TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Chim sắt giữa trời
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Chim sắt giữa trời

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Cà Kê Dê Ngỗng
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
THANH BINH



Ngày tham gia: 26 Jun 2008
Số bài: 162

Bài gửiGửi: Sat May 25, 2024 11:04 pm    Tiêu đề: Chim sắt giữa trời

Chim sắt giữa trời
Trần Lý Lê



Di chuyển bằng tàu bay khá nhiều trong công việc, tính ra là cả triệu dặm trời mây mà chẳng mấy khi phe ta thắc mắc về đàn chim sắt đưa mình đi khắp chốn. Dế Mèn đang nói về phi cơ và đường hàng không bạn ạ! Bây giờ rảnh rỗi mới lẩn thẩn tự hỏi mấy câu “làm thế nào...?” và phe ta nhận ra rằng đi mây về gió [theo nghĩa đen chứ không phải lơ mơ với phù dung tiên tử] có khá nhiều chuyện để lan man, gần gũi nhất là việc đàn chim cánh sắt lên mây và xuống đất ngoài việc chế tạo đàn chim muôn vẻ nọ. Nhân viên phi trường phải sửa soạn những gì trước khi phi cơ cất cánh? Thức ăn nước uống nóng lạnh cho hành khách? Không khí luân lưu và được lọc thế nào để ta có thể hít thở an toàn? Nhà vệ sinh hoạt động ra sao ở 40 ngàn bộ Anh lơ lửng?...

Ðó là một danh sách dài thòng những công việc mà cả đội ngũ nhân viên phi trường, ground crew, cũng như phi hành đoàn phải răm rắp làm theo đúng thứ tự trước sau để phi cơ có thể lên xuống tạm đúng giờ. Từ việc ráp cầu vào hành lang lối ra để hành khách có thể lên tàu cho đến lúc phi công mở máy, đưa tàu ra phi đạo và sẵn sàng cất cánh. Lúc nằm chờ tại cổng ra vào thì nhân viên đưa hành lý vào bụng con tàu, những thùng thức ăn, thức uống được đưa vào thân tàu. Phòng vệ sinh được lau chùi, đổ đầy nước mới vào thùng chứa sau khi hút sạch bồn chứa nước thải từ chuyến bay trước. Lượng xăng được tính toán cẩn thận theo thời khóa biểu của đường bay và con tàu nằm chờ hành khách. Máy móc hoạt động nhờ năng lượng từ máy phát điện của phi trường, hệ thống điều hòa không khí lọc và giữ độ mát trong thân tàu... Thế là con chim sắt sẵn sàng cất cánh.

Giữa không gian, làm thế nào để giữ con tàu phi thân đi tới ở vận tốc 600 dặm / giờ là việc của phi công và các tay kỹ sư hàng không, Dế Mèn chẳng biết chi về những công việc ấy nên đành chịu, không dám thắc mắc cho lắm nhưng lại tò mò về những công việc xem ra giản dị như nấu nước sôi để pha cà phê, hâm nóng thức ăn bằng lò điện trong thân tàu bay, nhà vệ sinh hoạt động ra sao khi chẳng có... ống nước nào để dội cho sạch bồn cầu hay chậu rửa tay...

Chuyện giản dị như đời sống hằng ngày trong nhà như thế mà lại nhiêu khê lắm bạn ạ! Nguồn năng lượng để nấu cơm, quên, nấu ăn, đun nước cũng như chạy tủ lạnh trong thân tàu bay đến từ “cục” pin khổng lồ trong dàn máy. Hóa ra năng lượng xuất phát từ pin đã được sử dụng từ lâu lắm rồi, chỉ có điều là ta chẳng để ý đến “nó” mà thôi; chuyện pin -năng lượng chỉ được nhắc đến khi ta dùng điện thoại di động, rồi xe tự [vận] hành khoảng 20 năm trở lại đây.

Nước dùng trong thân tàu thì sao? Từ một thùng dự trữ bạn ạ! Tất nhiên thùng dự trữ có giới hạn, càng trữ nhiều nước thì tàu càng nặng và càng hao nhiên liệu và các tay kỹ sư kia phải tính toán cẩn thận, mỗi người trên tàu [có thể] dùng bao nhiêu nước để rửa tay, rửa mặt, đánh răng... rồi theo đó mà tính toán sao cho tạm đủ dùng. Còn bồn cầu thì làm thế nào? Nước đâu cho đủ mà tháo rửa chất thải? Ôi chao cái mục nhà vệ sinh này mới nhiêu khê làm sao!?

Gần đây, hệ thống liên kết liên mạng trên phi cơ trở nên phổ thông hoạt động ra sao khi tàu bay lơ lửng? Tất nhiên là chẳng có dây nhợ chi cả mà hoàn toàn tùy thuộc vào các vệ tinh trong không gian, phát sóng và thu sóng. Các antenna trên nóc tàu làm công việc thu góp sóng điện từ hệ thống vệ tinh kể trên. Theo ông Don Buchman, giám đốc điều hành có gốc gác kỹ sư hàng không của công ty Viasat, công ty cung cấp dịch vụ Wi-Fi trên phi cơ lớn nhất, các con tàu trang bị Wi-Fi của Viasat thu nhận sóng từ các vệ tinh đặt cách mặt đất cỡ 22,000 dặm (36,000 kilometers), dọc theo đường xích đạo. Ở độ cao ấy, các vệ tinh kia có thể “thấy” khoảng 1/3 mặt đất. Tính sơ sơ, ta chỉ cần cỡ 3 vệ tinh là có thể liên kết với liên mạng trong khi bay bổng khắp thế giới; nhưng công ty Viasat khoe rằng họ có đến 18 vệ tinh. Và hành khách tha hồ sử dụng!

Trở lại với các thứ lỉnh kỉnh như thức ăn uống, nhà vệ sinh... trong thân tàu. Theo ông Al St. Germain, một cố vấn chuyên nghiệp về kỹ nghệ hàng không thì việc chi trong tàu bay cũng khó khăn gấp đôi gấp ba những việc trên mặt đất kể cả những công việc giản dị nhẹ nhàng nhất vì nhiều lý do, chỗ đứng, ngồi giới hạn, nhiên liệu sử dụng cũng giới hạn và nhất là các công việc ấy phải hoàn tất khi ta lơ lửng giữa trời mây, “high altitude”. Đặc biệt là ngày nay, bá tánh xem ra băn khoăn về môi sinh nhiều hơn, kỹ lưỡng hơn, ai nấy đều áy náy về lượng nguyên liệu sử dụng, làm thế nào để tiết giảm năng lượng trong mọi công việc, chuyện bay bổng cũng thế. Từ đó, ta thường gặp chữ “sustainability”. Hãng hàng không nào tiết kiệm năng lượng là có quyền “khoe hàng”, quảng cáo. Người trẻ có khuynh hướng chọn các chuyến bay ít tai hại cho môi sinh (?) khi kinh nghiệm bay bổng (hay passenger experience, “paxex”) tương đương như nhau; hãng hàng không nào thân thiện với môi sinh thì dễ thu hút người trẻ.

Thức ăn trên tàu bay thường bị chê bai nặng lời, món nguội ăn liền (theo nhà hàng đóng gói sẵn rồi khuân lên tàu) đã đành mà món nóng (trên các chuyến bay dài hoặc qua đêm) cần nấu nướng lại thì bị chê dữ dội hơn nữa. Tất nhiên là thịt cá chi cũng phải nấu sẵn rồi nướng lại chứ tiếp viên hàng không đâu có phải đầu bếp mà xắn tay áo, đeo tạp dề rồi loay hoay dù đôi khi cũng có người mặc áo đầu bếp ra giới thiệu bữa ăn tối trong lúc bay bổng?

Dế Mèn rẽ ngang để kể một chút về kinh nghiệm bay bổng riêng mình. Có một lần phe ta được “ăn theo”, túm đuôi sếp lớn nhất lên phi cơ của công ty đi từ Basel về New York. Ôi chao, thứ gì trong thân tàu cũng khác thường, từ ghế ngồi đến phòng vệ sinh; mọi dịch vụ đều nhịp nhàng tuần tự lớp lang xuất hiện theo thời khóa biểu. Đi phi cơ riêng nên chẳng ai soát vé, xe công ty đưa người đến tận chỗ phi cơ đậu sẵn, ta cứ việc tà tà bước lên tàu. Vừa an vị đã được mời “giải khát” với đủ loại thức uống, bữa ăn kéo dài gần 2 tiếng với các món ăn gọi theo thực đơn, nấu nướng tại chỗ. Phe ta vừa nếm thức ăn uống vừa ngẫm nghĩ việc nấu nướng trong thân tàu cách mặt đất 35 ngàn bộ Anh... và thầm hiểu tại sao bá tánh say mê và tranh giành ngôi sếp lớn.

Bây giờ thì biết sơ sơ về cách hâm nóng thức ăn trong phi cơ đang lơ lửng giữa trời. Hầu như mọi tàu bay đều trang bị nhiều lò nướng convection to kềnh càng để có thể hâm nóng nhanh chóng 50-60 dĩa thức ăn cùng lúc; tất nhiên là các dĩa thức ăn ấy đã được đóng gói và nấu nướng sẵn từ nhà bếp dưới đất. Các lò nướng ấy chỉ được sử dụng sau khi phi cơ cất cánh và an vị tại độ cao đã định vì khi cất cánh, con chim sắt kia tận dụng năng lượng từ hệ thống điện năng.

Đèn đóm, nước nôi sử dụng trong thân tàu thì Dế Mèn biết rồi, còn mấy cái nhà vệ sinh kia thì sao? Bao nhiêu nước mới đủ cho mấy trăm hành khách sử dụng trên những chuyến bay dài cả nửa ngày hay lê thê hơn?

Trước đây thì người ta dùng nước như nhà vệ sinh dưới đất, chỉ tiết kiệm hơn chút đỉnh nên con chim sắt è ạch vì chở nặng nhưng đến năm 1975 thì ông James Kemper phát minh và giữ tác quyền của hệ thống “hút” bồn cầu, “vacuum flush system.” Hệ thống này bao gồm một ống dài nối với thùng chứa chất phế thải trong nhà vệ sinh và bơm, hoạt động dưới áp suất; trong suốt chuyến bay, hệ thống “hút” hoạt động qua sự khác biệt của mức áp suất khi tàu cất cánh và khi nằm trên mặt đất. Lúc sử dụng nhà vệ sinh, bấm nút “flush” hay “tháo”, cái van dưới bồn cầu mở ra và áp suất hút bỏ chất phế thải. Khi xong việc, cái van kia tự đóng lại. Với là, bồn cầu tráng Teflon nên chất phế thải thoát xuống bồn chứa dễ dàng.

Ống dẫn và bồn cầu tương đối nhỏ nên khi hành khách ấm ớ nào đó bỏ cả tã lót vào bồn cầu thì chuyện tắc nghẽn xảy ra và phòng vệ sinh bất khiển dụng. Trên chuyến bay đường dài mà 2, 3 phòng vệ sinh tắc nghẽn như thế thì tàu phải đáp cánh. Tệ hại hơn, chẳng may khi hệ thống hút/bơm kia trục trặc, bồn chứa rò rỉ giữa trời [không khí ở độ âm] thì chất phế thải đông đá rơi xuống đất, thứ ‘blue ice’ mà hãng hàng không ngán ngẩm. Luật pháp cấm phi cơ cất cánh khi phòng vệ sinh không hoạt động bình thường.

Mới mẻ hơn, gần 50 năm sau ngày hệ thống Kemper ra đời thì công ty Jamco của Nhật trang bị luôn cả bidet, bồn rửa, trong nhà vệ sinh để hành khách rửa cả bàn tọa sau khi ‘giải phóng’ trực tràng! Những chuyến bay của hãng hàng không như JAL, Al Nippon Airways và Oman Air đã trang bị thứ bồn rửa này.

Khi con chim sắt đáp cánh, nhân viên phi trường lại bắt đầu công việc của họ, dọn dẹp nhà vệ sinh, bơm nhiên liệu, khuân thức ăn uống mới lên tàu... Mọi hoạt động sửa soạn cho chuyến bay tới.

Các kỹ thuật “taxi” (đưa con tàu từ chỗ đậu ra phi đạo để cất cánh và ngược lại) mỗi ngày một cải tiến để bảo vệ môi sinh, tiết giảm tiếng động và nhiên liệu sử dụng, từ hệ thống bánh xe dưới bụng tàu bay đến máy móc điều khiển. Kỹ nghệ hàng không hoạt động dưới sự nhìn ngắm của những đôi mắt bảo tồn môi sinh nên với đà thay đổi này, ta sẽ thấy các con chim sắt bay nhẹ nhàng hơn, tiêu xài ít nhiên liệu hơn, hành khách sẽ thoải mái hơn với hệ thống không khí trong sạch hơn trong thân tàu?


Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Cà Kê Dê Ngỗng Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân