Gửi: Mon Nov 19, 2012 5:04 am Tiêu đề: Chùm sao “ Tiểu Bắc Đẩu”
Chùm sao “ Tiểu Bắc Đẩu”
Trần Hữu Sơn
Năm ấy, mùa hè 1964, vừa lấy xong bằng Tú Tài I, tôi được thằng bạn giới thiệu dạy kèm hai đứa con của ông chủ tiệm Phở Hai Chùa.
Thật là may cho tôi. Đang lúc gia đình túng thiếu, chưa biết phải lo bằng cách nào để cho tôi tiếp tục học một năm nữa cho hết bậc Trung Học, tình cờ được thằng bạn tốt bụng giới thiệu cho tôi một công việc, trông ra rất thích hợp với tôi.
Thằng bạn cùng quê, cùng tuổi, cùng học chung mấy năm tại trường tiểu học, tên Sĩ – Đặng Ngọc Sĩ - con bà Đúng bán quán tạp hóa ở đầu làng Quãng Hội.
Nhớ năm xưa thi vào trường Trung Học Võ Tánh niên khóa 1958 – 1959, làng tôi có 7 cậu con trai đồng lứa, lều chỏng ra đi. Năm thằng vinh quy, tiếp tục theo học Võ Tánh; hai thằng trợt vỏ, về lại quê nhà.
Sĩ là một trong 5 thằng học trò giỏi, còn lại hai thằng học dỡ nhất , trong đó có tôi.
Tôi lục đục theo sau, vất vã bò qua ngã Trần Bình Trọng Ninh Hòa, rồi len lén chun cửa sau vào Vỏ Tánh. Hè 1965 tôi hớn hở, chính thức qua cửa trước bước ra khỏi trường. Cuối cùng sau khi hội tụ tại Nha Trang vài năm sau hai thằng đụng mặt ở Sài Gòn..
Sĩ có dáng cao ráo, hào hoa, tao nhã. Qua khỏi bậc trung học đệ nhất cấp, Sĩ vào lớp Đệ Tam, chọn ban C làm hướng đi cho tương lai. Đúng “gu” của Sĩ.
Thuở đó, vào những năm 1963, 1964, trong lúc tình hình chính trị ở bên ngoài đang rối ben …thi bên trong sân trường Võ Tánh, học trò cũng như các Thầy Cô ồn ào bàn tán với nhau về sự xuất hiện của một tập thơ do một cậu học trò lớp Đệ Nhị C xuất bản. Người ta xôn xao to nhỏ, không những chỉ vì khi nghe đến cái tựa đề của tập thơ nhiễm mùi “nhạy cảm chính trị”, lại được trình làng giữa lúc hỗn quan hỗn quân của nền chính trị miền Nam lúc bấy giờ, mà còn chính là do cái bút hiệu nghe rất là “ ma quái “ của cậu học trò xứ Quãng.
Tập thơ “ Nỗi Buồn Nhược Tiểu “, tác giả “ Sương Biên Thùy”.
Là thằng con trai nhà quê mới lên tỉnh, vừa nhút nhát, lại vừa mù tịt về văn chương thơ phú,…cho nên khi thấy thằng Sĩ đem tập thơ đến cho coi, tôi vừa lo, vừa khâm phục. Lo, vì chỉ cần nghe nói cái gì có dính líu đến chính trị, cho dù chỉ là tựa đề của một tập thơ, tôi cũng sợ. Kinh nghiệm của những ngày tháng đầu về trọ học ở Rọc Rau Muống, vẫn còn lưu lại trong tôi. Lúc đó, cạnh nhà trọ của chúng tôi ở xóm Hà Thanh, nơi người ta ướp cá, ép thành nước mấm, có một gia đình ông thầu khoán, gốc người Huế. Hai cô con gái của ông là hai nữ sinh của trường Nữ Trung Học Nha Trang. Cô Ky Chị và cô Ky Em - . Ông thầu khoán theo đạo Phật, hai cô con gái của ông sinh hoạt rất hăng say trong gia đình Phật Tử. Theo phong trào Phật Giáo lúc bấy giờ, hai cô thường xuyên tham gia vào các cuộc biểu tình chống chính quyền Ngô Đình Diệm vào những ngày giữa năm 1963. Cảnh sát thường xuyên đến nhà tìm bắt, đều tra, đôi khi còn qua nhà trọ của chúng tôi tìm kiếm, hạch hỏi, làm khó dễ vì thấy chúng tôi cũng cùng lớp tuổi học trò với hai chị em nhà kia.…Hình ảnh đó cứ ám ảnh, nên tôi rất sợ.. Mặt khác, khi nhìn thấy bạn của Sĩ cũng là một cậu học trò như tôi mà có thể làm một tập thơ in ấn hẳn hoi như vậy, thì quả là đáng phục sát đất. Giỏi thiệt.
Sĩ là một trong những cột trụ trong nhóm báo chí của lớp và cũng có tên trong Ban Biên tập của tờ báo trường Võ Tánh lúc bấy giờ. Sĩ cũng ngon lành lắm. Bạn của Sĩ lấy bút hiệu là Sương Biên Thùy, Sĩ cũng chẳng chịu nhịn thua bạn mình. Sĩ lục lạo tìm một bút hiệu sao cho ngang ngửa với bạn mình. “Tiểu Bắc Đẩu”- đó là bút hiệu của Đặng Ngọc Sĩ.
Nghe “ kêu” quá!
Một đằng là “Sương Biên Thùy”, đằng kia “ Tiểu Bắc Đẩu”. Chẳng anh chàng nào chịu thua anh chàng nào! Cứ tưởng như ở một nơi nào đó xa lắc xa lơ, mờ mờ ảo ảo. Đúng là dân ban C, lúc nào cũng văn hoa ,…không giống ai.
Làm báo viết văn ở cái tuổi học trò, thì …rất dễ “cua” các em. Các em thích được nghe các câu nói văn vẻ ngọt ngào chứ không chịu nghe mấy thằng con trai cộc lốc, suốt ngày nhìn mặt chỉ thấy mấy con số khô cằn trên trán,..Mấy đứa bạn thường nói như vậy. Trong lòng, tôi cũng muốn tìm quen các em để cập bồ, có bạn gái dợt le với người ta,….nhưng vì không có cái năng khiếu văn hoa và không có cái dáng dấp thư sinh trời cho, cho nên tôi cứ xách xe không, đạp suốt ngày muốn rã cái chân. Trái lại, với vóc dáng cao ráo, da mặt trắng trẻo thư sinh, mái tóc bồng bền như mây chiều trôi,.. Sĩ chiếm được trái tim của nhiều nữ sinh . Cùng lớp cũng có, cùng trường cũng có, mà cả các cô khác trường nữa, thế mới “ hách” chứ. Sĩ rất đa tình. Sĩ có nhiều “ đào”. Nào là Lê Thị Hồng N. lớp đệ tam, Nguyễn thị Minh H. lớp đệ nhị,…nào Đào thị Thanh S. lớp đệ nhất,…Đã quá!
Tôi ấm ức ghen thầm với Sĩ. Đôi lúc tôi tự trách mình sao “ quê một cục”. Nhưng biết làm sao hơn khi trời đã sinh ra như vậy.
Trái với tính hơn thua nhỏ mọn của tôi, Sĩ rất là “ người lớn ”. Sĩ luôn luôn tốt với tôi. Sĩ tìm cách giúp tôi, tìm cho tôi một chỗ dạy kèm kiếm thêm chút tiền trong thời gian đi học.
Lúc bấy giờ Sĩ có cô bạn rất thân, nếu không muốn nói là cô bồ số 1 của Sĩ, cùng ban C. Cô S. Một cô bé Bắc Kỳ. Nhìn tấm hình cô ta tặng cho Sĩ và Sĩ đem khoe, tôi thấy cô bé Bắc Kỳ này không nho nhỏ đâu, nhưng cô có cái răng khểnh rất có duyên. Nhà cô S. ở ngay phía sau nhà của ông chủ tiệm phở Hai Chùa. Ông chủ tiệm có hai đứa con. Một đứa trai vừa lên trung học, một cô con gái đang học lớp nhất, tiểu học. Ông chủ nhờ cô S. dạy kèm, nhưng vì cô học ban C, ngại toán, nên nhờ Sĩ. Sĩ cũng lo lo nên cố tìm người khác giới thiệu. May quá Sĩ nhớ đến tôi.
Sĩ nói với tôi, chỗ dạy kèm này ngon lành lắm Sơn ạ. Mày tha hồ mà ăn phở. Phở Hai Chùa mà Sơn, mày nghe tiếng chưa? Tôi chưng hửng chẳng biết trả lời ra sao; Bởi vì lúc bấy giờ nghèo muốn chết, làm gì có tiền mà đi ăn phở để còn thưởng thức phân biệt, ngon hay dỡ. Tôi ầm ừ, trả lời không ra tiếng.
Một buổi chiều cuối tuần, “ Tiểu Bắc Đẩu “ ăn mặc chững chạc, đưa tôi đến giới thiệu với ông chủ quán phở Hai Chùa. Ông chủ tiệm phở niềm nỡ tiếp tôi và đem hai đứa con ra giới thiệu.
Quán phở của ông không có bản tên, nhưng hầu như dân Nha Trang, người nào cũng biết.
Phở Hai Chùa. Cái tên cũng là lạ. Hai Chùa là cái tên của con đường tương đối ngắn, cắt ngang ba con đường chính của thành phố Nha trang. Tuy ngắn nhưng con đường cũng để lại không ít dấu vết mà một người nào đó đã đi qua một lần, khó mà quên được..
Nếu đã từng thưởng thức món xôi gà Nha Trang thì không thể nào không ghé chân đến quán xôi gà đường Hai Chùa. Mỗi buổi sáng quán được dọn trên lề ở đầu đường Hai Chùa, góc đường Trần Quý Cáp. Các hột nếp được nấu vừa mọng chín và mường mượt lớp mỡ gà, vừa đủ làm say mê các tế bào vị giác của lưỡi. Các miếng thịt gà được xắt vừa đủ mỏng để còn giữ lại lớp da vàng ong ánh, bóng lưởng, thơm phức, mời mọc.
Nếu đã từng …mê các em nữ sinh trường Nữ Trung Học Nha Trang thì khó mà bỏ qua cô bé, cũng lại Bắc Kỳ, lần này đúng là nho nhỏ, với mái tóc có lẽ được chăm sóc hằng ngày, cho nên nằm rất lẳng lơ ngang vai. Chiều nào, khi đến tiệm phở dạy kèm, tôi cũng nhìn thấy cô ta. Tay cầm tập sách, cô ta thơ thẩn qua lại trước hành lang căn nhà, nằm phía bên kia, đối diện với tiệm Phở Hai Chùa. Không biết cô có nhìn thấy tôi hay không, hay có để ý đến tôi không, nhưng tôi tin rằng cô bé đang chờ ai đó, đi ngang qua….
Con đường Hai Chùa khởi đi từ khỏang giữa của đường Trần Quý Cáp, kéo dài tạo thành ngã tư với đường Độc Lập ở phần nằm sát góc rạp xine Tân Tân, và rồi chắn ngang qua đường Hoàng Tử Cảnh.
Có lẽ vì nằm trên đường Hai Chùa, cho nên tiệm phở của ông ta lúc ban đầu không tên, về sau trở thành cái tên nổi tiếng: Phở Hai Chùa.
Kể từ ngày đến dạy cho hai đứa con của ông, chiều nào sau khi dạy xong, ông cũng cho người giúp việc làm cho tôi một tô phở. Ăn đã đời! Ngày đầu mê quá. Ngày thứ hai ngon lành! Ngày thứ ba, cũng còn khoái. Nhưng ăn phở mãi,…riết rồi cũng phát ớn.!!!.
Ông chủ tiệm phở gặp thời. Sáng trưa chiều tối, tiệm phở của ông lúc nào cũng đông khách. Người ta đến ăn rồi truyền miệng, đồn nhau. Phở Hai Chùa ngon lắm, nhất là nước béo và mấy cục xương “ xíu quách “.
Vâng nước xúp và mấy cục “ xíu quach “ của Phở Hai Chùa.
Những lúc rảnh rỗi, ông thường trò chuyện với tôi. Ông kể cho tôi sơ qua về bí quyết thành công của ông. Ông hầm thịt xương liên tục từ sáng đến chiều. Để nêm một thùng thịt hầm như vậy, ông pha vào đó một bao bột trắng mà ông gọi là đường hóa học. Loại đường này rất đắc, ông nói thế. Chính nhờ bao bột trắng đó mà nước xúp phở của ông mới ngọt, làm vừa miệng thực khách. Về sau tôi mới biết đó là bao bột ngọt.
Nhưng món chính của tiệm phở Hai Chùa vẫn là mấy cục xương “ xíu quách”.
Ông đặt mua xương từ lò heo nằm phía sau đình Sinh Trung, cạnh bên xe Ninh Hòa- Nha Trang. Ông hầm xương cho rục. Xong rồi ông vớt xương ra, dành riêng các cục xương “xíu quách “ này cho khách hàng đặc biệt hằng ngày của ông. Đó là những người phu xích lô, xe ba gác.
Theo ông, chính người phu xe xich lô, xe ba gác là những người đã dùng sức lực của mình quá nhiều. Họ cần tẩm bổ bằng các ống xương tủy, các giò sụn, gân…để lấy lại sức lực cho ngày mai , tiếp tục đổ mồ hôi ra kiếm tiền nuôi sống cho chính mình và cho gia đình.
Mỗi ngày vào lúc xế trưa, vào khoảng hai giờ rưởi hay ba giờ chiều, các phu xích lô, ba gác tụ họp trước sân tiệm phở. Ông chủ tiệm để dành sẳn các tô thật to, đầy ấp các khúc xương được hầm mềm rịu. Họ nhậu với bia ba mươi ba, bia lớn con cọp, hút thuốc rê phì phà trò chuyện,… để quên đi những cuốc xe nặng trĩu, cong mình, hì hà hì hạch trong cái nắng cháy da . Nhiều phu xích lô chưa chạy được chuyến nào, không đủ tiền trả, cũng vào ăn. Ông dễ dãi cho họ thiếu nợ, cho họ ghi sổ. Thế nên, thực khách tin tưởng ở ông. Tiệm phở mỗi lúc một thêm đông khách hàng, nhất là giới lao động tay chân.
Ông phát tài thấy rõ. Ông mua thêm hai căn phố lớn ở bên cạnh. Ông giao cho tôi một cái phòng rộng lớn trên tầng lầu thứ ba, nơi vừa làm phòng học dạy học hai con ông và cũng là nơi tôi đến ngủ qua đêm vào những ngày mùa đông lụt lội, nước ngập cả xóm Hà Thanh.
Những ngày cuối năm học, vì lo chuẩn bị cho kỳ thi, tôi không còn thường xuyên đến tịệm phở dạy kèm nữa. Cô bé Bắc Kỳ nho nhỏ ở bên kia đường, dường như cũng không còn thiết tha ra đứng trước hành lang. Rồi câu chuyện cô bé Bắc Kỳ với chiếc răng khểnh ở sau quán phở cũng không còn được Sĩ kể cho tôi nghe nhiều như trước.
Những ngày nắng hạ của thành phố biển xanh cát trắng, qua mau.
Tôi theo đám học trò vui đầu vào sách vở, rồi cùng nhau vội vàng từ giã mái trường xưa, khu nhà trọ cũ, thành phố thân thương để đi tìm đến một tương lai mới, ở một nơi xa lạ.
Cuối năm 1968, tình cờ tôi gặp lại Sĩ ở Sài Gòn. Sĩ vẫn như xưa. Đa tình và lắm đào.
Sĩ đang chuẩn bị tài liệu cho kỳ thi môn Triết Đông. Vì biết tôi sắp về Vạn Giã, Sĩ nhờ tôi mang tài liệu này ghé qua Nha Trang trao cho cô bạn học cùng phân khoa. Người tình mới của Sĩ. Cô H. nhà ở trên núi gần tượng đài Đức Phật.
H. có vóc dáng nho nhỏ, thanh thanh. Với giọng Huế lai lai, H nói nhỏ nhẹ và ngọt ngào. H thích thú khi nhận món quà, tập “ cua Triết Đông “ của Sĩ gởi. H đang cần để chuẩn bị cho kỳ thi. H châm chú mân mê tập cua in roneo của Sĩ gởi cứ như chính tay mình đụng vào da thịt của Sĩ,…đến nỗi quên cả người đứng trước mặt ..
***
Tháng 6 năm 1977 theo lệnh phóng thích, tôi trở về làng cũ sau hai năm nằm trong rừng Katum – Tây Ninh để gọi là “ cải tạo”.
Sĩ ngồi đó, trắng đen, trên bàn thờ, trong khuôn hình thật khiêm nhường, có kích thước không quá bàn tay.
Bà Đúng, mẹ của Sĩ đầu tóc bạc phơ, nhìn tôi đứng trước tấm hình của Sĩ, lặng thinh.
Tôi nghe người ta nói, bà không còn tự hào với thằng con trai của bà như trước năm 75 nữa. Tôi không dám hỏi thêm vì biết thân phận “ cá chậu chim lồng “ sau hai năm cải tạo được gọi là “dung tha” về quê làm ăn.
Sau Tết Mậu Thân, chương trình thi cuối năm của bất kỳ phân khoa nào cũng trở nên, hay nói rõ hơn, được lịnh phải làm “ khó “ hơn. Gần như hơn một nửa sinh viên của các phân khoa như Luật, Văn Khoa, Khoa học,…đều bị bắt buộc phải đánh rớt.
Chàng thư sinh “ Tiểu Bắc Đẩu “ nằm trong con số này, đành phải tạm gác bút nghiêng, theo việc kiếm cung.
Sĩ vào Thủ Đức đầu năm 69. Cuối năm ra trường, Sĩ được đưa vào binh chủng Thủy Quân Lục Chiến. Nghe đâu không lâu sau đó, trong một trận giao chiến rất ngắn , tại Vùng Sình Lầy Miền Tây, Sĩ bị trọng thương rồi vĩnh viễn từ giã bạn bè.
Không ai kể cho tôi nghe, hôm đám tang của Sĩ có cô H. cô S. Cô N. hay cô nào đó mặc chiếc áo đen chen lẫn trong đám người thầm lặng trên đường ra nghĩa địa hay không?
****
Những ngày còn lại ở quê nhà, tôi có đi ngang qua con đường Hai Chùa và ghé lại thăm ông bà chủ quán phở.
Con đường Hai Chùa vẫn còn đó, nhưng quán phở Hai Chùa đã mất hẵn dấu vết huy hoàng của ngày xưa.
Ông chủ tiệm phở người Quãng Bình đã ra đi sau cơn bịnh gan mẫn tính. Bà chủ tiệm phở ở lại, già hẵn, hằng ngày trông giữ mấy đứa con của thằng con trai. Lúc nhúc, vừa bà vừa cháu vừa đứa con dâu, sống chật chội trong căn nhà mà trước kia là tiệm phở. Hai dãy nhà đồ sộ năm nao, nay đã bị tịch thu. Ông bà chủ tiệm phở ngày xưa với nhà cửa bao la, nay trắng tay. Thằng con trai, tên Xuân, học trò cũ của tôi đang nằm trong trại cải huấn ở Đồng Trăng, nghe nói vì cái tội hút sách hay giựt dọc gì đó.
Cô bé Bắc Kỳ có chiếc răng khểnh ở phía sau Tiệm Phở biệt tâm.
Và cô bé Bắc Kỳ nho nhỏ ở phía bên kia đường , đối diện với tiệm phở, theo lời bà chủ tiệm phở Hai Chùa, đã cùng gia đình bay đi Mỹ vào những ngày cuối tháng tư.
Mùa hè năm 1964 Sĩ với tôi hớn hở đến tiệm phở Hai Chùa vào những ngày rực nắng của thời học sinh. Có cô bé Bắc Kỳ răng khểnh phía sau quán phở vui vẻ vẫy tay chào và có cô bé Bắc Kỳ nho nhỏ ở bên kia đường cầm tập sách, che mặt thập thò trước hành lang.
Mười ba năm sau, năm 1979, trước khi ra khơi, một mình tôi xơ xác, bơ vơ, âm thầm trở lại con đường Hai Chùa,.
Hành lang vẫn còn đó nhưng cố bé Bắc Kỳ đã bay xa;
Phía sau tiệm phở vẫn còn con đường nhỏ vẫn vào căn nhà xưa, nhưng không còn thấy cố bé nào có chiếc răng khểnh dễ thương như ngày trước.
Cục xương của tiệm phở cũng đã hết “xíu quách “….
***
Tôi bước ra ngoài.
Trời đã về chiều.
Ngẩng đầu ngước nhìn lên cao, trong cái bao la của vũ trụ một màu xanh thẩm, tôi cố tìm đâu đó hình thể của một chùm sao nhỏ, một chùm sao “ Tiểu Bắc Đẩu “, để nhắn đôi lời, rằng Sĩ, Sĩ ơi, thôi hết rồi, ngày xưa nay còn đâu!
Bạn không có quyền gửi bài viết Bạn không có quyền trả lời bài viết Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn Bạn không có quyền tham gia bầu chọn