TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Những Trang Nhật Ký Buồn
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Những Trang Nhật Ký Buồn

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
thinhdang



Ngày tham gia: 20 Apr 2011
Số bài: 2022

Bài gửiGửi: Mon Sep 24, 2012 6:40 pm    Tiêu đề: Những Trang Nhật Ký Buồn
Tác Giả: Thanh Thương Hoàng




Ông Nhà văn già sống bằng tiền trợ cấp xã hội, không họ hàng  ruột thịt không bạn bè thân thích, sống cô đơn nơi xứ người chẳng khác gì một nhà sư tu hành thủa xưa. Ông gạt bỏ hết mọi sự đời để sống an phận trong cái tuổi xế bóng hoàng hôn. Ông ít đi lại chốn phố phường, suốt ngày đêm chỉ quanh quẩn trong căn nhà thuê nhỏ với một con Vẹt.

Sau mấy năm dạy tiếng người nó chỉ nói được một câu duy nhất:

“Cuộc đời này buồn lắm ông ơi!”.

Cứ mỗi buổi sáng thức dậy nhìn thấy ông là nó lại thốt lên câu nói thuộc lòng đó.

Có người quen đến chơi nó cũng chào khách bằng câu đó.

Câu này ông không dạy nó, chỉ là câu nói chơi của mấy người bạn tới  thăm ông, không ngờ con Vẹt lại học thuộc lòng.

Ông muốn dậy nó nói câu:

“Cuộc đời này vui và đáng sống lắm ông ơi” nhưng nó nhất định không chịu nói theo. Mặc dầu trong lòng ông Nhà văn già muốn xua đuổi tất cả hỉ nộ ái ố ra khỏi cuộc đời để hòa nhập lòng mình vào với cỏ cây hoa lá trăng sao đất trời.

Đời nay còn có mấy ai nhìn trăng sao mà phơi trải lòng mình?

Nhưng rồi ông Nhà văn già với những mong muốn nhỏ nhoi như thế cũng không được yên. Một hôm có ông Nhà báo tới cố tình lôi kéo ông đi dự buổi tiếp tân.

Ông này tưởng làm thế để ông Nhà văn già đỡ buồn nhưng ông có biết đâu mình đã làm một việc ép buộc người khác.

Thiện chí không đúng lúc nhiều khi trở thành tệ hại! Nể lời, ông Nhà văn già bất đắc dĩ phải ngồi lên xe để ông Nhà báo chở đi.

Nhưng thật bất ngờ, buổi tiếp tân này ông Nhà văn già tình cờ gặp lại một người bạn cũ mấy chục năm xa cách – từ ngày đất nước trải qua trận đại hồng thủy.

Ông bạn này từ  Đài Loan tới.

Sau những giây phút hàn huyên, người bạn cũ trao ông Nhà văn già một quyển vở học trò đã nhăn nheo nhầu nát, nói trước khi chia tay:

“Gặp anh tôi mừng lắm vì chưa biết nên trao cuốn vở này cho ai. Đây là một cuốn vở chứa đầy nước mắt, tôi hy vọng nó sẽ khiến anh có hứng tạo thành một biển nước mắt ”.

Ông Nhà văn già không quan tâm mấy cái cuốn vở “chứa đầy nước mắt” này.

Ông đã quá chán ngán những cảnh đời chứa đầy nước mắt mà ông từng chứng kiến từ  hàng chục năm qua nhưng nể bạn ông vẫn đem tập vở về và bỏ quên trong hộc bàn thời gian dài.

Một hôm có một linh mục người Việt từ  Đài Loan sang Mỹ mở cuộc họp báo nói về những nỗi đau, nỗi nhục của người phụ nữ Việt Nam bị bán sang Đài Loan làm vợ. Đọc bài tường thuật trên báo, ông Nhà văn già xúc động lắm.

Ông thật không ngờ sự đời lại có thể khủng khiếp như thế, nhất là trong thời đại này. Ông chợt nhớ tới cuốn vở “chứa đầy nước mắt” người bạn đưa.

Đây là cuốn nhật ký của một cô gái ghi lại tất cả sự việc cô lấy chồng người Đài Loan. Ông Nhà văn già đêm đó đã quên ngủ đọc hết cuốn nhật ký.

(Ông Nhà văn già thấy rằng tự cuốn nhật ký đã nói đủ những điều muốn nói, ông chỉ thêm chút “mắm muối”, thay đổi một vài câu chữ  cho gẫy gọn sáng nghĩa mà thôi).

Dưới đây là câu chuyện “chứa đầy nước mắt” của một cô gái Việt Nam lấy chồng người Đài Loan qua cuốn nhật ký mà cô đã ghi chép lại. Cuốn nhật ký có ghi rõ ngày tháng năm nhưng ông Nhà văn già không hiểu vì lý do gì đã không để.


Saigon  ngày… tháng… năm…

Nhìn nét mặt sung sướng rạng rỡ của mẹ tôi trong lúc trịnh trọng và hai tay hơi run run đón nhận chiếc phong bì do “chú rể” đưa mà tôi muốn ứa nước mắt.

Tôi biết trong chiếc phong bì ấy có năm tờ giấy 100 đô la.

Trước khi diễn ra buổi  lễ cưới này cuộc mặc cả cò kè bớt một thêm hai đã ngã giá như vậy. Cộng thêm với số tiền trên còn có một tiệc cưới được tổ chức tại Nhà hàng khách sạn với sự hiện diện đông đủ của họ hàng “nhà vợ” và vài người hàng xóm thân tình.

Phía “nhà trai”  hỉ có một mình chú rể và ông giám đốc công ty mối lái se duyên.

Tôi cũng chẳng nhớ công ty này tên gì.

Mãi khi ngồi vào bàn  tiệc tôi mới dám ngó kỹ người chồng của mình.

Kể ra thì anh ta cũng khá đẹp trai, mặt mũi hồng hào bóng nhẫy tròn trịa, dáng người to lớn vạm vỡ, tiếng nói ồm ồm.

Qua sự “thông ngôn” của ông giám đốc công ty se duyên, chồng tôi hỏi:

“Mày có hài lòng về tao không?”

(Người Tầu thường dùng danh xưng “ngộ nị” – mày tao) .

Tôi nghĩ không hài lòng cũng không được. Thôi thế cũng xong một đời con gái.

Tuy không được lấy chồng gần cùng chung giòng giống nhưng ít ra cũng có một tương lai bảo đảm no đủ và giúp đỡ cho mẹ phần nào là tôi hài lòng rồi.

Mấy con bạn trong xóm tôi cũng lấy chồng ngoại và đã đem tiền bạc về để  cha mẹ xây cất nhà lầu làm bà con láng giềng ca ngợi, nể nang.

Tôi sẽ cố gắng hết sức để được chồng yêu và gia đình nhà chồng quý mến.

Tôi sẽ làm việc thật nhiều  và chắt chiu tiền bạc  gửi về cho mẹ tôi làm bà nở mặt nở  mày với bà con họ hàng.

Tôi mồ côi cha từ nhỏ, có một người anh đi lính cộng hòa  chết trận từ lâu, mẹ tôi “ở vậy” nuôi con. Từ nhỏ tới lớn tôi sống trong tối tăm khốn khó.

Mới bẩy tuổi đầu đã đi làm thuê ở đợ cho nhà người ta.

Tuy nhiên tôi cũng cố gắng học hành để có chút chữ  nghĩa và mặc dầu không được đẹp gái như  một số cô con gái trong làng nhưng tôi cũng có một tấm nhan sắc trung bình đủ sức quyến rũ đám trai tráng.

Tôi cũng có một người yêu nhưng chỉ mới yêu thôi chứ chưa đi tới cam kết gắn bó nào. Anh ta mồ côi cha mẹ, từ  nhỏ đã đi làm thuê. Không chịu nổi sự khốn khó chốn thôn quê, anh  theo bạn bè lên tỉnh làm công nhân, thỉnh thoảng có viết thư cho tôi và hứa hẹn khi nào khấm khá sẽ cưới tôi.

Nhưng sự khấm khá của anh có lẽ còn lâu lắm mới tới.

Trong khi đó mẹ tôi trải qua một cơn bạo bệnh tưởng chết.

Tôi phải vay lời cắt cổ 20 phân để trả tiền bệnh viện và thuốc men mới cứu được mạng sống của mẹ. Nên hôm nay tôi phải lấy chồng ngoại để có tiền thanh toán nợ nần. Có lẽ nhờ trời thương tôi đã lấy được anh chồng khỏe mạnh và tương đối đẹp trai, mặc dầu vóc dáng có hơi thô lậu.

Trong tiệc cưới hôm nay mẹ tôi vui vẻ hoan hỉ ra mặt.

Bà lại còn tỏ ra hãnh diện khoe với bà con ngồi chung bàn là chàng rể Đài Loan của bà là một nhà buôn giầu có, tính tình rộng rãi “quý mẹ vợ lắm”, đã “biếu” bà một ngàn đô, giấy 100 mới nguyên.

Saigon ngày… tháng… năm…

Lần đầu tiên trong đời người con gái tôi đã biết thế nào là hoan lạc xác thịt.

Chồng tôi làm tôi chết khiếp trong cái đêm tân hôn.

Không phải làm tình nữa mà gần như một sự hiếp dâm.

Anh ta chẳng thèm quan tâm tới sự đau đớn của tôi, cứ hùng hục như cố làm lấy được để thỏa mãn. Cả đêm đó tôi khốn khổ chịu đựng suốt đêm.

Gần sáng anh ta có vẻ no đủ thỏa mãn nằm quay lưng lại tôi ngủ và ngáy ầm ĩ.

Nhìn rớt rãi nơi mép anh ta ứa ra tôi vội quay mặt đi.

Mẹ ơi, mẹ có biết con mẹ trong đêm tân hôn bị người ta dầy vò như thế nào không? Chắc mẹ tôi giờ này đang sung sướng mường tượng tới hạnh phúc của cô con gái.

Trên máy bay ngày…tháng… năm…

Hôm nay tôi rời khỏi đất nước để theo chồng về “quê nội”.

Đưa tiễn tôi ra phi trường có một người duy nhất là mẹ tôi.

Bà cứ cầm mãi hai tay tôi dặn dò rồi khóc lóc. Và câu bà nói đi nhắc lại nhiều lần nhất vẫn là “nhớ viết thư về cho mẹ luôn nghe con!”.

Trong lời nói này tôi biết có cả ngụ ý nhắc nhở tôi nhớ gửi tiền về.

Tôi nghĩ trong đầu óc mẹ tôi  cho rằng tôi bước vào máy bay là bước vào xứ sở của no ấm đầy đủ, nếu không nói là dư thừa.

Chính tôi cũng mong muốn vậy và tin tưởng vậy.

Khi máy bay cất cánh khoảng nửa giờ chồng tôi bắt đầu đi vào giấc ngủ.

Anh há cả mồm ra ngáy.

Vì ngôn ngữ bất đồng chúng tôi chẳng nói được gì với nhau nhưng ít ra anh ta cũng phải có những cử chỉ âu yếm tỏ tình của vợ chồng mới cưới chứ!

Đằng này tuyệt đối không.

Ngủ chán anh ta thức dậy mở đôi mắt thao láo nhìn tôi rồi nói một tràng tiếng Tầu. Tôi không hiểu, tới khi anh ra hiệu há mồm và chỉ ngón tay vào mồm tôi mới biết  anh ta muốn uống nước.

Tôi đưa bàn tay nắm tay anh ta tỏ tình âu yếm thì anh ta vội rụt tay lại và nói vài tiếng tôi không hiểu. Chẳng lẽ anh ta ngượng ngùng nơi chỗ đông người?

Khi còn ở Saigon tôi thấy anh ta bạo dạn, đôi khi đến thô lỗ kia mà!

Mặc, dù sao tôi cũng đang nôn nao háo hức bước vào một cuộc đời mới: một cuộc đời nhiều cô gái nghèo khó Việt Nam đang mơ ước.

Trong một hay hai năm nữa tôi sẽ cùng chồng về nước thăm mẹ.

Có thể đi cùng vợ chồng tôi là một thằng cu tí hay con bé ti.

Chúng tôi sẽ bước vào căn nhà gạch mái đỏ khang trang do tiền tôi gửi về xây cất. Mẹ tôi mặt mũi hồng hào hớn hở ôm cháu ngoại vào lòng hôn hít, nói nựng.

Bà con cả xóm xúm xít lại chào mừng thăm hỏi.

Vài ba cô  bạn cũ nhìn tôi thèm thuồng ao ước.

Cả một chân trời hạnh phúc đang cháy rực trong lòng tôi.

Bây giờ tôi phải nghĩ tới việc khi gặp gia đình nhà chồng trước tiên phải làm những việc gì đây? Chắp tay cúi đầu chào hay quỳ xuống lạy bố mẹ chồng như tôi thường thấy trong các  phim bộ Hồng Kông?

Đài Loan ngày… tháng…năm…

Bước ra khỏi phi trường điều làm tôi  ngạc nhiên là không thấy ai trong gia đình nhà chồng ra đón. Tôi đưa mắt tỏ ý hỏi chồng. Anh ta thản nhiên gọi xe tắc xi.

Xe chạy một quãng dài thì ngừng trước một tòa nhà to lớn đồ sộ:  ga xe lửa.

Nửa giờ sau chúng tôi ngồi trên toa xe lửa hạng nhì.

Xe lửa phóng vùn vùn xuyên qua đồng ruộng rừng núi, ngưng rồi chạy, chạy rồi ngưng. Chẳng biết bao lâu chồng tôi ra hiệu cho tôi xách hành lý đi xuống.

Đây là một cái ga nhỏ của một thành phố nhỏ nhà cửa cũ kỹ tồi tàn.

Vừa ăn xong chiếc bánh bao có một xe hơi cũ mầu xám đen ngừng lại trước cửa tiệm cà phê. Môt thanh niên rời xe bước vào quán nhớn nhác nhìn rồi bước về phía chúng tôi ngồi.

Trông vóc dáng và mặt mũi người này giống chồng tôi như đúc nhưng trẻ hơn.

Không thấy có sự vui mừng gặp mặt, trái lại chồng tôi to tiếng với anh ta và anh ta cũng to tiếng lại như cãi nhau. Họ nói với nhau bằng một thứ tiếng lạ lắm chứ không phải tiếng Tầu như  tôi thường nghe ở  Chợ Lớn.

Thật bất ngờ sau đó, khi quan sát tôi hơi kỹ xong, người thanh niên cất tiếng Việt lơ lớ nói với tôi:

“Chào cô. Tui là em chồng, tới đây đón hai người về nhà”.

Tôi mừng lắm. Giữa nơi xứ lạ quê người gặp được một kẻ nói tiếng mẹ đẻ của mình, lại là em chồng, khác gì gặp tri kỷ. Tôi rối rít hỏi anh ta về những điều muốn biết. Chồng tôi khó chịu ra mặt về việc chuyện trò này.

Thì ra cậu em chồng tôi có sống ở Saigon một thời gian, làm thợ chính cho xưởng đóng giầy Đài Loan đầu tư.

Tôi hỏi nhiều chuyện lắm nhưng có lẽ vì cậu em chồng nói tiếng Việt không thạo, hoặc cậu ta không muốn nói nên tôi chỉ biết chắc  chắn mỗi việc:

- nơi ở của gia đình nhà chồng tôi là một vùng thôn quê miền núi. Từ  thành phố này xe hơi chạy tới đó mất hơn bốn tiếng đồng hồ.



Đài Loan ngày…tháng…năm…

Thực ra tôi chẳng biết nơi tôi tới sống tên là gì.

Chỉ biết đó là một  xóm nhỏ có vài chục căn nhà nằm dưới chân núi một miền thôn quê hoang dã. Nhà cửa tầm thường chứ không to lớn sang trọng giầu có như tôi tưởng.

Nhìn thấy căn nhà cũ kỹ đơn sơ nằm trên mảnh vườn nhỏ của gia đình chồng tôi hơi bất ngờ. Có một cái gì đó như gáo nước lạnh dội vào thân thể tôi.

Nơi ước mơ, nơi thiên đường của cô gái bán mình cho chồng ngoại thực tế là thế này? Tôi vẫn không dám tin đây là sự thật.

Có thể gia đình chồng tôi thuộc loại giầu ngầm? Tôi hy vọng tấm ván nhỏ nhoi này là sự thật cứu vớt tôi thoát cơn sóng nước vọng tưởng.


Có một con chó già xấu xí ghẻ lở trụi cả lông và theo sau là một người đàn ông ra trước cửa đón chúng tôi. Người này đã lớn tuổi cũng to lớn vạm vỡ, có lẽ là ông bố chồng. Ông ta nhìn tôi chằm chằm làm tôi sợ hết hồn.

Vào trong phòng khách tôi thấy một người ngồi xe lăn có vẻ như chờ sẵn.

Anh ta cũng nhìn tôi hau háu.

Cái nhìn của một con cọp muốn ăn tươi nuốt sống người.

Rồi anh ta nói gì với chồng tôi. Hai người lớn tiếng qua lại cãi nhau.

Còn ông bố thì cứ lắc đầu xua tay có vẻ can ngăn.

Một lát sau cậu em chồng vừa nói vừa chỉ tay về phía người ngồi xe lăn:

”Đây là chồng nị!”.

Tôi nghe mà rụng rời chân tay choáng váng như đang từ trên núi cao ngã xuống vực sâu. Tôi nghĩ mình nghe lầm, vì tôi không tin sự việc lại có thể xẩy ra ngoài cả sức tưởng tượng như thế. Nhưng người em chồng vẫn nói như trước:

“Phải, nó là chồng nị!”

Tôi cố trấn tĩnh quay nhìn người đã làm lễ cưới, làm giấy tờ kết hôn và đưa tôi về đây. Anh ta có vẻ lúng túng rồi nhổ nước bọt đánh toẹt một cái bỏ ra ngoài.

Trời ơi, chẳng lẽ là vậy?. Tôi bàng hoàng tê tái rụng rời.

Uất nghẹn trào lên tôi muốn ngất xỉu.

Để khỏi ngã gục tôi đưa hai tay bám chặt lấy cái lưng ghế trước mặt.

Tôi nghe ông bố chồng nói điều gì đó rồi chú em chồng dìu tôi vào một căn phòng nhỏ bên cạnh. Sau này tôi mới biết rõ chuyện. Thì ra đúng như lời chú em nói.

Cái con người tàn tật ngồi xe lăn mới thực sự là chồng tôi.

Anh chàng đứng ra cưới tôi là em của người này.

Anh chàng chỉ làm công việc cưới vợ giùm ông anh.

Tên tuổi trong giấy kết hôn là tên tuổi con người tàn tật này.

Mặt anh ta nhăn nhúm tái nhợt và tròn như mặt ông địa, mồm miệng méo xệch, hàm răng trên to vẩu lộ ra vàng xỉn, đôi mắt lác trợn ngược trông rất xấu xí và dữ tợn.

Còn hai chân anh ta bị teo bẩm sinh. Tuy vậy anh ta có vẻ cũng rất khỏe mạnh.

Sau này qua lời tiết lộ của cậu em út, tôi được biết sau khi ăn nằm và đem tôi về nước, người chồng hờ của tôi muốn lấy tôi làm vợ thực thụ nên mới xẩy ra việc cãi vã giữa hai người.

Trước sự thật đau đớn này tôi chỉ còn biết ôm mặt khóc.

Mẹ ơi, mẹ có thấu cho nỗi đau đớn này của con! Con đã bị lừa, mẹ đã bị lừa, bây giờ biết trông cậy kêu cứu vào ai một khi cả gia đình họ đồng lõa trong tấn kịch lừa!

Tôi cực lực chống đối cái trò lừa bịp.

Tôi la khóc, tôi vật mình vật mẩy giựt tóc tai đòi tự tử.

Tôi muốn tìm cái chết nhưng không đủ can đảm.

Gia đình nhà chồng bỏ mặc tôi trong căn phòng khóa chặt.

Thỉnh thoảng anh chồng vờ của tôi bước vào vuốt ve nói những điều lăng nhăng gì đó. Tôi kinh tởm bộ mặt anh ta đến cùng cực.

Và tôi căm uất dùng tất cả sức lực cào cấu chửi rủa anh ta.

Anh ta nổi giận tát cho tôi vài cái nổ đom đóm mắt rồi bỏ ra ngoài khóa cửa lại.

Tôi bị bỏ đói. Hai ngày sau người em út vào gặp tôi.

Cậu ta khuyên lơn tôi đủ điều và hứa hẹn mọi người trong gia đình sẽ đối xử tử tế với tôi nếu tôi chấp nhận anh chồng tàn tật.

Tôi đã vô tình gục đầu vào vai người em chồng khóc như mưa.

Và tôi lại bị lừa thêm lần nữa.

Sau khi uống ly sữa óng do cậu em chồng trao được một lúc thì tôi thấy khắp người mình nôn nao rạo rực. Tôi thiếp đi không biết bao lâu.

Khi tỉnh lại tôi thấy mình nằm bên cạnh anh chàng tàn tật.

Anh ta nhìn tôi nhe răng cười với vẻ thỏa mãn.

Tôi thấy thân thể mình trần truồng không một mảnh vải che.

Thì ra tôi đã bị con quỷ tật nguyền dâm dục dầy vò trong lúc mê sảng! Ôi mẹ yêu quý của con ơi. Chỉ trong mấy ngày trời mà biết bao biến cố, biết bao đau đớn xẩy ra cho đời con. Con đã trở thành một người đàn bà với hai đời “chồng ngoại!” cùng lúc.

Đúng là một lầm hai lỡ. Thế là hết! Thôi thì cũng đành nhắm mắt đưa chân chứ còn biết tính sao bây giờ…

Đài Loan ngày…tháng… năm…

Bây giờ tôi mới biết những người trong gia đình này thuộc giống người Hẹ – một dân tộc thiểu số của Trung quốc-  chuyên sống ở các vùng rừng núi như dân tộc thiểu số bên nước ta.

Họ sống về nghề làm rừng làm rẫy.

Nhà chỉ có bốn người đàn ông.

Hình như bà mẹ đã bỏ đi theo người tình từ lúc mấy người con còn nhỏ dại.

Người cha ở vậy nuôi con từ bấy đến giờ, tuy không giầu có nhưng cũng tần tiện đủ ăn.

Khi mọi việc đã tạm thời ổn định đâu vào đó họ bắt tôi tham gia vào sự sinh hoạt của gia đình họ. Tôi lãnh phần nấu nướng giặt giũ, tiếp đó quét dọn nhà cửa làm vườn trồng rau tưới nước và  vào rừng nhặt củi khô.

Tôi muốn nhân dịp này trốn đi nhưng đành chào thua.

Đến cả tên vùng nơi tôi đang sống cũng còn không biết, lại không một người quen và chẳng biết nói một tiếng của dân bản xứ thì làm sao thoát nổi!

Tôi đã ngồi bó gối nơi bià rừng ôm mặt khóc và gọi thầm tên mẹ.

Chắc giờ này mẹ tôi đang nghĩ tới tôi với tất cả điều tốt đẹp. Tội nghiệp bà.

Tôi không bao giờ có ý nghĩ oán trách mẹ mình, tôi chỉ tội nghiệp cho bà.

Bây giờ tôi phải tính cách nào để có một số tiền gửi về cho mẹ.

Tôi biết mẹ tôi đang mong tin tôi từng giờ, từng ngày.

Căn nhà xây với mái đỏ trong ao ước mộng tưởng của bà chắc ngày càng lớn dần theo bước chân xuất ngoại của tôi. Mẹ ơi, nếu mẹ biết thảm cảnh này của con chắc mẹ khóc hết nước mắt!

Đài Loan ngày…tháng… năm…

Anh chồng hờ của tôi vẫn không chịu buông tha tôi. Bất cứ lúc nào có cơ hội là anh ta đòi làm tình. Rồi anh ta dấm dúi tiền bạc cho tôi. Đã đến nước này tôi còn gì để giữ nữa, huống chi anh ta lại là người đến với tôi đầu tiên. Thế là hai người đàn ông – hai  anh em ruột – cùng“chung vui”  một người đàn bà! Ở nơi chốn thôn dã hoang vu này luân thường đạo lý vắng bóng. Mới đầu anh chồng thực sự của tôi có nổi ghen, chửi bới người em thậm tệ. Anh ta tuy què quặt nhưng khả năng làm tình cũng mạnh mẽ thô bạo không thua kém gì người em. Giòng máu dâm dục lúc nào cũng bừng bừng trong anh ta. Hình như anh ta bị kìm hãm, bị đói tình từ lâu lắm. Hai anh em họ chửi bới đi đến đấm đá nhưng rồi mọi sự vẫn đâu vào đấy. Ban ngày tôi phải làm việc mệt nhọc rã rời thân thể, buổi tối hết bị “con trâu” anh “vầy” tới “con trâu” em cưỡng. Họ như cố làm lấy được để thỏa mãn, không cần biết tới tôi đau đớn quằn quại như thế nào! Mẹ ơi, nếu mẹ biết con gái mẹ đắng cay nhục nhã như thế này chắc mẹ chết mất. Tôi nhất định giấu mẹ chuyện này. Tôi tìm cách gửi thư và tiền về cho mẹ. Trong thư tôi viết là gia đình chồng tôi giầu có, cửa cao nhà lớn,  mọi người đều quý mến chiều chuộng tôi. Tôi sống rất hạnh phúc bên chồng, muốn gì được nấy. Trong lúc viết thư nước mắt tôi chẩy làm ướt nhòe cả trang giấy. Nhận được thư chắc mẹ tôi hài lòng và sung sướng lắm.

Đài Loan ngày…tháng… năm…

Thêm một việc bất ngờ khủng khiếp đến với tôi.

Hôm đó mấy anh em chồng tôi đều có việc đi vắng.

Ở nhà còn mỗi ông bố chồng.

Trong lúc ngồi ăn cơm trưa có hai người, tôi đã thấy ông ta nhìn tôi cái nhìn khác lạ:

y hệt  cái nhìn của anh chồng tàn tật hôm tôi mới tới. Đúng là rau nào sâu ấy!

Ăn xong tôi xuống bếp dọn dẹp, bất ngờ ông bố chồng nấp sẵn đâu đó nhào ra ôm chầm lấy tôi, vật tôi nằm ngửa xuống đất đè lên trên.

Tôi la lên và quyết liệt chống cự. Lão này tuy đã lớn tuổi mà sức lực không thua kém gì bọn con trai lão. Miệng lão rít lên những tiếng man rợ, tay lão bóp nát cả vú tôi và xé rách áo quần. Trước một con thú hung dữ  như vậy bỗng nhiên bản năng phụ nữ trỗi dậy, tôi hết sợ hãi. Tôi phải tự vệ. Tôi phải liều.

Tôi dùng răng cắn mạnh  vào cái mũi đỏ như quả cà chua của lão.

Lão bị đau la lên và vội buông tôi ra.

Tôi chạy nhanh về phòng mình đóng chặt cửa lại.

Buổi tối hôm đó người em trai út gõ cửa phòng mấy lần gọi tôi ra ăn.

Tôi từ chối viện cớ bị bệnh.

Tôi đã nằm khóc suốt đêm mặc cho anh chồng tàn tật đập cửa rầm rầm bắt mở.

Đúng là tôi đang sống giữa bầy thú hoang hung dữ, táo tợn! Tôi phải tìm cách thoát khỏi chốn địa ngục này thôi, dù có chết cũng đành! Mẹ ơi, mẹ ơi! Trong cơn khủng khiếp điên
loạn khốn cùng tôi chỉ còn biết gọi tên mẹ.

Thà sống nơi quê nhà giãi nắng dầm mưa mò cua bắt ốc, dù tối tăm mù mịt không một chút hy vọng tương lai, dù chỉ là cỏ dại bên bờ ruộng vẫn còn hơn sống vất vưởng quằn quại ô nhục nơi xứ người, không một thân thích không một nương tựa. Tôi muốn tự tử quá. Nhưng nghĩ tới mẹ, tới nỗi đau của bà khi biết tin cô con gái xấu số tôi đành nghiến răng nhịn nhục để sống.

Đài Loan  ngày…tháng… năm…

Giữa lúc tôi đang tìm cách trốn khỏi nơi đây thì cậu em trai út tìm đến với tôi.

Cậu nói đã biết rõ mọi chuyện xẩy ra trong nhà.

Cậu rất thông cảm hoàn cảnh của tôi và nặng lời kết tội cha và hai anh.

Cậu bảo nếu tôi muốn trốn khỏi đây cậu sẵn sàng giúp.

Tôi như người sắp chết đuối vớ được cái phao.

Thế là tôi và cậu ta bàn soạn sắp xếp việc chạy trốn.

Chỉ còn chờ cơ hội ngày giờ thuận tiện.

Ông bố chồng từ buổi xẩy ra vụ cưỡng bức hụt không thèm nhìn mặt tôi nữa, lúc bất đắc dĩ chạm mặt nhau lão làm bộ hầm hầm giận dữ ngó lơ.

Nhưng tôi có linh cảm lão đang rắp ranh chuẩn bị một âm mưu khác.

Anh chồng thật và anh chồng hờ thì vẫn tiếp tục trò dâm dục không mệt mỏi.



Trong những ngày sống chung đụng với gia đình nhà chồng tôi cũng nghe hiểu và nói được ít tiếng của họ.

Đài Loan ngày…t háng… năm…

Tôi và cậu em chồng trốn khỏi nhà vào buổi sáng khi mọi người không có nhà.

Cậu đưa tôi đi bằng chiếc xe hơi cũ kỹ của gia đình.

Sau mấy giờ chúng tôi đến một khách sạn nhỏ của một Thị trấn nhỏ.

Khách sạn có độ mươi phòng ngủ, tồi tàn bẩn thỉu hôi hám.

Cậu ta bảo tạm ở đây mấy ngày nghe ngóng động tĩnh rồi sẽ đi kiếm việc làm cho tôi. Hôm đầu tiên mỗi người ở một phòng. Hôm sau cậu ta bảo ở thế này tốn kém quá nên sang phòng tôi. Tôi biết cậu chàng muốn gì rồi.

Trước hết cậu tỏ lòng thương xót tôi rồi vòng vo mãi mới đi đến kết luận muốn cùng tôi thành vợ chồng. Hai người sẽ đi tới một thành phố xa xôi lập nghiệp.

Cậu thề là sẽ gắn bó cùng tôi suốt đời để chuộc lại tội lỗi của cha anh.

Tôi mềm lòng trước những lời thề thốt. Hơn nữa tôi cũng chẳng thể làm gì hơn nơi chốn xa lạ này. Hiện nay cậu em chồng là người thân độc nhất của tôi.

Số phận tôi nằm trong tay cậu. Cậu đưa tôi một số tiền nhỏ bảo tôi mua sắm quần áo. Tôi gửi số tiền này về cho mẹ. Trong thư tôi viết là con gái mẹ rất hạnh phúc, đang cùng chồng vui chơi một thành phố lớn.

Và tôi không quên nhắc lại điệp khúc chồng tôi yêu thương tôi lắm.

Đúng vậy, lần này tôi hy vọng người thanh niên trẻ tuổi này sẽ bù đắp những bất hạnh cho tôi và sẽ đem hạnh phúc tới. Đúng là “tiền hung hậu kiết”, tôi tràn trề hy vọng.
Tuy là em út trong gia đình nhưng “chàng” cũng lớn hơn tôi vài tuổi.

Có thể nói mấy ngày này là tuần trăng mật thật sự của tôi.

Đài Loan ngày… tháng… năm…

Mấy hôm sau người chồng mới của tôi dẫn một người đàn bà tới phòng ngủ giới thiệu là bà chủ một cơ sở may mặc. Bà này đã luống tuổi, người gầy đét như con mắm, mặt lưỡi cầy trét đầy phấn trắng, môi đỏ chót, đôi mắt nhỏ sắc.

Bắt gặp cái nhìn xoáy da thịt của bà ta tôi rùng mình.

Hai người nói với nhau một hồi rồi gã nói với tôi:

“Bà ấy bằng lòng nhận nị  làm việc ”.

Tôi thắc mắc: ”Thế tiền lương ra sao?”.

Gã cười cười đáp:

”Cái đó tùy theo tài của nị. Lúc đầu học nghề chỉ được chủ cho ăn thôi”.

Dù sao tôi cũng rất vui về công việc sắp làm. Tôi sẽ không bị hành hạ, nhất là không bị làm một thứ đồ chơi cho cả cái gia đình loạn luân.

Tuy nhiên trong lòng tôi vẫn  luôn nớm nớp lo sợ bị họ bắt lại mặc dầu người chồng mới trấn an là đừng có sợ, hơn nữa “nơi này xa nhà lắm, họ không tìm ra đâu”.

Thế là tôi lại bắt đầu mơ mộng và thêu dệt những mong muốn, những ước mơ của mình. Tôi sẽ có một nghề nghiệp, có lương đều đặn hàng tháng gửi tiền về nuôi mẹ. Tôi sẽ sống hạnh phúc bên người chồng trẻ, sẽ sinh con cái, sẽ bồng bế chúng về thăm quê ngoại.

Tôi viết thư cho mẹ tôi bầy tỏ sự hân hoan của mình và hứa hẹn với bà nhiều tốt đẹp.

Ngày hôm sau chồng tôi nói đi kiếm nhà thuê, tối mới về.

Trước khi đi gã còn ôm tôi hôn hít tỏ sự lưu luyến.

Tôi có biết đâu đây là lần cuối cùng…

Đài Loan ngày… tháng…  năm…

Thì ra tôi bị bán vào ổ điếm.

Mụ tú bà (người tôi đã gặp trong khách sạn) đưa tất cả giấy tờ cho tôi coi gồm một giấy hôn thú (với anh chồng tàn tật) giấy thông hành của tôi và giấy bán vợ (mụ tú bà bảo thế) lấy một số tiền là…

Mụ bảo tôi ở đây “làm” bao giờ trừ xong nợ tôi được trả tự do và tôi phải ngoan ngoãn, biết chiều khách sẽ được đối xử tử  tế. Tôi lại còn ngớ ngẩn hỏi anh chồng trẻ tuổi của tôi thì được biết gã đã đi mất hút sau khi nhận tiền “bán vợ” buổi sáng.

Tôi như nổi cơn điên. Tôi  kêu gào. Tôi chống đối. Tôi khóc lóc. Tôi chửi bới.

Mụ tú bà khóa chặt cửa phòng tôi lại. Tôi đập phá ầm ầm.

Mụ cho mấy thằng du côn vào phòng đánh đập tôi.

Cứ mặt tôi chúng tát chẩy cả máu mồm máu mũi.

Tôi càng kêu gào chúng càng mạnh tay đánh đập. Tôi mệt lả thiếp đi.

Hôm sau tỉnh dậy cơ thể rã rời nhức nhối. Tôi hết chịu đựng nổi.

Lần này tôi chẳng còn chọn lựa nào khác, tôi phải tìm cái chết.

Khi biết tin tôi tự tử  chắc mẹ tôi đau đớn lắm. Tôi sợ bà đau đớn quá không chịu nổi chết theo tôi mất. Mẹ ơi, hãy tha thứ cho con.

Đây là bước đường cùng con không thể chịu nổi sự  ê chề nhục nhã hơn nữa.

Đây là vũng bùn lầy tanh hôi con đã sa vào, không còn con đường nào khác thoát thân nên con phải tìm cái chết thôi. Hãy tha thứ, hãy tha thứ cho con, ôi mẹ vô vàn yêu quý!

Đài Loan ngày…tháng… năm…

Tôi tự tử  nhưng không chết. Mụ tú bà biết và cấp cứu. Sau khi tôi tỉnh lại bọn họ đánh đập tôi một trận tơi tả rồi lột hết quần áo của tôi và bỏ đói cho tới khi thân thể vật vờ rũ liệt. Cái đói hành hạ làm tôi mất hết ý chí. Cuộc đời tôi từ nay tuy còn thở nhưng chẳng khác gì đã chết. Bùn lầy nhớp nhúa đã ngập tới cổ tôi. Ôi mẹ hiền yêu quý của con ơi! Mẹ có thấu cho nỗi đau nỗi nhục này!

Cuốn nhật ký ghitới đây thì ngưng.

Ông Nhà văn già nhìn ra ngoài cửa sổ thấy trời đã rạng sáng.

Ông uể oải thức dậy mở cửa nhà.

Con Vẹt thấy chủ liền chào mừng buổi sáng bằng cách nói lại câu nó thường nói:

“Cuộc đời này buồn lắm ông ơi!”.

Ông Nhà văn già khó chịu lắm. Mới mở mắt đã phải nghe những lời than thở đến nhàm chán. Ông mở cửa lồng chim nói:

“Tao trả tự do cho mày đấy. Mày hãy bay đi. Mày sẽ trở về với bầu trời xanh bao la bát ngát của mày, tự do bay nhẩy tự do hót và đừng nhớ tới những ngày tháng bị nhốt trong chiếc lồng này nữa  nhé.”

Con Con chim vỗ vỗ cánh mấy cái và gật gật đầu như chào giã biệt ông chủ rồi ra khỏi lồng bay vút đi. Nhưng thật ngạc nhiên. Chiều tối ông Nhà văn già đi bộ ngoài công viên về lại thấy con chim ở trong lồng. Nó gật gật đầu và vỗ vỗ hai cánh như  chào ông rồi nói: “Cuộc đời này buồn lắm ông ơi!”.

Thanh Thương Hoàng


Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân