Một nghiên cứu mới vừa được công bố trên tạp chí Journal of Clinical Investigation, đã đưa ra một phát giác bất ngờ: bị nhiễm COVID nặng lại có thể giúp thu nhỏ các khối u ung thư.
Dù chỉ mới được kiểm chứng ở chuột, phát giác này mang đến những hy vọng mới trong điều trị ung thư và những hiểu biết mới về mối quan hệ phức tạp giữa hệ thống miễn dịch và tế bào ung thư. Tuy nhiên, các khoa học gia cũng cảnh cáo rằng điều này không có nghĩa là mọi người nên cố tình để mình bị nhiễm COVID thử cho biết.
Từ lâu, hệ thống miễn dịch đã được chứng minh là đóng vai trò then chốt trong việc chống lại ung thư. Nhiều loại thuốc hiện đại đang được phát triển nhằm khai thác sức mạnh của hệ miễn dịch để tiêu diệt tế bào ung thư. Đây cũng là một trọng tâm quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu của Justin Stebbing, giáo sư Khoa học Y sinh, Đại học Anglia Ruskin.
Nghiên cứu mới tập trung vào một loại bạch cầu đặc biệt, gọi là tế bào bạch cầu mono (monocyte), đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể trước nhiễm trùng và các mối đe dọa khác. Tuy nhiên, trong cơ thể bệnh nhân ung thư, các tế bào tế bào bạch cầu mono đôi khi bị khối u “chiếm đoạt” và chuyển hóa thành các tế bào “thân thiện” với ung thư, giúp bảo vệ khối u khỏi hệ thống miễn dịch.
Nghiên cứu mới phát giác ra rằng khi bị nhiễm COVID nặng, cơ thể sinh sản ra một loại tế bào bạch cầu mono đặc biệt, có tính chất chống ung thư mạnh mẽ. Những tế bào này ban đầu được “huấn luyện” để chống lại siêu vi trùng COVID, nhưng vẫn giữ lại cách tiêu diệt tế bào ung thư.
Nhóm nghiên cứu đã tập trung vào kết cấu di truyền của siêu vi trùng gây COVID-19. Họ nhận thấy ra rằng những tế bào bạch cầu mono này có một thụ thể đặc biệt, liên kết chặt chẽ với một trình tự RNA riêng của siêu vi trùng. Ankit Bharat, một khoa học gia thuộc nhóm nghiên cứu từ Đại học Northwestern ở Chicago, đã dùng hình ảnh “ổ khóa và chìa khóa” để giải thích mối quan hệ này: “Hãy hình dung tế bào bạch cầu mono là ổ khóa, và RNA của COVID là chìa khóa. Trong trường hợp này, RNA COVID là chiếc chìa khóa vừa vặn hoàn hảo với ổ khóa đó.”
Để kiểm chứng, các nhà nghiên cứu đã tiến hành thí nghiệm trên chuột mắc bốn loại ung thư giai đoạn 4 khác nhau, bao gồm ung thư tế bào hắc tố (melanoma), ung thư phổi (lung cancer), ung thư vú (breast cancer), và ung thư ruột kết (colon cancer).
Họ sử dụng một loại thuốc mô phỏng phản ứng miễn dịch mạnh tương tự như khi cơ thể nhiễm COVID nặng, kích thích sản xuất các tế bào bạch cầu mono “được huấn luyện.” Kết quả thật đáng kinh ngạc: các khối u trong cơ thể chuột bắt đầu thu nhỏ ở cả bốn loại ung thư.
Không giống như tế bào bạch cầu mono thông thường – thường bị khối u chuyển hóa thành các tế bào bảo vệ khối u – các tế bào bạch cầu mono “được huấn luyện” này giữ nguyên cách tiêu diệt tế bào ung thư. Chúng có thể di chuyển đến vị trí của khối u – điều mà hầu hết các tế bào miễn dịch khác không có. Khi đến nơi, chúng kích thích các tế bào sát thủ tự nhiên (natural killer cells), giúp tiêu diệt tế bào ung thư và làm khối u thu nhỏ lại.