Cuối cùng giây phút tôi chờ đợi suốt ba năm nay rồi cũng dến. Lát nữa đây tôi sẽ đối diện với người căm ghét tôi nhất trên đời. Mạ tôi.
Giờ nầy chắc mọi người đã thức dậy. Họ còn phải vệ sinh cá nhân, tập thể dục và ăn sáng. Tôi được thông báo như vậy. Đó là lịch sinh hoạt của nhà dưỡng lão cao cấp này.
Ngày tôi bị vướng vào vòng lao lý, nhà cửa và tài sản bị tịch biên, tôi bị vô tù, vợ tôi đã quyết định gửi bà vô đây, nói dối với bà rằng tôi “phải đi công tác xa một thời gian, mạ tạm ở đây vài bửa rồi tụi con sẽ tới đón mạ về. ”
Những ngày sống với vợ chồng tôi ở Sài gòn, mạ tôi lúc nào cũng im lặng. Bà thường ra ngồi một mình sau vườn, hướng mắt về phía chân trời xa xăm. Chắc là nhớ nhà lắm. Khi mở miệng ra là chỉ để lập lại mỗi một câu: “ Mua vé cho mạ ra, mạ hết đau rồi. ” Trong đầu tôi câu nói đó chẳng khác nào một lời trách móc: “Răng đem mạ đi đày chi vô hậu rứa. ”
Tôi là con trai một trong gia đình. Trời đất run rủi tôi theo bạn bè vô Sài gòn tìm cơ hội tiến thân, và tôi đã thành đạt nhanh đến không ngờ. Tôi bàn với vợ đưa mạ vô Sài gòn để mạ được sung sướng những ngày cuối đời. Khi tôi về thăm nhà và nói lên ý định, mạ chép miệng, thở dài: “Tui không quen ở nhà lầu. ” Chỉ một lần bị bệnh nặng (có lẽ do hút thuốc quá nhiều), bà mới miễm cưỡng vô Sài gòn để chạy chữa. Tôi có ý giữ mạ ở lại luôn, nại cớ bệnh chưa lành hẳn, cần phải theo dõi, tái khám nhiều lần.
Lúc đầu tôi tính đưa bà chị chưa chồng vô ở với mạ cho có bạn. Ở ngoài quê, quanh quẩn chỉ hai mẹ con, với mấy con gà, một cặp heo và một con chó mực. Ở nơi xa mà nghĩ đến cảnh nhà quạnh hiu đó tôi không yên lòng làm ăn. Thuyết phục mạ đã khó, mà dụ dỗ chị tôi rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn không phải chuyện dễ. Trong vườn có hai ngôi mộ, một của cha tôi, mộ kia của anh cả tôi, chết bệnh thương hàn lúc còn nhỏ. Ngoài cái lý do mồ mã thiêng liêng, người đàn ông góa vợ cạnh nhà cũng là một lý do khác níu chân chị tôi ở lại.
Trong công việc kinh doanh tôi yêu những con số, nhưng con số thì rất vô tình. Chúng mang hạnh phúc cho người này, và bất hạnh cho kẻ khác. Những con số không minh bạch đã bắt tôi trả một cái giá khá đắt. Đó là quy luật của trò chơi. Những ngày trong tù, lạ thật, tôi không mảy may quan tâm đến chuyện danh lợi. Mạ đã chiếm hết lo nghĩ của tôi. Tôi đã có đủ thì giờ suy tính, sắp đặt lại chuyện gia đình. Cuối cùng tôi quyết định đưa mạ về lại ngoài quê, vì đó là nơi mạ sống an vui. Tôi biết mạ oán hận tôi lắm.
Tôi sốt ruột mong gặp mặt mạ tôi. Tôi sẽ nói hết cho bà biết. Thực tình tôi đã cố giữ bà ở lại vì không muốn bà trở về nơi tối tăm ẩm thấp ấy. Tôi sẽ nhận tội nói dối đi công tác xa, đưa bà vô đây ở tạm mấy ngày. Mấy ngày mà đã ba năm. Ba năm sống một nơi xa lạ, không quen cái ăn, không quen chỗ ngũ, không quen cả mùi nước hoa ngột ngạt của người thành phố xa hoa. Tôi biêt mạ khổ lắm. Bà cũng đi tù vì tôi.
Tôi sẽ đưa mạ về nhà, chỗ ở tạm của tôi, và vài hôm sau khi bà đã khỏe hẳn tôi sẽ đưa mạ ra. Tôi hình dung lúc mạ bước chân vô nhà. Để khỏi té ngã vì xúc động, mạ sẽ vịn bàn tay khẳng khiu vào cái cột nhà dính đầy tàn thuốc con sâu. Mạ có thói quen lúc nào cũng ngậm điếu thuốc cẩm lệ dù nó đã tắt ngúm, khi chợt nhớ ra thì lấy dán lên cột nhà. Mạ sẽ tới ngồi trên tấm phản lấy thuốc ra vấn. Ít khi thấy mạ ăn, chỉ thấy bà hút thuốc. Phản là hai tấm ván dày và nặng, hai đầu đặt trên hai con ngựa gỗ, sát cửa sổ nhìn ra mấy bụi chuối sau vườn. Đó là chỗ tôi nằm ngủ với cha ngày còn nhỏ.
Vấn xong điếu thuốc, mạ sẽ lấy chiếc nón lá đã sờn đội lên đầu rồi te te đi ra ngỏ. Chỉ lát sau đã nách về cái trẹt có mấy con cá nục béo ngậy và mớ bún tươi gói trong miếng lá chuối xanh. Cạnh lu nước có mấy cây ớt. Thế nào cũng có vài trái ớt đỏ tươi vô nằm chung với cá và thịt heo nạc trong cái trách đất đen ngòm. Cái bếp chụm bằng mấy cành nè hoặc rơm khô cháy hoãng như đốt đồ mã. Khi mọi thứ đã sẳn sàng, bà bốc bún bỏ ra cái đọi, múc cá ra một cái đọi khác, rồi âu yếm bảo tôi:
“Ăn đi cho nóng. ”. Bà biết đó là món ruột của tôi. Thằng con đã tóc muối tiêu mà lúc nào bà cũng xem như đứa con bé bỏng ngày nào.
Lòng tôi tràn ngập hân hoan khi nghĩ đến giây phút được trãi lòng minh oan và trả lại niềm vui cho mạ. Tôi đã hình dung ra cảnh hai mạ con ngồi bên nhau trên chuyến tàu suốt về quê. Tui sẽ không ngũ, suốt đêm ngồi bên mạ, ngắm kỹ từng nét nhăn, từng sợi tóc bạc đổ xuống trên những buồn phiền do tôi gây nên.
Đang để hồn đi lạc theo những suy nghĩ mông lung, chợt tiếng người làm tôi gật mình “Mời ông theo tôi. ” Cô nhân viên dẫn tôi đi qua hai dãy hành lang im vắng rồi rẽ vào cái sân rộng bên trong. Những chiếc ghế ngồi vừa thấp, lưng ngã ra sau chào mời, dưới mái che bằng nhựa màu xanh mát mắt; những lối đi lát gạch dọc theo những thảm cỏ, cây xanh. Chỗ nào cũng sạch sẽ, ngăn nắp, ánh sáng chan hòa. Từ xa, cuối dãy hành lang tôi đã nhận ra một người già trên xe lăn, có người đẩy ra sân phơi nắng. Một nhân viên khác đang dìu đỡ một ông cụ xiêu vẹo bước đi. Đằng nầy mấy bà già đang ngồi trò chuyện với nhau. Một không gian thật yên tỉnh. Đúng là một nơi lý tưởng dành cho người già giàu có.
Càng tới gần tôi càng hồi hộp, không biết mạ mình ra sao. Khi đến trước phòng khách, cô nhân viên dừng lại, chỉ vào trong: “Mời ông. ”
Trước mắt tôi là một bà cụ lưng hơi còng ngồi một mình nhìn bâng quơ ra ngoài sân. Tôi run lên vì mừng. Tôi không ngờ mạ vẫn bình yên. Chỉ khác đi là cái lưng không còn thẳng và tóc bà đã cắt ngắn, không còn đủ để búi thành cái lọn củ tỏi như ngày nào. Ba năm rồi còn gì. Tôi tự nhủ thầm. Trẻ con và người gìa thay đổi nhanh lắm. Tôi nhè nhẹ đến ngồi sát bên. “Mạ”. Bật ra được tiếng kêu đó từ đáy lòng tôi sung sướng đến chảy nước mắt. Tôi cầm tay bà, mân mê, lật qua lật lại xem cho kỹ những vết đồi mồi như ngày còn nhỏ tôi từng ngắm nghía rất lâu mấy viên bi chai mạ mua ngoài chợ huyện đem về. Tôi cúi xuống ngắm nhìn cho kỹ khuôn mặt nhăn nheo. Tôi nắn nhẹ lên vai, cánh tay, lên đùi. Bà vẫn ngồi yên, không phản ứng. Dưới lớp vải mỏng đó chỉ còn những ống xương khô. Tôi thấy lòng mình se thắt và hối hận.
Tôi hỏi dồn dập: “ Mạ ăn được không? Mại ngủ được không? Mạ có thèm thuốc không? Mạ nuốt còn đau trong cổ không? Đêm ngủ có đau nhức trong người không?
Con biết con làm mạ khổ, nhưng mạ thương thì mạ hiểu cho con. Vì công việc làm ăn nên con phải đi xa một thời gian. Không ngờ lâu như rứa. Thực tình con không muốn gửi mạ vô đây. Không chỗ mô bằng nhà mình cả. Sáng nay con tới đón mạ về, nghỉ ngơi vài bửa cho khỏe, rồi hai mạ con mình ra. Con đã tính như vậy. ” Tôi nói rất nhiều, như trong cơn mê sảng, cố biện minh cho lòng được thanh thản. Tôi không dàm thuyết phục vì tôi biết rõ tính mạ, khó mà lay chuyển bà mỗi khi bà đã quyết định điều gì. Trong khi tôi thao thao phân trần mạ vẫn ngồi yên như pho tượng, không nhúc nhích, không biểu lộ mãy may vui buồn, hờn giận.
Cuối cùng, sau một giây im lặng, khi mọi lời biện bạch của tôi đã lắng xuống, tôi nhìn thẳng vào mắt bà năn nỉ: ” Thôi mình về, mạ nghe” và tôi ra dấu cho gọi cô nhân viên đến làm các thủ tục cần thiết. Chợt mạ đứng dậy, mắt vẫn nhìn vào khoảng không, lẩm bẩm như chỉ để một mình nghe: “Ông lầm người rồi. Tui không có con. ”
Và bà quay lưng lửng thửng bỏ đi. Tôi sửng sờ, tim đập mạnh muốn ngộp thở. Chuyện xãy ra đột ngột bất ngờ, làm tôi tê cứng cả người, chỉ còn biết nhìn theo và nấc lên một tiếng “Mạ! ” nghẹn ngào trong cổ.
Ngay lúc ấy, một cô nhân viên đi vào và đặt xuống bàn trước mặt tôi một bì thư đã ố màu. Trước khi quay gót, cô nhỏ nhẹ:
- Chúng tôi rất lấy làm tiếc về việc này. Nó xãy ra ngoài ý muốn của mọi người. Mong ông thông cảm cho..
Tôi cầm bì thư lên lật trước lật sau. Người gửi là “ Trung Tâm chăm sóc người cao tuổi Thành Phố”, người nhận là tôi, đầy đủ họ tên, số nhà, đường phố. Tem và dấu bưu điện còn in ngày gửi. Tôi liếc mắt đọc dòng chữ nguệch ngoạc viết chéo ở góc: bì thư” Người nhận không còn ở địa chỉ này. Trả lại người gửi. ” Sau lưng mép hồ dán vẫn còn nguyên vẹn, nghĩa là từ khi gửi đi đến khi bị trả về không ai đụng tay vào. Một nỗi lo sợ hoang mang chợt làm tôi run cả người lên. Tội bóc vội bì thư để được biêt ngay cái bí mật đã cất dấu lâu ngày trong đó. “ Chúng tôi xin thông báo ông bà biết cụ bà Nguyễn thị Đa, đã bỏ trốn khỏi Trung Tâm ngay sau ngày bà đến. Chúng tôi có gọi điện cho ông bà nhiều lần nhưng không thể liên lạc được. Nhân viên chúng tôi tìm đến thấy nhà khóa chặt trong ngoài. Chúng tôi mong sự hợp tác của gia đình để cùng chúng tôi chung sức tìm kiếm, sớm đưa cụ trở về. Hy vọng cụ chỉ ra đường và đi lạc đâu đó không xa.... ”
Tôi nhẫm lại: Đi lạc đâu đó... Ba năm. Mạ ơi! Trước mắt tôi mọi thứ đã bị nhòe đi, chỉ chờ sụp đổ. CẦU ĐẤT
Saigon mùa Vu Lan, 2012. |