Gửi: Wed Jun 20, 2012 12:48 am Tiêu đề: Những chuyện ít biết về nhà thơ Hữu Loan Tác Giả: Trần Hinh
NHỮNG CHUYỆN ÍT BIẾT VỀ HỮU LOAN Trần Hinh
Không cứ gì nói nhiều, viết nhiều mà nổi tiếng. Hữu Loan nổi tiếng chỉ một bài thơ " Mầu tím hoa sim", tai họa trút xuống ông, tình thương dành cho ông cũng do bài thơ ấy mang lại. Hữu Loan làm thơ ít nhưng sự nổi tiếng của ông lại nhiều. Hữu Loan không có mặt trong "Thi nhân Việt Nam" của Hoài Thanh, Hoài Chân nhưng có mặt rất sớm trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp với tư cách là anh bộ đội cụ Hồ. Hữu Loan rất hồn nhiên, rất chân tình với bạn bè và cũng rất cương quyết - sự cương quyết đến sục sôi trước cái ác - một con người dám thách thức với cả thánh thần từ lúc còn đi học. Tất cả những điều đó tạo nên một tính cách rất Hữu Loan, một nhân cách Hữu Loan đáng yêu, đáng kính trọng biết bao.
Hẵn chúng ta đã biết một Hữu Loan như vậy, nhưng có một Hữu Loan với những chuyện ly kỳ có thể không phải ai cũng biết và ngay cả Hữu Loan cũng không thể giải thích nổi những sự việc lỳ lạ đã đến với ông.
Hồi còn đi học, đến kỳ thi lấy bằng Thành chung, mẹ của Hữu Loan có làm mâm cúng tổ tiên và thánh thần, Hữu Loan nhất định không tin thần thánh có thể giúp mình thi đậu. Ông đã lén trèo lên bàn thờ lấy chai rượu cúng và uống vơi đi một chút rồi nhổ nước bọt vào đó để xem thần thánh có quở trách làm cho ông hỏng thi không. Kỳ thi đó ông đã đậu, từ đó gieo vào ông đức tin rằng không thể có một thế lực siêu nhiên nào có thể can thiệp vào cuộc sống con người được.
Hữu Loan theo cách mạng sớm, vào Đảng sớm nên ông càng chống tệ nạn mê tín dị đoan. Một hôm Hữu Loan đi qua một đền thờ thấy người ta tụ họp xung quanh một bà thầy bói, Hữu Loan cũng chen vào xin bói một quẻ với ý đồ thách thức bà thầy bói một trận xem sao. Bà thầy bói khuyên mọi người ưu tiên cho anh bộ đội xem trước. Bà hỏi danh tánh, tuổi tác của cả vợ Hữu Loan rồi bà nói : "Anh hãy coi chừng chứ vợ anh có thể chết nước đấy!". Hữu Loan vẫn cho đó là câu nói vu vơ nên chẳng để tâm làm gì. Nhưng sau đó không lâu vợ của Hữu Loan trượt chân ở bến sông cạnh nhà và chết đuối. Cho đến bây giờ Hữu Loan vẫn thấy khó hiểu bởi lời tiên đoán không vu vơ một tí nào của bà thầy bói, Hữu Loan nói rằng: "cho dù có tin ngay lời của bà thầy bói thì làm sao giữ được vợ mình hàng ngày giặt rửa tại bến sông cạnh nhà tránh khỏi tai nạn sông nước".
Một thời gian sau Hữu Loan lại lấy vợ - một thiếu nữ xinh đẹp không thua kém gì người vợ trước. Người vợ sau cũng là con gia đình địa chủ. Gia đình bà bị đấu tố, bị tịch thu ruộng đất, tài sản và lâm vào cảnh đói khổ. Hữu Loan bất chấp lời ra tiếng vào khuyên can ông không nên lấy vợ là con nhà địa chủ. Lấy người vợ sau, Hữu Loan có cả tình yêu và có cả tính yên hùng, nghĩa hiệp muốn cứu thoát cho người con gái đang lang thang đói khổ giữa cuộc đời. Hai ông bà có với nhau 10 người con. Với gia đình thì niềm vui và hạnh phúc duy nhất của Hữu Loan là các con ông đều nên người, đều được chòm xóm ca ngợi.
Có một dạo con gái của Hữu Loan lâm bệnh nặng, vô phương cứu chữa. Vợ ông nóng ruột quát ông rằng "con nó sắp chết đến nơi rồi mà ông còn ngồi nhìn à! Thuốc gì cũng uống rồi mà chưa khỏi, chỉ còn một cửa nữa mà ta chưa đến, ông hãy đến nhà thầy bói bên kia sông nhờ bà ta chữa xem sao". Hữu Loan nói "thì bà hãy đi đi có được không". Vợ Hữu Loan nói rằng: "Ông đi thì đúng hơn, vì đang bói mà công an đến thì mồm miệng ông đối phó trôi chảy hơn tôi" .Hữu Loan đi nhưng trong lòng không chút tin rằng bà thầy bói có thể chữa khỏi bệnh cho con mình được.
Bà thầy bói này đang là cán bộ phụ nữ huyện Nga Sơn đột nhiên bỏ việc về nhà làm nghề thầy bói, Hữu Loan thưa chuyện con đang bị đau nặng. Nghe xong bà đến bàn thờ thắp hương, khấn nguyện những gì Hữu Loan không thể biết. Cúng vái xong bà trở lại nói chuyện bình thường với Hữu Loan. Sau đó bà ra giếng lấy một bát nước và bảo Hữu Loan bưng bát nước về cho con uống. Hữu Loan không tin rằng bát nước ấy có thể chữa khỏi bệnh cho con, nhưng ông phải đưa về làm vật chứng rằng mình đã đến nhà gặp thầy bói, nếu không làm như vậy thì sẽ phải nghe những lời đay nghiến của vợ. Đưa bát nước về, vợ Hữu Loan cạy miệng con trút từng thìa nước. Nước vào đến đâu cơ thể con gái ông dần dần cử động được đến đó và sau đó khỏi bệnh hẳn. Bà Hữu Loan lại được dịp khẳng định mình rằng: "Không có tôi thì con nó đã đi chầu Diêm vương rồi". Hữu Loan còn miệng mà hết chỗ nói trước một sự thật kỳ lạ đến thế.
Khi con gái khỏe vợ Hữu Loan lại bảo ông đi cảm ơn bà thầy bói, Hữu Loan sang sông mang theo mấy quả cam và một nải chuối để tỏ lòng biết ơn bà thầy bói. Nhân dịp này, Hữu Loan nhờ bà thầy bói nói đôi điều về mình xem sao. Bà thầy bói lập tức vào bàn thờ thắp hương khấn niệm những câu gì đó rồi trở ra bàn ngồi trò chuyện với Hữu Loan. Cách nói của bà chất phác, giản dị như bao phụ nữ nông thôn ít được học hành. Một lát, bà đưa bàn tay lên và nhìn theo bàn tay nói rằng "Ngài Khổng Minh Không đã về", lập tức giọng nói của bà khác hẳn thông thường và đầy vẻ oai nghiêm. Bà nói: "Này Hữu Loan, nhà ngươi là một người thất đức". Hữu Loan cải lại: "Suốt đời tôi là một người cương trực, không chịu khuất phục trước sai trái sao có thể là người thất đức được". Lập tức bà nói ngay: "Biết nhẫn nhục cũng là có đức vậy". Sau câu nói ấy của bà, Hữu Loan lặng thinh. Bà nói tiếp: "Tháng tới đây, tiền về với ngươi nhiều như lá cây, nhưng có mất đi một số nào đó". Nói đến đây bà trở lại giọng nói bình thường vốn có rất giản dị chất phác của bà. Từ ngày đấy đến bây giờ Hữu Loan vẫn cứ cho rằng, một người phụ nữ nông thôn chưa học hết cấp II sao lại có thể nói một câu hay đến thế, sâu sắc đến thế: "Biết nhẫn nhục cũng là có đức vậy". Hình như có ai đó đã mượn bà nói thay câu ấy. Tháng sau Hữu Loan nhận được giấy báo lĩnh tiền của bà con Việt kiều từ Tây Đức quyên góp gửi về tặng cho Hữu Loan, Ngân hàng đã giữ lại một số theo tỉ lệ qui định của Nhà nước đối với bất cứ ai đã nhận ngoại tệ, số tiền nhận được Hữu Loan mua những chiếc Hon Da cho các con
Số người quen biết Hữu Loan không phải là ít, cũng có người hỏi Hữu Loan: "Sao bác không làm nhà mà cứ sống mãi trong ngôi nhà trống trãi tạm bợ quá như vậy?". Hữu Loan trả lời rằng: "Tôi lo làm người chứ chưa lo làm nhà". Có lần tôi hỏi Hữu Loan rằng: "Hơn ba mươi năm từ quan về nhà, anh làm những gì?". Hữu Loan trả lời rất chân tình: "Mình đi cày ruộng, thồ gạch đá thuê và làm bún bán hàng ngày. Ôi, xay gạo ngâm bột, làm bún nặng nhọc lắm, hôi hám lắm. Cũng hơn 30 năm ấy mình chuyên đọc Kinh dịch và nhận thấy rằng chỉ có Kinh dịch may ra mới có thể giải thích nổi sự mầu nhiệm của tạo vật. Nhưng có một điều chắc chắn là dù đọc đến bao nhiêu sách mình cũng không thể giải thích nổi những câu chuyện kỳ lạ đã đến với mình. Mình tin rằng sẽ đến một ngày nào đó, con người có thể giải thích được những hiện tượng huyền bí ấy dưới ánh sáng của một nền văn minh tương lai".
Qui Nhơn tháng 10 năm 1988
Trần Hinh
Và đây là bài thơ ngoài Màu Tím Hoa Sim của thi sĩ Hữu Loan:
CHẾ ĐỘ TA
Trước chế độ ta cũng đã có mặt trời
nhưng mặt trời thiên vị
Chỉ ở lầu cao
không về xóm bé
Nhân loại cần lao chỉ có
những đêm dài
những đêm dài vô tận
và những mưa dông buốt như chó cắn
day dứt thớ thịt đường gân!
Nhân loại cần lao mặc áo mặc quần
bằng bóng đêm vá víu
Từng đoàn người đi trong đêm dài thất thểu
những tiếng thét gào
những tiếng kêu thương
những xác kiệt hơi đổ gục bên đường!...
Chỉ còn sáng trong đêm mắt những tia đỏ rực
Chỉ còn cháy trong đêm lửa những tim uất ức!
xxx
Nhân loại cần lao đứng lên
bất khuất
Chế độ ta bắt đầu:
Chế độ ta đến đâu
mặt trời theo đến đấy
Chế độ ta đã dạy
cho mặt trời công bình
Mặt trời phải về những túp lều tranh
Những nước vũng bùn lầy!...
Chế độ ta là
chiếc khăn tay
thấm nước mắt kỳ khô
cho nhân loại
cho thiếu phụ chiều quê
khăn tang còn mới
cho mẹ già chờ con
sau chiến thắng không về
xxx
Chế độ ta là:
Người đứng trị vì
dưới chân
gục xác Chiến tranh hộc máu!
Quỳ đợi lệnh có:
sao Ngưu
sao Đẩu
Sấm Sét
Mưa Dông
và cả đầu lĩnh Mặt trời!
Bạn không có quyền gửi bài viết Bạn không có quyền trả lời bài viết Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn Bạn không có quyền tham gia bầu chọn