt Nam, Quỳnh Anh đã nhận được sự phản hồi đầy tích cực của thính giả trong nước kể luôn cả những thính giả trẻ tuổi lâu nay vẫn đang ngụp lặn trong dòng nhạc Rock, Dance, Hip Hop hiện đại. Vì thế, khi được mời về quê hương của mình trong năm 2008 Quỳnh Anh đã được chào đón niềm nở. Và tại nơi này, cô đã trình bày lần nữa bài hát bằng tiếng Anh: ”Hello Viêt Nam”
Trong câu mở đầu, cô tự sự rõ là cô chẳng biết gì nhiều về cái đất nước tên là Việt Nam cả, thậm chí ngay cái tên mà chính cô cũng cảm thấy khó khăn khi phát âm. Mặc dù ngay từ khi cô bắt đầu chào đời, cô chắc là được cha mẹ nhắc đến đất nước này, đất nước mà cô đã được cưu mang, vì thế cô đã rất mong muốn được ai đó kể về xứ sở vừa quen thuộc mà vừa lạ lẫm trên
“Tell me all about this name, that is difficult to say
It was given me the day I was born”
Làm sao em biết được quê hương em khi em sinh ra ở trời Âu, hả em? Làm sao em có thể nghe được những câu hò điệu hát của những bà mẹ quê ở Việt Nam này:
“À ơi! ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu treo lắc lẽo gập ghềnh khó đi”
Và làm sao em biết được chuyện ‘Thánh Gióng” ở làng Phù Đổng cưỡi ngựa sắt tiêu diệt giặc Ân, chuyện” bánh chưng bánh dày”, ”sơn tinh thuỷ tinh”.... và rồi làm sao em biết được về lịch sử hình thành của đất nước từ thuở các vị Vua Hùng, cho đến ngày đôc lập hôm nay. Chính vì thế, cô bé gốc Việt đáng thương kia đã phải khát khao được biết rõ ngọn nguồn xứ sở của cô mà cô vẫn đang cảm thấy xa lạ:
“Want to know about the story of the empire of old
My eyes say more of me than what you dare to say”
Ở trời Âu, Quỳnh Anh chỉ tiếp xúc nhiều với những người có mắt xanh, mũi lỏ, tóc vàng; với Bonjour và với Merci, nên đôi khi nhìn lại mình cô bé như cảm thấy có gì cách trở. Vì thế, những khi tư lự một mình, cô thường tự hỏi mình là ai? Sao da mình màu vàng, mắt mình màu đen, rồi mình lại thấp bé, không giống như đa số những người bên cạnh?:
“Tell me all about my colour my hair and my little feet
That have carried me every mile of the way”
Chắc Quỳnh Anh không lạ gì với những toà nhà cao vòi vọi, những lâu đài tráng lệ, những căn hộ hiện đại, những con đường thẳng tắp, những tàu xe bóng lộn trên đường, trên sông. Đơn giản là cô đang ở tại một Vương Quốc thanh bình, giàu có. Nhưng giòng máu Lạc Hồng hẳn đang khơi dậy trong huyết quản của cô, như muốn lôi kéo cô rằng: ”Này cô Quỳnh Anh ơi, cô có bao giờ ngồi trên chiếc xuồng Ba lá để thả hồn trên dòng kênh xanh chưa? Cô có thấy những phiên chợ nổi độc đáo ở quê hương chúng tôi không? Cô có thấy vẻ đẹp thơ mộng khi những tia sáng vàng ươm toả xuống trên những cánh đồng xanh biếc chưa? Những điều đó Quỳnh Anh chưa hề thấy bao giờ, nên cô mong ước:
“Want to see your house, your streets. show me all I do not know
Wooden sampans, floating markets, light of gold”
Cũng như phần lớn những người Việt tha hương khác trên xứ người, hình ảnh quê hương yêu dấu lúc nào cũng ăm ắp trong máu huyết của cô. bởi vì:
“Quê hương là chùm khế ngọt
Cho tôi trèo hái mỗi ngày... ”
(Đỗ Trung Quân)
Quê hương đó là đình làng, đó là cây đa, là bến đò đưa khách sang sông, đó là hàng cau thẳng tắp, hàng dừa xanh tươi; quê hương đó là ngôi chùa làng nho nhỏ, nơi có đức Phật từ bi. Chiều chiều, lắng nghe một hồi chuông, ta như cảm thấy tấm lòng trở nên thanh thản vô cùng. Quê hương, đó là cánh diều lộng gió bay bổng trên trời cao;quê hương, đó là đàn trâu đang thả bộ trên con đê dài, trên lưng là chú bé đang nghêu ngao cất giọng:
“Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ
Ngồi mình trâu phất ngọn cờ lau và miệng hát nghêu ngao... ”
(Em bé quê-Phạm Duy)
Quê hương, đó là cánh đồng mơn mởn đang thì con gái, cùng nhau vẫy tay dưới nắng xuân,. và quê hương, đó chính là nơi những người cùng máu mũ, huyết tộc, bà con xa gần và xóm giềng lân cận đang cùng nắm tay nhau trong tình thân ái.
“And Buddha’s made of stone watch over me
My dreams they lead me through the fields of rice
In prayer, in the light.. I see my kin
I touch my trees, my roots, my begin”
Những hình ảnh trên Quỳnh Anh chưa thấy, hay hoạ chăng cô chỉ có thể thấy trên màn ảnh truyền hình mà thôi. Những hình ảnh, mà qua đó, cô có thể hiểu phần nào về bóng dáng của một nước Việt Nam bé nhỏ nhưng oai hùng đang oằn mình gồng gánh biết bao nhiêu bom đạn trong thời kì chiến tranh.
“Hàng vạn tấn bom trút xuống đầu làng
Cửa nhà Việt Nam cháy đỏ cuối thôn...
(Người già em bé-Trịnh Công Sơn)
Và rồi Phạm Quỳnh Anh đã về Việt Nam. Đến sân bay Tân Sơn Nhất trong bộ cánh đơn giản-áo pull quần jean cùng cặp mắt kính trắng trên sóng mũi cao cao. Cô đã khiến cho bao nhiêu người hâm mộ ra đón tại phi cảng phải ngỡ ngàng và mến phục. Giờ đây, ước mơ của Quỳnh Anh đã trở thành hiện thực. Đó là cô đã đang đứng trên đất nước thân yêu mà cô đã hằng mong ước để được nói: ”Xin chào Việt Nam”
“One day I touch your soil
One day I’ll finally know my soul
One day I come to you
To say hello việt nam... ”
SG, 22/1/2009
Long HữuLONG HỮU |