Từ đất Hoa Kỳ cách xa ngàn dặm, đột ngột được tin mẹ lâm trọng bệnh, tôi hối hả cùng em trai tôi, cũng đang định cư tại Hoa Kỳ, mua vé máy bay trở về Plei Bưràu, nơi chôn nhau cắt rốn của tôi, ở Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận, miền Trung Việt Nam. Xuống phi cảng Tân Sơn Nhất, ngồi trên xe từ Sài Gòn về Phan Rang, lòng tôi cứ thấp thỏm mong chờ mau về đến nhà để nhìn được mặt mẹ.
Ở vào ngưỡng cửa tuổi thất thập, đã có rể, có dâu, tôi bỗng nhiên đang sống lại với những cảm giác diệu vợi ngày nào còn thơ trẻ. Bản thân chưa chắp cánh bay xa, mỗi buổi chiều tà núp sau cánh cửa mong ngóng mẹ cả ngày trở về với công việc đồng áng, trở về với gia đình.
Vừa vào đến nhà, tôi chạy đến ôm chầm lấy thân gầy guộc của mẹ, nước mắt tuôn trào thổn thức khi cảm giác mẹ vì bệnh già không có sức lực truyền hơi ấm cho con như ngày nào. Lòng tôi ray rứt khôn tả với mặc cảm thiếu sót, hầu như không thể tha thứ được, vì đã không ở bên cạnh mẹ để chu toàn bổn phận của đứa con trai trưởng cắt ruột đối với mẹ già đã hy sinh quá nhiều cho cái "cái".
Sống trên đất Mỹ tập trung, tôi đã lăn xa vào cuộc sống thường nhật. Sớm tối phải đối mặt với những thử thách cam go để bao bọc tiểu gia đình, bao gồm vợ và các con của riêng mình, đúng như ý nghĩa của thành ngữ "mend ends" và vùi đầu từ đầu tháng đến cuối tháng với hàng loạt hóa đơn tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tiền chợ, v.v... sao cứ tới tháng nào cũng như tháng nào!
Đó là chưa kể đến những cảm giác khó khăn nảy sinh khi liên tưởng đến bản thân lúc trở về gia đường lão gọi là "nursing home". Ở đây, các cụ già, hoặc do y học, hoặc do con cháu đưa vào, sống trong những căn phòng đầy đủ tiện nghi vật chất, hầu như không thiếu một thứ gì, nhưng suốt ngày cứ phải nhìn ra ngoài, mong một người nào đó tạt qua trao đổi một lời chào, một nụ cười, dăm ba câu chuyện để xua tan bầu không khí cô đơn, buồn tẻ, chán ngắt, chỉ có nhân viên đến giờ tới phụ giúp một số việc lặt vặt.
Điều éo le là, con cháu của các cụ này nào phải là những người nghèo khổ gì đâu! Trái lại, hầu hết họ là những người dư ăn, dư để, thậm chí còn là luật sư, bác sĩ, kỹ sư, nha sĩ, doanh gia, v.v... Không thuộc giới thượng lưu thì cũng là trung lưu. Đó là chưa kể đến trường hợp các con dâu, sớm thấm nhuần lối sống Mỹ nặng nề đòi hỏi cá nhân quá trọn vẹn, chỉ muốn sống cuộc sống vợ chồng theo ý riêng mình, không chịu sống chung với cha mẹ già "lạc hậu", nhiều thói tật không thích hợp!
Quay nhìn lại trong nhà, giữa khung cảnh quá quen thuộc mà tôi đã sống qua thuở thiếu thời, tôi thấy đủ tất cả anh chị em ruột, các cô bác trong và ngoài dòng tộc. Mọi người nở nụ cười chào hỏi, nhưng ánh mắt người nào cũng tiềm ẩn những mối lo âu thấp thỏm chung về bệnh tình của mẹ tôi. Không biết sao, tôi lại cảm thấy như đang có một luồng hơi ấm lan tràn đâu đây! Như tạo nên một sức sống mãnh liệt dưới mái nhà ấm cúng.
Thật là ấm cúng! Mẹ già bệnh hoạn của tôi đang nằm đó, tạo thành trung tâm điểm của cuộc sống! Tựa hồ như một kim nam châm cuốn hút các anh, chị, em và dòng tộc tôi lại với nhau. Tôi cảm thấy tình anh chị em ruột, sự gắn bó sâu đậm giữa các thành phần trong dòng tộc dường như đang được hâm nóng lại và âm ỉ cháy bùng lên, khơi dậy trong lòng người tình ưu việt của thể chế đại gia đình của truyền thống dân tộc Champa mà giờ phút này tôi mới cảm nhận đến mức tột cùng ý nghĩa và chân giá trị trong nước mắt và suy tư.
Trong cơ cấu đại gia đình truyền thống dân tộc Champa được xây dựng trên cơ sở mẫu hệ, mặc dù theo thời gian đã trải qua nhiều biến đổi do tác động của xã hội bên ngoài, về cơ bản, đứa con gái út bao giờ cũng thụ giữ vai trò rường cột tiếp nối dòng tộc; người con trai lập gia đình phải sang sống bên nhà vợ, cho đến khi chết, thân xác được mang về chôn (nếu là dòng tộc Cham Awal) hoặc hỏa táng (nếu là dòng tộc Cham Ahier) đất đai nghĩa trang hoặc "Kut" của dòng họ mẹ. Do đó, trong xã hội Cham, vai trò người mẹ là vai trò trong cuộc sống vật chất lẫn tinh thần, qua những cơ cực tảo tần nuôi dưỡng con cái và tiếp tục nối dòng tộc.
Sự việc diễn ra hiển nhiên như dòng suối chảy, nhưng sự thực lại tiềm tàng những đức tính kiên trì hy sinh vô bờ bến của người mẹ Cham. Cho đến khi chính bản thân tự gánh vác lấy trách nhiệm bao bọc một tiểu gia đình của riêng mình, người ta mới cảm thấy tâm ý nghĩa đến mức nào!
Thân người mảnh mai của người mẹ Cham phải chịu đựng gánh nặng hậu nhu ngàn cân trên đôi vai và có khi lại còn phải kín đáo nói dối cha để che đậy một vết thương của đứa con lầm lỡ! Lòng người mẹ Cham vị tha, bao bọc, thường là lo cho con, thật là không có bến bờ. Tập quán đó đã khiến sự quay quần của con cái bao quanh người mẹ Cham, dù bản thân đã trưởng thành, thậm chí đã tạo dựng gia đình của riêng mình, thành một giá trị xã hội bất di bất dịch, một phong cách văn hóa cao quý được giao lưu từ đời này sang đời khác trong các thôn ấp Champa.
Trên cơ sở vị tha và bao bọc truyền thống kể trên trong vòng rào của thôn ấp, dân tộc Champa thời cổ đã nâng cao vai trò người mẹ lên cấp đất nước, xây dựng nên truyền thuyết về Pô Inu Nagar (còn mệnh danh là Muk Juk) là Đấng Quốc Mẫu hoặc Bà Chúa Xứ, được tôn thờ như một thần linh bao bọc con dân theo phong cách ảnh hưởng đạo Bàlamôn, đứng nên ngôi Tháp Pô Nagar cổ kính, ngạo nghễ che ngự trên ngọn đồi quay hướng ra biển ở xóm bóng, Nha Trang.
Trong lịch sử, sau khi triều đình nhà Nguyễn nước Đại Việt tiên chiếm việc Kauthara vào khoảng năm 1652-53 dưới thời Patao Po Nrop, người Chăm co cum trong vùng Parang-Parik, sau khi tình hình lắng diệu, vẫn nhận thức góp nhặt huy động phương tiện nghèo nàn xây dựng một ngôi miếu khiêm tốn nhỏ tại làng Hữu Đức, Phan Rang tiếp tục việc thờ tự.
Điều lý thú được ghi nhận ngọn tháp Po Nagar ở Nha Trang, không còn người Chăm sống bao quanh, lại được người dân Việt, do tín ngưỡng tiếp tục duy trì việc thờ tự nhang khói nghi ngút đến ngày nay, lôi cuốn khách thập phương đến xin xâm van cầu một điều gì, đồng thời là một trung tâm du lịch hấp dẫn nữa.
Theo ghi nhận của nhà biên khảo Li Tana, giáo sư sử học tại đại học Wollongong, Australia, Po Inu Nagar của dân tộc Champa còn được người Việt biến thể, tôn vinh thánh Thiên Y Thánh Mẫu, một thần linh được trở ra phương Bắc, được tôn thờ tại một vài ngôi đình miểu lân cận đất Huế nữa.
Vượt qua một vài phút giây xúc cảm đột ngột, tôi quay nhìn ra bên ngoài cửa, thì nhận ra ngay bao nhiêu là gương mặt thân quen của các bậc trưởng thượng, của quý bà con cô bác bạn bè trong thôn, cùng lo lắng đến thăm hỏi bệnh tình của mẹ tôi.