TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - COME BACK TO SORRENTO
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

COME BACK TO SORRENTO

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tản Mạn Cuộc Sống
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Bi



Ngày tham gia: 24 Aug 2010
Số bài: 86

Bài gửiGửi: Mon Jun 06, 2011 3:12 pm    Tiêu đề: COME BACK TO SORRENTO

COME BACK TO SORRENTO

Còn nhớ bài hát 'Trở về mái nhà xưa' của Ý dịch sang lời Việt bởi Phạm Duy.

Bài hát đó thuộc loại nhạc dân ca của người nói ngôn ngữ Neaplolitan thuộc vùng núi Naples miền nam nước Ý. Dân ca vùng đó chuyên về các bài nhạc dành cho giọng tenor của nam giới hát. Nhạc dân ca Neapolitan sau này được thế giới biết đền nhiều là nhờ dân vùng đó di dân đi tứ xứ và mang dân ca miền đó theo, so sánh với người Việt mang theo dân ca Việt vài bài lý ngựa ô, lý con sáo, lý quạ kêu v.v... thì người Việt quả thật hết sức khiêm tốn. Loại nhạc dân ca Neapolitan hát opera kiểu cổ điển tới năm 1950 mới dứt thời kỳ thịnh hành của nó.

Nguyên tác bài hát là 'Torna a Surriento' bằng thổ ngữ Neapolitan, nghĩa là 'Hãy trở lại Surriento', khi chuyển qua Anh ngữ thành 'Come back to Sorrento'. Surriento là tên thị trấn nhỏ bé ở miền nam Ý, vùng Naples, từ vùng núi Naples tới đó rất dễ và rất gần. Surriento, nhìn ra vịnh Naples, là địa điểm du lịch nổi tiếng. Vào năm 1902, thủ tướng Ý có tới thị trấn nhỏ đó thăm viếng và ở lại. Nhân dịp đó, thị trưởng Surriento mới nhờ Giambattista là bạn ông và là anh của Ernesto De Curtis, người soạn nhạc, sáng tác một bản nhạc nói về Surriento cho ông thủ tướng nghe để kỷ niệm chuyến viếng thăm đó của thủ tướng. Anh em De Curis và Giambattista mới đưa ra bài hát đó. Bài hát đó sau này được nhiều giọng tenor của Ý và thế giới hát, do đó trở thành nổi tiếng trên thế giới. Truy căn nguyên từ trang Wikipedia thì bài hát đó được đăng ký tác quyền từ tám năm trước đó, chẳng qua bài hát được đem ra 'xào lại' cho phù hợp chuyến thăm của thủ tướng tới Surriento mà thôi.

Bản nhạc đó, theo tôi, theo đúng phong cách thời cổ điển và thời kỳ đầu lãng mạn, lên và xuống rất đều, nhịp nhàng, êm dịu. Nhạc thời kỳ lãng mạn - có thể tạm bắt đầu từ 1900 cho tới thập niên 1930s - là nhạc du dương, cân đối, hài hòa, rất theo sát khuôn thước của mỹ học thời đó và trước đó, cân xứng về tiết tấu, cung bậc, và hướng theo cái đẹp hòa điệu về âm lẫn lời. Lời và nhạc đoạn đầu bài hát nói về cảnh đẹp thiên nhiên của vùng Surriento, chuyển sang là rộn ràng về tình người và niềm mến cảnh, rồi đoạn cuối dặt dìu đưa người nghe về sự quyến luyến cảnh tình nơi đó để nhắc nhở người ta hãy nhớ trở lại Surriento nữa để... du lịch. Bài nhạc không có kỹ thuật gì cao và xuất sắc hết vì nốt nhạc cứ chuồi theo tình cảm tự nhiên hoặc lên hoặc xuống từng bậc [increment and decrement] vì thế dịu dàng, êm đềm dễ nghe, nhưng lại thường được các giọng tenor trứ danh trên thế giới hát- vì đó là loạc nhạc của họ hát - nên trở thành nổi tiếng trên thế giới.

Không hiểu sao, khi tới VN thì ông Phạm Duy lại dịch bài hát thành 'Trở về mái nhà xưa', làm các ca sĩ hát nghe buồn bã hết sức. Mấy thế hệ người Việt vì tin đó là bài hát nói về sự trở về với mái nhà xưa của kẻ lữ thứ sau một thời gian xa quê hương nên họ hát rất rên rĩ, sầu bi của giọng điệu kẻ đang trở về quê cũ, sau chuyến lỡ đi xa nhà quá lâu, làm người nghe... muốn bật khóc. Ông Phạm 'phăng' lời nhạc bậy bạ hết sức ! Thật ra, bài hát đó dành cho chuyến đang viếng thăm của ông thủ tướng để ông ta lưu luyến cảnh trí và người dân nơi đó, và cũng muốn quảng cáo luôn về du lịch cho phố nhỏ Surriento.

Sau thế chiến 2, các thể loại nhạc của thế giới thay đổi hẳn về cấu trúc và cách diễn tả, vì sau chiến tranh là đổ nát hoang tàn cần phải xây dựng lại, lòng người ta xét lại các giá trị cổ điển đã từng ngự trị thời gian dài qua, trong đó có âm nhạc. Thế giới không còn là cân xứng, hài hòa, mực thước, theo những nguyên tắc khuôn vàng thước ngọc, những chuẩn mực, quy phạm cũ nữa, vì thế giới cũ đó dường như giả tạo. Thế giới đâu có rạch ròi rõ ràng, cân đối, hài hoà, bố cục phân minh v.v... như tranh vẽ, như chuyện tưởng tượng ra, và cũng đâu có êm ái như nhạc. Thế giới dường như là hỗn độn, không theo nguyên tắc nào, thậm chí vô lý nữa, mà chiến tranh và sau chiến tranh đã cho người ta thấy. Do đó, sau thế chiến 2, văn chương, triết học, nghệ thuật, kinh tế, xã hội v.v... của thế giới chuyển biến mạnh. Nhạc là một phần nhỏ trong chuyển biến này. Nhạc thời cận đại - sau thời lãng mạn, tức là từ sau 1945 cho tới thập niên 1970s - là nhạc hơi trúc trắc, hơi khó nghe, không còn hài hòa, du dương, và không theo khuôn mẫu cũ nữa; lời nhạc thì chấm dứt thi ca mơ màng, mơ hồ, mà thay vào đó là lời của thực tế trần tục sống sượng. Đó là thời kỳ mà nhạc hát opera của các giọng tenor theo phong cách cổ điển Neapolitan xuống dốc để trở thành 'cổ' cho tới tận hôm nay.

Khuynh hướng đi thật sát với thực tế đó của nhạc điệu và lời nhạc vẫn tiếp diễn từ sau thế chiến 2 cho tới ngày nay, mỗi thập niên là có chuyển hướng một chút và vẫn còn nữa. Càng ngày nhạc càng... khó nghe, và lời nhạc thì càng... khó chấp nhận. Ngay như nhạc độc tấu guitar cổ điển mà cũng chuyển theo từng giai đoạn như các giòng nhạc khác, có từng thời kỳ khác nhau chứ không phải chỉ là nhạc cổ điển như người ta tưởng, mà có nhạc độc tấu du dương có phân đoạn rành mạch của thời cổ điển, rồi tới thời nhạc êm dịu dễ nghe nhưng cấu trúc phức tạp và đối xứng của thời kỳ lãng mạn, rồi chuyển sang nhạc độc tấu giai đoạn cận đại phức tạp hơn hết còn đối xứng, cân xứng và khó nghe hơn, rồi chuyển sang nhạc độc tấu đương đại cấu trúc càng phức tạp hỗn loạn hơn và càng khó nghe hơn, thực ra nghe xong nhạc đương đại là... quên tuốt, không nhớ nỗi một câu nào của bài để mà ngâm nga ư ử theo.

Riêng ở VN, nhạc thời kỳ lãng mạn du nhập vào rất trễ ở cuối thập niên 1930s, chinh phục lòng người Việt nhanh chóng vì VN, cho tới thời kỳ lãng mạn, không có nền âm nhạc ngoài mấy giai điệu của ngũ cung thời trung cổ còn lại đó. Thập niên 1960s [tôi chun ra đời vài năm vào thập niên đó], miền nam VN có du nhập nhiều nhạc từ ngoài vào nhưng thật ra sự du nhập đó có chọn lọc, chỉ toàn là nhạc du dương, êm đềm thuộc giòng lãng mạn còn rơi rớt trên thế giới dù là nhạc khúc hay nhạc không lời, vì những người mang nhạc ngoại nhập vào VN lại là những người mang tâm hồn thật 'lãng mạn'. Thành thử, nhạc Việt, gọi là tân nhạc, chỉ có một loại nhạc, khác với các nước tây phương và Mỹ vì họ có nhiều loại nhạc khác nhau và giòng nhạc nào cũng rất phong phú. Sướt mướt theo kiểu nhạc gọi là 'sến' dành cho chân quê hay não nề theo kiểu nhạc gọi là dành cho 'sinh viên học sinh' thật ra nghe qua như nhau. Cùng chung một loại mà lại phân chia nhau giai cấp. Hồn dân mình ảnh hưởng vùng đất Chàm nên yêu thích nhạc sầu buồn hết mực. Nhạc càng buồn thì càng... hay. Lời càng buồn thì mới càng... thấm thía. Mấy bài nhạc theo tiết tấu boléro ở Nam Mỹ nghe rậm rực điên cuồng nhưng khi vượt Thái Bình Dương vào VN tự nhiên nhạc nhão ra và bỗng đong đưa theo nhịp võng ầu ơ buồn ảm đạm. Còn lời của mấy bài nhạc boléro thì có khi vừa hát vừa phải đưa tay chùi nước mắt.

Có vài bước đột phá như nhạc của Lê Uyên Phương, sau này tôi mới được nghe ở nước ngoài chứ trước 1975 thì tôi còn con nít, khi nghe qua thì thấy cũng theo khuôn mẫu nhạc thời kỳ lãng mạn lắm, cũng lên xuống hài hòa, và cũng... buồn khôn nguôi. Nhạc Trịnh Công Sơn chỉ có đẹp và hay về lời vì lời mới lạ độc đáo vào giai đoạn đó, còn nhạc điệu thì quá đơn giản và êm ái dễ nghe như nghe chị ru em ngủ, mang đậm nét giọng hò ầu ơ của miền trung, mấy trăm bài giống hệt như nhau cả mấy trăm bài. Nhạc Ngô Thụy Miên chỉ có mười mấy bài đầu tiên khi đưa ra là có hơi hướng mới, thật ra cũng mang nặng dấu ấn dòng nhạc lãng mạn.

Mấy chục năm đã trôi qua, nhạc Việt lãng mạn đó vẫn còn sống hùng sống mạnh dù rên rĩ hơi nhiều, sống dai dẳng cho tới ngày nay với tâm hồn và khiếu thưởng thức của người Việt. Kỳ lạ làm sao, nhạc trong nước một thời đả phá, chê bai, phỉ nhổ, tìm mọi cách giết cho bằng được cái gọi là 'nhạc vàng' du dương của miền nam đó thì sau này lại bị dòng nhạc đó cải tạo thành công rực rỡ và triệt để nữa vì cả nước ngày nay đang hùa theo sầu bi với nhạc vàng thời kỳ lãng mạn. Các đế quốc cần phải học tập sự thành công và ý nghĩa chinh phục của nhạc.

Lâu lâu một lần, tôi thử lắng nghe nhạc Việt và rất dễ dàng nhận thấy là người Việt trong nước và ở hải ngoại vẫn tiếp tục sướt mướt não nề với giòng nhạc du dương, hài hòa thời kỳ lãng mạn đó. Thời gian đã ngừng lại với người Việt. Mấy chục năm rồi không hề trôi qua với người Việt. Tôi cảm thấy mình yên tâm vô cùng khi nghe nhạc Việt vì hóa ra nghe nhạc Việt mới biết là tâm hồn mình 'trẻ mãi không già'. Sở thích ai cũng khác nhau, không thể lấy sở thích này mà luận bàn sở thích khác. Có cái thích như người đã quen và thích ăn canh chua, cá kho, ăn hoài không chán, ăn món lạ thì khó nuốt, ăn món quen có chết chóc ai đâu chớ, còn 'trẻ hoài' không thấy sao ! Phàm, cái gì quen thuộc vẫn làm người ta yên tâm hơn và thích hơn.

Rủi ro thay, tôi đang hí hửng sầu ca 'trở về mái nhà xưa' vì biết đâu có ngày đẹp trời nào đó tôi sẽ trở về quê không chừng thì lời nhạc nguyên thủy làm tôi cụt hứng. Người ta đang mời gọi khách tới thăm và lưu luyến Surriento mà tôi cứ tưởng là bài nhạc đưa tôi về với mái nhà xưa. Hát xong mới biết là mình lãng mạn trật nhịp và sai thời đại !

06/6/2011
Bi
binh_hy [AT] yahọocom
Về Đầu Trang
buihongloan
Niên Khóa 1970-1975


Ngày tham gia: 01 Aug 2008
Số bài: 488

Bài gửiGửi: Tue Jun 07, 2011 2:15 am    Tiêu đề:

Cám ơn Bi đã nhắc lại bản nhạc hay trong một bài viết hay. Bản nhạc này được nghe bản nguyên thủy bằng giọng nam tenor của Gigli thật là tuyệt vời:



Tiểu bang Vicroria ở Úc cũng có một thành phố biển tên Sorrento, nằm trong Mornington Peninsula. Nơi đây không làm mềm lòng người đến, day dứt lòng người đi, vì giọng hát ngọt mềm của nàng tiên cá, làm huyền hoặc Ulysses và thủy thủ đoàn của Odyssey,  mỗi lần đi ngang Sorrento, họ phải che mắt, bịt tai để khỏi nghe lời hát quyến dụ đó.
Sorrento ở Úc cũng biển xanh cát trắng nhưng rất êm đềm, buổi sáng sớm cưởi ngựa ngắm mặt trời mọc trên những bải biển hoang sơ, buổi chiều ngồi trong tiệm ăn, uống rượu  của những vườn nho gần đó nhìn mặt trời lặn. Ngày rời Sorrento tâm hồn chợt trở nên êm ả, nhẹ nhàng:

http://www.virtualsorrento.com.au/

Neapolitan lyrics “Torna a Surriento

Vir 'o mare quant’è bello,
Ispira tantu sentimento,
Comme tu a chi tiene a' mente,
Ca scetato 'o faie sunnà.
Guarda gua' chistu ciardino;
Siente, sie’ sti sciure arance:
Nu profumo accussi fino
Dinto 'o core se ne va…
E tu dice: "I’ parto, addio!"
T’alluntane da stu core…
Da sta terra de l’ammore…
Tiene 'o core 'e nun turnà?
Ma nun me lassà,
Nun darme stu turmiento!
Torna a Surriento,
Famme campà!
Vir 'o mare de Surriento,
Che tesoro tene nfunno:
Chi ha girato tutto 'o munno
Nun l'ha visto comm'a ccà.
Guarda attuorno sti Serene,
Ca te guardano 'ncantate,
E te vonno tantu bene...
Te vulessero vasà.
E tu dice: "I' parto, addio!"
T'alluntane da stu core
Da la terra de l'ammore
Tiene 'o core 'e nun turnà?
Ma nun me lassà,
Nun darme stu turmiento!
Torna a Surriento,
Famme campà!

English lyrics “Come Back to Sorrento”

Look at the sea, how beautiful it is,
It inspires so many emotions,
Like you do with the people you have at heart
You make them dream while they are still awake.
Look at this garden
And the scent of these oranges,
Such a fine perfume
it goes straight into your heart.
And you say: "I am leaving, goodbye"
You go away from my heart
Away from this land of love.
And you have the heart not to come back.
But do not go away,
Do not give me this pain.
Come back to Surriento,
Let me live!
Look at the sea of Surriento,
What a treasure it is!
Even who has travelled all over the world,
He has never seen a sea like this one.
Look at these mermaids,
That stare amazed at you, that love you so much.
They would like to kiss you.
And you say: "I am leaving, goodbye",
You go away from my heart,
Away from the land of love.
And you have the heart not to come back.
But please do not go away,
Do not give me this pain.
Come back to Surriento,
Let me live!
Về Đầu Trang
DIEU HUYEN
Niên Khóa 1962-1969


Ngày tham gia: 25 Sep 2008
Số bài: 4763
Đến từ: Vườn Hoa Hạnh Phúc

Bài gửiGửi: Tue Jun 07, 2011 2:26 am    Tiêu đề:

Nghe một bản nhạc làm cho hồn trở về một không gian, một thời gian nào đó, đã có những niềm vui không nguôi hay những ray rứt không diễn tả được .

Cám ơn BI và BHL đã đưa kỷ niệm trở về ...
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tản Mạn Cuộc Sống Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân