TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - THEO BƯỚC CHÂN NGƯỜI VIỆT TRÊN ĐƯỜNG THA PHƯƠNG
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

THEO BƯỚC CHÂN NGƯỜI VIỆT TRÊN ĐƯỜNG THA PHƯƠNG

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tản Mạn Cuộc Sống
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
LAM SON



Ngày tham gia: 24 Feb 2010
Số bài: 45
Đến từ: PARIS

Bài gửiGửi: Sun May 01, 2011 4:52 am    Tiêu đề: THEO BƯỚC CHÂN NGƯỜI VIỆT TRÊN ĐƯỜNG THA PHƯƠNG

CHUYẾN ĐI PARIS – GENÈVE,
21-29 APRIL 2007
-Để tưởng nhớ anh Hưng-



Thứ Bẩy 21-Apri-07
Cùng bất đắc dĩ vì công việc sở, tôi có việc phải viếng chi nhánh hãng của tôi ở thành phố Gland, gần Genève, Thụy Sĩ, vào tuần lễ 23 tháng Tư. Sang Genève mà không ghé thăm Paris  là một thiếu sót lớn lao như vợ nấu ăn mà không mở mồm khen, vì vậy tôi nhờ dịch vụ du lịch của hãng tôi mua vé máy bay ghé sang Paris.

Nhìn số tiền giá máy bay họ email đến cho tôi còn đắt hơn mua nhẫn mười ly, tôi nói họ hủy bỏ để tôi tự lo liệu lấy. Ở bên Mỹ tôi  dùng hai website này để mua vé máy bay rẻ:  http://www.sidestep.com/,   và http://www.priceline.com/. Qua hai site này tôi tự tìm mua vé máy bay khứ hồi trực tiếp của hãng Air Tahiti Nui đến Paris. Mua vé cho chặng đường Paris-Genève, tôi dùng http://www.easyjet.com/. Easyjet là hãng máy bay của Anh, bay khắp đường bay nội địa Âu Châu, giá rẻ còn hơn đi xe điện TGV (Train à Grande Vitesse), nếu mình mua vé trước và không nhất thiết phải đi đúng ngày cố định. Tháng 10 năm ngoái vợ chồng tôi cũng dùng Easyjet bay khứ hồi Paris-Nice, giá rẻ hơn xe điện mà lại không tốn nhiều thì giờ. Vợ tôi đã từng là Parisienne nên không bao giờ bỏ lỡ cơ hội, nàng cũng tháp tùng theo tôi đi thăm bạn bè và đi shopping trong lúc tôi đi làm.

Bước chân vào máy bay Air Tahiti Nui để đi Paris, tôi vẫn còn có cảm tưởng ngạc nhiên như tháng 10 vừa rồi. Tahiti là một hòn đảo nhỏ ở Nam Thái Bình Dương, chỉ có 262,000 dân, tuy vẫn còn thuộc Pháp, thổ dân mang quốc tịch Pháp, thế nhưng độc lập về phương diện tự trị. Một cái đảo nhỏ tí toàn là  dân thổ xứ không nổi tiếng gì về văn minh mà lại có nhiều máy bay của nước mình đậu ở phi trường Los Angeles, một phi trường máy bay lên xuống nhiều thứ sáu trên thế giới. Dân Việt Nam của tôi với 85 triệu người, với những đầu óc thông minh không thua gì người nước ngoài, lúc nào cũng tự hào là hơn bốn nghìn năm văn hiến, thế mà so sánh với Tahiti ở Los Angeles về phương diện hàng không thì nhất định thua xa. Cả một sự đau lòng con quốc quốc.

Đường bay trực tiếp Los Angeles-Paris mất 11 giờ đồng hồ, bận về mất thêm một tiếng vì ngược chiều gió. Tôi không bao giờ ngủ được trên máy bay. Sau mỗi chuyến bay là mỗi lần nhức đầu còn hơn là bị vợ cấm cung ba bữa vì hạnh kiểm xấu. Vì thế đi đâu xa bằng máy bay bây giờ  đối với tôi là cả một cực hình, không như những năm đầu tiên. Tôi còn nhớ lần đầu tiên đi máy bay thương mại từ Guam sang Mỹ. Ngoài sự hào hứng ngắm trời mây, non nước, biển cả, đất đai, sông ngòi, nhà cửa từ trên không, tôi lại còn có thêm một thích thú nữa: được ăn thức ăn lót dạ của một quốc gia khác. Bây giờ thì chính cái thức ăn ngày xưa mình háo hức lại làm cho mình ngao ngán. Thức ăn trên máy bay thật sự như nghĩa của câu “ăn để mà sống chứ không phải sống để mà ăn”. Có đi máy bay thường xuyên như vậy tôi mới thấy thức ăn vợ tôi nấu đáng giá nghìn vàng. Vừa được đi chơi xa, vừa được chồng nhận thức “em là lẽ sống của đời anh”, thảo nào vợ tôi rất thích đi du lịch mỗi lần có dịp đi máy bay.

Tôi chưa bao giờ ăn thức ăn của thổ dân Tahiti. Đến hôm nay thì nhất định không bao giờ dám ăn nữa: vợ chồng tôi chọn hai món khác nhau, cá và thịt, nhưng món nào cũng có mùi hăng hắc và  dở vô cùng, không ai đụng đến. Tuy rằng đói bụng kinh khủng, hơn  bẩy giờ mà chưa có thức ăn vào bụng, nhìn phần thức ăn ghê rợn trên khay mà tôi thấy không có lý do gì để sống. Bây giờ nếu có quân khủng bố Al Queda thình lình xuất hiện trên máy bay, cầm dao kề vào cổ một hành khách làm con tim, tôi sẽ là người đầu tiên hy sinh xả mình nhào tới xô xát với họ, dù biết rằng mình sẽ bị giết chết để những hành khách khác có thì giờ dùng số đông ùa nhau vào khuất phục quân khủng bố, cứu những người còn lại.

Chủ Nhật 22-April-07
Máy bay đáp xuống phi trường Charles De Gaulle nửa giờ sớm hơn dự định. Đi bộ bên trong hành lang để vào bên trong trạm, tôi ngạc nhiên khi trông thấy một chiếc máy bay Vietnam Airlines sơn mầu xanh đậm cũng vừa mới đến. Việt Nam bây giờ có chuyến bay trực tiếp Sàigòn-Paris, và Hà Nội-Paris. Từ lúc Terminal 2E mới xây dài hơn 650 thước hình dạng như ống thiếc tròn khổng lồ một phần bị sụp tháng 5 năm 2004  làm cả terminal phải bị phá sập (họ tiên đoán việc tái thiết sẽ hoàn thành  vào năm 2008) tất cả hành khách phải dồn vào terminal cũ kỹ nên thật là bất tiện. Building nhỏ mà nhung nhúc những người làm  tôi cảm thấy ngạt thở, hối thúc vợ tôi đi nhanh để ra thở không khí bên ngoài. Du khách Mỹ sang Pháp sẽ thấy ngay điều khác biệt đầu tiên: người Pháp hút thuốc nhiều hơn người Mỹ. Số dân hút thuốc ở Mỹ ngày càng thưa dần, năm người chỉ có một người hút thuốc, trong khi tôi có cảm tưởng người Pháp thì trong năm đã có ba người hút. Đặc biệt là giới trẻ: rất nhiều con nít mặt trẻ măng cầm  điếu thuốc trên tay. Tôi đã quen với luật lệ gay gắt của California lúc nào cũng đi tiên phong trong việc bảo vệ sức khoẻ. Năm ngoái các thành phố miền Nam California cấm ngay cả hút thuốc ngoài bãi biển nên ngửi mùi thuốc hút, cho dù là đang đứng ở ngoài đường vẫn làm tôi khó chịu vô cùng, phải đẩy hành lý đi đến chỗ thưa người.

Qua email, tôi đã dặn Trâm Anh bạn Loan đừng đi đón vợ chồng  tôi sớm nên tôi không ngạc nhiên khi không thấy Trâm Anh Vợ chồng tôi đứng tách ra khoảng hai mươi thước để có thể nhận diện Trâm Anh vì không biết cô ta đến từ hướng nào. Đang đứng lớ ngớ thì  tôi thấy có một cô Việt Nam đi bộ đến hướng tôi nhoẻn một nụ cười : “Anh Ngọc phải không?” Vợ tôi có nói cho tôi biết là cùng đi đón với Trâm Anh hôm nay sẽ có Phương Nga, một cô bạn thân của cả hai người hơn hai mươi năm về trước ở Paris mà Trâm Anh chỉ mới bắt liên lạc lại được vài tháng nay. Nhìn Phương Nga tôi lại nhớ đến kỷ niệm hãi hùng bốn năm trước  đây tôi đi đón Kim Tuyền ở phi trường Burbank, một cô bạn của vợ tôi có nhan sắc của bà Năm Sa-Đéc lúc xế chiều. Tôi không biết mặt Kim Tuyền và Phương Nga, nhưng cả hai người đều biết mặt tôi qua hình ảnh. Nhưng sự khác biệt lần này là Phương Nga có “ngoại hình khá”, hoàn toàn không giống bà Năm Sa-Đéc hay chị Tư Cầu Ông Lãnh.

-Chào chị. Tôi lên tiếng.
-Nga nhận ra anh ngay nhờ mấy tấm hình. Cẩm Loan đâu?
Tôi vói gọi vợ tôi:
-Loan, bạn Loan đây này.

Loan xoay người, hai cô bạn ôm chầm lấy nhau:
-Hello Nga.
-Bonjour Loan, Trời ơi, hai mươi mấy năm rồi mình mới gặp lại nhau.
-Trâm Anh đang đậu xe đại ngay đầu đường đó, thấy không? Mình đi đến đó nhanh lên không thôi cảnh sát phạt vì làm bế tắc giao thông.

Trâm Anh có chiếc xe minivan nên chất ba cái valise -một cái to hơn kim tự tháp Ai cập- vào sau xe không một chút khó khăn. Ba cô bạn cũ gặp lại nhau nói chuyện huyên thuyên. Tôi để ý Nga lẫn vợ tôi nói chuyện ..sạo như người Bắc:

-Hai mươi mấy năm không gặp nhau, Nga (hay Loan) trông vẫn như vậy!

Hai mươi mấy năm trôi qua, hơn 8000 ngày đã qua đi trong đời sống của một đời người mà “trông vẫn vậy” thì chỉ có các anh chị quê quán Hà-Lội như ông em bà con của mẹ tôi ở Nam-Định mới giải thích nổi. Viết thư xin tiền chúng tôi, ông giải thích lý do: “Anh ở đây phòng ốc quá chật hẹp nên bị giới hạn sự tăng trưởng trí óc, không suy nghĩ được. Nếu các em ở Mỹ có lòng gửi tiền về cho anh xây nhà rộng ra, trí óc anh được tăng trưởng, lương bổng do đó sẽ được cao hơn thì anh sẽ đa tạ các em muôn vàn. Anh sẽ khắc một tấm biển nhỏ gắn trong phòng với hàng chữ: “Công trình xây dựng nhà này là do các em ở bên Mỹ đóng góp”!

Lần nào đến Paris tôi cũng thèm ăn bánh mì thịt nguội. Tôi theo đạo bánh mì, sáng trưa chiều tối, 24 tiếng một ngày tôi có thể ăn bánh mì thay cơm mà không một lời than vãn.  Trong bốn quốc gia bán bánh mì thịt mà tôi đã có dịp mua ăn: Việt Nam, Mỹ, Canada, và Pháp, không nơi nào bán bánh mì thịt ngon bằng ở Paris. Lần này thì Nga nói Trâm Anh lái xe đến bánh mì Khai Trí ở Treisième, bảo đảm không ngon tôi vẫn phải trả tiền. Tôi lấy làm lạ tiệm bán bánh mì mà lại mang tên Khai Trí là tiệm sách, nhưng bước vào tiệm thì một bên tường họ bày bán sách báo Việt Nam thật, và một bên để bán bánh mì.  Điệu này thì ăn bánh mì Khai Trí chắc chắn sẽ mở mang trí óc của tôi. Hai đồng rưỡi Euro một ổ bánh mì, vừa no bụng mà vừa không phải vào Đại học học để mở mang trí óc thì còn đâu bằng? Cái bánh mì baguette trét mayonnaise, xen kẽ bên trong là những lát thịt nguội mầu đỏ với những mảng thịt mỡ viền đỏ, chỉ trông thôi mà đã chẩy nước miếng. Mỡ từ miếng thịt thấm vào giấy gói bánh mì tạo ra những vết mỡ tròn loang lỗ, chưa ăn mà đã thấy ngon.

Sau khi về nhà Trâm Anh ăn bánh mì, nghỉ mệt và tán dóc, Trâm Anh chở tất cả về nhà Nga. Nga  sẽ dẫn tất cả đi ăn trưa, tiệm ăn ở gần nhà nên vừa ghé nhà chơi, vừa để gặp chồng Nga. Nhà Nga  ở quận 16, Seizième, gần Radio France. Paris chia làm 20 quận. Nhà ở những quận  6, 4, 7, 8, 16..giá tiền rất đắt. Người ở Paris hầu hết ở apartment như New York vì đất đai quá hiếm hoi. Phần đông đậu xe ngoài đường, tìm được chỗ nào thì đậu ở chỗ ấy. Người nào có tiền thì mua chỗ đậu xe. Ở khu này giá 38000 hay 40000 Euro một chỗ đậu là chuyện thường. Thang máy di chuyển người lên xuống rất là nhỏ, chỉ chứa được  bốn người nên  dân Paris khi đi chợ chỉ mua đủ một bao để dễ cầm, không như người Mỹ lái xe thẳng vào driveway trong nhà, đi chợ lúc nào mua cũng ngập cả xe, ít nhất là năm, sáu bao. Mua ít ăn ít, mua nhiều ăn nhiều. Người Pháp vì thế thân hình thon đẹp, trong khi người Mỹ, ngay cả con trai tôi là dân Việt Nam nhưng đẻ ở nước Mỹ, ai nấy đùi to còn hơn cột đèn đường.

Lên lầu vào apartment nhà Nga thì anh Bảo chồng Nga đã đợi sẵn chúng tôi. Anh Nghĩa chồng Trâm Anh cũng tạt qua để chốc nữa cùng cả bọn  đi ăn trưa ở nhà hàng kế đó. Có khách từ Mỹ đến chơi là dịp để ăn mừng, anh Bảo khui chai champagne rót rượu để mọi người cùng nâng ly dốc chén. Đây là ly rượu thứ nhất của ngày đầu tiên trong chuyến đi Paris lần này của tôi. Tuy rằng không bao giờ uống rượu, tôi đã chuẩn bị hấp thụ cái hương vị chua chát vào  dạ dày trong những ngày kế tiếp để phù hợp với bao nhiêu dân Paris khác. Bienvenue à Paris!

Thứ Hai 23-April-07
Chiều hôm qua sau khi vợ chồng Nga đãi ăn trưa, ba cô bạn gái và tôi ra Champs-Élysées ăn kem, ngắm thiên hạ qua lại. Tối đó Trâm Anh chở chúng tôi xuống phố Tầu ăn mì với anh Nghĩa và chở chúng tôi về lại khách sạn. Khách sạn tôi ở là một trong những tòa nhà tiêu biểu xây lâu đời ở khắp Paris. Mặt tiền thì kiến trúc theo lối xưa nhưng bên trong họ tân trang hiện đại. Tân trang thế nào đi nữa, có những thứ không thể nào thay đổi: Thang máy nhỏ chỉ chứa được bốn người (Pháp). Người Mỹ chắc chỉ chứa được một người. Phòng ngủ cũng nhỏ so với khách sạn Mỹ, cửa sổ xưa cũ khổ không tiêu chuẩn. Ở khách sạn Mỹ rộng rãi thoải mái hơn nhưng cùng giá tiền thì phải xa Paris. Tôi muốn ở trung tâm thành phố nên chọn  chỗ này, bên cạnh  đường Champs-Élysées, và chỉ cách L’Arc De Triomphe ba trăm thước.

Sáng hôm nay sáu giờ thức dậy ra ban công khách sạn ở tầng thứ năm nhìn xe cộ qua lại dưới đường, tôi có cảm tưởng như mình đang ở khách sạn Continental ở Việt Nam. Paris không khác gì Sàigòn: Tiếng xe cộ ồn ào náo nhiệt, người qua lại tấp nập, mùi khói xăng hăng hắc trong không khí, mùi ẩm ướt của đường xá. Trước mặt Continental ở Sàigòn là tòa nhà Quốc hội lịch sử của Việt Nam Cộng Hòa. Bên phải Best Western Champs-Elysées Friedland tôi đang ở là L’Arc De Triomphe, hoàn thành năm 1836 dưới thời vua Louis Philippe.

Mỗi lần đặt chân đến Paris, nhìn những bảng hiệu, phố xá bằng tiếng Pháp, nghe dân Tây đàm thoại bằng tiếng Pháp cực kỳ thanh nhã, tôi không khỏi chạnh lòng nghĩ đến bố tôi. Bố tôi ngày xưa làm cho Pháp, dậy tôi tiếng Pháp khi tôi còn bé từ sách Cours De Langue, giải thích cho tôi la boulangerie, la pâtisserie… mà ông không bao giờ có dịp đích thân du lịch đi thăm. Số phận cho tôi may mắn lấy được vợ  tôi là người học tiếng Pháp từ lúc còn bé, đã từng ở Paris nên luôn thấy có mối liên hệ mật thiết và do đó thích thú đi Paris mỗi lần có dịp. Giá mà bố tôi còn sống thì mỗi lần đi như thế này tôi lại rủ bố tôi đi để ông ta thấy được những gì ông ta dậy con nhưng không bao giờ có cơ hội biết đến.

Sáng nay tôi muốn đi xem cái building xây dạng hình chữ nhật không có ruột, cao 100 thước,  ở La Défense, nằm ngoài Paris về phương Tây. Từ lúc máy chụp hình digital camera phát minh cho đến giờ, tôi chưa trở lại đây nên vợ chồng tôi lấy xe bus và rồi dùng métro đến đó. La Défense là khu business lớn nhất ở Âu Châu. Ngoài building tôi muốn xem còn quy tụ khoảng 14 building chọc trời cao hơn 150 thước dành cho văn phòng thương mại. Gần trạm métro cũng có một khu shopping center khá lớn và đẹp. Sau khi xem xong La Défense, cũng dùng métro, chúng tôi trở lại tháp Eiffel. Đi Paris bao nhiêu lần nhưng không lần nào leo lên tháp vì tôi ghét đứng xếp hàng mua vé. Lần này thì tôi nhủ thầm trong bụng quyết định sẽ leo lên nhưng khi đến nơi, nhìn làn sóng người đứng đợi, tôi lại quyết định thôi đợi lần sau. Sau khi ghé vào một tiệm brasserie ăn bánh mì jambon, ngồi ngoài đường ngắm thiên hạ qua lại, chúng tôi đi bộ đến Hôtel des Invalides, nơi có Musée de l’Armée và nơi quàng quan tài của Napoléon. Ước nguyện của Napoléon trước khi chết là được an nghỉ với các người đồng hương Pháp, nhưng ngay ngày hôm nay tôi đến thăm, không kể các em bé ở trường Tiểu học hay Trung học đến đây để học hỏi đề tài của lớp mình đang học, tôi chỉ thấy du khách Nhật và Trung Hoa. Có lẽ Napoléon cũng đang mỉm cười trong quan tài vì ngày xưa trong chương trình chinh phục chinh phục thế giới, ông chưa đến Nhật Bản và Trung Hoa thì bây giờ họ đến với Đại Đế.

Hôm qua gặp nhau nói chuyện chưa đã, Nga rủ chúng tôi đi ăn cơm tối hôm nay nhưng vì đã có hẹn với cháu trai của Loan lúc 8 giờ, chúng tôi đi xe bus đến phòng mạch của anh Bảo làm để nói chuyện gẫu. Anh Bảo chữa trị giảm cân cho người mập bằng châm cứu và cả thuốc Tây. Phương pháp chữa của anh ấy chắc khá hiệu nghiệm nên nhiều người nổi tiếng và minh tinh tài tử đến phòng mạch. Nếu không gặp anh Bảo thì tôi không thể nào tin là bên Pháp có người mập. Tôi hỏi anh ấy có thể châm cứu cho bụng tôi nhỏ bớt được hay không, nhưng sau khi nghe anh ấy nói bụng tôi chỉ có thể nhỏ lại nếu không dùng kim châm cứu thường mà dùng kim to bằng hai cây que đan áo lạnh, tôi thất vọng không theo đuổi ý nghĩ đó nữa.

Thứ Ba  24-April-07
Sáng hôm nay tôi phải bay đi Genève đến hãng tôi làm việc. Giờ bay là 8 giờ, tôi đã nhờ nhân viên khách sạn gọi báo thức nhưng sợ họ quên. Tôi lại không mang theo đồng hồ báo thức nên cả đêm chập chờn không ngủ.  Thấy gương mặt anh taxi người Á Đông, Loan hỏi anh ta có phải là người Việt không, anh ta trả lời phải. Trên đường đi từ khách sạn ra phi trường Orly, không hỏi mà anh ta kể chuyện hết cuộc đời của anh ta trong vòng 25 phút.

-Anh chị ở đâu đến?
-Dạ chúng tôi ở Mỹ.
-Anh chị qua đây chơi lâu không?
-Chồng tôi đi làm bên Thụy Sĩ, tôi đi theo chơi vì có bạn ở bên này. Vợ tôi nói.
-Em tên là Tho. Ngày xưa nhà em ở Mỹ Tho nên khi sanh ra em ba má em đặt tên em là Tho.

Tôi chưa bao giờ gặp ai tên là Tho, tên này đặc biệt quá nên người chắc cũng phải đặc biệt.

-Vợ em tên là Thơ.
-Vợ anh ở Cần Thơ nên tên chị ấy là Thơ?
-Dạ hổng phải, vợ em ở Sàigòn. Em qua đây năm 78. Em có ba đứa con. Ở Paris này nhớ Việt Nam lắm vì giống hệt Sàigòn hà, em về Việt Nam  hoài đó anh. Em có mười anh em , có hai người thề không bao giờ về. Anh em cãi lộn hoài. Em thấy bây giờ đất nước thanh bình rồi mình về có sao đâu. Nói thiệt với anh chưa có tài xế taxi nào mà gia đình về Việt Nam nhiều như em. Tụi con em nó thích lắm…

Rồi cứ thế anh ta tràng giang kể chuyện, đến phi trường mới ngừng. Đưa 40 Euro cho anh ta, tôi nói:
-Lần này tôi trả tiền xe, chứ lần tới nếu có gặp nhau anh phải trả tôi tiền tôi nghe anh nói nhe.

Máy bay đến Genève sớm hơn 15 phút, hành lý tôi đã ra nhưng đợi hơn 20 phút vẫn không thấy hành lý của vợ tôi. Nàng có bạn thân Lệ Hoa đợi ở ngoài và chương trình là tôi đi làm, còn nàng thì đi chơi với Lệ Hoa nên tôi nói nàng vào khai mất hành lý rồi đi ra sau. Chiều đi làm xong tôi hẹn sẽ gặp lại nàng ở nhà vợ chồng anh Tường ở Genève. Bước ra ngoài cửa, một nhân viên đội nón của hãng đã đợi sẵn để tôi nhận diện.  Anh nhân viên chở tôi về Gland là một thành phố nhỏ độ 14000 dân. Thành phố này không khác gì là nhà quê, nhà cửa thưa thớt, ruộng cỏ và  vườn nho khắp nơi. Nói chuyện với nhân viên trong hãng tôi mới cảm thấy ngu dốt vô cùng: Ai cũng nói thông thạo bốn, năm thứ tiếng: Tiếng chính thức là Pháp, rồi Anh, Đức, Ý hoặc Tây Ban Nha.

Buổi trưa Edgar dẫn tôi đi ăn trưa. Thức ăn ở Pháp đã đắt, ở Thụy Sĩ còn đắt hơn. Nhà cửa còn đắt khủng khiếp: khó có ai có thể mua nhà vì mượn tiền trả trong 90 năm, giống như bên Nhật. Cả hai chúng tôi đều gọi pizza nhưng khi người bồi đem ra tôi mới thấy kinh hồn: cái pizza tròn cỡ 10 inch (hai tấc rưỡi). Tôi nói với Edgar là tôi chỉ có thể ăn được ¼, và không tin là anh ta có thể ăn hết, nhưng anh ta nói 100% là sẽ hết vì món ăn trưa là món ăn chính của người Thụy Sĩ. Người Thụy Sĩ cũng như người Pháp nói chuyện thật lịch sự. Edgar gọi pizza cho tôi, nói với người bồi bàn: “Et pour le Monsieur….”, không như người Mỹ chỉ nói: “..and for him…” Buổi ăn trưa kéo dài một tiếng rưỡi đồng hồ. Tôi ngồi nóng lòng, không quen ăn trưa quá lâu, muốn ..tiểu ướt cả quần vì lo lắng  trở lại làm việc.  Buổi chiều làm việc xong, một nhân viên hãng hướng dẫn tôi đến khách sạn, và đưa cho tôi tôi dùng một xe của hãng. Những tỉnh nhỏ ở Pháp và Thụy Sĩ thường hay có những căn nhà dùng làm khách sạn như Bed and Breakfasts của Mỹ, chủ nhà nấu ăn cho khách, gọi là Auberge. Khách sạn của tôi là một Auberge thuộc loại to có khoảng mười phòng, và có cả nhà hàng xinh xắn ở dưới lầu. Nhìn bà chủ, tôi có cảm tưởng như bà ta vừa là bà chủ, vừa là bà nấu ăn, và vừa là người lau dọn phòng. Bà ta sổ một tràng tiếng Pháp làm tâm thần tôi hơi nao núng vì không có vợ tôi ở đây để thông dịch. Tôi hiểu loáng thoáng là bà ta bảo tôi cứ để valise đó, theo bà ta ra cửa chính để bà ta chỉ cái gì. Miệng nói “Oui, oui” nhưng tim tôi đập còn hơn lần đầu tiên gặp bồ năm lên …13 tuổi, tuy rằng bà ta có lẽ đã hơn 65 và nhan sắc thì nhất định không thể nào so sánh được với cô gái đôi mươi.

Bước ra khỏi cửa chính, ngay bên tay trái trên tường là một hộp số. Đưa cho tôi một tờ giấy ghi năm con số, bà ta nói dùng số này để mở cửa khi tôi về khuya vì sẽ không có ai mở cửa. Tôi “Merci beaucoup” rối rít. Không cần nói un, deux gì cả mà cả hai bên đều đả thông tư tưởng, thật là một phép nhiệm mầu! Lên phòng cất valise, mở cửa sổ nhìn xuống lầu mà tôi cứ liên tưởng là nhà của Bạch Tuyết và bẩy chú lùn. Chung quanh khách sạn là những tòa nhà có hình dạng ngộ nghĩnh cổ xưa mầu sắc sặc sỡ tọa lạc trên con đường đồi dốc cao chật hẹp, phong cảnh thật hữu tình.

Rửa mặt qua loa cho tỉnh ngủ, tôi xuống xe, bấm địa chỉ của anh Tường vào chiếc GPS rồi lái xe đi Genève. Gland cách Genève 30 cây số, cứ lái xe dọc theo bờ hồ rồi cuối cùng cũng đến nơi. Cảnh trí bên này hồ không đẹp bằng bên kia hồ, nhà cửa không có gì đặc sắc, dọc bờ hồ cũng chả có gì đặc biệt. Khi vào trong địa phận thành phố Genève, xe cộ đông đúc, tôi để ý dân Genève kém kiên nhẫn và lịch sự, hay bóp kèn, chỉ chỏ hướng tôi mỗi lần tôi quẹo phải. Tôi tự nhủ thầm dân chúng ở đây chật chội, chen lấn nhau suốt ngày nên người ta nóng tính. Người học cao hiểu rộng như tôi nên thông cảm nỗi khó khăn của người khác mà đừng để bận tâm. Sau này có một bận cô bạn Loan chạy theo xe tôi, cả hai phải ngừng ở đèn đỏ. Tôi quen với luật lệ giao thông bên Mỹ được phép quẹo phải khi đèn đỏ nên sau khi ngừng, nhìn không thấy xe từ bên trái đến, cứ quẹo phải tiếp để đi thì đến lượt cô ta cũng bóp kèn. Cô ta nói ở Thụy Sĩ hay Pháp không được quẹo phải khi đèn đỏ làm lúc ấy tôi mới vỡ lẽ. Hoá ra không phải dân Thụy Sĩ thiếu lịch sự mà là vì dân Mỹ ngu!

Mở cửa bước vào nhà vợ chồng anh Tường, ai cũng ngạc nhiên tột độ sao tôi mới đến Thụy Sĩ lạ đường lạ nước mà không đi lạc. Sau khi được  giải thích là nếu không có cái GPS thì sang năm tôi cũng chưa đến, ai nấy mới biết rõ lý do. Vợ chồng anh Tường ở Thụy Sĩ khá lâu, tôi biết hai người cũng hơn mười lăm năm rồi. Tôi còn nhớ lần đầu tiên đến Thụy Sĩ, anh Tường chở tôi ra hồ Genève xem cái Jet d’Eau, một luồng nước nhân tạo do máy bơm nước đẩy lên trên không, cao khoảng 140 thước. Nhìn thì chả có gì là hào hứng, chỉ là một giòng nước phun bắn cao lên trên trời, nhưng nó là một đặc điểm của hồ Genève. Xem cái dòng nước phun chả có gì đặc biệt này làm tôi liên tưởng đến một người bạn ở Vancouver, Canada sang thăm tôi ở Los Angeles vào năm thứ nhì khi hai đứa vừa rời Việt Nam, 1977. Vì mới sang Mỹ, tôi không biết danh lam thắng cảnh nào chở anh ta đi chơi nên mấy ngày liên tiếp tôi chở anh ta ra phi trường Burbank đậu ở một parking gần phi đạo, tắt máy, hai người ngồi trong xe xem máy bay ...cất cánh và đáp xuống. Chuyến đi Mỹ lần đầu tiên ấy làm anh ta nhớ cả đời: Đi du lịch sang Mỹ không xem được danh lam thắng cảnh mà đi xem máy bay hạ cánh. Lúc bấy giờ được dẫn ra xem cái Jet d’Eau, tôi tự nhủ đúng là có ông trời: tôi đang bị trả thù về tội năm xưa khách phương xa đến mà dẫn người ta đi xem máy bay!

Anh Tường tuy lớn tuổi, 55,  nhưng trông vẫn còn trẻ. Ai nhìn cũng tưởng anh mới 54. Anh giỏi việc sở lẫn việc nhà, biết nấu nhiều món ăn. Anh vừa mới được thăng  chức Phó Giám Đốc, sau khi ông Giám Đốc chết đột ngột ba tháng trước đây, sau khi  đến nhà anh Tường  ăn cơm tối thưởng thức món bún riêu do chính anh nấu.  Lúc nãy vừa bước vào nhà tôi đã ngửi mùi bún riêu. Nghe Huyên vợ anh Tường nói món này chính anh “nấu đặc biệt đãi anh Ngọc” làm tôi cảm thấy chột dạ. Nhưng suy nghĩ đi suy nghĩ lại, tôi không phải là giám đốc hãng của anh Tường thì đâu thể nào cản bước tiến chân anh lên địa vị cao trong hãng? Tôi cũng không bao giờ chê bai Jet d’Eau của hồ Genève bao giờ (dù rằng trong bụng lúc nào cũng cay cú), thì làm gì có ân oán giang hồ mà anh Tường muốn thủ tiêu tôi? Hơn thế nữa, buổi ăn tối nay ngoài vợ chồng tôi ra còn có Lệ Hoa và hai cô khác nữa. Ba cô này đều là bạn Loan hiện đang ở Genève. Làm thế nào mà thủ tiêu cả năm người cùng một lúc, nhất là cái thùng rác bên Thụy Sĩ hay Tây cũng bé tí so với bên Mỹ, không thể nào chứa hết năm xác người?

Thứ Tư 25-April-07
Sáng nay hai vợ chồng tôi  xuống nhà hàng dưới nhà ăn điểm tâm. Cái Auberge nhỏ mà lại có nhà hàng tương đối rộng rãi và sạch sẽ, khung cảnh vô cùng ấm cúng. Tuy rằng thức ăn cho petit déjeuner cũng nhẹ, nhưng không phải như Continental breakfast của Mỹ, vài cái bagel,  croissant hay bánh mì khó nuốt. Ở đây họ mang tách đĩa bày la liệt trên bàn: tách cà phê, tách sữa, bát  đường, đĩa croissant, đĩa baguette, đĩa năm loại trái cây, đĩa với ba bát confiture nhỏ khác nhau, đĩa bơ và fromage, ly nước cam, ly nước lạnh, đầy ắp cả bàn. Tôi ngồi ăn mà cứ tưởng tượng ăn ở nhà hàng Continental ở Việt Nam: thức ăn tuy không nhiều bằng nhưng nhìn vẫn thấy đầy dẫy trên bàn.

Tôi chở vợ tôi ra nhà ga Gland để nàng lấy xe điện Genève đi chơi với mấy cô bạn trong khi tôi đi làm. Rút kinh nghiệm ăn trưa hôm qua, tôi nói với Edgar không muốn ăn trưa và ở lại sở làm cho nốt việc. Mấy anh chàng Thụy Sĩ nhìn tôi với con mắt trợn trừng, hỏi lại vài lần nếu tôi muốn ăn món gì nhè nhẹ hay không. Tôi trả lời không: “Je n’ai pas faim.”  

Chiều nay chúng tôi lại hẹn gặp nhau một lần nữa ở nhà vợ chồng Tường. Món bún riêu hôm qua chưa chấm dứt được tôi nên hôm nay anh mời tôi phải trở lại, cùng với ba cô bạn hôm qua:  Lệ Hoa, Mộng Hương và Thanh Thủy. Lệ Hoa là bạn chí thân của vợ tôi từ Việt Nam và Pháp. Lệ Hoa  có lẽ giữ kỷ lục là người khách đến nhà chúng tôi ở Mỹ nhiều nhất, tuy rằng tôi và Lệ Hoa có mối thù nghìn đời vì Lệ Hoa đã khuyên vợ tôi “đừng rời  Paris sang Mỹ lấy ông Ngọc, vì đó là một lỗi lầm lớn lao”. Lệ Hoa cũng là một trong những người săn sóc chúng tôi nhiều nhất khi chúng tôi đến Paris: chở đi chơi, mua thức ăn, có lần giao apartment cho ở, đưa điện thoại cầm tay dùng…, có lẽ chỉ còn thiếu đưa xì-ke cho hút nữa là không còn thiếu một món nào hết!  Mộng Hương, biệt hiệu “bà chủ” từ bé, bây giờ lớn lên đi làm là bà chủ thứ thiệt. Thanh Thủy, người con gái Bắc kỳ duy nhất sinh  ở SàiGòn nhưng lại có giọng nói của người miền Bắc vào Nam sau 1975.    

Buổi tối trước khi về lại khách sạn, Lệ Hoa chở chúng tôi ra khu Pâquis xem khu đèn đỏ Amsterdam của Thụy Sĩ. Nói khu đèn đỏ Amsterdam cũng hơi quá đáng vì các cô đứng vòng vòng hai, ba blocks ở đây mặc quần áo hẳn hòi, thế nhưng loại quần áo thật khêu gợi không ai có thể nhầm lẫn là mấy cô ấy sắp sửa đi …chùa. Giống như hơn mười năm về trước đi dọc theo bờ hồ Genève  thấy mấy cô sans soutien mà tôi không có can đảm đưa máy hình lên chụp, lần này cũng thế: tôi để máy chụp hình ở nhà. Thế mới biết ra trận mới biết nhân tài: tôi luôn chỉ có tài nói nhưng không dám làm. Cái cá tính Don Quichote của tôi này đã được tôi diễn tả trong bài thơ “Đêm nằm bệnh viện” khi một đêm năm 1999, tôi có cảm tưởng nghẹt thở trong lúc ngủ:

                            Cứ tưởng ta đây mạnh xếp sòng.
                            Đô con rắn thịt, tựa Sam Sông.
                            Thể thao quần quật liền không nghỉ,
                            Ân ái liên hồi mãi không xong.
                            Nghẹt thở, chiều kia vào bệnh viện,
                            Đau tim, tối nọ tưởng “tăng xông”.
                            Vàng tốt hiện hình khi thử lửa,
                            Tớ là cọp giấy lúc xung phong.

Thứ Năm 26-April-07
Sáng nay sau khi ăn điểm tâm, tôi trả xe cho hãng và đi xe điện về Genève. 8 giờ tối nay chúng tôi bay về lại Paris. Lệ Hoa không bận nên đem xe đến đón chúng tôi ở nhà ga Genève rồi chở chúng tôi đi ngắm cảnh đến chiều. Lệ Hoa cho chúng tôi xem bên này hồ, khu nhà đắt tiền Cologny nơi có Sophia Loren ở, và rồi chúng tôi đến Yvoire bên phía Pháp, một thành phố ngay bờ hồ thời Trung Cổ. Nhìn kiến trúc thành lũy nhà cửa và vật dụng cổ xưa như chậu sắt, dao búa, thùng nước giếng…, tất cả làm tôi nhớ ngay đến chuyện tranh hoạt họa Asterisk và Obelisk mà tôi hằng mê say khi còn nhỏ. Ngắm bức tường kiên cố lợp bằng đá chồng chất lên nhau xây đã gần 700 năm nay, có lẽ sẽ tồn tại 700 năm nữa khi đời sống tôi chấm dứt trên dương thế, tôi không khỏi rùng mình suy nghĩ đời sống thực tại của tôi quả thật là kiếp phù du vô ý nghĩa.

Sau Yvoire, chúng tôi trở lại Genève, đi dạo xem Hôtel de Ville và khu phố chính của Genève. Đường xá tấp nập không thua gì Paris, nhưng chỉ có vài đường chính yếu, và trung bình không có gì đặc sắc. Từ khi khối Cộng sản Đông Âu sụp đổ, dân chúng từ các quốc gia ấy đến Thụy Sĩ sinh sống, mang theo sự nghèo đói và phá phách cơ sở: graffiti vẽ đầy khắp nơi như ở Paris hay ở Mỹ.    

Chiếc máy bay Easyjet đáp xuống phi trường Orly lúc 9giờ 35 tối, trễ gần nửa tiếng. Paris có hai phi trường, Charles De Gaulle và Orly. Hai valise lần này ra đầy đủ. Cái valise thất lạc lần đi Genève của vợ tôi bay sang mãi tận Rome hôm sau mới trở lại, và nhân viên hãng máy bay  đem giao tận khách sạn chiều hôm ấy. Trâm Anh đã đợi sẵn chúng tôi ở phi trường. Đã dặn sẵn chúng tôi đừng ăn cơm tối, nhưng thay vì ra phố Tầu ăn theo chương trình, Trâm Anh nói vợ chồng anh Dũng và Diễm Trang  mời về nhà ăn tối,  ở ngoại ô Créteil. Đến nơi đã 10:20 tối. Tôi lo áy náy chủ nhà thức quá khuya chờ ăn cơm với khách thế nhưng gặp lại hai vợ chồng với nụ cười niềm nở (hay đau đớn) trên gương mặt, tôi tạm an tâm. Bốn năm trước đây khi đến Paris, không biết tôi là ai mà anh Dũng nghỉ làm một ngày tháp tùng vợ đi đón chúng tôi ở phi trường. Quả thật là một nghĩa cử cảm động cần được trao tặng huy chương anh dũng bội tinh với chai rượu đỏ. Anh Dũng  thuộc loại người dùng rượu để đánh răng, bao nhiêu chai cũng vào bụng nên vì thế mà không tránh khỏi trước khi dùng bữa, chúng tôi cụng ly uống rượu apéritif, và rồi rượu đỏ lúc ăn cơm.

Thứ Sáu 27-April-07
Sáng nay Ngọc Lan  đi xe điện RER (Réseau Express Régional) đến khách sạn để cùng vợ tôi đi vòng vòng Paris. Ngọc Lan ở ngoại ô Paris, thành phố Vauréal. Métro chỉ chạy trong vòng Paris nên ai ở bên ngoài Paris phải đi RER vào. RER cũng là xe điện như métro, nhưng chạy ngừng ít trạm và nối liền Paris đến những thành phố lân cận. Tôi đã định đi chụp hình một mình nhưng nghĩ lại có mấy thuở mình đến Paris, và Ngọc Lan đã bỏ công từ nhà đến đây nên tôi quyết định tháp tùng theo hai nàng. Đàn bà thì chỉ có shopping là thú, nên tiệm đầu tiên hai người ghé đến là Benlux. Tôi vào Benlux mấy lần nhưng không lần nào hiểu hệ thống buôn bán của tiệm này. Tiệm có ba tầng, bán đủ loại đồ hiệu, duty free cho những người mang giấy thông hành ngoại quốc, và tùy theo khách hàng  là người xứ nào (xứ mình sinh đẻ), họ chỉ lên tầng thứ mấy, và có số lượng giá bớt khác nhau. Chẳng khác gì một cơ sở …mafia:

-Anh là Việt Nam? Tầng số 2, bớt 20%.
-Người Nga? Tầng số 3 , bớt 15%.
-Người Nhật? Tầng số 1 , bớt 20%.

Tôi hoàn toàn không hiểu logic của đàn bà. Ví đàn ông của tôi mua 25 dollars là vợ tôi chê đắt, thế nhưng cái ví cỏn con bỏ bạc cắc chỉ có cái tên hiệu như Longchamp, nhỏ bằng ½ ví của tôi, giá  80 dollars thì nàng khen là rẻ quá. Nhớ là mình còn được bớt 20% nữa! Tôi quả quyết mấy cái bóp hiệu như Louis Vuitton, Chanel, Christian Dior ...cái nào nó cũng có cái máy thôi miên dấu vào chỗ nào trong cái bóp. Đàn ông cầm lên thì nó không chạy nhưng khi đàn bà cầm lên thì cái máy nó phát động, thôi miên mấy bà không còn lý trí gì nữa. 400 dollars? 1000 dollars? Trời ơi rẻ quá! Sau tiệm này tôi lại ngoan ngoãn theo vợ tôi đến tiệm Greg trước Ópera, và rồi khu shopping Galeries LaFayette.  

Chiều hôm nay một cặp vợ chồng khác bạn vợ tôi, Hùng và Cúc, mời về nhà ăn cơm với vài người bạn. Nhà của Hùng & Cúc ở ngoại ô thành phố về phía Đông Nam Paris nên chúng tôi đi RER đến sở làm, rồi từ đó họ chở chúng tôi về nhà.Tôi đã gặp cả hai vào tháng 7 năm ngoái khi đi Montréal dự đám cưới con trai của hai người. Cúc có hẹn thêm hai cặp vợ chồng khác và anh Toại, quen với Loan và Cúc thời còn ở SàiGòn. Cúc cảnh cáo cho tôi biết trong chín người, tất cả là người Nam, chỉ có mình tôi là người Bắc nên dù rằng trời Paris nóng hơn bình thường, tôi cảm thấy trong lòng hơi rét. Cúc nấu mấy món ăn Tây ngon hết sẩy. Tôi để ý đàn bà Việt Nam bên Pháp ai cũng giỏi nấu ăn, và ai cũng nấu món ăn Tây được. Mỗi lần ăn uống dọn muỗng nĩa sắt, bát đĩa sành hẳn hòi, thật là trịnh trọng. Trong khi bên Mỹ thì chả sang một tí nào, đông người thì dùng muỗng nĩa plastic, đĩa giấy, ăn xong rồi vất. Tôi lại phải cùng với mọi người nhâm nhi một tí rượu khai vị, rượu đỏ đen vàng trắng. Mấy ông con trai cố giải thích cho tôi nghe cái thú uống rượu, so sánh rượu với vẻ đẹp và sự quyến rũ của người đàn bà. Ăn món nào: cá, thịt bò, thịt chuột, fromage..thì uống rượu nào mới ngon… . Hèn gì người Pháp nổi tiếng romantic là phải. Ở bên Mỹ mà đề cập đến vẻ đẹp và sự quyến rũ của một nàng nào đó không phải là vợ mình thì chỉ ăn chổi chà của vợ. Một khi đã ăn chổi chà rồi thì không có rượu nào uống với chổi chà mà thấy ngon hết.

Thứ Bẩy 28-April-07
Hôm nay lên nhà Ngọc Lan ở Vauréal ăn trưa. Sáng chúng tôi dậy sớm nên lấy RER đến trạm cuối cùng gần nhà Ngọc Lan, rồi Ngọc Lan ra đón. Chuyến RER rời Charles De Gaulle Étoile là 8 giờ 33 phút. Đến hơi sớm nên tôi rủ vợ tôi ra đứng trước L’Arc De Triomphe chụp thêm vài tấm hình. Chung quanh chúng tôi không một bóng người, ngoại trừ hai anh chàng người Rệp đang tiến về hướng tôi. Đã được nhiều người cảnh cáo có nhiều cướp giật ở Paris, tôi tiến đến để phòng thủ cái xách tay máy chụp hình để dưới đất. Khi đi ngang tôi,  một trong hai tên Rệp, tay cầm một tờ báo, chạm giầy vào giầy tôi. Tôi vẫn không để ý đến hắn và khom lưng cúi xuống, mắt để ý đến máy và bao máy chụp hình. Tên Rệp đó quay người lại đến gần tôi, chạm giầy và chân hắn vào chân và giầy tôi một lần nữa, người hắn và người tôi sát bên nhau, miệng xổ tiếng của xứ hắn inh ỏi. Tôi phân tâm,  nhìn máy chụp hình, nhìn vợ tôi sợ nàng bị hành hung hay có thể bị giật bóp, nên không hiểu hắn ta nói gì. Đúng lúc đó thì hắn ta bước rời xa tôi. Trong cái tích tắc đó, tôi nghe vợ tôi  hét lên và giật lại cái ví của tôi trên tay hắn. Hắn đã móc ví từ túi quần sau của tôi mà tôi không để ý vì chỉ lo nhìn xuống giầy nơi hắn chạm chân của mình! Hai tên Rệp bỏ chạy. Tôi kinh ngạc là tên này móc ví từ trong túi tôi mà tôi không hề hay biết. Vợ tôi đang lo sợ, một tay ôm chặt cái ví của nàng, tay kia bấu chặt cái ví của tôi. Khi tôi lấy lại cái ví của tôi từ tay nàng, tôi mừng to vì lấy lại được ví nên cứ để hai tên Rệp ấy bỏ chạy. Hoàn hồn xong, tôi mới nghĩ đến việc mở ví ra xem: $120 Euro tôi để trong ví tên Rệp đã lấy mất! Khi rút ví của tôi từ túi quần, tên Rệp đã dùng tờ báo làm bình phong che không cho vợ tôi thấy. Lấy được ví, hắn đã nhanh nhẹn mở ví, rút tiền tôi để ở giữa ví rồi cất trong túi hắn. Khi vợ tôi giật lại ví thì tất cả mọi chuyện đã xong. Nhưng cũng may, tiền mất nhưng bao nhiêu giấy tờ quan trọng vẫn còn nguyên. Sách báo du lịch về Paris luôn luôn cảnh cáo coi chừng móc túi, tôi một phần quá ư tự tin nghĩ rằng không thể nào có ai móc túi quần mà tôi không biết, một phần lo nghĩ giữ cái máy chụp hình sợ nó giật bỏ chạy nên ví mới bị móc. May mà vợ tôi nhanh mắt giật lại được, chỉ mất tiền mà không mất giấy tờ. Rút tỉa kinh nghiệm, lần tới ai có đi Paris nên để lại bóp, ví ở khách sạn và chỉ nên đem một số tiền nhỏ bỏ trong túi. Tháng vừa rồi đi North Carolina bị bể bánh xe, không có chồng thay bánh thì vợ có lẽ kẹt đến tối đợi họ đến thay xe. Lần này đi chơi Paris, không có vợ giật lại cái ví thì chồng đã rồi đời trong ngõ hẹp. Đi du lịch ở đâu hai người cũng có lợi hơn một người.

Lần này thể theo lời yêu cầu của tôi Ngọc Lan nấu lại món “choufleur au gratin” tôi thích khi ăn ở đây sáu tháng trước. Ăn lại vẫn ngon vô cùng. Xứ Pháp đang ở vào hai tuần lễ cuối cùng bầu cử Tổng Thống nên tất cả mọi người: vợ chồng Diễm Trang, anh Hưng, vợ chồng Trâm Anh, anh của Ngọc Lan, trừ hai du khách Cờ Hoa là vợ chồng tôi, bàn thảo hăng say nên bầu cho phe droite –ông Nicholas Sarkozy hay phe gauche – bà Ségolène Royal. Anh Nghĩa là người tích cực tổ chức các sinh hoạt ủng hộ ứng cử viên Tổng Thống Sarkozy nên cuộc bàn thảo thật là linh động (xem link: http://4.upload.dailymotion.com/tag/france/video/x1ttiy_pham-van-nghia. Ở nhà anh Nghĩa & Trâm Anh có hình hai vợ chồng chụp chung với Sarkozy. Hy vọng nếu Sarkozy đắc cử thì ít ra tôi có quen một người biết Tổng Thống Pháp!)  Tông-Tông Bush bây giờ có mặt ở đây thì bảo đảm bỏ mạng sa tràng. Lời qua tiếng lại, tôi ngồi giữa cho dù rằng không dám nói một tiếng gì nhưng vẫn lo sợ cho sinh mạng mình vì biết rằng dân Pháp không thích Mỹ.  Tôi là người rất cẩn thận, biết rằng một khi bước chân vào Paris là mang thân nạp mạng cho quân …địch nên đã đem theo cái thẻ học sinh ở Việt Nam ngày xưa năm lớp 11. Chốc nữa đây lỡ bác Dũng rượu say túy lúy hét với tôi: “Đồng chí cho xem giấy thông hành!” thì tôi sẽ dấu cái passport của Mỹ mà cho bác ấy xem cái thẻ học sinh năm xưa của tôi với quốc tịch Việt Nam, bảo đảm không dân Pháp nào sẽ làm thịt tôi hết.

Chiều về vợ chồng tôi đi quá giang Diễm Trang  thăm vợ chồng anh của vợ tôi ở Créteil.  Chúng tôi có hẹn ăn tối ở nhà hàng của Trâm Anh và anh ấy cũng có hẹn ăn ở chỗ khác nên nhân tiện đưa chúng tôi ra nhà ga Lyon để chúng tôi đi métro về lại khác
_________________
HÃY ĐẾN CHIA NHAU NGHÈO KHÓ , QUÊN LO TƯƠNG LAI MỊT MỜ , HÃY CỐ YÊU NGƯỜI MÀ SỐNG , LẦU DẦN RỒI ĐỜI CỦNG QUEN
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tản Mạn Cuộc Sống Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân